Về chữ nghĩa và văn bản của bài thơ, đã có một dạo, khoảng những năm 1979 - 1982,… nhiều học giả đi sâu tìm hiểu, thậm chí tranh luận với nhau về ý nghĩa của nhiều con chữ : Nam quốc, Nam đế, tiệt nhiên, định phận, nghịch lỗ,… và các câu thơ, nhất là câu thơ thứ tư : "Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư" !([2]), v.v. Việc thảo luận mang tính chất học thuật, tuy không có bài bản tổng kết, nhưng với những phân tích, lý giải tinh tế và xác đáng của nhiều nhà nghiên cứu, nhận thức, cảm thụ về nội dung, nghệ thuật qua từng câu chữ cụ thể của bài thơ, đã có phần nâng cao thêm, và chưa thấy có sự di dâu vào văn bản học của tác phẩm, lĩnh vực có khả năng khơi mở nhiều tìm tòi mới mẻ. Hầu hết các bài viết đều lấy văn bản bài thơ từ Đại Việt sử ký toàn thư, với những lời dịch chú đại đồng tiểu dị, được in ấn trong các bộ sách lớn : Hợp tuyển thơ văn Việt Nam([3]), Thơ văn Lý - Trần([4]),…
Phải đến năm 1986, trong một tiểu luận khoa học nhan đề Thử xác lập văn bản bài thơ "Nam quốc sơn hà"([5]), Giáo sư Trần Nghĩa mới đi sâu vào văn bản bài thơ. Trong bài viết rất mực công phu ấy, sau khi đưa ra năm biểu bảng thống kê và tổng hợp những biến động của các chữ trong từng câu thơ, trên 26 dị bản của ba nhóm loại tư liệu, Giáo sư Trần Nghĩa đã đưa ra kết luận : "Tóm lại, trong đời sống xã hội của nó, bài thơ mà chúng ta đang theo dõi không ngừng được sửa sang, không ngừng được tái tạo,… và chưa bao giờ thật sự định hình". Vì thế, Giáo sư đã xác lập một văn bản, dựa vào phương thức định lượng : chọn một bài thơ những chữ có tần số xuất hiện lớn nhất qua các biểu bảng thống kê, tổng hợp, riêng câu thứ tư thì phải lấy câu thơ bào phù hợp với mối quan hệ giữa nội dung và xuất xứ bào thơ. Và, đây là văn bản bài thơ được xác lập :
Nam quốc sơn hà, Nam đế cư,
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư !
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm ?
Nhất trận phong ba tận tảo trừ !
Tạm dịch :
Non nước phương Nam, vua Nam quản,
Rành rành định phận tại sách trời !
Cớ sao giặc nghịch sang xâm phạm ?
Gió mây một trận quét tơi bời !
Theo Giáo sư Trần Nghĩa, so với bài thơ quen dùng, văn bản mới này có hai điểm khác. Một là thay "định phận" bằng "phân định", để nói rõ sự phân chia đã ổn định, không nên thay đổi nữa, vả lại thay như thế thì niêm luạt phù hợp hơn, âm điệu hay hơn. Hai là câu thơ thứ tư : "Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư", được thay bằng : "Nhất trận phong ba tận tảo trừ", là để nhất quán với đối tượng tác động là quân ta chứ không là quân địch([6]). Hai thay đổi này thực ra cũng còn có điều cần bàn thêm. Giữa "phân định" và "định phận" về từ ngữ văn bản([7]), và phải có nhất thiết thay đổi câu thứ tư, khi qua các văn bản, vẫn tồn tại đan xen cách nói như thế của thần, một cách tuyên ngôn chân lý, không cần phân biệt rạch ròi là nói với ta hay nói với địch. Vì vậy, vẫn nên coi văn bản quen dùng, được in ấn ở những bộ sách lớn và các loại sách giáo khoa từ phổ thông đến đại học hiện nay, vốn lấy từ Đại Việt sử ký toàn thư (xem trích dẫn ở dưới) nhưng đảo cụm từ phan định thành định phận, là văn bản tương đối chuẩn.
Vấn đề cấp thiết hơn với bài thơ Nam quốc sơn hà, có lẽ lại là vấn đề tác giả và từ đó là vấn đề thời điểm xuất hiện của bài thơ.
