Bản mệnh yêu đương ở đời của mỗi con người thì luôn hướng thượng nhằm làm phong phú cho cuộc hiện sinh thoáng chốc. Thế nên, vén mở bí mật tâm thức dục tính và tình yêu ở trong thần thoại là một cách thế nối dài và làm phong phú cho một lần hiện hữu ở đời.
1. Muốn thế, chúng ta phải mượn đường vào tâm thức thần thoại của khoa nhân chủng học hiện đại. Theo đó, cái bí mật của những huyền thoại nguyên thuỷ không phải là gì quá xa lạ, nó chính là cõi vô thức tập thể của tộc người. Mà muốn hiểu biết cõi vô thức tập thể thì đã có đó phân tâm học, đặc biệt là C.G. Jung. Do đó, thủ lĩnh nhân học hiện đại C. Lévy Strauss trong Nhiệt đới buồn mới thổ lộ rằng đời ông có ba người tình dẫn đạo ông vào tâm thức man dã là phân tâm học, chủ thuyết Marx và khoa địa chất. Vậy nên, thật dễ hiểu khi B.P.Vysheslavtsev khi Đi tìm tính cách dân tộc Nga phát biểu: “Muốn hiểu tâm hồn dân tộc, cần phải thâm nhập vào những giấc mơ của dân tộc đó. Nhưng giấc mơ của dân tộc lại chính là sử thi, là các câu câu truyện cổ tích, là thơ ca của dân tộc đó” (1). Điều này hàm chứa ý nghĩa: tâm hồn mỗi tộc người là một quá trình trầm tích mang tính lịch sử, bản chất tộc người vì thế được gói ghém vào trong bề sâu các kinh nghiệm sinh hoạt văn hóa và tôn giáo mà trong thời kỳ nguyên khởi đó là kho tàng folklore. Cho nên, muốn hiểu biết tâm lý dân tộc không gì bằng việc lục lọi lại chính cái túi khôn folklore của dân tộc đó.
Các hình thức folklore, đặc biệt thần thoại, vì thế hiện diện như là những giấc mơ lớn của dân tộc, nên hiểu biết thần thoại cũng là hiểu biết giấc mơ chung của dân tộc, và nới rộng phạm vi quan tâm ra khắp bề mặt địa cầu thì hiểu biết thần thoại thế giới là hiểu biết giấc mơ ở tầm nhân loại. Trong khi, nội dung giấc mơ bao giờ cũng thuộc về cái vô thức, mà theo khoa học phân tâm thì vô thức là biểu hiện ở bề sâu, cái bề chân thực nhất của tâm lý, nơi chứa đựng đầy đủ những đồ hình vĩnh cữu của tộc loại (archétypes).
Hơn thế, trí khôn folklore, hay trí tuệ nguyên thủy, hay tư duy tiền lôgic (mentalité prélogique) hiểu theo Lévy - Bruhl, vận hành theo cấu trúc lôgic của trí tuệ giống nhau ở mọi hình thái xã hội và con người từng được biết đến. Trong cấu trúc tâm thức nguyên thủy, Bruhl chỉ ra giấc mơ và huyền thoại luôn giữ với nhau mối liên hệ mật thiết, nơi đó bộc lộ toàn bộ kinh nghiệm, niềm tin và bí mật để xã hội nguyên thủy vận hành. Vượt lên các kinh nghiệm thông thường, với người nguyên thủy giấc mơ (và do đó là những thần thoại mà người nguyên thủy đặt trọn niềm tin) sẽ là những “kinh nghiệm thần bí siêu việt”, “kinh nghiệm thần bí tuyệt vời” (2); thế nên, diễn giải ý nghĩa giấc mơ và thần thoại nguyên thủy là cách thức tối ưu để thông hiểu tâm thức nguyên thủy.
