Ðây chỉ là câu văn tả cảnh vị trí phương xa của đảo Hải Nam; còn nếu bảo Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Ðường nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, như vậy cả Chiêm Thành và Chân Lạp được đề cập trong lời trích dẫn, cũng cùng chung số phận nằm trong lãnh thổ Trung Quốc ư!
2. QUỲNH QUẢN CHÍ [瓊管志], là một bộ sách vào đời Tống, nay đã thất truyền và không rõ tác gỉả; được Hàn Chấn Hoa nêu lên những sách trích dẫn như DƯ ÐỊA KỶ THẮNG [輿地紀勝] của Vương Tượng Chi đời Tống, QUỲNH ÐÀI CHÍ [瓊台志]của Ðường Trụ, QUẢNG ÐÔNG THÔNG CHÍ [廣東通志]của Kim Quang Tổ đời Thanh, QUỲNH CHÂU PHỦ CHÍ [瓊州府志]của Minh Nghị đời Thanh. Câu văn trích dẫn nói về vị trí phủ Quỳnh Châu, thuộc đảo Hải Nam như sau: 瓊筦古志云,外布大海,接乌里蘇密吉浪之州,南則占城,西則真腊,交趾,東則千里長沙,萬里石塘,北至雷州府徐聞縣 Quỳnh Châu bên ngoài bao bọc bởi biển lớn, tiếp giáp với châu Ô Lý Tô Mật Cát Lãng, phía nam có nước Chiêm Thành, phía tây Chân Lạp, Giao Chỉ; phía đông Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Ðường, phía bắc có huyện Từ Văn, phủ Lôi Châu.
Câu văn này cũng tương tự như câu trên nhắm chỉ phương hướng xa, được Hàn Chấn Hoa suy diễn ngoài sự thực rằng Vạn Lý Trường Sa và Thiên Lý Thạch Ðường nằm trong cương vực Trung Quốc về đời Tống. (2)
3.Tăng Công Lượng đời Tống trong VŨ KINH TỔNG YẾU [武經總要]kể qua thủy trình của nhà Tống đi xuống Chiêm Thành, họ đi từ núi Ðồn Môn thuộc tỉnh Quảng Ðông, chờ gió đông hải trình theo hướng tây và Nam, qua 7 ngày đến Cửu Nhũ Loa Châu, rồi đi tiếp 3 ngày đến núi Bất Lao thuộc Chiêm Thành. (3)
Thủy trình này tương tự như Chu Khứ Phi đời Tống, kể lại trong LÃNH NGOẠI ÐẠI ÐÁP [嶺外代答] rằng thuyển đến các nước Phiên phương nam đều đi theo hướng tây đến biển Giao Chỉ, rồi tiếp tục đi xuống phía nam:
Ba dòng nước xoáy
Bốn quận phía tây nam đảo Hải Nam có biển lớn gọi là Giao Chỉ dương. Tại biển có 3 dòng nước xoáy, nước phun lên chia thành 3 dòng; dòng thứ nhất chảy về phía nam dẫn đến biển thuộc các nước Phiên ; dòng thứ 2 chảy lên phía bắc qua vùng biển Quảng Ðông, Phúc Kiến, Chiết Giang; dòng thứ 3 chảy vào nơi mù mịt không bờ gọi là Ðông Ðại Dương. Tàu thuyền đi về hướng nam phải qua ba dòng nước xoáy, nếu gặp một chút xíu gió thì vượt được,nếu vào chổ hiểm đó mà không có gió thuyền không ra được, ắt phải vỡ chìm trong ba dòng nước xoáy. Nghe truyền rằng biển lớn phía đông có Trường Sa Thạch Ðường rộng vạn dặm, nước thủy triều thi triển đẩy vào chốn cửu u . Trước kia đã có thuyền bị bão phía tây thổi, trôi dạt đến biển lớn phía đông này , nghe tiếng ba đào chấn nộ hung hãn, trong khoảng khắc gặp gió lớn thuận chiều nên may thoát được .
