Văn hoá học đường

Văn hoá thi cử

Qua kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và BTTH năm 2011 đã được công bố, ta thấy bệnh thành tích lại trỗi dậy và tình trạng dối trá trong

thi cử làm xói mòn lòng tin của mọi người. Kết quả công bố cho thấy tỉ lệ tốt nghiệp càng ngày càng cao, số tỉnh đạt trên 90% tăng lên nhiều, đặc biệt số trường đạt 100% lại càng nhiều thêm (các báo đã đăng đầy đủ nên không cần thiết phải dẫn chứng ra nữa), có tỉnh, có trường trước nay thấp nay lại cao lên một cách bất ngờ. Báo Tiền phong số 173 ngày 22/6/2011 trong bài “Ảo ảnh hai không” của tác giả Quý Hiên, câu mở đầu là: “Những ai đã từng kỳ vọng vào cú hích “hai không” giờ không còn kỳ vọng vào nó. Bởi chưa bao giờ trong lịch sử thi cử Việt Nam lại có con số đỗ tốt nghiệp rực rỡ đến như vậy!”. Quý Hiên phản ánh: “Một hiệu trưởng chua xót: Sự tiến bộ là điều ai cũng mong muốn để phấn đấu. Nhưng anh tiến bộ dần dần người ta còn tin. Tiến bộ quá, tiến bộ từ không thành có thì người ta cười khẩy!”. Từ khi Bộ GD&ĐT phát động chủ trương thực hiện “Hai không”, kết quả chỉ được năm đầu tiên là có phần đáng tin còn dần dà về sau thì bệnh thành tích lại trở lại, còn nặng hơn trước và hiện tượng tiêu cực trong thi cử càng ngày càng tinh vi hơn, dù Bộ vẫn chủ trương tiến hành kỳ thi một cách nhiêu khê, phiền phức như tổ chức thi cụm, chấm chéo, tưởng rằng làm cho kỳ thi nghiêm túc hơn đâu ngờ rằng chỉ làm tăng thêm sự tốn kém của gia đình học sinh cũng như của nhà nước mà thôi. Việc tổ chức thi cụm chỉ có một điều lợi là tránh được tình trạng Hội đồng coi thi trường khác đến gây áp lực với trường sở tại khi thi riêng trường để vòi vĩnh, nhưng lại dẫn đến tình trạng “con béo kéo con gầy” học sinh trường kém thi chung với trường khá, dựa được vào học sinh trường khá nên càng dễ đỗ hơn; trong khi đó các em lại phải chuyển đi thi xa, có nơi đến vài ba chục cây số, tốn kém và dễ bị tai nạn giao thông. Vừa qua rất đau xót là một số giáo viên đi coi thi xa, một số học sinh đến địa điểm thi xa, trên đường đi đã bị thiệt mạng vì tai nạn giao thông. Còn việc chấm chéo thì như một đầu đề nhỏ trong bài báo “Tổ chức thi tốt nghiệp THPT: Bộ nên chuyển cho trường” (Tiền phong số 173 ngày 22/6/2011): “Chấm chéo: Nhiều rủi ro, vô nghĩa” - kết quả chẳng vì chấm chéo mà chính xác hơn! Tình trạng thi cử tồn tại như hiện nay càng làm hư học sinh vì không cần học cũng đỗ thì cần gì phải học. Cho nên, ở các nhà trường THPT trừ số học sinh muốn học tử tế để có kết quả thi đại học tốt (số này không nhiều), số còn lại chẳng chịu học hành gì cả vì chúng nghĩ không học cũng đỗ thì học làm gì cho mệt, để chơi cho sướng hơn! Hậu quả của tình trạng này là thái độ của học sinh đối với thầy cô ngày càng kém vì chúng không cần học thì cần gì biết ơn, biết kính trọng thầy cô. Những điều thầy cô lo lắng, chăm sóc cho chúng trở nên vô nghĩa, làm cho thầy cô càng chán nản. Điều này ai cũng biết nhưng không hiểu sao các cấp quản lý giáo dục lại chẳng chịu nhìn vào sự thật, mặc dầu nhiều người đã có ý kiến phản ánh trên báo từ lâu. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết Chủ nhiệm UBVHGDTTNNĐ của Quốc hội khoá XII đã phải thốt lên: “Hai không đã sụp đổ!” và ông bình luận: “Sụp đổ là phải thôi, bởi bản thân tên gọi của phong trào đã trái ngược với quy luật của thi đua. Chẳng lẽ lấy tỷ lệ thi đỗ ngày một ít dần đi của thí sinh để cho đó là thành công?!” .
Gần đây, một số báo có phản ánh ý kiến là trong tình trạng thi như vừa qua thì nên cho các trường xét kết quả học tập chứ không nên tổ chức kỳ thi nữa. Theo tôi, lâu nay đã bỏ các kỳ thi tốt nghiệp Tiểu học, THCS rồi, nếu bỏ cả kỳ thi tốt nghiệp THPT thì cũng không nên vì qua 12 năm học, cuối khoá cũng nên có một kỳ thi tốt nghiệp. Kỳ thi này nên tiến hành như sau: toàn quốc vẫn thi cùng một đợt, đề thi do Bộ ra chung, trường tự tổ chức coi thi, có sự thanh tra, kiểm tra của Sở giáo dục đào tạo, chấm thi chung toàn tỉnh không cần đổi chéo, Bộ duyệt kết quả và cấp bằng tốt nghiệp. Có người nghĩ rằng nếu giao cho trường tự tổ chức coi thi thì sẽ sinh ra tiêu cực nhưng tôi lại nghĩ ngược lại: vì giáo viên nào cũng muốn kết quả chính xác để em nào có học mới đỗ, nên vẫn coi thi nghiêm