Xứ Nghệ ngày nay

Giải Hồ Xuân Hương lần thứ IV – Những chuyện bi hài…

Chưa khi nào giải thưởng mang tên “Bà chúa thơ Nôm” lại rắc rối như lần này. Sau khi ban chung khảo công bố kết quả, có hơn 30 đơn thư của văn nghệ sỹ khiếu nại, tố cáo nhiều vấn đề. Nào là sơ hở trong thể lệ của giải, rồi khiếu nại nâng hạng giải thưởng, tố cáo một số thành viên ban giám khảo, chuyện "đạo" tranh, “đạo” ảnh, gian lận trong việc đưa tác phẩm vào dự giải... Tất cả cho thấy sự thật đáng buồn về đời sống văn hóa văn nghệ tỉnh nhà.

Xin phúc khảo giải thưởng - chuyện chưa có tiền lệ
Theo thể lệ của giải Hồ Xuân Hương (và nói chung tất cả các giải thưởng khác) không có quy định này. Mục đích của hầu hết (nếu không nói là tất cả) các đơn thư là xin được nâng hạng giải thưởng cho tác phẩm của mình (hoặc người thân trong gia đình). Cụ thể như: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quốc Hiền yêu cầu nâng hạng giải thưởng không chỉ cho mình mà cho cả vợ và con gái, NSNA Từ Thành đề nghị được nâng hạng giải thưởng từ giải C lên giải B. Nhà thơ Thạch Quỳ đề nghị xem xét đưa tác phẩm của mình lên giải A (tác phẩm của ông đã được hội đồng chung khảo xếp giải B. Một số nhà thơ khác cũng có đơn đề nghị nâng hạng giải thưởng như: Vũ Toàn, Đặng Hồng Thiệp, Nguyễn Trọng Tuất... Còn nhạc sỹ Phan Thanh Chương lại đề nghị hội đồng giải thưởng xem xét lại ca khúc “À ơi ví dặm” của mình chỉ được xếp giải Khuyến khích, trong khi tác phẩm này đã được giải Ba của Hội Nhạc sỹ Việt Nam năm 2006. Một số nghệ sỹ khác lại viết đơn xin nâng hạng giải thưởng với lý do khá đặc biệt là tác phẩm của họ không thể ngồi “chung chiếu” với một số người theo họ là không xứng tầm!?
 Xin phúc khảo nghe có vẻ như chuyện ở một cuộc thi tốt nghiệp bậc học phổ thông, hay thi vào đại học chứ  không phải ở một giải thưởng danh giá về VHNT. Thế mà là thật, thật 100%, ở Nghệ An, và chắc là chuyện lạ, rất lạ của cả...nước!
 
“Xin điểm” không được... thì tố cáo
Trong suy nghĩ của đa số công chúng, người nghệ sỹ thường không bận tâm về chuyện lợi danh, được mất tầm thường. Nhìn vào Giải thưởng Hồ Xuân Hương lần này, té ra mọi người đã bị “bé cái nhầm”. Người khơi mào đầu tiên và cũng là người có nhiều đơn thư khiếu kiện nhất là nghệ sĩ QH, mặc dù nghệ sĩ này chính là một trong những thành viên của một Hội đồng sơ khảo của giải. Không những đã chấm điểm cho vợ, con, mà theo đơn của một nghệ sỹ nhiếp ảnh khác cho biết thì ông QH còn đề nghị một thành viên trong ban sơ khảo nâng điểm cho tác phẩm của mình và... con. Khi không được sự đồng ý (vì phiếu điểm đã niêm phong), nghệ sỹ này đã quay sang viết đơn tố cáo. Bi hài hơn nữa, nghệ sỹ này đã tự “xếp hạng” cho tác phẩm của con gái mình - một người mới vào nghề, cao hơn nhiều nghệ sỹ thành danh trong tỉnh: “Riêng bộ ảnh của CN[tác giả viết tắt] phải hơn bộ ảnh của Văn Hoành, Đăng Việt, Thanh Hải...”. Ngoài ra, ông còn tố cáo việc vi phạm bản quyền, tố cáo nhân sự chấm giải, tố cáo thành viên ban chỉ đạo…rồi gửi đơn vượt cấp, gửi cho nhiều người và đặc biệt nhất là ông còn... quay phim, ghi âm, không biết để làm gì, để làm tư liệu hay là để ...ép.
Không thể không xếp chuyện này vào số các chuyện lạ của giải HXH năm nay!
 
