TS. Võ Văn Nhơn đang công tác ở Hàn Quốc có thông tin về thi tuyển sinh đại học ở Hàn Quốc. Không tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông, từ năm 1995 Hàn Quốc chỉ tổ chức một kỳ thi quốc gia để phân loại học sinh, tương tự như kỳ thi SAT (Scholastic Aptitude Test) của Mỹ. Tuy nhiên do truyền thống Khổng giáo chi phối nặng nề nên chuyện thi cử vẫn rất căng thẳng. Vì vậy Hàn Quốc đang tiến hành cải cách một lần nữa theo hướng: tổ chức thi thành nhiều kỳ, giảm bớt áp lực đối với HS trung bình khá, giảm tỷ lệ điểm trong kỳ thi quốc gia, tăng cường điểm cho việc xét tuyển, coi trọng các khả năng thể thao và nghệ thuật…, để giống hơn nữa với cách tuyển sinh của đại học Mỹ.
Hàn Quốc không tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Từ năm 1995 đến nay, để được xét tuyển vào đại học, các học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông phải trải qua một kỳ thi chung cấp quốc gia kéo dài hơn 9 giờ, thường được tổ chức vào giữa tháng 11 hàng năm. Kết quả của kỳ thi duy nhất này sẽ là căn cứ để các trường đại học xét tuyển sinh viên. Thí sinh sẽ thi tối đa 8 môn: Quốc ngữ, Toán, tiếng Anh, xã hội (gồm 11 môn như kinh tế, luật, giáo dục, chính trị,..., thi tối đa 4 môn) hoặc khoa học (gồm 8 môn như sinh vật, vật lý..., thi tối đa 4 môn) và ngoại ngữ thứ hai (gồm 8 thứ tiếng như tiếng Trung, tiếng Nhật,…, thí sinh có thể không thi môn này). Hình thức thi chủ yếu bằng hình thức trắc nghiệm. Bộ Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực chịu trách nhiệm tổ chức và KICE (Korea Institute for Curriculum and Evaluation) là cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức tuyển sinh và tổ chức chấm thi.
Một số trường ngoài kỳ thi chung còn có các môn thi riêng như khoa mỹ thuật là thi vẽ, khoa âm nhạc là biểu diễn hay hát,…
Một số trường cũng ưu tiên tuyển các sinh viên có khả năng lãnh đạo, hoạt động xã hội năng nổ. Các học sinh đạt các giải thưởng cao cũng được ưu tiên xét tuyển vào các khoa có liên quan.
Sau khi có điểm thi đại học, sinh viên sẽ căn cứ vào điểm của mình mà chọn trường (điểm cao thì chọn các trường top trên, điểm thấp sẽ phải chọn các ngành học yêu cầu điểm không cao hoặc các trường top dưới). Điểm chuẩn vào các trường cũng thay đổi theo từng năm. Các trường đại học nổi tiếng của Hàn Quốc như học viện KAIST, Đại học Quốc gia Seoul cũng căn cứ vào điểm của kỳ thi chung trên để tuyển sinh viên.
Kỳ thi đại học đối với Hàn Quốc rất quan trọng. Trong ngày thi đại học, các trường trung học phổ thông đều đóng cửa. Các cơ quan chính phủ phải lùi giờ làm việc 1 tiếng để tránh việc tắc đường ảnh hưởng tới các thí sinh. Hàng trăm môtô cảnh sát được huy động để đưa giúp thí sinh bị muộn đến phòng thi. Chính phủ cũng cấm các loại xe đi lại trong khu vực cách địa điểm thi 200m nhằm giảm tiếng ồn trong khi các thí sinh làm bài. Trong phần thi nghe tiếng Anh buổi sáng và một phần thi vào buổi chiều, các chuyến bay nội địa lên và xuống đều bị đình chỉ. Cơ trưởng phải chuyển hướng sang sân bay khác hoặc cho máy bay lượn vòng vòng trên không đến khi bên dưới thí sinh làm bài xong mới được hạ cánh.
Trong mùa thi, các đền chùa, nhà thờ thường xuyên tổ chức các buổi lễ cầu nguyện cho các bậc phụ huynh, nhất là trước ngày thi 100 ngày. Rất nhiều bà mẹ phải đứng lên quỳ xuống lạy 1000 đến 3000 cái để cầu may cho con. Các chương trình, hoạt động cổ vũ, nhất là do em học sinh cấp 3 tổ chức để động viên cho “sonbe”(tiền bối) cũng được chuẩn bị khá chu đáo. Vào ngày thi, hàng trăm học sinh khóa dưới đến điểm thi rất sớm với đầy đủ băng rôn, hoa, quà để cổ vũ hết mình cho các sĩ tử.
Hàng trăm HS cấp 3 mang khẩu hiệu, hoa, quà tập trung trước các điểm thi để cổ vũ cho các sĩ tử. Ảnh: Newsis
Do kỳ thi mang tính cạnh tranh khốc liệt như vậy nên các thí sinh đã phải chịu rất nhiều áp lực. Việc không vượt qua kỳ thi này có nghĩa là cánh cửa vào tương lai đã bị đóng sập lại. Hàng năm sau khi có kết quả kỳ thi có hàng loạt vụ tự tử vì thi trượt. Hàng loạt kháng nghị đã được gửi liên tiếp đến Bộ Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc.
Ngoài kỳ thi đại học mang tính chất đại trà như trên, một số trường đại học cũng tuyển sinh bằng cách xét điểm trung học phổ thông, cho thi viết và phỏng vấn trực tiếp. Việc xét tuyển này bắt đầu từ khoảng tháng 7 đến tháng 8 hàng năm. Với cách xét tuyển này, mỗi thí sinh có thể đăng ký hơn 10 trường đại học, còn theo cách trên thì chỉ đăng ký được 3 trường thôi.
Sau 15 năm áp dụng hình thức thi tập trung một lần duy nhất, trước những bất cập rõ ràng và áp lực của xã hội, Bộ Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc đã đặt ra lộ trình cải cách chế độ tuyển sinh đại học. Bộ thừa nhận việc quyết định có được học đại học hay không chỉ bằng một kỳ thi là quá khắc nghiệt. Do đó, để giảm bớt áp lực học tập và thi cử, cần thiết phải cho học sinh nhiều cơ hội hơn. Theo đó sẽ có hai kỳ thi khó và dễ, trong đó kỳ thi khó dành các thí sinh có nguyện vọng thi vào các trường đại học có chất lượng cao, giảm tỷ lệ của điểm thi trong quá trình xét tuyển, tạo ra các phiên bản với mức độ khó khác nhau đối với một số môn thi và cho thí sinh chọn mức độ khó của bài thi, tạo điều kiện cho thí sinh thi lại lần 2. Việc cải cách dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2013.
Như vậy, cải cách tuyển sinh của Hàn Quốc đi theo hướng là làm giảm áp lực cho thí sinh, đồng thời tăng các yếu tố xét tuyển khác nữa, ví dụ như các năng khiếu âm nhạc, thể thao, hoạt động xã hội .... Tất cả nhằm tạo ra một nguồn tuyển đa dạng cho các trường đại học để có được những tài năng cho xã hội sau này.
Nguon: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=2175:tuyn-sinh-i-hc-han-quc&catid=55:tieudiem