Theo điều tra văn bản của Giáo sư Trần Nghĩa trong bài báo đã dẫn, hiện có tới 26 văn bản bài thơ Nam quốc sơn hà. Tạp chí Hán Nôm, số 2 - 1993, trong bài : Tư kiệu Hán Nôm ở huyện Tiên Sơn, Thuận Thành và thị xã Bắc Ninh, tỉnh Hà Bắc, Lâm Giang cung cấp thêm một văn bản bài thơ Nam quốc sơn hà khắc trên biển gỗ trong đền thờ thánh Trương Hống, Trương Hát ở Phù Khê, Tiên Sơn, Hà Bắc. Tạp chí Hán Nôm, số 3 - 1993, trong bài Bài thơ "Nam quốc sơn hà" đọc và hiểu từ một dị bản mới phát hiện, Dương Thái Minh lại đưa thêm một văn bản bài thơ Nam quốc sơn hà lấy ở thần phả đền thờ thần xã Hoà Long, Yên Phong, Hà Bắc. Ngoài 28 văn bản bài thơ Nam quốc sơn hà đã có này, chắc chắn còn nhiều dị bản khác của bài thơ mà ta chưa sưu tập hết.
Tuy nhiên, chỉ cần non 30 văn bản bài thơ, nằm trong nhiều chủng loại tư liệu khác nhau, đã thấy có hai vấn đề cần xem lại : tác giả đích thực và thời điểm xuất hiện của bài thơ.
Về xuất xứ, có văn bản ghi thần đọc thơ giúp Lê Hoàn chống Tống, có văn bản ghi thần đọc thơ giúp Lý Thường Kiệt chống Tống, lại có văn bản ghi thần đọc thơ giúp cả Lê Hoàn và Lý Thường Kiệt chống Tống. Xin dẫn ra đây tư liệu ghi về hiện tượng âm phù này trong Đại Việt sử ký toàn thư([8]). Năm 1076, quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy, kéo sang xâm lược nước ta. Vua sai Lý Thường Kiệt đem quân chặn giặc trên dọc phòng tuyến sông Như Nguyệt (tức sông Cầu, nay thuộc Yên Phong, Hà Bắc), quân địch bị đánh bại, chết hơn ngàn người. "Người đi thuyền truyền rằng Thường Kiệt làm hàng rào theo dọc sông để cố thủ. Một đêm quân sĩ chợt nghe ở trong đền Trương tướng quân có tiếng ngâm to rằng :
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm ?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư !
Dịch nghĩa :
Sông núi nước Nam hoàng đế nước Nam ở,
(Ranh giới) đã phân định rạch ròi ở sách trời.
Sao quân giặc (kia dám) đến xâm phạm ?
Bọn bay cứ thử xem, sẽ chuốc lấy bại vong !
Sau đó quả nhiên như thế"([9]).
Trương tướng quân ở đây là hai anh em Trương Hống, Trương Hát, còn gọi là Đức thánh Tam Giang, thần sông Như Nguyệt, là hai viên tướng đã từng chiến đấu dưới ngọn cờ yêu nước của Triệu Quang Phục. Nhớ ơn Trương Hống, Trương Hát, nhân dân lập đền thờ ven sông Cầu và sông Thương.
Như vậy, tư liệu lịch sử đáng tin cậy trong Đại Việt sử ký toàn thư, đề cập tới hiện tượng âm phù này theo "người đời truyền rằng", tức "tục truyền", cũng giống như "tương truyền" trong Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ. ở đây chỉ nói rõ thời điểm xuất hiện bài thơ, không hề nói đến tác giả đích thực của bài thơ. Lý Thường Kiệt chỉ là tướng được âm phù, không phải là tác giả bài thơ.
Loại văn bản ghi thần đọc thơ giúp Lê Hoàn chống Tống như sách Lĩnh Nam chích quái : Năm 981, Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng cầm đầu đạo quân xâm lược nước Nam. Đến sông Đại Than (gần sông Cầu, sông Thương), hai bên đối luỹ cùng cầm cự với nhau. Lê Đại Hành được mộng báo của thần Trương Hống, Trương Hát : "Nay quân Tông phạm cõi, làm khổ sinh linh nước ta, cho nên anh em thần đến yết kiến, xin nguyện cùng nhà vua đánh giặc để cứu sinh linh". Canh ba đêm sau, trời tối đen, mưa to gió lớn đùng đùng… hai đạo âm binh áo trắng, áo đỏ cùng xông vào trại giặc mà đánh. Quân Tống kinh hoàng. "Thần nhân tàng hình ở trên không, lớn tiếng ngâm rằng :
Nam quốc sơn hà, Nam đế cư,
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư.
