Hiện biên chế là chủ tịch Hiệp hội Phân tâm học lí thuyết (the Society for Theoretical Psychoanalysis) tại Ljubljana, đồng thời là Giám đốc của Viện nghiên cứu các vấn đề của khoa học Nhân văn tại Birkbeck (the Birkbeck Institute for the Humanities at Birkbeck), của Đại học London, song Žižek là giáo sư thỉnh giảng của rất nhiều trường đại học trên thế giới, đặc biệt ông thường xuyên tham gia thỉnh giảng ở nhiều trường Đại học lớn của Mĩ.
Chọn dịch bài diễn thuyết đường phố này của Žižek khi ông tham gia, cổ động và hướng dẫn cho phong trào Chiếm phố Wall (Occupy Wall Street), chúng tôi không chỉ nhằm cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc biết rõ hơn về phong trào biểu tình đang diễn ra rầm rộ ở Mĩ trong những ngày này, và đang lan rộng ra thành một phong trào lớn ở nhiều nơi trên thế giới; hơn thế nữa, chúng tôi có một ngầm ý khác, riêng trong lĩnh vực nghiên cứu văn học, văn hoá cũng như trong lĩnh vực lí thuyết nói chung. Đó là sự xuống đường của một lí thuyết gia, tưởng chừng chỉ hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn thuần tuý, trong những tháp ngà của lĩnh vực phân tâm học hay lí thuyết văn chương,… như lâu nay ta thường hình dung. Hành động này của Žižek không chỉ được lí giải bởi ông là một lí thuyết gia chính trị, nhiệt thành phê phán những mặt trái của chủ nghĩa tư bản. Nếu nhìn rộng hơn, chúng ta còn có thể quan sát thấy từ vài thập kỉ gần đây, ở phương Tây, đặc biệt là ở Mĩ, lí thuyết đã có bước chuyển đổi mạnh mẽ mang tính cách mạng về mặt hệ hình, vượt thoát ra khỏi chủ nghĩa cấu trúc – trào lưu mà ở một góc độ nào đó có thể bị “buộc tội” là đã khiến các nhà khoa học nhân văn, đặc biệt là các lí thuyết gia văn chương, tự nhốt mình trong cái tháp ngà hình thức, cấu trúc, phớt lờ việc liên hệ bản thân tác phẩm với hiện thực đời sống – để tiến tới hệ hình hậu cấu trúc ở đó nhiệm vụ của nhà phê bình không còn là dùng những quan niệm đang tồn tại của thiết chế cũ để tìm hiểu, áp đặt vào đối tượng, mà phải là tìm hiểu và giải phá cái thiết chế đó, tìm hiểu xem cơ chế nào đã vận hành để tạo nên các quan niệm đang hiển nhiên tồn tại và mặc nhiên được xem là chân lí bất biến. Đó cũng là lí do cho sự phát triển của nghiên cứu liên ngành với sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các trào lưu lí thuyết hậu thực dân (postcolonial theory), thuyết đồng tính (queer theory), nữ quyền luận (feminism),… Phê bình văn chương nghệ thuật giờ đây không chỉ đóng khung trong phạm vi văn chương nghệ thuật, mà phải được đặt trong bối cảnh chung để thấy nó tương tác, bị cấu thành bởi và tham gia cấu thành nên các thiết chế ý thức, xã hội khác như thế nào. Lấy một ví dụ nhỏ cho riêng trường hợp Žižek, phê bình bộ phim Avatar, không mải mê và chỉ dừng lại ở bình diện cấu trúc, nhà phê bình Žižek đi sâu tìm hiểu những dự đồ chính trị ẩn đằng sau mỗi chi tiết của bộ phim, khám phá và phơi bày cái chính trị thực dân của Hollywood ngầm ẩn đằng sau việc xây dựng kiểu mẫu người anh hùng cùng với cái hành động mang đầy tính đại nghĩa của anh ta, vạch trần mối liên hệ giữa việc một người hùng của hành tinh trái đất đã từ bỏ nhiệm vụ khám phá và khai thác tài nguyên để tự nguyện đứng về phía bộ lạc người da xanh, “bảo vệ” sự tồn tại của bộ lạc người da xanh ở cái hành tinh xa xôi đó, có liên hệ với các thực tại chính trị đầy cuồng nộ đang diễn ra trên chính trái đất như thế nào (Xem bài: “Sự trở về của những người bản địa (Slavoj Žižek bình luận về bộ phim Avatar),” Lê Nguyên Long dịch, đăng trên: http://khoavanhoc-ussh.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=670:s-tr-v-ca-nhng-ngi-bn-a-slavoj-iek-binh-lun-v-b-phim-avatar&catid=44:dich-thuat&Itemid=103).
