Những góc nhìn Văn hoá

Từ đường biên văn hoá làng đến đường biên văn hoá dân tộc - quốc gia

1. Làng và văn hóa làng là một nội dung chính yếu trong nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Không một công trình nào nghiên cứu văn hóa Việt Nam lại không trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến văn hóa làng. Làng và văn hóa làng cũng là một trọng tâm của khoa học xã hội nhân văn Việt Nam, được nghiên cứu ở nhiều góc độ, từ sử học, dân tộc học, tâm lý học, văn hóa dân gian đến kinh tế học, chính trị học, xã hội học và triết học.

Những năm gần đây xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu sự biến đổi của làng xã và văn hóa làng xã Việt Nam, những chuyển đổi đáng kể và cả những hạn chế của quá trình chuyển đổi các quan hệ xã hội cơ bản, nghiên cứu các phương án phát triển cộng đồng làng xã, xây dựng “làng văn hóa” trong chiến lược tổng thể xây dựng văn hóa Việt Nam. Đúng như GS Hà Văn Tấn nhận định, có nghiên cứu làng xã chúng ta mới nhận thức đầy đủ xã hội và văn hóa Việt Nam trong lịch sử, để từ đó tìm được những biện pháp đúng đắn xây dựng nông thôn mới hiện tại.

2. Tuy nhiên, trong bài viết "Làng, liên làng, siêu làng- mấy suy nghĩ về phương pháp" đã công bố trên Tạp chí khoa học- Đại học Tổng hợp, số 1 năm 1987 và in lại trong tập sách Đến với lịch sử văn hóa Việt Nam, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội 2005, GS Hà Văn Tấn nghi ngờ "cái gọi là văn hóa xóm làng", vì "không ở đâu nó được định nghĩa rõ ràng", vì "không có văn hóa làng" nếu "xét về mặt đường biên cộng đồng văn hóa", vì "khi nói tới văn hóa làng, ta chỉ nhìn nhận nó với ý nghĩa mô thức văn hóa". Nhưng mô thức văn hóa làng là gì thì chưa rõ, nên "chúng ta cần nghiên cứu". (1)

Như vậy, có hay không văn hóa làng trong văn hóa Việt Nam?

I. Một số luận điểm của GS Hà Văn Tấn

1. Trong bài viết nêu trên, GS Hà Văn Tấn nói đến nhiều bất cập trong nghiên cứu làng và văn hóa làng hiện nay. Đó là tình trạng "những khái quát không có mối liên hệ rõ rệt với tài liệu thực tế được mô tả. Thậm chí có những khái quát được mượn từ bên ngoài, có sẵn, đó là những nhận định tưởng như là lô-gích nhưng thực ra là tiên nghiệm. Và đặc biệt là hiện nay, chúng ta thường gặp khá nhiều mệnh đề đánh giá đề cao cái gọi là văn minh xóm làng trong khi rất ít gặp những sự phân tích về nó" (2).

Giải thích tình trạng này, GS Hà Văn Tấn chỉ ra hai nguyên nhân:

Thứ nhất, đề tài nghiên cứu làng xã cơ bản là một đề tài xã hội học- dân tộc học. Khi nghiên cứu nó như một đề tài sử học, nghĩa là một đề tài xã hội học- lịch sử cần phải có các tài liệu lịch đại. Vì thiếu loại tài liệu này, các công trình nghiên cứu thường "lấy nay suy ra xưa, lấy muộn suy ra sớm" nên khó tránh được những suy diễn, những giả thuyết mà sự chứng minh không đủ sức thuyết phục.

Thứ hai, khi vận dụng phương pháp hệ thống- cấu trúc vào việc nghiên cứu làng, do tính độc lập tương đối của đối tượng nghiên cứu, người ta thường chỉ chú ý đến những liên hệ trong hệ thống, ít chú ý đến những liên hệ ngoài hệ thống, dẫn đến bỏ qua, hoặc tưởng rằng các mối liên hệ bên ngoài hệ thống được hình thành cũng do sự phát triển mở rộng những mối liên hệ bên trong hệ thống, nghĩa là xem làng như một thực thể bất biến. "Trong thực tế người ta đã coi nước như tổng các làng, coi dân tộc như tổng các cộng đồng làng, coi văn hóa Việt Nam cổ truyền như tổng văn hóa làng"(3)         

