Từ xưa đến nay, các tao nhân mặc khách, các nhà khảo cứu âm nhạc và văn học đánh giá rất cao dân ca Nghệ Tĩnh cả về nhạc lẫn lời. Trên toàn cõi đất nước, với sinh hoạt văn nghệ của 54 dân tộc anh em, chưa có một sinh hoạt dân ca nào mà có sự tham gia tích cực - thậm chí có lúc, có nơi là chủ chốt - của các nhà Nho như ví giặm Nghệ Tĩnh. Từ các thầy đồ, ông tú bình dân cho đến các bậc khoa cử xuất thân như các ông cử, ông nghè ít nhiều đều có tơ duyên với lời giặm, câu ví. Hiện tượng đó có nguyên nhân từ vị trí xã hội tại địa phương của tầng lớp trí thức này, nhưng sức hấp dẫn của tiếng ca thôn dã vẫn là nguyên nhân quan trọng nhất. Chính Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, mà sự nghiệp trước tác vẻ vang nhất của ông vẫn là thơ Nôm, đã xác nhận vai trò to lớn của dân ca đối với quá trình sáng tạo của mình:
..." Thôn ca sơ học tang ma ngữ,
Dã khốc thời văn, chiến phạt thanh"..
(Thanh Minh ngẫu hứng)
(Tiếng ca nơi thôn dã là bài học vỡ lòng cho ta về ngôn ngữ của nghề trồng dâu, trồng gai; tiếng khóc nơi đồng nội, làm cho ta như nghe lại âm thanh sát phạt của một thời chinh chiến)
Quả vậy, trong 3254 câu Kiều lung linh ánh ngọc, có không ít những câu ca tuyệt diệu của quê hương, xứ sở. Ai dám bảo, những câu ví này hay hơn:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng.
Đưa nhau một bước lên đàng,
Cỏ xanh hai dãy, đôi hàng châu sa.
Hay câu Kiều này hay hơn:
..."Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường"...
Và xác định cho ra: ai học ai, ai tiếp nhận của ai, thật không dễ gì.
Hơn thế, truyền thống sinh hoạt dân ca xứ Nghệ đã sản sinh ra hàng loạt nghệ nhân dân gian hết sức độc đáo mà nhiều người gọi họ là "thi sĩ dân gian" (Võ Văn Trực). Những O Uy, O Sạ (Trường Lưu, Can Lộc), O Nhẫn (Đan Du, Kỳ Anh) từng một thời nổi danh "bẻ chuyện" trong hò hát làm cho các nhà Nho chữ nghĩa đầy mình cũng phải bái phục. Ở đây, thi sĩ và nghệ nhân gắn kết với nhau theo kiểu 2 trong 1: vừa ứng tác lời vừa ứng diễn. Hiện tượng này, trong âm nhạc hiện đại Việt Nam, cũng chỉ thấy một trường hợp hi hữu là Trịnh Công Sơn.
Dân ca xứ Nghệ độc đáo, phong phú đến mức từ chất liệu nhạc và lời của nó, nhiều nhạc sĩ hiện đại đã tiếp thu, phát triển để sáng tạo nên những nhạc phẩm nổi tiếng. Thậm chí, có những nhạc sĩ mà sự nghiệp sáng tác tuy rất phong phú, nhưng những bản nhạc "đi cùng năm tháng" của họ thì phần lớn là sáng tác từ nguồn gợi hứng và trên cái nền chất liệu của dân ca ví dặm xứ Nghệ. Đó là các trường hợp nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, An Thuyên, Trần Hoàn,... Và một chính khách lịch lãm, am hiểu sâu sắc về văn hóa - nghệ thuật như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, sau khi nghe Đoàn dân ca Nghệ Tĩnh biểu diễn năm 1986, đã có những cảm nhận rất hào hứng: " ...Tôi đã đi nhiều nơi ở trong nước và trên thế giới, nghe nhiều dân ca, nhưng dân ca Nghệ Tĩnh là hay nhất, hay nhất thế giới...".
Dân ca Nghệ Tĩnh ý đẹp lời hay, làn điệu đa dạng, phong phú độc đáo như vậy nhưng việc sưu tầm, nghiên cứu, khai thác còn có nhiều hạn chế. Ngoài những công trình sưu tầm, nghiên cứu phần lời ca và ít nhiều có đề cập đến không gian văn hóa của sinh hoạt diễn xướng của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tiên phong trên lĩnh vực này như Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Chung Anh, Ninh Viết Giao, Trần Hữu Thung, Thái Kim Đỉnh,... hoặc một số nhạc sỹ như Lê Quang Nghệ, Đào Việt Hưng, Lê Hàm, Thanh Lưu, Vi Phong,... đã sưu tầm và ghi âm các bản phổ về các làn điệu. Đó là những thành tựu đáng quý thể hiện sự nỗ lực của các bậc tiền bối. Tuy nhiên, việc khoanh vùng để nghiên cứu một cách toàn diện, sâu sắc một làn điệu nào đó từ nguồn gốc, quá trình hình thành, phát triển; đặc điểm làn điệu và phương thức, không gian diễn xướng cũng như tiềm năng khai thác, phát triển thì chưa từng được triển khai.
Để góp phần bù đắp vào những khiếm khuyết nói trên, bước đầu, chúng tôi mạnh dạn tìm hiểu "Quá trình hình thành và phát triển của hát ví Sông La". Đây là một vấn đề khó. Khó bởi vì hiện tại không có một tài liệu thành văn nào, một chứng tích văn hóa vật thể hoặc phi vật thể nào khả dĩ chứng minh được quá trình hình thành, phát triển của làn điệu này, tại khu vực này. Ngay cả khả năng phục hiện từ tình trạng diễn xướng hiện tại cũng không thể. Vì hiện tại, không còn tồn tại truyền thống diễn xướng tự nhiên như ngày xưa. Các thể điệu ví đã được cải biên và sân khấu hóa. Không chịu bó tay, chúng tôi lần mò đi theo con đường vòng, thông qua điều tra điền dã, phỏng vấn những người cao tuổi, thông qua nghiên cứu đặc điểm ngôn ngữ lời ca và thông qua các tư liệu của các ngành khoa học khác, bước đầu phác ra một số nét về quá trình hình thành và phát triển của hát ví sông La.
II. SỰ HÌNH THÀNH.
Một trong những câu ví nổi tiếng ở đất Đức Thọ:
Đức Thọ gạo trắng nước trong,
Ai về Đức Thọ thong dong con người.
Đã nói lên cái trù phú của một vùng quê và nếp sống của con người ở vùng quê ấy. Người dân xứ này có được cuộc sống no đủ về vật chất và thích thảng về tinh thần như vậy trước hết là nhờ có điều kiện tự nhiên. Nơi đây có những cánh đồng phù sa màu mỡ được bồi đắp từ sông suối trong vùng. Xét về điều kiện tự nhiên, Đức Thọ là một huyện được tạo hóa ưu đãi. Trước hết, so với các địa phương khác, Đức Thọ là một huyện có nhiều sông. Các vùng trong huyện hệ thống sông ngòi chằng chịt. Nhiều sông ngòi thì tất lại nhiều cầu, nhiều bến. Và Đức Thọ có cầu Thọ Tường, bến Tam Soa nổi tiếng không chỉ vì đó là những nút giao thông quan trọng mà còn đó là những thắng cảnh nên thơ. Trên địa bàn, con sông chính là sông La, dài 26 km, chảy xuyên qua hầu hết các địa phương trong huyện Đức Thọ. Sông La thu nhận nguồn nước từ hai con sông lớn là: Ngàn Sâu và Ngàn Phố, hợp lưu tại bến Tam Soa và đổ nước ra sông Lam tại Ngã Ba Phủ. Ngoài sông La, trên địa phận của huyện còn có một đoạn sông Ngàn Sâu chảy qua các xã Đức Lạng, Đức Đồng, Đức Lạc, Đức Hòa và Tùng Ảnh; và một đoạn của sông Lam chảy từ Đức Châu đến Trung Lương. Ngoài ra, còn có thể kể thêm sông Mênh (Minh Giang) nối với sông Lam ở cuối xã Đức Vịnh chảy qua các xã Yên Hồ, Thái Yên (địa phận Đức Thọ) rồi chảy qua Trung Lương, Vân Chàng (trước là thuộc Đức Thọ nay thuộc Thị xã Hồng Lĩnh) và Hói Trúc (Trúc Khê) chảy từ vùng Đức Dũng xuống, qua các xã Đức Lâm, Trung Lễ, Đức Thủy đến Thái Yên thì đổ vào sông Mênh. Sau này, người ta đào mương thông Hói Trúc với sông La (đoạn chảy qua Bùi Xã), đoạn mương này còn được gọi là Hói Mới, sau được mở rộng ra thành kênh, gọi là kênh 19 tháng 5. Lưu khúc này khi qua Thái Yên dòng được mở rộng hơn (gọi là rào Trúc) có rất nhiều bến (bến Nậy, bến Con, bến Cầu, bến Thánh, bến Cưa, bến Trộ Đăng, bến Trộ Vó, bến Trộ Xe,…), thuyền bè lại qua tấp nập.
Sông La là con sông không nguồn, không cửa, từ xa xưa đã được sử sách ghi nhận là một trong những con sông lớn, cùng với núi Hồng, nổi tiếng danh thắng một vùng. Nó là biểu tượng của huyện Đức Thọ. Huyện này ngày xưa vốn tên là La Giang (sông La), sau vì kiêng tên chúa Trịnh Giang mà đổi thành huyện La Sơn. Con sông La không chỉ là danh thắng của La Giang-Đức Thọ mà còn là huyết mạch kinh tế của cả vùng này.
Thủy chế sông La thay đổi theo mùa. Mùa khô nước sông thường ở cốt 0,33m; mùa mưa lụt, mực nước có thường lên cao đến 8, 9m. Mùa nước cạn lòng sông rộng bình quân khoảng 100m, khi mưa lụt có chỗ lòng sông phình rộng đến khoảng 1000m. Thủy chế sông La còn chịu ảnh hưởng của thủy triều, nước triều lên xuống khiến cho mực nước chênh nhau khoảng 1,30m. Thuyền bè xuôi ngược phải nương theo con nước lên xuống.
Khi không mưa lũ, dòng La trong vắt, hiền hòa êm ả như dải lụa vắt dọc theo lãnh thổ huyện. Hẳn là do vẻ đẹp đó nên người xưa đặt tên nó là La Giang, dòng sông lụa. Sách Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch cho biết xưa kia nó là một trong ba dòng nước mát ngọt, trong lành nhất xứ Nghệ. Không chỉ cung cấp nước ngọt nuôi người, cây cỏ, súc vật trong vùng mà hàng năm sông hào phóng bồi đắp cho đồng ruộng vùng này những lớp phù sa màu mỡ, tạo nên những cánh đồng phì nhiêu có năng suất cấy trồng lúa và hoa màu nhất nhì tỉnh. Người dân nơi đây tự hào về cuộc sống của mình:
Ai về Đức Thọ thì về,
Nước trong gạo trắng, dễ bề làm ăn
Có nước sông La trong lành, mát ngọt, có mức sống vật chất khá phong lưu nên con người nơi đây “thong dong”. Nhất là con gái xứ này, vóc đẹp, da trắng nổi tiếng khắp vùng từ trước đến nay.
Tuy vậy, do địa hình của huyện bị kẹp giữa hai dãy núi lớn: bên này là Trà Sơn, Thiên Nhẫn trùng trùng và bên kia là Ngàn Hống sừng sững, cho nên, nhìn chung sông ngòi vùng này nhiều nhưng ngắn dốc, bờ sông cao, dòng chảy quanh co, lắm khúc nước xiết. Do lưu vực thượng nguồn rộng lớn, thủy lượng dồi dào, nước từ hai nguồn Ngàn Sâu, Ngàn Phố từ cao đổ xuống, độ dốc lòng sông lớn, dòng chảy lại ngắn, nên lưu tốc rất lớn. Mỗi khi mưa lũ lớn, dòng chính chảy không đủ, khiến sông La luôn luôn phải đổi dòng, phá dòng tạo ra những biến đổi lớn về địa hình, địa mạo ở hai bên bờ. Đó là nguyên nhân tạo ra hàng loạt những bãi, cồn, bàu, hói, rào, ngòi,…nơi sông chảy qua. Mặt khác sự biến thiên dòng chảy từ lâu đời cũng khiến cho sông La có nhiều nhánh. Nếu cần thiết phải hình dung thì hệ thống sông La và các phụ lưu của nó trông như mạng gân của một chiếc lá. Do đó mà địa hình Đức Thọ lắm cầu, nhiều bến.
Ai cũng biết đối với cư dân nông nghiệp trồng lúa nước vai trò của sông suối vô cùng quan trọng. Sông là nguồn cấp nước để cấy trồng cây cối, hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Sông là huyết mạch giao thông quan trọng, tạo ra thế song hành cho con người trên mặt đất từ xa xưa, trên bộ dưới thuyền để vận tải, giao thương, buôn bán.
Người dân Đức Thọ, đặc biệt là các cụm tụ cư hai bên bờ sông La, có cuộc sống trù phú lâu đời như thế là nhờ sông. Cuộc mưu sinh dễ dàng, ngoài thời gian lao động, con người còn có thời gian dành cho các sinh hoạt văn hóa tinh thần. Vì thế đời sống văn hóa vật thể và phi vật thể nơi đây từ xưa đã nổi tiếng là phong túc, văn vật.
2. Như trên đã đề cập, một trong những sinh hoạt đặc thù của vùng sông nước là giàu tiềm năng vận tải, giao thông đường thủy. Đức Thọ từ xa xưa vốn là một huyện có nền kinh tế phát triển nhất vùng. Trên một diện tích đất đai tự nhiên rộng lớn, chủ yếu là đồng bằng, nền kinh tế nông nghiệp đất Việt Thường thời xưa đã phát triển. Nguồn nông sản như lúa, ngô, khoai, sắn khá dồi dào, thủy sản phong phú, kinh tế trang trại cũng đã có manh nha từ xưa. Bên cạnh đó tiểu thủ công nghiệp cũng rất phát đạt. Nghề thủ công ở Đức Thọ hình thành khá sớm. Đó là nghề mộc Thái Yên, từ lâu đã nổi tiếng cả nước; nghề gốm Cẩm Trang, rồi miến Bùi Xá, mật đường Chợ Trổ, lụa Việt Yên, vải Yên Hồ, ép dầu Nghĩa Yên, đóng thuyền Trường Xuân, làm nón Yên Đồng,…Theo sử sách truyền lại, khá nhiều nghề ở đây đã được hình thành và phát triển từ thế kỷ XIV-XV. Những nghề thủ công này sớm đã được các sách phong thổ ký ghi nhận, đánh giá cao. Và trở thành niềm tự hào của người dân các địa phương này trong ca dao, tục ngữ, truyện cổ, để lại rất nhiều dấu tích trong lời ăn tiếng nói hằng ngày. Khi sản xuất phát triển, sản phẩm dồi dào lại thêm sản vật tự nhiên phong phú thì nhu cầu buôn bán, giao thương càng phát triển. Cũng theo các tài liệu phong thổ, địa chí ghi chép lại, từ khoảng thế kỷ XVII-XVIII, việc buôn bán, giao thương nội hạt đã rất phồn thịnh. Chợ búa được lập nhiều, nhiều tuyến giao thương thủy bộ được mở mang. Đến trước 1945, cả huyện La Sơn đã có 18 chợ lớn nhỏ, buôn bán sầm uất. Trong đó, có những chợ rất cổ, quy mô lớn, buôn bán khá phồn thịnh, được cả xứ biết tiếng như chợ Hạ, chợ Cầu, chợ Thượng, chợ Nướt, chợ Trổ. Các tuyến giao thương, không kể đường bộ và đường sắt xuyên Việt (chạy qua địa phận 8 xã) có đến 6 tuyến đường thủy sau đây:
- Tuyến sông Lam: từ Đức Châu đi Đức Quang, Vịnh Đại;
- Tuyến sông La: từ Tùng Ảnh đi hai ngả:
+ Ngả phía trái đến Đức Châu;
+ Ngả phía phải đến Đức Quang;
- Tuyến sông Ngàn Sâu: từ Đức Lạng đến Tùng Ảnh;
- Tuyến Rào Trổ (một nhánh sông La): từ Bùi Xá đi Yên Hồ hữu ngạn và đi Đức Vịnh tả ngạn;
- Tuyến sông Mênh: từ Yên Hồ đi Đức Thịnh;
- Tuyến Rào Trai: từ Đức Dũng qua Đức Thanh, Đức Lâm, Đức Thủy, Thái Yên đến Đức Thịnh.
Sáu tuyến giao thương đường sông và 18 chợ của huyện Đức Thọ ngày xưa đã là chứng tích của một thời buôn bán tấp nập, thịnh vượng. Bên cạnh buôn bán nội hạt, việc giao thương với các vùng khác cũng được mở rộng. Nông sản thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ được các thương thuyền chở lên các huyện thượng du như Hương Khê, Hương Sơn theo đường sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu để đổi lấy lâm thổ sản như gỗ, mây, tre, tro rồi đóng bè xuôi về cung cấp nguyên vật liệu cho các làng nghề thủ công chế biến. Ngoài thuyền buôn, còn có thuyền câu của dân đánh cá. Bè xuôi, thuyền ngược lũ lượt ngày đêm. Ngoài thuyền, đò của dân bản xứ đi lại trong vùng cũng như ngược ngàn còn có thuyền buôn của cư dân các nơi khác theo các hướng từ Nghi Xuân, Nam Đường (Nam Đàn) theo sông Lam ngược lên miền thượng để buôn bán. Bên cạnh đò dọc còn có đò ngang. Sông ngòi nhiều, đò ngang càng lắm. Những chỗ sông ngòi nông bao giờ cũng có bến đò ngang chuyên chở khách. Các tuyến đò dọc, đò ngang chằng chịt đã tạo nên một môi trường sinh hoạt sông nước nhộn nhịp, đông vui.
Môi trường sinh hoạt này đã sản sinh một hình thức dân ca được gọi là hát ví. Theo các nhà nghiên cứu dân tộc nhạc học danh tiếng như GS. Trần Văn Khê, Trần Quang Hải, nhạc sĩ Phạm Duy, PGS. Dương Viết Á, PGS.TS. Tú Ngọc, GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh,…thì các làn điệu dân ca còn tồn tại đến ngày nay chủ yếu đều có nguồn gốc từ các bài ca lao động, được sinh ra để trợ lực cho người lao động. Tiêu biểu cho dân ca lao động là các điệu hò: về mặt nhạc là để tăng cường nhịp điệu, có tác dụng hợp lực cho các động tác lao động nặng có tính tập thể; về mặt lời thì chủ yếu là những câu hát đùa vui hoặc thể hiện mong muốn đạt được năng suất, thành quả lớn trong lao động. Về sau, ngoài chức năng tổ chức nhịp điệu lao động, chức năng giải trí ra thì chức năng trữ tình càng trở nên quan trọng. Và các làn điệu dân ca trữ tình ra đời, được ứng tác và diễn xướng trong những lúc nghỉ ngơi sau thời gian lao động mệt nhọc.
Như nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định, hát ví, hát giặm là những làn điệu dân ca chủ yếu ở Nghệ Tĩnh. Và ví là điệu hát phổ biến của vùng sông nước La, Lam. Hiện tại, chưa có một tư liệu nào đủ tin cậy để khẳng định một cách chính xác niên đại, nguồn gốc ra đời của hát ví sông La. Nhưng căn cứ vào giai điệu chung của các điệu ví và đặc điểm sinh hoạt của cư dân vùng này thì có thể ước đoán hát ví sông La ra đời vào thời điểm phồn thịnh của sinh hoạt giao thương, buôn bán trên sông nước, tức là trong khoảng cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX và phát triển đến đỉnh cao là cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX. Và có lẽ, thể điệu chủ chốt của sinh hoạt hát ví vùng này là ví đò đưa. Trong sách Hát ví Nghệ Tĩnh (NXB Văn Sử Địa, Hà Nội, 1959), Nguyễn Chung Anh cho rằng hình thức dân ca này đã thịnh hành từ thời Tây Sơn (cuối thế kỷ XVIII). Ý kiến này không phải là không có lý. Vì rằng trước đó mấy trăm năm, mảnh đất này là bãi chiến trường của cuộc phân tranh Trịnh - Nguyễn, dân tình đói khổ, xiêu dạt, điêu linh; không thể có cái cơ sở xã hội cho sự nảy sinh phong trào hát ví được. Các làn điệu hát ví như ví phường vải phải có điều kiện kinh tế xã hội tương ứng mới hình thành và phát triển được. Vả lại, xét về ngôn ngữ, thì những câu ca cổ nhất còn được lưu lại với những dấu vết thổ âm cho phép ta khẳng định rằng, hát ví các vùng xứ Nghệ không thể ra đời sớm hơn thời điểm mà chúng tôi đã đề cập trên.
Như vậy, có thể kết luận một cách chung nhất rằng: hát ví sông La ra đời từ nhu cầu sáng tạo, thưởng thức của người dân lao động ven sông La.
3. Dân ca của người Việt xứ Nghệ nói chung, vùng núi Hồng sông La nói riêng, chỉ có ba nhóm làn điệu chính là: hò, ví, giặm. Như trên đã nói, làn điệu dân ca xuất hiện sớm nhất trong các cộng đồng quần cư là hò. Hò là thể điệu ca nhạc vốn có ở nhiều nơi. Và ở xứ Nghệ, các điệu hò khá phong phú và độc đáo.
Như đã nói trên, hò thuộc loại hình các bài ca lao động. PGS.TS. Tú Ngọc cho rằng: “Nếu những bài hát lao động nói chung là một trong những cội nguồn đầu tiên của âm nhạc, thì những bài hát lao động đích thực chính là một trong những giai tầng cổ nhất của dân ca Việt Nam”[1].
Thật vậy, điều này đã được các nhà nghiên cứu về văn hóa, nghệ thuật cổ truyền khẳng định từ lâu. Khi bàn về nguồn gốc và sự phát sinh của nghệ thuật, F. Ăng-ghen đã nói: “Chỉ nhờ có lao động, nhờ thích ứng với những động tác luôn luôn mới, nhờ sự phát triển đặc biệt đã được như thế đó của bắp thịt, của gân, và trải qua những thời gian lâu dài hơn, của chính xương cốt, di truyền qua lại, và sau hết, nhờ việc áp dụng nhiều lần và liên tục sự tinh luyện di truyền đó vào những động tác mới, ngày càng phức tạp hơn, cho nên bàn tay con người mới đạt được trình độ hoàn thiện rất cao, có thể sáng tạo ra cái tuyệt diệu trong những bức tranh của Raphaen, những pho tượng của Thovanxen, những điệu nhạc của Paganini”[2].
Ngoài ý kiến gián tiếp nói trên của Ăng-ghen nói về mối quan hệ giữa lao động và sáng tạo nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng, ngày nay, nhiều công trình nghiên cứu về nghệ thuật học, dân tộc học đã cho phép chúng ta có những kết luận chắc chắn về nguồn gốc của âm nhạc có liên quan chặt chẽ với quá trình lao động sản xuất của con người.
Trong một tài liệu nghiên cứu về văn hóa nguyên thủy, M.O.Cosven cho rằng: “Vấn đề nguồn gốc của âm nhạc phải giải quyết cùng với vấn đề nguồn gốc của nghệ thuật nói chung, nghĩa là suy cho cùng âm nhạc bắt nguồn từ lao động, thực tiễn lao động của con người”[3]
Khi nghiên cứu quá trình phát sinh của âm nhạc, R.I. Grube cũng khẳng định rằng: “Một trong những nguồn gốc của âm nhạc là những tiếng kêu, tiếng hò la của săn bắt”…, “những mầm mống của nghệ thuật nguyên thủy (trong đó có âm nhạc) cũng được tách ra (về mặt lãnh thổ và thời gian) khỏi chính quá trình sản xuất, mặc dù chúng vẫn giữ mối liên hệ mật thiết của quá trình đó về mặt nội dung và tính chất biểu hiện”[4]
Như vậy, khi thừa nhận nguồn gốc chung của âm nhạc (cũng như nghệ thuật) nảy sinh từ quá trình lao động sản xuất của con người, các nhà nghiên cứu nghệ thuật cũng thừa nhận rằng có một bộ phận âm nhạc gắn liền với lao động sản xuất, trực tiếp phục vụ quá trình sản xuất vật chất của con người, có mối liên hệ mật thiết với những hình thái công việc lao động. Tiêu biểu cho bộ phận âm nhạc này là các bài ca lao động trong nghệ thuật dân gian của các dân tộc khác nhau trên thế giới.
Cũng như các thể loại khác trong âm nhạc dân gian, những bài hát lao động có đặc trưng về chức năng riêng của mình. Khi bàn về mỹ học folklore, nhà nghiên cứu Xô-viết Guxep đã xếp những bài ca dao lao động vào lĩnh vực trữ tình bên cạnh những bài ca phù chú, những bài vịnh ca, những bài anh hùng ca, những bài bi ca, những bài ca trào phúng, những bài ca bông đùa,..Về những bài ca lao động, Guxep cho rằng: "Đó là những bài ca biểu hiện thái độ của tập thể đối với các loại hoạt động lao động sản xuất, những điều kiện hoặc những kết quả của hoạt động này bộc lộ thái độ cảm xúc của con người đối với lao động. Hẳn đây là thể loại cổ nhất của ca hát trữ tình, ban đầu kèm theo trực tiếp những công việc làm ăn tập thể của con người trong chế độ công xã nguyên thủy"[5]
Những kết quả nghiên cứu trên cho phép ta rút một nguyên tắc có ý nghĩa phương pháp luận: sự phân loại dân ca và việc xác định vị trí của chúng cũng như mối tương quan giữa chúng với nhau cần xuất phát từ điều kiện tồn tại của chúng trên cơ sở kinh tế - xã hội và đời sống văn hóa của mỗi dân tộc.
Những bài ca lao động xứ Nghệ xuất hiện trên cơ sở nền kinh tế nông nghiệp. Trong nông nghiệp thì nghề trồng lúa nước đã trở thành kinh tế cơ bản của nước ta từ rất lâu, khoảng hàng trăm năm trước công nguyên. Cơ sở kinh tế trồng trọt và sinh sống chủ yếu dựa vào cây lúa đã đẻ ra hàng loạt công việc xung quanh nó mà các cư dân ở đây phải tiến hành quanh năm suốt tháng: cày, bừa, gặt, đập, xay, giã,... Để phục vụ cho việc canh tác, người nông dân Việt Nam còn phải tiến hành hàng loạt công việc thiết yếu khác như đắp đập, đắp đê, đạp nước,... Những công việc lao động trên có khi được tiến hành bằng sức lao động cá thể, nhưng do truyền thống cộng đồng làng xã hoặc do tính chất công việc đòi hỏi, nhiều trường hợp phải tiến hành lao động tập thể.
Với những hình thức và điều kiện lao động nói trên, chúng ta hoàn toàn có cơ sở kinh tế-xã hội để xác định sự hình thành và tồn tại của những bài hát lao động như các điệu hò hụi, hò nện, hò giã gạo, hò xay lúa, hò đạp nước,...
Như phần trên đã trình bày, ngoài việc canh tác lúa nước, các sinh hoạt chài lưới, việc giao thương, vận tải, buôn bán, các sinh hoạt hội hè trên sông nước đã sản sinh ra các điệu hò gắn liền với các hoạt động này như hò đua, hò khoan, hò kéo lưới, hò chống bè,...
Phương thức sản xuất của xã hội không ngừng phát triển, từ đó những hình thức lao động cũng không ngừng phát triển, ngày càng phong phú, đa dạng. Mỗi điệu hò vốn thích ứng với mỗi loại công việc cụ thể cũng từ đó mà biến đổi, hoặc là tự tiêu biến hoặc là phát triển theo trạng thái mới của công việc. Bởi vậy, nhìn nhận sự phát triển của các làn điệu dân ca cũng cần phải căn cứ theo lịch sử phát triển của hoạt động kinh tế và văn hóa của từng cộng đồng dân cư. Tất nhiên, ở đây cần phải tính đến các quy luật phát triển nội tại của bản thân thể loại. Những quy luật đó thể hiện ở cách diễn xướng, ở kết cấu các biến dạng âm điệu của chúng.
Những điệu hò lao động đích thực là những điệu hò gắn bó và thích ứng với công việc lao động hoặc một quá trình sản xuất. Thường thì mỗi hình thức công việc đòi hỏi, làm nảy sinh một điệu hò thích ứng với nó. Cho nên ngoài chức năng cổ vũ (tạo ra sự hưng phấn về mặt cảm xúc đối với công việc) và tổ chức (tập hợp năng lực lao động của mọi người vào một công việc nào đó và điều khiển những năng lực đó qua nhịp điệu và kết cấu của bài ca), những bài hát lao động kiểu này cũng có một ý nghĩa thực dụng nhất định - nó mang dáng dấp của một chuỗi hiệu lệnh - tín hiệu đối với công việc. Và đặc điểm quan trọng nhất của những bài hát, điệu hò lao động đích thực là chúng được diễn xướng ngay trên hiện trường lao động của con người.
Khảo sát các làn điệu hát ví xứ Nghệ nói chung và của cư dân hai bên bờ sông La - Lam nói riêng, nhà nghiên cứu âm nhạc Đào Việt Hưng đã cho rằng: giai điệu của hát ví xứ Nghệ có mối liên hệ qua lại với giai điệu của hò hái củi, cũng là một loại dân ca của vùng này.[6]
Đó là một ý kiến được đề xuất không chỉ dựa trên việc nghiên cứu bản phổ cũng như cách thức diễn xướng của các làn điệu dân ca này mà còn là sự loại suy rất logic từ nguyên lý văn nghệ dân gian xuất phát từ lao động và phục vụ cuộc sống lao động của quần chúng nhân dân. Và hiện tượng đó cũng nằm trong sự chi phối của quy luật biến dạng, chuyển hóa giữa các thể loại theo nguyên lý biến đổi cấu trúc là do thay đổi chức năng.
Điều đó được chứng minh bằng kết luận của các nhà nghiên cứu dân tộc nhạc học. Trong tài liệu đã dẫn trên, PGS.TS. Tú Ngọc đã khẳng định: “Nghiên cứu một số bài bản của Hát ví Nghệ Tĩnh được giới thiệu trong các tập dân ca đã xuất bản cho phép chúng ta khẳng định rằng: ban đầu Hát ví có một làn điệu gốc, sau đó được phát triển thành một số biến dạng. Giai điệu của hát ví dựa trên trục chính gồm ba nốt của một hợp âm thứ. Ở dạng này hay dạng kia có thể mở rộng tầm âm ở phía trên. Đây là loại giai điệu cổ với tiết tấu và cấu trúc đơn giản. Điều đó chứng tỏ rằng hát ví xuất hiện vào loại sớm nhất trong kho tàng dân ca mà chúng ta biết được”[7].
Nhà địa phương học Thái Kim Đỉnh, cũng cho rằng: “Hát ví là lối hát hoa tình, giao duyên nam nữ rất thịnh hành vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Lời hát ví chỉ là câu lục bát hoặc lục bát biến thể, được cất lên với điệu nhạc khoan thai, trong trẻo trên sông nước. Tùy theo môi trường diễn xướng mà nhạc điệu có ít nhiều thay đổi trên cơ sở một điệu cơ bản, nên các nhà nghiên cứu âm nhạc gọi thành nhiều tên khác nhau: ví đò đưa, ví phường cấy, ví phường buôn, ví phường vải, ví trèo non (khi đi củi, đi cỏ) v.v.
