Với tổng tập “Đường về xứ Nghệ”, hai soạn giả Gia Dũng và Nguyễn Hồng Oanh “buộc” các tác giả có thơ in trong tập cũng như bạn đọc rộng rãi phải đón nhận bằng hai tay về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Với tổng tập “Đường về xứ Nghệ”, hai soạn giả Gia Dũng và Nguyễn Hồng Oanh “buộc” các tác giả có thơ in trong tập cũng như bạn đọc rộng rãi phải đón nhận bằng hai tay về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Về nghĩa đen, tổng tuyển thơ này dày xấp xỉ hai ngàn trang giấy dày, khổ lớn (16x24), nặng đến mức mọi người phải cầm bằng hai tay, và cũng chỉ có thể cầm được trong một thời gian ngắn, còn muốn ngắm nghía, muốn đọc thì phải để sách trên bàn, ngồi trân trọng lật giở từng trang, không chấp nhận thói quen nằm đọc của một số người. Về nghĩa bóng, độc giả đón nhận tổng tập này bằng hai tay với lòng trân trọng công sức mà hai soạn giả đã bỏ ra, để có được một tác phẩm thi ca đồ sộ chưa từng có trong lịch sử của vùng đất vốn giàu truyền thống thi ca này. Có thể nói, Tổng tập này là “bách khoa toàn thư” về thơ Nghệ Tĩnh bao gồm thơ của tác giả quê Nghệ Tĩnh (kể cả nguồn gốc) và thơ viết về vùng đất và con người Nghệ Tĩnh trong chiều dài trên sáu thể kỷ. Có Tổng tập này trong tủ sách gia đình, chúng ta có thể trả lời được phần lớn các câu hỏi về thơ Nghệ Tĩnh, từ thơ của các nhân vật lịch sử trước kia, và các nhà thơ nổi tiếng đến nền thơ chung của vùng đất này trong thế kỷ hai mươi. Đây không phải là loại sách chỉ để đọc một lần, mà là loại từ điển thơ đặc biệt để cho ta tra cứu khi cần, không chỉ đọc một đời ta mà là di sản truyền lại cho con cháu.
Trước hết tôi muốn nói điều tâm đắc của mình khi các soạn giả chọn Nghệ Tĩnh làm không gian cho tổng tập này. Mặc dù về hành chính, hiện nay có hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tách biệt, nhưng trước sau Nghệ Tĩnh chỉ là một vùng văn hoá từ ngàn xưa đến nay, không phụ thuộc vào việc hai tỉnh sát nhập hay tách ra. Mà sự thật danh từ Hà Tĩnh mới xuất hiện thời Minh Mạng, chứ trước đó cả vùng đất này chỉ có tên là Nghệ An. Thời cụ Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân thuộc Nghệ An, thành Nghệ An gọi là La Thành, nằm ở thị trấn Đức Thọ ngày nay. Một số người quá câu nệ về địa giới hành chính nên khi hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh tách ra, thì dân ca Nghệ Tĩnh cũng tách ra thành dân ca Nghệ An hay dân ca Hà Tĩnh, mà không biết rằng dân ca Nghệ Tĩnh chỉ có một, không hề phụ thuộc vào địa giới hành chính của từng thời. Hai soạn giả tập sách này vốn là những người hoạt động trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, hiểu đặc trưng văn hoá vùng miền, nên đã chọn Nghệ Tĩnh chung chứ không tách bạch hai tỉnh như cách làm thường tình của những tuyển tập trong mấy năm gần đây.
Điều tâm đắc thứ hai là tên của Tổng tập: “Đường về xứ Nghệ”. Có thể có người thắc mắc, tại sao lại đường về Xứ Nghệ khi nói về thơ Nghệ Tĩnh, khi chúng ta đã thâm nhập vào xứ Nghệ rồi? Mặc dù ý tưởng đầu tiên để hai soạn giả chọn tên tổng tập có thể bắt nguồn từ hai câu ca dao quen thuộc mà đã được in ngày đầu quyển sách “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh. Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ”; nhưng khi trở thành tên quyển sách, thì con đường ở đây đã thoát ly ý nghĩa địa lý vốn có trong câu ca dao để mang sắc thái văn hoá, ngầm nói với bạn đọc rằng: Xứ Nghệ là vùng đất giàu truyền thống thi ca, muốn tìm hiểu vùng đất này thì hãy thâm nhập qua con thi ca, và tập sách này mở đường cho bạn!