2. Để khắc phục tình trạng này, theo GS Hà Văn Tấn, cần chú ý đầy đủ các mối liên hệ giữa làng với bên ngoài, tức là những mối liên hệ ngoài cấu trúc. Đó là liên hệ giữa làng này với làng khác, giữa các hệ thống tương đương mà ông gọi là "liên hệ liên làng". Loại thứ hai gồm liên hệ giữa làng với cộng đồng hay khu vực rộng lớn hơn, tức là liên hệ giữa hệ thống con làng với các hệ thống lớn chứa đựng nó được ông gọi là "liên hệ siêu làng". "Cộng đồng siêu làng rộng hẹp với các thứ bậc khác nhau. Khi cộng đồng tộc người đã tiến tới trình độ dân tộc thì cộng đồng siêu làng lớn nhất là nước, là dân tộc"(4).

GS Hà Văn Tấn lưu ý "Luôn luôn phải nhớ rằng trong lịch sử Việt Nam, từ rất lâu các cộng đồng siêu làng đã tồn tại song song với cộng đồng làng, chứ không phải cộng đồng làng đã mở rộng thành cộng đồng siêu làng, không phải làng mở rộng thành nước. Cần đặc biệt chú ý điểm này vì nếu không thấy được như vậy dễ nảy sinh các nhận định không đúng về mối quan hệ giữa làng với nước"(5). Khẳng định rằng "ý thức dân tộc là phát triển lên từ ý thức cộng đồng siêu làng tiền dân tộc chứ không phải từ ý thức làng", ông viết:

"Sở dĩ các thành viên làng xã ngoài ý thức cộng đồng làng, có được ý thức cộng đồng dân tộc là vì cùng với làng, từ lâu đời đã có sự tồn tại của cộng đồng siêu làng mà người ta có thể cảm nhận được qua những mối liên hệ liên làng và siêu làng. Những mối liên hệ liên làng và siêu làng đã rất đa dạng và tất nhiên không phải phát triển giống nhau giữa các làng. Các làng thủ công nghiệp và các làng thượng nghiệp có những mối liên hệ liên làng và siêu làng mạnh mẽ hơn là giữa những làng thuần túy nông nghiệp. Nhưng không phải các làng nông nghiệp là không có những mối liên hệ liên làng và siêu làng. Ngay trong một làng, mối liên hệ siêu làng cũng khác nhau giữa các nhóm xã hội. Chẳng hạn, đối với nho sĩ ở làng thì "làng Nho" rộng hơn làng, và đạo Nho lại tạo ra một thế giới tinh thần siêu làng.

Chính từ những mối liên hệ siêu làng mà hình thành ý thức cộng đồng siêu làng, rồi từ ý thức cộng đồng siêu làng tiền dân tộc hình thành ý thức cộng đồng siêu làng dân tộc, chứ không phải ý thức cộng đồng làng phát triển thành ý thức cộng đồng dân tộc" (6).

3. Liên quan với vấn đề này là vấn đề văn hóa- văn minh xóm làng. GS Hà Văn Tấn cho rằng, hiện nay người ta nói nhiều đến cái gọi là văn hóa xóm làng, nhưng không ở đâu nó được định nghĩa rõ ràng. "Văn hóa xóm làng là văn hóa nông dân hay văn hóa nông thôn? Đó là văn hóa được biểu hiện ra trong xóm làng hay là văn hóa được đặc trưng bằng kết cấu xóm làng? Vì không có định nghĩa rõ ràng, hiện tại chúng ta không thể "đánh giá sự đánh giá" cái gọi là văn hóa xóm làng". Theo ông, "Đường biên của cộng đồng văn hóa bao giờ cũng là đường biên của khu vực có quy mô siêu làng. Những sắc thái riêng biệt của văn hóa từng làng không đủ để làm nổi rõ đường biên ở kích thước làng. Ngay trong thời nguyên thủy, khi làng định cư chưa xuất hiện, thì cộng đồng văn hóa đã hình thành trên một khu vực khá rộng. Cho đến khi làng định cư xuất hiện thì cộng đồng văn hóa vẫn có quy mô siêu làng". Ông kết luận:

"Vì vậy, nếu xét về đường biên cộng đồng văn hóa thì chúng ta có thể nói rằng không có văn hóa làng"(7).  

