Đất Nghệ

Làng đóng tàu Trung Quốc "made in Vietnam"

Đầu mùa đông, tôi về làng Trung Kiên, Nghệ An, rẻo đất biển vỗ về chân núi, lừng danh với nghề đóng tàu suốt 7 thế kỷ mà sách Hoan Châu phong thổ ký đã từng không tiếc lời khen ngợi. Và 700 năm sau, bao con thuyền vẫn xuất phát  từ làng nghề ấy đề xông pha sóng gió, tiếp nối tinh thần trọng biển của một dân tộc có đất nước như cánh chim trước đại dương.


Danh tiếng Hoàng Lao


Truyền nhân những người thợ đóng tàu ở làng Trung Kiên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, kể rằng họ không thể nhớ chính xác mình là đời thứ bao nhiêu của làng nghề đã được sử sách vinh danh. Họ chỉ biết mình đã thấm nghề từ cha ông, và cha ông họ thì được tổ tiên truyền lại. Cứ thế, đời sau nối tiếp đời trước, xem việc truyền kế nghề tổ tiên là trọng trách giữ gìn "ngọn lửa thiêng" của làng. Trung Kiên xưa có tên là Hoàng Lao. Đây là ngôi làng có các dãy núi Hổ, Rồng và Bảng bao quanh sông Cấm chảy ra biển Cửa Lò, thuận lợi phát triền nghề cá và các dịch vụ đóng tàu.

Sử sách ghi nghề đóng tàu đã phát xuất ở Hoàng Lao từ cách đây 700 năm với ông tổ nghề là Nguyễn Quý Công, đến nay vẫn được hậu thế làng kính thờ là Quan Hậu. Chùa Trung Kiên hiện vẫn còn ngôi mộ tổ và bia đá "cổ thần bi ký" kể về vợ chồng ông Nguyễn Quý Công khởi đầu danh tiếng nghề đóng tàu cho làng. Khi ông bà chết đi, vì không có con cái, nên gia sản để lại cho làng và xây dựng được ngôi chùa cổ Trung Kiên. Gần đó, đền cổ Trung Kiên cũng có ghi một câu đối nói về vùng đất địa linh nhân kiệt vang danh với nghề đóng tàu này: "Mười hai cửa biển bốn phương hương khói, núi sông lồng lộng thanh/Ba trăm năm sau, danh tiếng để lại, xưa nay ngưỡng vọng".

Bước ngoặt lớn của làng đóng tàu Hoàng Lao xưa, có lẽ, là từ khi nhà Lê từng tập hợp nhiều hạm đội ở Cửa Lò, để tiến hành chiến chinh với xứ Đàng Trong. Các thợ đóng  tàu tài ba của làng được dịp trưng dụng sửa chữa, đóng thêm chiến  thuyền. Nhìn rộng hơn, xứ Thanh Nghệ cũng là nơi từng xuất phát nhiều đoàn thuyền dân di cư theo đường biển vào xứ Đàng Trong. Nghề đóng thuyền ở đây được người dân tôn thờ hàng đầu trong bách nghệ (trăm nghề), bởi nó rất trọng yếu với triều đình lẫn cuộc sống người dân. Sang thời nhà Nguyễn, quốc sử quán đã ghi chép rất chi tiết và đặc biệt đề cao nghề đóng thuyền ở khu vực này, nhất là những chiến thuyền lớn và thuyền hải vận chuyên thực hiện đường biển.

Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ ghi rằng Thiệu Trị năm thứ 3 đã chuẩn y lời tâu: "Nghệ An đóng xong hai chiếc thuyền tuần dương, xét nghiệm thấy đều bền chắc, cần phải khen thưởng". Đoạn khác trong sử này còn ghi rõ tiềm năng đóng tàu của Nghệ An với lời dụ của Minh Mạng năm thứ 3: "Nghệ An là nơi sản xuất ra gỗ, thợ thuyền lại nhiều, khi cần dễ đòi bắt. Nay lệnh cho tỉnh ấy đóng một thuyền bọc đồng nhiều dây, gọi là thuyền Điềm Dương..." . Đây là vinh dự lớn của thợ đóng tàu xứ Nghệ, vì thuyền bọc đồng là loại lớn, hải vận quan trọng hàng đầu của nhà Nguyễn thời ấy.

