Khách mời văn hóa
Hướng đến các sinh hoạt văn hoá Tết đậm đà phong vị dân gian để tạo điều kiện và thu hút mọi người cùng tham gia
VHNA: Nhân dịp kết thúc năm cũ, năm con trâu 2009 và chuẩn bị đón tết nguyên đán Canh Dần 2010, phóng viên VHNA đã có cuộc tiếp xúc trao đổi với ông Nguyễn Công Nhuần - Phó Giám đốc sở VH, TT & DL Nghệ An xung quanh tình hình đời sống văn hoá của tỉnh nhà trong năm qua và việc tổ chức đón Tết Canh Dần. Xin giới thiệu cùng bạn đọc một số nội dung cuộc trao đổi này.
Ông đánh giá như thế nào về đời sống văn hoá của tỉnh nhà trong năm qua?
Ông Nguyễn Công Nhuần: Tôi nghĩ là đời sống văn hoá, diện mạo và khí sắc văn hoá của tỉnh nhà trong năm qua khá sôi động và khởi sắc. Trước tiên hãy nói về các hoạt động văn hoá chuyên nghiệp. Trong năm qua, trên địa bàn cả tỉnh, các hoạt động văn hoá, cả thể dục thể thao và du lịch nữa với tư cách là một hoạt động có ý nghĩa văn hoá, đã có nhiều hoạt động sôi nổi. Liên hoan âm nhạc khu vực Bắc miền Trung, Hội diễn ca - múa - nhạc chuyên nghiệp tòan quốc, các giải thể thao chuyên nghiệp toàn quốc…đã tạo điều kiện cho công chúng tỉnh nhà được hưởng thụ các giá trị, các sản phẩm văn hoá ở trình độ cao. Vấn đề quan trọng và có ý nghĩa nhất là qua đó đã góp phần đem lại cho công chúng những định hướng thẩm mỹ nói riêng, giá trị văn hóa nói chung. Mặt khác các hoạt động này còn có ý nghĩa thúc đẩy các hoạt động chuyên nghiệp của chúng ta phát triển hơn, chuyên nghiệp hơn.
Nhưng điều quan nhất, đó là đời sống văn hoá, thể thao và các hoạt động du lịch của đồng bào ở cơ sở. Tôi xin nói thêm một tý ở chỗ này. Tôi quan niệm tham gia các hoạt động du lịch, kể cả là hưởng thụ các sản phẩm du lịch và kinh doanh du lịch đều có ý nghĩa văn hoá. Anh tham quan một di tích lịch sử văn hoá, một danh thắng thì đương nhiên đó là một hành vi văn hoá, một hoạt động văn hoá. Còn chị kinh doanh du lịch, bán các sản phẩm du lịch, ngoài ý nghĩa kinh tế, ở đây còn có yêu cầu cao về văn hoá, và nó phải hàm chứa được các yếu tố, các giá trị văn hoá.
Trở lại vấn đề, rõ ràng là đời sống văn hoá cơ sở trong năm qua có nhiều chuyển biến, phong phú hơn, đa dạng hơn, tính tự giác cao hơn. Ngay từ dịp đầu năm, khắp nơi trong tỉnh đã sôi nổi các hoạt động văn hoá, thể thao mừng Đảng, mừng xuân. Rồi tiếp đó là các lễ hội. Trong những năm qua, nhiều lễ hội cổ truyền đã được phục hồi, không chỉ ởp miền xuôi mà cả ở miền ngược. Chỉ trong vòng có vài ngày mà có tới mấy lễ hội lớn như hội đền Vua mai, hội đền Cờn, hội đền Bạch Mã, hội đền Chín gian. Lễ hội cổ truyền phục hồi là dấu hiệu tốt của việc chấn hưng các giá trị truyền thống, làm sống lại các giá trị cổ truyền trong đời sống đương đại, góp phần quan trọng tạo nên một không gian văn hoá và đời sống tinh thần cởi mở và phong phú của cộng đồng. Bên cạnh đó, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá tiếp tục phát triển về chiều sâu, chất lượng phong trào, hiệu quả xã hội được nâng cao. Trong năm qua chúng ta đã tiến hành tổng kết 20 năm xây dựng làng văn hoá, không chỉ tôn vinh thành tích đã đạt được mà cái chính là rút ra được nhiều kinh nghiệm quý để tiếp tục duy trì và phát triển phong trào với chất lượng ngày càng cao hơn.
Cùng với sự phát triển ổn định của nền kinh tế, trong năm qua tỉnh và các huyện, các xã đã ưu tiên cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các hoạt động văn hoá thể tthao ở cơ sở. Nhờ đó thiết chế văn hoá cơ sở đã được củng cố và hoàn thiện thêm một bước đáng kể, cả về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, cơ chế vận hành và các hoạt động.