Hai mươi năm qua, kể từ khi GS Hà Văn Tấn công bố luận điểm vô cùng sắc sảo của mình, đã có nhiều công trình được xuất bản lấy văn hóa làng làm đối tượng nghiên cứu, nhưng câu trả lời "văn hóa làng- có hay không?" vẫn còn là chuyện để ngỏ.          

II. Thử tìm lời giải cho những vấn đề trên

1. Điều băn khoăn đầu tiên đối với chúng tôi là mối liên hệ giữa ý thức cộng đồng siêu làng tiền dân tộc với ý thức cộng đồng siêu làng dân tộc.

GS. Hà Văn Tấn cho rằng, ý thức quốc gia, ý thức dân tộc là sự phát triển từ ý thức cộng đồng siêu làng tiền dân tộc chứ không phải từ ý thức làng. ý thức cộng đồng làng và ý thức cộng đồng nước có những mặt thống nhất nhưng cũng có những mặt đối lập. Giữa ý thức làng và ý thức nước có một cái ngưỡng không dễ gì vượt qua. Không ít trường hợp có sự đối lập giữa làng và nước. Từ đây, GS. Hà Văn Tấn nhận xét câu nói nước mất nhưng còn làng và nhờ còn làng mà cuối cùng còn nước chỉ hay ở biện pháp tu từ chứ không đúng với bản chất của hiện tượng. Nếu xóm làng là đòn bẩy thần thánh dấy lên những cuộc khởi nghĩa giành lại nước thì lực tác động chủ yếu vào đòn bẩy đó là ý thức nước, tức cộng đồng siêu làng, chứ không phải là ý thức làng.

Một trong những cộng đồng siêu làng được GS Hà Văn Tấn nói đến là cộng đồng tộc người. Chúng tôi nhận thấy rằng mối liên hệ giữa "ý thức tộc người" và "ý thức dân tộc- quốc gia" có nhiều khác biệt đáng lưu ý so với mối liên hệ giữa "ý thức làng" và "ý thức nước".

Một con người có thể mang nỗi nhớ quê cha đất tổ trong cuộc sống thường nhật, có thể thường trực ý thức thân phận hai mang: người của làng (sống ở làng) và người của nước (sang ở nước), nhưng thật khó hình dung ai đó trong chúng ta lại phải thường trực cái ý thức rằng, mình vừa là công dân nước Việt, vừa là người Kinh. Cũng chưa chắc đã hay ho gì khi đặt một công dân vào tình thế phải thường trực cái ý thức song lập có vẻ "chính cư- ngụ cư", "thiểu số- đa số", rằng mình là người Việt, gốc Hoa hay người Việt gốc Khơ-me.v.v…

Tán thành những nhận xét về sự khác biệt giữa văn hóa dân tộc và văn hóa tộc người của tác giả bài viết Nghiên cứu văn hóa dân tộc- một vấn đề thời sự, tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 10/2004, chúng tôi cũng thấy những khác biệt giữa ý thức dân tộc và ý thức tộc người. Nói đến ý thức dân tộc là nói đến ý thức về tính thống nhất dân tộc, ý thức về lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, ý thức về Nhà nước với tư cách là cơ quan quyền lực tập trung cao nhất, và là người đại diện cho quyền độc lập dân tộc, quyền tự chủ quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ. Quả là sự tồn tại và phát triển của văn hóa tộc người không nhất thiết mỗi tộc người phải có riêng một nhà nước, nhưng quyền độc lập dân tộc thì phải gắn với vai trò nhà nước.

Cộng đồng dân tộc- quốc gia là một hiện tượng lịch sử. Các quốc gia- dân tộc chỉ mới xuất hiện trong lịch sử tồn tại lâu dài của xã hội loài người, trong khi đó, tộc người đã tồn tại từ xa xưa và không chỉ là một hiện tượng có tính lịch sử. Tộc người không bị ngăn cách bởi biên giới quốc gia, người Thái ở bờ bên này hay ở bờ bên kia con sông Mê-Công, ở Bắc Việt Nam hay ở Nam Trung Hoa vẫn là tộc người Thái. Người Việt ở Pháp hay ở Mỹ vẫn là người Việt, người Hoa ở khắp thế giới vẫn là người Hoa. Nhưng văn hóa Campuchia, văn hóa Thái Lan, văn hóa Việt Nam hay văn hóa Trung Hoa thì phải có biên giới hoach định. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ quyền quốc gia, hình sông thế núi rõ ràng, biên giới quốc gia là bất khả xâm phạm. Chính vì "Dân tộc" gắn với "Quốc gia" nên vấn đề văn hóa dân tộc không chỉ có nội dung văn hóa mà còn có nội dung chính trị. ý thức dân tộc có những nội dung và định hướng khác với ý thức tộc người. (8)

