Nhìn ra thế giới

Phác thảo quá trình du nhập văn học Phương Tây vào Nhật Bản

Chuyển mình từ công cuộc hiện đại hóa sớm nhất vùng Đông Á, Nhật Bản nhanh chóng trở thành một cường quốc từ những năm cuối thế kỉ XIX. Đầy ý nghĩa đối với Nhật Bản là cuộc cách mạng Duy Tân Minh Trị từ 1868 đến 1912, quãng thời gian không dài nhưng giúp Nhật Bản phá tung những lề lối cũ, bước dần ra thế giới xung quanh. Một trong những bước đi quan trọng nhất của người Nhật, đó là tiếp cận và du nhập văn hóa phương Tây.

Đối với người Nhật bấy giờ, Phương Tây hứa hẹn một thế giới tiến bộ, cách biệt lớn lao đối với phương Đông cả về vật chất lẫn đời sống tinh thần. Cũng vì thế phương Tây ẩn chứa những hiểm họa đối với lãnh địa các nước Viễn Đông. Người Nhật nhận ra rằng, nếu không nhanh chóng cải tổ và phát triển, đất nước họ sẽ là cái cớ để phương Tây đến “khai hóa”. Không gì khiến người Nhật lo sợ bằng họa diệt vong. Điều đó trở thành động lực dữ dội khiến họ đặt mục tiêu phải nhanh chóng tiếp xúc với nền văn minh phương Tây, học tập để đuổi kịp và hơn nữa là vượt lên cả phương Tây.
Nuôi dưỡng sự kiên cường và ý chí quyết tâm, người Nhật đã thực hiện được mục đích đó. Họ biết rằng cách hay nhất cần đạt được là kết hợp sự tiến bộ phương Tây với tinh thần truyền thống của Nhật Bản. Từ đó chính quyền Minh Trị tạo mọi điều kiện để du nhập văn hóa phương Tây vào Nhật Bản. Không chỉ mời chuyên gia đến Nhật giảng dạy, chính quyền Minh Trị còn gửi sinh viên đi du học ở các nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ nhằm tiếp thu những tinh hoa nước ngoài trên các lĩnh vực. Konrad trong cuốn Văn học Nhật Bản từ cổ đến cận đại đã viết rằng: “Toàn bộ lực lượng tiên tiến nhất của Nhật Bản đều bị hút về phương Tây” (trang 312). Âu hóa là khẩu hiệu chung của giai đoạn Minh Trị, và điều này đã liên kết các lực lượng tiên tiến lại, trao cho họ sứ mệnh đưa văn hóa phương Tây đến với người Nhật.
Trong bối cảnh phức tạp của các mối quan hệ, trong sự giao tranh giữa cũ và mới, chính phủ Minh Trị đã khôn khéo sử dụng tất cả các lực lượng có thể đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Những người nằm trong hay ngoài cơ quan chính phủ đều được động viên để học tập, nghiên cứu phương Tây. Công cuộc hiện đại hoá toàn xã hội đã giúp người Nhật có đủ tự do, bỏ lại những ràng buộc quá khứ và không ngừng tiến về mảnh đất văn minh. Thực ra, người Nhật biết đến văn hóa, văn học phương Tây, chính xác là từ vài thế kỉ trước thời Minh Trị. Vai trò du nhập này phải kể đến cuộc nhập cư của những nhà truyền giáo đầu tiên ở Nhật Bản giữa thế kỉ XVI. Đặc biệt trong hai thập niên từ 1591 đến 1610, các thành viên Hội Thiên chúa giáo đã cho xuất bản những tác phẩm gốc và phiên dịch ra tiếng Nhật nhằm mục đích truyền bá tư tưởng đến người dân. Tác phẩm dịch được biết đến nhiều nhất là Truyện ngụ ngôn của Aesop, Theo gương Chúa của Thomas Kempis và Guia do Pecador của Luis de Granada. Để phù hợp với văn hóa Nhật và phù hợp với mục đích của mình, những nhà truyền giáo đã chỉnh sửa những tác phẩm này theo dụng ý riêng. Vì thế, khó mà xem đây là những tác phẩm dịch mang giá trị văn học thực sự.
