Các nhà triết học của chủ nghĩa Mác-Lênin đã khẳng định: “ Chế độ XHCN ưu việt hơn chế độ Tư Bản”. Tuy nhiên Việt Nam vẫn là nước nghèo, khoa học kỹ thuật chưa phát triển, sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu. Vậy thì chúng ta phải có cái gì hơn hẳn chế độ Tư Bản? Để góp phần khẳng định định chế độ XHCN là ưu việt năm 1965 khi đang làm tiết kiệm Ngân Hàng tỉnh Hà Tĩnh tôi viết chế độ Hưu Nông Dân chính là chế độ lương hưu vĩnh viễn. Nó giống như hình thức tiết kiệm dài hạn có lãi và cách quản lý thì giống như quản lý quỹ giải thưởng Nô-Ben nghĩa là: Tiền lương hưu của người tham gia Hưu Nông Dân <= tiền lãi hằng tháng phát sinh từ tiền vốn và lãi cộng dồn thể hiện ở số dư cuối trên sổ Hưu Nông Dân của họ nhân với lãi suất do Nhà Nước quy định cho từng thời kỳ. Tiền lương tính theo số chẵn nên thường nhỏ hơn tiền lãi phát sinh trong tháng, số tiền lẻ chưa chi hết cho tiền lương được cộng vào tiền vốn làm cho tiền vốn ngày càng nhiều thêm, để cho tiền lương Hưu tháng sau nhiều hơn tháng trước và không bao giờ hết tiền. Nhưng rồi chiến tranh chống Mỹ ngày càng khốc liệt, đồng tiền ngày càng mất giá mà điều kiện cho Hưu Nông Dân tồn tại là đồng tiền phải ổn định. Đến năm 1976 sau khi giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước tôi đưa Hưu Nông Dân ra trình cơ quan thì bị phê phán nặng nề. Đến ngày 19-04-1993 tôi trình Hưu Nông Dân lên Quốc Hội, Chính Phủ và các bộ ngành ở Trung Ương, ở Tỉnh tôi trình lên Tỉnh Uỷ, UBND tỉnh và các ban ngành. Đầu năm 1994 tôi đưa Hưu Nông Dân vào sách “ Những bản tờ trình” do NXB Nghệ An ấn hành tôi gửi Quốc Hội, Chính Phủ các cơ quan Trung Ương và địa phương. Đã được báo Quân Đội đăng bài: “Hưu Nông Dân Một Sáng Tạo Độc Đáo” của tác giả Thê Tụng vào số 11800 ra ngày 28-03-1994. Ngày 04-07-1994 chế độ Hưu Nông Dân được bảo vệ trước Hội Đồng chấm luận án cấp quốc gia (1) . Năm 1996 Hưu Nông Dân đã đăng ký bản quyền tác giả. Năm 1998 được chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho thí điểm Hưu Nông Dân (BHXHND) tại Nghệ An. Năm 2005 tôi đã trực tiếp báo cáo tiến trình Hưu Nông Dân với Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh. Đến nay ở Nghệ An đã có 9 vạn người tham gia với số tiền hơn 100tỷ đồng. Hưu Nông Dân là hưu vĩnh viễn nó làm cơ sở khoa học chính cho chế độ hưu cán bộ Nhà Nước hiện hành ở nước ta, trở thành Hưu Vĩnh Viễn. Vậy thì Hưu Vĩnh Viễn là Hưu thế nào?
Hưu Vĩnh Viễn nghĩa là khi người đang hưởng lương hưu mà qua đời thì con được tiếp tục đem sổ Hưu của cha ( hoặc mẹ) đến nơi phát lương Hưu mà nhận lương Hưu cho cha ( hoặc mẹ). Đến lượt con (người thừa kế) qua đời thì cháu ( người thừa kế của con) tiếp tục đem sổ hưu của ông ( hoặc bà) đến nơi phát lương Hưu để nhận lương Hưu, cứ như thế không bao giờ hết. Sự cần thiết và cơ sở khoa học của chế độ Hưu Vĩnh Viễn xin được trình bày như sau:
A. SỰ CẦN THIẾT:
1. Để thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN ở Việt Nam. Vì hiện nay trên thế giới chưa có
nước nào có chế độ Hưu Vĩnh Viễn cho cán bộ Nhà Nước mà Việt Nam có như thế là ưu việt.
