Những góc nhìn Văn hoá

Martin Heidegger: Cuộc đời và ngôn ngữ triết học

I. Cuộc đời Heidegger

(Có lẽ ngoại trừ Wittgenstein) ông là triết gia lớn nhất thế giới XX. (Và cũng có lẽ ngoại trừ Hegel) ông là tay ba hoa vĩ đại nhất đã từng tự nhận danh hiệu “triết gia”, một bậc thầy của sự ngụy trang thùng rỗng kêu to mà như là uyên thâm lắm. Một tay người Đức thô bỉ hết thuốc chữa, cũng như có lúc là một tên Quốc xã khờ khạo và tự cao. Một nhà phê bình Chủ nghĩa quốc xã cay độc nhưng đầy ẩn ý, một nhà phân tích sắc sảo về những căn bệnh của thời đại chúng ta và là niềm hi vọng lớn nhất của ta về một phương thuốc cứu chữa. Mỗi một khẳng định trên đây là nói về Hedeigger, cũng có đôi điều hợp lý. Người gây nên những phản ứng trái ngược này là ai?

 Martin Heidegger

Martin Heidegger sinh vào năm 26 tháng 9 năm 1889 trong một gia đình Công giáo nghèo tại một thị trấn nhỏ ở Messkirch bang Baden vùng tây-nam nước Đức. Cha ông, Friedrich, là người coi hầm rượu và phụ việc cho một nhà thờ địa phương. Năm 1903, Heidegger học trung học ở Konstanz, ở đây ông nhận được học bổng và vào sống trong một khu trọ dành cho người Công giáo. Trước đó ông được chuẩn bị để trở thành linh mục. Năm 1906, ông chuyển đến học trung học tại Freiburg và được nhà thờ cấp cho một chỗ ở tự do. Chính tại đây, theo như ông thuật lại, lần đầu tiên sự quan tâm về triết học của mình được đánh thức bởi tác phẩm “On Various Meanings of Being according to Aristotle / Những ý nghĩa khác nhau về Tồn tại theo Aristotle” (1862) của Franz Brentano, một trong những thủy tổ của phong trào hiện tượng học. Về sau ông bắt gặp cuốn “On Being: An Ontline of Ontology / Về Tồn tại: Một khái lược về bản thể học” (1896) của Carl Braig, tác phẩm bao gồm những trích dẫn từ Aristotle và từ các triết gia trung cổ như Thánh Aquinas (MWP, 74). Năm 1909, ông rời trung học và trở thành một tín đồ dòng Tên, nhưng bị đuổi chỉ sau một tháng bởi vấn đề đức tin và cũng có thể do không có thiên hướng tâm linh. Sau đó, ông vào Đại học Freiburg, học thần học và triết học kinh viện. Năm 1911, một cơn khủng hoảng đã khiến ông từ bỏ việc trở thành linh mục và chuyển sang nghiên cứu triết học, các khoa học về tự nhiên và về luân lý. Chính thời gian này ông nghiên cứu triết học hiện đại, nhất là tác phẩm “Logical Investigation / Những nghiên cứu logic” của Edmund Husserl, một khuôn mặt hàng đầu của phong trào hiện tượng học. Mục đích của Husserl là nghiên cứu có hệ thống những tiến trình của ý thức tinh thần của ta mà không quan tâm đến những nguyên nhân và những hệ quả phi-tinh thần. Ông tốt nghiệp năm 1913 với luận văn “The Theory of the Judgement in Psychologism / Lý thuyết về phán đoán trong thuyết duy tâm lý học”, mà ở đó trong tinh thần của Husserl ông phê phán những nỗ lực phân tích khái niệm mang tính logic của một phán đoán dưới góc độ của tâm lý học con người. Năm 1915 luận văn hậu tiến sĩ của ông “Duns Scotus’s Theory of Categories and Meaning / Lý thuyết của Duns Scotus về các phạm trù và ý nghĩa” mang lại cho ông quyền giảng dạy Đại học.

Công việc hàn lâm của Heidegger bị gián đoạn bởi Thế chiến Thứ nhất. Năm 1915 ông bị bắt lính, nhưng được xem là không phù hợp với những nhiệm vụ chiến trường và được cho về phục vụ ngành bưu chính và khí tượng. Năm 1917, ông kết hôn với một tín đồ Tin Lành là Elfriede Petri, sau đó họ có một đứa con trai tên Jorg; năm 1919, ông tuyên bố đoạn tuyệt với “hệ thống Công giáo Roma”. Ông giải ngũ năm 1918, trở thành giảng viên không lương tại Freiburg và trợ giảng cho Husserl, người đã là giáo sư Đại học năm 1916. Bấy giờ Heidegger bắt đầu nổi danh như một vị thầy cực kì thông tuệ. Các bài giảng của ông về Aristotle, Thánh Paul, Thánh Augustine, hiện tượng học, thế giới của trải nghiệm hằng ngày của ta và của con người, đã mang lại cho ông lời tôn vinh như là “vị vua giấu mặt” của triết học (Arendt). Năm 1923 ông chuyển đến Marburg với tư cách là giáo sư cộng tác, và tại đó kết thân với thần học gia Rudolf Bultmann và bắt đầu một mối quan hệ lâu dài với Hannah Arendt. (Bắt đầu làm bạn và trao đổi thư từ với Karl Jaspers năm 1920). Tại Marburg, ông mở rộng phạm vi bài giảng của mình với các khóa giảng về “Rhetoric / Tu từ học” của Aristotle, “Sophist / Biện sĩ” của Plato, triết học Hi Lạp tiền Socrates, thời gian, chân lý, Thánh Aquinas, Kant, và Leibniz. Tuy nhiên ông đã không xuất bản khoảng 10 năm. Sau đó vào mùa xuân năm 1927, ông công bố tác phẩm lớn của mình “Sein und Zeit / Being and Time / Tồn tại và Thời gian” như là một tập sách riêng biệt trong “Niên giám triết học và nghiên cứu hiện tượng học” do Husserl chủ biên. Điều khiến ông cho xuất bản tác phẩm trên trong thời gian này, theo lời ông thuật lại, là những yêu cầu của chính quyền cho việc bổ nhiệm chức danh giáo sư chính thức tại Marburg (MWP, 80). Một năm sau ông kế nhiệm ghế giáo sư của Husserl tại Freiburg. Bài giảng khai giảng của ông năm 1929 có tên gọi “What is Metaphysics / Siêu hình học là gì?” – một chủ đề ông đã giảng lâu hơn vào mùa đông sau đó (mặc dù vậy, theo phương pháp riêng, phần lớn khóa giảng của ông về “Các khái niệm nền tảng của Siêu hình học” bàn về những chủ đề rất xa lạ như sự buồn chán và côn trùng). Cũng trong năm này, ông có một tranh luận công khai với Ernst Cassirer về triết học Kant và công bố cuốn “Kant and the Problem of Metaphysics / Kant và vấn đề siêu hình học”. Ông cũng giảng về các nhà duy tâm Đức như Schelling và Hegel, giảng về ẩn dụ hang động trong cuốn “Republic / Cộng hòa” của Plato, và các triết gia tiền Socrates như Anaximander và Parmenides. Năm 1930, ông từ chối ghế giáo sư tại Berlin. Heidegger gắn bó sâu sắc với đời sống tỉnh lẻ ở phía nam nước Đức, với những thị trấn nhỏ và khung cảnh mộc mạc của nó – ông trước tác phần lớn trong một căn nhà tranh trên núi ở Todtnauberg được xây năm 1923. Ông không thích các thành phố lớn, cũng như đời sống văn hóa, xã hội ở đó.

