Theo di thư cô Lan để lại, cô tự vẫn là do quá uất hận về sự trù dập của hiệu trưởng Nguyễn Thị Nụ.
Trước khi chết, cô Hồng đã làm đơn gửi đến cơ quan chức năng tố cáo: “Hiệu trưởng Nguyễn Công Trà đã nhiều lần gạ tình cô. Đòi “quan hệ” không xong, ông ta tìm mọi cách trù dập. Thậm chí, ông ta quỵt luôn 80 triệu, tiền vay của cô. Đó là khoản tiền ông ta vay cho cơ quan, mà giấy biên nhận có đủ dấu nhà trường và chữ kí của ông ta”.
Cơ quan chức năng đang xác minh nguyên nhân hai cái chết tức tưởi đó. Nhưng chuyện giáo viên bị hiệu trưởng trù dập thì nay không còn hiếm nữa. Trong mấy năm gần đây, không ai là không biết những chuyện điển hình này:
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, tiên phong trong cuộc chiến “Hai không”, bị hiệu trưởng trường Vân Tảo cho “nếm đủ mùi cay đắng”. Bị gài bẫy cho vào họp muộn, thầy Khoa phải trèo cổng để vào. Thế là ông bảo vệ lập ngay biên bản “Đang trèo hàng rào”. Những vụ việc bẩn thỉu kiểu ấy, được hiệu trưởng “thi thố” liên tục, khiến người đương thời đành bất lực xin bỏ nghề.
Thầy giáo Võ Hải Bình THPT Lê Quí Đôn, tố cáo hiệu trưởng nhận hối lộ. Đường dây tuyển sinh theo quan hệ và tiền bị bại lộ. Sự việc tiêu cực này có liên quan tới thanh tra sở. Sau đó mấy năm, Võ Hải Bình bị cấp trên kiếm cớ kỷ luật buộc thôi việc.
Thầy giáo Nguyễn Thượng Long, thanh tra chuyên môn kiêm nhiệm của Sở GD&ĐT Hà Tây. Ông Long đã tố cáo các tiêu cực trong thi cử. Sau đó ông Long bị cô lập và buộc chuyển xuống trường giảng dạy.
Hiệu phó trường Vĩnh Tường 2, ông Lê Văn Quyền, tố cáo tiêu cực của hiệu trưởng. Thầy Quyền bị cách chức với lí do “Gây mất đoàn kết nội bộ”.
Thầy giáo Lê Quang Vinh, trường Đức Lân, Mộ Đức, Quãng Ngãi bị buộc rời bục giảng vì dám tố cáo hiệu trưởng. Dù sau đó, các ngành chức năng đã minh oan và yêu cầu khôi phục quyền lợi chính đáng cho ông. Nhưng 19 năm đã trôi qua, ông Vinh vẫn chưa được trả lại sự công bằng.
Chuyện hiệu trưởng trù dập giáo viên, các địa phương khác nhau về mức độ và hình thức. Nhưng có một điều chung, là luôn có lãnh đạo cấp trên bao che. Ở H.T, giám đốc LĐQ buộc một giáo viên giỏi chuyển đi giữa năm học, để “tăng cường chuyên môn”. Lý do thực tuy không được nói ra, nhưng ai cũng biết, là do giáo viên này đã chống tiêu cực.
Vậy tại sao, giáo viên và hiệu trưởng không cùng chung tay chăm lo việc chung, mà lại thường “hục hặc” nhau như vậy?
Lương giáo viên chưa bao giờ đủ sống. Nếu không tìm cách “tăng gia” thêm một suất lương nữa, thì gia đình họ sẽ chết đói. Họ không thể toàn tâm toàn ý cho công việc, đó chính là chỗ yếu của giáo viên mà khi cần hiệu trưởng có thể điểm vào.
Hiệu trưởng và lãnh đạo trên, ai cũng ăn lương nghề giáo, nhưng ai cũng giàu có, ai cũng nhà lầu xe hơi. Tiền của họ không trên trời xuống, cũng chẳng dưới đất mọc lên, vậy tiền họ từ đâu chui ra?
Tiền đâu ra không ai biết. Nhưng ai cũng biết, nó chính là gốc của mọi bất hòa, nó là mầm họa mất đoàn kết trong nhà trường. Nó cũng là lý do để cấp trên bênh hiệu trưởng và cùng trù giáo viên.
Nhà trường là nơi dạy học sinh làm người. Thầy cô dạy học sinh sự trung thực và dạy học sinh lòng dũng cảm. Nhưng chính các thầy cô đang lam lũ tìm cách kiếm sống. Học sinh và phụ huynh thì oằn lưng vì sự kiếm sống đó của thầy cô. Hiệu trưởng và lãnh đạo, thì tìm mọi cách làm giàu từ nhà trường. Và họ phải tìm mọi cách bịt miệng người trung thực. Nhà trường, ngày càng hiếm thầy cô dám ngay thẳng, Những thầy giáo chân chính thẳng thắn, đang bị cô lập và trù úm. Hiệu trưởng và thầy cô trong cảnh quần ngư tranh thực như vậy, họ sẽ dạy được gì cho học sinh. Đó là lý do, để mọi sự cải cách, mọi sự đổi mới đều lâm vào ngõ cụt.
Và sự bế tắc của công cuộc đổi mới, lại làm cho tư duy của những người thầy giáo thêm cũ mòn. Chất lượng giảng dạy theo đó, xuống cấp nhanh chóng. Người có tài có đức ngày càng rời xa giáo dục. Người tâm huyết với nghề ngày càng ít hơn. Có người chán nản buông tay, có người mong tìm bến đậu khác, và có người đã tìm đến cái chết.
Tìm đến cái chết, nghĩa là đã mất lòng tin vào tất cả. Người dạy lẽ sống, lại tìm đến cái chết. Bi kịch này, cay đắng đến tột cùng. Bi kịch này, đã xảy ra với hai cô giáo, cô Nguyễn Thị Lan và cô Nguyễn Thị Hồng.
Dù chưa rõ nguyên nhân đích thực cái chết của hai cô giáo ấy. Dù có người muốn chứng minh, hai cô không bình thường. Dù có thể sẽ có kết luận, rằng các lãnh đạo hoàn toàn vô can.
Nhưng sự đau xót thì không che dấu nổi, sự thất bại thì không bào chữa nổi. Lấy gì để biện minh đây, khi chính người làm thầy phải tìm đến cái chết?
Người đã chết sẽ không nói gì, không hỏi gì nữa. Họ đã hỏi rất nhiều trước khi chết. Bằng cái chết đau đớn, họ đã gửi câu hỏi cuối cùng. Câu hỏi cuối cùng đó, họ gửi tới chính các lãnh đạo ngành giáo dục.
Xin các vị lãnh đạo hãy suy nghĩ và trả lời. Xin các vị tạm dừng nói đến những chuyện cao xa, khoan nói đến chuyện cải cách, đổi mới. Xin các vị tạm gác chuyện mấy mươi nghìn tỷ lại. Gác tất cả, để dành thời gian tìm hiểu cuộc sống của các thầy cô giáo. Và hãy làm phép so sánh cuộc sống của các thầy cô giáo, với cuộc sống của chính các vị.
Khi đó, chắc chắn các vị sẽ trả lời được: Vì sao cô giáo Nguyễn Thị Lan, cô giáo Nguyễn Thị Hồng đã phải tự tìm lấy cái chết.
Biết đâu, nhờ đó các vị sẽ giải được các bài toán của ngành giáo dục!