Người hậu bối và đồng sáng lập nên ngành nhân học cấu trúc với Bruhl là C.Lévi - Strauss cũng thừa nhận thần thoại giải thích được cả hiện tại, quá khứ và cả tương lai (3). Kế thừa những thành quả của ngữ học cấu trúc áp dụng vào nghiên cứu tộc người, Claude Lévi - Strauss trong nghiên cứu Cấu trúc thần thoại đi đến luận điểm xem thần thoại vừa giống lại vừa khác ngôn ngữ, từ đó nói theo Strauss, vì thần thoại cũng là một phương thức diễn xướng vậy nên nó cũng cần được kể ra. Do đó, ông cho rằng việc phân tích thần thoại cũng tương tự như việc chỉ ra rằng một âm vị thì luôn luôn được tạo thành từ tất cả những biến thể của nó (4). Thông qua hoạt động phân tích thần thoại, Lévi - Strauss hệ thống lại các cấu trúc thần thoại, mà như lời ông nhấn mạnh thì chức năng của sự lặp đi lặp lại của các yếu tố trong thần thoại chính là nhằm để làm rõ cấu trúc thần thoại (5).
Sự lặp đi lặp lại cấu trúc trong các quan niệm tập thể của Lévi - Strauss sau này được hoán cải trong chiều sâu các bề diện khác của những nguyên tắc điều khiển sự tái lập chất liệu cho con đường hình thành những siêu tượng (archétypes) trong vô thức tập thể của Carl Gustav Jung. Cả C.L.Strauss và C.G.Jung đều bắt đầu từ những “đường vòng” nhưng cuối cùng chung một “lối vào” tâm lý bề sâu tộc người. Phương pháp nghiên cứu thần thoại của hai ông cho phép xác lập những cấu trúc chung nhất trong tâm thức thần thoại. Theo đó, chuyển hướng sang tìm hiểu mật nghĩa của dục tính và tình yêu trong tâm lý nguyên thủy, khả dĩ cho phép chúng ta dựng lại những siêu tượng. Việc làm này không đơn giản chỉ là phục dựng lại tiếng nói tổ tiên, giữ liên lạc với truyền thống, hơn thế, có ý nghĩa ngay với cái đang là - cái hữu thể tại thế - cái con người hiện hữu ngay lúc này đây như cách nói của Heidegger; nên hãy nhớ lời nhắc nhở của cha đẻ ngành phê bình cổ mẫu N. Fryer: con người sống trong vũ trụ thần thoại.
2. Để Tụng ca Ishtar - Nữ thần tình yêu nổi tiếng nhất ở Assyrya và Babylon, người ở hai bờ văn minh Lưỡng hà (gần 4000 năm trước) đã để lại những vần thơ mê đắm:
“Ôi nữ thần - có nàng dẫn đạo
Số phận trên đời nàng giữ ở bàn tay
Mỗi cái nhìn, nàng tạo niềm vui mới
Quyền lực, vinh quang, hộ mạng thế gian này...”
(Tụng ca Ishtar)
Tình yêu, một kinh nghiệm siêu hình, ngay từ trong tâm thức ban sơ của nhân loại đã tồn tại với ý nghĩa là quyền năng “đáng kính sợ hơn cả”. Người Ấn Độ ý thức: “Kama là mầm mống của lòng người của trí tuệ, là sợi dây ràng buộc cái bản thể với cái không bản thể” (Rig Veda); “Kama có trước tất cả, Kama là tự tại, chẳng ai sinh ra nên gọi là Agia (không được sinh ra mà vẫn có) thần thánh, tổ tiên và loài người đều ở dưới Kama, ở sau Kama và do Kama đẻ ra” (6).
Quyền năng “đáng kính sợ hơn cả” của tình yêu (và dục tình), như vậy, bắt nguồn ở ý nghĩa đầu tiên: Ý nghĩa sáng thế. Nguyên tắc tình yêu do vậy là nguyên tắc bản thể mang tính tạo tác, nó là hữu đầu tiên, nguyên thuỷ, từ đấy thế giới hiện tượng mới sinh thành, vì thế loại trừ mọi tri giác trí năng mang tính nhận biết trực tiếp, lý trí do đó chỉ có thể nhận biết nguyên tắc tình yêu như là một nguyên tắc vũ trụ thông qua sự phối hợp và phân ly không ngừng làm thành một chuỗi tương tục vận hành bất tận nơi thế giới tự nhiên.