Thời kì Cộng hòa Weimar từ năm 1918 đến năm 1933, không chỉ được đánh dấu bởi hoạt động văn hóa sôi nổi, mà còn bởi sự suy giảm kinh tế và hỗn loạn chính trị. Tháng 9 năm 1930, Đảng Công nhân quốc gia xã hội Đức của Adolf Hitler (NSDAP, nhưng thường gọi là “Quốc xã”) trở thành đảng lớn thứ hai ở Đức. Vào ngày 30 tháng 1 năm 1933, Hitler được bổ nhiệm làm thủ tướng trong liên minh cánh-hữu. Tòa nhà Quốc hội phát hỏa vào ngày 27 tháng 2 mang đến cho Hitler thời cơ để ban hành các sắc lệnh giúp đảng Quốc xã nắm quyền lực tuyệt đối. Ngày 30 tháng 6 năm 1934, lấy cớ Ernst Roehm nổi loạn, ông đã tiêu diệt những đối thủ của mình là các đội quân Bão táp của Roehm và các thành viên đối lập khác trong đảng, chẳng hạn Gregor Strasser, một người Quốc xã cánh-tả chống chủ nghĩa tư bản hơn là chống người Do Thái và đảng Bolshevik. (Josef Goebbels lúc đầu là người ủng hộ Strasser, nhưng đã theo Hitler vào năm 1926 với một chương trình có thể nhận được sự hỗ trợ của các chủ nhà băng và các nhà công nghiệp.) Ngày 2 tháng 8 năm 1934 Hitler được phong làm “Quốc trưởng của đế chế Đức”. Trong những năm 1920, Heidegger thực sự không quan tâm đến chính trị, nhưng đầu những năm 1930 ông có cảm tình với chủ nghĩa quốc xã. Ngày 21 tháng tư năm 1933, ông được bổ nhiệm làm Viện trưởng Đại học Freiburg bởi đồng nghiệp, và vào ngày 1 tháng 5 ông gia nhập Quốc xã. Ngày 27 tháng 5 ông có bài diễn từ nhậm chức với tên gọi “Sự tự-khẳng định của Đại học Đức”, dù không phải là một tài liệu đặc biệt cổ võ nhưng nó đáng chú ý ở sự thờ ơ với chủ nghĩa bài Do Thái. (Tuy nhiên, ông đã đặt lao động, quân dịch và tri thức vào vị trí bình đẳng như là bổn phận của một người sinh viên.) Suốt thời kì với tư cách là hiệu trưởng, Heidegger hợp tác với chính quyền mới, trong khi vẫn cố gắng làm dịu những mặt thô bỉ của nó. Ông tham gia chiến dịch nước Đức rút khỏi Liên minh Các quốc gia trong cuộc trưng cầu dân ý tháng 11 năm 1933. Mâu thuẫn với đồng nghiệp và với các thành viên trong đảng khiến ông từ chức viện trưởng vào tháng tư năm 1934 và, mặc dù không rời khỏi đảng, ông không tham gia vào những vấn đề chính trị có ý nghĩa nào khác. Về sau, ông tuyên bố mình đã vỡ mộng với Quốc xã từ sau vụ đàn áp (putsch) Roehm.

Heidegger ít xuất bản trong những năm 1930 nhưng tiếp tục giảng bài, nhất là về nghệ thuật. Năm 1935, tại Freiburg, ông nói về “The Origin of the Work of Art / Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật”. Ông đến Roma năm 1936 để trình bày bài giảng đầu tiên trong nhiều bài giảng về Hoelderlin, một thi triết kì khôi đã từng là bạn cùng phòng với Hegel tại trường thần học ở Tuebingen vào cuối thế kỉ XVIII. Ở Roma ông gặp lại Karl Lowith, một học trò cũ gốc Do Thái, người bảo rằng Heidegger vẫn giữ sự trung thành với chủ nghĩa Quốc xã (Lowith, 59-61). Trong cùng năm đó, ông thực hiện các bài giảng về Nietzsche, bắt đầu từ đầu những năm 1940 và được công bố vào năm 1961. Theo bạn bè của Heidegger, các bài giảng này hàm chứa sự phê phán ngầm về chủ nghĩa quốc xã và cố gắng chứng minh rằng Nietzsche không liên quan gì đến việc sử dụng ông để cổ võ cho những học thuyết và những thực hành phân biệt chủng tộc. Thời gian này Heidegger bị Mật vụ (Gestapo) theo dõi. Từ năm 1938, Heidegger quan tâm nhiều hơn đến công nghệ. Mối quan tâm này xuất hiện trong một bài giảng tại Freiburg vào năm 1938 có tên “Sự thiết lập thế giới quan hiện đại bởi siêu hình học” và cũng xuất hiện trong một seminar về bài luận của Ernst Juenger có tên “Công nhân”. (Juenger không phải là người theo Quốc xã cũng không phải là người bài Do Thái, nhưng một số ý tưởng của ông, chẳng hạn “sự tổng động viên”, đã được Quốc xã thực hiện.) Các bài giảng của Heidegger thời kì này thường đề cập đến những sự kiện chính trị và về sau là Chiến tranh. Ông luôn liên hệ chúng với “sự lãng quên Tồn tại” và với công nghệ. Ông cho rằng việc xây dựng có chủ đích một đế chế-toàn vũ kéo dài vài nghìn năm cho thấy người ta thích về lượng hơn về chất là xa lạ với những người sáng tạo đích thực giống như những người Hi Lạp. Việc xây dựng đế chế chủ yếu không bắt nguồn từ “những nhà độc tài” và “các nhà nước chuyên chế”, mà từ “bản chất siêu hình học của tính hiện đại”, đó là ý chí muốn làm chủ tự nhiên (li. 17f.). Lời kết án này về chủ nghĩa quốc xã được đưa ra vào mùa hè năm 1941 khi Hitler ở trên đỉnh cao quyền lực.

Mùa Thu năm 1944, Heidegger bị bắt quân dịch (một cách nhục nhã) để tham gia vào Volksturm (“Cơn bão dân tộc”, giống như đội cận vệ ở Anh hay “Đội quân của Cha”) để đào hào chống xe tăng dọc sông Rhein. Đầu năm 1945 ông đến Messkirch để xếp đặt các bản thảo và bảo quản chúng. Tháng sáu, hai tháng sau khi nước Đức hoàn toàn bị đánh bại, ông đến Freiburg và xuất hiện trước “Hội đồng xét xử Quốc xã/Denazification Commission”. Một số sĩ quan của quân đội Pháp đang chiếm đóng đã liên lạc với ông và những cuộc sắp xếp được thực hiện để ông gặp người từ lâu đã mến mộ mình là Jean-Paul Sartre. Kế hoạch này thất bại, nhưng ông viết thư cho Sartre và kết bạn với Jean Beaufret, người trung thành nhất trong số những người theo Heidegger ở Pháp. Năm 1946, ông bị cấm giảng dạy; lệnh cấm kéo dài cho đến năm 1949. Tuy nhiên ông được phép giữ thư viện của mình và được Đại học ban cho quyền giáo sư danh dự. Phán quyết này được những người có thẩm quyền ở Đại học cũng như chính phủ Pháp thông qua. Nó một phần dựa vào tường thuật của người bạn cũ của ông là Jaspers.

