Ngôi biệt thự của GS-NGND Hoàng Như Mai trong phố Trần Quốc Tuấn – quận 1 – thành phố Hồ Chí Minh như một ẩn sĩ trầm mặc giữa phố thị. Cụ chống can (ba-toong) nhẹ bước ra thanh thoát, gương mặt hồng hào nhân hậu toát lên cùng mái tóc bạc như mây trời. Để đảm bảo sức khỏe của cụ, tôi chọn chỗ làm việc trong nhà tuy rất thích ngồi trên bộ bàn đá ngoài sân dưới tán cây. Dù không ở ngoài trời nhưng hai ông cháu vẫn được nhận ánh sáng từ giếng trời soi chiếu.
GS-NGND Hoàng Như Mai mở đầu câu chuyện với một giọng thanh, ấm và truyền cảm, nếu không được biết từ trước có lẽ tôi không nghĩ tới cụ đã ở tuổi 91.
**
- Thầy Nguyễn Mạnh Tường rất nổi tiếng bởi vì lập kỷ lục giành được 2 bằng Tiến sĩ Quốc gia của nước Pháp cùng một lúc. Tôi học thầy Nguyễn Mạnh Tường ở ban Tú tài trường Bưởi cho nên tôi cũng sùng bái lối nói của thầy, có thể nói là kính phục, cảm phục gần như mê tín: thầy nói hay vô cùng, nói không có giấy tờ gì. Cho nên khi bắt đầu đi dạy học tư, tôi dạy văn học Pháp và văn học Việt Nam. Văn học Pháp tôi cũng bắt chước nguyên như thầy Nguyễn Mạnh Tường, cũng đút hai tay vào túi quần mà nói. Về sau dạy văn học Việt Nam cũng phong cách như vậy. Kẻ hậu sinh xin được cắt ngang câu chuyện bằng một sự đồng cảm. Tôi nhẩm đọc lại cụ nghe một đoạn trong bài “Người thầy nghệ sĩ giáo sư Hoàng Như Mai” của Bùi Việt Thắng trong cuốn “100 chân dung một thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội” (2006):
Tôi còn nhớ một kỷ niệm khó phai trong đời học sinh bậc đại học: Dạo đó Khoa Ngữ văn vừa từ nơi sơ tán (làng La Khê, Hà Đông) chuyển về khu Mễ Trì (trên đường Lương Thế Vinh bây giờ). Giờ Văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945, thầy dạy 3 tiết cuối, bài giảng về thơ kháng chiến 1946 - 1954. Lúc đó đã 11 giờ, gần tan buổi học. Sinh viên khu Ký túc xá Mễ Trì kéo nhau xuống bếp ăn tập thể, nhiều người vừa đi vừa gõ thìa vào bát lanh canh. Bỗng dưng nhiều sinh viên Khoa Lịch sử dừng lại bên cửa sổ lớp học Văn năm thứ ba. Thầy Hoàng Như Mai đang giảng bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng. Giọng thầy trầm bổng, lúc hùng hồn lúc tha thiết, xúc động và lắng sâu. Cả thầy và trò quên mệt, quên đói, quên cả thời gian trôi nhanh vào phút chót, giờ chót buổi học. Câu thơ cuối của bài thơ, sau khi đọc và bình xong, hai tay thầy vẫn giơ lên như một nhạc trưởng đang bắt nhịp một bài hát. Rồi bỗng oà lên, rồi xuýt xoa, rồi hể hả trong đám học trò. Hôm đó tại nhà bếp Ký túc xá Mễ Trì, sinh viên hai khoa Văn - Sử cứ nấn ná mãi bên những bàn ăn đã được dọn sạch từ lúc nào, họ mải mê bình luận về bài giảng tuyệt vời của thầy Hoàng Như Mai”.
GS-NGND Hoàng Như Mai cười ý nhị:
- Được cái đó là tôi học ở thầy Nguyễn Mạnh Tường. Kể cả dạy văn học phương Tây cũng như dạy văn học Việt Nam tôi cũng diễn đạt thao thao bất tuyệt, nói rất hùng biện.
