- Kinh tế vĩ mô ổn định
- Đầu tư con người
- Hệ thống tài chính an toàn hiệu quả
- Hạn chế tiêu cực
- Mở cửa cho khoa học công nghệ tiên tiến
- Phát triển nông nghiệp
|
Can thiệp chọn lọc:
- Thúc đẩy xuất khẩu
- Trấn áp tài chính
- Tín dụng định hướng
- Xúc tiến có chọn lọc
|
Thể chế:
- Cách ly kỹ trị
- Dịch vụ dân sinh chất lượng cao
- Giám sát
|
Dựa trên thị trường:
- Cạnh tranh xuất khẩu
- Cạnh tranh nội địa
|
Thi đua:
- Tín dụng xuất khẩu
- Điều phối đầu tư
- Trao đổi thông tin
|
- Tích lũy tăng vốn nhân lực
- Tiết kiệm cao
- Đầu tư cao
|
Phân phối:
- Sử dụng hiệu quả nhân lực trong thị trường lao động
- Hiệu quả đầu tư cao
|
Thay đổi năng suất:
- Bất kịp dựa trên năng suất
- Thay đổi công nghệ nhanh
|
Tăng trưởng nhanh & bền vững
- Tăng trưởng nhanh
- Chuyển đổi dân số nhanh
- Biến đổi nông nghiệp nhanh
- Công nghiệp hóa nhanh
|
Phân phối thu nhập bình đẳng:
- Giảm nghèo
- Cải tiến các chỉ báo xã hội
|
điều kiện cho quá trình phân phối. Bằng cách giữ cho giá nội địa tương đối gần với giá quốc tế, các chính phủ đã hạn chế được các biểu hiện không minh bạch về giá cả. Điều này rất quan trọng để thúc đẩy việc chấp nhận và phát minh những kỹ thuật mới. Các chính phủ cũng không quên tỷ trọng nông nghiệp của nền kinh tế trong quá trình công nghiệp hoá : các chính sách của bộ phận nông nghiệp đã thúc đẩy phát triển nông thôn có vai trò là địa bàn trung tâm để tăng trưởng và phân phối thu nhập.
Các chính sách cơ bản tác động lên chức năng tăng trưởng thông qua cơ chế của nguyên tắc cạnh tranh thị trường, hỗ trợ thị trường và đòi hỏi thị trường hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, các chính phủ Đông Á không chỉ dừng ở các chính sách cơ bản mà còn can thiệp với các mức độ khác nhau để khuyến khích thị trường như một chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng. Họ đẩy mạnh xuất khẩu, đưa ra phụ cấp cho vay vốn đối với các nhà xuất khẩu dựa trên năng lực của họ. Mục đích xuất khẩu ngầm ẩn hay rõ ràng đều được sử dụng như cơ sở để tiếp cận trao đổi ngoại tệ, cấp giấy phép đầu tư, hoặc tín dụng ở Thái Lan và Hàn Quốc. Đầu tư công cộng mức độ lớn, cùng với việc ủng hộ các dịch vụ cho các nhà xuất khẩu hạng vừa và nhỏ, được sử dụng để ủng hộ hướng xuất khẩu. ( Schumacher 1977 – Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, 1993). Ngoài ra, các chính phủ đều có những chính sách nghiêm ngặt để kiểm soát lãi suất tiết kiệm và cho vay vốn ngân hàng. Một số chính phủ cũng hướng tín dụng vào các hoạt động khác, gồm nông nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn, đầu tư dài hạn. Cần nhắc đến một đặc điểm quan trọng là : hệ thống chính sách này tạo nên được sự tự phản hồi, dẫn đến khả năng điều chỉnh chính sách một cách linh hoạt.Tăng trưởng kinh tế và phân phối thu nhập tương đối cân bằng làm cho đất nước có khả năng tích luỹ bằng cách tăng lãi suất tiết kiệm và tạo ra những đầu tư lớn hơn. Sự phát triển cũng cung cấp vốn để tạo ra và bảo vệ các thể chế, đặc biệt là các thể chế đảm nhận chức năng dịch vụ dân sinh và làm giảm tham nhũng. Nói theo cách khác, thành tựu kinh tế tạo ra chu kì sinh lợi đã củng cố việc chấp nhận các chính sách, đến lượt mình, những chính sách này lại thúc đẩy và phát triển các thành tựu kinh tế ( Berger 1988).