Heidegger sớm được phục hồi công việc viết lách và giảng dạy. Ông trình bày “What are poet for? / Mục đích của thi nhân?” (1946) trước một số ít thính giả trong nỗi nhớ về Rilke đã qua đời 20 năm trước. Ông xuất bản “On Humanism / Về thuyết nhân bản” (1947), một lá thư cho Beaufret ở đó ông giữ khoảng cách cho triết học của mình với thuyết hiện sinh Pháp. Tháng 12 năm 1949, ông trình bày bốn bài giảng tại Câu lạc bộ Bremen và một trong số đó là bài giảng về “The Thing / Vật” được trình bày tại Học viện mỹ thuật Bavaria vào năm 1950. Những người bạn cũ trở lại với ông: Arendt thăm ông năm 1950 và ông có thư từ với bà, cũng như với Jaspers. Ông lại giảng ở Học viện Bavaria vào năm 1953, lúc này là “The Question of Technology / Câu hỏi về công nghệ”. Ông du lịch nhiều hơn. Ông giảng “What is Philosophy / Triết học là gì?” tại Cérisy-la-Salle năm 1955 và sau đó là “Hegel and the Greeks / Hegel và những người Hi Lạp” (1957) tại Aix-en-Provence, nơi ông làm bạn với René Char. Sinh nhật lần thứ 70, ông được vinh dự là công dân danh dự của Messkirch. Ông đến Hi Lạp lần đầu năm 1962 và sau đó là năm 1967 khi thuyết trình tại Viện hàn lâm các khoa học và nghệ thuật Athens về “The Source of Art and Vocation of Thinking / Nguồn gốc của nghệ thuật và Thiên chức của tư duy”. Từ năm 1966 đến năm 1973 ông thực hiện một loạt các hội nghị chuyên đề tại Le Thor và sau đó tại Zaehringen. Ông cố gắng biện minh cho hành xử của mình suốt thời kì Quốc xã trong một phỏng vấn với tờ Tấm gương (Der Spiegel) năm 1966. Bài phỏng vấn được xuất bản sau khi ông qua đời 10 năm với tên gọi “Only a god save us / Chỉ có một thần linh mới có thể cứu rỗi chúng ta”, một điều đáng chú ý trong bài phỏng vấn này là Heideegr đã đọc một bài thơ của thi sĩ Hoelderlin: “Thuở thiếu thời của tôi / ngài thường hay che chở / với tiếng la và roi vọt răn người”.

Sau chiến tranh, Heidegger công bố các tác phẩm phần lớn là những bản thảo được chỉnh sửa từ các bài giảng. Những ngày cuối đời ông chuẩn bị cho một toàn tập về các tác phẩm của mình, bao gồm những bản sao các bài giảng cũng như các tác phẩm được xuất bản trước kia. Ông muốn không có tư tưởng nào trong một bài giảng phải bị cắt bỏ. Một tập của ấn bản này xuất hiện năm 1975, bao gồm các bài giảng ở Marburg về “The basic Problem of Phenomenology / Những vấn đề cơ bản của Hiện tượng học” từ mùa hè năm 1927. (Toàn tập này chưa hoàn tất; nó được dự định một trăm tập.) Heidegger mất vào ngày 26 tháng 5 năm 1976, và được chôn vào ngày 28 tháng 5 tại nghĩa trang ở Messkirch bên cạnh song thân của mình. Một nhóm người Công giáo đã tổ chức buổi tưởng nhớ ông. Linh mục cử hành, cháu ông Heinrich Heidegger, đã đọc một đoạn trong sách tiên tri 1:7: “Đức Chúa phán với tôi: “Đừng nói ngươi còn trẻ! Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi. Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói”.

Cuộc đời Heidegger là câu chuyện hấp dẫn về sự trở về của kẻ lang thang, nhưng điều làm cho nó hấp dẫn hơn cuộc đời của nhiều người khác là vị thế của ông với tư cách một nhà tư tưởng. Không ai phiền lòng về những chi tiết trong hoạt động chính trị của ông, cứ để mặc những niềm tin tôn giáo hay đời sống riêng tư của ông, vì ông là một triết gia quan trọng. Và bây giờ ta đến với ngôn ngữ của Heidegger.

 

II. Heidegger và ngôn ngữ của ông

“Chẳng hạn, một triết gia, kẻ tái phối trí những sự kiện và các ý tưởng được thừa hưởng tinh thần đó có thể làm mê hoặc thính giả của mình dẫu họ chẳng hiểu gì về bài giảng của ông. Bị bỏ bùa mê, họ chẳng thể rời mắt khỏi ông”[1].  Ernst Jünger đang nghĩ về người bạn Heidegger của mình; rối rắm nhưng đầy quyến rũ. Tại sao Heidegger quá rối rắm? Một phần câu trả lời rõ ràng nằm ở khó khăn nơi vấn đề của ông. Nhưng đó không phải là toàn bộ câu trả lời. Heidegger lúc nào cũng “trên đường”. Không bao giờ ở cuối một bài giảng, một cuốn sách hay một luận văn của Heidegger ta cảm thấy giờ đây mình đã biết là ông tin vào điều gì. Những câu trả lời của ông cho các câu hỏi lúc nào cũng làm dấy lên những câu hỏi sâu hơn, những câu hỏi đưa tư tưởng ông đi xa hơn. Những câu hỏi vượt qua những giới hạn của bất kì công trình đặc thù nào. Các tác phẩm của ông thường kết thúc bằng một câu hỏi, một trích dẫn, một lời nói từ Hoelderlin, sự tối tăm [của trích dẫn ấy] khiến nó như là một câu hỏi. Điều này giải thích về sự hấp dẫn của Heidegger cũng như sự khó khăn nơi ông. Ta cảm thấy rằng ông không phải đang trình bày cho ta những chân lý mà ông đã hiểu thấu trước đó, không phải đang dẫn ta băng qua mảnh đất mà ông đã khám phá. Không phải đang giải quyết các vấn đề như ông đang tiếp tục; mảnh đất ấy mới mẻ và xa lạ với ông cũng như đối với ta. Ông thường lùi lại và trải nghiệm vấn đề theo một con đường khác. Ông không biết điểm đến của chúng ta cũng giống như ta vậy; ông đang trên đường – nhưng đến đâu?

Vấn đề sẽ dễ dàng giải quyết hơn nếu ta có thể chia nhỏ nó, hỏi về cái gì đó mà không phải là hỏi về mọi thứ. Được thôi, nhưng Heidegger tin là điều đó dành cho các khoa học chứ không phù hợp với triết học. Triết học không phải là một môn học từng mảnh: Nó không làm việc với một loại thực thể đặc thù và bản thân cũng không thể bị phân chia thành từng mảnh[2].  Mọi câu hỏi triết học đều làm dấy lên mọi câu hỏi triết học khác. Ngay cả một câu hỏi triết học tầm thường nhất cũng làm dấy lên các câu hỏi triết học nền tảng hơn và dẫn ta vào trong vùng nước ngày càng sâu thẳm. Điều đó giúp ta giải thích sự quyến rũ của Heidegger và sự khó khăn nơi ông.