Có cái gì mới trong đời sống văn hoá cộng đồng trong thời gian gần đây không thưa ông?
Ông Nguyễn Công Nhuần: Tôi nghĩ là có. Văn hoá luôn vận động để sáng tạo ra các giá trị mới nhằm đáp ứng cho sự tồn tại và phát triển của các cộng đồng. Tôi thấy ở các địa phương đã có nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá phong phú hơn trước. Ở huyện Con Cuông, trong năm vừa qua đã ra đời hàng mấy chục câu lạc bộ dân ca và sinh hoạt rất đều đặn đã thực sự làm thay đổi đời sống văn hoá văn nghệ ở các bản làng. Hay như trong năm vừa rồi đã có rất nhiều các di tích lịch sử văn hoá được ngươpì dân chủ động tổ chức tôn tạo hoặc phục dựng làm cho đời sống văn hoá và tâm linh của các cộng đồng dân cư phong phú và bình an hơn. Đó chỉ là một vài ví dụ, ngoài ra còn rất nhiều cái mới khác nữa mà chúng ta không thể thống kê được. Sự vận động và sáng tạo của nhân dân là vô cùng, vô tận. Vấn đề đặt ra là chúng ta hướng dẫn và chỉ đạo như thế nào để sự vận động đó đúng hướng, đúng quy luật và đem lại hiệu quả xã hội cao, sâu sắc. Rất cần đề phòng và tránh những cái mới kệch cỡm, đua đòi không phải lối. Ví như trong việc cưới trong thời gia vừa qua chẳng hạn. Có cán bộ cưới vợ cho con mà mời đến cả nghìn thực khách thì quá to, quá lớn, là vượt cả phô trương hình thức… Rồi trong việc tổ chức các lễ hội cũng vậy. Vẫn còn những nơi do không tìm hiểu nghiên cứu kỹ càng nên bắt chước một cách vô lối, phần nhiều là sân khấu hoá một cách quá mức, làm cho lễ không còn lễ, hội cũng nhạt nhoà, nơi nào cũng giống nhau, mấy môn thể thao, mấy dãy hàng quán…
Liệu có những cái mới trở thành giá trị không?
Ông Nguyễn Công Nhuần: Về nguyên lý, không hẳn cái mới đã là hữu ích và trở thành giá trị. Bàn về giá trị là một công việc đòi hỏi phải công phu và có thời gian. Ở đây tôi chỉ đưa ra một vài ví dụ để nói về tính hiệu quả của những cái mới trong các hoạt động văn hoá, thể thao, và du lịch trong năm qua. Ví dụ như chúng ta chuẩn bị phục dựng lại chùa Đại Tuệ trên núi Đại Huệ đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm hưởng ứng. Rồi Đại hội các dân tộc thiểu số ở các huyện và ở tỉnh đã làm cho bà con rất phấn khởi, thêm tin tưởng vào đảng, vào chính phủ, làm sôi động đời sống văn hoá tinh thần của các bản mường. Tất cả những hoạt động đó đèu là mới và đều có hiệu quả xã hội rất thiết thực, rất sâu sắc. Tôi nghĩ đó là giá trị, là các giá trị của những cái mới.
Có người nói trong thời buổi thị trường và giao lưu rộng rãi như ngày nay rất dễ dẫn đến xô bồ tạp nham, nhất là đối với lớp trẻ vì họ chưa đủ tri thức, kinh nghiệm và bản lĩnh khi tiếp xúc và tiếp thu cái mới. Và cứ vậy sẽ thật là khó khi thực hiện bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống. Ông có bình luận gì về ý kiến này khi nhìn từ thực tiễn ở Nghệ An?
Ông Nguyễn Công Nhuần: Về cơ bản tôi đồng tình với ý kiến đó. Tuổi trẻ luôn hiếu động, nhạy cảm, thích cái mới nhưng do chưa có kinh nghiệm và chưa đủ bản lĩnh nên thường thái quá, dễ sai định hướng. Song từ thực tiễn chúng tôi thấy rằng cuộc sống xã hội, đời sống văn hoá cũng phải liên tục vận động, luôn tục đổi mới để đào thải những gì không còn phù hợp, những gì ngăn cản sự tiến bộ, phát triển và kiến tạo những hình thức mới, những giá trị mới. Mà điều này, theo tôi nghĩ, năng lực sáng tạo, sự nhanh nhạy của tuổi trẻ sẽ có khả năng đáp ứng cao, sẽ có ích rất lớn đối với xã hội.