Như hà Bắc lỗ lai xâm phạm ?
Bạch nhận phiên thành phá trúc dư.
Dịch nghĩa :
Non sông nước Nam, vua Nam ở,
Điều ấy đã định rõ trong sách trời.
Cớ sao giặc Bắc sang xâm lược,
Bay sẽ bị lưỡi gươm sắc chém tan như chẻ tre.
Quân Tống nghe thấy, xéo đạp vào nhau mà chạy tan… Đại Hành trở về ăn mừng, phong thưởng công thần, truy phong cho hai vị thần nhân, sai dân phụng thờ, hưởng huyết thực đời đời"([10]).
Đây là loại văn bản lấy ra từ truyện ký, nói rõ thời điểm xuất hiện (năm 981), viên tướng được âm phù (Lê Đại Hành) và tác giả đích thực (thần Trương Hống, Trương Hát), của bài thơ.
Một số văn bản thì lại ghi thần đọc thờ giúp cả Lê Hoàn, cả Lý Thường Kiệt. Trương tôn thần sự tích ghi bài thơ này đã được thần sông Như Nguyệt đọc lên hai lần để giúp vào việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, một lần giúp Lê Hoàn (981) và một lần giúp Lý Thường Kiệt (năm 1076).
Qua một số tư liệu đã trình bày trên đây có thể thấy, bài thơ Nam quốc sơn hà được lấy ra từ những "tục truyền", "tương truyền" do các sử gia ghi lại (như Đại Việt sử ký toàn thư), từ các dị bản thần phả, sự tích ở nhiều đền miếu (như Trương tôn thần sự tích), từ các tập truyện ký viết về các thần linh vốn được dân ta thờ cúng (như Việt điện u linh), hoặc ghi chép những truyền thuyết và truyện cổ tích nước nhà (như Lĩnh Nam chích quái),... Hầu hết các văn bản này đều có tính chất dân gian, với đặc trưng tập thể và truyền miệng, đòi hỏi có văn bản "thật sự định hình" là khó. Vì vậy việc tìm hiểu, phân tích, lý giải các văn bản này, cần xét đến tính chất đặc thù ấy.
Về mặt thời điểm xuất hiện chẳng hạn. Đây là một tác tập thể, xuất hiện vào những thế kỷ đầu của nền tự chủ. Chủ đề của bài thơ phù hợp với tinh thần khẳng định nền tự chủ vừa mới giành được, chống sự tái thôn tính của các đế chế phương Bắc. Thi pháp của bài thơ là lối hịch – thơ, phát biểu một chân lý : giản dị, thiêng liêng, minh xác, nghiêm khắc, với lớp từ ngữ chính luận đanh thép, dõng dạc. Nên trả lại bài thơ về thời điểm xuất hiện của nói, có thể là trước cả năm 981 chứ không phải chỉ trước năm 1076. Và như thế thì có thể xem đây là một trong những tác phẩm văn học xưa nhất. Văn học viết ngay từ khi xuất hiện đã có những tác phẩm hoà đậm tính dân tộc, tính dân gian, tính bác học là như thế. Loại văn bản có tính chất như vậy cũng không hiếm thấy. Lý Phục Man, tướng của Lý Nam Đế đem quỷ binh giúp ngầm Ngô Tiên chủ đánh Nam Hán, Lê Đại Hành đánh Tống và còn để lại một bài thơ trong mộng ảo của Lý Thái Tổ([11]). Ba vị thần đền Đào Xá (Thanh Thuỷ – Phú Thọ) cũng giúp Lý Thường Kiệt đánh Tống, và đọc một bài thơ khiến Lý Thường Kiệt tin tưởng :
Nam thiên dĩ định đế Nam quân
Đại đức giai do đức nhật tân.
Thất quận sơn hà đô nhất thống,
Tống binh bất miễn tán như vân.
Dịch nghĩa :
Trời Nam đã định vua Nam ta,
Đức lớn ngày thêm đức mới ra.
Bảy quận non sông đều một mối,
Tống binh tan tác tựa mây sa([12]).
Những bài thơ này thường thấy trong các huyền thoại, truyền thuyết, cổ tích lịch sử, thể hiện hình tượng người anh hùng đồng tâm hiệp lực với con cháu ở dương gian, cùng đuổi giặc cứu nước, cứu dân.