Trong lúc người Nhật mong muốn tiếp xúc với văn hóa phương Tây nhiều hơn thì đáng tiếc thời kỳ sau đó, chính sách cai trị của tướng quân Tokugawa, đã cắt đứt mối liên hệ giữa Nhật Bản và phương Tây. Từ năm 1641 kéo dài cho đến năm 1858, theo lệnh triều đình, người Nhật không được giao du với thế giới. Chỉ có Hà Lan và Trung Quốc là hai nước ngoại lệ được triều đình chấp nhận giao thương. Chỉ một số sách vở liên quan đến lĩnh vực khoa học tự nhiên và vài tác phẩm văn học của hai nước này được truyền vào Nhật.
Phong trào thực sự của việc dịch tác phẩm phương Tây chỉ bắt đầu sau thời Phục Hưng Minh Trị năm 1868. Đến thời điểm này, Nhật Bản mới hội đủ điều kiện để tiếp xúc và du nhập phương Tây một cách thực sự.  
Đặt nền móng trong việc giới thiệu văn hóa, tư tưởng phương Tây là những trí thức có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với nước ngoài. Phukujava Yukichi và Nakamura Kenu là những nhà cổ động kiệt xuất cho hệ tư tưởng mới. Sau khi đến và làm việc cùng các nước Anh, Mỹ, năm 1869 Yukichi ra mắt cuốn Các quốc gia trên thế giới, sau đó là cuốn Các tri thức về phương Tây. Nếu Phukujava Yukichi quan tâm đến lĩnh vực khoa học tự nhiên, đặc biệt là chính trị, vật lý, thì Nakamura Kenu quan tâm giới thiệu các vấn đề đạo đức học, tôn giáo, triết học phương Tây. Đây là những công trình có ý nghĩa đặt nền tảng cho công cuộc Âu hóa ở Nhật Bản.
 Kế thừa những người tiên phong này, tầng lớp trí thức Nhật Bản không dừng lại ở chỗ giới thiệu một cách khái quát những lĩnh vực trên, họ tiếp tục đào sâu vào những chuyên ngành riêng biệt.
Văn học là một trong những ngành được đặc biệt quan tâm và dịch phong phú đa dạng. Theo khảo sát của nhà nghiên cứu Nguyễn Tuấn Khanh, viện nghiên cứu Đông Bắc Á: Số sách khoa học xã hội được dịch ở Nhật Bản tính đến năm 1890 tổng cộng là 633 cuốn, dịch từ nhiều nước phương Tây. Riêng số sách văn học được dịch tính đến năm 1887 là 120 cuốn. Trong đó, Anh và Hoa Kì chiếm 80 tác phẩm, Pháp chiếm 31 tác phẩm, Đức chiếm 3 tác phẩm, Nga chiếm 2 tác phẩm, Hà Lan 1 tác phẩm và Bắc Âu 1 tác phẩm. ( Trích dẫn Vai trò của dịch thuật văn học trong tiếp xúc văn hóa phương Tây ở Nhật Bản, Thông tin khoa học xã hội, số 3, 2007). Đây là một con số không nhỏ chứng minh rằng văn học được đầu tư dịch thuật ngay từ những thập niên đầu thời Minh Trị. Điều đó khiến ta suy nghĩ đến vai trò của văn học trong công cuộc hiện đại hoá.
So với những loại hình nghệ thuật khác, văn học chứng tỏ một khả năng phản ánh đời sống và tác động trở lại xã hội một cách lớn lao. Những tác phẩm văn học phương Tây giúp Nhật Bản hiểu biết về con người ở mảnh đất khác một cách sâu sắc và sinh động. Hơn nữa, nằm trong sự phát triển vũ bão của văn hóa xã hội, văn học phương Tây trở thành trung tâm phát triển sôi nổi các trào lưu, các trường phái văn học tiến bộ. Những tác phẩm đồ sộ của Anh, Pháp, Mỹ đã vươn đến các châu lục lân cận, mang đến những thủ pháp và những tư tưởng tiến bộ, độc đáo. Hiểu được vai trò văn học, trong quá trình du nhập văn hóa phương Tây, việc dịch văn học chiếm một vị trí quan trọng.    