Điều có thực thứ 4 : Lực lượng lao động
Vào thời điểm công nghiệp hoá bắt đầu tại Đông Á, nhiều nước trong số này có sự chuyển đổi dân số, nhiều người nóng lòng tìm một cơ sở kinh tế mới để kiếm sống. Điều đó tạo ra lực lượng lao động mới. Người ta hăm hở làm việc và nâng cao kỹ năng làm việc để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Tại Nhật, có tới 6 triệu lính và thường dân trở về từ các nhiệm vụ ở nước ngoài, nơi họ phục vụ cho sự bành trướng thuộc địa và quân sự của Nhật. Tại Đài Loan, hơn nửa triệu người chạy khỏi Trung Quốc đại lục và vào cuối cuộc chiến với Triều Tiên, hơn 2 triệu người Bắc Triều Tiên dạt xuống miền Nam. Ở Hồng Kông, sau khi đóng cửa biên giới Trung Quốc, những người tị nạn từ Trung Quốc chiếm tới hơn một nửa dân số (Vogel 1991). Trong những năm đầu của quá trình công nghiệp hoá, cùng với quá trình cơ khí hoá nông nghiệp và áp lực dân số cao, một lượng lớn người chuyển dịch từ nông thôn ra thành phố, hăm hở tìm kiếm công việc trong ngành công nghiệp. Vì rất nghèo, những người này chấp nhận làm công nhân công nghiệp. Họ phải làm việc quá sức, dù được trả lương khá thấp. Chắc chắn họ làm việc để kiếm sống cho bản thân, nhưng họ cũng thấy có trách nhiệm với lợi ích của công ty mà họ là những thành viên. Họ làm việc trong những điều kiện ít thuận lợi hơn so với những đồng nghiệp phương Tây là đối tác của họ. Trong chừng mực đáng kể,sự đầu tư xã hội của công ty phương Đông đã giúp duy trì tinh thần công nhân và làm giảm đi những lời phàn nàn về công việc lao động của công nhân giá rẻ (Tai 1989).
Điều có thực thứ 5 : Yếu tố văn hoá
Văn hoá là một quan niệm linh hoạt, không dễ khẳng định về bản chất cũng không thể phân biệt rõ ràng về ý nghĩa (Hughes 1988). Thậm chí, các tư tưởng xã hội học chủ yếu cũng có sự khác nhau đáng kể khi nói đến sự tương tác giữa kinh tế và văn hoá. Karl Marx, người theo quan điểm kinh tế, coi văn hoá là cấu trúc thượng tầng, có quan hệ phát sinh từ các quan hệ kinh tế. Kinh tế tạo ra những điều kiện cho văn hoá, khi nền kinh tế biến đổi thì văn hoá cũng biến đổi để phù hợp với nó. Mặt khác, sự giải thích văn hoá lại đổi ngược quan hệ giữa kinh tế và văn hoá. Weber đã lí giải rằng : văn hoá có tác động hình thức lên sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Theo quan điểm của ông, chỉ có thể hiểu được chủ nghĩa tư bản bằng cách phân tích lĩnh vực rộng hơn của các giá trị và các mối quan hệ buộc cá nhân hành động theo cách có lợi cho tích luỹ tư bản. Một nhà kinh tế được coi trước hết là một con người văn hoá hành động từ “khả năng và nguyện vọng có thái độ nhất định đối với xã hội và nâng tầm quan trọng của xã hội lên” (Weber 1949). Weber nghi ngờ ảnh hưởng của đạo Khổng lên nền kinh tế và Talcott Parsons ủng hộ mạnh mẽ quan điểm này. Tuy nhiên, những quan điểm đó bị chỉ trích rằng chúng không được cập nhật chính xác và bởi vậy, chúng không được chấp nhận. (Ở phần : Điều không thực thứ ba, chúng tôi sẽ nói rõ hơn về điều này).
