PGs, Ts NGUYỄN THỊ PHƯƠNG CHI (Phó TBT Tạp chí Lịch sử, Viện Sử học Việt Nam):
MÔN SỬ KHÔNG CÓ LỖI, LỖI LÀ Ở CƠ CHẾ
Điểm thi vào đại học môn sử quá thấp đã diễn ra mấy năm rồi. Song năm nay, kết quả còn tồi tệ hơn với trên 98% bài thi môn sử đạt dưới điểm trung bình và hàng ngàn bài đạt điểm không. Cũng như nhiều đồng nghiệp nghiên cứu lịch sử khác, tôi không khỏi thất vọng và rất lo ngại cho một nền sử học nước nhà trong tương lai. Tất nhiên, như chúng ta đã biết, có em thi điểm không sử thì vẫn có em đạt giải học sinh giỏi quốc gia về môn sử. Vẫn còn khá nhiều em thích học môn sử và thích nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Một bạn trẻ làm việc tại Ngân hàng Đông Á, nói chuyện lịch sử Việt Nam với tôi rất say sưa. Bạn ấy rất thuộc sử Việt. Một bạn nam vừa được tuyển dụng vào Viện Sử học đã nói với tôi rằng, “rất tự hào được làm việc ở đây”. Điều đó thật đáng quý trong tình hình hiện nay khi mà lương của các cán bộ làm sử nói riêng và khoa học xã hội nói chung là quá thấp. Tuy nhiên, chỉ cần vài năm nữa tôi không chắc còn được mấy em như vậy?
Tôi khẳng định môn Lịch sử không hề khô khan, không hề kém hấp dẫn. Tôi đã từng chứng kiến, các bạn sinh viên chỉ đợi đến tiết học của thầy A vì thầy giảng hay, sinh động, cung cấp nhiều kiến thức và quan trọng hơn là phương pháp truyền thụ kiến thức của người thầy. Tuy vậy, môn Lịch sử đang bị xem thường, bị coi là môn “phụ”. Nhưng theo tôi, môn sử không có lỗi. Lỗi là ở cơ chế. Nếu những người dạy sử, nghiên cứu lịch sử và học sử mà sống được bằng nghề của mình thì ai dại gì mà từ chối. Bây giờ, những ngành kinh tế là nguyện vọng, là mục tiêu phấn đấu của đa số bạn trẻ vì khi ra trường dễ xin việc làm và được trả lương cao. Vậy nên, các bạn ấy phải cố học để thi. Còn môn Lịch sử thì ngược lại, học xong xin việc đã khó, đồng lương lại không đủ nuôi thân.
Vấn đề quan trọng hơn nữa là chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” của nhà nước đối với những em sinh viên học sử sau khi ra trường. Bởi như hiện nay, học xong dù có xin được việc làm nhưng với mức lương khởi điểm chưa tới 2 triệu đồng/tháng thì sống sao nổi khi mà mọi chi phí cho sinh hoạt chỉ ở trong đồng lương đó. Vậy nên, nhà nước cần phải có chính sách ưu đãi đối với cán bộ làm KHXH nói chung, làm sử nói riêng. Nếu không, những người thi đại học môn sử càng ngày càng khan hiếm.
Lịch sử là nền tảng kiến thức. Bất cứ môn khoa học nào cũng cần đến lịch sử. Giống như xây nhà thì không thể không có móng. Lịch sử cũng vậy, là nền móng của các khoa học xã hội và nhân văn. Nền móng mà không vững thì “lâu đài” khoa học xã hội nhân văn sẽ không bền. Nếu cả xã hội đều xem thường môn Lịch sử sẽ không chỉ tạo ra những hẫng hụt trong kiến thức về lịch sử Việt Nam và thế giới, mà còn để lại những hệ lụy rất đáng lo ngại trong kế thừa các giá trị di sản lịch sử và văn hóa dân tộc, trong gìn giữ bản sắc dân tộc, trong định hướng phát triển nhân cách, bản lĩnh con người Việt Nam.
Tiến sỹ TRẦN VŨ TÀI - Phó Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Đại học Vinh:
CÁCH DẠY HỌC MÔN LỊCH SỬ HIỆN NAY QUÁ THIÊN VỀ “THUỘC” SỰ KIỆN MÀ CHƯA CHÚ Ý ĐÚNG MỨC ĐẾN “HIỂU” SỰ KIỆN
Điểm thi môn Lịch sử trong kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2011 là quá thấp, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, Trường ĐH Vinh cũng nằm trong tình trạng chung này. Lý giải cho thực trạng đáng báo động đó, chúng tôi cho rằng cần phải nhìn từ nhiều góc độ:
Về phía người học: Cơ hội tìm việc làm thuộc các ngành kinh tế - kỹ thuật cao hơn và thu nhập cũng cao hơn các ngành xã hội. Chính vì vậy, ngay ở trường phổ thông, học sinh thường định hướng học và thi khối A nhiều hơn so với thi khối C. Học sinh khá giỏi thi vào khối C là rất hiếm. Đó là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến điểm Sử thấp.