 

1. Từ mới

Trên hết, từ ngữ chính là vấn đề với Heidegger. Từ ngữ cũng quan trọng như ý nghĩa. Không có các nghĩa của một từ đầy hiệu lực nào bị loại bỏ hoàn toàn khỏi cách dùng nó của Heidegger và cũng không có từ nào là đồng nghĩa một cách chính xác dù trong cùng ngôn ngữ này hay trong một ngôn ngữ khác. Từ ngữ quan trọng bởi rất nhiều lý do. Heidegger tin rằng ông đang làm việc với các vấn đề bị lãng quên kể từ thời cổ đại. Ngôn ngữ xưa cũ của triết học truyền thống - “ý thức”, “ego”, “vật”, v.v… - không phù hợp với mảnh đất mới mẻ này. Nếu ta muốn xem xét Tồn tại xét như là Tồn tại chứ không đơn giản như là một cái tồn tại, ta ắt phải sử dụng một từ vựng khác và thậm chí đôi lúc phải là một cú pháp khác[3]. Nếu ta muốn tìm kiếm “Dasein” trong “cái bình thường hằng ngày (average everydayness)” - một khu vực đã bị các triết gia từ Aquinas đến Husserl lãng quên - ta phải tránh nói về “các sự vật tư duy” và “các sự vật có quảng tính” mà ta đã thấy nơi Descartes. Nhưng ta chuyển hướng về đâu? Một giải pháp khả dĩ là trở lại với ngôn ngữ đường phố, thứ từ vựng rất trần đời mà Socrates dùng trong các đối thoại thời kì đầu và một số trong các đối thoại thời kì sau của Plato. Heidegger thực hiện điều đó theo một cách thức: “Tồn tại và Thời gian” bàng bạc cuộc trò chuyện hằng ngày về cái búa, gỗ, bánh răng, v.v… Nhưng đó không phải là toàn bộ vấn đề. Kẻ đường phố chính cống không dùng các thuật ngữ phổ biến, có tính khái niệm về phố chợ như các triết gia ra sức thực hiện. Những khái lược rất rộng về thế giới và những chi tiết về nó là không rõ ràng với ta. Vì thế ta không phát triển được một hệ từ vựng phù hợp để mô tả nó. Nếu buộc phải làm như vậy ta ắt hơn một lần phải viện đến ngôn ngữ của triết học truyền thống. Do đó Heidegger phải phát triển một hệ từ vựng của riêng mình, một hệ từ vựng tránh những sự đơn giản hóa của triết học truyền thống và để duy trì những kết nối của nó với ngôn ngữ phố chợ, nhưng khác với thứ ngôn ngữ đó [hệ từ vựng mà Heidegger phát triển] giúp ta nói bằng những thuật ngữ phổ biến, mang tính khái niệm về thế giới hằng ngày và kì cùng hi vọng là nói được về chính bản thân tồn tại.

Rất nhiều thí dụ về những đổi mới ngôn ngữ của Heidegger sẽ được bàn luận trong sách này. Nhưng ở đây ta sẽ xét đến một số. Từ “lo toan (care)” có một loạt các nghĩa, nó vốn tương ứng một cách chặt chẽ - nếu không nói là chính xác - với từ tiếng Đức “Sorge”. Ta có thể thấy điều này từ các tính từ mà nó tạo thành và những từ tương phản với chúng: “mệt mỏi (careworn)” và “vô tư (carefree)”; “cẩn trọng (careful)” và “bất cẩn (careless)”; “chu đáo (caring)” và “thờ ơ (uncaring)”. Những sự đối lập này không giống nhau: chẳng hạn, ta có thể vừa mệt mỏi vừa bất cẩn. Trong cách dùng đời thường không phải ai lúc nào cũng mệt mỏi, cẩn trọng và chu đáo. Một vài người vô tư, bất cẩn hoặc thờ ơ. Heidegger thực hiện hai sự đổi mới. Thứ nhất, ông dùng “lo toan” theo một nghĩa rộng với sự đa dạng trong mệt mỏi, cẩn trọng và chu đáo. Thứ hai, theo nghĩa này của “lo toan” ông cho rằng mọi người đều lo toan; chẳng ai hoàn toàn vô tư, bất cẩn và thờ ơ. Đó chỉ là bởi trong nghĩa cơ bản này ai cũng cẩn-trọng dù ta có thể từng vô tư, bất cẩn hay thờ ơ theo nghĩa thông thường, hay như ông nói theo nghĩa “vật thể học / ontics” của những từ này. Trong nghĩa “hữu thể học / ontology” của “lo toan”, ai cũng lo toan. Tất cả mọi người đều “bị ném về phía trước” (sich vorweg), nói một cách đại khái là “hướng đến cái gì đó” hoặc nhìn vào điều phải làm. Về những người đang chìm đắm trong sự vô vọng thì thế nào? Heidegger khẳng định ngay cả những người như vậy cũng “bị ném về phía trước”: “Sự vô vọng không mang Dasein ra khỏi những khả thể của mình; đó chỉ là một mẫu hình của tồn tại hướng về những khả thể” (TT, 236). Heidegger sử dụng công cụ này rất thường xuyên. Ta hãy trở về với Aristotle. Ta thường dùng từ “thị lực” đối lập với “mù lòa”: phần lớn chúng ta đều có thị lực, một số thì mù lòa. Nhưng Aristotle bảo rằng có một nghĩa về “thị lực” theo đó tất cả mọi người đều có thị lực. Và đó là tại sao một số trong chúng ta có thể bị mù, tức là phải chịu việc “thiếu” thị lực. Nốt ruồi và hòn đá - dù chúng không thể nhìn - không bị “mù” theo nghĩa này, bởi chúng không có “thị lực” theo nghĩa tương tự[4]. Từ Aristotle, Heidegger có thói quen dùng các danh từ từ những thành phần khác của lời nói. Aristotle nói về to hou heneka, “để vì”, hay là chỉ cho mục đích. Heidegger nói về “việc để cho”, “để vì”, “nhằm để”, v.v… Phương tiện này không hoàn toàn xa lạ với ta. Ta được gợi nhắc về “cái cần thiết”, “nơi trú ngụ của ai đó” và “những lý do” – những đặc ngữ trong một nguồn gốc tương tự đã cô đúc thành những cụm Anh ngữ quen thuộc.

Aristotle nói rằng từ “mù lòa” không thể áp dụng cho con người, nốt ruồi và hòn đá theo chính xác một nghĩa tương tự. Đó là một lý do khác khiến Heidegger quan tâm đến ngôn ngữ và là một động cơ khác cho sự đổi mới của ông. Chúng ta - dù là triết gia hay không – cũng có xu hướng bỏ qua những sự khác nhau giữa các vật khác loại và dùng những từ tương tự để nói về chúng. Lấy một trường hợp đơn giản, ta nói rằng con người “ăn” và con vật “ăn”. Tiếng Đức phân biệt cái mà ta tiêu hóa, dùng essen cho con người và fressen cho động vật (cf. XXIX, 308). Nhưng không phải lúc nào người Đức cũng phân biệt như vậy. Chẳng hạn, ta nói con người, con vật và cả các chất hóa học đều “ứng xử / phản ứng (behave)” hay là sich verhalten theo những cách nhất định. Nhưng Heidegger bảo đó là một sai lầm. Con người, con vật và các chất khác xa nhau về loại nên không thể dùng “ứng xử / phản ứng (behave)” theo nghĩa tương tự. Để các vấn đề được rõ ràng ta nên tìm một từ khác cho mỗi trường hợp và nói rằng trong khi con người sich verhalten thì con vật sich benehmen. Con vật không xuất hiện trong “Tồn tại và Thời gian”. Nhưng ở đây có nguyên tắc phân biệt tương tự. Những cái tồn tại hay các thực thể được chia thành ba loại chính: Dasein hay là con người; cái làm thiết bị hay là“Cái-có-sẵn-để-dùng”; và vật đơn thuần hay là “Cái-có đó”. Các triết gia có xu hướng tiêu hóa mọi thực thể - và thậm chí không-thực thể, chẳng hạn thời gian và không gian - cái có đó, họ đều giả định rằng các phạm trù và từ vựng thích hợp cho hòn đá và cái cây có thể áp dụng cho con người và công cụ của con người. Nhưng Heidegger tin rằng ta phải tìm kiếm và nếu cần phải đặt ra một từ vựng để phân biệt chúng. Chẳng hạn, cái-có-đó và cái-có-sẵn-để-dùng là “ở bên trong thế giới” và không “ở trong-thế giới” theo cách con người tồn tại. Nói chung, Heidegger chống lại bản thể học về bản thể vốn dành cho cái-có đó với sự vận động và các mối quan hệ. Ta không nên suy tưởng Dasein như là một vật hay một bản thể có các thuộc tính “trải dài” trong quá khứ và tương lai cũng như có các thuộc tính tồn tại trong thế giới, hay là một vật mang người cảm nhận đến những thời gian và nơi chốn xa xôi. Sự trải dài và quan hệ với thế giới là cốt yếu còn cơ sở sinh học là phần phụ thuộc thứ cấp.

Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi ta không chỉ nói về các loại thực thể khác nhau mà còn nói về những cái không-thực thể chẳng hạn không gian, thời gian, thế giới và bản thân tồn tại. Với những loại như vậy, Heidegger tin rằng ta không thể áp dụng thế giới “là/tồn tại/ở”, trừ phi ta khuôn rào xung quanh nó những lược dẫn ghê rợn. Ta có thể nói “Tồn tại ‘thì/là’ bí ẩn”, mà không nói “Tồn tại thì/là bí ẩn”, bởi điều đó hàm ý Tồn tại [viết hoa] là một tồn tại hay một thực thể. Vì thế ông tìm kiếm một động từ ngõ hầu giúp ông tránh từ “là/thì”. Thời gian “thời tính hóa / trải thời tính (temporalize)” hay “xuất thời tính hóa / mang thời tính ra (extemporize)” - ở đây ông dùng (sich) taetigen, một từ có nguồn gốc trong Zeit, tức “thời gian” vốn đã đánh mất mối liên lạc với nó và trở nên có nghĩa là “xảy ra, tạo ra”. Ông bảo Tồn tại “trình hiện bản chất (essences)”, [tức] ông phục hồi một động từ đã mất đó là wesen, nghĩa là “tồn tại / là (to be), v.v…”. Thế giới quay vòng hay tuôn ra – từ động từ walten, mà chính xác hơn – nhưng không có được sự hài âm – được chuyển dịch như là “thịnh hành (to prevail)”. Tuy vậy ở đây ông cũng tạo ra một động từ và bảo thế giới “mở ra cõi sống” (the world “worlds”). Khẳng định nổi tiếng nhất của ông trong kiểu thức này là: “Bản thân hư vô làm ra vô (The Nothing itself noths)”.

Như ta có thể thấy, Heidegger tạo từ. Tiếng Đức thậm chí thích hợp với điều này hơn tiếng Anh. Ông không phải lúc nào cũng đè nén cách dùng chuẩn mực. Như ông nói, trong cách sử dụng thông thường “nếu ta lắng tai nghe, triết học lúc nào cũng là thứ triết học âm ỉ như nó đã từng. Triết học có thể đổi khác ra sao khi việc làm triết học thuộc về bản chất của Dasein […]” (XXVII, 309f). Ông thường phục hồi nghĩa xa xưa của một từ hiện tại. Lichtung đến từ Licht, “ánh sáng”, nhưng giờ đây đã không còn liên hệ với từ này mà có nghĩa là “sự khai quang” trong một khu rừng. Heidegger phục hồi sự kết nối của nó với Licht và hiểu nó như là “việc rọi ánh sáng”. Đôi khi ông phục hồi một nghĩa xưa cũ hơn, hay chí ít là một nghĩa khả dĩ bằng việc phân tích một từ ghép thành những bộ phận cấu thành nó. Existenz trở nên có nghĩa là “cái-có-đó”, nhưng nó đã từng có nghĩa là “bước lên phía trước” và ta đánh dấu từ này bằng cách viết Ex-sistenz. Đôi khi ông gợi lại nghĩa nguyên sơ của một từ đó là Wortbegriff tức là “từ-khái niệm” (S, 129/107). Hơn nữa, Feme nghĩa là “khoảng cách” và Entfernung là “khoảng cách, sự chuyển dời”. Ent ở đây làm cho nghĩa khoảng cách thêm phần nhiều hơn. Nhưng trong các trường hợp khác ent là [tiền tố] phủ định: decken = “bao phủ (to cover), trở thành entdecken = “vén mở (uncover)”. Vì thế Entfernung có thể có nghĩa: “khoảng cách xa xôi”. Heidegger du nhập từ này theo nghĩa đó bằng cách viết Ent-fernung (“TỒN TẠI VÀ THỜI GIAN”, 105f). Điểm quan trọng của vấn đề này là gì? Những mẹo lừa manh trá của từ nguyên học đưa đến rất nhiều tìm kiếm vô vọng, thậm chí là những sai lầm chết người” (XXXIV, Hf.). Sự gạch nối này có thể là điểm then chốt - chẳng hạn, nếu ta muốn phân biệt “unionized” như là “không-ion hóa (not-ionized)”, (“giải-ion hóa (un-ionized)”) với “unionized” như là “được tổ chức bằng một hiệp đoàn thương mại” (“hiệp đoàn-hóa (union-ized)”. Nhưng không đạt được gì nhiều khi phân tích “disappoint / làm thất vọng” như là “dis-ap-point / làm-thất-ước”. Tuy vậy, ở đây Heidegger có thẩm quyền đối với những dấu gạch nối của mình. Nếu cái gì đó quá gần gũi thì ta không thể nắm bắt nó; nó tồn tại một cách quá xa vời. Vì thế, đưa cái gì đó vào một khoảng cách phù hợp, tức Entfernung, cũng là đang mang nó lại đủ gần để nắm bắt, Ent-fernung.

Những dấu gạch nối của Heidegger không phải lúc nào cũng có sức mạnh phân tích một từ thành những bộ phận cấu thành. Chúng thường mang những từ riêng biệt lại với nhau để tạo nên một tư tưởng duy nhất. Ông nói về In-der-Welt-sein, “tồn tại-trong-thế giới / sống trong đời”. “Tồn tại-trong / sống-trong”, InSein, là một loại tồn tại đặc biệt, khác với Mitsein, tức “tồn tại-cùng / sống cùng” (“TỒN TẠI VÀ THỜI GIAN”, 53ff). Trong có một nghĩa chuyên biệt: theo nghĩa của “trong” ta có thể ở trong thế giới và chỉ có con người mới có thể ở trong thế giới. Không thể có thế giới trừ phi có con người ở trong đó. Vì thế những bộ phận cấu thành của In-der-Welt-sein là thực sự không thể tách rời; chúng tạo nên một tư tưởng duy nhất, gắn kết.