ý thức tộc người gắn với với những yêu cầu về quyền tự chủ, quyền tự quyết, quyền tự trị, nghĩa là mỗi tộc người có một lãnh thổ và một nhà nước độc lập sẽ dẫn dến chủ nghĩa dân tộc cực đoan.         

2. Cho dù cộng đồng siêu làng đã tồn tại song song với cộng đồng làng từ bao giờ đi nữa, thì một điều hiển nhiên là cộng đồng làng phải xuất hiện trước rồi mới có liên làng, siêu làng. Cũng như vậy, phải có ý thức làng rồi mới có ý thức liên làng, siêu làng. ý thức siêu làng thời Đại Việt có thể có mối liên hệ lịch sử với ý thức siêu làng thời Hùng Vương, nhưng trước hết, nó có liên hệ trực tiếp với ý thức làng, liên làng trong thời đại của nó. Cũng có thể nói như vậy về thời đại Hùng Vương với những dạng thức lịch sử của cộng đồng làng, liên làng.  

Trong các dẫn chứng của GS Hà Văn Tấn, những mối liên hệ liên làng, siêu làng của các làng thủ công nghiệp và làng thương nghiệp là điều dễ giải thích, bởi đơn giản những dạng thức làng này là sản phẩm khá muộn trong lịch sử Việt Nam, sau khi đã xuất hiện cộng đồng dân tộc Đại Việt. "Làng nho" và thế giới tinh thần siêu làng của đạo Nho cũng vậy, nó chưa thể xuất hiện ở Việt Nam trước thế kỷ X.

Cũng như vậy, khi GS. Hà Văn Tấn viết “Làng cổ truyền là cơ chế thích ứng với sản xuất tiểu nông, với gia đình - tông tộc gia trưởng” thì, theo chúng tôi, phải chăng làng tiểu nông, làng tông tộc gia trưởng, nét đặc trưng của nông thôn đồng bằng sông Hồng, cũng là một dạng thức muộn sau quá trình trải qua nhiều dạng thức buôn, sóc, bản, mương?

Khẳng định rằng cộng đồng văn hoá đã hình thành trên một khu vực khá rộng ngay trong thời nguyên thuỷ, đến khi làng định cư xuất hiện thì cộng đồng văn hoá vẫn có quy mô siêu làng, Giáo sư nói đến những mối liên hệ cơ bản của cộng đồng văn hoá như ngôn ngữ, tộc thuộc… luôn là những liên hệ siêu làng, là bản chất của cộng đồng văn hóa siêu làng. Phải chăng đây là cộng đồng tộc người? Nhưng tộc người, trước khi có dạng thức tổ chức buôn, bản, sóc, mương, làng thì có thể có dạng thức tổ chức siêu làng nào? Nếu bộ lạc và liên minh bộ lạc là những tổ chức xã hội siêu làng, thì các tổ chức ấy chỉ có thể hình thành sau tổ chức thị tộc. Phải chăng công xã thị tộc đã là dạng thức làng đầu tiên trong thời nguyên thuỷ?

Trong trường hợp này, mối quan hệ làng- nước, từ ý thức làng đến ý thức nước có những tương đồng rõ rệt hơn. Có ý thức cộng đồng làng trước khi có ý thức cộng đồng dân tộc và nó đã đóng vai trò nhất định phát huy ý thức dân chủ làng xã. ý thức cộng đồng làng thể hiện trong sản xuất, chống thiên tai, chống ngoại xâm, bảo vệ làng xã, bảo vệ thuần phong mỹ tục. Từ ý thức cộng đồng này mà nhà nước phong kiến đã để cho làng xã có được tính độc lập tương đối và mỗi làng hình thành diện mạo văn hóa riêng của mình.   