“Vừa đá bóng vừa thổi còi”
 
Có một chuyện có lẽ cũng chỉ ở giải HXH năm nay mới có. Đó là những tình huống “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Ít nhất trong giải này có ba trường hợp cha chấm giải cho con và một trường hợp chồng chấm giải cho vợ. Công tâm và thiên vị hay không, đến mức độ nào cũng khó mà biết, khó mà phân xử. Tuy nhiên theo lẽ thường tình của người Việt ta thì cũng thật khó mà sòng phẳng. Giá như các vị trong các ban giám khảo biết đường xin rút khỏi các tình huống này thì không đến nỗi... Phải chăng vì “cố đấm ăn xôi”?! Mà thiên hạ họ suy đoán này nọ cũng có cớ vì như trên đã nói, có một vị chấm cho vợ, cho con rồi nhưng vẫn chưa thỏa... chí, còn xin thêm điểm để hy vọng có giải cao hơn. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Trước là trách cái lòng tham... giải, sau phải trách cái thể lệ của giải. Cũng là có lý khi có người nhiều người cho rằng trước hết là tại thể lệ cho phép các thành viên trong ban chỉ đạo và hội đồng giám khảo được gửi tác phẩm dự giải. Trong khi đó, lại “bỏ quên” việc quy định các thành viên ban giảm khảo tuyệt đối không được tham gia chấm giải cho người thân. Không nâng điểm cho vợ con mới là chuyện lạ chứ thêm thắt chiếu cố cho vợ con là chuyện thường tình! Do được phép vừa “đá bóng” vừa “thổi còi” mới sinh ra chuyện lình xình của giải, và một số nghệ sỹ thì cãi vã, thậm chí còn dọa xô xát nhau.
 Một chuyện khác, cũng rất tréo ngoe và lạ là khi một tác phẩm lọt vào vòng chung khảo được chấm bởi một hội đồng gồm 14 thành viên nhưng chỉ có duy nhất một thành viên có chuyên môn về lĩnh vực mà tác phẩm dự giải. Ví như mỹ thuật chẳng hạn, vào vòng chung khảo chỉ có duy nhất một nghệ sỹ tạo hình có quyền bỏ phiếu!?. Vậy là nhà thơ thì chấm nhạc, nhạc sỹ thì chấm tranh, họa sỹ lại chấm múa, nghệ sỹ múa lại chấm ảnh…. Bởi thế mà khi có tác phẩm  bị loại hoặc tụt hạng ở vòng chung khảo đã có không ít người bày tỏ sự bức xúc, họ cho rằng hội đồng đã không đánh giá đúng giá trị tác phẩm của họ. Đúng sai hồi sau sẽ rõ nhưng dẫu sao thì đây cũng là một cái cớ rất hợp lý để cho nhiều người vin vào để “gửi gắm'’ cái "nỗi niềm riêng” của họ.
 Với cơ sự này thì việc trao giải lần này sẽ chậm lại so với dự tính ban đầu. Đó là chuyện có thể chắc chắn được. Duy có một điều chưa có gì chắc chắn là liệu từ nay đến ngày đó không biết có ai sẽ làm đơn xin rút khỏi danh sách đề cử giải thưởng hay không./.
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511476

Hôm nay

2139

Hôm qua

2336

Tuần này

21850

Tháng này

218349

Tháng qua

121356

Tất cả

114511476