Những người Đông Á được biết đến như những người chăm chỉ làm việc, sống tằn tiện và tích luỹ tiết kiệm cao. Trong chừng mực nào đó, những đặc tính ấy có thể giải thích theo quan điểm của người Đông Á đối với thế giới tự nhiên và về cuộc sống con người, là những điều bị tác động mạnh bởi niềm tin tôn giáo của họ. Không có sức ép về mặt tôn giáo phải chiến thắng thiên nhiên, những người Đông Á tin rằng họ có thể tận dụng tối đa những gì thiên nhiên ban tặng bằng chính sự nỗ lực của mình. Niềm tin ấy dựa trên quan niệm rằng sức người là nguồn cung phong phú, còn tài nguyên thiên nhiên thì chỉ có hạn. Trước đây, khi họ sống trong nền kinh tế chỉ đủ để tồn tại, họ cho rằng chăm chỉ không những là đức tính phải có mà còn là điều kiện cần thiết để sống sót. Hiện nay, họ coi trọng tính tỉ mỉ chu đáo và sự kiên nhẫn trong thói quen làm việc, những tính chất này đòi hỏi kỷ luật cao và sự cần cù (Tai 1989).
Người Á Đông coi ý nghĩa cuộc sống trong sự tiếp nối của gia đình từ tổ tiên đến thế hệ hiện nay, rồi đến thế hệ con cháu. Họ cần phải sống tằn tiện, vì sự tằn tiện là cần thiết để họ và các thế hệ con cháu của họ sống sót. Phần lớn người Trung Quốc làm việc chăm chỉ và sống tằn tiện vì lợi ích của gia đình. Để gia đình tiếp tục tồn tại, họ phải đảm bảo cho các thành viên trong gia đình có các phương tiện cần thiết. Vì vậy, họ sẵn sàng từ bỏ những chi tiêu hiện tại cho cá nhân. Thái độ này nằm ngoài lĩnh vực kinh tế và thuộc về phạm trù đạo đức . Cách suy nghĩ như vậy dẫn đến sự tích luỹ vốn khổng lồ tại các nước Đông Á (Yang 1972). Kết quả là : cuối năm 1986, các nước Đông Á là nhóm các quốc gia có tỷ lệ tiết kiệm cao hơn bất cứ cụm quốc gia nào khác trên thế giới. Tiết kiệm lớn trong nước ngăn cản lạm phát và làm giảm vốn vay, dẫn đến tăng đầu tư, tăng xuất khẩu. Với lượng dự trữ tiết kiệm lớn, họ có thể chuyển từ nền kinh tế với cường độ lao động cao sang nền kinh tế tích luỹ vốn cao. Tác động này của hành vi xã hội lên nền kinh tế là rất rõ ràng.
Liên quan đến các giá trị của đạo Khổng, các nước Đông Á đã thấy tác động của văn hoá phương Đông lên một số lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế, đặc biệt là trong việc tổ chức công ty. Công ty không chỉ là tổ chức kinh tế mà còn là tổ chức xã hội. Điều này không hoàn toàn giống ở các nước phương Tây, nơi các công ty được coi là những doanh nghiệp kinh tế đơn thuần. Ở Đông Á, các công ty không chỉ là những doanh nghiệp có mục đích sản xuất hàng hoá và dịch vụ, đây còn là một thể chế củng cố các giá trị xã hội (Tai 1989). Các công ty phương Đông duy trì mối quan hệ gia trưởng giữa ông chủ và nhân viên, cả trong lẫn ngoài công ty. Đây là điều không hoàn toàn giống với hệ thống phương Tây, như Shui-shen Liu nhận xét : “Người Trung Quốc quan tâm đến yếu tố gia đình trong công việc. Những ông chủ thường mang quan điểm phe cánh vào các tổ chức doanh nghiệp. Quan hệ giữa ông chủ và nhân viên được so sánh với quan hệ giữa vua và thần dân, hay giữa cha và con. Như vậy, nếu anh là người làm thuê, anh là thuộc cấp của tôi, không chỉ ở công ty mà cả ở ngoài công ty. Ở phương Tây, quan hệ cấp trên - cấp dưới có lẽ chỉ tồn tại trong công ty (Liu 1983).