Rồi dòng chảy thời gian đã trôi qua cùng bao biến động thời cuộc. Nỗ lực của nhà Nguyễn trong việc phát triển ngành đóng tàu phục vụ hàng hải và hải quân phải tạm dừng vì cuộc xâm lược cả thế kỷ của đoàn quân viễn chinh Pháp. Nhưng những cơ sở đóng tàu cùng bao lớp thợ vang bóng một thời, trong đó có người Hoàng Lao, vẫn truyền tiếp nghề cho con cháu. Ngoài các xưởng lớn đang hoạt động tại chỗ, hàng trăm thợ đóng tàu là người làng này đang có mặt khắp đất nước.

Ông Nguyễn Gia In, truyền nhân họ Nguyễn nhiều đời rạng danh nghề đóng tàu Hoàng Lao mà nay là Trung Kiên, tự hào kể: "Những năm khó khăn, nhiều làng nghề đóng tàu ở các địa phương bị mai một, nhưng làng nghề chúng tôi chưa bao giờ bặt tiếng cưa, tiếng đục. Các cụ kể rằng khi nhu cầu đóng thuyền cho triều đình suy giản trong thời Pháp thuộc, họ đã quay sang đóng ghe thuyền cho ngư dân, kể cả đóng tàu cho nước ngoài như Trung Quốc, Lào". Năm nay đã gần 70 tuổi, chính ông In và bạn bè là những người đã từng tham gia đóng nhiều chiếc  tàu cho Trung Quốc ngay trong những năm giữa thế kỷ 20.

Tàu Trung Quốc "made in Vietnam"

Với giọng tự hào, ông In kể: "Những năm cuối thập niên 1950, Trung Quốc cử đoàn sang Việt Nam tìm cơ sở đặt đóng tàu cá loại lớn cho họ. Đây là giai đoạn Trung Quốc đang tập trung cho các kế hoạch kinh tế, và cơ sở hạ tầng của họ, trong đó có  tàu thuyền, không đủ đáp ứng. Đi nhiều nơi, cuối cùng họ chọn Trung Kiên vì tin tưởng hàng trăm năm kinh nghiệm đóng tàu ở làng này". Có một lý do khác mà những truyền nhân đóng tàu địa phương đã được nghe kể là từ xưa, danh tiếng làng đóng tàu Hoàng Lao đã lan đi rất xa. Nhiều ngư dân và thương buôn Trung Quốc đã đến xứ Nghệ đặt tổ tiên họ đóng thuyền, thậm chí không ít thợ đã bôn ba khỏi quê hương để trổ tài nghệ của mình.

Cùng là thợ thuyền với ông In, ông Nguyễn Trọng Nhỏ, 70 tuổi, kể: chuyến đó đoàn Trung Quốc đã đặt thợ Trung Kiên đóng một lúc bốn chiếc tàu ô chuyên dụng đánh cá có tải trọng 60-80 tấn. Thiết kế tàu gắn buồm, nhưng có thể chuyển đổi gắn máy. Thời gian đóng hoàn tất bốn chiếc là sáu tháng. Người Trung Quốc sẽ sang tận nơi để nghiệm thu và lai về nước.

"Theo tôi nhớ, bác Võ Văn Thoăng lúc đó là thợ cả chỉ huy chính. Tôi còn trẻ nhưng cũng đã đứng thợ được". Hồi tưởng kỷ niệm đặc biệt này, ông Nhỏ nhớ thêm một số thợ chính của Trung Kiên đã được mời sang Trung Quốc để bàn bạc, tham khảo mẫu tàu của họ. Khi nghe phía thợ Việt Nam trình bày kế hoạch đóng thế nào, phía Trung Quốc vui vẻ, rất phục kinh nghiệm đi biển và đóng tàu của người Việt.