Hiro Mukai, giáo sư người Nhật tại trường Đại học Quốc gia Úc đã nhận xét: “Người Nhật tiếp cận văn học phương Tây tương đối dễ dàng và nhanh chóng nhờ việc dịch tác phẩm sang tiếng Nhật vừa dồi dào vừa đa dạng”. (Trích Người Nhật và văn học phương Tây, Hemisphere, Asian – Australian Magazine tháng 6 – năm 1966, trang 8-11). Việc dịch thuật rõ đã giúp người đọc vượt qua rào cản của ngôn ngữ, đến với văn học phương Tây. Nhưng, so với việc dịch tác phẩm Trung Quốc như trước đó, dịch tác phẩm phương Tây khó hơn ngàn lần. Bởi tiếng Anh, tiếng Pháp hay Đức vẫn là những ngoại ngữ xa lạ với người Nhật thời bấy giờ. Hơn nữa, nền văn hoá mới phương Tây thể hiện qua tác phẩm cũng là một thử thách phức tạp đối với người dịch. 
Vì thế du nhập văn học phương Tây vào Nhật Bản trải qua một đường dài với nhiều giai đoạn không hề đơn giản. Mỗi giai đoạn, phương Tây đến với Nhật Bản trong một diện mạo khác. Điều đó không chỉ phụ thuộc vào trình độ và sự nổ lực của lực lượng dịch thuật mà còn phụ thuộc vào yêu cầu chính trị, không khí chung của văn hóa từng thời kì.
Hãy bắt đầu từ những thập niên đầu tiên của triều đại Minh Trị. Văn học phong kiến với những loại hình cũ vẫn tồn tại ở thời kì này nhưng đã bất lực trước yêu cầu mới của thời cuộc, những thị hiếu mới của tầng lớp trí thức. Sự chững lại đã cho thấy cần thiết phải có nền văn học mới đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của thế hệ mới, tư duy mới. Nhanh chóng thay thế vào đó, văn học dịch bắt đầu được hình thành từ thập niên 70, 80 của thế kỉ 19 này. Người Nhật làm quen với dòng văn học mới và tiếp nhận văn học ngoại lai thay cho văn học bản địa. Konrad viết: “Văn học dịch không những chiếm ưu thế mà gần như là độc nhất ở thời điểm này”. Cuộc khởi nghĩa Satsuma thắng lợi năm 1877 càng tạo nên không khí tự do, phấn khởi cho công cuộc dịch thuật.
Được dịch nhiều nhất giai đoạn này là tác phẩm Anh, Mỹ sau đó là Pháp, Nga. Anh có vị trí hàng đầu bởi đối với người Nhật bấy giờ, Anh là một đất nước công nghiệp vững chắc và đầy uy quyền trong hệ thống tư bản. Sau hai tác phẩm mang ý nghĩa thiết thực, Bàn về tự do của John Stuart Mill và Giúp đỡ bản thân của Samuel Smiles ra mắt năm 1871, người Nhật đã biết đến cuốn Robinson Crusoe của Defoe được dịch và xuất bản ngay năm sau đó. Đây là tác phẩm văn chương phương Tây đầu tiên được dịch sang tiếng Nhật, mặc dù hình thức chưa thật sự hoàn chỉnh. Mục đích đầu tiên của người dịch trong thời kì này là hướng dẫn luân lý và tinh thần cho người đọc, nhằm xây dựng một giá trị văn hóa mới của thời đại “văn minh và khai sáng”, đã được phát động bởi cuộc cách mạng Minh Trị trên. Nói cách khác, mục đích của văn học dịch giai đoạn này chưa hẳn là văn học, mà là tư tưởng, đạo đức nhằm cổ xúy trực tiếp cho bối cảnh chính trị Nhật Bản lúc bấy giờ.
Theo giáo sư Mukai trong bài viết Người Nhật và văn học phương Tây, những đầu sách được dịch trong những năm này còn có Chuyến đi của những người hành hương của Bunyan năm 1876, Khế ước xã hội của Rousseau năm 1877, Vòng quanh thế giới trong tám mươi ngày của Jules Verne và Ernest Maltravers của Bulwer-Lytton năm 1878. Đến 1880, một loạt tác phẩm khác được xuất bản như Tiền của Bulwer–Lytton, Telemaque của Francois de Fenelon và Thiếu nữ bên hồ của Walter Scott. Riêng tác phẩm Ernest Maltravers có một vai trò quan trọng đặc biệt, vì nó tạo nên trào lưu phiên dịch những tiểu thuyết văn học về chính trị, kéo dài suốt những năm sau 1880. Bulwer–Lytton và Disraeli là những tác giả được ưa chuộng và đọc rất nhiều ở Nhật Bản.