Lúc còn trẻ đi dạy học, tôi cũng thích thầy Nguyễn Mạnh Tường ghê lắm vì tài đại hùng biện của thầy…
Thầy Tường, khi dạy tôi ở Tú tài, hay lắm. Mà sở trường khi thầy dạy tác phẩm có trong chương trình là kịch – kịch cổ điển. Dạy kịch Lecid của Pierre Corneilie; thầy giảng bài nổi tiếng là: “Bài cãi kiện của một người cha”; đó là đoạn Don Diègue cãi cho con trai là Rodrigue thì tuyệt vời. Bởi vì thầy vừa là văn giỏi, lại vừa là luật giỏi nữa, thành ra thầy giảng tuyệt vời lắm. Học trò mê tín lắm. Mà thầy Tường chỉ dạy có Văn học Cổ điển. Ngày xưa giáo sư dạy; lúc mới đầu Đại học của ta cũng thế; họ có quyền chứ không theo chương trình gì cả. Đã là giáo sư, họ không cần theo chương trình. Họ có cái danh dự của họ và họ giảng theo phần nào trong chương trình, họ được quyền.
Cho nên là bây giờ tôi đánh giá thực về thầy Nguyễn Mạnh Tường: Về Văn học Cổ điển của Pháp thì thầy giỏi, thầy nói hay, nói hay lắm, rất hùng biện. Tư thế của thầy Nguyễn Mạnh Tường cứ đút hai tay, mặc bộ quần áo Tây, trong đó có một cái gi-lê, thầy cứ móc hai tay vào đấy, thầy cứ thế vừa di đi, lại lại vừa nói, nói mấy tiếng đồng hồ cho nên học sinh phục lắm.
Hà Nội có đồn một giai thoại về thầy Nguyễn Mạnh Tường chẳng rõ thực hư ra sao? Thầy Nguyễn Mạnh Tường cùng học với Cam-béc-lin là Hiệu trưởng trường Luật trong Cao đẳng Đông Dương lúc bấy giờ. Ông Cam-béc-lin nói về ông Nguyễn Mạnh Tường: “Tất cả kiến thức của ông ấy chỉ có thu gọn lại là vài trang văn học”. Ông Nguyễn Mạnh Tường nói: “Ông Cam-béc-lin khi ông ra trước ban giám khảo ông run như cái lá bị gió”. Hai bậc kỳ phùng địch thủ, kình nhau lắm.
Biết danh tiếng của GS-NGND Hoàng Như Mai vừa là một vị giáo sư có uy tín lại là một nhà nghiên cứu văn học nghiêm cẩn. Tôi khơi chuyện văn chương về Giáo sư – Tiến sĩ – Luật sư Nguyễn Mạnh Tường. Người học trò ngoài cửu tuần, nhân chứng lịch sử qua hai thế kỷ trầm tư:
- Thầy Nguyễn Mạnh Tường tất cả ấn tượng với chúng tôi là một giáo sư giỏi. Khi ở bên Pháp về nước, thầy có viết tác phẩm Những nụ cười và những giọt nước mắt của một thế hệ trẻ (Sourires et Larmes d'une Jeunesse), văn chương hay lắm. Hình như đó là một quyển đầu tiên trong bộ sách Xây dựng một nền văn hóa Việt Nam trên cơ sở kế thừa văn hóa Pháp. Quyển đầu là Những nụ cười và những giọt nước mắt của một thế hệ trẻ (Sourires et Larmes d'une Jeunesse). Bộ thứ hai là Xây dựng phương Đông[1]. Quyển đầu tiên là Những viên đá quý của nước Pháp (Pierre de France). Quyển thứ hai là Học tập gì ở các nước Địa Trung Hải (Appren tissage de la Méditerrannée). Tôi chỉ biết có mấy quyển ấy thôi.
Nói thực thầy Nguyễn Mạnh Tường rất giỏi văn chương. Khi viết trên tập san Giai phẩm là thầy đem những chuyện chính thống của văn chương, cũng là kinh điển Văn học La Mã, Hy Lạp thôi, ra nói chứ không phải để phê phán. Thầy Tường xưa nay hay lật lại các vấn đề. Bởi vì ông vừa là nhà văn, vừa là nhà nghiên cứu văn học, vừa là luật sư, là người cực kỳ uyên bác. Ở ta là khâm phục thầy Tường vì điều đó.
Nhưng mà chính tôi, tôi phải thú thực, sau này trong lúc tôi duyệt lại những tín điều của mình, thì tôi xin phép được nói thẳng: Tôi không phục thầy Tường. Cho nên là trong một hội nghị văn nghệ ở khu 3, hội nghị ấy do nhà xuất bản Minh Đức tổ chức. Anh biết Trần Thiếu Bảo chứ?
