Văn hoá học đường

Đôi điều đi tìm triết lý cho nền giáo dục nước nhà

Trong nội dung góp ý cho giáo dục vốn rất phong phú và đa diện, vào những năm gần đây, nổi lên, chủ yếu từ một số trí thức có tên tuổi là cần có triết lý giáo dục. Ý chừng với các vị đó, cái thiếu nhất và cũng cần có nhất đối với giáo dục để thoát khỏi tình trạng yếu kém là phải có triết lý.

Vốn là một người gắn bó với sự nghiệp giáo dục của nước nhà hơn 60 năm qua trong đó giảng dạy đại học hơn nửa thế kỷ, tuy không thuộc chuyên ngành giáo dục học mà là chuyên ngành văn học, nhưng lại thích triết học, thậm chí còn muốn đưa triết học vào nghiên cứu văn học, tôi cũng đã suy nghĩ về vấn đề triết học cho giáo dục. Mà bằng thói quen nghề nghiệp, khi tiến hành bất cứ một đề tài khoa học nào, tôi cũng phải đặt lên hàng đầu nhiệm vụ là cố tạo cho được một khái niệm công cụ chủ lực để từ đó xử lý đề tài. Trong trường hợp này chính là khái niệm triết lý. Nói một cách khác, muốn có nội dung triết lý giáo dục một cách đích đáng, trước hết phải giới thuyết sao cho thật tường minh nội hàm của khái niệm triết lý. Để làm việc này, trong thực tế lao động tư duy, không biết bao nhiêu câu hỏi đã vụt dậy trong đầu tôi: Triết lý là gì? Triết lý và triết học là một hay là hai mặc dù trong tiếng Pháp thì chỉ có một từ là philosophie mà ta thì có cả hai? Cũng như tiếng Pháp chỉ có một từ humanisme mà ta có ba từ nhân đạo, nhân văn, nhân bản. Vậy liên quan giữa triết lý và triết học là gì? Có phải triết học thì đòi hỏi có hệ thống lý thuyết, hệ thống khái niệm quy mô bề thế trong khi triết lý thì chỉ là một vài câu nói nào đó sâu sắc, có tầm khái quát và có ý nghĩa triết học? Triết lý lại có triết lý cao siêu và có triết lý giản đơn, triết lý bác học và triết lý bình dân. Trong thực tiễn, sự khác nhau giữa các loại triết lý đó là thế nào? Chưa kể, lại còn thứ triết lý mà người đời mệnh danh là triết lý rởm. Vậy phân biệt triết lý đích thực với triết lý rởm là thế nào trong thực tiễn?