Những tác phẩm của Bulwer–Lytton như Paul Clifford, Eugene Aram, Những ngày cuối cùng của thành Pompeii, Rienzi, HaroldGia đình Caxton. Ngoài ra những tác phẩm của Disraeli như Vivian Grey, Thánh đường Henrietta, Endymion đã gây tạo hiệu ứng lớn đối với người Nhật. Điều này tác động đến sáng tác văn học bản địa, từ đó xuất hiện những tác phẩm mang đậm chất hiện thực, lấy cảm hứng từ lịch sử hoặc từ bối cảnh đương đại. Tác phẩm Những đám mây trôi đã đánh dấu bước thành công của dòng “tiểu thuyết chính trị” này. 
Bên cạnh tên tuổi của Bulwer–Lytton và Disraeli, ở thời điểm này, những nhà văn phương Tây khác có tác phẩm xuất hiện nhiều ở Nhật Bản như Alexandre Dumas cha, Shakespeare, Goethe, Tolstoy, Cervantes, Pushkin, Herbert Spencer, Victor Hugo và Boccaccio.
Cũng đáng nói là, ở những thập niên đầu tiên của thời Minh Trị, những nhà văn được chọn dịch không chỉ bởi tác phẩm của họ tạo tiếng vang ở phương Tây mà còn vì âm hưởng của cuộc đấu tranh xã hội, cổ vũ cho sự tự do, tiến bộ mà các tác phẩm này mang lại. Đây chính là tinh thần mà Nhật Bản cần du nhập vào đất nước mình.
Để những tác phẩm truyền tải được mục đích xã hội, đội ngũ dịch thuật có thể thay đổi tên gốc của tác phẩm. Chẳng hạn, tác phẩm Xeda của Shakespeare được đổi tên là Thanh kiếm tự do. Wilhelm Tell của Schiller có bốn bản dịch và phóng tác thì ba bản có tựa đề “tự do”: Cánh cung của độc lập tự do công chính, Truyện tự do của Triết Nhĩ (Tell), Người hùng của tự do. Có một số trường hợp, người dịch không giữ lại tên gốc mà còn đặt ra cái tên mới. Những tựa đề này phù hợp với trào lưu đang dấy lên trong xã hội Nhật, có tác dụng lớn đối với thị hiếu và tinh thần chung của độc giả.   
Không chỉ cải biên nhan đề, đôi khi những tác phẩm dịch có thể cải biên chất liệu tác phẩm. Shakespeare viết nguyên gốc ở dạng kịch, nhưng người Nhật đã dịch tác phẩm dưới dạng văn xuôi. Giai đoạn này, việc dịch thuật không đặt lên hàng đầu vấn đề chính xác so với nguyên tác. Nội dung của một số tác phẩm phương Tây có thể được rút gọn lại, được cải biên hoặc phóng tác, nhằm phù hợp với nhu cầu của người đọc và cả mục đích của người dịch.
Như Konrad nhận xét, văn học dịch giai đoạn này được hứng thú trước hết bởi nội dung và tư tưởng, chưa phải ở hình thức văn học. Những tác phẩm văn học phương Tây mang đến một thế giới mới, khác với những gì người Nhật từng biết. Nội dung này được cảm nhận chủ yếu theo tinh thần xã hội của thời đại. Một tinh thần được cổ vũ trên nguyên tắc thực tiễn, hướng đến sự dân chủ và tự do.
Dẫu sao, giữa phương Đông và phương Tây vẫn là khoảng cách không dễ dàng xóa lấp. Việc dịch và tiếp nhận tác phẩm phương Tây gặp khó khăn hơn nhiều so với việc dịch và tiếp nhận tác phẩm Trung Quốc hay Ấn Độ trước đó. Trong những ngày đầu tiếp xúc với văn học Anh, Pháp, Mỹ… hẳn nhiên Nhật Bản không tránh khỏi sự bỡ ngỡ trước “người lạ”. Vừa dịch, vừa chỉnh sửa sao cho phù hợp với “tầm đón đọc” của người dân là điều dễ hiểu và cần thiết trong những thập niên đầu.