3. Văn hóa nông thôn, "nông dân- nông nghiệp- xóm làng" với nhiều nét tương đồng hiện hữu trong một không gian rộng lớn, đồng thời, vẫn rõ nét đường biên văn hóa làng.

Làng là bầu trời riêng, là không gian sống, không gian kinh tế, không gian xã hội và văn hóa của người nông dân. Người Việt nói về "làng tôi, làng ta", "một miếng giữa làng…", ra khỏi làng là "tha hương cầu thực", là đất khách quê người, là thiên hạ, xứ người, xa xứ, viễn xứ… Người Việt chỉ thấy yên ổn, yên tâm khi "ta về ta tắm ao ta". 

Các nhà nghiên cứu đều thống nhất xem làng-xã là đơn vị cơ bản của xã hội nông thôn, là một hệ thống tổ chức và thiết chế xã hội nông thôn đặc trưng theo nghĩa truỳen thống và cả theo nghĩa hiện đại hóa đối với xã hội dân sự và đối với Nhà nước. Làng-xã truyền thống vốn là đơn vị xã hội cơ bản của nông thôn truyền thống, còn làng xã hiện đại hóa là đơn vị xã hội cơ bản của nông thôn hiện đại hóa. Quá trình lập làng, tách ghép làng diễn ra khá phức tạp, song dù trong một đơn vị hành chính (xã) lớn hay nhỏ hơn, thì làng vẫn có tính độc lập tương đối, với tư cách là một thực thể, một cộng đồng tự quản, tạo cho nó diện mạo và cả những đặc trưng riêng khác với những cộng đồng khác. Điều này chứng tỏ sức sống lâu bền của thực thể làng. Không hẳn ý thức tự quản làng đã phát triển thành ý thức tự chủ quốc gia, nhưng ở hai cấp độ khác nhau ấy có thể tìm thấy mối quan hệ tương liên.

Làng trước hết có một lãnh thổ riêng, một cộng đồng lãnh thổ xác định. Hương ước của làng bao giờ cũng có điều khoản nói rõ phạm vi lãnh thổ của làng, đông, tây, nam, bắc giáp với cái gì. Lãnh thổ ấy là tài sản chung được hình thành từ thuở lập làng, được phát triển qua thời gian với công sức của nhiều thế hệ. Mỗi thành viên dân làng có nghĩa vụ bảo vệ và quyền lợi khai thác lãnh thổ này.

Từ công xã thị tộc chuyển sang công xã nông thôn rồi làng tiểu nông dưới chế độ quân chủ, làng là một cộng đồng kinh tế tiểu sản xuất công nông nghiệp khép kín, tự cấp, tự túc. Sự tồn tại ruộng công của làng, của họ cho đến đầu thế kỷ XX là điểm tựa duy trì những thiết chế, sinh hoạt, tâm lý công xã cổ truyền. Mỗi làng đều tự cấp những nhu yếu phẩm cơ bản nhất của mình. Mỗi làng có một bộ phận nghề phụ, thợ rèn, thợ mộc, thợ xây, thợ dệt… đều chăn nuôi gia súc, gia cầm để tự cấp, tự túc. 

Là một cộng đồng lãnh thổ, làng xã cũng là một đơn vị hành chính tự trị được quản lý chặt chẽ trong một kết cấu xã hội phân tầng theo chức tước, theo khoa mục, theo tuổi tác, theo trật tự thân tộc. Sự chằng chéo các mối quan hệ này gắn kết mọi thành viên lệ thuộc vào làng, là một bộ phận hữu cơ của nó, trói buộc họ vào khuôn khổ chật hẹp của những quy tắc cổ truyền. Làng còn có một bộ luật của làng, phát triển từ luật tục đến hương ước thành văn quy định chuẩn mực ứng xử của mọi thành viên trong làng, những nghĩa vụ và nhiệm vụ đói với làng và đối với nhau. Luật tục được tuân thủ một cách nghiêm ngặt và tự nguyện.

Là một cộng đồng tín ngưỡng với thành hoàng, đình, chùa, miếu, lễ hội và phong tục tập quán riêng, một bầu trời riêng, làng cũng là một cộng đồng sản xuất, bảo quản, lưu thông và hưởng thụ một kho tàng văn hóa dân gian.