Ông chủ và người làm thuê cùng tham gia vào các hoạt động gia đình của nhau. Cưới hỏi, sinh nhật, ma chay của phía ông chủ cũng như từ phía nhân viên đều được đối xử như những sự kiện xã hội quan trọng đối với cả hai. Những hoạt động nhân đạo tập trung như vậy đòi hỏi các nhân viên công ty tham gia như chính công việc kinh doanh. Trách nhiệm tham gia vào các hoạt động này là của cả hai phía. Như vậy, ta hiểu rằng công ty được tổ chức không chỉ để tạo lợi nhuận mà còn vì lợi ích của sự gắn kết nhóm. Những điều này có thể được coi là lãng phí dưới góc nhìn hiệu quả sản xuất, nhưng nhiều nhà nghiên cứu lại coi đó giống như sự đầu tư xã hội ( Liu 1993 – Tai 1989). Công ty tác động lên hành vi của các nhân viên bằng các phương tiện kinh tế và xã hội. Công ty sử dụng tiền để đáp ứng kì vọng của nhân viên. Công ty cũng nhận thấy các nhân viên của mình có các nhu cầu xã hội mà nó có thể và cần phải đáp ứng. Công ty cũng khuyến khích nhân viên của họ chia sẻ tình cảm và các mối quan tâm; họ cũng dành thời gian và tiền bạc đáng kể cho phúc lợi cá nhân của các nhân viên : họ bao cấp nhà ở và các nhu cầu tài chính, tài trợ các hoạt động giải trí,tặng quà trong các dịp lễ tết.. Cách làm đó dẫn đến kết quả là các công ty phương Đông có khả năng tác động lên hành vi của nhân viên hơn nhiều đối tác phương Tây khác để đạt được mục đích của mình (Tai tr.22)
Như vậy, đạo Khổng là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế Đông Á. Các công ty Đông Á được các thế hệ trong gia đình điều hành và mô hình này được cải tiến để thành công.Việc sử dụng thành công đạo Khổng trong thời hiện đại cho thấy rằng chủ nghĩa tập thể văn hoá, nét phân biệt cơ bản giữa phương Đông và phương Tây, là yếu tố sống còn trong quá trình chuyển đổi các nền kinh tế châu Á từ phụ thuộc nặng nề vào phương Tây thành những nền kinh tế cạnh tranh với chính phương Tây.
Điều không thực thứ nhất : Sự cách biệt dẫn đến sự phát triển kinh tế
Một vài tác giả cho rằng sự khác biệt về dân số, phúc lợi và trình độ kinh tế không cản trở sự phát triển các liên kết thể chế trong khu vực, như thấy rõ ràng trong NAFTA. Các nước lớn hơn chỉ phải điều chỉnh giá nội địa tương đối ít khi buôn bán và đầu tư với các đối tác nhỏ. Trong khi đó, những đối tác nhỏ lại được lợi lớn khi có điều kiện tiếp cận thị trường của nước láng giềng lớn và phát triển. Canada và Mexico thường khó chịu vì sự lấn át về kinh tế và văn hoá của Mỹ. Đổi lại, họ cũng được lợi lớn từ NAFTA. Mặt khác, các nước không buôn bán nhiều với nhau như Mỹ và Jordan lại dễ tạo được một hợp đồng thương mại ưu tiên vì sự điều chỉnh giá ở cả hai phía đều rất thấp ( Campos-Root 1996).
Tuy nhiên, khẳng định rằng sự cách biệt không cản trở, thậm chí còn thúc đẩy việc hình thành một khối thương mại ưu tiên, lại không phù hợp với Đông Á. Sự khác biệt hoặc sự đa dạng của vùng rất lớn so với các khu vực khác nơi chủ nghĩa kinh tế vùng có những thành tựu nhất định. Khu vực này bao gồm các nước có dân số đông như Trung Quốc và cả Singapore, một quốc gia không đông dân. Nó gồm cả nền kinh tế Hồng Kông mở cửa, thực chất là phụ thuộc vào thương mại và đầu tư, nó cũng gồm cả Nhật Bản, một nền kinh tế mạnh cả về trình độ lẫn vốn thu nhập, lại đóng cửa đối với thương mại, đầu tư. Tất cả những cách biệt này làm giảm cơ sở hợp lí cho một hình thức hợp tác sơ bộ Đông Á. Điều đó có thể phân tích về luồng thương mại và luồng đầu tư.
Về luồng thương mại, nhận xét rằng các nước Đông Á đang có sự tăng trưởng tương đối mạnh mẽ trong dòng chảy thương mại giữa các vùng là không chính xác. Trên thực tế, nó có tăng so với các liên kết thương mại trong phần còn lại của thế giới, chứ không phải do các liên kết thương mại với Mỹ hoặc châu Âu. Các nước châu Á vẫn còn bị trói chặt vào Mỹ, châu Âu và vào sự đầu tư của họ.
