Hiểu theo nghĩa rộng, có lẽ ý vị hơn: trước hết phải yêu thích, rồi mới chịu khó rèn luyện, sau cùng mới đến chỗ hài hòa, sáng tạo. Nếu ta thấy châm ngôn ấy là có lý thì cũng thấy thật… vô lý khi nghe báo chí liên tục phản ánh tình trạng: không ít học sinh, sinh viên ở nước ta hiện nay hễ học văn thì ngán văn, học sử thì chán sử, học triết thì ghét triết… Thế thì làm sao chờ đợi có sự “thành ư Nhạc”? May mà người ta còn chưa chán, chưa ghét lây đến cả… “Anh văn, vi tính”!
Nhân nói đến… Anh văn, tôi lại chợt nhớ đến John Dewey (1859-1952), một trong những ông tổ của nền giáo dục hiện đại Hoa Kỳ. Ông bảo, trong cảnh xô bồ của môi trường xã hội, thì nhà trường dù sao vẫn là một môi trường có thể kiểm soát được một cách tương đối, trong đó những điều kiện cho sự phát triển của cá nhân có tác dụng lớn trong việc định hướng cho con người xã hội sau này. Năm 1896 (chỉ 12 năm trước ngày thành lập trường Đông Kinh nghĩa thục ở nước ta!), Dewey thành lập “trường học Dewey”, tức trường học Thực nghiệm thuộc Đại học Chicago (với chỉ 16 học sinh và 2 giáo viên lúc ban đầu) như một xã hội thu nhỏ. Trái với sự lầm tưởng, Dewey không theo chủ trương “lãng mạn” lấy học sinh làm trung tâm mà rất xem trọng vai trò của người thầy, thậm chí, theo ông, “nếu người thầy làm tốt nhiệm vụ của mình, sẽ không cần đến bất kỳ một hình thức cải cách nào khác”, vì họ chính là “người trợ giáo trong vương quốc đích thực của Thượng đế”! Đó chỉ là một cách nói, bởi “vương quốc” ấy không phải là vương quốc của quyền uy áp đặt mà phải là “một tiền đồn lợi hại của nền văn minh nhân loại", nghĩa là, “trường học phải là một nơi vô cùng thú vị” đối với người học. Để trở thành những tác nhân cải tổ, chứ không phải là tác nhân tái sinh xã hội, nhà trường nhất thiết phải được tổ chức lại. Đó chính là tham vọng lớn nhất của Dewey với vai trò là một nhà cải cách giáo dục: biến những trường học của nước Mỹ thành những công cụ hiệu quả nhằm dân chủ hóa triệt để xã hội Mỹ, chứ không đơn thuần cung ứng lao động cho việc tái sinh một xã hội phản dân chủ. Cùng nằm trong trào lưu “Tân-giáo dục” ấy, bà Maria Montessori (1870-1952), nhà cải cách giáo dục cự phách của nước Ý, nhìn học sinh như những “bào thai tri thức”, những “kỳ quan cuộc sống”, mà người thầy có trách nhiệm vun bồi: “người thầy giáo sẽ phải học cách giữ im lặng thay vì nói; phải quan sát thay vì hướng dẫn, và phải khoác lên mình tấm áo choàng của sự khiêm nhường và say mê thay vì vẻ kiêu ngạo của một con người không bao giờ phạm sai lầm”. Khả năng “quan sát” một cách tận tâm này không phải là một khả năng tự nhiên mà chỉ có được qua quá trình rèn luyện, “một quá trình thật sự hướng người ta đến với khoa học”. Bà viết: “nếu chúng ta không ý thức được rằng ta đã nhìn thấy một vật gì đó, thì dường như vật đó chưa bao giờ tồn tại. Tâm hồn của một nhà khoa học đầy ắp những niềm đam mê đối với những gì anh ta thấy. Một người chỉ thực sự bắt đầu học khi thấy mình đã bắt đầu thấy hứng thú. Và sự đam mê này là một động lực thúc đẩy đàng sau tinh thần khoa học”.