Đến những năm 1890 chất lượng văn chương của những tác phẩm gốc và những tác phẩm dịch trở thành tiêu chí chủ yếu định giá một tác phẩm. Đến lúc này, người ta bắt đầu chú ý đến chất văn chương thực sự. Để đáp ứng yêu cầu việc dịch thuật là tôn trọng nguyên tác, đồng thời vẫn mang đến cho người đọc sự khoái cảm, sự thỏa mãn riêng biệt khi tiếp xúc với tác phẩm văn chương, thời kỳ này đã xuất hiện những dịch giả nổi tiếng. Những dịch giả này không chỉ là những nhà ngôn ngữ, thuần thục tiếng mẹ đẻ và tiếng nước ngoài, mà họ còn là những cây bút hết sức sáng tạo trong quyền hạn riêng. Họ đã mang đến cho người Nhật những tác phẩm của Hans Christian Andersen, Turgenev, Tolstoy, Dostoievsky, Huygo, Shakespeare, Wordsworth, Byron, Emerson, Carlyle, Longfellow, Dante, Tennyson, Rossetti, Shelly và Keats.
Đến đầu thế kỉ XX, việc dịch thuật tác phẩm văn học phương Tây ở Nhật Bản được đánh dấu bởi sự gia tăng các nguồn văn học Pháp và các tác phẩm Nga nổi tiếng. Những tác phẩm Pháp được dịch là những tiểu thuyết thuộc chủ nghĩa tự nhiên, những truyện ngắn của Zola, de Maupassant, Edmond, Jules de Goncourt và Daudet. Hơn nữa, người Nhật cũng dành sự quan tâm đến thể loại thơ. Những bài thơ tượng trưng của Baudelaire, Verlaine, Mallarme, Rimbaud, de Regnier và Laforgue được dịch, mang đến sự hấp dẫn đối với thế hệ những nhà thơ mới của Nhật. Ngay đến những bài thơ đa sắc của Valery, Claudel, Radiguet, Apollinaire, Francis Carco, Remy de Gourmont và Jean Cocteau cũng xuất hiện ở xứ sở này. Điều đó có ý nghĩa lớn trong cuộc thay đổi phong thái thơ ca Nhật Bản đầu thế kỉ XX.
Riêng với văn học Nga, sự chú ý của độc giả càng tăng cao qua những tác phẩm của Turgenev, Tolstoy, Dostoievsky, Chekhov, Artsybashev, Fyodor Sologub, Vsevolod Garshin, Gorky, Gogol, Alexander Kuprin và Leonid Andreyev. Mặt khác, thời kì này độc giả Nhật cũng thưởng thức các tác gia ở ngoài phạm vi Anh, Pháp, Mỹ mà họ biết trước đó. Người Nhật đã đọc Arthur Schnitzler của Áo, Gerhart Hauptmann và Hermann Sudermann của Đức, August Strindberg của Thụy Điển, Henrik Ibsen của Na Uy, và các tác gia người Ireland như W.B.Yeats, J.M.Synge, Gregory và Dunsany.
Vào những năm 1920, nhiều tác phẩm đề cập đến vấn đề dân chủ và chủ nghĩa xã hội được dịch như tác phẩm của Walt Whitman, J.E.Carpenter, George Bernard Shaw, Henri Barbusse, Emile Verhaeren và C.Louis Phillipe. Việc dịch tác phẩm Mở cửa suốt đêm của Paul Morand năm 1924 bắt đầu cho trào lưu văn học hậu chiến sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Từ đó, những tác phẩm của Andre Gide, Marcel Proust, Valery, James Joyce, D.H.Lawrence, Aldous Huxley bước chân vào Nhật Bản. Bên cạnh những tên tuổi này, người Nhật còn biết đến T.S.Eliot, William Faulkner, Ernest Hemingway, John Dos Passos, John Steinbeck, Hans Carossa, Herman Hesse, Rainer Maria Rilke và Thomas Mann. Những nhà văn này tiếp tục được đọc ở Nhật Bản cho đến những năm 1930 và gần như đến khi bùng nổ cuộc chiến tranh giữa Nhật với các nước Mỹ và Anh. Tất nhiên, khoảng giữa thập niên 30, số lượng sách phương Tây được dịch có phần suy giảm.