Họ nói rằng tất cả mọi người đều là những người thua thiệt, nhưng những người thua thiệt thực sự là chúng ta. những người đang xuống đường ở phố Wall. Họ đã được giải cứu nhờ hàng tỉ đô của chúng ta. Chúng ta được gọi là những người theo chủ nghĩa xã hội, nhưng ở đây chỉ luôn có chủ nghĩa xã hội cho người giàu. Họ nói chúng ta không tôn trọng tài sản riêng tư, nhưng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, số tài sản riêng tư kiếm được một cách khó khăn đã bị hủy hoại nhiều hơn nếu so sánh thiệt hại của cuộc khủng hoảng đó với việc lúc đó tất cả chúng ta đã từng ở đây cả ngày lẫn đêm trong nhiều tuần lễ để tiến hành phản đối. Họ nói chúng ta là những kẻ mơ mộng. Những kẻ mơ mộng thực sự là những kẻ nghĩ rằng mọi điều có thể tiếp tục không biết đến bao giờ theo cách mà chúng đang tồn tại. Chúng ta không phải là những kẻ mơ mộng. Chúng ta là những người thức tỉnh khỏi một giấc mơ mà giờ đây, nó đã trở thành một cơn ác mộng.
Chúng ta không phá hủy bất kì điều gì. Chúng ta chỉ đang chứng kiến một hệ thống tự hủy hoại mình như thế nào. Tất cả chúng ta đều biết tới cảnh kinh điển trong những bộ phim hoạt hình. Con mèo trèo lên một cái vách đứng nhưng vẫn tiếp tục đi tiếp, phớt lờ một thực tế là đã chẳng còn gì ở phía dưới mặt đất cả. Nó đã bị ngã nhào đúng vào lúc nó nhìn xuống dưới và nhận ra điều đó. Đó chính là những điều đang diễn ra ở đây. Chúng ta đang nói với những quý ông trên phố Wall là: “Này, hãy nhìn xuống đi”.
Vào giữa tháng 4/2011, chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cấm phát các chương trình truyền hình, phim ảnh và tiểu thuyết mà ở đó, đề cập tới một hiện thực khác hay là một kiểu du hành thời gian. Đây là một dấu hiệu tốt cho Trung Quốc. Những người này vẫn còn mơ về những giải pháp để lựa chọn, bởi vậy họ mới phải cấm đoán việc mơ mộng này. Ở đây, chúng ta không cần một lệnh cấm nào bởi vì hệ thống cai trị thậm chí đã cưỡng chế cả khả năng mơ ước của chúng ta. Hãy nhìn những bộ phim mà chúng ta vẫn cứ xem miết hàng ngày. Thật dễ dàng để tưởng tượng ra kết cục của thế giới này. Một thiên thạch sẽ phá hủy toàn bộ sự sống và mọi thứ khác nữa. Nhưng chúng ta không thể hình dung nổi đoạn kết của chủ nghĩa tư bản.