2. Tạo ra nguồn vốn khổng lồ từ Hưu Vĩnh Viễn: bằng sự đóng góp của công nhân viên
vào quỹ Hưu ngày càng nhiều sẽ tạo ra nguồn vốn khổng lồ để CNH- HĐH quê hương đất nước giảm phần vay nước ngoài mà con cháu sau này phải trả. Đây chính là nguồn vốn tự lực tự cường của dân ta. Nếu quy ra tiền kim loại loại 5000VNĐ thì đến năm 2043 có thể chồng từ mặt đất lên mặt trăng (2)
3. Xoá đói nghèo: Nếu Quốc Hội và Chính Phủ cho thực thi tờ trình này thì đến năm 2043
hầu hết dân Việt Nam ai cũng được hưởng chế độ lương Hưu Vĩnh Viễn của Nhà Nước bằng chính sổ Hưu của mình, hoặc của ông bà, cha mẹ để lại. Lúc này sẽ không còn người đói nghèo mà nhiều người giàu lên nhờ lương hưu của ông bà, cha mẹ để lại.
Sự cần thiết có đến 18 điều, trong khuôn khổ của bài này không thể nói hết. Xin xem ở các sách: “ Những bản tờ trình”, “10 giải pháp thức dậy tiềm năng Nghệ An”, Hưu Nông Dân do NXB Nghệ An ấn hành và Hưu Nông Dân do NXB TP Hồ Chí Minh in lần 2 và lần thứ 3 (3). Các sách này có ở thư viện quốc gia, Thư viện Trường ĐHKT Quốc Dân HN, Thư Viện Nghệ An, Hà Tĩnh và thư viện ở các huyện của 2 tỉnh Nghệ, Tĩnh.
B. CƠ SỞ KHOA HỌC:
1. Cơ sở khoa học thứ nhất:là quá trình hình thành và phát triển Hưu Nông Dân đã nói trên,
đặc biệt là trong quyết nghị của Hội Đồng chấm luận án phó tiến sỹ khoa học kinh tế cấp quốc gia cho nghiên cứu sinh Hồ Bá Quỳnh vào ngày 04-07-1994 tại trường ĐHKT Quốc Dân HN đã khẳng định: “…Đặc biệt là những kiến nghị về chế độ Hưu Nông Dân… Những giải pháp mà tác giả đưa ra đều dựa trên cơ sở những luận cứ khoa học và lý luận xác đáng cho nên có tính khả thi cao…” (4)
2. Ngày 12-07-2006, Chủ Tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký lệnh số13/2006/L-CTN
công bố luật BHXH đã được Quốc Hội nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam khoá XI kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29-06-2006. Trong luật này có nhiều cơ sở khoa học để thực hiện chế độ Hưu Vĩnh Viễn cho công chức Nhà Nước và người lao động nói chung. Cụ thể là:
2.1- Tại khoản 2 điều 6 đã nói: “ …. Quỹ BHXH được Nhà Nước bảo hộ, không bị phá sản. Lương hưu, trợ cấp xã hội, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH được miễn thuế” Điều này giống với chính sách của Nhà Nước Thuỵ Điển đối với quỹ giải thưởng Nô-Ben (Nobel), nhờ vậy mà quỹ giải thưởng Nô-Ben năm 1896 chỉ có 31triệu Curol đến nay đã hơn 3tỷ Curol. Trong khi giải thưởng Nô-Ben gần 1 triệu đôla
2.2- Tại điều 14 đã nêu cụ thể 5 hành vi bị nghiêm cấm như: gian lận, giả mạo, sử dụng quỹ BHXH sai mục đích, gây phiền hà trở ngại, báo cáo sai sự thật…..
2.3- Toàn bộ điều 10 nói về thanh tra BHXH. Điều này chính là cơ sở khoa học cho chế độ Hưu Vĩnh Viễn . Vì nếu không có thanh tra thì quỹ sẽ thất thoát. Ở Nghệ An quỹ BHXHND đã có 9 vạn người tham gia với số tiền hơn 100tỷ đồng gần 10 năm thanh tra không nhìn đến (có người nói: đời nào họ không nhìn vì nhiệm vụ của họ cơ mà...) Cho nên năm 2001 BHXHND có văn bản lưu hành nội bộ sửa lại quyết định 1210/1998 ngày 30-07-1998 của Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Xuân Hùng, ký ban hành cho thí điểm BHXHND ở Nghệ An có đoạn:“… Xoá tên trong danh sách mà không trả lại tiền đã đóng…” (5). Việc này đã làm cho nông dân thiệt thòi quá lớn có trường hợp bị trắng tay (có người nói đây là nạn cướp ngày bằng văn bản lưu hành nội bộ có đóng dấu son) thế mà thanh tra Nghệ An không hề hay biết.