Sau chiến tranh, quá trình du nhập văn học phương Tây càng đi những bước chậm chạp. Do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thương lượng bản quyền và tiền nhuận bút của tác giả đã làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Từ đó, việc dịch văn học phương Tây ít nhiều bị rời rạc. Những tổn thất của chiến tranh quá lớn, khiến Nhật bắt tay vào việc khôi phục đất nước, hơn là mải mê theo đuổi văn chương. Họ xây dựng nền chính trị, nền kinh tế với quyết tâm trở lại một cường quốc. Phải đến những năm sau 1950, số lượng tác phẩm dịch mới tăng lên đáng kể. Người Nhật lại tiếp tục đọc Norman Mailer, James Jones, Arthur Miller, J.D.Osborne, Colin Wilson, Vercors, Alber Camus, Simone de Beauvoir, Jean Paul Sartre, Louis Aragon, Francoise Sagan, Alain Robbe-Grillet và Micheal Buton. Đây là những nhà văn có sức tác động mạnh mẽ đến người Nhật sau thế chiến thứ hai.Cho đến ngày nay, người ta vẫn còn kinh ngạc về tốc độ những tác phẩm phương Tây được dịch sang tiếng Nhật tại thời điểm bấy giờ.
Rõ ràng, việc du nhập văn học phương Tây đã đi qua một quá trình dài với những thay đổi và những tiến bộ rất đáng kể. Tùy thuộc từng thời điểm, tùy thuộc hoàn cảnh xã hội, văn hóa của chính mình mà người Nhật đã thẩm định và lựa chọn những tác phẩm dịch phù hợp. Người Nhật đi từ chỗ cảm nhận văn chương dựa trên giá trị xã hội, cho đến chỗ cảm nhận văn chương dựa trên giá trị thẩm mỹ đích thực của nó, từ việc thẩm thấu nội dung tư tưởng đến việc thẩm thấu hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Bước tiến này đã giúp người Nhật thực sự học tập rất nhiều từ văn hóa, văn học phương Tây để đi đến việc xây dựng một nền nghệ thuật của riêng mình.
Để có được thành công này, báo chí đóng một vai trò rất quan trọng. Ngay từ thời Minh Trị, các tờ báo đã có mặt để hỗ trợ cho cuộc ra đời của văn học dịch. Theo Nguyễn Nam Trân trong Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản, quyển hạ, Nhật kí người đi săn của Tourgueniev đã được Futabatei Shimei dịch rất sớm trên tờ Kokumin no Tomo (Quốc Dân Chi Hữu) năm Minh Trị 11 (1878). Không chỉ Tourgueniev, Futabatei Shimei còn giới thiệu các nhà văn Nga khác và đưa phong cách văn học Nga lên văn đàn. Các tác phẩm của Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan cũng được dịch và đưa lên báo theo từng kì. Ngoài tờ Kokumin no Tomo, Nhật Bản còn có những tờ báo nổi tiếng khác như Kokkai Shinbun (Quốc Hội Tân Văn), đăng nhiều tác phẩm văn học dịch khác. Trong đó nổi tiếng là cuốn Tội và Phạt của Dostoievski, được dịch ra Nhật ngữ và đăng trên tờ này năm 1892. Ngoài hai tờ này còn có tạp chí Myôjô (Minh Tinh) từ 1895 đã đưa Baudelair, Verlaine, Browning đến với độc giả. Có những ấn phẩm không phải là tạp chí văn học, lĩnh vực quan tâm là xã hội và chính trị nhưng vẫn dành nhiều không gian cho các bài sáng tác, nghiên cứu văn học. Chẳng hạn, các tạp chí như Jogaku Zasshi (Tạp chí tri thức phụ nữ, 1885 – 1904), Kokumin no tomo (Người bạn của quốc gia, 1887 – 1898). Qua đó các tờ báo đã nuôi dưỡng được các tài năng văn học và tác phẩm phương Tây đến với công chúng.
Từ 1893, một số nhà văn tách khỏi các tờ báo chung để thành lập nên tạp chí văn học. Bugakukai và Waseda Bungaku ( Văn học Waseda, 1891 – 1898) là những tạp chí văn học hoạt động hiểu quả. Những tạp chí này đẩy mạnh mục tiêu phê bình và nghiên cứu văn học. Đây cũng là nơi nổ ra những cuộc tranh luận lớn về các vấn đề văn học. Sau giai đọan này, các tờ báo hợp lại và hình thành nên các tờ báo lớn mang thông tin nhiều lĩnh vực. Những tờ báo hỗn hợp này là nền tảng cho công nghiệp xuất bản và phổ biến văn học hiện đại.