Cũng tương tự như vậy, đối với các liên kết đầu tư, trước năm 1990, đầu tư của Nhật vào phần còn lại của khu vực là rất lớn; tuy nhiên, tình thế đã đảo ngược từ giữa những năm 90 và sau năm 1997 ở thế kỷ trước. Người Nhật là nguồn nhà băng nước ngoài chủ yếu cho vay trong khu vực, tuy nhiên, tổng số nợ người Nhật nay đã giảm xuống tới gần 70% và sự chia sẻ của các nhà băng Nhật về các món nợ nước ngoài cũng giảm đáng kể, chủ yếu là do các vấn đề tài chính tại chính nước Nhật (Lincoln 2004). Tình hình đó cho thấy, quan điểm về một hình thức hợp tác với quy mô nhỏ thành công tại Đông Á nhờ sự cách biệt giữa các nước thành viên cần phải xem xét lại.
Điều không thực thứ hai : Mô hình phát triển có thể ứng dụng cho các nước đang phát triển khác.
Giáo sư Peter từ trường Đại học Boston có kể câu chuyện sau đây :“ Tôi vừa gặp một nhóm trí thức Xê nê gan để thảo luận về vấn đề phát triển châu Phi; khi họ thấy tôi vừa trở về từ Đông Á, tất cả họ đều muốn hỏi về điều đó. Vài tháng sau, tôi lại đi Jamaica và tôi thực ngạc nhiên là câu được hỏi đi hỏi lại là làm thế nào để Jamaica trở thành một “Đài Loan khác “ ? (Berger-Hsiao 1988). Bình luận về việc vì sao các nước đang phát triển khác không thể làm theo mô hình phát triển của các nước Đông Á trước đây, John Woronoff, nhà phân tích kinh tế Đông Á, nhận định” Thật ngạc nhiên vì sao người ta, gồm cả các “chuyên gia” lại khó khăn đến thế khi nhận thức những thay đổi lớn trên thế giới cho đến khi những thay đổi này trở nên rõ ràng” và “Đã đến lúc phải nghiên cứu những nền kinh tế “kì diệu” một cách kĩ lưỡng hơn, khách quan hơn, để thấy có thể học được gì từ những nền kinh tế này “ (Woronoff 1986). Lí luận rằng mô hình Đông Á có thể được sao chép trong các nước đang phát triển khác cũng được thấy trong cuốn sách của Helen Hughes về các mô hình công nghiệp hoá (Hughes 1988) và trong Báo cáo của Ngân hàng thế giới về sự phát triển và chính sách công cộng của châu Á (1993). Tuy nhiên, họ hoàn toàn coi nhẹ bối cảnh quốc tế giữa những năm 60 và 90 của thế kỷ trước. Chiến tranh lạnh và quyền bá chủ của Mỹ đã kết thúc. Nước Mỹ trở nên phòng thủ hơn trong chính sách kinh tế. Và do tất cả các nước thịnh vượng đều không phục hồi được hoàn toàn sự thụt lùi về kinh tế, bởi vậy, cái giá của việc chiếm lĩnh thị trường các nước này cao hơn trước rất nhiều. Hơn nữa, cho dù Hughes và Ngân hàng Thế giới mô tả chi tiết về phương thức thực hiện các vấn đề kinh tế và chính trị ở các nước Đông Á, sự phân tích của họ vẫn không đầy đủ, vì họ xem nhẹ vai trò của hoạt động tổ chức công việc và công nghệ, là cơ sở ở mức độ vi mô của sự phát triển kinh tế. Nếu tất cả các nước đang phát triển bắt chước các chính sách của chính phủ Hàn Quốc và Đài Loan thì liệu họ có thấy được sự phát triển kinh tế nhanh chóng và bền vững như trong trường hợp Đông Á không ? Điều này thực sự phụ thuộc vào những điều kiện khác như việc kiểm soát lao động áp chế và nền kinh tế có vẻ như là theo mệnh lệnh, mà chắc chắn là bao hàm các quốc gia cũng như nền quản lý độc tài ( Kim 1998)
Điều không thực thứ ba : Theo các nhà xã hội học kinh điển, đạo Khổng cản trở sự phát triển của các nước Đông Á.