Qua các sử liệu đã dẫn, chứng tỏ thuyển Trung Quốc xuống phương nam thường đi theo ven biển Việt Nam, họ không dám ra đến Trường Sa Thạch Ðường hay quần đảo Tây Sa như họ Hàn đã quả quyết. (4)
4.TỐNG SỬ [宋史]chép việc quân Mông cổ truy kích vua Tống Ðoan Tông vào năm Chí Nguyên thứ 14 [1277] như sau:
Ngày Bính Tý tháng 12, Chính [Ðoan Tông] đến Tỉnh Áo, gặp bão hư thuyền, một số bộ hạ bị chết trôi, nên nhiễm bệnh.Hơn tuần sau quân lính từ từ đến tụ tập, 10 phần chết còn 5,4. Ngày Ðinh Sửu Lưu Thâm truy kích Chính đến Thất Châu Dương, bắt được Du Như Khuê rồi rút lui. (5)
Hàn Chấn Hoa vin vào sử liệu này để khẳng định rằng Thất Châu Dương tức quần đảo Tây Sa; luận điệu này đã được nhà biên khảo Trung Quốc Ðàm Kỳ Tương phản đối trong bài THẤT CHÂU DƯƠNG KHẢO [七洲洋考] (6). Ngoài ra sách ÐÔNG TÂY DƯƠNG KHẢO [東西洋考] của Trương Tiếp đời Minh xác nhận rằng: Theo QUỲNH CHÂU CHÍ [瓊州志]Thất Châu Dương tại phía đông huyện Văn Xương 100 lý 七州洋, 瓊州志曰在文昌東一百里. (7) Trên bản đồ Google nếu phóng to thì địa danh Văn Xương [Wenchang] thuộc tỉnh Hải Nam xuất hiện , từ đó đến quần đảo Paracel [ Trung Quốc gọi Tây Sa] khoảng 400 km tức gần 700 lý xưa; như vậy tính cả phương hướng và khoảng cách Thất Châu Dương cách Tây Sa [Hoàng Sa ] rất xa!
Chú thích
1.NQNHCÐSLHB,trang 32.
2.NQNHCÐSLHB, trang 33-36.
3.NQNHCÐSLHB, trang 37.
4.NQNHCÐSLHB, trang 38.
5.NQNHCÐSLHB, trang 39-40
6.Xem NAM HẢI CHƯ ÐẢO LUẬN CHỨNG KHẢO TẬP, trang 1-6
7.Trương Tiếp, ÐÔNG TÂY DƯƠNG KHẢO, quyển 9.
B. Ðời Nguyên:
1.Hàn Chấn Hoa trưng sử liệu trong QUỲNH HẢI PHƯƠNG DƯ CHÍ
[瓊海方輿志]của Thái Vi đời Nguyên như sau:
[Quỳnh Châu] phía ngoài bao bọc bời biển lớn, tiếp với châu Ô Lý Tô Mật Cát Lãng; phương nam thì Chiêm Thành, tây là Chân Lạp, Giao Chỉ; đông thì Trường Sa Vạn Lý Thạch Ðường; đông bắc phía xa thì Quảng Ðông, Mân[Phúc Kiến], Chiết [Chiết Giang]; gần thì có Khâm [Khâm Châu], Liêm [Liêm châu], Cao[Cao Châu], Hóa [Hóa Châu]. Ði biển 4 ngày tới Quảng Châu, 9 ngày đêm đến Phúc Kiến, 15 ngày đến Chiết Giang.