2.4- Toàn bộ điều 11 nói về quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn. Đây chính là cơ sở khoa học cho Hưu Vĩnh Viễn tồn tại Vĩnh Viễn.
2.5- Điều 52 khoản 1, mục lương hưu hằng tháng: “… bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH….tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm 1 năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%. Cơ sở khoa học của khoản 1, điều 52 đã khẳng định: Người lao động muốn có mức lương hưu 75% mức lương bình quân trong thời gian đóng BHXH thì Nam tối thiểu phải có 30 năm đóng BHXH, nữ tối thiểu 25 năm đóng BHXH. Nhưng hiến pháp đã quy định: Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi là cử tri có quyền đi bầu cử Quốc Hội; Luật lao động cũng quy định: người lao động phải đủ 18 tuổi mới được làm việc trong cơ quan Nhà Nước và các cơ sở sản xuất kinh doanh. Như vậy lao động nam có nhiều người có 42 năm đóng BHXH, nũ 37 năm đóng BHXH mới được về hưu. Nghĩa là bình quân trong 40 năm đóng BHXH được hưởng lương hưu không quá 75% số lương bình quân đóng BHXH. Trong thực tế hiện nay có nhiều người nam trên 42 năm làm việc, nữ trên 37 năm làm việc mới về hưu. Cũng trong thực thế hiện nay có nam trên 42 năm, nữ trên 37 năm làm việc mà chưa được về hưu, tức là nam trên 60 tuổi và nữ trên 55 tuổi chưa về hưu. Điều này cũng có cơ sở khoa học là tuổi thọ bình quân của người Việt Nam ngày càng tăng thì tương lai tuổi về hưu nam phải là 65 tuổi và nữ là 60 tuổi là phù hợp (6). Thế thì điều 50 quy định : Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu sẽ giải thích như sau: Đây là thời kỳ chuyển tiếp từ chỗ công chức Nhà Nước từ ngày 01-01-1995 trở về trước không phải đóng BHXH Từ ngày 01-01-1995 trở về sau phải đóng BHXH bắt buộc. Cho nên Quốc Hội phải để mức đóng BHXH đủ 20 năm trở lên. Đến năm 2016 có lẽ Quốc Hội sửa lại điều này.
2.6- Khoản 1 điều 91 quy định: “ hằng tháng người lao động …. Đóng bằng 5% mức tiền lương, tiền công vào quỹ hưu trí và từ tuất, từ năm 2010 trở đi cú 2 năm 1 lần đóng thêm 1% cho đến khi đạt mức đóng là 8% tức là đến năm 2014 trở đi mỗi tháng người lao động đóng 8% tiền lương cảu mình vào quỹ hưu trí và tử tuất.
2.7- Điểm C, khoản 1, Điều 92 quy định : “… Người sử dụng lao động đóng tiền lương, tiền công đóng BHXH của người lao động 11% vào quỹ hưu trí và tử tuất. Từ năm 2010 trở đi cứ 2 năm 1 lần đóng thêm 1% cho đến khi đạt mức đóng là 14% tức là đến năm 2014 trở đi hằng tháng người sử dụng lao động đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho người lao động là 14% trên mức tiền lương của họ. Hiện nay, người sử dụng loa động hằng tháng đóng 15% là vì trong đó có 3% vào quỹ ốm đau, thai sản , 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
2.8- Kết hợp cả 2.6 và 2.7 nói trên thì trong quỹ hưu trí và tử tuất của từng người lao động hiện nay có 16%, đến năm 2014 có 22% tiền lương của họ. Luật BHXH hiện hành có 11 chương, 141 điều trong đó có hơn 40 điều là cơ sở khoa học cho chế độ lương hưu vĩnh viễn, trong phạm vi bài này xin nêu 7 điều, khoản , điểm cơ bản chứng minh cho chế độ lương Hưu Vĩnh Viễn. Những Điều khoản, Điểm khác xin để bài sau sẽ chứng minh bổ sung cho vững chắc thêm chế độ lương Hưu Vĩnh Viễn.
