Khách mời văn hóa

Nhạc sĩ phải tự mình tìm kiếm cảm hứng sáng tạo để có những tác phẩm hay

LTS: Âm nhạc không thể thiếu đối với bất cứ cộng đồng nào. Âm nhạc là một biểu hiện phong phú và sâu sắc nhất bản sắc và tầm vóc văn hoá của mỗi cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Các nhạc sỹ là những đại biểu hàng đầu của các nền âm nhạc. Một nền âm nhạc phát triển phải có các nhạc sỹ tài năng và tâm huyết.

Từ cái nôi dân ca Nghệ Tĩnh, đời sống âm nhạc ở Nghệ An đã ngày càng phong phú và sôi động trong nhiều thập kỷ qua nhất là thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Một đội ngũ các nhạc sỹ, ca sỹ tài năng của đất này đã hình thành và có nhiều đóng góp đối với đời sống của tỉnh nhà và của cả nước.

Để có một cái nhìn gần về đời sống âm nhạc của tỉnh nhà hiện nay nói chung và hoạt động sáng tạo của các nhạc sĩ nói riêng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhạc sỹ Lê Hàm - nguyên Chi hội trưởng chi hội Nhạc sỹ Việt Nam các tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Phóng Viên (P.V): Thưa nhạc sĩ Lê Hàm, Ông có nhận xét gì về đời sống âm nhạc của tỉnh ta hiện nay?Nếu làm một phép so sánh nho nhỏ, đời sống âm nhạc của Vinh và Huế, cùng là thành phố loại I trực thuộc tỉnh chẳng hạn?

Nhạc sĩ (Nhs.) Lê Hàm: Có thể thấy, đời sống âm nhạc Việt Nam đã phong phú hơn rất nhiều so với trước đây, khi chưa Đổi mới, mở cửa; đã có sự xuất hiện của nhiều luồng âm nhạc khác nhau, trong nước có, ngoài nước du nhập vào, tràn vào cũng có. Thậm chí có lúc, có nơi, có thể nói là xô bồ, hỗn tạp vì thiếu chọn lọc... Không khí này không chỉ có ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh mà còn từng bước đã chảy về các miền, các tỉnh.

Trở lại câu hỏi của chị đặt ra, tôi thấy về âm nhạc cũng vậy thôi mỗi vùng miền có một đặc trưng, một thế mạnh riêng của mình. So sánh là khập khiểng, biết là vậy, nhưng nếu so với Huế thì đời sống âm nhạc của họ phong phú, phát triển hơn ta rất nhiều. Cuộc sống tuy êm đềm nhưng các sinh hoạt âm nhạc của họ rất sôi động. Huế có ca nhạc cung đình đang được phát huy rất tốt, ca Huế trên sông Hương trở thành một “đặc sản” tinh thần mà mỗi khi tới Huế ai cũng muốn thưởng thức; Huế có trường Đại học nghệ thuật Huế, trong đó có các khoa về âm nhạc; đội ngũ ca sỹ, nhạc sỹ chuyên nghiệp đông; nhạc sỹ kì cựu cũng nhiều. ở Vinh chúng ta, lực lượng hoạt động về âm nhạc chuyên nghiệp và kể cả nghiệp dư nữa cũng không đông đảo như họ. Chi hội Nhạc sỹ Việt Nam tại Nghệ An, Ban âm nhạc của Hội VHNT Nghệ An, và ở các địa phương, các ngành đều có hoạt động, song không sôi động. Chúng ta mới chỉ có trường Cao đẳng VHNT, trong đó có một khoa về âm nhạc nhưng quy mô còn rất nhỏ, chất lượng đào tạo chưa cao. Có 3 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp: Quân khu IV, Đoàn Ca múa kịch Nghệ An và Trung tâm Bảo tồn và phát triển di sản dân ca Nghệ An nhưng hình như cơ chế bao cấp vẫn níu kéo họ trong hoạt động. Thế hệ các nhạc sỹ trưởng thành từ thời chống Pháp, chống Mỹ ở ta dường như đã muốn dừng bút, còn lớp trẻ cũng khát khao sáng tác nhưng chưa được đào tạo nhiều, bài bản, kỹ thuật còn non và chưa đầy đặn vốn sống. Hơn nữa có thể nói là chúng ta chưa có thị trường âm nhạc. Nhiều lắm chúng ta cũng chỉ mới có những cửa hàng kinh doanh băng đĩa. Đó chỉ mới là hàng hóa đơn thuần, chưa đủ điều kiện, đủ sức để tạo nên một thị trường âm nhạc. Còn thiếu quá nhiều thứ để hình thành nên thị trường âm nhạc. Ai cung? Ai cầu? Đó là những câu hỏi còn bỏ ngỏ khi bàn về đời sống âm nhạc của Nghệ An hôm nay. Ta chưa có những hãng thu băng lớn như Huế, Sài Gòn. Chính sách với ca sĩ của mình cũng lạ lắm. Ca sĩ nhà được bồi dưỡng một vài trăm ngàn, trong khi trả cho ca sĩ nơi khác về vài ba hay mươi lăm triệu bạc, chất lượng cũng chưa hẳn đã vượt trội. Hoạt động âm nhạc của ta thường cứ ào ào, sôi động lên một ít mỗi khi có hoạt động gì đó rồi lại lặng. Tóm tại đời sống âm nhạc của ta còn trầm lắng, không sôi động, phong phú bằng nhiều nơi khác.