Sử liệu này cũng như lời trích dẫn trong mục số 1, đời Tống, qua CHƯ PHIÊN CHÍ của Triệu Nhữ Quát ; đây chỉ nói Trường Sa Vạn Lý Thạch Ðường cách phủ Quỳnh Châu đằng xa, ở ngoài vòng biển bao bọc; nhưng họ Triệu bảo rằng quần đảo được liệt nhập vào đảo Hải Nam quản hạt, quả là điều vô lý! (1)
2. Ðời Nguyên cuối năm Chí Nguyên thứ 29 [1293] Sử Bật được lệnh mang quân đến nước Trảo Oa [Java], khởi trình từ Tuyền Châu Phúc Kiến đến Thất Châu dương gặp gíó bão, thuyền chao đảo, quân lính mấy ngày không ăn, gió thổi lạc đến Vạn Lý Thạch Ðường cuối cùng men được vào duyên hải Giao Chỉ, Chiêm Thành, để tiếp tục hành trình. Nội dung được chép trong 2 bộ: NGUYÊN SỬ [元史] của Tống Liêm, và TÂN NGUYÊN SỬ [新元史]của Kha Thiệu Văn (2) như sau:
二十九年,拜榮祿大夫、福建等處行中書省平章政事,往徵爪哇,以亦黑迷失、高興副之,付金符百五十、幣帛各二百,以待有功。十二月,弼以五千人合諸軍,發泉州。風急濤涌,舟掀簸,士卒皆數日不能食。過七洲洋、萬里石塘,歷交趾、占城界
Năm Chí Nguyên thứ 29, được ban chức Vinh Lộc Ðại phu, giữ chức Trung thư tỉnh Bình chương chính sự các xứ Phúc Kiến,được lệnh mang quân đến Trảo Oa;có Hắc Mễ Thất,Cao Hưng giữ chức Phó. Mang 150 chiếc kim phù; vải lụa, bạch (3) mỗi thứ 200 tấm để thưởng cho người có công. Tháng 2, Bật mang 5000 quân hợp với các quân khác, xuất phát từ châu Tuyền [Phúc Kiến].Gặp gió bão, ba đào nỗi lên, thuyền xốc ngược lên,quân lính mấy ngày không ăn được, qua Thất Châu Dương, Vạn Lý Thạch Ðường, đến Giao Chỉ, biên giới Chiêm Thành.
Ðây là chuyến đi lạc hướng vì sóng gió, còn hành trình thường lệ được Trương Tiếp mô tả trong ÐÔNG TÂY DƯƠNG KHẢO [ xem Ðời Minh, mục số 5] là từ Thất Châu Dương , đến biển Giao Chỉ theo hướng Nam, qua bờ biển Chiêm Thành, đảo Côn Lôn, rồi hành trình tiếp đến Trảo Oa [Java].
3.Hàn Chấn Hóa trích sử liệu trong ÐẢO DI CHÍ LƯỢC [島夷志畧] của Uông Ðại Uyên nói về Côn Ðảo như sau:
Xưa núi Côn Lôn có tên là Quân Ðồn sơn, núi cao mà vuông,đáy trải dài đến mấy trăm lý, nghiễm nhiên trên biển cả, cùng các nước Chiêm Thành, Tây Trúc hướng đến, dưới có biển Côn Lôn, nên lấy đó làm tên.Thuyền buôn các nước đi Tây Dương, thuận gió 7 ngày đêm có thể đến đó; ngạn ngữ có câu:”Thượng hữu Thất Châu, hạ hữu Côn Lôn” [ý chỉ phía trên có Thất Châu Dương đáng sợ, phía dưới có Côn Lôn].
Nguyên văn mô tả Côn Lôn có núi cao, gần Chiêm Thành, đúng là Côn Ðảo nước ta ngày nay. Nhưng họ Hàn cho Côn Lôn là Nam Sa [Trường Sa], nơi đó không hề có núi cao, và biển Côn Lôn thành biển Nam Sa ; dụng ý muốn chứng tỏ rằng thuyền bè Trung Quốc xưa có đi qua Nam Sa! (4). Ðiều vô lý này đã bị nhiều thư tịch Trung Quốc phủ nhận:
- Ðời Nguyên Chu Ðạt Quan, trong CHÂN LẠP PHONG THỔ KÝ [眞腊風土記], dùng kim chỉ nam với 48 hướng, mô tả hải trình đến nước Chân Lạp [Cam Pu Chia] cho biết biển Côn Lôn gần nước Chân Lạp; sử liệu này cũng được họ Hàn trích trong NQNHCÐSLHB (5) như sau:
“ Khởi hành từ Ôn Châu [thuộc tỉnh Chiết Giang] theo hướng Ðinh Mùi [202.5 độ] qua các hải cảng tại Mân [Phúc Kiến], Quảng [Quảng Ðông] , biền Thất Châu [ phía đông đảo Hải Nam], biển Giao Chỉ, rồi đến Chiêm Thành. Lại từ Chiêm Thành theo chiều gió khoảng nửa tháng đến Chân Lạp. Từ Chân Lạp theo hướng Khôn Thân [232.5 độ] qua biển Côn Lôn, rồi vào cảng.]”
