Văn hoá học đường

Đại học về làng

India
India

 

Phát biểu tại Quốc hội, lý giải về việc có quá nhiều trường đại học (ĐH) không đủ chuẩn vẫn mở tràn lan, nhiều trường kém chất lượng; Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nói rằng sắp tới sẽ triển khai phương án giao cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các sở GD-ĐT kiểm tra, thanh tra các trường ĐH? Đây phải chăng là ý tưởng quá mới vì thực chất của nó chẳng khác gì đem đại học về… làng!

 
          Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng vì 377 trường ĐH, CĐ là quá nhiều nên nếu muốn kiểm tra, mỗi trường mất 2 tuần thì phải mất đến 20 năm mới kiểm tra hết. Thông số trên nghe qua thì rất khoa học nhưng nghĩ lại thì thấy quả là vô lý hết sức. Nói theo cách của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì Mỹ có 6.000 trường ĐH-CĐ nên phải mất đến 300 năm mới kiểm tra hết chăng? Cách diễn đạt này thực chất chỉ là đánh bùn sang ao bởi không dám nhìn thẳng vào thực chất của nền giáo dục.
          Thứ nhất, nếu trường nào cũng phải thanh tra thì có nghĩa là nên giải tán đi thì vừa. Tại sao 65 năm của nền giáo dục XHCN mà lại không có rất nhiều trường ĐH chất lượng tốt, đủ sức gánh vác trọng trách của nước nhà? Xin dẫn chứng: Dù chưa đạt đến trình độ quốc tế nhưng Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐHQG KHXHNV) mà chúng tôi đã học là niềm tự hào, biết ơn của hàng vạn sinh viên hết thế hệ này đến thế hệ khác. Mỗi khi nghĩ về những người Thầy đã dạy chúng tôi nên người, bao giờ trong đầu chúng tôi cũng muốn viết hoa chữ Thầy! Cách nói của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã vô tình đánh giá thấp chất lượng (nếu không muốn nói là phủ định – đồng thời tự phủ định Bộ GD-ĐT) của hàng trăm trường ĐH. Liệu như thế có thỏa đáng hay không?
          Thứ hai, khoảng vài chục trường ĐH, CĐ mới mở gần đây không thể thanh tra được là vì chúng đồng dạng “mô hình Phan Thiết” – người cho phép mở rồi lại đi thanh tra cái việc mình đã cho phép(!) quả là việc nặng nhọc còn “cực hơn đi củi”. Tại sao không thừa nhận là Bộ GD-ĐT đã sai khi cho mở tràn lan? Chẳng hạn, ngay năm đầu tiên mà đã cho Phan Thiết tuyển đến 750 sinh viên thì ngay cả Bụt ở trên chùa cũng phải u ư! Cách tuyển sinh viên ồ ạt như thế phải được chỉ mặt đặt tên chính xác là nhằm thu hồi nhanh nhất những “khoản” đã phải bỏ ra! Ai cũng biết chưa có lĩnh vực đầu tư nào thu lãi dễ và nhiều như mở trường ĐH. Thật sự là buồn khi trong từ vựng nước nhà có hai từ nổi tiếng chẳng kém gì watergate: “ĐH Phan Thiết” và “Vedan”! Chỉ cần nghe là biết ngay từ đó thuộc về cái gì.
          Thứ ba, tại sao không trao quyền tự chủ cho ĐH để các trường đó “tự kiểm tra” bằng sự lựa chọn của người học? Chẳng hạn, cho phép sinh viên ở một trường này được quyền chuyển đến một trường khác nếu thấy chất lượng không đảm bảo? Cho phép sinh viên bình chọn giảng viên, quyền được từ chối môn học đó, thầy giáo đó và có chế tài thích đáng đối với những giảng viên đọc chép hay chất lượng không đảm bảo? Nếu ý kiến sinh viên đưa ra cho có, nghe xong rồi để đấy thì làm sao nâng cao chất lượng? Hiệu trưởng không có quyền sa thải giảng viên kém chất lượng thì làm thế nào để thay đổi? Các khoản thu chi của hầu hết hệ thống trường công hiện nay là giật gấu vá vai. Chừng nào mà trường học chỉ lo tối mắt tối mũi cho việc cân bằng thu chi (vì bị Bộ GD-ĐT không chế - xin –cho) thì chừng đó chẳng còn đâu tâm huyết mà nghĩ đến chất lượng giáo dục….
          Thứ tư, việc trao cho Sở GD-ĐT các địa phương giám sát các trường ĐH là cung cách phấn đấu từ làng văn hóa thành xóm văn hóa. Có bao giờ có sự phát triển ngược như thế hay không? Làm sao Sở GD-ĐT có thể hiểu hết cách giảng dạy, nghiên cứu ở cấp ĐH – trừ phi Bộ GD-ĐT khẳng định rằng ĐH chỉ là phổ thông cấp IV. Mặt khác, cảnh một cổ nhiều tròng sẽ làm cho giáo dục ĐH lâm vào tình trạng rối như canh hẹ bởi cách xin – cho mới. Thậm chí, cách xin – cho này còn tác hại hơn nhiều vì ĐH từ nay sẽ sợ Sở GD-ĐT hơn sợ cọp.
          Thứ năm, cải cách là thay đổi cơ bản về triết lý giáo dục, cung cách quản lý, cơ cấu chương trình, đánh giá đúng thực tài, đánh giá chính xác về chất lượng chứ không phải cứ loay hoay dọn dẹp những tiểu tiết mù mờ. Bộ GD-ĐT ngại gì mà không trao quyền tự chủ cho ĐH? Không có một lý lẽ nào thuyết phục ngoại trừ nó động chạm đến quyền lợi của cơ quan quản lý cao nhất. Nếu vì ích nước, lợi dân thì tại sao không mạnh dạn thay đổi quyết liệt? Tại sao từ năm 1868 Nhật Bản đã dứt khoát lựa chọn mô hình giáo dục ĐH của Mỹ mà đến tận bây giờ chúng ta vẫn cứ băn khoăn? Muốn nói gì đi nữa thì cách lựa chọn đó là đúng vì Nhật Bản nghèo xác xơ đã trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới. Cứ nhìn vào các trường ĐH tiên tiến của một số nước khác sẽ biết ngay là ta đang thiếu, đang sai ở chỗ nào.
 
          Đừng để cho ĐH trở thành “tài sản” riêng của các địa phương vì ngay cả Bộ còn quản lý không nổi thì làm sao Sở lại đủ sức gánh thêm trách nhiệm vô khả thi đó? Có bao giờ phát triển ngược như vậy hay không? Làng hóa tri thức tiên tiến là cách để đi lên ngang tầm quốc tế hay sao?
 
               
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114446186

Hôm nay

2117

Hôm qua

2284

Tuần này

21795

Tháng này

212445

Tháng qua

120141

Tất cả

114446186