PV: Huế có ca Huế mà như ông nói đã trở thành đặc sản tinh thần. Nghệ An có dân ca Nghệ Tĩnh cũng đặc sắc đấy chứ, sao chưa trở thành một “đặc sản”?

Nhs. Lê Hàm: Bản thân dân ca Nghệ Tĩnh, nói gì thì nói cũng đang nghèo. Ta đã ghi âm được hàng trăm làn điệu, nhưng đọng lại cũng chỉ mấy làn điệu như hò, ví, giặm, sắc bùa, ru con... Tuy nhiên dân ca Nghệ Tĩnh có cái đặc sắc riêng của nó và nếu đầu tư chúng ta vẫn phát huy tốt. Ca Huế trên sông Hương ở Huế là cả nhà nước và cả người dân tự tổ chức. Còn ta, ai làm? Có lần, lâu rồi, tôi cũng đã đặt vấn đề xây dựng loại hình hát dân ca trên sông Lam. Nhưng chẳng ai mặn mòi. Mới đây có một vài chuyến “thuyền dân ca” được tổ chức ở Nam Đàn rồi cũng rơi vào im lặng. Lâu lâu khách muốn nghe dân ca Nghệ Tĩnh thì gọi vài ca sĩ của các đoàn tới hát thế là xong. Bên cạnh đó, thông tin về âm nhạc của chúng ta còn hạn chế đối với cả nhạc sĩ và cả người dân. Các nhạc sĩ hầu như dẫm chân tại chỗ về kiến thức âm nhạc vì họ thiếu thông tin không được cập nhật thông tin về âm nhạc trong nước chứ chưa nói là của thế giới. Hình như thông tin âm nhạc trong các nhà trường đào tạo về âm nhạc cũng thiếu chứ chưa nói ở ngoài. Học sinh tốt nghiệp nhưng thực hành chưa được.

PV. Ông có nhận xét gì về thị hiếu âm nhạc của cộng đồng, nhất là của giới trẻ hiện nay?

Nhs. Lê Hàm: Thị hiếu âm nhạc ở ta hiện nay, cũng như ở các nơi khác, nhìn chung là đa dạng. Lớp già thích dân ca, hát chậm, rõ lời. Còn lớp trẻ thì thích nhạc nhẹ, nhạc Rock: sôi động, vừa hát vừa vỗ tay. Tôi thấy họ hát mà như tập thể dục. Chúng ta biết rằng, không thể bắt buộc lớp già nghe nhạc Rock, lớp trẻ say nhạc dân ca, thị hiếu phải hài hòa. Tuy nhiên, âm nhạc cũng như con diều. Con diều là thị hiếu chẳng hạn, nếu muốn bay cao thì phải bám được vào cái gì đó? Đó là âm nhạc dân gian. Có nghĩa là một bộ phận lớn công chúng đang không định hướng được thị hiếu âm nhạc của mình. Thị hiếu của họ không được hình thành trên một nền tảng kiến thức, sự hiểu biết cần thiết về âm nhạc nên họ thường a dua, thụ hưởng âm nhạc thiếu lý trí.