Về tác giả, cũng cần xem xét như những tác giả của sáng tác dân gian. Qua gần ba mươi dị bản của bài thơ không có văn bản nào viết Lý Thường Kiệt là tác giả của bài thơ. Bài thơ là của thần, thần sông Như Nguyệt, Trương Hống, Trương Hát, đúng hơn là của tập thể các tác giả đã tạo nên những huyền thoại, truyền thuyết, những lời tương truyền. Bài thơ chắc đã được viết ra và lưu truyền vào đầu thời tự chủ. Nó là sản phẩm chung của tầng lớp trí thức. Văn bản của nó không ngừng được sửa chữa, bổ sung trong quá trình lưu truyền, từ đời này sang đời khác. Các dị bản còn lại thường là bản ghi chép của một trí thức năng văn, cố định về mặt văn bản một bản truyền miệng ở một thời điểm nhất định, trong một bối cảnh cụ thể. Chính vì thế mà ta có nhiều dị bản, và nếu tiếp tục tìm tòi thì còn có nhiều hơn nữa.
Như vậy là về tác giả, nên coi bài thơ là là bài thơ thần, bài thơ của thần do con người sáng tạo theo quy luật của sáng tác dân gian, rồi thác là của thần. Trước Cách mạng tháng Tám, một số tập sách có giá trị của nhiều học giả nổi tiếng, từng khẳng định, hoặc gần như khẳng định bài thơ Nam quốc sơn hà là của Lý Thường Kiệt. Dương Quảng Hàm không hề do dự : "Lý Thường Kiệt, khi chống nhau với quân địch, có làm bài thơ để khuyến khích tướng sĩ, lời lẽ thật là khảng khái"([13]) ; Nguyễn Đổng Chi thận trọng hơn : "Thường Kiệt khi thúc quân cự địch, một hôm giả thác chuyện nằm chiêm bao có một vị thần cho bài thơ rằng..."([14]) ; Hoàng Xuân Hãn : "Theo ý Trần Trọng Kim, nhận rằng thơ là của Lý Thường Kiệt. Nhưng nói chắc là Thường Kiệt làm được thì không có gì làm bằng cứ"([15]).
Sau Cách mạng, hầu hết những bộ sách lớn về lịch sử, lịch sử văn học, hợp tuyển thơ văn, tổng tập văn học, v.v. đều mặc nhận bài thơ là của Lý Thường Kiệt. Song, đây đó vẫn có cách nhìn tinh tế. GS. Nguyễn Huệ Chi viết trong Từ điển văn học : "Về xuất xứ, đến nay vẫn chưa biết đích xác đây là tác phẩm của Lý Thường Kiệt... hay của Lê Hoàn..."([16]). GS. Hà Văn Tấn, trong bài Lịch sử, sự thật và sử học thì dứt khoát : "Không một nhà sử học nào có thể chứng minh được rằng bài thơ Nam quốc sơn hà Nam đế cư là của Lý Thường Kiệt. Không có một sử liệu nào cho biết điều đó cả. Sử cũ chỉ chép rằng trong trận chống Tống ở vùng sông Như Nguyệt, một đêm quân sĩ nghe tiếng ngâm bài thơ đó trong đền thờ Trương Hống, Trương Hát. Có thể đoán rằng Lý Thường Kiệt đã cho người ngâm thơ. Đi xa hơn, có thể đoán rằng Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ. Nhưng đó chỉ là đoán thôi, làm sao nói chắc được bài thơ đó là của Lý Thường Kiệt. Thế nhưng cho đến này, mọi người dường như đều tin rằng đó là sự thật, hay đúng hơn không ai dám nghi ngơ đó không phải là sự thật"([17]). Người viết bài này từng đề nghị trên Tạp chí Hán Nôm : "Từ lâu, nhiều học giả, vì những lý lẽ khác nhau, vẫn coi Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ. Bây giờ nên để khuyết danh"([18]). Như vậy Lý Thường Kiệt chỉ là người sử dụng bài thơ vốn đã lưu truyền từ lâu, còn khẳng định ông là tác giả bài thơ này thì chưa có chứng cứ. Bài thơ này nên để khuyết danh tác giả. Còn như cách xử lý của sách giáo khoa trung học : khi đưa văn bản bài thơ, đề là : "Lý Thường Kiệt" có dầu (?)([19]) ở sau, để tỏ ý nghi ngờ và có chú giải thêm, cũng chỉ là biện pháp tình thế.