Trong năm vừa qua chúng ta đã tổ chức tổng kết 20 năm phong trào xây dựng làng văn hoá. Ông thấy làng, nông thôn, nông dân, dân cư của làng bây giờ có gì khác và mới hơn so với khoảng chục năm trước?
Ông Nguyễn Công Nhuần: Tôi thấy nông thôn, làng xã của chúng ta đã có nhiều đổi mới so với trước đây. Tôi chỉ so sánh với nông thôn trước khi có phong trào xây dựng làng văn hoá thôi cũng đã khác trước, đã đổi mới rất nhiều. Thứ nhất là đời sống kinh tế đã phát triển hơn rất nhiều, người đói hầu như không còn, người có thu nhập cao nhiều hơn; Thứ hai, dân trí cao hơn nhờ có sự nghiệp giáo dục phát triển; Thứ ba, thông tin nhiều hơn, giao lưu rộng rãi hơn, đa diện hơn, sâu sắc hơn với bên ngoài, cả kinh tế và văn hoá…; Thứ tư, quan hệ cộng đồng làng xã dân chủ hơn, cởi mở hơn; Thứ năm, cảnh quan làng đổi thay nhiều, đẹp hơn lên cũng có, xô bồ hơn cũng có nhưng phần lớn giao thông thuận tiện hơn trước rất nhiều. Thứ sáu, có nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá mới nhưng hình như chưa thật “nhuyễn” với cộng đồng trong lúc đó nhiều hình thức sinh hoạt cổ truyền hoặc đã được hình thành, xác lập từ trước không được duy trì nên ít nhiều vẫn có những khoảng trống trong sinh hoạt cộng đồng.
Văn hoá làng là không bất biến. Vậy trong những năm qua nó vận động và phát triển như thế nào?
Ông Nguyễn Công Nhuần: Từ nhận thức thực tiễn tôi thấy văn hoá làng là văn hoá của những người nông dân, của dân cư làng. Từ các đặc điểm về môi trường sinh thái, môi trường nhân văn xã hội, sinh hoạt kinh tế, quan hệ cộng đồng mà cư dân làng có các quan hệ ứng xử với thế giới xung quanh, với chính các thành viên trong nội bộ cộng đồng của mình. Trong quá trình quan hệ tương tác đó họ có nhận thức riêng về bản thân, về thế giới xung quanh và đã tạo nên các giá trị, các truyền thống, tập quán…riêng của mình. Đó chính là văn hoá làng. Tất nhiên đây chỉ là một cách hiểu từ thực tiễn và chiêm nghiệm của bản thân, không xuất phát từ các lý thuyết văn hoá học. Trở lại vấn đề, tôi thấy cùng với sự vận động phát triển của chính trị, kinh tế, văn hoá làng trong hai mươi năm qua đã có sự vận động rất nhanh, rất toàn diện. Những cái mới, cái khác mà tôi vừa nói ở trên chính là két quả của sự vận động đó.
Nó vận động như thế nào ư? Tôi thấy cơ bản là đúng định hướng mà Đảng ta đã xác định. Đó là tiếp thu cái mới tiến bộ đồng thời với bảo tồn các giá trị truyền thống, bản sắc để thúc đẩy xác lập các giá trị mới. Tuy nhiên, mặt khác, ở không ít nơi, văn hoá làng đã bị phá cho nham nhở, nhất là khu vực ven đô thị và nơi có tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá nhanh. Gần tết nguyên đán rồi, nếu để ý thì chúng ta sẽ thấy rõ ràng nhất về văn hoá làng qua cái tết này từ phong tục tập quán mới và cũ đến các thị hiếu, cách thẩm nhận văn hoá từ cái ăn đến cái mặc, từ lời chào đến cách xưng hô, từ nghe nhạc đến xem tranh. Mới và cũ, cũ và mới đan xen vào nhau trong đời sống của cư dân làng. Nhưng tôi cho rằng đây là thời xuất hiện những yếu tố mới và nó sẽ dần ổn định để trở thành những giá trị mới của văn hoá làng, cho những người dân làng.
Và ông bình luận gì về ý kiến cho rằng với tốc độ đô thị hoá như hiện nay cách thức quản lý như hiện nay, nếu không có sự nghiên cứu để điều chỉnh thì chẳng bao lâu nữa sẽ chẳng còn làng và phố cũng không thành phố. Và nông dân không còn là nông dân và thị dân cũng chưa có với đúng nghĩa của nó với tư cách là chủ nhân/chủ thể của văn hoá đô thị?