Chúng ta cũng phải đặt câu hỏi, vì sao bây giờ nhiều người thích nghe nhạc tiền chiến? Điều đó buộc ta phải nhìn lại vấn đề tác phẩm. Một phần do nhạc sĩ ta bây giờ học theo Tây nhiều quá nên không hướng dẫn được thị hiếu của công chúng.

PV: Có ít nhất 3 đối tượng tạo nên đời sống âm nhạc, đó là các nhạc sĩ, các nghệ sĩ biểu diễn và công chúng. Chúng ta vừa nói đến công chúng, vậy đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn của ta như thế nào? Tài năng, niềm đam mê và cống hiến?

Nhs. Lê Hàm: Đội ngũ ca sĩ của chúng ta hiện nay còn lại rất ít, mặc dù Nghệ An có nhiều người có năng khiếu, thậm chí có tài về âm nhạc chứ. Chúng ta có thể nhìn thấy qua giải Sao Mai và các cuộc thi. Họ cũng mong muốn được cống hiến và thể hiện mình ngay trên chính quê hương chứ.

PV: Vậy tại sao họ không ở lại?

Nhs. Lê Hàm: Chị thấy đấy, môi trường nào để họ phát triển tài năng, để “bay cao”? Mỗi lần biểu diễn được thù lao một vài trăm bạc. Trong khi thù lao cho ca sĩ nơi khác về dù là hát nhép cũng đã tiền triệu. Một tác phẩm thành công, một nửa là của nhạc sĩ, phần nữa là nhờ các yếu tố khác: Ca sĩ, phối khí, nhạc công, phòng thu... cả tỉnh bây giờ cũng chưa có lấy được một phòng thu cho tử tế. Những cái này ở ta còn bất cập, bèo bọt và bấp bênh lắm.

PV: Thưa ông, hình như đã lâu chúng ta chưa có tác phẩm âm nhạc nào thật xuất sắc của các nhạc sĩ Nghệ An viết về đất và người Nghệ An, cho người Nghệ An gắn bó thân thiết với đời sống tinh thần của người Nghệ An. Điều đó có đúng không? Nếu đúng thì theo ông là tại sao? Tài năng chưa đến hay cảm xúc vơi cạn?

Nhs. Lê Hàm: Đúng là có như vậy. Một phần do tài năng, một phần do các nhạc sĩ ta vơi cạn cảm xúc.

PV: Không gian sáng tạo của người nghệ sĩ đã rộng rãi hơn, cởi mở hơn rất nhiều so với trước đây. Thế nhưng, so với hồi trước lại có ít tác phẩm gắn bó lâu dài với công chúng hơn. Điều đó thật không? Và tại sao, thưa ông?

Nhs. Lê Hàm: Điều đó là có thật. ở đây có nhiều vấn đề đặt ra. Trước đây “ra ngõ gặp anh hùng”; đi đâu cũng ca hát “tiếng hát át tiếng bom”. Cả nước hào hùng và rạo rực một tình cảm yêu nước. Còn bây giờ? Lặng lẽ quá... Người ta lo vào chuyện làm ăn. Cảm xúc lợi nhuận bao phủ lên tư duy sáng tạo của không ít người. Mà cũng đúng thôi. “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Nhưng chỉ nghĩ đến, chỉ vì cơm áo thôi thì sẽ không còn âm nhạc. Âm nhạc là tiếng nói của trái tim chứ không phải là hiện hình của cơm áo.

Tôi thấy âm nhạc của chúng ta hiện nay cũng đang còn tình trạng của minh họa và là sản phẩm làm theo đơn đặt hàng. Đây cũng là yếu tố làm cho tác phẩm khó “vượt biên”. Nguyễn Trọng Tạo viết về con sông Bùng thôi, nhưng hát lên ai cũng hiểu là ông đang viết về đất và người Diễn Châu. Làm được điều đó thật khó nên nó đòi hỏi người nhạc sĩ phải có cảm xúc, phải nỗ lực sáng tạo, phải có tài năng.