3. CÁCH TÍNH LƯƠNG HƯU VĨNH VIỄN CỦA CÔNG CHỨC.
Trên cơ sở Hưu Nông Dân và luật BHXH năm 2006 chúng ta tính lương Hưu Vĩnh Viễn cho ông A công chức nhà nước đủ 60 tuổi có 30 năm đóng BHXH đủ điều kiện để hưởng lương hưu bằng 75% mức lương đóng BHXH bình quân trong thời gian 30 năm như sau:
Nhìn vào bảng tính sẵn tiền lương Hưu Nông Dân của người đóng hằng tháng 10.000đ với lãi suất bình quân 0.7%/tháng tại trang 218 sách Hưu Nông Dân của Hồ Bá Quỳnh do ông Hồ Huy tài trợ - NXB TP Hồ Chí Minh in lần thứ 3 ( kèm theo đây) ta thấy cột 5 số dư cuối cùng là: 16.284.575đ; con số 16.284.575đ này nhân với lãi suất 0,7% được là: 113.992đ, đây chính là lương Hưu Vĩnh Viễn của ông nông dân với mức đóng 10.000đ/ tháng và đã đóng 30 năm
Ông A đã đóng BHXH bắt buộc từ ngày 01-01-1995 lúc đó lương của ông A là 500.000đ rồi tăng dần theo thời gian và chức vụ . Hiện nay năm 2007 ông A có lương đóng BHXH là 1.700.000đ bằng lương bình quân xã hội. Đến ngày 01-01-2025 lương ông A là 4.000.000đ cũng bằng lương bình quân của xã hội. Cũng ngày này ông A đủ 30 năm đóng BHXH bắt buộc và đủ tuổi về hưu (60 tuổi) . Lương bình quân để tính lương hưu cho ông A là 2.000.000đ Như vậy ông A được hưởng 75% lương bình quân đóng BHXH là 1.500.000đ. Qua đây cho ta thấy cách tính lương hưu cho ông A là đúng luật. Khi ông A mới nhận được 2 tháng lương hưu đã chết đi thì gia đình ông A được nhận 2 khoản tiền:
+ Mai táng phí bằng 10 tháng lương tối thiểu. Giả sử lương tối thiểu năm 2025 là 1.000.000đ thì mai táng phí là 10.000.000đ
+ Tiền tuất 1 lần ở mức cao nhất theo khoản 2 điều 67 của luật BHXH là 48 tháng lương hưu đang hưởng: 1.500.000đ x 48 tháng = 72.000.000đ
Tổng cộng 2 khoản là : 82.000.000đ.Tiền lương bình quân đóng BHXH của ông A là : 2.000.000đ mà tỷ lệ đóng BHXH bình quân của ông A là 20% riêng phần đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tức là bình quân ông A đóng vào quỹ này là 400.000đ/tháng (2.000.000đ x 20%). Người nông dân đóng mỗi tháng 10.000đ thì sau 360 tháng có số dư cuối trên sổ Hưu Nông Dân là 16.284.575đ. Mức đóng của ông A bình quân là 400.000 gấp 40 lần người nông dân nên số dư cuối tháng thứ 360 của ông A là 16.284.575đ x 40 = 651.383.000. Con số này nhân với lãi suất 0,7% được là: 4.559.681đ, đây chính là lương hưu vĩnh viễn của ông A vì khi về hưu ông A không phải đóng BHXH bắt buộc nữa và ông A chưa chết. Vậy số dư cuối trên sổ BHXH của ông A là: 16.284.575 x 40 = 651.383.000đ. Như vậy sau khi ông A chết người ta trích 2 khoản tiền mai táng phí và từ tuất là 82.000.000đ thì số dư cuối trên sổ BHXH của ông A còn: 651.383.000-82.000.000 = 569.383.000đ. Tiền lương hưu vĩnh viễn của ông A mà con cháu chắt… của ông A được nhận lương hưu vĩnh viễn của ông hằng tháng là : 569.383.000đ x 0,7% = 3.985.681đ. Đến đây sẽ nảy sinh ra một câu hỏi ? Tại sao ông A là cán bộ Nhà Nước, có 30 năm đóng BHXH bắt buộc , đúng tuổi về hưu đang hưởng lương hưu hiện hành theo đúng chế độ , đúng luật tại tổ chức BHXH ở Phường(xã ) hằng tháng là : 1.500.000đ. Khi ông A chết con ông A đã nhận được 82.000.000đ tiền mai táng phí và tiền tử tuất . Vậy thì lấy tiền đâu để cho con cháu ông A lại được tiếp tục nhận lương hưu vĩnh viễn của ông A hằng tháng là 3.985.681đ nhiều hơn 2 lần lương hưu của ông đang nhận?