Trong thần thoại Hy lạp, Tình yêu (Eros) là một trong những vị thần sáng tạo đầu tiên được sinh ra từ khởi nguyên thần Khaos, với ý nghĩa đem lại sinh khí cho vạn vật. Từ đây, sống động nơi tâm thức thần thoại, tình yêu (eros) được ghi nhận như là một nguyên tắc vũ trụ quan ra đời nhằm giải thích sự hiện diện, sinh trưởng, tuần hoàn và huỷ diệt thế giới; đồng thời như một nguyên tắc nhân sinh quan mang tính biện chứng lý giải quá trình kết hợp của muôn loài nhằm duy trì sự tồn tại. Còn trong Upanishad, những trang sách mà Schopenhauer ca tụng là đáng khen và đáng ca ngợi nhất có được trên thế gian, chương IV bàn về Sự sáng tạo và nguyên nhân của nó,kể lại: Prajàpati (linh hồn của tất cả - vũ trụ) trong cảm thức lo sợ cô đơn (từ đây cô đơn có nghĩa là lưu đày), đã phân chia cơ thể mình làm hai phần, từ đó có chồng (pati) và vợ (patni). Sau này, ông ta (pati) hợp nhất với vợ (patni) của mình và từ sự hợp nhất đó loài người được sinh ra. Hổ thẹn (từ đây hổ thẹn là biết yêu đương), người vợ nghĩ thật là xấu hổ, ông ta làm sao có thể hợp nhất với ta sau khi đã tạo ra ta từ chính bản thân ông ta? Thôi được, hãy để cho ta ẩn náu chính mình. Thế là người vợ biến thành bò cái để lẩn trốn, người chồng liền biến thành bò đực, họ hợp nhất, vậy là sinh ra loài bò. Người vợ biến thành ngựa cái, người chồng biến thành ngựa đực, lại hợp nhất, sinh ra loài ngựa... cứ thế cho đến loài kiến; vạn vật từ đó được hình thành.
Vậy, ái tình chính là một cuộc đuổi bắt.
Nhưng ái tình trong tâm thức nguyên thủy, như đã nói, về bản chất lại là một kinh nghiệm rất mơ hồ, cả Eros và Kama đều vừa là tính dục lại vừa là tình yêu. Vì thế, ở Hy Lạp từ thế kỷ V-IV Tr.c.n, các triết gia đã phân chia nữ thần tình yêu (Aphrodite) thành hai loại. Một là Aphrodite Pandémos, tượng trưng cho tình yêu của những cảm xúc thô thiển, phàm tục. Hai là Aphrodite Urania, tượng trưng cho tình yêu của những cảm xúc cao thượng, lý tưởng.
Điều này thể hiện tình yêu là thứ xúc cảm vi tế và phức tạp nhất của loài người, chỉ có ở loài người, vì loài vật thì không biết yêu, còn thần thánh thì tuyệt tình. Tình yêu vì thế là phạm trù luôn luôn lớn hơn chính nó, nó có tính vượt ngưỡng, bởi ngay cả tình yêu cũng bị chính tình yêu chi phối. Tình yêu vì thế chỉ có thể cảm biết, nếu nói ra thì không còn là chính nó (vì không thể diễn đạt đầy đủ bằng ngôn từ) [đúng như nguyên tắc: tượng lớn thực sự thì không thể biểu đạt ra ngoài - “đại tượng vô hình” trong Đạo đức kinh (chương XLI)].
