Nhìn ra thế giới

Giáo trình lịch sử Nhật Bản(Kỳ 2 - Phần I)

Văn hóa Jômon và bối cảnh xã hội: 

2.1 Văn hóa Jômon thành hình như thế nào?

 
Cách đây hơn một vạn năm về trước, khí hậu trên trái đất có lẽ cũng không khác bây giờ bao nhiêu.Về mặt địa chất học, đó là một thời kỳ ấm áp mà người ta gọi là Thời hoàn tân (Holocene). Tuy gọi là ấm áp giống như ngày nay, song trong mấy năm gần đây của thời đại chúng ta, mỗi năm (ở Nhật) vào tháng 7 và 8 nhiệt độ lên đến 37, 38 độ C liên tục nhiều ngày nên có thể xem như chúng ta đang trải qua một thời kỳ khí hậu dị thường. So sánh với giai đoạn một vạn năm về trước với bây giờ, ngày nay nhiệt độ có phần cao hơn. Có nhiều nguyên nhân thật đấy nhưng cũng phải nói rằng việc sử dụng máy điều hòa không khí đã góp phần vào khả năng làm cho trái đất nóng lên và gây ra sự thay đổi môi trường sinh thái. Tóm lại, cách đây một vạn năm, địa cầu đã ấm ra làm cho mực nước biển dâng cao Nước len vào các mực thấp của lục địa, tách chúng ra và tạo nên quần đảo Nhật Bản. Tình trạng này làm cho khung cảnh thiên nhiên lúc đó trở nên không khác gì với thời chúng ta bây giờ cho lắm.
 
Khi trái đất ấm rồi, trên quần đảo Nhật Bản đã thấy có nhiều sự biến đổi. Thay vào những khu rừng cây có tính (bắc) á hàn đới (subartic) với lá hình mũi kim (conifer) từ xưa nay, người ta nhận ra ở vùng đông Nhật Bản đã có những khu rừng cây lá lớn hay rụng (dedidous broadleaf) như cây buna (breech tree) hay nara (Japanese oak, sồi Nhật). Còn ở phía tây Nhật Bản thì có cây shii (pasana, chinquapin) là thuộc loại cây lá lớn và thường xanh (broad-leaved evergreen tree). Về động vật thì các giống thú hình thù to lớn xưa di chuyển từ đại lục qua nay đã mất dạng. Thay vào đó là những giống thân xác trung bình và di động nhanh nhẹn như nai Nhật Bản (nihonshika) và lợn rừng (inoshishi) nhiều thêm ra.
 
Trong một môi trường sinh thái biến đổi như thế này, dĩ nhiên cư dân trên quần đảo Nhật Bản cũng phải tự thay đổi để thích ứng với tình thế. Ví dụ như khi săn bắn, để có thể bắt giết những con vật cỡ trung bình và cỡ nhỏ mà lại nhanh nhẹn thì phải có những dụng cụ, khí giới thích hợp. Người ta nhân đó đã nghĩ ra dụng cụ “biết bay”, đó là cung tên vậy.
 
Vào thời kỳ mà quần đảo Nhật Bản hình thành và tách ra khỏi bìa phía đông lục địa Eurasia (Âu Á) thì trên phần đất Nhật Bản, đã có một nền văn hóa mới ra đời. Giai đoạn đó nằm vào thời kỳ chuyển tiếp giữa văn hóa đồ đá cũ (cựu thạch khí) và văn hóa đồ đá mới (tân thạch khí). Thời đại này được mệnh danh là thời đại của văn hóa Jômon. Nền văn hóa này bắt đầu ước chừng 12.000 năm về trước. Nó kéo dài gần 10.000 năm, cho đến thế kỷ thứ tư trước công nguyên, lúc người Nhật bước vào thời văn hóa Yayoi, một nền văn hóa khác với đặc điểm là nông canh ruộng nước (thủy điền, paddy field).
 
Văn hóa Jômon có đặc điểm nào? Xin thưa, có ba đặc điểm không thể tách rời nhau như sau:
 
1)     Biết sử dụng cung tên để săn các giống thú rừng cỡ nhỏ và cỡ nhỡ càng ngày càng tăng gia sinh sản.
2)     Biết dùng đồ chứa bằng gốm (vò vại, nồi niêu) để nấu chín và dự trữ thức ăn.
3)     Biết sử dụng dụng cụ đá mài. Đồ đá mài khác với đá đẽo là có thêm một đợt gia công để trở nên tinh vi hơn. Do đó thời này còn được mệnh danh là thời đồ đá mới (tân thạch khí). 
 