Vậy chúng ta đang làm gì ở đây? Tôi sẽ nói cho các bạn nghe về một trò đùa cũ, rất tuyệt từ thời chủ nghĩa cộng sản. Một người đàn ông được gửi từ Đông Đức sang Siberia làm việc. Anh ta biết thư từ của mình sẽ bị những nhân viên kiểm duyệt đọc được, nên anh ta nói với những người bạn của mình rằng: “Chúng ta hãy tạo ra một mật mã. Nếu lá thư tôi gửi cho bạn được viết bằng mực xanh, điều đó có nghĩa điều tôi nói hoàn toàn là sự thực. Còn nếu nó được viết bằng mực đỏ, có nghĩa điều tôi nói là sai”. Sau một tháng, những người bạn của anh ta nhận được lá thư đầu tiên. Mọi thứ đều được viết bằng mực xanh. Lá thư viết: “Ở đây mọi thứ thật tuyệt vời. Những kệ hàng luôn đầy ắp những thực phẩm tươi ngon. Những rạp chiếu phim chiếu những bộ phim phương Tây tuyệt vời. Những căn hộ rộng lớn và sang trọng. Duy chỉ có một điều mà bạn không thể mua được, đó là mực đỏ”. Đó chính là cách mà chúng ta đang sống. Chúng ta có tất cả những quyền tự do mà chúng ta muốn. Nhưng điều mà chúng ta không có chính là mực đỏ: cái ngôn ngữ để nói trắng ra về tình trạng mất tự do của chúng ta. Cách mà chúng ta được dạy dỗ để nói về tự do - cuộc chiến chống khủng bố, v.v… - chỉ là sự bóp méo tự do mà thôi. Và đây là những điều mà các bạn đang làm ở đây. Các bạn đang đem mực đỏ cho tất cả chúng ta. Song, có một mối hiểm nguy. Đừng thỏa mãn với bản thân. Chúng ta có một khoảng thời gian tốt đẹp ở đây. Nhưng hãy nhớ, những lễ hội rồi cũng trở nên tẻ nhạt. Vấn đề là những ngày sau đó, khi chúng ta trở về với cuộc sống thường nhật. Liệu sẽ có bất kì một sự thay đổi nào sau đó không? Tôi không muốn bạn nhớ những ngày này, bạn biết đấy, theo kiểu: “Ồ, hồi đó chúng tôi còn trẻ và quãng thời gian đó thật tuyệt vời biết bao”. Hãy ghi nhớ rằng thông điệp cơ bản của chúng ta là “Chúng ta được phép suy nghĩ về những đổi thay”. Nếu nguyên tắc bị phá vỡ, chúng ta sẽ không được sống trong một thế giới tốt nhất có thể. Nhưng phía trước là một con đường dài. Chúng ta sẽ phải đối diện với những câu hỏi thực sự nan giải. Chúng ta biết rõ những điều chúng ta không mong muốn. Vậy chúng ta mong muốn điều gì? Thiết chế xã hội nào có thể thay thế chủ nghĩa tư bản? Mô hình những nhà lãnh đạo mới mà chúng ta trông đợi là gì?
Hãy nhớ. Vấn đề không phải là chuyện tham nhũng hay lòng tham. Vấn đề là hệ thống. Nó ép buộc chúng ta phải tham nhũng. Phải ý thức được rằng không chỉ kẻ thù, mà còn có những người bạn giả dối cũng đang tham gia vào việc che mờ đi quá trình này. Cũng giống như cách mà các bạn uống cà phê mà không có chất caffeine kích thích, bia không cồn, kem không chất béo, họ sẽ cố gắng biến tiến trình này trở thành một sự phản kháng mang tính đạo đức và vô hại. Một tiến trình đã bị tẩy lọc hết chất kích thích. Nhưng lí do mà chúng ta ở đây là chúng ta đã có một thế giới nơi mà chúng ta cảm thấy thỏa mãn với việc tái chế một lon Coca, với việc bỏ 2$ cho hoạt động từ thiện, hoặc việc mua một ly cà phê cappuccino hiệu Starbucks là góp 1% tiền mua sản phẩm để cứu đói cho trẻ em ở thế giới thứ ba. Đằng sau công nghệ đập bẹp và gia công tái chế vật liệu, đằng sau hoạt động của những công ti môi giới mà hiện nay đang gia công cả đời sống tình ái của chúng ta, chúng ta có thể nhìn thấy rằng, trong một thời gian dài, chúng ta đã để cho những ràng buộc chính trị của chúng ta cũng bị gia công gọt đẽo. Chúng ta muốn nó trở lại.