Vấn đề văn bản, chữ nghĩa, tác giả của bài thơ Nam quốc sơn hà, xem ra vẫn còn nhiều điều cần bàn luận để đi tới những kết luận thoả đáng, thuyết phục.
(Tạp chí Văn học, số 10 – 1996;
In lại trong Bựi Duy Tõn tuyển tập.
NXB Giỏo dục, H., 2007)
([1]) Lịch sử Việt Nam, tập I, NXB Khoa học xã hội, H., 1971, tr. 182.
([2]) Xin xem : chẳng hạn Nguyễn Tài Cẩn, Thử tìm hiểu thêm về bài thơ "Nam quốc sơn hà" của Lý Thường Kiệt, Tạp chí Văn học, số 4 - 1976 ; Đinh Gia Khánh, Tan tành một trận chúng bay coi, Văn nghệ, số 14 - 1976 ; Phan Văn Các, Trở lại câu cuối bài thơ "Nam quốc sơn hà", Tạp chí Ngôn ngữ, số 2 - 1981 ; Hoàng Xuân Nhị, Trở lại bài thơ "Nam quốc sơn hà" của Lý Thường Kiệt, Tạp chí Ngôn ngữ, số 2 - 1982, v.v.
([3]) Xem Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, thế kỷ X - thế kỷ XVII, NXB Văn hoá, H., 1962. Sách này viết xuất xứ của bài thơ Nam quốc sơn hà là Hoàng Việt thi tuyển (Bùi Huy Bích), cần xem lại. Bài thơ này ít khi tuyển vào các bộ thi tuyển lớn thời xưa.
([4]) Xem Thơ văn Lý – Trần, tập I, NXB Khoa học xã hội, H., 1977.
([5]) Xem Tạp chí Hán Nôm, số 1 - 1986.
([6]) Theo Giáo sư Trần Nghĩa, câu 3 của văn bản quen dùng : "Như hà nghịch lỗ…" lại là lời thần nói với quân ta, câu 4 của bản quen dùng "Nhữ đẳng hành khan…" lại là lời thần nói với quân địch (?). Bài thơ như thế là lúng túng, thiếu ổn định và lô gích nội tại bị phá vỡ, nên cần thay câu thứ 4 lấy bằng một câu thứ 4 lấy ở bản khác.
([7]) Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch mới phiên âm : "phân định" (Xem Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học xã hội, H., 1983, tr. 291). Còn bản dịch cũ phiên âm là : "phận định" (Xem Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, NXB Khoa học xã hội, H., 1967, tr. 238). Bản quen dùng đảo lại là "định phận".
([8])Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, bản dịch mới.
([9]) Sđd, tr. 291 - 292.
([10]) Vũ Quỳnh và Kiều Phú, Lĩnh Nam chích quái, bản dịch, Truyện hai vị thần ở Long Nhãn, Như Nguyệt, NXB Văn học, H., 1990.
([11]) Việt điện u linh. Bản dịch. Truyện Chứng An Minh ứng Hựu Quốc Công,NXB Văn hoá, H, 1972.
([12]) Truyền thống anh hùng dân tộc trong loại hình tự sự dân gian Việt Nam,NXB Khoa học xã hội, H., 1971, tr. 139.
([13]) Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, in lần thứ mười, Bộ Giáo dục, S., 1968, tr. 231 - 232.
([14]) Nguyễn Đổng Chi..., Việt Nam cổ văn học sử,Hàn Thuyên xuất bản cục, 1942, tr. 143.
([15]) Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt,NXB Sông Nhị, H., 1949, tr. 303.
([16]) Nguyễn Huệ Chi, Từ điển văn học, tập I, mục từ Lý Thường Kiệt, NXB Khoa học xã hội, H., 1983, tr. 428.
([17]) Hà Văn Tấn, Lịch sử, sự thật và sử học, báo Tổ quốc, số 401, thỏng 1 - 1988.
([18]) Bùi Duy Tân, Nên chọn tác phẩm nào là sớm nhất của văn học trung đại Việt Nam, Tạp chí Hán Nôm, số 2 - 1993.
([19]) Xem Văn học 9,tập một, Đỗ Bình Trị – Bùi Duy Tân chỉnh lý, NXB Giáo dục, H., 1995, tr. 29.