-ÐÔNG TÂY DƯƠNG KHẢO [東西洋考]của Trương Tiếp đời Minh cung cấp phương hướng từ đảo Côn Lôn đến Xích Khảm Sơn [ Phan Rang], và nước Bành Hanh [Pahang] như sau:
Từ Xích Khảm Sơn[Phan Rang] theo hướng đơn Mùi [210 độ], thời gian 15 canh đến núi Côn Lôn
Lại từ núi Côn Lôn theo hướng Khôn Mùi [217.5 độ] thời gian 30 canh đến Ðấu Dự, lại theo hướng Ðinh Ngọ [187.5 độ] đến nước Bành Hanh [tức Pahang thuộc Mã Lai]. (6)
Xét đoạn văn trích dẫn trên, trung bình thuyền bè thời xưa 1 canh đi được 60 lý, 1 doanh tạo lý tương đương .58 km; vậy từ đảo Côn Lôn đến Phan Rang là 522 km, đến Pahang là 1044 km. Với những con số nêu trên, nếu kiểm chứng qua bản đồ hiện nay thì có thể chấp nhận được; còn nếu bảo Côn Lôn là đảo Nam Sa [Trường Sa ] thì khoảng cách còn tăng lên gấp bội!
4.Thế nhưng trong TỐNG HỘI YẾU [宋㑹要] có nêu địa danh biển Côn Lôn, bàn về sử liệu này Hàn Chấn Hoa lại cho rằng biển Côn Lôn bao quát vùng biển tại đảo Côn Lôn thuộc miền Nam Việt Nam. Có lẽ vì sử liệu dưới đây đề cập đến vùng đất giáp Chân Lạp, Chiêm Thành, nên họ Hàn đành phải thuận theo sự thực, không thể luận bàn khác được:
Ngày 20 tháng 7 năm Gia Ðịnh thứ 9 [1216], người nước Chân Lý Phú (7) muốn đến Trung Quốc. Từ nước này ra biển 5 ngày tới Ba Tư Lan, thứ đến biển Côn Lôn, qua nước Chân Lạp, vài ngày đến nước Tân Ðạt Gia (8), vài ngày sau đến biên giới Chiêm Thành, qua biển khoảng 10 ngày. Phía đông nam là Thạch Ðường, có tên Vạn Lý; biển chỗ này hoặc sâu hoặc cạn, nước chảy gấp nhiều đá, thuyền bị lật chìm đến 7,8 phần 10, không thấy bờ núi. Rồi đến Giao Chỉ, 5 ngày sau đến châu Khâm, Châu Liêm. ( Nguyên chú: gọi là gió thuận toàn tại mùa hè, lúc gió Nam thổi. Khi trở về nước đợi gió Bấc mùa đông; nếu không theo như vậy không thể đến nơi được. (9)
Cũng như với trường hợp Thất Châu dương, địa đanh Côn Lôn họ Hàn chia thành 2 vị trí, thứ nhất gần bờ biển miền nam Việt Nam, thứ 2 tại quần đảo Nam Sa; lập luận gỉả thực lẫn lộn, cố dẫn giải theo ý tác giả muốn!
Chú thích
1.NQNHCÐSLHB, trang 44.
2.NQNHCÐSLHB, trang 45.
3Bạch: một loại hàng dệt bằng tơ trần.
4.NQNHCÐSLHB, trang48.
5.NQNHCÐSLHB, trang 49.
6. ÐÔNG TÂY DƯƠNG KHẢO, quyển 9.
7.Chân Lý Phú: một nước tại phía nam Chân Lạp.
8Tân Ðạt Gia: một nước xưa, giửa Chiêm Thành và Chân Lạp.
9.NQNHCÐSLHB,trang 43.
(Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp)