Nhìn ra thế giới

Văn học Trung Quốc không có địa vị gì tại nước Đức

Mùa hè năm 2007, Trung Quốc tổ chức một hoạt động văn hóa quy mô lớn có tên « Nước Đức ở Trung Quốc”. Trước đó ít lâu, Trung Quốc trở thành quốc gia-khách mời chính của Hội chợ Sách Frankfurt 2009.

Rõ ràng các hoạt động này sẽ đẩy mạnh sự giao lưu văn hoá giữa hai nước Trung Quốc và Đức. Trong bối cảnh đó phóng viên Đài Tiếng nói nước Đức đã phỏng vấn nhà hoạt động giao lưu văn hoá Đức-Trung Quốc nổi tiếng, giáo sư Vongang Kubin, Chủ nhiệm Khoa Hán học trường Đại học Bonn, người chủ biên bộ Lịch sử Văn học Trung Quốc 10 tập.

Hỏi :   Bộ Lịch sử Văn học Trung Quốc 10 tập do ông chủ biên có thể được gọi là bộ lịch sử văn học Trung Quốc có ý nghĩa thông sử duy nhất trên thế giới. Xin hỏi, « có ý nghĩa thông sử » là thế nào ? Bộ sách ấy có gì khác với lịch sử văn học do người Trung Quốc xuất bản ?          
Đáp : Bộ Lịch sử Văn học Trung Quốc do tôi biên soạn có phải là bộ sử văn học quy mô lớn trên thế giới hay không, điều đó tôi không rõ ; cá nhân tôi phỏng đoán là như thế. Chúng tôi đã biên soạn 10 tập. Bộ sử văn học của chúng tôi khác với các bộ sử văn học Trung Quốc khác ở chỗ chúng tôi phân chia rất rạch ròi thi ca, tản văn, hí kịch, tiểu thuyết của Trung Quốc. Chúng tôi không căn cứ vào triều đại để biên soạn lịch sử văn học Trung Quốc mà căn cứ vào thể loại.
Hỏi : Cũng tức là nói, xét về góc độ phân chia thể loại, bộ Lịch sử Văn học Trung Quốc do ông phụ trách biên soạn là độc nhất vô nhị trên thế giới ?
Đáp : Chỉ có chúng tôi biên soạn Lịch sử Văn học Trung Quốc theo phương pháp dựa vào thể loại tác phẩm.
 Hỏi : Ông không đánh giá cao văn học Trung Quốc đương đại, cái gọi là « Sự kiện Kubin » [1]từng gây ra phản ứng không nhỏ trong giới văn học và truyền thông Trung Quốc. Ông cho rằng văn đàn Trung Quốc nên làm thế nào mới thoát ra khỏi tình cảnh khó khăn này ?
Đáp : Trung Quốc cần có những người dám nói. Nếu các nhà văn Đức cho rằng nước Đức tồn tại các vấn đề về xã hội, chính trị và văn hoá thì họ dám phát biểu quan điểm của mình. Tại Trung Quốc từ thời xưa cho tới giữa thế kỷ XX đều có không ít những người như vậy, nhưng hiện nay thì không có. Điều này có quan hệ khăng khít với sự phát triển xã hội Trung Quốc từ sau thời kỳ giữa thế kỷ XX. Bởi vì từ sau đó tinh thần dũng cảm của giới trí thức Trung Quốc bị sa sút nghiêm trọng.
Hỏi : Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia-khách mời chính của Hội chợ Sách Frankfurt 2009. Ông cho rằng Trung Quốc nên giới thiệu những sách như thế nào cho bạn đọc trên thế giới ?
Đáp : Văn học Trung Quốc không có địa vị gì tại nước Đức, điều đó có quan hệ mật thiết với xã hội Trung Quốc từ sau năm 1992. Bởi lẽ từ sau năm 1992 ngày càng có nhiều người Trung Quốc say mê lo kiếm tiền. Họ cảm thấy tiền quan trọng hơn tư tưởng, hơn linh hồn. Cho nên có thể nói trước năm 1992 không ít người Trung Quốc thích suy nghĩ, nhưng từ năm 1993 trở đi rất ít người còn suy nghĩ về xã hội, về quốc gia nữa. Mục đích sống của đa số người là kiếm nhiều tiền, bớt suy nghĩ.
Hỏi : Ông nhìn nhận thế nào về mấy hiện tượng mới nổi lên gần đây như « Cơn sốt Vu Đan » [2]và « Nói vui» về các tác phẩm kinh điển như Hồng Lâu Mộng [3] ? Ông có cho rằng cách làm như thế sẽ được người Đức chấp nhận không ?
Đáp : Có lẽ nước Đức chẳng có loại người như Vu Đan, cũng không có hiện tượng “Nói vui” tác phẩm kinh điển. Không được biến văn học thành thứ giải trí. Tác phẩm văn học không nhất thiết đem lại niềm vui cho người đọc. Nhà văn nên tĩnh lặng. Nếu nhà văn không thể chịu nổi sự tĩnh lặng thì chưa chắc người ấy có được bầu không khí chân chính (để sáng tác). Nhà văn cũng có thể chịu được sự tĩnh lặng. Nhưng sau thập niên 1990 thì rất ít gặp những tình hình như thế. Thí dụ năm 2000 tôi giảng dạy ở Thượng Hải thấy tất cả các bạn tôi ở đây đều bận với việc kiếm tiền. Khi lên lớp, tôi thấy không ít học sinh ngủ gật, vì ban đêm họ bận kiếm tiền.
Hỏi : Ông nhiều lần nhấn mạnh nếu lấy tiêu chuẩn thế giới để đánh giá tác phẩm văn học Trung Quốc thì ông cảm thấy rất không vừa lòng. Vậy cái tiêu chuẩn thế giới mà ông nói rốt cuộc là tiêu chuẩn thế nào ?
Đáp : Không ít nhà văn Trung Quốc là nhà văn không chuyên (nghiệp dư), họ không coi viết văn là một công việc hoặc một chuyên nghiệp. Họ viết một cách tùy tiện. Không ít nhà văn Trung Quốc trong vòng 3 tháng có thể hoàn thành một cuốn tiểu thuyết. Ông có thể hỏi một nhà văn hạng trung bình ở Đức cần bao lâu mới sáng tác được một cuốn tiểu thuyết. Cho dù nhà văn ấy viết suốt từ sáng đến tối thì trong một năm cũng chỉ viết được chừng 100 trang mà thôi, bởi lẽ người ấy cần liên tục sửa chữa. Điều đó cho thấy nhà văn Đức dù là nhà văn nổi tiếng hay nhà văn hạng trung bình, họ đều đặt ra một yêu cầu nhất định đối với trình độ ngôn ngữ. Nhưng tại Trung Quốc, trừ một ít nhà thơ ra, phần lớn các tác gia đều cảm thấy ngôn ngữ chỉ là công cụ mà thôi.
Nguyễn Hải Hoành lược dịch
Nguồn :             china.com 2007-07-11
Ghi chú của người dịch :
1. Sự kiện Kubin : Cuối năm 2006, nhà Hán học nổi tiếng người Đức Wolfgang Kubin khi trả lời phỏng vấn của đài Tiếng nói nước Đức đã phê phán văn học đương đại TQ. Sau đó 1 tờ báo TQ đưa lại tin này dưới tựa đề « Kubin nói văn học TQ đương đại là rác rưởi », gây ra cuộc tranh cãi om xòm (kéo dài 2 năm) trong giới nhà văn và dư luận TQ. Có phản đối, có tán thành.
2. Cơn sốt Vu Đan : Năm 2007 nữ giáo sư-người đẹp, tiến sĩ ngành truyền thông điện ảnh-truyền hình Vu Đan ở ĐH Sư phạm Bắc Kinh lên đài Truyền hình trung ương TQ thuyết trình « Thu hoạch sau khi đọc sách Luận Ngữ », được hàng chục triệu người xem tán thưởng. Sau đó sách « Thu hoạch đọc Luận Ngữ của Vu Đan » bán được hàng triệu bản. Cơn sốt nghiên cứu Quốc học được tăng nhiệt. Một số học giả cho rằng đây là trò đánh bóng tên tuổi Vu Đan.
3. Nói vui về các tác phẩm văn học kinh điển : Một trào lưu bình phẩm văn học rộ lên ở TQ từ sau thập niên 90, đem các tác phẩm văn học kinh điển hoặc nhân vật lịch sử ra bàn vui trên truyền hình. Một số học giả cho rằng cách bình phẩm mua vui này có thể làm người nghe hiểu sai về tác phẩm hoặc nhân vật.
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114571225

Hôm nay

271

Hôm qua

2308

Tuần này

2974

Tháng này

229749

Tháng qua

129483

Tất cả

114571225