Mặt khác, tôi thấy ở đâu đó, hình như đang có những “ốc đảo âm nhạc”, là không gian riêng của một vài nhạc sĩ nào đó, các tác phẩm của các nhạc sĩ khác khó mà vào được. Điều đó tưởng chừng là đơn giản, đơn thuần là chuyện lợi ích cục bộ của một vài người, nhưng nó đã bế quan tỏa cảng, phong bế việc phổ biến các tác phẩm, các giá trị văn hóa đến với công chúng.

Những năm gần đây chúng ta cũng đã có những chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho nhạc sĩ sáng tạo như mở các trại sáng tác, đi thực tế, giải thưởng... nhưng đếm lại cũng chưa được là bao. Còn giải thưởng, quả là không đủ tiền thu bài. Tôi nhớ đã có một vị lãnh đạo đã nói rằng “nghề này, nghiệp này không thể tính theo tiền”. Tôi mong ai cũng hiểu được điều này.

PV: Ông có nhận xét gì về đội ngũ nhạc sĩ Nghệ An hiện nay?

Nhs. Lê Hàm:Đa phần đội ngũ nhạc sĩ của ta hiền lành, vô tư và lạc quan. Cũng có người có phần sớm thỏa mãn, và tôi có cảm giác anh em còn thiếu hiểu nhau. Cũng có một số trường hợp học hành ít nhưng lại ngộ nhận, cứ tưởng mình là thiên tài; Có người không học một nốt nhạc nhưng vẫn làm cả đĩa nhạc?! Chúng ta còn thiếu sự tôn vinh, động viên lẫn nhau. Nhạc sĩ của chúng ta chủ yếu viết ca khúc, chỉ dăm ba người được đào tạo bài bản và có thể viết được nhạc không lời. Chúng ta chưa đào sâu suy nghĩ về tác phẩm, chưa chịu khó trau dồi tác phẩm, chưa có ý thức trách nhiệm cao với tác phẩm của mình. Tôi thấy bây giờ ít ai chịu khó, cẩn thận với từng ca từ, từng nốt nhạc. Ngày xưa, Trịnh Công Sơn viết lời mà như làm thơ. Bởi vậy ca khúc của ông luôn được người đời nhớ đến. Nhạc sĩ phải đọc, phải học, phải đi thực tế nhiều để tự bồi dưỡng vốn kiến thức âm nhạc, vốn văn chương cho sáng tạo.

Tôi nghĩ, có lẽ các nhạc sĩ chúng ta nên tự tìm kiếm cho mình cảm hứng sáng tạo từ chính tình cảm của mình, từ sự thăng hoa cảm xúc chân thành của mình mà không phải vay mượn hoặc sao chép của những người đặt.

PV: Hiện ở ta có hai tổ chức của nhạc sĩ, đó là Ban nhạc thuộc Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Nghệ An và chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Nghệ An. Các tổ chức này đã làm gì cho các nhạc sĩ sáng tạo?

Nh.s Lê Hàm: Đúng là có hai tổ chức này, và hội viên, nhất là tiểu ban âm nhạc Nghệ An, rất đông, nhưng xuân thu nhị kì mới có đợt sinh hoạt. Chi hội nhạc sĩ Việt Nam ở tỉnh ta cũng có tới 20 người, nhưng gần như không hoạt động. Đành rằng sáng tác là công chuyện riêng của mỗi nhạc sĩ nhưng vai trò của các tổ chức là rất lớn. Tôi nghĩ là chúng ta cần củng cố và phát huy vai trò của các tổ chức này.

PV: Để nhạc sĩ chúng ta có tác phẩm tốt, theo ông cần có những điều kiện gì?

Nh.s Lê Hàm:Trước hết nhạc sĩ phải tự giải quyết tác phẩm của mình. Ngoài ra cần có một môi trường thực sự cởi mở, dân chủ; có những sinh hoạt âm nhạc phong phú; và có những chính sách phù hợp cho nhạc sĩ, cho âm nhạc.

PV: Cảm ơn ông về cuộc chuyện trò hôm nay. Nhân dịp năm mới chúc ông tiếp tục sáng tạo những ca khúc hay và mong cho âm nhạc tỉnh nhà ngày một phát triển!

                                         Thuý Hoa(Thực hiện)

                                                                                          
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511035

Hôm nay

234

Hôm qua

2359

Tuần này

21409

Tháng này

217908

Tháng qua

121356

Tất cả

114511035