Tôi nhớ mãi “chuyện cây mai” hồi Tết năm ngoái. Chẳng là, trong buổi tiệc tất niên mà các quan chức đầu ngành liên hoan cùng ông quan to nhất tỉnh, khi được gợi ý tìm cái gì đó vui vui, hay hay, vị quan to liền nói ngay rằng chuyện đó xưa rồi, “Ôông thích cây cảnh” (quê tôi, quan lớn được mọi người gọi là ôông. Ai cũng hiểu đó là ai). Thế là cả đoàn kéo đi. Cây mai đẹp nhất ở vườn mai lớn nhất được mua với giá hai trăm triệu đồng. Người được “ưu tiên” trả tiền là vị giám đốc ăn nên, làm ra nhất. Nghe đâu, cây mai đó giờ đang cư ngụ ở Hà Thành.
Gần Tết, trẻ em xôn xao quần áo mới, người lớn thì mặt mũi càng ngày càng khó đăm đăm. Những người lãng mạn như tôi thì cứ soi gương và ngắm tóc bạc khi thấy rất chân thực, rõ ràng rằng thời của teo tua đã đến, thấp thoáng bóng Thị Nở đang khấp khởi đứng chờ. Có lẽ, không có gì khổ hơn những người nghèo khi cái Tết cứ sầm sập tới. “Nó” chạy như ma đuổi, dường như mỗi ngày chỉ còn có 12 tiếng mà thôi. Lo cho con cái bằng chị bằng em; người xa quê thì lo tiền, lo chuyện tàu xe, quà cáp… Trăm thứ lo, ngàn thứ khổ nhưng dù khó cách mấy thì người lớn vẫn cứ mỉm cười khi tiếp xúc với con trẻ. Có lẽ cái cảnh hy sinh và âm thầm chịu đựng đó của những ông bố, bà mẹ nghèo khó là một trong những nét đẹp nhất, nhiều xúc động nhất của văn hoá Tết.
Tết quý nhất là ngày mồng Một. Thế nhưng, căn bệnh ngàn đời bảo thủ của người Việt mình là chẳng ai muốn đi “xông đất”, “đập đất” đầu tiên - sợ năm đó chủ nhà lỡ có chuyện gì thì tội vạ mình gánh hết(!) Thành thử, gần hết nửa ngày mồng Một rồi mà ngoài đường vẫn vắng hoe vắng hoắt. Nghĩ cũng buồn. Được một ngày đẹp nhất ta lãng phí hết nửa rồi. Phải chăng cuộc đời thường nhật cũng thế? Ta thường lãng phí một cách vô tâm những điều quý giá nhất.
Ngày Tết sợ nhất là bắt tay cà phải nói đi nói lại hàng chục, hàng trăm lần câu “Chúc…”. Tại sao không nói ngắn gọn hơn và đôi khi chỉ cần một chút ngôn ngữ cử chỉ (gesture languages) như một nụ cười thật rạng rỡ, một ánh mắt thật chân thành là đủ? Thì ra, sự khách sáo luôn là một phần không thể thiếu của cuộc đời. Một người bạn có thân hình hơi quái đản của cơ quan tôi là bác Nguyễn Ích Ớn có nói rằng Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói để lừa lẫn nhau. Nghe thì cười vui nhưng ngẫm ra thì cũng phải. Chẳng hạn mặt tôi luôn nhăn nhó nhưng nghe ai khen dạo này trông trẻ và khoẻ ra là cái mũi của tôi phình to như quả cam trên bàn thờ.
Tết của nền “văn minh bếp gaz, lò viba” làm cho con người như cứ thiêu thiếu cái gì. Chẳng biết do đâu nhưng tôi cứ thèm mùi khói bếp, mùi của củi mục ẩm ướt vừa cháy vừa sôi bong bóng xèo xèo. Hình như, những tiện ích của nền văn hoá hiện đại đang làm mất dần, từng chút một những hương vị, cảm giác sâu sắc của ngày xưa? Đôi khi, thấy rằng không thể cưỡng lại được cái ý muốn nhóm lò nấu bánh chưng, vừa nấu vừa gà gật ngủ nhưng vợ nói, mệt, đặt người ta làm cho khoẻ! Đành thôi.
Nếu Tết là những ngày giá rét, đã bao giờ bạn thấy những đứa trẻ cố mặc cái áo chemise mới ra ngoài cái áo lạnh chưa? Biết, bố mẹ của những đứa trẻ ấy chỉ đủ tiền mua áo thường chứ không đủ tiền mua áo lạnh mới nhưng cũng biết thêm rằng cái văn hoá xấu che, tốt che, dẫu có vụng về đi nữa vẫn là điều quen thuộc của con người. Nhìn những chiếc áo mỏng chật căng bên trong là cái áo bông cũ thấy tức cười mà thương, hiểu biết bao nhiêu. Nếu lúc đó, tình cờ ta đang đi ngang qua nhà một sếp lớn, lo tránh cả đoàn xe dài chờ đến lượt mình vào chúc Tết, bạn mới thấm thía hơn rằng chuyện đời muôn nẻo, vui buồn đủ dạng ton ten…
Hết Tết, trở lại cơ quan, lại ngại nhất là những câu đại loại như ông bà cụ có khoẻ không, ăn Tết có vui không? Lắm khi, ông bà người ta đã “đi” hết cả rồi mà người hỏi cứ hỏi, người nghe cũng cứ phải cười. Chợt nghĩ đó cũng là phần vui vui của văn hoá Tết – ta nói mà chẳng biết mình nói gì, ta cười để chia vui một cách vô thức, như thể tại mùa Xuân. Mùa xuân nói với em câu gì/ Mà sao mắt em vui thế?
Những câu chuyện nhỏ như thế làm nên cái không khí của văn hoá Tết. Buồn vui lẫn lộn nhưng chăc schắn là hầu hết đều tin buồn ít, vui nhiều. Có lẽ, niềm tin năm mới sẽ khác hơn, đẹp hơn, giàu có và hạnh phúc hơn đã doping cho mỗi chúng ta cảm giác đó? Ngẫm theo cái lẽ này, Tết thật là diệu tuyệt. Ta vừa được sum vầy với tiên tổ, cha ông; vừa có cải cảm giác mỗi năm một lần vì sự bâng khuâng và những thoáng chốc thảng thốt ngập ngừng; và, ta mới vỡ ra rằng, thêm một tuổi là thêm một niềm vui thực sự để được sống - hiểu và tri ân cuộc đời…