Chúng ta không phải là những người cộng sản chủ nghĩa của cái hệ thống chủ nghĩa cộng sản mà đã sụp đổ vào năm 1990. Hãy nhớ rằng giờ đây, những người cộng sản đó chính là những nhà tư bản năng động nhất, tàn nhẫn nhất. Chủ nghĩa tư bản ở Trung Quốc ngày nay thậm chí còn năng động hơn cả chủ nghĩa tư bản Mĩ của chúng ta mà không hề cần tới nền dân chủ. Điều đó có nghĩa là khi chúng ta chỉ trích chủ nghĩa tư bản, hãy đừng để bản thân mình bị vu cáo là những kẻ chống lại nền dân chủ. Cuộc hôn nhân giữa nền dân chủ và chủ nghĩa tư bản đã kết thúc. Sự thay đổi là khả thi.
Vậy điều khả thi của ngày hôm nay là gì? Hãy theo dõi phương tiện truyền thông. Một mặt, trong công nghệ và tình dục, mọi thứ dường như đều có thể. Bạn có thể du hành tới mặt trăng, bạn có thể trở nên bất tử nhờ ngành di truyền sinh học, bạn có thể quan hệ tình dục với động vật hoặc bất cứ thứ gì, nhưng hãy nhìn sang lĩnh vực xã hội và kinh tế. Ở đây, hầu như mọi thứ đều được coi là bất khả. Các bạn muốn tăng một chút thuế cho người giàu. Họ nói với các bạn rằng điều đó là không thế. Chúng ta đã mất khả năng cạnh tranh. Các bạn muốn dành nhiều tiền hơn cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, họ nói với các bạn rằng: “Không thể được. Điều đó đồng nghĩa với một chế độ toàn trị”. Có một vài điều sai lầm trong thế giới này, nơi mà bạn được hứa hẹn sẽ trở nên bất tử nhưng không thể được dành nhiều tiền bạc hơn cho việc chăm sóc sức khỏe. Chúng ta mong muốn có một mức sống tốt hơn. Khía cạnh duy nhất mà chúng ta giống với những người cộng sản là chúng ta quan tâm tới quyền lợi chung. Quyền lợi chung về tự nhiên. Quyền lợi chung về việc tư hữu hóa bằng tài sản trí tuệ. Quyền lợi chung của di truyền sinh học. Vì điều này, và chỉ vì điều này, chúng ta phải đấu tranh.
Chủ nghĩa cộng sản đã thất bại hoàn toàn, nhưng những vấn đề về quyền lợi chung vẫn còn tồn tại. Họ nói rằng ở đây chúng ta không phải là người Mĩ. Tuy nhiên những người bảo thủ và chính thống luận, những người khẳng định rằng họ mới thực sự là người Mĩ, phải được nhắc nhở một vài điều: Đạo Cơ đốc là gì? Đó là một tinh thần thần thánh. Tinh thần thần thánh nghĩa là gì? Đó nghĩa là một cộng đồng bình đẳng của các tín hữu, những người được kết nối bằng tình yêu đối với đồng loại, và họ có được tự do và sự tôn trọng chỉ để làm điều đó. Theo nghĩa này, tinh thần thần thánh đang hiện diện ở đây, ngay lúc này. Và trên phố Wall, có những người ngoại giáo đang thờ phụng những tượng thờ đầy báng bổ. Bởi vậy tất cả những gì chúng ta cần là kiên nhẫn. Điều duy nhất tôi lo ngại là một vài ngày nữa, chúng ta sẽ trở về nhà, khoảng một năm sau chúng ta gặp lại nhau, uống bia và nhớ lại một cách đầy hoài niệm: “Đó là quãng thời gian tươi đẹp mà chúng ta đã có ở đây.” Hãy hứa với bản thân các bạn rằng điều này sẽ không nằm trong trường hợp đó. Chúng ta biết rằng mọi người thường xuyên khao khát một điều gì đó nhưng không thực sự mong đợi chúng. Đừng e ngại việc thực sự mong đợi điều mà bạn khao khát. Cảm ơn các bạn rất nhiều.
Hà Nguyễn dịch