Có thể nghĩ rằng, ví là điệu hát của vùng sông nước La, Lam. Ví đò đưa lời hát trữ tình, chải chuốt, đặc biệt không có tiếng và tích Hán Việt, trừ chữ “loan phượng”[8]. Trong một tài liệu viết sớm hơn, tham luận Đôi điều về dân ca Nghệ Tĩnh đọc tại Hội thảo về Dân ca Nghệ Tĩnh tổ chức tại Vinh năm 1981, ông còn cho rằng: ví đò đưa là làn điệu có sớm nhất.
Ngoài ra khi nghiên cứu về dân ca người Việt, nhạc sĩ Phạm Duy cũng có ý kiến tương tự. Ông khẳng định rằng: “Những bài hát làm việc của người Việt thường gọi là hò. Chữ hò có nghĩa là hô lên. Người ta vừa làm việc, vừa hô to những câu hát để trợ hứng cho động tác lao động. Nhưng ngay trong khi đang làm việc nặng nhọc như kéo gỗ, đẩy xe, bơi thuyền,... cần có những câu hò để thúc đẩy việc làm, người Việt cũng đã hát những lời ca rất trữ tình. Do đó, hò rất dễ dàng trở thành những khúc tình ca. Rồi từ hình thức một bài hát giao duyên giữa hai người, hát lúc đang làm việc hay lúc nghỉ ngơi giữa công việc, hò tiến lên địa vị hát đám, hát hội khi người ta hội họp nhau lại chia ra hai phe nam nữ và hát đối đáp, hát thi ăn giải...”[9]
Kết hợp các ý kiến này và ý kiến đã dẫn nói trên của PGS.TS. Tú Ngọc, nhạc sĩ Đào Việt Hưng, chúng ta có thể suy rộng ra rằng: các điệu ví xứ Nghệ nói chung đều được hình thành, tiếp biến từ các điệu hò cổ xưa.
Sự biến dạng của hát ví không chỉ thể hiện ở mặt âm điệu, mà cả trong cấu trúc lời ca. Khác với dân ca đồng bằng Bắc bộ hầu hết lời ca có cấu trúc của câu lục bát điển thể thì ở dân ca Hát ví Nghệ Tĩnh người ta gặp rất nhiều câu, bài là lục bát biến thể. Hoặc có bài mang dấu vết của thơ 4 chữ rồi sau đó là lục bát biến thể, song thất lục bát hoặc song thất lục bát biến thể. Ví dụ:
Vì ai mà ăn cơm cũng nghẹn,
Uống nước cũng nghẹn.
Nghe lời bạn hẹn ra đứng bờ sông,
Bãi thời thấy bãi, người không thấy người
Và đây là lời của người con gái đố người con trai:
Này anh ơi!
Chữ chi anh chôn dưới đất,
Chữ chi anh cất trên đầu,
Chữ chi anh mang không nổi,
Chữ chi gió thổi không bay.
Anh mà giải được, thiếp trao tay lạng vàng.
Phỏng theo cấu trúc lời ca của người con gái, người con trai đáp lại:
Chữ hoàng thiên anh chôn dưới đất,
Chữ phụ mẫu anh cất trên đầu,
Chữ đá vàng anh mang không nổi,
Chữ duyên tình gió thổi không bay.
Em trao chi cho anh thỏa dạ, chứ vàng bạc trao tay anh nỏ đành.
Sự biến đổi về giai điệu và lời ca cho thấy giữa các làn điệu dân ca xứ Nghệ có cùng một gốc và giữa các làn điệu dù có được biến dạng, phái sinh đến đâu cũng vẫn có quan hệ chặt chẽ với nhau, ảnh hưởng qua lại với nhau.
III. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
2.1. Hát ví sông La qua các thời kỳ. Có thể phác họa quá trình phát triển của hát ví sông La qua các thời kỳ như sau:
2.1.1. Thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc:
Có thể nói, ngày xưa, hoạt động hát ví sông La phổ biến trong mọi nghề, mọi cộng đồng quần cư. Cũng như bất cứ một nhu cầu tinh thần nào khác, đây là thời kỳ phát triển phồn thịnh nhất của các làn điệu dân ca xứ Nghệ nói chung và hát ví sông La nói riêng. Trong thời bình, nhu cầu hát ví chỉ xuất hiện khi người ta cần giải trí trong quá trình lao động mệt nhọc hoặc bộc lộ tâm trạng, tình cảm khi nghỉ ngơi. Khi Tổ quốc lâm nguy, cuộc sống của từng gia đình, cá nhân bị đe dọa, bị chà đạp thì hát ví không còn là một công cụ giải trí bình thường, không còn là một món ăn tinh thần bình thường nữa mà đã trở thành điệu kèn xung trận, trở thành vũ khí có sức mạnh vô cùng to lớn. Để thực hiện chức năng cao cả đó, để đáp ứng những đòi hỏi lớn lao đó của xã hội, các làn điệu hát ví sông La ngày càng phát triển về làn điệu và ca từ. Xét về làn điệu, các làn điệu có sự biến đổi theo chiều hướng luyến láy nhiều hơn về âm điệu. Theo nhạc sĩ Phạm Duy, làn điệu thì vẫn là hệ ngũ cung khuyết, được phát triển về tầm âm và tổ chức lại với mô hình khúc thức mới. Đặc biệt lời ca được cải biên, sáng tác theo các nội dung, chủ đề phục vụ cho việc tuyên truyền đường lối cứu nước và cổ động ý chí đấu tranh.