Tuy nhiên, cần ghi nhớ một điều quan trọng là không vì thời kỳ văn hóa Jômon bắt đầu mà người ta bỏ dụng cụ đá đẽo đi không dùng nữa. Nói cách khác, vào thời Jômon, người ta vẫn dùng cả hai.
 
Trong ba đặc tính kể trên của văn hóa Jômon, nhờ việc sử dụng các đồ chứa làm bằng đất mà tỷ lệ sinh tồn (survival) của con người cao lên một cách rõ rệt.Lý do là thay vì ăn thịt sống, người ta biết nấu chín, nên giết hết vi trùng và giữ đồ ăn được lâu. Nhờ đó, họ cũng có thể loại bớt chất đắng chát trong các loại quả hạt như các thứ hạt dẻ tochi (horse chestnust) hay donguri (acorn), làm chúng dễ ăn hơn
 
Thế nhưng khi thu thập thống kê về tuổi tác và tỷ suất tử vong của người thời Jômon thì  ta được biết rằng đối với dân số trên 15 tuổi, tuổi thọ của họ nằm giữa khoảng 35 đến 40. Còn như kể cả trẻ em từ 15 tuổi trở xuống thì tuổi thọ của họ nói chung không tới 20. Đem so tuổi thọ đó với tuổi thọ của thời đại chúng ta thì hãy còn cách nhau quá xa.
 
Trên mặt các thức đồ gốm thời này, vì muốn làm bằng phẳng đi những chỗ thô ráp, người ta thường gắn vào đấy hoa văn giống như thừng quấn. Từ đó, đồ đất ấy mới mang tên đồ đất Jômon (thằng văn = hoa văn hình dây thừng)[1]. Tuy nhiên cần chú ý là lúc đó cũng thấy loại đồ đất trơn không có hoa văn nào cả.
 
Hoa văn dây thừng đã được gắn như thế nào thì mới chỉ được biết gần đây thôi. Nhà khảo cổ Yamanouchi Sugao nhân dùng que bông gòn làm trục và thử lăn trên đất sét thì thấy có thể khắc hình thù lên đó được, rồi khi ông dùng một giải dây và cùng làm một động tác thì thấy tạo ra được hoa văn. Sau thí nghiệm của Yamanouchi, nhiều nhà khảo cổ khác cũng làm thử với nhiều loại dây se theo kiểu khác nhau. Kết quả là họ đã giải đáp được thắc mắc về cách thức gắn hoa văn của người xưa. Đồ gốm thời ấy còn có đặc điểm nữa là nung dưới nhiệt độ thấp, vỏ khá dày và có màu nâu. Thời kỳ Jômon được chia ra làm 6 giai đoạn: giai đoạn bắt đầu, giai đoạn sớm sủa, giai đoạn trước, giai đoạn giữa, giai đoạn sau và giai đoạn cuối. Vào giai đoạn bắt đầu, vừa có nhiều đồ gốm không hoa văn (mumon) lẫn đồ gốm với hoa văn nổi theo dạng đường thẳng (ryuukisen) và hoa văn hình móng tay (tsumegata). Đáy của chúng hình tròn hay bốn cạnh đơn sơ. Người ta nghĩ có thể con người thái cổ đã chế ra chúng theo mô hình các túi đựng bằng da (kawabukuro) hoặc lồng đan (amikago) mà họ hay dùng. Chúng là vết tích dụng cụ để chứa bằng đất nung xưa nhất vốn có trên thế giới. Sau đó, theo thời gian, vì nhu cầu cuộc sống đòi hỏi nên loại đồ gốm này có thêm nhiều hình thức khác, đồng thời cũng trở nên phong phú hơn về mặt mẫu mã. Vào giai đoạn cuối, đã thấy có những thứ đồ gốm bắt mắt (sặc sỡ) hơn như những vật khai quật được ở di chỉ Kamagaoka tỉnh Aomori.
      
                                           
Đồ gốm Jômon trung kỳ với hoa văn như thừng bện (niên đại -5.000 đến-4.000)   
 
Tùy theo khu vực và cách thức sinh hoạt phải thích ứng, các loại đồ gốm này trên thực tế có hình thù khác nhau.Nếu là cùng một môi trường và điều kiện sinh hoạt thì chúng sẽ “tập hợp lại” (grouping) thành một cụm có nét chung.Chúng ta có thể thấy được nét chung của chúng khi xem các hiện vật được đem ra trưng bày ở các viện bảo tàng địa phương.
 