 

2. Từ cũ

Cho đến bây giờ ta đã thấy rằng Heidegger tạo các từ mới và phục hồi các từ và các nghĩa cũ trong chừng mực chúng cần cho những mục đích bấy giờ của ông. Ta không cần nhìn vào trạng tích đặc biệt ở thời xa xưa, cũng không cần bất kì lý do đặc biệt nào để cho rằng giống như một quy tắc chung một từ hay một nghĩa cũ sẽ soi rọi nhiều ánh sáng cho các vấn đề quan trọng hơn một từ mới. Ta phải tận dụng tốt một từ phù hợp bất chấp thời kì xuất hiện của nó. Tuy vậy, Heidegger phát triển một hướng đi để tin rằng thời xưa cũ cũng ẩn hàm trạng tích. Điều đó có thể thấy được trong thời kì “TỒN TẠI VÀ THỜI GIAN”. Các triết gia cổ đại, đặc biệt là Plato và Aristotle vượt trội và tân kì hơn các hậu nhân trung đại và các triết gia hiện đại (ngoại trừ Kant). Mọi triết gia đúng nghĩa theo cách nào đó chính là một kẻ mới bắt đầu, nhưng mọi triết gia - chí ít kể từ khởi nguyên Hi Lạp - đều làm việc trong một truyền thống. Triết gia không đặt ra một hệ từ vựng mới để làm trò mà ông tiếp thu các từ và các khái niệm đến từ tiền nhân: “tự nhiên/bản tính”, “chân lý”, “ý thức”, v.v… Triết gia tiếp nhận từ hoặc khái niệm nhưng không phải lúc nào cũng trải qua cái “kinh nghiệm” của người tạo ra nó, một kinh nghiệm vốn là gốc rễ của từ đó. Không chỉ như vậy: bản thân từ ngữ cũng trở nên bầm dập như là đã bị chuyên tay. Cái gì đã bắt đầu sự sống khi ý niệm của Plato bị giáng cấp xuống thành Vorstellung, BIỂU TƯỢNG của thời hiện đại chúng ta. Điều gì đã bắt đầu khi từ phusis của tiếng Hi Lạp đã thành ra chấm dứt như là “tự nhiên / bản tính”. Điều đó cũng xảy ra với trò chuyện hằng ngày. Người ta tán nhảm với kinh nghiệm của bản thân về những gì ở đó trước mặt mình. Người ta nói việc đó cho người khác không có mặt ở đó, cứ thế cuộc trò chuyện trở thành như “trò tán gẫu”. Tự thân điều này không hàm ý rằng các từ cũ thì tốt hơn bởi thế hệ nào cũng vậy người ta nói để trình bày điều họ muốn nói. Nhưng ở mỗi thế hệ họ không tạo ra các từ của mình. Họ tiếp nhận phần lớn các từ từ thế hệ trước. Họ áp dụng chúng cho những kinh nghiệm hiện tại của mình. Nhưng phần lớn các từ không xuất hiện từ các kinh nghiệm. Ít nhất một phần các kinh nghiệm được quan sát thông qua các từ và các khái niệm được thừa hưởng. Ta không giống như những học giả lãng quên văn bản gốc khi chỉ chăm chú vào các bài viết về nó. Ta thiệt thòi gấp bội khi bị so sánh với những người đã tạo ra các từ. Trước hết, ta không có những trải nghiệm nguyên thủy nhằm gây tạo các từ. Thứ hai, có khả năng về sự bất xứng giữa các từ của ta và những kinh nghiệm của ta, tức là các từ ta thừa hưởng không phù hợp để nói về tồn tại-trong-thế giới / sống trong đời của ta hay với những hiện tượng mới mẻ chẳng hạn công nghệ hiện đại, như về sau Heidegger sẽ nói.

Như ta đã thấy, trong “Tồn tại và Thời gian” Heidegger nỗ lực thiết lập một hệ từ vựng mới. Nhưng sau “Tồn tại và Thời gian” ông cũng có xu hướng tin rằng ta không thể đặt ra một từ vựng mới một cách thích hợp cho đến khi ta đã hoàn toàn khám phá một từ cũ. Sự khám phá như vậy có thể mang ta ra khỏi từ này hoặc mang nó quay trở lại với ta trong một hoàn cảnh vô cùng mới mẻ. Đôi khi ta có thể chiếm dụng một từ cũ, nếu ta phục hồi những quan hệ của nó và phục hồi sự trải nghiệm tạo nên từ này. Trong “Tồn tại và Thời gain”, Heidegger sử dụng từ Ding, tức là “VẬT”, với sự không hài lòng khi liên tưởng nó với res của Descartes. Về sau ông thổi luồng gió mới vào cho nó và phát triển nó như là của chính ông. Đôi khi một từ - chẳng hạn, Vorstellung, “biểu tượng” – lại được chứng minh là có gốc gác tai tiếng cũng như một lịch sử giáng cấp về sau và nó không thể phục hồi được ngoại trừ mục đích là để phân tích lịch sử giáng cấp của nó. Nhưng điều này làm Heidegger vô cùng thích thú. Bởi ông quan tâm LỊCH SỬ CỦA TỒN TẠI và điều đó có thể được tái tạo một cách tốt nhất từ lịch sử các từ dùng để chỉ “tồn tại”.

Quan tâm của Heidegger về các từ không phải là một sự quan tâm về các từ đơn thuần. Không có các từ đơn thuần, hay ít nhất không có “các từ quan trọng” đơn thuần: “Các từ quan trọng không phải là những kí hiệu hay dấu hiệu được đặt ra một cách nhân tạo để chỉ cho sự vật chỉ nhằm giúp ta có thể phân biệt chúng. Các từ quan trọng là những hành động, những hành động diễn ra trong các thời điểm đó khi tia chớp của một sự quang chiếu sáng ngời quét qua thế giới.” Vì thế, khi ta nói về ngôn ngữ Hi Lạp và các từ được truyền lại cho ta, ta cũng nói về “dân tộc mà sức mạnh sáng tạo của dân tộc ấy nơi các thi sĩ, các nhà tư tưởng, các chính trị gia và các nghệ sĩ đã thực hiện một cuộc tấn công vĩ đại nhất vào toàn bộ tồn tại (beyng) đã từng diễn ra trong lịch sử phương Tây” (S, 31/25). Bởi lý do đó, không có từ La Tinh nào chuyển dịch chính xác một từ Hi Lạp.) Chính các từ Hi Lạp và “nguồn gốc ban đầu” của nó trong lịch sử tây phương mới làm Heidegger thích thú, dù các từ tiếng Đức ban đầu cũng hoàn toàn làm thỏa mãn ông và thường mang lại một từ xứng đáng chẳng hạn Ding và mang lại các từ ông cần để chuyển dịch những từ Hi Lạp quan trọng như logos của Heraclitus, đó là các từ “tập hợp, tụ hội”. Đó chính là ánh chớp chiếu rọi mà ông muốn phục hồi hay “tái lặp”. Nó đưa lịch sử về sau của ta vào một viễn tượng và có lẽ nó cũng giúp ta chuẩn bị một ánh chớp chiếu rọi mới để khiến tinh thần ta không bị mai một: “một khởi đầu mới”.