Về phía người dạy: Các thầy cô ở trường phổ thông ít có điều kiện để hoàn toàn tâm huyết với nghề. Có thể thấy môn Lịch sử ở trường phổ thông hiện nay bị xem như là môn “phụ”, người học không muốn học, khó đòi hỏi người dạy phải toàn tâm toàn ý với nghề.
Quá trình dạy - học: Cách dạy học môn Lịch sử hiện nay quá thiên về “thuộc” sự kiện mà chưa chú ý đúng mức đến “hiểu” sự kiện; thiên về việc học thuộc, nhớ lâu mà chưa chú ý đến việc phân tích, lý giải, so sánh, xâu chuỗi… các sự kiện lịch sử, chưa rèn luyện tư duy lôgic lịch sử cho các em. Phương pháp dạy học dù đã được đổi mới nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Môn Lịch sử vẫn chưa hấp dẫn đối với người học.
Chương trình sách giáo khoa: Dù đã được đổi mới, chỉnh lý, bổ sung nhưng chương trình sách giáo khoa vẫn còn nặng nề, chi tiết. Học sinh khó có điều kiện để nắm hết các sự kiện lịch sử được trình bày rất chi tiết trong sách giáo khoa.
Tâm lý xã hội: Sức ép từ cơ hội việc làm, thu nhập, cơ hội thăng tiến… như đã nêu trên nên phụ huynh thường hướng cho con em mình dự thi các ngành kinh tế - kỹ thuật. Trong gia đình và ngoài xã hội, môn Lịch sử thường bị coi nhẹ.
Để giải quyết thực trạng trên, chúng tôi cho rằng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, cần quan tâm các giải pháp sau:
Đối mới phương pháp dạy học: Người dạy cần rèn luyện cho học sinh tư duy lô gic lịch sử bằng việc chú trọng đánh giá sự kiện, không quá thiên về thuộc sự kiện. Đổi mới phương pháp dạy học, vận dụng các phương tiện dạy học hiện đại để môn lịch sử hấp dẫn hơn.
Cải tiến nội dung SGK: theo hướng lược giản các sự kiện lịch sử cụ thể, chi tiết; hướng tới các vấn đề lịch sử chủ yếu qua các thời kỳ lịch sử.
Định hướng nghề nghiệp: Nhà trường và xã hội cần có trách nhiệm định hướng nghề nghiệp cho thế hệ trẻ. Ngoài những ngành nghề thuộc khối tự nhiên, cũng cần coi trọng các ngành nghề thuộc khối xã hội nhân văn.
Thầy NGÔ XUÂN PHÚC (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An):
XIN ĐỪNG COI MÔN LỊCH SỬ LÀ MÔN PHỤ
Chúng ta phải đối mặt với một thực tế không vui là trong những năm gần đây, số lượng học sinh học và thi vào đại học, cao đẳng khối C trong cả nước ngày càng suy giảm rõ rệt. Nghệ An cũng vậy, xu hướng học sinh thi vào khối C cũng giảm dần.
Có nhiều nguyên nhân dẫn kết quả môn Lịch sử năm nay thấp như thế, nhưng theo chúng tôi, nguyên nhân trực tiếp là từ đề thi, nhiều giáo sư đầu ngành môn Lịch sử cũng khẳng định như vậy. Cụ thể, cách dùng từ ở một số câu hỏi chưa chuẩn, giữa đề và đáp án còn có những chỗ “vênh” nhau và chưa đầy đủ, câu hỏi phần Lịch sử thế giới chưa rõ ràng. Những hạn chế đó đã làm cho rất nhiều thí sinh khi đọc đề không kỹ sẽ rơi vào tình trạng nhầm kiến thức cơ bản, lạc đề và bị mất điểm không phải tất cả những em bị điểm không là nộp giấy trắng.
Là những giáo viên đang trực tiếp dạy môn Lịch sử ở trường THPT, chúng tôi thấy một thực tế đau lòng là các môn khoa học xã hội, đặc biệt là môn Sử đang bị xem thường, bị coi là môn “phụ”. Cách nhìn nhận và đối xử thiếu công bằng của xã hội cùng với xu thế phát triển của một nước đang phát triển, môn Lịch sử không được đánh giá đúng giá trị của nó, không được đặt vào vị trí mà xã hội cho là cần thiết … đã làm cho việc dạy và học môn Lịch sử ngày càng tuột dốc. Số đông giáo viên dạy Lịch sử đã và đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Trong khi giáo viên Lịch sử tốn khá nhiều thời gian và công sức cho tiết dạy, như: chuẩn bị nhiều sơ đồ, bản đồ, tranh ảnh minh họa, sự cập nhật kiến thức qua báo chí, internet… Thế nhưng, đồng lương và thu nhập còn khiêm tốn so với nhiều môn học khác ngay trong cùng một bậc học, trường học. Vì vậy, ngay học sinh chuyên Sử sau khi tốt nghiệp THPT chẳng được mấy em theo học chuyên ngành sử. Đó cũng là một trong rất nhiều nguyên nhân làm giảm sút chất lượng dạy học môn Lịch sử.