2.2 Sinh hoạt của người Jômon:
 
Sau đây, chúng ta thử tìm hiểu về cuộc sống tinh thần (tín ngưỡng) và vật chất (sinh hoạt) của người Jômon. Thời kỳ Jômon này khá dài, như đã nói, kéo dài khoảng 1 vạn năm, có nghĩa là gấp 5 lần thời gian bắt đầu từ công nguyên (tây lịch). Đi ngược lên trên nữa thì thời đồ đá cũ còn dài hơn gấp bội. Điều đó chứng tỏ rằng đại bộ phận của lịch sử con người hầu như nằm gọn trong thời đại đồ đá cũ và thời đại Jômon.
 
Người Jômon bị điều kiện thiên nhiên chi phối chặt chẽ, có thể xem như họ sinh hoạt theo thiên nhiên. Trọng tâm của sinh hoạt ấy là vấn đề làm sao đảm bảo được nguồn lương thực. Mùa xuân, họ đi hái nụ hoặc mầm cây cỏ, mùa hè họ ra bãi cạn mò cua bắt ốc. Thu đến, người Jômon đi tìm hạt dẻ (donguri) và các quả hạt khác (shii, kuri) làm nguồn lương thực chính, còn mùa đông, họ săn thú rừng như nai và lợn lòi.
 
Qua đó, mới nhìn ta thấy cuộc sống của họ khá thoải mái, nhàn tản. Thế nhưng tuổi thọ bình quân của người Jômon vẫn không cao, vậy thì cuộc sống ấy chưa chắc đã dễ dãi. Qua đến thời kỳ Yayoi, con người đã bước vào giai đoạn sản xuất lương thực nhưng họ chỉ làm ra những loại thức ăn nào mà họ muốn ăn. Khi còn ở trong thời kỳ Jômon, họ không có thể nào có được điều đó.   .
 
Nhiều người cho rằng phát minh quan trọng nhất của người Jômon là vật dụng để chứa đựng bằng đất nung nhưng cũng có ý kiến trái ngược cho rằng chính là cung tên. Khi khí hậu quả đất ấm ra và các thú lớn, nặng nề biến mất, duy các giống bé và nhỡ mà lại nhanh nhẹn còn lại thì muốn bắt giết chúng, chỉ có cách là sử dụng cung tên. Với cung tên, đứng nhắm cho kỹ rồi bắn vù đi một mũi là đã có con thịt. Có con thịt rồi thì phải đi làm thức ăn với món thịt đó. Lúc ấy, người ta mới thấy giá trị của nồi niêu. Vì lý do đó, nếu tôn vai trò của cung tên lên hàng phát minh số một của người Jômon thì có lẽ cũng không ngoa.
 
Ngoài ra phải nói đến việc người Jômon đã biết đào hầm hố để làm bẩy bắt con thịt hay làm nơi ẩn nấp rình rập chúng.Ngày nay ta thấy nó như trò trẻ đáng buồn cười nhưng vào thời Jômon, đó là một phát minh đáng kể để sống còn, không thể bảo đó là một trò chơi đối với họ được.
 
Nước biển dâng lên và mặt đất bằng chìm xuống đã làm cho biển tiến cả vào bên trong lục địa (hiện tượng kaishin = hải tiến), tạo nên những biển nội địa. Vì lúc đó là vào thời Jômon nên người ta gọi nó giai đoạn biển lấn đất Jômon (Jômon kaishin). Do hiện tượng này mà từ thời Jômon, Nhật đã trở thành một đảo quốc có nhiều nhánh biển nhỏ ( irie, inlet), chỗ có giải nước biển hẹp và sâu đâm xa vào đất liền. Nếu là người chài lưới thì ai nấy đều biết rằng nơi đây tụ tập rất nhiều cá. Người trên quần đảo Nhật Bản do đó đã sớm phát triển nghề đánh cá ở những vùng như thế.  
 