Đáng nói là, nhờ hoạt động báo chí, có những dịch giả đã trở thành nhà văn, và có những nhà văn là dịch giả. Mori Ogai là một trong những tên tuổi được biết đến bởi tác phẩm dịch và cả sáng tác của ông. Công việc dịch thuật đã giúp những tác giả này tiếp xúc trực tiếp với các phong cách viết nước ngoài, với các thủ pháp và tư tưởng mới mẻ. Từ đó, sáng tác của Nhật Bản đổi mới theo nhiều hướng khác nhau.
Trong thơ ca, Nhật Bản được biết đến chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa siêu thực… Không khí thơ ca ở đất nước Phù Tang trở nên đa dạng và sinh động hơn nhờ sự tác động bởi các trào lưu này. Theo Nguyễn Tuấn Khanh, tập thơ Những cuộc săn bắn thời niên thiếu (1897) của Shimazaki Tôson và các thi phẩm khác của Kanbara đã cho thấy thơ ca họ chịu ảnh hưởng bởi chủ nghĩa biểu hiện ở châu Âu. Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX là bước ngoặc đánh dấu sự thể nghiệm của Nhật Bản trong quá trình vận dụng kĩ thuật phương Tây vào văn học nước nhà.
Joyce và Proust là những tác giả ảnh hưởng lớn đến tiểu thuyết của Yokemitsu và văn phái Shinkankakuha. Kawabata Yasunari cũng ảnh hưởng từ hai tác giả phương Tây này. Sato Harno lại hiểu biết về Wilde và Nietzche đủ để tác phẩm ông mang một giọng điệu thật độc đáo. Các nhà văn Nhật giai đoạn này như Natsume Soseki, Mori Ogai, Tanizaki Junichiro hay Mishima Yukio… đều cho rằng họ thấm nhuần văn học phương Tây. Cho nên, giai đoạn hiện đại hoá của Minh Trị là một thời đại ý nghĩa. Chưa bao giờ Nhật Bản có cơ hội giao lưu với văn học phương Tây một cách mật thiết như thế.       
Ở những thập niên 60 của thế kỉ XX, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, người Nhật hiểu biết về phương Tây nhiều hơn là người phương Tây hiểu biết về người Nhật. Với phương Tây, Nhật Bản là một cái gì đó tù mù, phức tạp, và có phần khó hiểu. Điều đó có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân cơ bản là tác phẩm Nhật được dịch và du nhập sang Âu, Mỹ rất ít. Phương Tây không có cơ hội hiểu biết về văn hóa, văn học của xứ Phù Tang. Nhưng đó là tình hình của những thập niên 60, đến hôm nay, phương Tây đã nhanh chóng bù vào sự thiếu hụt đó bằng lượng sách không nhỏ dịch từ nguồn Nhật Bản.
Ngược lại, từ thời Minh Trị, Nhật Bản đã chú trọng việc học ngoại ngữ từ rất sớm. Hầu hết học sinh Nhật đã học tiếng Anh từ những năm đầu tiên ở trường Tiểu học. Rèn luyện ngoại ngữ sớm là một thuận lợi lớn của sinh viên Nhật trên con đường tiếp cận phương Tây. Quan trọng hơn, nhờ việc dịch thuật sôi nổi ngay từ thời Minh Trị, người Nhật đã có vô vàn cơ hội được đọc những cuốn sách phương Tây được dịch hoặc phóng tác ngay từ tuổi thơ. Những câu chuyện cổ tích được trẻ em yêu thích là những tác phẩm của anh em nhà Grimm, Hans Christian Andersen và Andrew Lang. Sau đó, học sinh được đọc những tác phẩm hư cấu cao hơn như Peter Pan của James Barrie, Hòn đảo vàng của Robert Louis Stevenson, Túp lều bác Tom của Harriet Beecher Stowe, Không gia đình của Hector-Henri Malot, Chúa tể nhỏ vùng Fauntleroy của Burnett.