Chúng tôi thiết nghĩ, để từng bước nâng cao chất lượng dạy - học môn Sử phải cần phối hợp rất nhiều giải pháp. Môn Lịch sử cũng bình đẳng như những môn học khác trong việc đánh giá về tác dụng của nó, hoàn toàn không lệ thuộc về số tiết học trong một năm học, vào việc thi hay không thi. Theo chúng tôi, giải pháp tối quan trọng đầu tiên là phải thay đổi nhận thức về môn Lịch sử, về vị trí, tác dụng của nó đối với sự phát triển xã hội. Xin đừng coi môn Lịch sử là môn phụ và hãy trả lại vị trí cho nó! Có như vậy mới thay đổi quan niệm và cách dạy, cách học môn Sử ở trường phổ thông.
PHẠM THỊ HUYỀN, lớp 94A khoa Lịch sử, trường ĐH Vinh:
HỌC SINH BÂY GIỜ KHÔNG CÓ MẤY EM ĐAM MÊ MÔN SỬ
Lớp em có 78 sinh viên, là lớp đại học sư phạm chính quy, các bạn đều đam mê học tập, đầu tư cho học tập. Các sinh viên chúng em thường có liên hệ với các trường THPT để nắm bắt thực tiễn dạy học, và nhiều bạn có các đề tài, tiểu luận về dạy và học Lịch sử ở trường phổ thông. Qua thực tế kiến tập, chúng em biết rằng, học sinh bây giờ không có mấy em đam mê môn Lịch sử, chủ yếu là học các môn để thi đại học, do quan niệm là môn “phụ”, nên không có ai tha thiết với môn học này.
Hiện nay, tình hình tìm kiếm việc làm sau khi ra trường của sinh viên sư phạm rất khó khăn, môn Lịch sử càng khó khăn hơn. Chúng em đang lo sau khi ra trường có xin được việc làm không. Trước mắt, em xác định cố gắng học để nâng cao kiến thức, và tùy tình hình thực tế sau khi ra trường để tìm kiếm việc làm. Nếu được làm giáo viên, em sẽ cố gắng trau dồi chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học, cố gắng làm cho học sinh yêu môn Lịch sử, hiểu rõ tầm quan trọng của nó đối với hành trang kiến thức mỗi người.
VƯƠNG MẠNH HÀ - Lớp 12C2 Trường THPT Phan Bội Châu:
EM RẤT YÊU THÍCH MÔN LỊCH SỬ
Em cho rằng môn Lịch sử không phải là một bộ môn thuộc ngành xã hội hoàn toàn, và người học không phải chỉ có, chỉ cần học thuộc lòng. Thực chất môn Lịch sử cũng rất cần tư duy, nó luôn kích thích sự tò mò của con người ta. Học Lịch sử không dễ lắm nhưng cũng không khó. Các bạn em cũng thường bảo vậy. Tuy nhiên, theo em, muốn học môn này có kết quả thì ban đầu phải học thật kỹ, đến ngày thi thì học lại mình sẽ nhanh nhớ kiến thức quá khứ. Không nên để hổng kiến thức, và không nên học dồn.
Kết quả điểm thi đại học môn Lịch sử năm nay quá thấp, em nghĩ là do đề thi. Bọn em học chuyên Sử nhưng cũng thấy khó. Hơn nữa đề khiến cho thí sinh dễ bị nhầm, như câu 3 chẳng hạn. Em được 7 điểm, có bạn trong lớp em chỉ đạt 5 điểm.
TRẦN THỊ NGỌC NHUNG - Lớp 12 A Trường THPT Hà Huy Tập:
VIỆC THAY ĐỔI GIÁO VIÊN DẠY SỬ QUÁ NHIỀU CŨNG LÀM CHO
CHÚNG EM CHÁN HỌC
Em không yêu cũng không ghét môn Lịch sử. Em thấy cũng có những bài giảng của một vài thầy cô thực sự có kĩ năng tốt và có kiến thức phong phú về lịch sử, và cả về cuộc sống khiến em có cảm giác môn Lịch sử như là một câu chuyện, một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn.
Dù không thi đại học môn này, nhưng nó có thể là môn thi tốt nghiệp THPT vào năm tới, em không thể xem thường được. Em cũng không rõ lý do thế nào nhưng việc thay đổi giáo viên dạy Lịch sử quá nhiều cũng làm cho chúng em chán học. Lớp 11 vừa rồi, có tới 4-5 giáo viên dạy môn này cho chúng em. Có cô dạy được một thời gian thì nghỉ hưu, nhà trường tạm thời bố trí cô khác dạy thay ít hôm lại thay tiếp. Vài tháng lại thấy cô mới. Giờ học Lịch sử, hầu như bọn em chỉ nghe đọc và chép. Lớp ồn ào chuyện riêng. Em nghĩ ra cách, tốt nhất 15 phút đầu giờ em chép thật nhanh, xong đưa môn khác ra học. Khi kiểm tra thì đã có câu hỏi và bộ đề cương của trường, về nhà mình soạn bài là có thể làm được rồi. Bí quá, có thể “xoay xở” thêm.
Nhóm PV (Tổng hợp)