Văn hoá học đường

Trò đánh thầy- SOS!

Báo Dân trí ngày 14/1/10 đưa tin “Học sinh THCS đánh gục thầy trên bục giảng”, phản ánh việc Nguyễn Hồng Tín, học sinh lớp 7A8 của trường THCS An Châu (thị trấn An Châu, huyện Châu Thành-An Giang), đã đánh thầy giáo dạy môn ngữ văn của mình gục ngay trên bục giảng. Thông tin đó khiến những ai quan tâm đến giáo dục không khỏi đau lòng.

 Những hiện tượng tương tự cũng đã xẩy ra được báo chí thông tin khá nhiều. Ngày 14/1/2008, thầy LPM trường THPT Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), bị Vũ Hoàng Hiếu, HS lớp 11B8 dùng đá và gậy tấn công trên bục giảng, khiến thầy trọng thương. Ngày 26/2/08, thầy PTC, trường THPT Quảng Ninh, Quảng Bình bị hai HS lớp 12 dùng gậy đập túi bụi làm thầy chấn thương vùng đầu cũng ngay trên bục giảng. Ngày 8/12/2009, khi đang giảng bài, thầy ĐNN, trường THPT Đồng Xoài (Bình Phước), đã bị Nguyễn Văn Lâm, học sinh lớp 12A9 lôi mã tấu từ trong hộc bàn lao đến chém nhiều nhát. Sáng 24/8/2009, thầy ĐHD, trường ĐH Nông Lâm TP HCM đang giảng bài thì bị học trò cũ Trần Xuân Thanh bước vào tạt axít, rồi dùng dao truy sát. Đến nay thầy D vẫn chưa thể trở lại giảng đường.
   Những hiện tượng nói trên là hồi chuông cảnh báo cấp bách về tình trạng bạo lực học đường, sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức trong một bộ phận học sinh (HS) hiện nay. Tại sao bục giảng vốn là nơi thiêng liêng, đạo lý thầy trò cao đẹp là thế mà bỗng diễn ra những hiện tượng hết sức đau lòng. Tại sao những HS vốn là sản phẩm của nền giáo dục, trong vòng tay của nhà trường, gia đình mà bỗng nhiên có những hành động hung hãn, vô lễ đến mức như vậy. Những câu hỏi ấy khiến những ai quan tâm đến giáo dục không khỏi nhức nhối.
 Đã có nhiều lý giải về hiện tượng nói trên. Có một nghịch lý là “Càng lớn lên, đạo đức của HS càng đi xuống”. Hội thảo về “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống tội phạm, bạo lực trong học sinh phổ thông” do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 25/11/2009 đã nêu ra kết luận trên.  
 Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và phát triển giáo dục Việt Nam cho thấy: Tỷ lệ HS đi học muộn ở tiểu học là 20%, THCS 21%, THPT 58%. Cũng theo khảo sát này, tỷ lệ quay cóp ở tiểu học là 8%, ở THCS là 55%, ở cấp THPT là 60%. Tỷ lệ nói dối cha mẹ càng lên bậc học cao, tương ứng với 22% - 50% - 64%... Năm 2004, chỉ có 600 HS, SV nghiện ma túy thì đến năm 2007, con số này đã tăng lên 1.234 HS, SV.
 Hiện tượng nói trên buộc nhà trường-gia đình-xã hội phải nhìn nhận lại phương pháp giáo dục thế hệ trẻ, tìm hiểu, phân tích một cách sâu sắc các nguyên nhân và tìm ra những giải pháp hữu hiệu để phối hợp hành động. Trong bài trả lời phỏng vấn báo Dân trí ngày 15/1, PGS Văn Như Cương cho rằng “Bước vào thời kì mở cửa và hội nhập, chúng ta lập tức bị lúng túng trong việc giáo dục các phẩm chất con người, vì một số thang giá trị bị thay đổi…”. Chúng tôi đồng tình với quan điểm đó, và bổ sung một ý nhỏ: Vì vậy cần cấp thiết xây dựng một hình mẫu nhân cách mới, vừa kế thừa những giá trị đạo đức truyền thống, vừa phù hợp với thời kì hội nhập. Theo chúng tôi, bên cạnh những phẩm chất như lòng yêu nước, nhân ái, yêu lao động, cần đặc biệt chú trọng ý thức tôn trọng luật pháp, kỉ cương. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy “thần linh pháp quyền” là yếu tố cực kì quan trọng để xã hội phát triển ổn định, hài hòa, bền vững. Như Bác Hồ đã viết “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.
 Những HS cá biệt là những HS thiếu ý thức tôn trọng pháp luật, kỉ cương, quy chế, tự cho mình quyền tự do hành động, nói năng, đứng ngoài quy định chung. Vì vậy, bên cạnh những hình thức kỉ luật nghiêm khắc để đưa những HS này vào khuôn khổ, cần giáo dục các em ý thức, trách nhiệm tôn trọng khế ước cộng đồng. Đúng như PGS Văn Như Cương đã phát biểu, những hình thức kỉ luật trong nhà trường hiện nay đã “nhờn thuốc” đối với những HS cá biệt. Tình trạng buông lỏng, dễ dãi trong giáo dục, đánh giá đạo đức HS không còn là cá biệt. Thậm chí có không ít GV, cán bộ quản lý giáo dục đã dễ dãi trong đánh giá, xếp loại đạo đức HS vì những áp lực tiêu cực.