Quan điểm cho rằng đạo Khổng đưa ra những điều kiện không phù hợp với sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản và quá trình công nghiệp hoá có gốc rễ từ khi Weber quy sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản cho nguyên tắc xử thế của những người Thanh giáo trong phong trào Calvinist. Những người Thanh giáo coi việc sinh lợi là nghĩa vụ tôn giáo và sự lười biếng là tội lỗi.Weber coi thái độ đó là” điều đặc trưng nhất trong đạo đức xã hội của văn hoá tư bản, và theo nghĩa cơ sở cơ bản nhất của nó”. “ Quan trọng hơn, những đặc điểm đó là duy nhất cho những người Thanh giáo và “rõ ràng là không có giữa những người Hoa, người Ấn và người Babyon truyền thống”. Hướng sự chú ý tới Trung Quốc truyền thống, Weber chỉ ra rằng có hai điều kiện không thích hợp với sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản.Thứ nhất : Cấu trúc chính trị - xã hội của Trung Quốc là một rào cản. Hệ thống tiền tệ nặng nề, thiếu quyền tự trị địa phương của các thành phố, sự tồn tại dai dẳng của các phường hội, sự thiếu một trât tự hợp pháp độc lập và hình thức, bản chất bảo thủ của hệ thống quan hệ dòng tộc và tác động ngột ngạt của sự quan liêu đế chế - tất cả các mặt của xã hội Trung Quốc truyền thống đã cản trở sự nổi lên của tầng lớp doanh nghiệp và là nguyên nhân của sự đình trệ về kinh tế (Weber 1951). Thứ hai : Weber hoài nghi về hình tượng của đạo Khổng : “Người chính nhân quân tử”. Người quân tử này coi trọng sự hài hoà giữa thiên nhiên và con người, coi khinh tính hám lợi khi làm ăn kiếm lời, khinh thường những mưu cầu tích trữ của cải. Weber nhận thấy “ Người Trung Quốc thiếu một cách sống trung tâm, hợp lý và được xác định bởi tôn giáo đến từ bên trong và đặc trưng cho Thanh giáo kinh điển” . Tính hài hoà cân đối của đạo Khổng nghĩa là điều chỉnh hợp lý theo thế giới : còn tính cân đối của Thanh giáo là nắm vững thế giới một cách hợp lý. (Weber 1951, tr. 243-44, 246, 248). Sau này, chính Talcott Parsons, trên quan điểm của Weber, đã phát triển một học thuyết toàn diện để mô tả và đánh giá những thành tựu kinh tế và văn hoá của các quốc gia ( Parsons, 1951). Ông đã mô tả sơ đồ các “biến mẫu” gồm năm quan niệm đối ngược : Cảm xúc và vô cảm, tự định hướng và định hướng tập thể, tính tổng hợp và tính cá biệt, thành tựu và sự quy cho, tính đặc trưng và sự rườm rà. Theo Parsons, “ kiểu cấu trúc nghề nghiệp “công nghiệp” hiện đại đặc trưng bởi hệ thống của “các vai trò tổng hợp-đặc trưng-vô cảm –thành tựu-định hướng”. Ngược lại, cấu trúc xã hội Trung Quốc truyền thống bao gồm tập hợp các đặc điểm ngược nhau “kìm hãm sự phát triển của bất cứ cái gì giống chủ nghĩa tư bản... vì chủ nghĩa tư bản phá huỷ sự tổng hợp đạo Khổng bằng cách chuyển đổi sự cân bằng nội lực thành nhóm không thể xâm nhập vào thuyết phổ độ nhân văn của kiểu chính trị văn hoá lẫn lộn để phân biệt “giới trí thức” Trung Quốc.” (Parsons 1968). Weber và Parsons tạo ra mô hình hợp lí khẳng định một cách cơ bản rằng tính hiệu quả, năng động và năng suất, các yếu tố cơ bản của công nghiệp hoá và của chủ nghĩa tư bản, và chủ nghĩa cá nhân củng cố lẫn nhau ( Levy 1962). Mô hình hợp lí này đã thách thức mạnh mẽ các giá trị truyền thống phương Đông cho rằng người ta suy nghĩ tập thể.