Năm 1877 (Meiji thứ 10), Edward S. Morse[2] , người được xem như là cha đẻ của khoa khảo cổ Nhật Bản, đã phát hiện ra gò xác sò ốc ở vùng Ômori (Ômori kaizuka) ngay Tôkyô. Ông đã từ San Francisco đáp tàu chạy bằng hơi nước là chiếc Tôkyô-maru đến cửa khẩu Yokohama. Trong khi lấy xe điện đi từ Sakuragichô (gần khu Chinatown bây giờ) theo tuyến Tôkaidô để lên Tôkyô, giữa đường nhìn qua cửa sổ toa tàu, ông đã khám phá ra những gò xác sò ở Ômori gọi là Ômori kaizuka, vô cùng quí giá đối với ngành khảo cổ Nhật Bản.
                  
                  
 
                                                     Giáo sư Edward Sylvester Morse
 
Câu chuyện kỳ lạ và thú vị này đã được giáo sư Morse ghi chép cẩn thận kèm theo hình vẽ trong nhật ký, khi về nước đã đem ra nói chuyện trong các buổi diễn giảng về Nhật Bản và in trong tác phẩm “Nhật Bản, nhật ký từng ngày” (Nihon sono hi sono hi), sau đó nó còn được nhắc nhở đến trong nhiều tập sử liệu. Tấm bia kỹ niệm cái gò xác sò ốc kia nay nằm ở cả hai nơi, khu Ôta và khu Shinagawa. Lý do là sau khi khai quật di chỉ đó một thời gian, ngay những người liên hệ cũng không còn nhớ địa điểm đích xác của nó. Để đến nỗi này, người Nhật cảm thấy họ có lỗi với giáo sư Morse.
 
Thế nhưng từ khi gò xác sò ốc ở Ômori (Ômori kaizuka) được phát hiện, trên toàn nước Nhật, người ta đã tìm thấy 1800 kaizuka tương tự mà 90% là những kaizuka thuộc thời đại Jômon. Hiện nay, khi đi xem xét những nơi có kaizuka mang đặc tính Jômon, các nhà nghiên cứu đã thu thập được những dữ liệu quan trọng giúp hiểu biết về cuộc sống thường nhật của người thời ấy. Bởi lẽ kaizuka là nơi cư dân thải những thực phẩm dư thừa sau khi ăn xong, lâu ngày chúng tích tụ thành gò. Đem những mảnh hóa thạch tìm thấy ở đó đặt lên kính hiển vi, ta sẽ biết hết tất cả những gì người Jômon đã ăn. Lấy một ví dụ cụ thể. Đó là trường hợp Torihama kaizuka, một kaizuka vô cùng quan trọng nằm trong địa phận Mikata-chô tỉnh Fukui (miền trung tây Nhật Bản, phía biển Nhật Bản). Người ta đã phát hiện nơi đó vết tích của các hạt giống các thực vật như quả bầu (hyôtan) cây vừng mè (egoma)[3], cây tía tô (shiso, beefsteak plant), các giống đậu (mame) và gobô (rễ ngưu bàng, burdock). Điều này xác định rằng từ rất sớm, người Jômon đã biết đến canh tác tuy rằng chỉ ở trong một phạm vi nhỏ hẹp.
 
Qua những di vật của kaizuka, có thể hiểu biết một cách toàn thể về sinh hoạt của người đương thời. Cũng vì trong đống kaizuka người ta còn thấy dấu vết những dụng cụ làm bằng đất, bằng đá hoặc bằng xương hoặc sừng. Đôi khi còn đào được những mảnh xương người, xương thú hay xương cá có lớp calcium của vỏ sò bao bọc và bảo tồn. Mục đích của các nhà nghiên cứu về thời đại này có lẽ là làm sao thông qua những di vật đó, tái tạo lại được hình ảnh nếp sinh hoạt và hoàn cảnh thiên nhiên trong đó, người Jômon đã sinh sống.
                   
                             
 Marukibune (thuyền độc mộc)
 
Vật khai quật được ngoài lưỡi câu (tsuribari) , lao (mori), chỉa (yasu) bằng sừng hay xương thú, người ta còn thấy có những tảng đá hay tảng đất (sekisui, dosui) - dùng như neo (omori) để giữ lưới đánh cá dưới nước khỏi bị di chuyển - nên có thể suy ra là phép đánh cá thời ấy trên cơ bản dựa vào lưới. Ngoài ra, khắp các nơi đều tìm thấy dấu vết của loại thuyền độc mộc (marukibune), thuyền nạo bằng cách hun cháy phần ruột nguyên một thân cây sau khi đã xẻ nó làm đôi. Việc di tích của người Jômon đã được phát quật từ vùng Izu Ôshima (bán đảo và chùm đảo bên dưới Tôkyô) cho đến khu vực Hachijôjima (một đảo núi lửa xa bờ Tôkyô khoảng 300 cây số và cũng nằm trong 7 đảo Izu) cho thấy người Jômon đã có kỹ thuật hàng hải rất cao để có thể đi xa đến như vậy.   
 