3. Và trong quá trình trôi nổi, hay dịch chuyển những cấu trúc (cốt truyện) giống nhau, thần thoại thế giới mới lẩy ra những nét tương đồng khi chúng ta tiến hành xếp chồng văn bản (Strauss). Thần thoại vì thế bao giờ cũng tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc của sự tái lặp chất liệu trong sáng tạo, phản ảnh trung thành những nguyên tắc tâm lý đặc thù của toàn bộ cộng đồng, thể hiện qua hệ thống những ngôn ngữ biểu tượng được nâng lên thành những siêu tượng hay cổ mẫu.
Để biểu diễn tính vượt ngưỡng, quá khổ của đại tượng tình yêu, thần thoại phổ biến môtip:
Vì tình yêu à Nữ thần yêu à(Xuống âm phủ) Cứu người yêu àMặt đất chết à (Để
( Aphrodite à Adonis
Ishtar à Tammuz
Artémis à Hippolite ...)
cứu sự sống) Phục sinh tình yêu àMặt đất sống động trở lại à Vì tình yêu
Môtip có tính phổ quát này, nhận định như Frazer là hình mẫu rất phổ biến trong những huyền thoại và những tôn giáo lâu đời, trong đó Adonis là đại diện nổi tiếng nhất (7). Như vậy, ngay cả kẻ nắm giữ quyền lực yêu đương cũng không làm chủ được tình yêu, bởi như đã nói: tình yêu là một xung lực to lớn hơn chính bản thân nó nên không thể kiểm soát.
Tình yêu, theo Upanishad là “vị thần được sinh ra từ tâm trí” (sáng tạo), nên bất tử, nếu chẳng may thế gian đột ngột thiếu vắng tình yêu (như Kama bị Siva đốt cháy) thì chỉ còn “một tiếng kêu gào thống khổ trỗi lên từ ba thế giới, động và tĩnh, và tất cả những nhà hiền triết trên trời vội vã chạy đến tìm sự che chở của Brahma” (8).
Người Lưỡng Hà để lại những kinh nghiệm đau thương khi thiếu vắng tình yêu trong những vần thơ thống thiết:
“Sau khi nữ thần đi biệt
Nơi dải đất không đường về
Những con bò đực không động
Những con bò cái chán chê
Chẳng có trai nào xuống phố
Con gái không còn ai mê
Đàn ông một mình nằm ngủ
Phụ nữ đêm đêm nằm lì...”
(Tụng ca Ishtar )
Để cứu thế giới, tình yêu phải được phục sinh.
Nên, tình yêu là bất tử.
Kama trong thần thoại Ấn Độ là vị thần duy nhất có thể điều khiển Siva (vị thần được coi là cội nguồn của mọi hiện hữu). Sự phục sinh Kama trong hình hài mới vô hình (như một nguyên tắc đại tượng) là một tư tưởng rất sâu sắc của Ấn Độ; điều này có nghĩa, tình yêu là một quyền năng phổ quát mà chúng ta không thể tri giác nếu chỉ dựa vào lý trí, bởi tình yêu không hiện thể ra hình dạng. Tình yêu, mà sức mạnh của nó được Wendi Doniger O’Flaherti biểu diễn trong công thức khủng khiếp: Không có Kama thì giữa đàn ông và đàn bà cũng chẳng có cảm xúc, một cảm xúc tựa như mười triệu mặt trời.
Denis Dideros từng nhấn mạnh về sự khăng khít giữa cái thật, cái tốt và cái đẹp (mà trước đó với Platon là ba linh tượng lý tưởng: chân - thiện - mỹ). Dostoijevki quyết liệt hơn trong cách nói có lẽ con người sẽ không còn muốn sống trên cõi đời này nếu thiếu vắng cái đẹp, nên chính Dostoijevki xác quyết:
“Cái đẹp sẽ cứu vớt thế giới!”.
Mà một trong những hiện thân kiều diễm nhất của cái đẹp chính là tình yêu.