túc để dễ giáo dục học sinh. Có người sẽ hỏi: sao giáo viên đến coi thi trường khác không coi thi cho nghiêm? Xin thưa: trong tình hình tiêu cực hiện nay chẳng giáo viên nào dám liều mà làm như thế, vì sẽ bị nguy hiểm. Còn đối với học sinh của mình họ sẽ dám làm nghiêm và các em cũng chẳng dám có thái độ hỗn với thầy cô của mình. Tôi xin dẫn chứng: trường chúng tôi (trường THPT Nguyễn Trường Tộ - Thành phố Vinh) năm nào cũng tổ chức thi thử tốt nghiệp cho khối 12 sau khi đã học xong chương trình và ôn thi xong, để vừa nắm được trình độ học sinh xem chỗ nào còn yếu mà phụ đạo bổ sung trước khi đi thi chính thức, đồng thời lấy điểm thi làm điểm thi cuối học kỳ II để tính điểm trung bình môn. Trường tổ chức coi thi, chấm thi rất nghiêm túc, chặt chẽ nên kết quả thi thử chỉ đạt 60-70%, trong khi đó thi chính thức đều vào tốp tốt nghiệp hàng đầu của tỉnh, trên 99% (năm nay là 99,7%). Tất nhiên sau kỳ thi thử, nhà trường có tổ chức phụ đạo ráo riết hơn, nhưng rõ ràng thi chính thức không chặt chẽ được như trường tiến hành thi thử. Để cho trường tự coi thi, kỳ thi sẽ đơn giản, nhẹ nhàng, mà chắc chắn các thầy cô sẽ coi thi nghiêm túc nhằm giáo dục học sinh, răn đe các khoá tiếp theo các em sẽ lo học hơn, còn nếu dễ dãi quá học sinh sẽ không cần thiết phải học nữa thì việc giảng dạy của thầy cô sẽ rất chán.
Hiện nay văn hoá thi cử trong thi tốt nghiệp phổ thông và bổ túc trung học thực sự quá kém, kỳ thi đã trở thành một trò dối trá trơ trẽn cả đối với người dự thi, người coi thi và người quản lý thi, không ai là không nhận thấy, nhưng chẳng ai nói ra, thế thì giữ lại hình thức thi cử như thế làm gì cho vất vả mọi người và tốn kém công quỹ cũng như tiền của của cha mẹ học sinh, gây nên tình trạng nặng nề không đáng có!? Bộ GD& ĐT nên mạnh dạn cải tiến: học xong bậc học phổ thông, cho các em dự một kỳ thi nhẹ nhàng do trường tiến hành, xong Bộ cấp cho các em trúng tuyển một cái bằng chứng nhận đã học hết bậc học phổ thông để từ đó các em ung dung vào đời: hoặc thi tiếp lên học đại học, cao đẳng thì đã có một kỳ thi tuyển sinh đại học tương đối nghiêm túc để tuyển chọn vào trường, hoặc vào trường học nghề ra làm công nhân, hoặc về đồng ruộng sản xuất, hoặc tham gia quân đội. Giá như kỳ thi như thế chưa được nghiêm túc thì cũng còn tốt bằng mấy kỳ thi cụm chấm chéo như vừa qua và chẳng hại gì vì chẳng qua để cấp cho các em một cái bằng chứng nhận hết bậc học thôi, còn để chọn vào đại học, cao đẳng đã có kỳ thi tuyển nghiêm túc rồi. Dưới thời Pháp thuộc, thi cử chưa nặng nề như bây giờ và chỉ đụng đến một bộ phận rất nhỏ người dân mà nhà thơ Xuân Diệu đã than: “Hết nạn thi rồi, đến nạn thi / Than ôi! Khổ lắm học làm gì/ Mấy chồng sách nát, khô như đá / Ruộng lúa đồng quê, ta cứ đi...”. Ngày nay quả là hết nạn thi rồi đến nạn thi: ở các thành phố lớn, học sinh còn thi vào lớp một, thi vào cấp THCS, vào trường chuyên lớp chọn; học sinh hết cấp THCS thi vào THPT, thi vào trường chuyên của Bộ, của tỉnh; một mùa hè nóng bỏng càng nóng thêm vì lắm cuộc thi. Theo tôi, kỳ thi đại học dần dần cũng nên cải tiến bằng cách các trường cho học sinh đăng ký vào học dễ dàng nhưng lại phải xiết chặt đầu ra. Vào học một năm, tổ chức thi do trường tiến hành, ai học không đảm bảo các học phần, tín chỉ bắt buộc và thi không đạt sẽ loại ngay; không để tình trạng như ngày nay thi tuyển vào thì khó nhưng vào rồi quá dễ dãi, được thả lỏng, để sinh viên hư hỏng, học không nên, gây thiệt hại, lãng phí cho các em, gia đình và xã hội! Hãy xem lại thời đầu trong thời kỳ chống Mỹ, có thi tuyển vào đại học đâu, thế mà sinh viên các trường đại học đều học tốt (tất nhiên có một số ít không theo được đã chuyển khoa, chuyển trường, hoặc xin về nhà sản xuất), những sinh viên tốt nghiệp thời ấy đều trở thành người cán bộ giỏi, người trí thức tốt. 
Với tâm huyết của một nhà giáo đã có trên 50 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, tôi xin mạnh dạn nêu lên một số ý kiến đề xuất. Rất mong được nghe nhiều ý kiến các bậc thức giả để được mở rộng tầm hiểu biết hơn.


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114450180

Hôm nay

2212

Hôm qua

2274

Tuần này

21725

Tháng này

216439

Tháng qua

120141

Tất cả

114450180