Trong giới nghiên cứu văn học thường nói đến khái niệm triết lý ví như ở Nguyễn Bỉnh Khiêm với các câu thơ: Được thời thân thích chen chân đến/ Thất thế hương lư ngoảnh mặt đi hoặc giả Thớt có tanh tao ruồi mới đậu/ Gang không mật mỡ kiến bò chi… Ở Truyện Kiều của Nguyễn Du là triết lý tài mệnh tương đố, “Tu là cõi phúc tình là dây oan”, “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều…”. Ở văn học dân gian, đặc biệt là thành ngữ dân gian với những câu như: Lời nói đọi máu, Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau, Một sự nhịn là chín sự lành… Vậy cách vận dụng khái niệm triết lý của giới nghiên cứu văn học có giúp được kinh nghiệm gì cho việc tìm triết lý giáo dục?
Trong học thuyết Nho giáo cũng đã có những mệnh đề như: nhân bất học bất tri lý (người mà không học thì không biết lẽ phải), ấu bất học lão hà vi (ở tuổi ấu thơ mà không học thì về già biết làm gì), học nhi bất yểm hối nhân bất quyện (học không biết chán dạy người không biết mỏi), tiên giác giác hậu giác (người biết trước dạy người biết sau), học nhi thời tập chi bất diệc duyệt hồ (học mà luôn có tập thì không vui sao), tiên học lễ hậu học văn (học lễ trước học văn sau)… Mặc dù ít ai nói đó là triết lý giáo dục của đạo Nho nhưng khách quan có đáng coi là triết lý giáo dục thậm chí là triết lý giáo dục cao siêu không? Liệu là ngày nay chúng ta có thể nói được gì cao hơn về triết lý giáo dục so với những mệnh đề đó mặc dù chúng ta vẫn phải bổ sung thêm điều này điều nọ cho phù hợp với yêu cầu và khả năng mới của thời đại? Ngay với Phật giáo cũng có mệnh đề tự giác giác tha không đáng coi là triết lý giáo dục sao?
Nói riêng trong lịch sử giáo dục Việt Nam ta hàng ngàn năm tạm tính từ ngày có Văn Miếu Quốc Tử Giám và nhà Thái học cùng chế độ thi cử theo Hán học xưa dưới chế độ phong kiến và đầu thế kỷ XX dưới chế độ thực dân nửa phong kiến đã có hai mốc son chói lọi là nền giáo dục ở thời đại Lê Thánh Tông (1460 - 1497) và hiện tượng Đông Kinh nghĩa thục năm 1907 dù chỉ tồn tại được chín tháng (3/1907 đến 12/1907). Với triều vua Lê Thánh Tông, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có Chiếu khuyến học và từ đó là nhiều chính sách, nhiều biện pháp tích cực để phát triển giáo dục rực rỡ. Lịch sử thi cử theo chế độ Hán học trong 844 năm (từ 1075 đến 1919) có 45 trạng nguyên thì triều Lê Thánh Tông có 9 vị; có 2.894 tiến sĩ thì triều Lê Thánh Tông có 502 vị. Thành quả giáo dục rực rỡ đó là sản phẩm của một tư tưởng vĩ đại của đất nước mà tưởng như một đi chưa thấy trở lại không chỉ trên phương diện lý thuyết mà quan trọng hơn là ở thực tiễn rằng: “hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Vì vậy các đấng thánh đế minh vương ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế, cho nên quí chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng” (Thân Nhân Trung). Trường hợp Đông Kinh nghĩa thục thì lại chói lọi ở một trạng thái khác. Trước hết ở ngay cái tên trường Đông Kinh nghĩa thục vốn là mô phỏng tên trường Khánh Ứng nghĩa thục (Keio Gijuku) của Nhật Bản do Phúc Trạch Dụ Cát (Fukuzawa Yukichi: 1835 - 1901) thành lập từ năm 1858, nhưng ý nghĩa còn cao hơn. Bởi Khánh Ứng là tên của vương triều trước khi có Minh Trị duy tân mà nhà trường muốn lấy đó làm chỗ dựa. Còn Đông Kinh là Thăng Long cũ, kinh đô văn vật của tổ quốc Việt Nam. Như thế chỗ dựa ở đây là dân tộc có hàng ngàn năm văn hiến. Tư tưởng giáo dục bao trùm của trường Đông Kinh nghĩa thục là nhằm xoay chuyển nền giáo dục cổ truyền của dân tộc vốn thiên về sách vở, nhẹ về thực tế sang một nền giáo dục thực nghiệp gắn với sự sống, vì sự sống. Đông Kinh nghĩa thục không chỉ là một trường học đặt tại nhà số 4 phố Hàng Đào, Hà Nội mà còn là cả một phong trào có chi nhánh ở một số địa phương kèm theo hình thức các hiệu buôn không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà trước hết là ý nghĩa tư tưởng. Đông Kinh nghĩa thục thực chất là một phong trào duy tân có ý nghĩa