Heidegger thường nhắc về những người cùng thời với Hegel. Có nhiều sự tương đồng lớn – chủ yếu về cái toàn thể, về những quan hệ, sự vận động, sự bất tín đối với những sự đối lập như thuyết duy thực / thuyết duy tâm, khách quan-chủ quan, thuyết duy lý / thuyết phi lý (cf. IM, 135/149): “Người Hi Lạp bi quan hơn bất kì người bi quan nào. Nhưng cũng lạc quan hơn bất cứ ai”). Sự tương đồng khác là ở việc tìm kiếm về những nguồn gốc của các khái niệm hay ít nhất là tìm về người Hi Lạp cổ đại. Nhưng nói về “sự cáo chung của tinh thần” tức là nói về sự bất đồng giữa Hegel và Heidegger. Theo quan điểm của Hegel, nghệ thuật có lẽ đã cáo chung phần nào. Còn về các vấn đề tôn giáo, Hegel không xem trọng trải nghiệm gặp gỡ của những ai đã thấy đức Ki-tô và đã cảm nhận những vết thương của ngài, hoặc cũng không xem trọng lời của Tân Ước. Điều quan trọng là Geist, “tinh thần”, vốn là những gì mà sau này ta hiểu về những trải nghiệm và những ngôn từ[5]. Nói rộng ra, nó [Geist] tương đồng với các khái niệm. Các khái niệm của Hegel không phải là thấp kém so với những phiên bản trước của chúng, dù điều đó phần nào bởi chúng là hiện thân của những phiên bản này. Không phải các triết gia nói chung đều kém cỏi hơn các bậc tiền nhân. Dĩ nhiên, Hegel không tin có bất kì ai và thậm chí mọi triết gia thế kỉ XIX ngang bằng hay vượt trội hơn Plato. Nhưng thế giới quan thế kỉ XIX của ta phong phú hơn và phức tạp hơn, dù thua kém về phương diện thẩm mĩ, nó vẫn hàm chứa sự phát triển về sau của tinh thần cũng như thâu chứa cả Plato. Heidegger ở đây thì khác. Triết học đã cáo chung kể từ người Hi Lạp và ít nhiều cùng với mọi vấn đề khác. Có phải điều này không loại trừ bản thân Heidegger? Làm sao ta có thể hi vọng hiểu được người Hi Lạp, nếu hoàn cảnh của ta là tệ hại như ông nói? Có phải ông chẳng ở trên đường để trở thành một “con vật cơ giới” bị nhấn chìm trong công nghệ? Không – công nghệ có một sự mở ngỏ để ta hoàn tất, đó chính là bản chất của công nghệ. Ta có thể nghĩ về công nghệ, về bản chất của công nghệ khi và chỉ khi ta không bị nhấn chìm trong công nghệ. Và nếu làm như thế, ta có thể thấy thế giới là đơn giản vô cùng; ta có thể hiểu thế giới của người Hi Lạp đối lập với thế giới của ta; ta có thể lần theo lộ trình từ người Hi Lạp đến chính ta. Với sự may mắn nào đó, ta có thể chuẩn bị “một sự bắt đầu khác”. Hegel không làm ta rõ là liệu ông có tin rằng lịch sử đã đi đến hồi kết thúc và nếu không như vậy thì điều gì sẽ diễn ra. Heidegger nói nhiều hơn về điều này. Lịch sử, nếu vẫn tiếp tục, sẽ bắt đầu lại với một ánh chớp quang chiếu có thể sánh với người Hi Lạp và vượt qua bất kì điều gì mà Hegel có thể tưởng tượng (hay ít nhất là khái niệm hóa nó).

 

3. Khúc quanh

Heidegger thường nói về “khúc quanh”, die Kehre. Ông từng nói đến khúc quanh ở cuối tác phẩm “Tồn tại và Thời gian”, từ “Tồn tại và Thời gian” đến “Thời gian và Tồn tại” và về sau với khúc quanh ông hi vọng từ “sự lãng quên tồn tại” đến sự hồi tưởng tồn tại. Người ta dùng cụm từ này để chỉ một “khúc quanh” hay một sự thay đổi trong suy tưởng của Heidegger dù bản thân ông chối bỏ việc có một sự thay đổi như vậy diễn ra. “Một khúc quanh thật sự!” mà từ Kehre biểu thị là không dễ nhận ra trong tư tưởng hay trong ngôn ngữ của Heidegger. Nhưng có những thay đổi trong tư tưởng cũng như trong ngôn ngữ ông. Văn phong và từ vựng của các tác phẩm thời kì đầu, chẳng hạn trong “Học thuyết của Duns Scotus về các phạm trù và ý nghĩa” là nằm trong một truyền thống triết học với một vài đặc dị. “Tồn tại và Thời gian” bắt đầu trong một phương cách đích thực truyền thống nhưng khi ấy Heidegger bắt đầu tìm kiếm một ngôn ngữ để trình bày những tư tưởng mới mẻ của mình. Một vài từ trong “Tồn tại và Thời gian” đã không còn thường xuyên xuất hiện hay thậm chí đã hoàn toàn biến mất sau “Tồn tại và Thời gian”: “cái bình thường hằng ngày”, “tầm quan trọng ý nghĩa”, “sự quan tâm”, “tính đích thực”, “Người khác”, v.v… Những từ khác – nổi bật là Wesen, “bản chất”, và các từ cùng gốc gác – lại trở nên thông dụng hơn nhiều. Đặc biệt trong các trước tác thời hậu-chiến, Heidegger ngày càng thích hơn với những từ tiếng Đức chẳng hạn Ding và thích tìm kiếm từ nguyên học của chúng. Một sự thay đổi về từ vựng một cách tự nhiên không dẫn đến thay đổi về tư tưởng, bởi một từ hay một cách diễn đạt không bị thay thế bởi một từ hay một cách diễn đạt khác tương đương. Chẳng hạn, trong “Tồn tại và Thời gian”, ông thường nói về Sinn von Sein, “nghĩa” hay “ý nghĩa của tồn tại”. Về sau ông thích nói về “chân lý của tồn tại”, Wahrheit des Seins. Đó chính là một sự mở rộng ý nghĩa mà “Tồn tại và Thời gian” đã dành cho từ Wahrheit, nhưng không cần có một sự thay đổi cơ bản về tư tưởng.

Một điều thú vị đó là hệ thuật ngữ của Heidegger là sự bền bỉ của cùng một từ qua một sự thay đổi nghĩa của nó. Ding là một ví dụ. Từ khác là Vorstellung. Trong “Tồn tại và Thời gian” và trước đó, nó bắt đầu đời sống với một nghĩa triết học chuẩn mực là “ý niệm, biểu tượng”. Với một dấu gạch nối (Vor-stellung) và sự giải thích nào đó về sau khiến nó trở nên bao hàm ý tưởng về việc trình hiện ai đó hay cái gì đó trước tòa án để phán quyết. Nghĩa chuẩn mực đã không biến mất: điều quan trọng đó là học thuyết mà con người “hình dung” sự vật hàm ý rằng chúng được “trình hiện” cho con người để phán quyết hay nhận xét. Những thay đổi về nghĩa rất thường xuyên trong trường hợp các từ ghép. Các nghĩa của những từ bộ phận hiếm khi quyết định nghĩa duy nhất của từ ghép. Không phải nghĩa của các từ “súng”, “lửa” và “chiến binh”, cũng không phải các nguyên tắc chung của việc tạo từ bảo với ta rằng “lính cứu hỏa” là người chiến đấu chống lại lửa, trong khi “người chiến sĩ (gunfighter)” lại là người dùng súng để chiến đấu. Các từ ghép của Heidegger một cách nội tại thường hàm hồ theo nhiều cách thức tương tự. Ông tạo từ Seinkönnen - rất phổ biến trong “Tồn tại và Thời gian”, nhưng rất hiếm hoi về sau – từ können tức là “có thể, có khả năng”, và sein tức là “tồn tại / là”. Nhưng có phải sein phải được hiểu như là một nguyên mẫu động từ khiến cho Seinkönnen trở thành “khả năng tồn tại”? Hay có phải nó là một động từ được danh từ hóa, Sein khiến nó trở thành “khả năng để tồn tại”? Vấn đề đặc biệt này không gặp phải khi ông tạo từ khác là SeinsvergessenheitSeinsverlassenheit. Chữ cái S sau từ Sein biểu thị sở hữu cách nên nó cho thấy Sein có tính danh từ[6].  Nhưng một vấn đề khác nổi lên ở đây. Các từ sở hữu cách có chức năng túc từ hay chủ từ? Có phải Seinsvergessenheit tức “sự lãng quên tồn tại” nghĩa là ta đã lãng quên tồn tại (túc từ) hay tồn tại đã lãng quên ta (chủ từ)? Có phải Seinsverlassenheit tức “sự bỏ quên tồn tại” nghĩa là ta đã bỏ quên tồn tại hay tồn tại đã bỏ quên ta (và các tồn tại khác)? Trong “Tồn tại và Thời gian”, Heidegger than phiền rằng ta đã lãng quên tồn tại. Nhưng trước khi ông tạo ra từ Seinsvergessenheit thì bản thân tồn tại đã đến gần hơn với vấn đề chính và dường như nó hoạt động như một sức mạnh độc lập. Vì thế Seinsvergessenheit cũng có thể có nghĩa là tồn tại đã quên ta giống như ta đã quên tồn tại; chắc hẳn Heidegger đã nghĩ đến hai nghĩa này. Ông giải thích Seinsverlassenheit nghĩa là sự bỏ quên của tồn tại đối với ta hơn là sự bỏ quên của ta đối với tồn tại. Và điều đó giúp ta hiểu Seinsvergessenheit theo hướng tương tự.