Theo nguyên lý của chế độ Hưu Nông Dân tức là lương Hưu Vĩnh Viễn thì tiền lương hưu hằng tháng của người Nông Dân bằng (=) số dư cuối trên sổ hưu nhân (x) với lãi suất tiền hưu do Chính Phủ quy định từng thời kỳ. Như vậy khi ông A đang sống thì ông A phải được nhận lương hưu vĩnh viễn là: 651.383.000đ x 0,7% = 4.559.681đ chứ không phải 1.500.000đ
Đây không phải là phù phép mà hoàn toàn dựa vào khoa học quản lý kinh tế mà tôi đã trình Quốc Hội, Chính Phủ ngày 19-04-1993; Báo Quân Đội Nhân Dân đã đăng bài “ Hưu Nông Dân một sáng tạo độc đáo của tác giả Thế Tụng vào ngày 28-03-1994; Đã bảo vệ trước hội đồng chấm luận án cấp quốc gia vào ngày 04-07-1994; đã in vào sách nói trên và dựa vào luật BHXH hiện hành do Quốc Hội Khoá XI , kỳ họp thứ 9 thông qua , được ông chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng ký và ông Nguyễn Minh Triết Chủ Tịch Nước ký lệnh công bố ngày 12-07-2006. Đồng thời dựa vào điều kiện kinh tế của nước ta ví như: lãi suất tiết kiệm dài hạn hiện hành là 0.75% tôi phải tính thấp xuống còn 0.7% để khi kinh tế phát triển Nhà Nước có thể thay đổi. Nếu tính 0,75% thì lương Hưu Vĩnh Viễn của ông A còn cao hơn nhiều. Đây thực sự là khoa học quản lý, chỉ cần thay đổi phương pháp quản lý và tổ chức quản lý thì điều kỳ diệu này sẽ nằm trong bàn tay khối óc của tất cả chúng ta. Vì nó giảm được chi phí quản lý và bộ máy cồng kềnh. Cụ thể: để quỹ hưu trí và tử tuất ở Ngân hàng và doanh nghiệp thì không phải chi phí quản lý cho bộ máy BHXH và hội đồng quản lý BHXH. Vì để ở Ngân hàng xem như một nghiệp vụ tiết kiệm chi phí cho bộ phận nghiệp vụ này là khoản chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi (0,7% -0,75%) với lãi suất tiền vay (1,0-1,1%) lãi suất tiền gửi chính là lãi suất để tính lương hưu vĩnh viễn.Còn để ở doanh nghiệp thì chi phí cho bộ phận này là khoản chênh lệch giữa lãi suất tính lương hưu (0,7%-0,75%) với lãi suất vay ngân hàng (1,0-1,1%) mà không mất chi phí để được vay. Nếu Quốc Hội và Chính Phủ giao lương hưu vĩnh viễn này cho Ngân hàng và doanh nghiệp thì chắc chắn chế độ lương Hưu Vĩnh Viễn sẽ tồn tại vĩnh viễn. Tôi tin rằng: sẽ có nhiều Ngân hàng và doanh nghiệp đăng ký nghiệp vụ này, vì lợi ích được luật pháp quy định như sau:
- Một là hoạt động kinh doanh tiền tệ mà không phải đóng thuế cho Nhà Nước
- Hai là được Nhà Nước bảo hộ không bị phá sản
- Ba là huy động vốn xem như huy động tiết kiệm dài hạn có lãi mà sau 20 năm có trường hợp
sau 30-40 năm mới phải trả tiền lãi
- Bốn là huy động vốn (đi vay vốn) mà không phải trả tiền vốn cho người cho vay.
- Năm là huy động vốn để kinh doanh mà không phải chi phí tuyên truyền, quảng cáo, vận
động, được pháp luật Nhà Nước bắt buộc người sử dụng lao động tức là người cho vay đem tiền đến nhà nộp cho người đi vay.
- Sáu là : không lo chuyện chậm nộp của người cho vay vì thời gian chậm nộp thì người sử
dụng lao động phải chịu lãi suất tiền vay.