cách mạng về văn hóa và tư tưởng, trong đó có sự phê phán chống lại những tư tưởng lạc hậu, những hủ tục đang cản trở bước tiến của đất nước, đi đôi với việc tiếp thu những tư tưởng mới mẻ, tiến bộ chủ yếu là của giai cấp tư sản thời kỳ đó còn có vai trò cách mạng ở các nước Âu Mỹ, dựa trên một tinh thần dân tộc vững chãi, một bản lĩnh văn hóa tinh ròng. Nói lại đôi điều về hai cái mốc chói lọi trong lịch sử giáo dục của nước nhà là để đặt vấn đề: hôm nay chúng ta đi tìm triết lý cho nền giáo dục nước nhà, liệu có thể khai thác được gì ở hai mốc son chói lọi đã được khẳng định 100% đó? Chủ trương chăm lo đào tạo kẻ sĩ để trở thành hiền tài là nguyên khí của quốc gia, chủ trương xây dựng cho đất nước một nền giáo dục thực nghiệp song song với việc tiến hành một cuộc cách mạng văn hóa tư tưởng tiến bộ, tinh túy cho đất nước phù hợp với đà tiến chung của thế giới hiện đại không là triết lý sao?
Lại nói tiếp về nền giáo dục của nước nhà trong thời đại Hồ Chí Minh thì cũng đã có những khẩu hiệu đích đáng như: Gắn nhà trường với cuộc sống, Trường ra trường lớp ra lớp, Thầy ra thầy trò ra trò, Hai tốt: dạy tốt học tốt, kể cả khẩu hiệu được lấy lại của tiền nhân là Tiên học lễ hậu học văn… thì đó chưa phải là triết lý sao mà phải đi tìm cái khác? Đành rằng có thể bổ sung. Rồi nữa trong lý thuyết giáo dục quen thuộc ở thời nay đã có các thuật ngữ, các khái niệm như: mục tiêu giáo dục, phương châm giáo dục, kể cả tư tưởng lớn của giáo dục trong đó có tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh (ví như: Mọi người đều được học hành) liệu có liên quan như thế nào đến khái niệm triết lý mà chúng ta đang muốn tìm thêm là gì?
Lại được nghe một số vị cho biết Unesco cũng đã đưa ra triết lý giáo dục, đại ý gồm các nội dung: 1) Phải coi giáo dục là then chốt hàng đầu trong việc giải quyết các vấn đề của cuộc sống xã hội. 2) Học, học mãi, học suốt đời. 3) Giáo dục có bốn cái trụ là: học để biết - học để làm - học để chung sống - học để tồn tại. Vậy thì Việt Nam ta trong khi đi tìm triết lý cho giáo dục sẽ tiếp thu gì ở đây và có gì là khác? Chúng ta vẫn quen chê bai nền giáo dục dưới thời phong kiến là giáo điều, sách vở. Điều đó có phần đúng. Nhưng xin đừng quên đi một sự thật vô cùng lớn lao mà ngày nay xem ra cũng không dễ gì có được như thế là chính nền giáo dục đó đã thuộc về một phương thức tối ưu cho mọi quốc gia, cho muôn đời là tạo hệ thống chấp chính cho quốc gia bằng con đường học vấn là cơ bản, dựa trên nguyên tắc tối thượng nhân bất học bất tri lý như trên đã nhắc tới. Cứ nhìn vào chuyện thi hương thi hội thi đình, đặc biệt là thi đình và đọc kỹ các bài văn sách thi đình của các vị trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, hoàng giáp… của các cụ ngày trước, kể cả cách ra đề thi trong các kỳ thi đình đó, không chừng phải nói là cha ông thuở trước, ở phương diện này khôn hơn con cháu bây giờ nhiều. Hãy hiểu đúng tinh thần của chủ nghĩa Mác để hiểu đúng rằng dưới chế độ phong kiến có thượng tầng kiến trúc phong kiến gắn với bản chất của giai cấp phong kiến thống trị còn có thượng tầng kiến trúc của dân tộc, của nhân dân dưới chế độ phong kiến, hai trạng thái thượng tầng kiến trúc đó có quan hệ với nhau nhưng không phải là một. Mặt khác, cũng đừng nhìn giai cấp phong kiến theo quan điểm giai cấp thô thiển, thì sẽ thấy rõ kinh nghiệm tối ưu của người xưa trong việc dùng giáo dục gần như là then chốt số một trong việc xây dựng lực lượng chấp chính vốn là thành phần quyết định sinh mệnh quốc gia, cũng là sinh mệnh toàn dân. Nói qua lại chuyện xưa một chút như vậy để hỏi rằng nó khác gì điều mà Unesco có nói sau này? Chưa kể là ở đây không phải nói mà là làm thực sự. Làm không chỉ một lần mà làm suốt gần ngàn năm. Vẫn biết có chuyện con vua thì lại làm vua, nhưng xin nhớ cho rằng con vua trừ một số trường hợp chứ nói chung cũng phải học ra học. Cứ đọc kỹ lịch sử mà xem.