Sau năm 1945, dưới ánh sáng đường lối văn nghệ của Đảng, quan điểm tiếp thu và phát triển vốn văn nghệ truyền thống được quán triệt và phát huy theo tinh thần dân tộc - khoa học - đại chúng, giới văn nghệ chuyên nghiệp cũng như các phong trào văn nghệ quần chúng đã khai thác và phát triển các làn điệu hát ví nói chung và hát ví sông La nói riêng để sáng tác các vở ca kịch, các ca khúc mới phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH. Trong quá trình cải biên, phát triển đó, một số làn điệu mới được ra đời trên cơ sở cải biên các làn điệu cũ. Trong số các làn điệu mới đó, có thể kể các làn điệu bài bản như sau:
1. Giận mà thương: Theo nhạc sĩ Vi Phong trong sách "Dân ca Nghệ Tĩnh" thì đây là một làn điệu do cố tác giả Nguyễn Trung Phong cải biên từ một câu ví sông La, sau đó chuyển sang ví phường vải.
2. Hát khuyên: do nhạc sĩ Thanh Lưu sáng tác, đủ cả năm âm Do-Re-Mi-Sol-La, tư chất giai điệu tha thiết, cải biên trên cơ sở chất liệu hát ví lồng ghép với tiết tấu của hát giặm, lại tạo ra nhiều đảo phách. Điệu hát này được sử dụng ở nhiều vở ca kịch địa phương và đã gần như trở thành điệu gốc, phổ biến trên Đài tiếng nói Việt Nam;
3. Chí vững gan bền: là lời hát của nhân vật Châu trong vở ca kịch "Hoa đất" của các tác giả Thanh Hương - Xuân Bình. Điệu hát mở đầu bằng một câu ví đò đưa sông La:
Em chưa chí vững gan bền,
Ngổn ngang trăm mối để phiền cho anh.
Sau đó đổ về một điệu giặm nhưng tiết tấu được chuyển thành nhịp 3/4. Thủ pháp phát triển của các tác giả khá quen thuộc khiến người nghe có cảm nhận như đang nghe hát ví và hát giặm;
4. Ai có thương ai: là điệu hát trong vở "Ông vua hóa hổ" của Lưu Quang Vũ được Vi Phong chuyển thể. Điệu hát này được sáng tạo trên cơ sở chất liệu của điệu ví đò đưa sông La được nâng cao để tạo nên cung bậc tình cảm mới của nhân vật.
Ngoài ra, còn hàng chục làn điệu khác được cải biên, phát triển từ hát ví sông La như: Chớp bể mưa nguồn (sáng tác của Vi Phong, trong vở "Tiếng hát người áo rách), Giữ lời nguyền (sáng tác của Văn Thế trong vở "Cô gái sông La"), Bài ca gọi gió (sáng tác của Vi Phong trong vở "Linh hồn của đá), Lòng vả lòng sung (sáng tác của Vi Phong trong vở "Hoa đất"),... được diễn thành công trong các vở kịch dân ca địa phương và trở thành những làn điệu quen thuộc.
Bên cạnh các làn điệu dân ca cải biên, các nhạc sĩ đã dựa trên chất liệu âm nhạc của hát ví sông La, khai thác, phát triển để sáng tác hàng chục ca khúc nổi tiếng. Trong đó, các ca khúc như: Đào công sự của Nguyễn Đức Toàn, Bên cầu phao của Trọng Bằng, Tiến lên chiến sĩ đồng bào của Huy Thục, Người con gái sông La của Doãn Nho, Gái sông La của Lê Hàm, Gửi sông La, Chiếc nón bài thơ của Lê Việt Hào, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ của Nguyễn Văn Tý, Ca dao em và tôi, Hà Tĩnh mình thương của An Thuyên, Hương cau vườn Bác, Về Phố Châu của Vi Phong,... đã trở thành những bài hát đi cùng năm tháng.
Hiện tại, các làn điệu hát ví sông La vẫn đang tiếp tục được các nhạc sĩ nghiên cứu khai thác để sáng tạo nên các nhạc phẩm, các tiết mục văn nghệ có sự kết hợp hài hòa giữa dân gian và hiện đại phục vụ cho sự nghiệp xây dựng nếp sống văn hóa mới, giữ gìn và phát huy bản sắc địa phương - dân tộc, phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước.
P.Q.A.
[1]PGS.TS Tú Ngọc, Dân ca Người Việt, NXB Âm nhạc, Hà Nội, 1994, tr.24),
[2] C.Mác và F.Anghen, Bàn về văn học và nghệ thuật, NXB sự thật, Hà Nội, tr.81
[3] M.O.Cosven, Sơ yếu lịch sử văn hóa nguyên thủy, NXB Văn Sử Địa, Hà Nội, 1958, tr. 258
[4] R.I.Grube, Lịch sử âm nhạc tổng quát, NXB Âm nhạc quốc gia, Mascova, 1960, quyển 1 (Bản dịch lưu hành nội bộ của Nhạc viện Hà Nội)
[5]Guxep,Mỹ học folklore, Bản dịch tiếng Việt của Hội Văn nghệ dân gian
[6] Đào Việt Hưng, Hát ví Nghệ Tĩnh, Tạp chí Văn hóa số 16, 4-1972
[7]PGS.TS Tú Ngọc, Dân ca Người Việt, NXB Âm nhạc, Hà Nội, 1994, tr.137
[8]Thái Kim Đỉnh (chủ biên), Địa chí huyện Đức Thọ, NXB Lao động, Hà Nội 2004, tr.249-250
[9] Phạm Duy, Đặc khảo về dân nhạc ở Việt nam, NXB Hiện đại, Sài Gòn, 1972, tr.94 (sách điện tử PRC)