Đặc biệt, Việt Nam đã có những căn cứ lịch sử không thể chối cãi về chủ quyền của mình với quần đảo Hoàng Sa muộn nhất là từ đầu thế kỷ XIX. Trong khi đó, bằng vũ lực, Trung Quốc đã bất chấp các định ước quốc tế về biển đánh chiếm Hoàng Sa vào ngày 19.1.1974.
Những tranh chấp về chủ quyền càng ngày càng trở nên căng thẳng khi tiềm năng của vùng biển giàu có này liên tục được đánh giá một cách cao hơn. Chính vì thế, vùng chồng lấn – tranh chấp ở Biển Đông hiện nay được coi là vùng nhạy cảm và khó giải quyết nhất thế giới. Có tới 6 quốc gia và vùng lãnh thổ đòi xác lập chủ quyền ở Biển Đông là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Bruney, Đài Loan và Trung Quốc. Tất nhiên, xét về tư duy chiến lược thì mâu thuẫn chỉ thật sự khó khăn bởi tranh chấp “tay đôi” giữa một bên là Đài Loan – Trung Quốc và bên kia là 4 nước ASEAN (Cho dù Trung Quốc và Đài Loan có nhiều bất đồng đi nữa thì bài học lịch sử luôn chỉ ra rằng các mâu thuẫn nội bộ của người Trung Quốc nhanh chóng được tạm thời bình ổn khi quyền lợi tối đa của dân tộc - tư tưởng Đại Hán bị động chạm).
Lẽ ra, trước sức mạnh và sự lộng hành ngày càng gia tăng của Trung Quốc ngày càng lớn, 4 nước ASEAN phải đoàn kết chặt chẽ hơn, phải có cách nghĩ và tầm nhìn xa hơn; đồng thời phải biết cách để tự giới hạn đòi hỏi của mình. Đây hầu như là khả năng duy nhất trong cuộc đấu tranh giữa một nhóm nước nhỏ đối với một siêu cường.
Thế nhưng, sau khi Đại sứ Trung Quốc Tiết Hãn Cần cho rằng “đây là bất đồng giữa Trung Quốc và các nước riêng rẽ xung quanh Biển Đông chứ không phải giwuax Trung Quốc và ASEAN. Bởi vậy, chính phủ Trung Quốc muốn giải quyết các tranh chấp lãnh thổ thông qua các đàm phán song phương” (BBC, 1.11.2009).
Tuyên bố đó ngay lập tức đã phân hóa nội bộ ASEAN và vì thế, trước áp lực của 6/10 nước (và kể cả trong nội bộ 4 nước có tranh chấp); vấn đề Biển Đông đã không hề được đề cập đến dưới bất kỳ hình thức nào – kể cả trao đổi bên lề(!)
Thực trạng đó đặt ra rất nhiều câu hỏi liên quan đến nhiều vấn đề và có không ít băn khoăn khó trả lời…
1. Đừng ảo tưởng rằng ASEAN là một khối thống nhất với “tay đan tay bắt chéo qua người” như lâu nay vẫn thường được TV chiếu đi, diễn lại. Các chế độ chính trị khác nhau; sự không đồng nhất về tôn giáo; có quá nhiều mặt hàng xuất khẩu cạnh tranh quyết liệt với nhau; những đồng minh và đối tác chiến lược riêng rẽ (chẳng hạn việc Thái Lan đơn phương đem quân đến Iraq); sự tranh chấp về biên giới trên biển và đất liền; sự khác biệt về các loại hình văn hóa; những toan tính riêng rẽ; tình trạng bằng mặt nhưng không bằng lòng; “kỹ năng” biết tô hồng bức tranh ASEAN đúng lúc của các nhà chính trị mỗi nước khi cần cho những mục đích nhất thời; sự chênh lệch ghê gớm về GDP, dân số, tiềm lực; sự bất ổn dài lâu trong lịch sử bởi các “truyền thống” khó phân định; sự khiếm khuyết về năng lực tự cân bằng các tham vọng; những bài toán khó về nội tình chính trị ở mỗi nước (trừ Singapore và Bruney); tất cả đều thoát thai từ chế độ thuộc địa hoặc nửa thuộc địa nên nghi kỵ lẫn nhau là một căn bệnh khó lành; tư duy tiểu nông luôn tác động ngược trở lại mọi cố gắng thay đổi… Tất cả những điều khó lường và mâu thuẫn ấy luôn luôn muốn “xé” ASEAN thành những mảnh vụn – và, rất dễ bị những cái đầu đầy toan tính của các cường quốc thao túng, ráp nối hoặc chia lìa chúng.
2. Có thể định nghĩa ASEAN hiện nay bằng công thức sau: “Ý tưởng vô vàn, bất an không ít, dị biệt rất nhiều, đổi chiều khó nghĩ”. Đây là thực trạng buồn không phải ai cũng thích nghe nhưng là một thực tế. Đã là cái đã và đang xảy ra thì phải nhìn thẳng vào nó. Có như thế mới tìm ra lối thoát cho cách đi đủ và đúng của quốc gia mình.
Trông chờ vào sự đồng thuận của ASEAN để rồi, chỉ cần một tuyên bố của “quyền lực mềm” là tan đàn, xẻ nghé quả là bài học đắt giá. Cái thế “liên hoành” mà cường quốc phuwong Bắc đang tạo dựng buộc các nước ASEAN phải tìm ra một giải pháp khác, nếu không, đũa sẽ bị bẻ gãy từng chiếc một, cho đến hết thì thôi. Nguy cơ ấy là có thật, gần lắm, bởi 2.000 năm lịch sử đâu dễ thay đổi trong một sớm, một chiều!
3. Nhượng bộ lẫn nhau nhiều hơn, giới hạn cái “tôi” hợp lý, tìm tiếng nói đồng thuận – sao cho trong nội bộ ASEAN có càng ít liên minh tay đôi càng tốt; thì may ra, ASEAN mới tìm được tiếng nói chung. Nói như thế có nghĩa là một khi quốc gia T coi A là đối tác chiến lược nhưng V để mặc không bàn đến; thì chẳng khác gì buộc cả hai phía T và V từ chối lẫn nhau. Ngược lại, nếu những tranh chấp trên bộ không giải quyết được rốt ráo vấn đề (như vụ Đền Preh Vihir, vụ Chủ tịch Đảng đối lập Campuchia Sam Rainssy nhổ 6 cột mốc biên giới Campuchia – Việt Nam), thì tìm được tiếng nói đồng thuận về chủ quyền trên biển của ai đó, nước nào đó không phải của nước mình, là chuyện xa vời.
Bịt mắt trước hiện thực là sự mù lòa của nhận thức. Trong thời đại nền kinh tế thị trường tiến với tốc độ của Net, của toán học hóa, số hóa mà nghĩ theo nhịp đi đủng đỉnh của nền văn minh nông nghiệp cổ xưa sẽ dẫn đến tai họa khó lường. Một nhà thơ nổi tiếng đã từng viết: “Cuộc sống chia đôi, em đừng đứng giữa/ Chọn một dòng hay để nước trôi?…”. Nếu chúng ta cứ cố tìm cách “làm bạn với tất cả mọi khác biệt” thì chẳng bao giờ tìm được một người bạn thủy chung, tận tụy hết mình. Việt Nam đang rất cần một đồng minh chiến lược, một “người bạn” thật sự theo đúng nghĩa của cụm từ này!