Và đúng vậy. Trong phần đầu, thơ người xứ Nghệ trung, cận đại, chúng ta gặp thơ của các nhà thơ xứ Nghệ , các nhân vật lịch sử như Hồ Quý Ly, Hồ Tông Thốc, Lê Hữu Trác, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Xuân Ôn, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trường Tộ…cho đến các nhà thơ cổ điển của hai họ nổi tiếng tài thơ là họ Nguyễn (Tiên Điền) và họ Nguyễn Huy ( Trường Lưu) như Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Du, Nguyễn Hành…cùng Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự… Cũng trong phần này, tập sách cung cấp cho ta thi phẩm của các nhà yêu nước, các chí sĩ cách mạng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Trọng Mậu, Lê Hồng Phong…Người Nghệ Tĩnh đọc phần này không chỉ để lĩnh hội ý thơ của tiền nhân, mà tự hào quê hương mình đã sinh ra những con người giàu lòng yêu nước, đầy nhiệt huyết cách mạng, mà thơ văn đã một phần thể hiện tấm lòng và khí phách của họ.
Có thể chưa thật đầy đủ về tác giả, và mỗi tác giả cũng chỉ trích giới thiệu đơn cử một phần tác phẩm, nhưng đọc lên ta đã thấy một đội ngũ hùng hậu các nhà thơ xứ Nghệ trong lịch sử thi ca dân tộc.
Phần dày dặn nhất là phần 2, mang tên “Thơ người xứ Nghệ hiện đại”. Phần này thời gian ra đời các bài thơ trong vòng khoảng 60 năm, từ những bài thơ đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh hồi đầu những năm bốn mươi của thế kỷ trước. Khác với phần đầu tư liệu để chọn lựa không nhiều, phần này tác giả và tác phẩm đều phong phú và do đó có nhiều tiêu chí lựa chọn khác nhau. Có một cách làm đơn giản, khá dễ dàng mà cũng được nhiều người chấp nhận là chọn thơ của các nhà thơ chuyện nghiệp (Hội viên hội nhà văn Việt Nam), tuỳ theo độ dày của cuốn sách và tài năng của từng nhà thơ mà chọn tác phẩm của từng người… Nhưng hai soạn giả tập sách này không làm theo cách dễ đó, mà chọn cho mình một cách làm vất vả hơn nhiều: Chọn thơ hay của bất cứ ai, chứ không phần biệt nhà thơ chuyên nghiệp hay nghiệp dư. Tôi hoàn toàn ủng hộ cách làm này, vì vừa bảo đảm không vắng bóng các bài thơ nổi tiếng của các tác giả chuyên nghiệp, đồng thời cho tác phẩm phần tươi mới, tạo cơ hội cho nhiều bài hay, câu hay của những người chưa từng nổi tiếng, xuất hiện. Vâng, có thể có những tác giả mà bạn đọc gặp lần đầu tiên trong tổng tập này, nhưng tên tác giả quen hay lạ có gì là quan trọng, cái chính là giá trị các tác phẩm. Trong thực tế có một số nhà thơ mang danh chuyên nghiệp, thậm chí còn đảm trách chức này, chức nọ trong giới văn học nghệ thuật, tên thì lớn mà thơ thì nhỏ, thậm chí có bài chưa thành thơ. Ngược lại có một số người suốt đời mang danh nghiệp dư nhưng có những bài thơ, câu thơ họ làm sửng sốt người đọc. Với cách làm này, tổng tập đa dạng, phong phú, chúng ta vừa có dịp tiếp cận những bài thơ điển hình của các nhà thơ nổi tiếng như Tràng giang của Huy Cận, Cha đàng ngoài mẹ ở đàng trong của Xuân Diệu, Đồng chí của Chính Hữu, Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ, Thăm lúa của Trần Hữu Thung…mà chúng ta được đọc những câu thơ, bài thơ hay của tác giả chưa quen tên. Ví như Lan Cao, một Việt kiều sinh sống ở Mỹ mà bút danh ta mới gặp lần đầu nhưng có những khổ thơ nói về thân phận người tha hương thật đáng nhớ:
Tóc theo ta phiêu bạt
Trắng vội trước khi già
Tuổi đời rách từng mảng
Gầy guộc dưới sương sa…
Hay như tác giả Thái Kim Đỉnh, chúng ta vốn chỉ biết ông là một nhà nghiên cứu, nhưng ở đây ta biết được ông là tác giả của bài thơ viết về sông Lam đầy tính ẩn dụ và thấm đậm chất dân gian:
Giữa mùa nước sóc tháng ba
Bọt bèo thì nổi, phù sa thì chìm…
Chỉ đơn cử vài ví dụ mà thôi, chứ không công sức, giấy mực nào có thể thống kê được những câu thơ hay của các tác giả không chuyên trong trong tập này, và tôi tin rằng, mỗi độc giả chúng ta sẽ tìm cho mình những bài, những câu tâm đắc.
