Nhìn ra thế giới

Khủng hoảng kinh tế và nền an ninh châu Âu

Người Việt thường nói đến quyền lợi chiến lược của Mỹ riêng ở vùng Đông Nam Á. Người viết xin được đóng góp một cái nhìn toàn bộ hơn vì Mỹ là một siêu cường hiện diện toàn cầu nên chính sách ngoại giao là sự chọn lựa đổi chác giữa nhiều khu vực bao gồm Âu Châu, Bắc Á, Trung Đông, Nam Á, Úc, Trung và Nam Mỹ rồi mới tới vùng Đông Nam Á – nơi nào Hoa Kỳ cũng có mối lợi thiết yếu nhưng vì khả năng quốc phòng và tài chánh có giới hạn nên không thể trang trải đồng đều khắp chốn.

Bài viết này xin bàn đến cuộc khủng hoảng kinh tế tại Âu Châu có thể làm thay đổi mối quan tâm chiến lược của Mỹ, tức là có ảnh hưởng gián tiếp đến sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á.
 
Fareed Zakaria là một trong những nhà bình luận chính trị sắc bén nhất tại Mỹ. Tuần nay ông đăng trên CNN một bài viết với tựa đề “Liệu nước Đức có bỏ rơi Âu Châu?”[i] với nhận xét chỉ có quốc gia này mới đủ khả năng tài chánh cứu giúp tình trạng nợ nần của Nam Âu. Tuy nhiên, dân Đức đang tỏ vẻ quyết định giờ này đất nước họ đã lớn mạnh và không còn bị đe doạ về an ninh; họ không còn cần cánh dù che chở của khối Âu Châu như trong suốt 60 năm đã qua; họ có thể chọn lựa bảo vệ quyền lợi của nước Đức trước thay vì ghồng ghánh và có thể bị kéo ngã theo bởi cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và nay lan dần đến Ý, Pháp. Một quyết định như vậy chắc hẳn sẽ làm tan rã khối Euro.
 
Cho dù lời tiên liệu này có đúng hay không nhưng vẫn cho thấy giới nghiên cứu hàng đầu, các nhà hoạch định chính sách và những tập đoàn đầu tư đã quan tâm chuẩn bị cho trường hợp vô cùng tệ hại này.
 
Ảnh hưởng của đồng Euro sẽ không chỉ giới hạn nơi khủng hoảng kinh tế mà còn lan rộng đến chính trị và an ninh khu vực. Nhược điểm của liên minh quân sự tại Âu Châu đã lộ rỏ khi can thiệp vào Lybie, vì chỉ mới sau hai ba tuần không kích mà NATO gần hết bom! Trong tình hình thắt lưng buộc bụng không nước nào có khả năng tăng chi phí quốc phòng. Thêm vào đó là tâm lý đố kỵ trách móc giữa các nước về thiện chí hợp tác trải qua kinh nghiệm đồng Euro thì nguy cơ NATO chỉ còn là một vỏ trống rất có thể xảy ra.
 
Các nước Đông và Nam Âu - nhất là Ba Lan - sẽ vô cùng lo ngại về sự lớn mạnh của Đức và tình trạng thiếu đoàn kết của khối Âu Châu. Ba Lan sợ sẽ bị bán đứng như đã từng bị Hitler và Stalin thoả thuận chia cắt trong Thế Chiến Thứ Hai, lần này vì Đức cần khí đốt và những quyền lợi kinh tế từ Nga. Họ sẽ yêu cầu Hoa Kỳ đóng quân và đặt dàn phi đạn chống hoả tiển như một lời bảo đảm bảo vệ an ninh. Nga sẽ phản ứng mãnh liệt vì cảm thấy khu vực truyền thống của họ bị xâm lấn. Mạc Tư Khoa có thể trả đũa đe doạ các nước Ukraine, Georgia, hay ngay cả can thiệp vào khu vực Liên Bang Nam Tư cũ mà Nga đã cay cú để mất ảnh hưởng vào thập niên 90 khi Liên Bang Xô Viết bị sụp đổ. Mục tiêu không ngoài làm chia rẽ NATO và khẳng định Nga - Đức vẫn là hai cường quốc số một của Âu Châu.
 
Nguyên nhân căn bản là từ sau Thế Chiến Thứ Hai mỗi lần bị khủng hoảng kinh tế, chính trị và an ninh thì Âu Châu được Hoa Kỳ cứu vớt. Nay Mỹ đang suy thoái mà không có một tụ điểm lãnh đạo và đoàn kết nào thay thế trong khu vực.
 
Sau Chiến Tranh Lạnh Hoa Kỳ không còn phải chi trả cho tình hình an ninh của Âu Châu. Bài học chiến tranh Việt Nam cho thấy Mỹ có năng lực gánh ba đầu bên ngoài lục địa Mỹ Châu: Âu Châu, Bắc Ắ và Trung Đông. Nếu giảm tài trợ cho Âu Châu thì Mỹ sẽ có thể chi thêm vào Đông Á. Nhưng nay lại rơi vào thế bắt buộc phải cứu vớt đồng Euro – cho dù tình trạng chính Hoa Kỳ đang mang nợ nần ngập lụt – và làm nước đầu tàu cho sự đoàn kết của khu vực thì Mỹ không có chọn lựa nào khác – cho dù cái giá phải trả là giảm hiện diện ở Đông Nam Á hay nhiều khu vực khác!
 
Nhưng vấn đề ngày nay còn khó khăn hơn hồi Chiến Tranh Lạnh nhiều lần: ngay cả nếu Mỹ bỏ tiền ra thì Đức có còn chiụ nằm dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ nhất là khi nước này đã đánh mất nhiều uy tín và thế lực?  
 
Cuộc Đại Khủng Hoảng bắt đầu năm 1929 làm xáo trộn thế giới mãi đến sau năm 1945 mới tái lập trật tự. Lần này chúng ta cũng phải chờ thêm nhiều năm mới thấy hết các hậu quả về chính trị và an ninh. Việt Nam là một nước nhỏ, tầm ảnh hưởng lên quyết định của các cường quốc quá nhỏ, bởi vậy, nếu chính quyền và dân chúng nghi kỵ, không đoàn kết xây dựng nội lực thì không thể nào có hy vọng ngăn chặn tham vọng nước lớn!


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570879

Hôm nay

233

Hôm qua

2298

Tuần này

2628

Tháng này

229403

Tháng qua

129483

Tất cả

114570879