Một trong những hiện tượng tiêu biểu nhất của văn hóa làng là hội làng. Đã là hội thì trước hết và chủ yếu là hội làng. Hội gắn với lễ. Trong bài viết "Tổng quan về kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam" PGS.TS Nguyễn Chí Bền nhận xét rằng, không có tín ngưỡng, không có nhân vật phụng thờ không thành lễ hội, phi lễ bất thành hội. Ông viết:

"ở Việt Nam, lễ hội gắn bó với làng xã như một thành tố không thể thiếu vắng trong đời sống cộng đồng. Là những cư dân nông nghiệp sống với nghề trồng lúa nước, vòng quay của thiên nhiên và mùa vụ tạo ra trong con người những nhu cầu tâm linh mà lễ hội chính là nơi, là cơ hội để thỏa mãn nhu cầu tâm linh ấy của họ. Trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, nếu cây đa, giếng nước, sân đình là những thành tố gắn bó thân thiết với mỗi người từ thuở thiếu thời cho đến lúc giã biệt cõi đời thì lễ hội lại là thành tố văn hóa gắn bó không những thân thiết mà vừa thiêng liêng lại vừa mãnh liệt, gần gũi. Lễ hội cổ truyền là một "thời điểm mạnh của sinh hoạt cộng đồng"- chữ dùng của GS Đinh Gia Khánh" (9) 

Làng là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống khi xã hội trải qua những biến thiên lịch sử. Các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam viết về vai trò của làng trong việc bảo lưu “cơ tầng Đông Nam á”, khi xã hội vận hành theo “cơ chế Đông á”, bảo lưu “thể Đông” khi đất nước chuyển động theo xu hướng “dụng Tây”.

GS. Trần Quốc Vượng có nhận xét: “Văn hóa Việt Nam cổ truyền, về bản chất, là một nền văn hóa xóm làng. Là sức mạnh, vừa là điểm yếu của truyền thống Việt Nam cũng là ở đó” (10). Nói cách khác, có cả truyền thống tốt, tiến bộ và truyền thống xấu, lạc hậu. Mối quan hệ giữa “làng” và “nước”, giữa “nông thôn” và “thành thị” biểu hiện cụ thể mối quan hệ giữa “truyền thống” và “đổi mới”, giữa “dân tộc” và “quốc tế” trong diễn trình văn hóa.

4. Làng Việt trước hết là một đơn vị dân cư có nguồn gốc công xã thị tộc thời tiền sử. Với những hằng số được bảo lưu trong các tộcngười hiện đại, làng Việt có liên hệ cội nguồn với “bản”, “buôn”, “sóc” các tộc thiểu số, mô hình “làng - nước” ở người Việt có nét tương đồng với mô hình “bản- mường” của người Thái. Nói theo PGS Từ Chi, mọi xã hội chuyển từ săn bắt hái lượm sang trồng trọt chăn nuôi, từ công xã thị tộc chuyển sang công xã nông thôn, gia đình lớn bị giải thể và vỡ vụn thành những gia đình hạt nhân, làng là một tế bào xã hội bảo lưu quan hệ huyết thống cùng tồn tại với quan hệ láng giềng.

Từ đời sống văn hóa- xã hội của đồng bào Tây nguyên hôm nay, chúng ta có thể hình dung những "cấu kiện đúc sẵn" đã tồn tại từ nghìn xưa như là tiền thân của những cộng đồng làng người Việt ở đồng bằng Bắc bộ. Trong bài viết "Cồng chiêng, từ đá đến đồng", nhà văn Nguyên Ngọc tìm thấy mối liên hệ tiếp nối từ đàn đá đến cồng chiêng, cả về mặt chức năng lẫn cấu âm. "Từ đàn đá 3000 năm trước đến cồng chiêng Tây Nguyên hôm nay, từ tiếng của đá chuyển sang tiếng của đồng, có một sợi chỉ đỏ bí ẩn xuyên suốt. Trong không gianvăn hóa cồng chiêng Tây Nguyên có thời gian 3000 năm, thời gianđã làm nên không gian, nén lại thành không gian, trong không gian ấy có chứa đến 3000 năm thời gian" (11)