Lúc bấy giờ, gỗ để đóng bốn chiếc tàu này là các loại săng lẻ, lim có sẵn tại Nghệ An. Nửa thế kỷ trước, nhiều việc trong quy trình đóng tàu còn làm thủ công, đòi hỏi kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của người thợ. Để hoàn thành đúng tiến độ, giữ vững uy tín Trung Kiên, thợ thuyền cả làng tập trung cho công trình. Ngoài ông Thoăng, ông Nhỏ, ông In còn có nhiều người thợ đang là cha, ông của thế hệ thợ đóng tàu  trẻ ở làng hiện nay. Gỗ quý khi đó còn dồi dào. Họ chọn những cây đủ tuổi, tốt nhất, không bị hốc bọng, sâu bệnh ảnh hưởng đến độ bền chắc và thẩm mỹ thân gỗ. Rồi thợ cả lại tiếp tục sàng lọc những cây tốt nhất trong các cây tốt ấy để làm "long cốt" (khung sườn dưới đáy tàu), cây xỏ mũi, xỏ lái chịu được sóng gió chính trên tàu. Ván đóng mạn tàu cũng được chọn cẩn thận mà người thợ mộc khó tính nhất cũng không thể chê. Và từng cây đinh, từng chốt gỗ đều phải qua tay thợ cả sàng lọc lại trước khi đóng vào tàu.

Công trình hoàn tất, phía Trung Quốc vui vẻ nghiệm thu và đưa về nước sử dụng. Thợ thuyền cả làng Trung Kiên tự hào ăn mừng. Ông Nhỏ kể rằng về sau ông còn dẫn thợ qua Lào đóng thuyền đi trên sông Mekong. Họ dựng trại ngay bên bờ sông, đóng suốt hai  tháng mới xong chiếc tàu dài 18,6m, ngang 4,6m và cao 2,2m với  tải trọng 40 tấn phù hợp đi trên đoạn sông Mekong chảy qua Lào. Dân Lào tốt bụng, phụ giúp được nhiều việc. Và cánh thợ Việt Nam cũng vui vẻ truyền nghề, để khi họ về nước, thợ bản xứ có thể tiếp tục đóng các con tàu khác.

Cùng dòng chảy lịch sử dân tộc, lớp thợ đóng tàu lớn tuổi như ông In, ông Nhỏ còn có niềm tự hào lớn với làng nghề Trung Kiên là đã từng tham gia đóng tàu cho đoàn tàu không số vận chuyển vũ khí vào Nam. "Đó là những con tàu có bề ngoài nhỏ, giả làm tàu đánh cá. Nhưng chúng đặc biệt chắc chắn để chịu đựng được sóng  gió biển Đông và sẵn sàng lâm trận hải chiến khi cần thiết", ông Nhỏ không giấu vẻ tự hào.

Những ngày ở Trung Kiên, tôi đã ghé thăm bảy xưởng đóng tàu lớn của các ông Nguyễn Trọng Nhỏ, Phạm Văn Phú, Trần Đăng Lữ, Hoàng Văn Lễ, Nguyễn Văn Nghi, Vi Thế Sâm, Phạm Văn Lấn. Họ đều là những người làng đã truyền nối nghề đóng tàu từ nhiều đời tổ tiên. Anh Lễ, chủ xưởng lớn nhất, đang đóng cùng lúc sáu chiếc tàu đánh bắt xa bờ có công suất máy 500-600CV. Buổi sáng đầu mùa đông, ngồi suy tư trước biển, người chủ trẻ này triết lý tâm nguyện gìn giữ "ngọn lửa thiêng" của làng mình: "Việt Nam là quốc gia biển. Trung Kiên cũng là ngôi làng ven biển".
 
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511420

Hôm nay

283

Hôm qua

2336

Tuần này

21794

Tháng này

218293

Tháng qua

121356

Tất cả

114511420