Phải chăng lại có hiện tượng này: ta cũng đã có triết lý giáo dục, dù có thể chưa đầy đủ và chưa gọi nó là triết lý, nhưng do nhận thức chưa thật đầy đủ ý nghĩa, giá trị sâu sắc của nó, đặc biệt là bất lực trong khi thực hiện nó mà rồi quay ra cho nó chưa phải là triết lý. Ví như với khẩu hiệu Tiên học lễ hậu học văn trong mấy chục năm qua hầu như không một trường trung học cơ sở, trung học phổ thông nào trên đất nước lại không nêu lên, nhưng gần đây trên báo chí lại có người cho rằng khẩu hiệu đó không hợp thời nữa. Vậy có đúng là nó không hợp thời nữa không? Hay là do không hiểu hết hiểu đúng mà cũng là bất lực với nó. Ở đây, quả có vấn đề rất lớn thuộc đời sống văn hóa và tư tưởng Việt Nam mà tiếc rằng đến hôm nay người Việt Nam ta nói chung, trong đó có cả trí thức vẫn chưa nhận ra một cách tường minh cần thiết. Ấy là chỗ trong thời cổ trung đại, phương Đông trong đó có Việt Nam ta đã có một truyền thống đức trị rất cao đẹp. Nhưng đến thời có cuộc đụng độ với phương Tây thì đã bị phương Tây áp đảo theo qui luật của sự áp đảo là: mạnh nên áp đảo được, yếu nên bị áp đảo. Nhưng kẻ mạnh không phải cái gì cũng hay. Ngược lại, kẻ yếu không phải cái gì cũng dở. Có điều một khi đã có sự áp đảo thì cái hay của kẻ yếu cũng thành thất bại. Ngược lại, cái dở của kẻ mạnh cũng thành chiến thắng. Sự thật đã diễn ra trên đất nước ta từ khi có cuộc đụng độ với phương Tây cho đến nay ít nhiều là như thế(1). Truyền thống đức trị bị coi rẻ, bị lạnh nhạt là do sự áp đảo đó. Ấy là chưa nói đến một sự thật nữa là việc thay chữ viết Hán Nôm bằng chữ Quốc ngữ Latinh hóa tuy đưa đến lợi ích rất lớn nhưng cũng đã tạo ra một sự gián cách lịch sử không kém phần tai hại cho đời sống văn hóa và tinh thần của đất nước, làm cho hậu thế hiểu cạn, hiểu sai đi nhiều giá trị của quá khứ. Tính hiệu quả thấp của khẩu hiệu Tiên học lễ hậu học văn trong thực tiễn giáo dục nước nhà hiện nay, có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân là khí quyển đạo đức đã tan loãng không còn như xưa nữa. Mặt khác thì khả năng cảm thức của người thời nay, trước hết là các nhà lãnh đạo giáo dục, người đề ra khẩu hiệu đó, kể đến các thầy cô giáo, người thực hiện khẩu hiệu đó, cũng lại không đủ cường độ với khẩu hiệu đó nữa. Do đó mà cứ muốn đi tìm cái khác. Nghĩ như thế đúng không?
Tôi chưa có điều kiện để tìm hiểu những gì đã được coi là triết lý giáo dục trong các giáo trình giáo dục học của các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm, trung học sư phạm và ở các sách báo khác nhưng thực tế cũng đã bắt gặp một vài ý kiến của một vài vị có tên tuổi. Ví như có vị thì nói rằng triết lý giáo dục là chuyện đào tạo ra mẫu người gì: tự do, biết suy nghĩ, có suy nghĩ độc lập, sáng tạo hay chỉ biết chấp hành, vâng lời, phục tùng, hết sức dễ bảo? Có vị lại nói triết lý giáo dục là: tiểu học thuần Việt, đại học phải hội nhập. Có vị lại chê dự thảo chiến lược của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa phải là triết lý… Thú thật là tôi muốn hỏi lại quí vị đó rằng: nói như cách thứ nhất thì khác gì trước đây đã nói, có điều gọi là mục tiêu giáo dục chứ không gọi là triết lý giáo dục mà thôi? Còn nói như ý thứ hai thì xin hỏi sao tiểu học lại chỉ thuần Việt mà không hội nhập, ngược lại sao đại học lại chỉ hội nhập mà không thuần Việt? Còn ý thứ ba thì chắc là báo in nhầm từ chỗ muốn nói chiến lược chưa có triết lý chứ đâu lại nói chiến lược là triết lý. Hai khái niệm đó có liên quan với nhau chứ đâu là một(2).
* * *
Từ lâu tôi vốn quan niệm nghiên cứu khoa học là Recherche, tức là phải tìm đi tìm lại, lật đi lật lại bằng cách trước bất cứ một vấn đề gì thuộc phạm vi nghiên cứu cũng phải tự đặt ra những câu hỏi để tự tìm câu trả lời cho mình như thế để qua đó mà tìm được cái gì đó gọi là kết quả khoa học. Không biết có ai sẽ cho tôi là đa sự, là chuyện vẽ rắn thêm chân cho rắc rối không nhưng với tôi thì đã không thể khác và cũng không dấu gì quí vị, tôi đã làm như thế mà vẫn chưa đủ sức đi đến kết quả gì thật cụ thể và hệ thống về triết lý giáo dục nước nhà. Trước tình hình đó, tôi đã tạm gác lại vấn đề để chuyển sang một hướng nghĩ khác là vấn đề khoa học xã hội nhân văn với/cho nền giáo dục hiện thời của nước nhà. Ở đây, tôi đã viết ba bài(3) xin được lược thuật những ý chính như sau:
Bài I: Đặt vấn đề với những ý chính: cái thiếu nhất ở cấp độ vĩ mô nhất của nền giáo dục hiện thời của đất nước chính là thiếu một nền tảng khoa học xã hội nhân văn thực sự vững chắc, đích đáng cần có nhất. Một đất nước muốn phát triển bền vững nhất thiết phải có một nền tảng khoa học xã hội nhân văn bền vững. Một nền giáo dục muốn phát triển cho ra phát triển, cũng vậy, phải có một nền tảng khoa học xã hội nhân văn vững chắc, đích đáng. Cái gọi là khoa học giáo dục hiện có ở nước ta dù có thành tựu này nọ nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu này. Trong nội dung giáo dục, với thời hiện đại, tất nhiên phải coi khoa học tự nhiên công nghệ là mũi nhọn, là động lực chính nhưng dứt khoát không phải là nền tảng. Khoa học xã hội nhân văn mới là nền tảng và đóng vai trò điều tiết trong phát triển.
Bài II: Những vấn đề cụ thể của khoa học xã hội nhân văn mà nền giáo dục phải đương đầu gồm:
1. Vấn đề giữ gìn bản sắc dân tộc trong công cuộc hội nhập thế giới
2. Vấn đề đạo đức trong thời đại làm giàu
3. Vấn đề nhân cách trong hoàn cảnh qui luật cạnh tranh sinh tồn đã và đang ra sức hoành hành
4. Vấn đề nhân cách trong hoàn cảnh có sự trỗi dậy của đời sống tâm linh
5. Vấn đề nhân cách trong hoàn cảnh đang có sự trỗi dậy của con người cá thể (l’ individu, thằng TÔI)
Bài III: Tri thức và vấn đề tư duy với những ý chính: Chỉ loài người mới có tư duy. Với loài người, tư duy là gốc rễ quyết định chất lượng của mọi hành vi. Từ nguyên lý đó mà ở nước ta gần đây trong khát vọng đổi mới nói chung, đang có trào lưu đổi mới tư duy nhưng xem ra về cơ bản chưa trúng vấn đề. Đổi mới tư duy nếu muốn thực sự có ý nghĩa lớn lao là phải bằng mọi cách nỗ lực phấn đấu:
• Phát triển năng lực tư duy trừu tượng khoa học (điều mà nước ta chưa có truyền thống)
• Phát triển năng lực tư duy triết học (cũng là điều mà dân tộc ta chưa có truyền thống)
Làm sao nhận thức được tường minh và hiện thực hóa được mệnh đề Tôi tư duy ấy là tôi tồn tại (Je pense donc je suis) của Descartes. Với đất nước, chừng nào chưa có tư duy cá thể chân chính này cho mọi người thì khó bề nói đến sự phát triển nhanh chóng và cao độ. Đối với sự nghiệp giáo dục cũng vậy, không giải quyết được vấn đề tư duy cá thể một cách đúng đắn thì khó lòng nói đến chất lượng cải cách giáo dục đích thực. Dĩ nhiên, muốn có được tư duy cá thể trong nhà trường trước hết phải có tư duy cá thể trong xã hội. Với đất nước muốn có được điều cơ bản này phải có vai trò tiên giác của đội ngũ trí thức cùng với vai trò tiên phong thực hiện của giáo dục. Nhiều năm qua, trong các trường học đã có khẩu hiệu khuyến khích suy nghĩ độc lập của học sinh nhưng xem ra chưa vào đâu cả bởi trước hết chưa đủ trình độ nhận thức tối ưu tối cần về vấn đề tư duy cá thể. Và quan trọng hơn là xã hội vừa chưa tạo điều kiện vừa hình như không muốn vì chưa nhận thức được tường minh ý nghĩa của vấn đề. Xin thắp hương cầu nguyện cho đất nước sớm có được điều cơ bản và vô cùng trọng đại này để giáo dục được nhờ, đất nước được nhờ.
 
Chú thích
(1) Nguyễn Đình Chú: Sự áp đảo của phương Tây đối với phương Đông trên phương diện văn hóa tinh thần truyền thống - Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á số 3 (20) 1995.
(2) Phan Hồng Giang: Về một đề án giáo dục trị giá 70 ngàn tỷ…Trần Hữu Dụng - Vietstudies 13/6/2011
(3) Nguyễn Đình Chú: Khoa học xã hội và nhân văn với/cho nền giáo dục hiện thời của đất nước. I, II, III - Chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An các số 4, 5, 6 năm 2010.
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114450238

Hôm nay

2270

Hôm qua

2274

Tuần này

21783

Tháng này

216497

Tháng qua

120141

Tất cả

114450238