Ông Nguyễn Công Nhuần: Quả là có hiện tượng đó thật. Nhưng trước tiên tôi nghĩ rằng việc đô thị hoá là một quy luật của sự phát triển. Mà đã là quy luật, là xu thế tất yếu thì không thể cưỡng được. Nếu có biện pháp nào đó ngăn cản lại thì tất sẽ dẫn đến loạn nhịp phát triển, sẽ có rất nhiều điều tệ hại xảy ra. Ở đây tôi chỉ quan tâm nhất là nếu cứ đưa cái cung cách làm ăn, sinh hoạt ở nông thôn của người nông dân vào trong lao động công nghiệp ở thành thị thì thật đáng sợ vì nó hoàn toàn không phù hợp. mà cái đó ở ta đang nhiều lắm. Nó tồn tại ngay trong cách sống, cách ứng xử, cách làm việc của các cán bộ, công chức, viên chức. Cái nếp sống nhà quê không thể phù hợp với tính chất và nhịp độ làm việc công nghiệp được. Tôi đồng tình với ý kiến gần đây của một đồng chí lãnh đạo cấp tỉnh là sở dĩ xếp hạng cạnh tranh năng lực hấp dẫn đầu tư của tỉnh ta thấp có một phần là vì cái cung cách làm việc trì trệ, chậm chạp, thậm chí quan liêu kiểu hương lý hồi xưa.
Tết đến, ông mong nhất điều gì nhất?
Tôi mong ngành ta cùng với các ngành, các địa phương tổ chức được nhiều các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đượm chất dân gian cổ truyền để cho nhân dân tham gia đông đảo và vui vẻ nhất. Mọi người cùng vui vẻ tham gia các sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Tết là của muôn nhà. Muôn nhà cùng vui. Muôn nhà cùng lo. Muôn người cùng nhớ và chung tay lo giúp người nghèo cùng được vui tết. Muôn nhà cùng hưởng sự ấm áp của mùa xuân và sự chăm lo của xã hội, của Đảng và Nhà nước trong tình thân ái, bao dung.
Không phải là người quá ư hoài cổ nhưng tôi vẫn nhớ và ao ước một không khí tết, một không gian tết ngày xưa, khi tôi còn bé. Một không gian đầm ấm, vui tươi. Cảnh trời và tình người tràn ngập tình thân ái, dân giã chân thành nhưng sâu sắc, từ trong mỗi lời ăn tiềng nói tuy mộc mạc nhưng ẩn chứa rất nhiều giá trị nhân văn và kỳ vọng vào tương lai. Không như bây giờ, ồn ào và thực dụng quá, kể cả lớp người trẻ.
Ông Nguyễn Công Nhuần: Tôi cũng nghĩ vậy. Có lẽ đó là cái giá phải trả cho cơ chế thị trường chưa ổn định, chưa thành nề nếp và sự giao lưu xô bồ hiện nay.
Vậy ông lo về điều gì nhất?
Ông Nguyễn Công Nhuần: Tôi nghĩ nhiều và tôi lo về sự lai căng đua đòi thiếu chọn lọc của một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ. Mỗi dịp tết là một lần lo chuyện rượu chè, hút xách, đua xe máy, gây gổ, xô xát…
Trở lại với công việc của ngành chúng ta trong dịp tết nguyên đán sắp tới, ông có thể cho biết kế hoạch và việc triển khai phục vụ đồng bào như thế nào?
Ông Nguyễn Công Nhuần: Ngành văn hoá, thể thao và du lịch đã có một kế hoạch khá toàn diện từ cách đây hơn một tháng để chỉ đạo và triển khai kế hoạch phục vụ tết gắn với kỷ niệm ngày thành lập Đảng. Theo đó, chúng tôi quan tâm nhiều đến việc tuyên truyền, cổ động, cố gắng tạo nên một không gian đậm đà chất xuân, vui tươi, ấm áp. Cố gắng để tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá, chú trọng đến các sinh hoạt văn hoá cộng đồng đậm đà phong vị dân gian để tạo điều kiện và thu hút đông đảo các thế hệ cùng tham gia. Bên cạnh đó, chúng tôi gắn với việc chuẩn bị cho sinh hoạt văn hoá tâm linh của đồng bào trong dịp lễ hội đầu xuân. Các di tích lịch sử văn hoá, các điểm du lịch đã chuẩn bị chu đáo để đón và phục vụ khách tham quan.
Xin cảm ơn và chúc ông có một cái tết thật vui vẻ.
Phan Thắng(Thực hiện)
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Thống kê truy cập
114511033
Hôm nay
232
Hôm qua
2359
Tuần này
21407
Tháng này
217906
Tháng qua
121356
Tất cả
114511033