Diễn đàn

“Siêu đám cưới" và khía cạnh đạo đức của nó

Mấy ngày này trên các phương tiện truyền thông, kể các mạng xã hội, đưa tin rất nhiều, rất  nhộn nhịp về đám cưới của Nguyễn Huy Hoàng và Lê Thị Loan – các con của hai thương gia, một ở Hà Tĩnh và một ở Hà Nội, một ở tỉnh lẻ và một ở thủ đô. Quả thực là đám cưới này mới có một mà chưa có hai ở Hà Tĩnh, và có lẽ ở cả Hà Nội nữa. 10.000 thực khách chắc chắn là kỷ lục đám cưới ở Việt Nam.

Chi phí chi cho đám cưới này có thể cũng lập kỷ lục Việt Nam mặc dù chưa và không thể có con số chính xác, bởi nó quá nhiều tiền và quá nhiều khoản chi. Các nguồn tin khác nhau đưa ra các con số khác nhau, dẫu sao thì con số vài chục tỷ là có thể tin được. Vậy là Hà Tĩnh có đám cưới triệu đô (USD) để “sánh với các cường quốc năm châu bốn biển”.

Nói chuyện chi tiền, trong đám cưới này chẳng hạn, có người bảo tiền người ta làm ra thì người ta muốn chi tiêu thế nào là tuỳ. Điều đó không sai luật, chỉ trừ khi buôn lậu, làm ăn phi pháp mà có.
Mẹ của chú rể có nói (đại ý), sở dĩ làm cưới to đến vậy là để giúp cho dân thị trấn được biết đến các sinh hoạt văn hoá thời thượng của giới thị thành. Có một sự thật là với hơn 4 tỷ đồng catse bà Liễu bỏ ra, họ được biết ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Phi Nhung, Mạnh Quỳnh, Quang Lê…và MC Lê Anh. Rồi còn được biết các siêu xe Ferrari, Rolls Royce Phantom, Benley, Audi A5 Sportback, Lexus, Mercedes GLK, Mercedes C250 CGI, Porsche Cayenne, BMW... , được uống rượu ngoại xả láng với cỗ cưới 6 triệu đông/mâm.
 
Làm ra tiền không chỉ là nỗ lực của một cá nhân, tổ chức mà còn phản ánh phẩm chất đạo đức của con người. Anh làm như thế nào để có tiền một cách chính đáng, không chỉ đúng luật, mà còn phải đúng đạo lý, không chỉ đúng đạo lý với con người mà cả với môi trường tự nhiên, với cây cỏ, con giun, con dế. Chà đạp hoặc bóc lột tự nhiên và con người để có nhiều tiền là phi đạo đức. Việc tiêu tiền cũng thể hiện đạo đức của người có tiền. Tiền của anh nhưng không chỉ là của anh. Đó là kết tinh giá trị lao động của không chỉ một anh. Trong đó có mồ hôi, thậm chí là máu của những người khác. Thử hỏi đất nước không thanh bình thì các thương nhân như bà Liễu có dễ làm ăn và phát giàu như thế? Vấn đề không phải là để chia phần nhưng đừng nên phí phạm một cách vô lối, thậm chí là lố bịch. Câu ca Kẻ ăn không hết người làm không ra là có cả ngụ ý nhắc nhở người đời nên biết xử sự sao cho phải.
Đám cưới của chú rể Hoàng thực ra là có cái ý mẹ muốn lo chu tất cho con cái, điều này cũng có cái cái lý và cái thâm tình, thâm ý của nó, nhất là trong hoàn cảnh đơn thân nuôi con của bà Liễu. Thế nhưng tôi lại sực nhớ đến cái cách các tỷ phú ở Mỹ cho con, để lại tài sản cho con. Bill Gate là tỷ phú giàu bậc nhất thế giới nhưng chi tiêu cho mình hết sức hợp lý, thậm chí là tằn tiện và đã dành phần lớn tài sản của mình cho các hoạt động từ thiện. Ông hầu như không để lại tài sản gì đáng kể cho con. Ông cho rằng, nếu cho con, con sẽ mất đi tính tự lập và ý chí vươn lên. Còn ở ta, chắc chưa có ai giàu như Bill Gate nhưng cái cách tiêu tiền thì chắc là Bill Gate cũng phải kinh sợ. Không biết các cậu ấm cô chiêu sau này sẽ ra sao, họ có chăm chỉ học hành để tiếp tục được sự nghiệp làm giàu của cha mẹ hay lại như công tử Bạc Liêu đốt tiền không tiếc để về sau ôm một kiếp nghèo.
Đám cưới con bà Liễu ở Hương Sơn không chỉ là chuyện riêng của nhà bà ấy nữa rồi. Cùng với một số “siêu” đám cưới khác, nó là một hiện tượng xã hội đáng quan tâm và nhìn nhận từ nhiều khía cạnh khác nhau. Tôi xin được đưa ra mấy câu hỏi nhỏ:
      1. Ở Hương Sơn, nói rộng ra là ở Hà Tĩnh có còn người nghèo không?
      2. Ở Thị trấn Tây sơn có công trình phúc lợi dân sinh, và cả công trình kinh tế cho cộng đồng nữa, cần đầu tư mà chưa có vốn không?
  1. Sau khi dự đám cưới này thì đời sống văn hoá tinh thần của cư dân thị trấn và Hương Sơn có phong phú và tiến bộ hơn không?
  2. Nếu có các lượng tiền 20 tỷ VND, 30 tỷ VND, hoặc 50 tỷ VND thì sẽ làm được mấy trăm, mấy ngàn ngôi nhà cho đồng bào Hương Sơn và Hà Tĩnh đủ sức đối phó với lũ lụt hàng năm của sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu, Ngàn Trươi?
  3. Trong đám cưới này có quan chức nào dự không và có ai bỏ về không?
Tôi nghĩ, nếu các câu hỏi trên được trả lời chính xác thì phương diện đạo đức của sự kiện/hiện tượng trên đã được làm rõ một phần, kể cả đạo đức của quan chức (nếu có). Chưa hết, qua “siêu” cưới ở Hương Sơn chúng ta có thể biết thêm một ít về giới showbiz Việt Nam. Mối quan hệ giữa nghệ thuật và tiền tài, giữa danh và lợi, giữu nói và làm của họ xem ra cũng mong manh, mênh mông lắm…Chưa hết, xem cái cách đưa tin, bình “loạn” , rồi “hoá giải” của báo chí trong sự kiện này cũng “vô lường’ đến mức không thể hiểu được chứ không phải là khó hiểu nếu không phải là người trong cuộc hoặc những người dân sở tại. Cũng tờ báo ấy nhưng hôm kia nói một kiểu, ngày hôm qua nói một kiểu và ngày hôm nay nói một kiểu. Một con người nhưng hôm kia đánh giá là trọc phú, hơm hĩnh, ngày hôm qua là tốt, và hôm nay là vừa tốt, vừa tài…Ngày hôm qua là đất hiếm, ngày hôm nay là nhà hàng…Họ đã đem người đọc sa vào một trận đồ của báo chí. Mà không, chính xác là trận đồ bát quái của chủ nhân sự kiện “siêu” cưới!
Phải chăng cái sự ăn theo này cũng cần được nhìn nhận từ khía cạnh đạo đức của nó?  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511812

Hôm nay

2138

Hôm qua

2337

Tuần này

22186

Tháng này

218685

Tháng qua

121356

Tất cả

114511812