- Bảy là : Không lo người sử dụng lao động ( người cho vay) chây ỳ vì luật BHXH đã quy
định: Ngân hàng chuyển số tiền đóng BHXH còn thiếu từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động sang tài khoản của tổ chức BHXH
Khi nhiều Ngân hàng và Doanh nghiệp đăng ký quản lý quỹ lương Hưu Vĩnh Viễn Nhà Nước nên cho thiết lập một số Ngân hàng và Doanh nghiệp chuyên doanh về quỹ lương hưu vĩnh viễn và nên ưu tiên cho Ngân hàng Nông Nghiệp và tập đoàn Mai Linh vì : Ngân hàng Nông Nghiệp đã mở rộng đến cụm xã và tương lai sẽ mở rộng đến xã. Còn tập đoàn Mai Linh nên ưu tiên vì Mai Linh đã thực hiện chế độ Hưu Nông Dân từ 01-01-2004 theo đúng sách Hưu Nông Dân của Hồ Bá Quỳnh tức là Hưu Vĩnh Viễn và đã có kết quả tốt đẹp. Báo chí đã đưa tin: “ Mai linh có 2 lương hưu” lương hưu bắt buộc và lương hưu Mai Linh với tỷ lệ 0.7% và có vàng đảm bảo. Nếu không có vàng đảm bảo thì tỷ lệ lãi suất là 1%/tháng. Ngân hàng và Doanh nghiệp muốn quản lý quỹ lương hưu vĩnh viễn cần có 2 điều kiện:
- Một là : Phải có vốn điều lệ tối thiểu 50tỷ đồng để khi làm ăn kém thì Nhà Nước lấy đó đền
cho người về hưu.
- Hai là: phải thi hành nghị định 89/1999 – NĐCP ngày 01-09-1999 của Chính Phủ về bảo
hiểm tiền gửi để khi thiên tai địch hoạ bất khả kháng thì Nhà Nước bồi thường cho người về hưu.Và phải theo nguyên tắc lãi tiền hưu phải cao hơn lãi tiết kiệm và thấp hơn lãi tiền vay Ngân hàng tại thời điểm.
Sau khi chuyển quỹ hưu trí và tử tuất sang Ngân hàng và Doanh nghiệp thì tổ chức BHXH sẽ tập trung vào thanh tra kiểm tra và quản lý các quỹ như: sinh đẻ, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp thất nghiệp…..
Tôi tin chắc rằng những người trong tổ chức BHXH sẽ đồng tình với việc chuyển quỹ hưu trí, tử tuất sang Ngân hàng và Doanh nghiệp để thực hiện chế độ lương hưu vĩnh viễn vì: Bản thân họ sẽ được hưởng chế độ lương Hưu Vĩnh Viễn xem như một món gia tài của họ để lại cho đời đời con cháu mà không sợ mất trộm, không sợ cướp bóc, không phải chịu thuế, không còn sợ cảnh: “Cha bòn con bỏ”, không sợ con cháu lâm vào cảnh đói nghèo sẽ được cứu như cháu 7 đời của Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm và toàn dân ta sẽ giàu lên một phần do có chế độ lương hưu vĩnh viễn .
(1),(4): Hội đồng chấm luận án cấp quốc gia do GSTS Võ Đinh Hảo làm chủ tịch Hội Đồng, GSTS Cao Cự Bội là giáo viên hướng dẫn khoa học, GSTS Tào Hữu Phùng làm phản biện thứ nhất, TS Nguyễn Văn Nam nay là Phó hiệu trưởng Trường ĐHKT Quốc Dân Hà Nội làm thư ký.
(2): Lúc đó chưa có tiền kim loại với 500 nghìn tỷ quy ra tiền giấy loại 100đ cũng thừa chồng từ mặt đất lên mặt trăng.
(3) : Sách Hưu Nông Dân do ông Hồ Huy Chủ Tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc Công ty Cổ Phần Mai Linh tài trợ in lần 2 được 1000 cuốn; in lần 3 được 5000 cuốn.
(5): Xin xem văn bản lưu hành nội bộ của Ban BHXHND Nghệ An ấn hành tháng 05/2001
(6) Xin xem sách “ Những bản tờ trình của Hồ Bá Quyỳn do NXB Nghệ An in năm 1994 từ trang 131 -149 phần nói về cải cách giáo dục trong bài: suy nghĩ về truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của nhân dân ta.