Tuy nhiên, viễn cảnh đó đã được các học giả gần đây đánh giá lại.Ví dụ, Yu Ying-shih, Tu Wei-Ming và Thomas A. Metzger đã nghi ngờ ý tưởng rằng những người theo đạo Khổng tử thiếu sức ép về mặt tôn giáo để cải tạo thế giới (Metzger 1977). Yu và Tu nhận thấy rằng chính đặc điểm nổi bật và duy nhất của những người theo đạo Khổng là coi cải tạo nhân loại là trách nhiệm của họ . Metzger cho rằng từ đời Đường , những người Trung Quốc theo đạo Khổng đã tin tưởng mạnh mẽ vào việc sử dụng “lực chuyển hoá” bên trong để tạo ra thế giới trong hình dung của họ. Tương tự, nhiều nhà trí thức và lãnh đạo chính trị Trung Quốc hiện nay cũng cả quyết rằng đạt được độc lập quốc gia và hiện đại hoá nền kinh tế là trách nhiệm của cuộc đời họ (Tai 1989). Peter Berger biểu lộ sự bất đồng quan điểm của mình về một giáo lí khác trong học thuyết của Weber và Parsons về quan hệ chặt chẽ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cá nhân. Berger nhận xét rằng việc coi chỉ có chủ nghĩa cá nhân có thể sản ra chủ nghĩa tư bản là không đúng. Đông Á, đặc biệt là Nhật Bản, đã tạo ra chủ nghĩa tư bản phi cá nhân chủ nghĩa, được hình thành bởi nền văn hoá bản xứ trong vùng (Berger 1986). Richard H. Minear đã chỉ ra rằng phương Tây thất bại trong việc nhận thức tầm quan trọng của sự khác biệt giữa phương Đông và phương Tây. Các công thức lí thuyết phương Tây không thể giải thích một cách thoả đáng các giá trị kinh tế và xã hội phương Đông. Minear cũng khẳng định là khi người ta cố gắng sử dụng mô hình của Parsons để giải thích những biến đổi thì các biến của mô hình trở thành một phần của vấn đề hơn là một phần của giải pháp (Minear 1980). Mẫu hình phát triển của các nước Đông Á đặc trưng bởi mô hình được tạo ra từ quan điểm của đạo Khổng rằng trong xã hội Đông Á, mọi người quan hệ với nhau theo kiểu gia đình. Mô hình này đánh giá các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, coi gia đình như một xã hội thu nhỏ. Mô hình này khuyến khích các cam kết tình cảm của con người trong toàn bộ công việc kinh doanh của các cá nhân, nó đề xuất sự gắn kết và hài hoà trong nhóm.
III. Kết luận :
Những phân tích trên đã góp một số lời giải cho những thành tựu của các nước Đông Á. Điều quan trọng là những lập luận đó gắn với khung lý thuyết được đưa ra. Theo Webster, có bốn yếu tố chủ yếu khi phân tích một quốc gia trong quá trình phát triển : động cơ phát triển ( dựa trên hoàn cảnh lịch sử), thành tích trong các chính sách xã hội, yếu tố văn hoá và quan hệ quốc tế của quốc gia đó. Trong số những điều có thực tác giả đã thảo luận ở trên : tính bức thiết – áp lực phải cải tổ đất nước, các chính sách xã hội thành công, lực lượng lao động, yếu tố văn hoá và viện trợ của Mỹ có sự phù hợp với các tiêu chí đó.
Tuy nhiên, việc giải thích các nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng từ kinh nghiệm của các nước Đông Á là điều không dễ.Một số yếu tố thời gian và lịch sử đã đóng góp rất lớn cho sự tăng trưởng này. Tuy vậy, tác giả cố gắng đưa ra một vài yếu tố tác động lên quá trình đó theo cách này hay cách khác, sự kết hợp của các yếu tố ấy thực sự có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Đông Á. Như một câu ngạn ngữ cổ Trung Quốc, bất cứ một sự kiện lịch sử lớn nào cũng có thể xảy ra khi có được sự kết hợp của ba điều kiện : thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Mô hình phát triển Đông Á, như vẫn thường mô tả, thực chất có thể bao gồm ba yếu tố căn bản đó, là thời thế của hệ thống thế giới, điều kiện địa lý và các yếu tố văn hoá. Trong khi những điều này có vẻ như là định mệnh, xem xét kỹ lưỡng lịch sử phát triển của Đông Á cũng làm người ta có nhận xét như vậy. Tuy nhiên, ba yếu tố ấy kết hợp với nhau tới mức độ nào ? Chúng tương tác ra sao và trật tự quan trọng của chúng như thế nào ? Những câu hỏi ấy cần có sự thảo luận từ các nhà nghiên cứu.
Bài đã đăng ở Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á
Số 8 (113)/2009
Tài liệu tham khảo
1. Berger, Peter L., I-ko Tung-ya fa-chan ti mo-hsing. Cf. Guy Allito’s view on this point can also be viewed in World Journal, October 3, 1986.
