
Liên quan đến thời sự quốc tế, nhật báo Le Monde đặc biệt quan tâm đến chính sách ngoại giao của Mỹ. Trong bài viết « Đối đầu Mỹ-Trung tại Thái Bình Dương », tờ báo phân tích vì sao Hoa Kỳ chuyển hướng về chiến lược ngoại giao của mình.
Liên quan đến thời sự quốc tế, nhật báo Le Monde đặc biệt quan tâm đến chính sách ngoại giao của Mỹ. Trong bài viết « Đối đầu Mỹ-Trung tại Thái Bình Dương », tờ báo phân tích vì sao Hoa Kỳ chuyển hướng về chiến lược ngoại giao của mình.
Le Monde cho biết, đối với Washington, châu Á chính là nền tảng cho tương lai của thế kỷ 21. Vì thế, Mỹ sẽ tái khẳng định lại ưu thế của mình – quyền lãnh đạo trong mọi phương diện quốc tế. Và cũng chính tại đây sẽ là nơi diễn ra sự cạnh tranh đầy kịch tính giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc.
Trong một bài viết trên tạp chí Foreign Policy ( đăng ngày 11/11 năm nay ) dưới tiêu đề « Thế kỷ Thái Bình Dương cũng sẽ là thế kỷ của Hoa Kỳ », Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lý luận rằng : « Khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm gần nửa dân số thế giới (…), bao gồm phần lớn các đầu tàu kinh tế toàn cầu (…), khu vực này trú ngụ phần đông các đồng minh của chúng ta và bao gồm nhiều cường quốc mới trỗi dậy như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia ».
Theo nhận định của Le Monde, chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ lần này thể hiện rõ nét theo hai hướng.
Về mặt kinh tế, ông Obama muốn tái cân bằng lại tăng trưởng kinh tế của đất nước, vốn dựa quá nhiều vào tiêu thụ nội địa. Trong khi đó, xuất khẩu lại quá yếu đã tạo ra một khối nợ khổng lồ. Do đó, từ đây cho đến năm 2015, Hoa Kỳ muốn nhân đôi kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ mang nhãn hiệu « Made in USA » sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vì thế, Mỹ đề nghị dự án « Đối tác xuyên Thái Bình Dương » nhằm thiết lập một khu vực tự do mậu dịch. Bà Hillary Clinton nhấn mạnh « Ngoài việc giảm hàng rào thuế quan, thỏa thuận này phải còn bao gồm các điều khoản xã hội và môi trường rất nghiêm khắc, cũng như nhiều điều khoản khác về bảo vệ quyền trí tuệ và đổi mới ».
Điều này, Mỹ muốn ám chỉ đến Trung Quốc, khi cho rằng nước này một đối tác gian lận. Chi phí sản xuất rẻ là vì nước này có những chuẩn xã hội và môi trường tối thiểu. Washington tố cáo Bắc Kinh ăn cắp bằng sáng chế và các phát minh và tài trợ cho các ngành xuất khẩu.
Mảng chiến lược thứ hai của Mỹ chính là quân sự. Không có chuyện Hoa Kỳ sẽ rút quân hay nhường lại cho Trung Quốc ưu thế chiến lược tự nhiên tại điểm này. Mỹ sẽ cố gắng duy trì các thỏa thuận quốc phòng các đồng minh của mình (Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines). Tại Canberra, Mỹ khẳng định tuy có cắt giảm ngân sách quốc phòng, nhưng sẽ không gây thiệt hại cho sự hiện diện của mình trong khu vực này. Không những thế, Mỹ sẽ triển khai thêm quân tại Úc và sẽ sở hữu thêm nhiều cảng cho các chiến hạm của mình tại Singapore.
Le Monde nhận xét, một lần nữa các hành động nêu trên lại nhằm vào Trung Quốc. Việc nước này tuyên bố chủ quyền trên toàn vùng biển Đông khiến cho nhiều nước trong khu vực phải lo sợ. Điều khôi hài là dưới sự bảo trợ của Việt Nam mà những người hàng xóm của Bắc Kinh đã kêu gọi Mỹ đừng bỏ rơi họ.
Tuy nhiên, Le Monde cho rằng, các nước này cũng rơi vào thế lưỡng nan. Tăng trưởng kinh tế của họ lại phụ thuộc vào Trung Quốc nhưng lại không muốn nằm dưới sự bảo hộ của nước này.
Chính vì thế, Trung Quốc đã đánh giá chính sách ngoại giao của Mỹ trong khu vực là « không đúng lúc ». Quân đội Bắc Kinh được cung cấp đầy đủ các phương tiện để có thể đối chọi lại với Hoa Kỳ. Le Monde kết luận « đối đầu Mỹ - Trung – cuộc chiến thế kỷ - cũng chỉ mới bắt đầu mà thôi ».
Nguồn:RFI
2198
2367
22545
228686
129483
114570162