Phần tứ ba, “Xứ Nghệ trong mắt ai”, sưu tầm những bài thơ viết về Xứ nghệ của tác giả ở những địa phương khác. Phần này chỉ chiểm khoảng 1/6 số trang của tổng tập nhưng cũng đã hội tụ khá đây đủ những bài thơ hay về tiêu chí này. Có điều lý thú đáng nói, Truyện Kiều, Nguyễn Du và quê hương Tiên Điền chiếm phầm lớn đề tài các bài thơ của bạn bè viết về xứ Nghệ.
“Đường về Xứ Nghệ” là tổng tập thơ hoành tráng, làm hài lòng hầu hết các nhà thơ Xứ Nghệ và khá thuyết phục người đọc. Để có được điều này, theo tôi, là do sự hợp tác có hiệu quả giữa hai soạn giả - Gia Dũng và Nguyễn Hồng Oanh, một người có kinh nghiệm biên soạn những quyển thơ “nặng ký”, một người đầy nhiệt huyết với quê hương, bao năm trời đau đáu muốn làm được một điều gì đó cho quê hương Nghệ Tĩnh. Gần đây ở nước ta có nhiều tập thơ đồ sộ ra đời, nhưng phần lớn có “mạnh thường quân” tài trợ, hoặc không thì các tác giả trong tập sách phải đóng góp ngân sách. Với “Đường về xứ Nghệ”, cả hai chỗ dựa đó đều không, mà bản thân soạn giả tự bỏ ra mấy trăm triệu đồng để chi phí cho việc sưu tầm, tuyển tuyển chọn và in ấn. Trong thời buổi kinh tế thị trường này, ít ai dám “liều” như thế, nếu như không có niềm tin mãnh liệt vào kết quả công việc của mình. Tôi tin tưởng và kỳ vọng quyển sách này sẽ được đông đảo bạn đọc đón nhận, từ các tác giả có thơ trong tập, đến các cơ quan văn hoá, các trường học và hệ thống thư viện trong vùng. Chắc đó cũng là niềm hạnh phúc và hy vọng của các soạn giả.
Với niềm mong muốn qua tổng tập này, bạn đọc rộng rãi một lần nữa hiểu sâu thêm thi ca, vùng đất và con người xứ Nghệ, tôi muốn hai soạn giả lưu ý hơn nữa đề tài quê hương của các nhà thơ Xứ nghệ khi chọn lựa tác phẩm. Ví như đối với Đại thi hào Nguyễn Du, trong tổng tập này, không nên chọn “Long thành cầm giả ca” cùng hai bài thơ Thăng Long, mà nên chọn các bài về đề tài Xứ nghệ như Sông Lam, Giang Đình hữu cảm, Điếu La Thành ca giả, Thác lời trai phường nón.
Với bản thân tôi, ngoài hai bài “Bên mộ cụ Nguyễn Du” và “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc”, không nên chọn bài “Một chiều Bản Dốc”, mà thay vào đó một bài về quê hương, ví như bài “Lời dặn” chẳng hạn.
Với quyển sách đồ sộ ngót hai ngàn trang, hàng trăm tác giả, ôm chứa khoảng thời gian trên sáu thế kỷ, việc xẩy ra một vài thiếu sót là điều không thể tránh khỏi. Chúc mừng hai soạn giả đã hoàn thành một công trình lớn, đặc biệt chúc mừng Nguyễn Hồng Oanh đã làm được cho xứ Nghệ quê mình một quyển sách để đời, thoả mãn điều ước muốn đeo đẳng chị trong mấy chục năm qua.
2357
2400
2757
219693
121356
114512820