Aphrodite được thế giới biết đến là Nữ thần của Ái tình và sắc đẹp. Venus - Thần tình yêu của người La mã là nữ thần bảo trợ nghệ thuật cho thành Roma. Thần thoại thế giới, ở đâu cũng dành cho tình yêu những lời ca tụng nồng cháy; người Lưỡng hà tụng ca nữ thần tình yêu Ishtartrong mỹ cảm của cái đẹp tuyệt đối:
“Trên môi nàng là mật, đời sống trong miệng nàng
Nàng bước đến, niềm vui chất ngất
Nàng rực rỡ huy hoàng, khăn che đầu phất phới
Dáng yêu kiều, đôi mắt sáng long lanh”.
(Tụng ca Ishtar - Nhật Chiêu dịch)
Người Ấn Độ thì miêu tả Kama là một chàng trai vô cùng tuấn tú. Chàng ngự trên chiếc xe thần do bầy chim vẹt óng ả và lộng lẫy kéo đi. Trên tay cầm cây cung là cây mía uốn cong, dây cung do đàn ong kết cánh lại với nhau, mũi tên thì làm bằng hoa xoài mềm mại rộn rã hương. Đi theo chàng là người vợ Rati (say đắm), Chúa xuân Vaxanta bạn chàng, và đằng sau là bầu đoàn những các chàng trai thiên thần mê đắm yêu đương Ganđacva cùng các vũ nữ Apxara mềm mượt.
[Bởi Ấn Độ là nền văn hóa trọng âm nên tình yêu được hình tượng bằng một Nam thần. Lưỡng hà - thờ mặt trời với Hy lạp là văn hóa trọng dương nên tình yêu được tượng trưng bằng một Nữ thần. Phân tâm học quan niệm đây chính là cơ chế bù trù trong tâm lý tộc loại.]
Nhưng thú vị hơn cả là câu chuyện của người Hi Lạp. Trong cuộc tranh dành ngôi vị người đàn bà đẹp nhất (Hoa hậu hoàn vũ trên trời!) giữa Hera (quyền lực), Athena (trí tuệ và sức mạnh) với Aphrodite (sắc đẹp). Mỹ cảm trần gian (hiện thân qua chàng trai người trần Paris) đã trao vương miện cho Ái tình và sắc đẹp Aphrodite.
Ái tình vì thế cao quý hơn quyền lực, trí tuệ và sức mạnh.
Nhưng cũng chua chát thay, từ đây ái tình mãi mãi bất hòa với quyền lực, trí tuệ và sức mạnh, mười năm chiến cuộc thành Troia đã thay lời tuyên bố mối thâm thù vĩnh viễn. Và cũng thật tai hại, kể từ đây thế giới biết đến môtip phổ quát “người đàn bà đẹp gây tai họa” (nghiên cứu của phân tâm học) trong văn hóa nghệ thuật. Theo đó thì xung lực ái tình tiềm ẩn công năng tàn phá khủng khiếp. (Ôi! Tự tử vì tình!)
4. Và điều sau cùng cho khát khao lần giở lại vào trong kinh nghiệm thần thoại nhằm “làm sao cắt nghĩa được tình yêu” (Xuân Diệu), con người liền vấp ngã vào hữu hạn tính của cái khả tri trước vấn nạn ái tình. Eros (Tây) và Kama (Đông) đều là những nguyên lý có tính nước đôi, lấp lửng, hai mặt (ambivalent) vừa là tính dục lại vừa là tình yêu. Thế nên, dục tính và tình yêu trong tâm thức thần thoại thách đố nhận thức.
Tình yêu như thế là sự lấp lửng giữa dâm và tình, thế nên, hệ thống thần thoại phổ biến khắp thế giới tồn tại trôi nổi cấu trúc Tình yêu là Dục tình.