Nhà văn cho biết tên cuốn sách của nhà dân tộc học người Pháp Georges Condominas "Chúng tôi ăn rừng Đá Thần Goo" có nghĩa rất đơn giản là "năm 1949" vì người Mnông Gar cũng như tất cả người Tây Nguyên, lấy không gian để đo thời gian. Mỗi năm, một làng Tây Nguyên "ăn" một khoảnh rừng nhất định, tức là đốt một khoảnh rừng để tỉa lúa lấy cái ăn, họ định vị mình trong dòng chảy liên tục của thời gian bằng cái khoảng không gian rừng mà họ"ăn" trong từng năm. Vậy là không có thời gian, không gian tuyệt đối, chung cho mọi người, mà chỉ có thời gian, không gian riêng, cụ thể của mỗi làng. Nhà văn Nguyên Ngọc nhấn mạnh:

"Nói theo cách nào đó, cái "tuyệt đối" không phải là thời gian mà là không gian, và là không gian của riêng từng làng. Hoặc đúng hơn nữa, cái tuyệt đối chính là Làng. Làng mới là cái "vĩnh cửu" đối với người Tây Nguyên. Đơn vị tuyệt đối của sự sống đối với họ là Làng, Làng cụ thể của họ. Mọi thứ ở đời, trong trời đất, trong vũ trụ, cho đến cả thần linh cũng là thần linh của riêng từng Làng" (12)

Khi người Tây Nguyên đi mua cồng chiêng từ nơi khác về, nó chỉ mới là cái xác trơ. Cũng giống như đứa bé mới sinh ra chưa được coi là người, phải làm lễ thổi hồn vào tai cho nó thì nó mới thành người. Đó là nghi lễ đầu tiên và đặc biệt quan trọng trong vòng đời của một con người. Đối với người Tây Nguyên, tai là con đường đi vào của hồn, cơ quan thính giác là cơ quan cốt yếu nhất của sự sống, là con đường vận thông của linh hồn, nên cồng chiêng không đơn thuần chỉ là âm nhạc, nó là phương thức giao tiếp của mọi sinh linh, bao gồm cả con người, núi rừng, cây cỏ và thần linh.

Mua chiêng về, người Tây Nguyên dạy tiếng cho chiêng. Đây là công việc của từng làng, của những người gọi là Pjâu, vừa là thầy thuốc vừa là thầy cúng. Cũng giống như chữa bệnh cho con người bằng cách trả hồn lại, khôi phục lại linh hồn lành mạnh cho họ, những thầy tài giỏi và được kính trọng nhất, gọi là PJâu cing dạy tiếng và chữa bệnh cho chiêng. Khi mới mua về thì dạy cho nó biết "nói" tiếng của con người, tiếng của núi rừng, tiếng của làng, khi nó đau ốm thì chữa bệnh cho nó để hồn không bị thất lạc, không bị lạc mất tiếng. 

Như vậy, cồng chiêng từ đá đến đồng gắn với làng, của từng làng. Nguyên Ngọc viết "Nó là ngôn ngữ của hồn làng, từng làng". (13)

5. GS. Hà Văn Tấn rất đúng khi cho rằng, không thể tìm hiểu làng tách rời các mối liên hệ liên làng và siêu làng. Có một thực tế là các công trình nghiên cứu về làng từ nhiều phương diện sử học, dân tộc học, xã hội học … rất phong phú, nhưng văn hoá làng là gì, nghiên cứu văn hoá làng khác với các hướng tiếp cận nói trên ở chỗ nào, quả là chưa được rạch ròi. Đúng hơn, lâu nay chúng ta mới chỉ nghiên cứu xã hội học về làng, còn cái gọi là văn hóa làng, nói như GS Hà Văn Tấn, đáng tiếc là không ở đâu nó được định nghĩa rõ ràng.

6. Vậy văn hóa làng là gì? Câu trả lời đã có ngay trong cách đặt vấn đề của GS Hà Văn Tấn. Đó vừa là văn hóa nông dân vừa là văn hóa nông thôn, là văn hóa được biểu hiện ra trong xóm làng, cũng đồng thời là văn hóa được đặc trưng bằng kết cấu xóm làng.   