Để sinh sống, con người bắt buộc phải làm việc. Những công việc quan trọng để sinh nhai của người Jômon là săn bắn, đánh cá, và thêm vào đó, không kém phần quan trọng có lẽ là việc hái nhặt. Ngoài các giống hạt như hạt lật (kuri, chestnut), hạt dẻ (donguri, acorn), hạt óc chó (kurumi, walnut), hạt tochi (horse chestnut, một loại hạt dẻ), họ cũng đào các loại củ như khoai rừng (yamaimo, yam). Nhờ làm ra được những dụng cụ bằng gốm để ninh nấu họ mà loại được chất độc, chất đắng chát của các loại củ. Để đào hố, họ đã có cuốc đá (ishikuwa), để nghiền hạt, họ đã có bàn nghiền bằng đá (ishizara). Người Jômon cũng có thể gọi là sành ăn. Chẳng hạn họ biết làm cả bánh từ bột hạt dẻ.
 
F.Macé[4] cho ta biết thời ấy chó đã góp sức vào việc săn bắn, được coi trọng như bạn đồng hành vì được chôn cất chẳng khác gì người.Các con thịt của họ là lợn lòi, nai, gấu, sơn dương cho đến các thú nhỏ như thỏ rừng, chồn, sóc, ngỗng, vịt trời, rái cá...  
 
Sau khi đã tìm ra được nhiều cách thức để có đủ lương thực , cuộc sống của họ trở nên ổn định và sung túc. Họ bắt đầu sống lâu dài một chỗ (định trú hóa = permanent settlement). Vào thời kỳ này, họ biết đào lỗ (ana) xuống lòng đất (có khi sâu tới cả 1m) làm nơi cư trú, dựng cột, trên có lợp mái (yane).Kiểu cư trú “nhà hố” như vậy được người Nhật gọi là tateana juukyo (tiếng Anh dịch a pit dwelling, mà pit có nghĩa là hố sâu và rộng).
 
Giữa trung tâm nhà hố người ta khoanh khu vực để lò bếp, chung quanh đó một gia đình tụ tập sinh hoạt ăn ngủ dưới cùng một mái nhà. Sau đó họ kết thành đoàn lũ và cùng nhau đi tìm những chỗ càng ngày càng có điều kiện tốt hơn như nơi đủ ánh mặt trời hay nằm trên nền cao để tránh lũ nhưng cạnh nguồn nước để lấy đồ uống dễ dàng. Phần đông, họ tụ tập thành xóm gồm nhiều nhà quây tròn quanh một vạt đất trống giống như quãng trường, nơi đây cộng đồng có những hoạt động mang tính tập đoàn. Bên cạnh khu hố cư trú còn có khu hố tích trữ lương thực và hố chôn cất người chết. Như vậy, nói như Elisseeff thì những thôn ổ đầu tiên này (như thấy ở Iwate) đã được qui hoạch theo một hình tròn mà vạt đất ở chính giữa vừa là nhà làng vừa là nghĩa địa.
 
Vì có nhu cầu đào hố và nông canh mà người thái cổ cần đến các dụng cụ đào xới đất bằng đá đẽo.Bên cạnh các nơi cư trú kiểu nhà hố nhỏ, lại có nhà hố lớn, chắc dùng làm nơi hội họp và lao động tập đoàn. Các cuộc điều tra giúp ta suy đoán được một cách chung chung là đơn vị sinh hoạt của một tập đoàn thời Jômon chỉ gồm có 4 đến 6 “nhà hố” qui tụ khoảng từ 20 đến 30 thành viên
 
Trong khi xem xét kaizuka mang tên Kai no hana thuộc tỉnh Chiba (sát bên cạnh Tôkyô) người ta đã thấy phía dưới một nền đất hình móng ngựa (batei-gata) tạo nên cái gò đó, có di tích của đến 33 đơn vị cư trú. Trên vạt đất theo vành móng ngựa nằm ở giữa, không thấy có cơ sở nào được xây cất cả, chắc đấy là nơi hội họp hoặc tế tự chung. Như thế, kể từ thời Jômon, ta đã thấy có hình thức xã hội biết tuân theo một số qui luật, phép tắc nào đó rồi.
 