   Bên cạnh hiện tượng HS “ngồi nhầm lớp” về mặt kiến thức, kĩ năng, vẫn còn không ít HS “ngồi nhầm lớp” về phương diện đạo đức, ý thức. Những HS vô lễ, hành hung GV đều là những HS cá biệt, mặc dù đạo đức rất yếu kém nhưng vẫn được châm chước cho lên lớp, nên ngày càng ngổ ngáo, coi thường GV, nhà trường. Đành rằng nguyên lý giáo dục là khoan dung, nhưng không thể thỏa hiệp, dễ dãi với những HS quá quậy phá, yếu kém. Bởi vì chỉ cần có một HS cá biệt trong lớp là cả lớp phải chịu hậu quả lây, ảnh hưởng đến học tập, thi đua, các GV thì cũng bị “lên bờ xuống ruộng” với những HS này. Danh ngôn có câu “Khoan dung với các ác là đẩy người lương thiện vào chốn tai ương”.
   Để cả lớp, cả trường phải ngán ngại, phải “sợ” một vài HS cá biệt là bất thường, không thể chấp nhận. Đúng như băn khoăn của tác giả Lê Chân Nhân trong bài “Côn đồ học đường” trên Dân trí ngày 16/1: Tại sao khi thấy kẻ côn đồ đánh thầy, cả lớp chỉ biết đứng nhìn mà không dám can ngăn, phản ứng. “Cứu người như cứu hỏa” cơ mà.
   Tại sao HS vô cảm, hay khiếp nhược trước các ác, cái xấu? Thiết nghĩ đây là một kĩ năng sống vô cùng quan trọng mà các em chưa được giáo dục một cách đầy đủ. Trong xã hội ta, đã không ít người thiệt mạng vì sự vô cảm của cộng đồng trước cái xấu, cái ác, hay trước hoàn cảnh nguy cấp của người khác. Một nạn nhân quằn quại giữa đường vì tai nạn, người ta xúm đen, xúm đỏ để xem, chứ không ai đưa nạn nhân đi cấp cứu. Các ứng xử ấy đã báo động về văn hóa sống, ý thức cộng đồng trong một bộ phận người dân hiện nay. Đây là một nguyên nhân khiến cho tiêu cực, các ác có dịp lộng hành. 
   Cần phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội để giáo dục đạo đức, nhân cách cho HS. Hiện nay sự phối hợp này còn nhiều lỏng lẻo, và mỗi nhân tố cũng đều đang “có vấn đề”. Tiêu cực xã hội gia tăng, xu hướng chạy theo lợi nhuận, sùng bái đồng tiền đang là nguy cơ lớn phá hoại môi trường giáo dục.
 Đơn cử như hiện tượng hàng quán, quát nét “bao vây” trường học. Họ bất chấp những điều pháp luật không cho phép, bất chấp những yếu tố phương hại đến nhân cách trẻ em, miễn là kiếm được nhiều tiền. Không ít HS vi phạm pháp luật nhưng được nương nhẹ một cách khó hiểu vì những “tác động” nào đó. Hiện tượng mua điểm, chạy trường, chạy lớp khiến cho nguyên tắc công bằng trong giáo dục không được bảo đảm. Gia đình thì cũng lo làm ăn, hoặc bản thân cha mẹ, người lớn cũng không giáo dục nổi con cái, phó mặc cho nhà trường. Gia đình những HS cá biệt thường bất ổn, thậm chí đã “bôi đen” tâm hồn trẻ nhỏ bằng những suy nghĩ, hành vi lệch lạc. 
 Hiện nay, nhà trường rất ít quan tâm đến việc giáo dục, giúp đỡ những HS cá biệt vì mệt mỏi, tốn kém, không được ai ghi nhận. Các trường đều “khôn ngoan” đầu tư cho những HS-GV giỏi để tìm kiếm “thành tích bề nổi”. Hiện tượng trong một trường, cùng học một khối lớp, nhưng có những HS xuất sắc, và những HS quá yếu kém, thậm chí học lớp 12 rồi mà vẫn đọc chưa thông, viết chưa thạo. Vai trò của tổ chức Đoàn-Đội trong việc giáo dục đạo đức HS khá mờ nhạt, thiên về hình thức. Vẫn còn thiếu vắng những công trình khoa học nghiên cứu sâu sắc về hiện tượng HS cá biệt, tình trạng vi phạm đạo đức, pháp luật của HS-SV để làm cơ sở cho những chính sách của Nhà nước. 
 Đành rằng dù sao cũng không thể tránh khỏi hiện tượng HS-SV vi phạm kỉ cương, pháp luật, nhưng vấn đề là cần phải làm gì để hạn chế đến mức thấp nhất. Bởi vì nếu không thành công ở phương diện giáo dục đạo đức, nền giáo dục sẽ thất bại. Các tổ chức đại diện cho các nhân tố giáo dục là Nhà trường-Gia đình-Xã hội cần “ngồi lại”, trao đổi để tìm ra những giải pháp, những việc làm cụ thể, cần kíp. Theo chúng tôi, không có việc gì khó, nếu như chúng ta có sự hiểu biết sâu sắc, có quyết tâm cao và sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng. Nói một cách nôm na việc gì muốn thành công cũng phải tốn công tốn của chứ không phải dễ dàng.
 
    
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114515352

Hôm nay

230

Hôm qua

2367

Tuần này

2953

Tháng này

213291

Tháng qua

121009

Tất cả

114515352