2. Berger, Peter L. and Hsin-Huang Michael Hsiao: In search of an East Asian development model New Brunswick, N.J., USA : Transaction Books, c1988.
3. Campos, Jose Delgado and Hilton L. Root: The key to the Asian miracle : making shared growth credible: Washington, D.C. : Brookings Institution, c1996
4. Gold, Thomas., Preface in H.H. Michael Hsiao, ed., Development and Underdevelopment: A reader in the Sociology of Development (Taipei: Chin-Lin Books, 1985).
5. Garran, Robert: Tigers Tamed, Honolulu, Hawaii : University of Hawaii Press, 1998
6. Hughes, H. (Ed). Achieving Industrialization in East Asia. Cambridge: Cambridge University Press 1988.
7. Kim, Eun Mee : The four Asian tigers : Economic development and the global political economy. San Diego, CA : Academic Press ; 1998.
8. Krueger, A.O., Developmental Role of the Foreig Sector and Aid. Council of Eat Asian Studies, Harvard University. 1979.
9. Levy, Marion J., Some Aspects of "Individualism" and the Problem of Modernization in China and Japan, in Economic Development and Cultural Change, Vol. 10, No. 3 (Apr., 1962), pp. 225-240 ; The University of Chicago Press.
10. Lincoln, Edward J.,East Asian economic regionalismNew York : Council on Foreign Relations ; Washington, D.C. : Brookings Institution Press, c2004
11. Lincoln, Edward J., Japan’s Unequal Trade (Brookings Institution Press, c1989)
12. Lincoln, Edward J., Troubled Times: U.S.-Japan Economic Relations in the 1990s (Brooking Institution Press, c1999)
13. Liu, Shui-shen., A comparative Analysis of the Similarities and Differences in the Managerial Concepts of the East and the West. Chung-kuo Lun-tan no. 198 (August 10, 1983).
14. Metzger, Thomas A. , Escape from predicament : neo-Confucianism and China's evolving political culture:New York : Columbia University Press, 1977
15. Minear, Richard H., Orientalism and the Study of Japan, The Journal of Asian Studies 39 (May 1980).
16. Parsons, Talcott: The structure of social action : a study in social theory with special reference to a group of recent European writers. New York : Free Press ; London : Collier-Macmillan, [c1968].
17. Parsons, Talcott: The Social System, New York: The Free Press, 1951.
18. Schumacher, E. F., Smallis beautiful : economics as if people mattered, New York : Harper & Row, 1975.
19. Tai, Hung-chao., Confucianism and economic development : an oriental alternative?Washington, D.C. : Washington Institute Press, c1989.
20. Vogel, Ezra F., Thefour little dragons : the spread of industrialization in East Asia; Cambridge, Mass. : Harvard University Press, 1991
21. Wade, Robert and Gordon White, eds., Development States in East Asia: Capitalist and Socialist, special issue of IDS Bulletin 15:2, 1984; and Roy Hofheinz and Kent Calder, The Eastasia Edge (New York: Basic Books, 1982).
22. Weber, Max: The Protestant ethic and the spirit of capitalism. Translated by Talcott Parsons. With a foreword by R. H. Tawney. New York, Scribner [1958]
23. Weber, Max:The religion of China: Confucianism and Taoism, translated and edited by Hans H. Gerth. Glencoe, Ill., Free Press, 1951
24. Weber, Max: The Methodology of the Social Sciences. New York: Free Press 1949
25. Webster, Andrew., Introduction to the Sociology of Development., Palgrave Macmillan; 2nd edition (April 15, 1997)
26. Wong, John., “Export-Oriented Industrial Development in East Asia,” in John Tessitore and Susan Woolfson, eds., The Asian Development Model and the Caribbean Basin Initiative (New York: Council on Religion and International Affairs, 1985), pp. 49-63.
27. World Bank report: The East Asian miracle : economic growth and public policy. New York, N.Y. : Oxford University Press, c1993
28. Wood, R. Foreign Aid and Developmental Choice in the World Economy. Berkeley: University of California Press. 1986
29. Woronoff, Jon., Asia's "miracle" economies Armonk, N.Y. : M.E. Sharpe, c1986
30. Yang, Mao-ch’un., Chinese Familism and National Character, published in Symposium on the Character of the Chinese, an interdisciplinary approach by Yih-yuan Li and Kuo-shu Yang., Taipei: Academia Sinica, 1972.