Rig vêda viết: “Hỡi Kama! Thần có chiếc tên nhắm trúng đích. Cánh tên là sầu muộn, lòng tên là mong mỏi, mũi tên là dục tình, mong thần đến xuyên qua trái tim con người” (9). Mũi tên là dục tình ấy của Kama đã thể hiện quyền uy vô địch của mình khi khuất phục được thần thông của Siva chúa tể. Nó khêu gợi lên trong Siva lòng ham muốn xác thịt khủng khiếp, buộc Siva phải hợp nhất với nàng Parvati. [Mũi tên định mệnh ấy đã làm “hư hỏng đời” Siva, một vị thần khổ tu, sau một lần bị dục tình chi phối đã mãi mãi đắm chìm trong những tội lỗi xác thịt, đến nỗi về sau từng bị hội đồng bảy nhà hiền triết (có vợ bị Siva dụ dỗ) quyết định “cắt chim” (thiến hoạn)].
Còn trong hệ thống thần thoại Hi Lạp, nếu “đọc” Aphrodite thuần túy theo diễn ngôn dục tình, thì đích thực Aphrodite là hiện thân của dục tình ở mức phổ quát và mãnh liệt nhất.
Sinh ra từ bọt trắng trên biển được tạo thành từ bộ phận sinh dục bị cắt bỏ của Uranos, Aphrodite vì thế là con đẻ của dục vọng. Cuộc đời Aphrodite là một chuỗi những phiêu lưu tình ái với hàng tá các nam thần và vô số các chàng trai trần tục. Nàng là hiện thân của ham muốn bất tận (10).
Để tạm kết lại vấn đề suy nguyên bản chất dục tính và tình yêu trong tâm thức nguyên hợp thần thoại, một kinh nghiệm mà, mượn ý của Nanak trong Adi granth:“và ngôn ngữ tình yêu bất tận”...
Aphrodite vì thế chỉ có thể là Aphrodite đang thì thầm với riêng ta.
Nguyễn Mạnh Tiến
Chú thích:
* Tụng ca Ishtar - Nhật Chiêu dịch
(1) Xem Đỗ Lai Thúy bs(2007), Phân tâm học và tính cách dân tộc, Nxb Tri thức, Hà Nội, tr293.
(2) Lévy Bruhl (2008), Kinh nghiệm thần bí và biểu tượng ở người nguyên thủy, Nxb Thế giới, TC VHNT, Hà Nội.
(3) Chân lý này cũng được sử triết gia Arnold Toynbee truy nhận khi nói rằng để tìm hiểu và khám phá bản chất của một nền văn minh trước nhất là ông chú ý đến yếu tố chủng tộc, sau đó là môi trường, nhưng thế thôi chưa đủ, theo Toynbee còn cần đến “những linh cảm của huyền thoại và tôn giáo” để lý giải văn minh. Ở một chỗ khác Toynbee viết: “Tôi sẽ bắt chước cách làm của Platon: tôi nhắm mắt lại trước những công thức khoa học để lắng nghe ngôn ngữ của huyền thoại”. Xem Arnold Toynbee (2002), Nghiên cứu về lịch sử - Một cách thức diễn giải, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr67 & tr83.
(4) Erich Fromm thì tiến hành giải minh giấc mơ như “đọc” một ngôn ngữ, bởi vì Fromm quan niệm, truyện thần thoại và giấc mơ đều có điểm chung là được “viết” bằng một ngôn ngữ gọi là ngôn ngữ tượng trưng (có điều qua thời gian ngôn ngữ ấy đã bị lãng quên, vì thế cần phải tiến hành “đọc” lại.
(5) Xem nhiều tác giả (2005), Folklore thế giới - Một số công trình nghiên cứu cơ bản, Nxb Khoa học xã hội, Hà nội, tr287.
(6)&(9) Lưu Đức Trung (2004), Văn học Ấn Độ, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr36 & tr37.
(7) Ở đây thấy cần phải nói rõ, Frazer sử dụng hệ thống môtip này nhằm mục đích minh chứng cho tính phổ quát của nghi lễ tôn giáo cành vàng, khác với chúng tôi sử dụng hệ thống môtip này nhằm khám phá tâm thức tính dục và tình yêu cổ xưa. Xem James George Frazer (2007), Cành vàng, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, tr27.