Nghe câu hỏi của cụ, tôi dừng bút ghi chép, khẽ thưa:
- Ông Trần Thiếu Bảo, người lập ra nhà Xuất Bản tư nhân duy nhất: Minh Đức – Thời Đại; mà ông vừa là giám đốc, vừa là biên tập kiêm tổng biên tập, thủ quỹ – “bà đỡ” sẵn sàng bỏ tiền túi ra, ứng trước cho văn nghệ sỹ, cho rất nhiều những tập thơ, tập truyện ngắn, sách khảo cứu… được ra đời trong kháng chiến thậm chí cả kịch Lôi Vũ, Nhật Xuất…in trên giấy tự tạo vẫn còn nguyên sợi rơm của xưởng giấy thủ công ở Quần Kênh (Thanh Hóa). Bìa sách cũng như ruột, chỉ là một thứ giấy, một thứ chữ lem nhem, in từ cái máy minerve quay tay ra…. của các tác giả như Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Trương Tửu, Hoài Thanh… Khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội, sau 10-10-1954, nhà xuất bản Minh Đức biển hiệu “con ngựa trắng đang bay” lập “dinh” tại 25 phố Phan Bội Châu”.
Nhẹ ấp hai bàn tay vào nhau, GS-NGND Hoàng Như Mai vẫn đều giọng:
- Đúng rồi! Tôi cũng thân với ông ấy. Tôi kể chuyện văn nghệ lúc bấy giờ một chút để anh biết.
Sắp đại hội văn nghệ khu 3, thì ông Trần Thiếu Bảo chơi trội, ông làm ngày văn nghệ của riêng mình. Về sau này tôi nghĩ ông ấy rất có công và tôi rất tiếc là đáng lẽ vào dịp nào giỗ ông ấy tôi viết một bài. Tôi ngần ngại là vì có được người ta hưởng ứng hay không?
Tôi kể tiếp chuyện hội nghị văn nghệ. Tôi có nói trong kháng chiến, tôi là học trò không phục thầy Tường lắm đâu. Về sau tôi cũng ân hận về chuyện đó.
Ngày văn nghệ đó họ tổ chức, bây giờ những người có dự hẳn còn nhớ, bởi vì lúc bấy giờ đi sơ tán, nhắc đến thầy Tường thì mọi người phục lắm. Tất cả mọi người đều phục thầy Tường. Thầy Tường nói chuyện văn nghệ nhưng không đạt. Hay là tôi nghĩ thế thôi. Lúc bấy giờ tôi đã đi hoạt động văn nghệ, và đang dạy ở trường Phan Thanh (tỉnh Thái Bình). Thầy nói vẫn như hồi dạy chúng tôi ngày trước, không thay đổi, cho nên là tôi không phục. Tôi viết một bài như tường thuật về hội nghị văn nghệ, phê phán thầy Tường. Bây giờ thì tôi cũng hối hận vì hơi mỉa mai.
Tôi coi mình như một thằng học trò ngỗ nghịch. Nghĩ lại, tại vì lúc đó tôi trẻ, hăng hái quá, phủ định tất.
Sau vụ Nhân văn Giai phẩm thì thầy Tường chỉ dịch sách cho nhà xuất bản Giáo dục, ông Trần Đức Thảo về nhà xuất bản Sự thật, ông Đào Duy Anh thì về Viện Sử học. Ông Trương Tửu không nhận công tác, về nhà châm cứu. Thầy Tường tôi gặp rất ít…
***
Sức bào mòn của thời gian thật là ghê gớm, biết bao kỷ niệm đã bị hủy diệt. Nhưng một bậc trưởng lão tinh anh như GS-NGND Hoàng Như Mai phải làm tôi kính nể. Những mảnh ký ức còn sót lại tản mạn ấy như đã thành trầm tích quý giá. Qua lời cụ kể tôi đối chiếu được ngay vì hoàn toàn khớp với hồi ký của các nhà trí thức tôi đã được đọc… Lang thang mãi thì cuối cùng tôi vẫn phải quay trở về với nơi khởi nguồn: Thầy Nguyễn Mạnh Tường và học trò Hoàng Như Mai những năm tháng ở trường Bưởi.
- Độ thầy Nguyễn Mạnh Tường dạy tôi thì thầy có viết một vở kịch tiếng Pháp tài hoa lắm. Cuộc du hành và tình nghĩa (Le voyage et le sentiment - 1943). Thầy chọn một cô sinh viên tức là bạn học của tôi để đóng. Tiếc là vở kịch ấy chưa đóng được.