Từ ghép nổi tiếng nhất của Heidegger là Dasein. Đó là một từ thông thường với nghĩa “sự hiện hữu”, nó quen thuộc đến nỗi hiếm khi được nhận ra là một từ ghép. Nhưng Heidegger xem nó như một từ ghép, dùng dấu gạch cho nó để phân ra das Da tức “Cái ở đó” và mở Dasein hay Da-sein ra theo hướng này hay hướng khác. Khi Dasein bị phân thành từng mảnh thì nghĩa mà nó nói đến sẽ không còn rõ ràng. Có phải da nghĩa là “ở đây” hoặc “ở kia” - nhưng không quá xa so với người nói - hoặc “vào lúc này” hoặc cái gì đó khác trong số một vài nghĩa được liệt kê trong một từ điển? Sức mạnh của sein là gì và nó quan hệ với da như thế nào? Trong “Tồn tại và Thời gian” Dasein dường như có nghĩa là cái gì đó giống như “tồn tại-ở đó”. Con người là Dasein bởi con người ở “đó”, trong-thế giới - chứ không phải ở một nơi cụ thể nào mà ở đó theo nghĩa tiền lập và được tiền giả định bằng sự phân biệt nơi chốn. Về sau từ này trở nên có nghĩa là: “ở đó, nơi tồn tại ‘là’”, sở trú hay nơi-trú ngụ của tồn tại - một nghĩa thường được đánh dấu bằng cách viết Da-sein hơn là Dasein. Từ vựng của Heidegger ít nhất trong một số trường hợp đủ linh hoạt để tiếp nhận một sự chuyển đổi trọng tâm từ con người đến bản thân tồn tại mà không cần đến một sự thay đổi lớn nào.

Đôi khi Heidegger liên tưởng những thay đổi về nghĩa như vậy với điều mà chính ông gọi là một “khúc quanh”. Một khúc quanh (trong số nhiều vấn đề khác) là một sự đảo ngược trật tự của hai giới hạn. Bước chuyển từ “tồn tại và thời gian” đến “thời gian và tồn tại” là một khúc quanh. Hoặc ta có thể đảo ngược từ “bản chất của chân lý” trở thành “chân lý của bản chất” và từ “bản chất của ngôn ngữ” thành “ngôn ngữ của bản chất”. Heidegger cho rằng những khúc quanh như vậy là một sự thay đổi trong ý nghĩa của các giới hạn. Ở cụm từ “bản chất của chân lý” thì “bản chất” tức wesen được dùng theo nghĩa truyền thống và danh từ, còn “chân lý” tương cận với “sự đúng đắn”. Trái lại, trong “chân lý của bản chất”, “chân lý” không thể có nghĩa là “sự đúng đắn”, bởi một bản chất không thể là đúng hay không đúng. Chính vì thế Heidegger cho rằng Wesen không còn có nghĩa là “bản chất” mà mang một nghĩa của động từ, tuân theo gốc gác của nó từ động từ đã xưa cũ là wesen và có nghĩa là cái gì đó như là “hiện ra bản chất (essencing)”. Những sự đảo ngược theo kiểu như vậy chắc chắn rất khác với những ý nghĩa của các giới hạn bị đảo ngược. Trong cụm từ “tình yêu nghệ thuật” thì “yêu” có một nghĩa rất rộng như là “yêu thích” hay “thích thú”, trong khi “nghệ thuật” có một nghĩa hẹp, ít nhiều bị giới hạn vào mĩ thuật. Nếu ta đảo ngược nó thành “nghệ thuật của tình yêu” thì theo sự diễn giải tự nhiên nhất là “nghệ thuật” giờ đây có nghĩa rộng của “kĩ năng”, trong khi “tình yêu” mang một nghĩa hẹp hơn là đam mê sắc dục hay tương tác xác thịt. Ý nghĩa của điều này là gì? Chắc chắn nó không có một ý nghĩa nói chung. Ta đều biết rằng nghĩa của một từ phụ thuộc một phần vào ngữ cảnh. Nhưng quan điểm chung của Heidegger dường như là: sự thay đổi của một từ từ nghĩa đã phai nhạt và bị giáng cấp đến một nghĩa mới mẻ, tức nghĩa của Heidegger - một nghĩa phù hợp cho sự khởi đầu khác – không thể diễn ra dần dần. Nó diễn ra tức thì trong một “thời khắc chiếu rọi”, bằng một bước nhảy vọt hơn là bằng sự bàn cãi dai dẳng, bằng một bước chuyển bất ngờ của cái nhìn của ta về thế giới.

Heidegger dùng các từ mới và phục hồi các từ cũ. Ông làm như vậy để trình bày những ý tưởng mới, để nắm bắt lại sức sống nguyên thủy của “sự khởi đầu đầu tiên” và để tìm kiếm “lịch sử của tồn tại”. Mục đích của cuốn sách này là xét xem ông đã tiếp cận những nhiệm vụ ấy như thế nào và cụ thể ngôn ngữ đã giúp ông giải quyết chúng ra sao.

Nguyễn Sỹ Nguyên dịch

 

Nguồn:

(Nhan đề do người dịch đặt)

  • Phần “Cuộc đời của Heidegger” dịch từ “Chương I” trong “A very Short Introduction: Heidegger”, Michael Inwood, Oxord University Press, 2019.
  • Phần “Ngôn ngữ của Heidegger” dịch từ Phần mở đầu của “A Heidegger Dictionary”, Blackwell Publishers, 1999.

 

 


[1] E. Jünger, The Glass Bees (New York: Noonday Press, 1960), tr. 62.

[2]  Đó là lý do khiến ông do dự viết về “một môn đạo đức học” (LH, 349ff/254ff.).

[3] Sự sử dụng ngôn ngữ của Heidegger được Erasmus Schöfer trong Die Sprache Heideggers / Ngôn ngữ của Heidegger (Neske: Pfullingen, 1962).

[4] Aristotle, “Categories / Các phạm trù”, 12a32ff; “Subjects / Các chủ đề”, 143b34ff.

[5] G.W.F. Hegel, “Lectures on the Philosophy of Religion / Các bài giảng về triết học tôn giáo”, Xi. E.B. Speirs và J.B. Sanderson (London: Routledge & Kegan Paul, 1895), tập I, tr. 27ff – tập II, tr. 342ff; tập III, llOff.

[6] Sự vắng mặt của chữ cái “s” này trong từ Seinkönnen không hoàn toàn cho thấy Sein ở đây là động từ. The genitival V is optional in such cases; liệu nó được bao gồm hay không phụ thuộc vào luật hài âm cũng như nghĩa.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513611

Hôm nay

284

Hôm qua

2313

Tuần này

21548

Tháng này

220484

Tháng qua

121356

Tất cả

114513611