Tôi nói với lão: Bác hơi bị ám thị rồi.
Lão trả lời: Thôi chú ơi, nhà tôi ba đời làm công chức, đốt đuốc bảy giờ không tìm được mẩu vàng chứ đừng nói chỉ này cây nọ. Nhưng biết đâu bọn xấu nó nhầm tưởng mình có của chìm rồi vào hỏi thăm cái cổ thì chỉ có mà chết.
Lão còn bảo lúc trước thấy bọn sát nhân đứa nào cũng bặm trợn giang hồ, nay nhìn thằng ăn 3 mạng người mà mặt mũi rất nai tơ, thật giả không biết đâu mà lần. Rồi ra đường hễ động sự một tý là y như sẽ xuống tay bằng súng ống và dao kiếm. Hơn 2 triệu người chết đói trong năm 1945 mà lão từng chứng kiến vẫn không thấy bất an như mấy vụ chết vì tội ác vô nhân tính của thời nay.
Tôi không rành về kinh tế thị trường, nhưng một dạo nghe nói nguyên nhân chính của tội phạm là do mặt trái của kinh tế thị trường. Vậy sao cùng phát triển kinh tế thị trường mà xã hội Singapo nền nếp, Hồng Công đâu ra đấy, Thái Lan đầy biến động nhưng không xô bồ, Lào thì luôn ngước mắt nhìn Việt Nam như người anh, nhưng chính quyền Lào đã lặng lẽ làm được cái việc mà người dân cần nhất: môi trường xã hội bình yên.
Đã nhiều lúc tôi không dám nghĩ đến những câu chuyện vô tiền vô hậu mà từ hàng ngàn năm nay chưa từng có ở Việt Nam. Ví như vừa rồi một đám thiếu gia Sài Gòn dám bỏ tiền thuê máy bay chở ôtô xịn có giá hàng triệu đô ra Hà Nội để chơi đua xe vài giờ quanh hồ Hoàn Kiếm, ví như một đệ tử kỳ công thuê được gái chân dài chỉ với giá 5.000 USD đóng vào hộp làm quà sinh nhật cho khổ chủ thưởng ngoạn một đêm. Chưa bao giờ có chuyện vợ nhẫn tâm phóng hỏa thiêu chết chồng và cũng chưa bao giờ giữa ban ngày ban mặt mà một cô gái dám dang tay tát vào mặt anh cảnh sát Sài Gòn đang làm nhiệm vụ.
Câu hỏi là có phải do mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường không?
Tôi thì không nghĩ vậy. Tôi nghĩ là do con người, do xã hội bây giờ thiếu cái gương soi.
Hồi vào học lớp 1 tôi đã rất nhiều lần được chịu hình phạt quỳ xơ mít. Lỗi ít thì phải quỳ một gối, lỗi nhiều thì hai gối. Phạt thế mà đến giờ mỗi khi nhớ lại hình ảnh ông thầy tôi lại dâng đầy cảm xúc nể phục và tri ân. Dạo đó trẻ con như bọn tôi khi được tiếp xúc với những anh chị Đoàn viên thanh niên hay những Đảng viên thấy họ lung linh lắm, ra đường được gặp một lãnh đạo nhỏ chỉ như bác trưởng xóm là đã ngưỡng mộ và kính trọng như được đứng trước một tấm gương soi.
Ai cũng biết sau trận động đất và sóng thần hồi tháng 3.2011, Nhật Bản đã tổn thất rất nặng nề nhưng bù lại cũng qua đó mà cả thế giới phải ngả mũ bái phục người Nhật. Một đồng nghiệp hỏi tôi tại sao Nhật Bản lại có câu chuyện về cháu bé Nhật và cái bánh mỳ, tại sao Việt Nam lại có câu chuyện người dân tự chống trả được kẻ cướp nhưng sau đó lại mất của vì đồng loại. Tôi không biết thế nào mà trả lời, nhưng hình như đất nước cháu bé Nhật có những tấm gương soi tuyệt vời từ Thủ tướng, Bộ trưởng đến nhân viên, ai cũng sống vì danh dự, lỡ lời một câu nói hay làm sai một việc họ đều có câu xin lỗi để sửa và sẵn sàng từ chức cho lợi ích chung.
Một thời mình cũng đã có thứ văn hóa sang trọng đó nhưng giờ thì đang mất dần.
Chúng ta đang tắm mình trong nhiều cuộc vận động có mục tiêu chủ yếu là nâng cao phẩm chất đạo đức và lối sống. Nhiều bạn trẻ rất khát khao tham gia cuộc Vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhưng lại thấy quá ngợp vì với họ Bác Hồ là mẫu người của lý tưởng, học cũng đã khó và làm theo lại càng khó hơn. Có người còn đề xuất trước khi học và làm theo Bác thì nên tổ chức cho mọi người học và làm theo chính ngay những tấm gương bên cạnh mình. Ví như em thì học anh chị, con thì học bố mẹ, nhân viên thì học lãnh đạo phòng, trưởng phó phòng thì học giám đốc, trò thì học thầy cô, quần chúng học đảng viên, đảng viên thì học cấp ủy và bí thư, xã học huyện, tỉnh thì học Trung ương.
Nhưng mà như thế thì cũng gay. Vì nghe dạo này báo chí cứ ầm ầm đưa tin anh chị đang nghiện chát chít, thầy giáo thì đi mua dâm học trò, giám đốc đã ăn của phó phòng cái phong bì 40 triệu, đảng viên giá chỉ 100 đô, bí thư xài bằng giả và chạy huân chương, chủ tịch tỉnh bán đứng cả doanh nghiệp lấy tiền chơi gái.
Gương ấy mà soi vào thì đất nước càng thêm bấn loạn.
Bây giờ người Việt mình soi vào gương nào? Còn nhiều gương tốt lắm. Nhưng người tốt họ sống đàng hoàng, không luồn cúi chạy chọt nên họ không có quyền lực và bổng lộc, soi vào họ chỉ thấy đẹp nhưng không thấy lợi.
Trở đi trở lại, tôi thấy bây giờ mình vẫn thiếu cái gương soi.