Thầy Tường là một vị giáo sư rất ngang tàng. Ở trường Bưởi có mấy giáo sư ngang tàng chống lại Hiệu trưởng. Học xong Tú tài, ra trường, tôi không biết thầy Tường dạy đến bao giờ nhưng thầy Nguyễn Xiển đi sang làm thiên văn, thầy Nguyễn Văn Huyên bỏ không dạy đi sang viện Viễn Đông Bác Cổ…
Tôi tiếp nối chuyện với GS-NGND Hoàng Như Mai một đoạn trong Hồi ký của cụ Nguyễn Mạnh Tường do gia đình cung cấp, để cụ rõ thêm về thầy dạy năm xưa:
“Pháp thua trận ở chính quốc. Ở thuộc địa phát xít Nhật làm đảo chính Pháp ở Đông Dương ngày 9-3-1945. Người Pháp trở thành tay sai và ngoan ngoãn tuân lệnh của Nhật. Lúc này Nhật vơ vét gạo của Việt Nam để nuôi quân. Nó bắt Pháp ra lệnh cho bọn quan lại đi tuyên truyền trong nhân dân bán thóc cho Nhật. Nhưng quan lại Việt Nam bị dân thù ghét nên không thu được kết quả gì.
Lúc đó tôi không hiểu tại sao Nhật – Pháp lại nghĩ đến tôi và yêu cầu tôi tham gia vào công việc tuyên truyền bẩn thỉu ấy.
Tôi cương quyết không chịu nghe lấy cớ rằng tôi là giáo sư chỉ dạy học chứ không phải đi tuyên truyền cho ai cả. Lúc này tôi hổ thẹn thấy một số anh em trong giáo giới ở trung học ngoan ngoãn chấp hành lệnh của bọn phát xít để thỏa mãn những tham vọng bất lương. Thái độ cương trực của tôi làm cho bọn Pháp – Nhật tìm cách trả thù.
Chúng cử một tên Thanh tra Thạc sĩ Trung học đến lớp tôi dạy để đả kích. Tôi phản kháng: Tôi là Tiến sĩ, giáo sư Đại học, không để một tên Thạc sĩ Trung học đến quấy nhiễu. Rồi tôi lập tức nộp đơn xin từ chức và ra khỏi giáo giới. Cái cung của tôi có hai dây, dây nọ đứt tôi dùng dây kia. Tôi trở lại nghề nghiệp luật sư. Tôi rất tiếc phải rời bỏ các học sinh của tôi và không thực hiện được nhiệm vụ truyền đuốc nữa. Nhưng không thể nào khác được. Tôi đặt danh dự của tôi lên trên hết và không chịu để ai dẫm lên chân mình dù là những kẻ có quyền hành trong tay.
Đấy số kiếp người trí thức mất nước là vậy đó!
***
Bóng nắng sắp chính ngọ, đã quấy quả cụ gần 2 giờ đồng hồ liền, tôi xin phép ra về để cụ nghỉ ngơi. GS-NGND Hoàng Như Mai tiễn tôi ra trước thềm. Đi dưới bóng cây, ngoái lại, tôi thấy cụ lịch thiệp đứng chống can có ý đợi tôi khuất hẳn ngoài ngõ. Những vần thơ trong bài “Thăm thầy giáo cũ” của nhà giáo – nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi viết tặng thầy Hoàng Như Mai dội lại trong tôi như sóng miên man vỗ bờ không dứt:
“… Thầy đã giảng cho con về đất nước, nhân dân
Để khi mặc lành không quên người áo vá
Ăn miếng ngon nhớ bàn tay trồng khoa dỡ củ
Câu ca dao đau đáu một đời
…
Con nghe rất nhiều trong lặng im
Thầy thấu cả những điều con chưa nói
Phút giao cảm, thầy là tia nắng dọi
Con, cây xanh đang nẩy lộc trong vườn”.
Thành phố Hồ Chí Minh, 15-8-2009
Hà Nội, chớm đông Kỷ Sửu
[1]: Xây dựng phương Đông (Construction de L'Orient) ) là tên một tủ sách, của nhà xuất bản Đông Dương tạp chí; GS Nguyễn Mạnh Tường in 3 tác phẩm: Những nụ cười và những giọt nước mắt của một thế hệ trẻ (Sourires et Larmes d'une Jeunesse - tủ sách “Construction de l’Orient” (Xây dựng Đông phương) - 1937, 135 tr); Những viên đá quý của nước Pháp (Pierre de France - tủ sách “Construction de l’Orient” - 1937, 134 tr); Học tập gì ở các nước Địa Trung Hải (Appren tissage de la Méditerrannée - Tủ sách “Tendences” (Xu hướng) - 1939, 229 tr) cả ba đều được nhà Trung Bắc tân văn in. Riêng cuốn thứ 4 Cuộc du hành và tình nghĩa (Le Voyage et le sentiment, Tủ sách “Tendences” - 1943, 148 tr) được nhà Thụy Ký in – chú thích của KMS.