Ngoài ra, cũng nhờ việc dịch thuật phát triển sớm, học sinh Nhật còn tiếp cận những tác phẩm văn chương mang giá trị cao khác như Cuộc phiêu lưu của Tom SawyerCuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn của Mark Twain, Cuộc phiêu lưu của Alice trong thế giới thần tiên Nhìn qua gương soi của Lewis Carroll, Một khúc hát mừng Noel của Charles Dickens, Ngựa ô yêu dấu của Anna Sewell… Đây chỉ là một số tựa đề tiêu biều cho khả năng đọc rộng của người Nhật. (Trích dịch từ Người Nhật và văn học phương Tây – Hemisphere, Asian – Australian Magazine tháng 6 – năm 1966, trang 8-11)
Một sinh viên mê đọc sách có thể tìm thấy một danh mục gần như vô tận các tác phẩm phương Tây. Không chỉ ở trường học, người Nhật còn “được” thúc giục đọc sách bởi các phương tiện truyền thông khác. Báo chí đóng một vai trò quan trọng trong việc giới thiệu sách mới, phổ biến kiến thức mới và nâng cao thị hiếu thẫm mỹ của người dân.
Báo chí Nhật thường xuyên xuất hiện những danh sách tác phẩm cần đọc, “dành cho người trí thức”, “dành cho học sinh tiểu học”, “dành cho học sinh trung học”…. Có thể nói, điển hình là những danh sách của tờ Shukan Bunshun, tờ tuần báo phổ biến và nổi tiếng của một trong những nhà xuất bản hàng đầu ở Nhật. Danh sách “Một trăm cuốn sách cho người trí thức” phát hành ngày 28 tháng 9 năm 1964 của tờ có một tác động rất lớn trong việc đánh giá sự du nhập và sự tiếp nhận của người Nhật đối với văn học phương Tây. Danh sách này có được xây dựng từ ý kiến của các chuyên gia và các trí thức lớn, có tác dụng hướng dẫn thành công, có tính triết lý hoặc ý nghĩa thiết thực đối với người Nhật.
Tất cả cho thấy rằng, không chỉ du nhập một lượng sách rất đáng kể của phương Tây vào đất nước mình, Nhật Bản còn biết quảng bá và phổ thông hoá kiến thức đó. Chú ý trên cả chiều sâu và chiều rộng, Nhật Bản đã thành công trên con đường tiếp cận phương Tây. Nhật Bản trở thành một trong những dân tộc phương Đông đuổi kịp những cường quốc của thế giới với thời gian nhanh nhất. Cho đến nay, Nhật Bản cũng đã có những tác gia lớn đạt giải Nobel văn chương, mang vinh dự về cho dân tộc họ. Những tác giả khiến phương Tây nể trọng như Kawabata, Abe Kobo, Oe Kenzaburo, Murakami đều mang trong mình nét cổ điển truyền thống của Nhật, đồng thời rất mới lạ và hiện đại trong thủ pháp. Phương Tây ngày nay đã chú ý đến Nhật như một nền văn học độc đáo và không tiếc thời gian, công sức để tìm hiểu đất nước nàyr
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1.    N.I.Konrad: Văn học Nhật Bản từ cổ đến cận đại, NXB Đà Nẵng, 1999.
2.    N.I.Konrad: Phương Đông và phương Tây, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1996, tái bản 1997.
3.    Nguyễn Tuấn Khanh: Vai trò của dịch thuật văn học trong tiếp xúc văn hoá phương Tây ở Nhật Bản, tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, số 3, 2007.
4.    Nguyễn Nam Trân: Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản, quyển hạ, http:// www. ERCT. Com
5.    Nhiều tác giả: Văn học Nhật Bản, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện thông tin khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.
6.    Hiro Mukai: Người Nhật và văn học phương Tây, dịch từ Hemisphere, An Asian–Australian Magazine, July 1966.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570036

Hôm nay

272

Hôm qua

2367

Tuần này

22419

Tháng này

228560

Tháng qua

129483

Tất cả

114570036