Từ nhận thức rằng: “khác với loài vật, con người không được “lập trình sẵn” với bất kỳ sự phát triển có phối hợp nào cả, nên con người phải tự học mọi thứ: không có mục tiêu nào được đặt ra cho con người mà con người phải tìm kiếm mục tiêu cho mình”. Áp dụng vào việc học, theo bà, tài liệu giảng dạy phải kích thích được trí tưởng tượng của người học, tác động trực tiếp vào ý thức, và chính những ấn tượng đầu tiên không chỉ ăn sâu vào ký ức của học sinh mà còn tạo ra những cấu trúc phát triển, giúp học sinh có khả năng tự giải quyết (“tự giáo dục”/autoeducation) tất cả những gì chúng gặp phải trên đường đời theo cấu trúc này. Bà nêu ý tưởng về “những giai đoạn nhạy cảm” của tuổi thiếu niên là những giai đoạn con người có khả năng tiếp thu cao nhất: “Óc biết tiếp thu vừa có nghĩa là năng lực học, vừa có nghĩa là tinh thần sẵn sàng học hỏi. Nếu không tận dụng được những cơ hội này, chúng sẽ mất đi mà không thể khôi phục lại được”. Sau giai đoạn “hưng ư Thi” ấy (“những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với những con người đầy say mê quan trọng hơn việc tham khảo những lý thuyết có sẵn”) mới là giai đoạn “định hình tinh thần trách nhiệm khoa học” (“lập ư Lễ”), nhưng đó cũng không phải là một “quá trình tuyến tính mà rất linh hoạt, phức tạp, đầy những bước đột phá, bùng nổ, thức tỉnh, những phát hiện mới, những biến đổi và tổng hợp. Tất cả sẽ đưa mỗi con người đến với đỉnh cao của quá trình tiến hóa, một quá trình thậm chí ta không thể đưa ra bất kỳ dự đoán nào về nó”. Bà viết tiếp về giai đoạn “thành ư Nhạc” này: “Phát triển sáng tạo là một chuỗi nối tiếp, sự ra đời này tiếp nối sự ra đời khác. Nếu mục tiêu của loài người là tìm kiếm sự tiếp nối thực sự, thì nhiệm vụ của giáo dục phải là sự phát triển tiềm năng của con người”.
Trở lại với chúng ta, thử tự hỏi ta đã và đang làm gì để “hưng ư Thi”? Bằng cách chôn chân học sinh trong bốn bức tường ngột ngạt với gánh nặng sách vở và thi cử hay dành nhiều dịp cho các bạn trẻ ấy tung tăng nơi đồng nội để biết yêu thương và biết học hỏi thiên nhiên? Bằng những đáp án “dọn sẵn” có tham vọng tát cạn hết mọi tầng ý nghĩa của tác phẩm văn chương (vốn không bao giờ tát cạn được) hay chỉ “vén một góc” và dành ba góc còn lại cho chân trời cảm thụ và khai phá của người học (“Bất phẫn bất khải, bất phỉ bất phát. Cử nhất ngung, bất dĩ tam ngung phản, tất bất phục dã!”/“Không bực tức thì trí không mở, không hậm hực thì ý không bật ra. Vén cho một góc mà không tự vén thêm ba góc thì không nói lại nữa”. Luận ngữ)? Có chỗ chăng cho những thầy giáo đầy cá tính, là tượng đài hiện thân cho sự say mê chứ không chỉ là kẻ truyền đạt kiến thức, như một Bùi Giáng giảng Kiều: nổi giận đùng đùng trước âm mưu gian tà của Hồ Tôn Hiến, nức nở, uất nghẹn trước cái chết của Từ Hải và thảm nạn của nàng Kiều đến nỗi “nhảy cửa sổ” ra đi vì không còn lòng dạ nào mà tiếp tục “giảng giải” trước cảnh trái ngang như thế? Các cô cậu học sinh có may mắn dự giờ giảng văn dị thường ấy, khi trưởng thành, chưa chắc còn nhớ trong đầu bao nhiêu kiến thức về truyện Kiều nhưng chắc sẽ ghi mãi trong tim một tình yêu bất diệt với văn chương.
“Hưng ư Thi” (“trường học phải là một nơi vô cùng thú vị”) – chứ chưa vội nói đến “thành ư Nhạc”, càng không phải… tăng học phí – là điều mong mỏi đầu tiên của tất cả chúng ta cho nền giáo dục nước nhà.
* Thái Nguyên Bồi (1868-1940), nhà cách mạng giáo dục tiên phong đầu thế kỷ XX, vị bộ trưởng giáo dục đầu tiên của Trung hoa dân quốc (1911), đã dùng sáu chữ để khái quát toàn bộ tính chất của nền giáo dục hủ bại ấy: Bỉ (xấu xa: mục đích học chỉ để làm quan), Loạn (lộn xộn: nội dung học không đáp ứng nhu cầu phát triển nhân cách), Phù (sáo rỗng: phương pháp học thuộc lòng), Tỉ (sợ sệt: thầy lẫn trò đều lo đối phó với áp lực từ bên ngoài), Trệ (đình trệ: không tạo cho con người cảm hứng sáng tạo) và Khi (dối trá: hậu quả của các tệ nạn trên).
Nguồn: amvc