Con người là chủ thể sáng tạo văn hóa, cũng là sản phẩm của môi trường văn hóa mà chính nó là đại biểu mang vác những giá trị văn hóa của thời đại. Không có nông dân thì không có nông thôn, không có văn hóa nông dân thì lấy đâu ra văn hóa nông thôn. Văn hóa, hiểu theo GS Hà Văn Tấn, "như những chuẩn mực ứng xử của con người được thể hiện ra trong mọi sinh hoạt, mọi hành vi, mọi nếp nghĩ, từ chốn ở, cách ăn, cách làm, lối sinh hoạt đến cách đối nhân xử thế" (14), thì văn hóa làng chính là văn hóa nông thôn mà diện mạo của nó là cây đa bến nước, ngõ xóm, đình làng, là tâm tính của những người nông dân biểu hiện trong kho tàng văn hóa dân gian, trong đất lề quê thói vốn là sản phẩm của kết cấu xóm làng với vô số những quan hệ nhân tình lạt mềm buộc chặt, tạo nên đường nét của mẫu người tiêu biểu, "con người nguyên- Việt (Proto-Vietnamien), một thứ con người trong con người, "cái phần phổ quát trong mỗi người Việt Nam" (15).    

Từ “làng” đến “nước”, ý thức quốc gia khởi phát từ hệ tư tưởng làng xã, trong tính lưỡng diện “nửa kín nửa hở”, làng là môi trường nhập thân văn hóa hình thành tính cách con người làng xã và cả căn tính nông dân của người Việt hôm nay. "Những cá nhân biểu hiện đời sống của họ như thế nào thì họ là như thế ấy, họ là như thế nào, điều đó ăn khớp với sản xuất của họ, với cái mà họ sản xuất ra cũng như với cách họ sản xuất, do đó, những cá nhân là như thế nào, điều đó phụ thuộc vào những điều kiện vật chất của sự sản xuất của họ [16).

Văn hóa làng không nhất thành bất biến. Nó vận động và biến đổi đồng hành với diễn trình văn hóa dân tộc-quốc gia. PGS.TS Nguyễn Chí Bền nói đến ba lần tiếp biến: 

Lần 1: Thời sơ sử và thời Bắc thuộc

Lần 2: Thời quân chủ và thời Pháp thuộc

Lần 3: Từ 1945 đến nay.(17)

Tán thành quan điểm trên, chúng tôi nghĩ rằng đó cũng là ba lần chuyển đổi của văn hóa làng trong diễn trình văn hóa dân tộc-quốc gia, đi từ văn hóa Việt cổ, trải qua văn hóa Đại Việt đến văn hóa Việt Nam hôm nay.

Chú thích và tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Chí Bền (2006), Góp phần nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, trích dẫn (9), (17) .
2. Nguyễn Từ Chi (1995) Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, H. Nxb Văn hóa dân tộc & Tạp chí Văn hóa nghệ thuật
3. Phạm Đức Dương (2000), Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam á, H. Nxb Khoa học xã hội.
4. Tô Duy Hợp (chủ biên) (2003), Định hướng phát triển làng-xã đồng bằng sông Hồng ngày nay, H, Nxb Khoa học xã hội
5. Nguyễn Xuân Kính (2003), Con người, Môi trường và Văn hóa, H. Nxb Khoa học xã hội
6. Mác- Anghen (Bản dịch, 1977), Hệ tư tưởng Đức, H. Nxb Sự thật, trích dẫn (16) 
7. Nguyên Ngọc (2006), Cồng chiêng, từ đá đến đồng, Báo "Khám phá" số 23 ngày 20/2; trích dẫn (11), (12), (13),
8. Trần Niêm (2004), Nghiên cứu văn hóa dân tộc, một vấn đề thời sự, trích dẫn (8), Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 10.
9. Nguyễn Hồng Phong (1959), Xã thôn Việt Nam, H. Nxb Văn sử Địa
10. Hà Văn Tấn (2005), Đến với lịch sử văn hóa Việt Nam, H. Nxb Hội Nhà văn, trích dẫn (1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (14).
11. Đỗ Lai Thúy (2005), Văn hóa Việt Nam, nhìn từ mẫu người văn hóa, Nxb Văn hóa thông tin & Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, trích dẫn (15)
12. Trần Quốc Vượng (2000), Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, H. Nxb Văn hóa dân tộc & Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, trích dẫn (10).
 
 
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511155

Hôm nay

2154

Hôm qua

2359

Tuần này

21529

Tháng này

218028

Tháng qua

121356

Tất cả

114511155