(8) Wendi Doniger O’Flaherti (2005), Thần thoại Ấn Độ, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, tr187.
(10) Ở các tôn giáo cổ xưa của rất nhiều dân tộc, đền thờ các vị nữ thần tình yêu chính là nơi được thừa nhận hợp pháp hoạt động tính giao của các nữ tì. Hêghen gọi đây là hình thức mãi dâm đầu tiên trong lịch sử. Nhưng có lẽ cần phải nói cho rõ, nhận xét của Hêghen chỉ đúng với giai đọan tha hóa của lịch sử phát triển nghề kỹ nữ, còn trong ý nghĩa ban đầu, kỹ nữ là một hình thức văn hóa, tôn giáo, lịch sử, xã hội cao quí, ở đó hoàn toàn không có yếu tố mãi là sự mua bán dâm (như là các hình thức kỹ nữ dung tục sau này) mà tồn tại yếu tố đầu tiên (chúng tôi gọi) là hiến dâm, tức là hành vi dâng hiến dâm tính cho siêu việt nhằm kiến tạo nên một mối bang giao tâm linh với siêu việt, qua đó thăng hóa chính đời sống cá nhân như là một yếu tố bất diệt. Đấy là hình thức đầu tiên của lịch sử phát triển kỹ nữ phương Tây (hình thức siêu việt dâm tính).
Ở phương Đông, theo một con đường khác, nhưng kỹ nữ cũng mang một ý nghĩa văn hóa rất cao và độc đáo, song song với yếu tố mãi là nguyên nhân hình thành lịch sử kỹ nữ vì mục đích kinh tế chính trị của nhà nuớc nam quyền (ở Trung Hoa bắt đầu từ thời Chiến Quốc với các hình thức doanh kỹ, cung kỹ), hay nhu cầu hưởng thụ của nam nhân (gia kỹ, thị kỹ và cung kỹ), tồn tại một tầng lớp những danh kỹ mà chính họ và những mối quan hệ xung quanh (chủ yếu với danh sỹ và kiểu người tài tử) là chủ nhân của rất nhiều hình thức văn hóa cao cấp có tính bác học và tài hoa bậc nhất Đông Á. Ở phương Tây cũng vậy, không ít những danh kỹ mà hành trạng của họ có thể coi là tiền thân, hắt bóng lên hình ảnh bà hoàng bảo trợ các salon nghệ thuật danh tiếng ở Châu Âu sau này.
Còn xét từ nguồn gốc văn minh và sự phát triển xã hội, chính Engels là người đã chỉ ra vai trò của kỹ nữ trong sự phát triển lịch sử từ hình thức mông muội nguyên thuỷ sang văn minh. Theo đó, kỹ nữ là đại diện cho loại người phụ nữ đầu tiên ý thức về vai trò cá nhân, cơ sở cho xã hội chuyển từ hình thái công xã nguyên thuỷ sang tư hữu. Sử gia W.Durant cũng đồng ý kiến với Engels khi xem sự xuất hiện kỹ nữ là nguồn gốc của văn minh.
Vì thế, De Beauvoir hoàn toàn có lý khi kết tội lịch sử với sự áp chế của nam tính là nguyên nhân dẫn đến sự bi thảm của giới nữ, trong đó những người kỹ nữ là hình ảnh đanh thép nhất của cái đẹp bị lưu đày trong các nền quân chủ chuyên chế. Lịch sử kỹ nữ vì thế chỉ chứng minh một điều: số phận kỹ nữ càng bi thảm bao nhiêu thì càng chứng tỏ sự tha hóa của nhân cách nam giới đã trở nên trầm trọng bấy nhiêu.
Do đó, cần phải xác lập lại địa vị của dòng văn hóa nghệ thuật của kỹ nữ và lấy kỹ nữ làm vũ trụ sáng tạo trung cổ.