Gần đây, vùng Sannai Maruyama ở tỉnh Aomori miền bắc Nhật Bản mới là nơi lôi cuốn sự chú ý nhiều nhất. Nó là một di tích tồn tại từ khoảng đầu đến khoảng giữa thời Jômon và là chứng cứ cho thấy người thời ấy đã tụ tập lại với nhau trên một qui mô lớn. Di tích phát quật được - gồm cả các khu vực cư trú của thời đầu lẫn thời giữa Jômon - cộng lại lên đến 500 đơn vị nhà hố cỡ nhỏ và trên 10 đơn vị cỡ lớn. Trong số đó đã thấy những nhà hố với cột thật to mà đường kính thân cột hơn cả 1m. Suy ra có thể hiểu được rằng, trong khuôn viên di tích này, số người sinh hoạt lúc đông có thể lên đến 500. Tuy chưa vội gì đi đến kết luận, kết quả cuộc điều tra này có thể làm thay đổi cách suy nghĩ của chúng ta về hình ảnh của thời Jômon cũng như sẽ thay đổi nội dung các sách giáo khoa viết trước đây.
 
Những tập đoàn Jômon như thế sau đó sẽ tiếp xúc với những tập đoàn lân cận qua hôn nhân cũng như sự trao đổi thông tin và nhiều dạng giao dịch khác. Việc khám phá ra những viên đá núi lửa (kokuyôseki, obsidian) nửa trong nửa đục vốn dùng như nguyên liệu để tạo ra vật dụng đồ đá, cũng như ngọc thạch (phỉ thúy = hisui, jade) ở những nơi thật xa địa điểm chúng sinh sản, chứng minh được là có sự giao dịch giữa các tập đoàn sống ở những vị trí địa dư cách xa nhau.
 
Nếu nói về vùng Tôkyô thì có thể dẫn chứng bằng trường hợp của đảo Kôzushima, một hòn đảo nằm trong bảy đảo vùng Izu shichitô, không xa Tôkyô cho lắm về phía Nam. Các nhà nghiên cứu thấy loại đá núi lửa kokuyôseki do vùng đảo này (phía Thái Bình Dương) sản xuất đã được di chuyển và phân tán khắp vùng Kantô (Tôkyô và phụ cận) đến mãi tận vùng Hokuriku (4 tỉnh Fukui, Ishikawa, Toyama, Niigata phía biển Nhật Bản đối diện). Làm thế nào khi không có đường bộ mà đá đã được mang đi thật xa như thế. Phải chăng những con người can đảm của thời thái cổ đã không quản ngại sóng gió chở chúng vượt biển trên những con thuyền độc mộc thô sơ ?
 
                   
 
 
Sekijin (thạch nhận, dụng cụ đầu nhọn) bằng đá núi lửa tìm thấy trong địa tằng Nhật Bản
 
Thời Jômon, có sự phân chia công việc giữa nam và nữ. Đàn ông trong tập đoàn lãnh phần việc chế biến dụng cụ đá bằng đá và săn bắn trong khi phụ nữ lo việc hái nhặt và làm ra các thứ đồ đất nung. Cho dù đã có kẻ lãnh đạo tập đoàn nhưng vai vế trên dưới và sự phân chia giàu nghèo thì chưa có mấy.
 
Cũng nhân đây qua các hiện vật tìm thấy, thử phác họa đời sống tinh thần của các tập đoàn người Jômon. Người thời đó tin rằng thần thánh và oai linh của thiên nhiên tồn tại khắp nơi: từ trong rừng cây, lùm bụi, dưới nước đến tảng đá. Đây là hình thức gọi là vạn tượng hữu linh (animism)[5] chủ trương mọi vật trong thiên nhiên ngoài hình ảnh cụ thể của nó còn ẩn tàng một sức mạnh siêu nhiên. Thế rồi, nhờ ở các pháp thuật, bùa chú (jujutsu, magic), (majinai, incantation) mà họ cầu thần giải trừ tai ách hay xin mang đến hoa lợi thu hoạch. Di vật của pháp thuật bùa chú thời này còn được thấy qua các tượng đất sét (doguu, clay figure) tượng trưng cho người nữ và các gậy đá (sekibô) chiều dài từ 40, 50 cm đến 1m, hình tròn và dài, tượng trưng cho (phallus, sinh thực khí của) người nam.
 
            
                  
                  Doguu (tượng đất sét) di vật của pháp thuật, bùa chú cổ đại
 
Từ thời Jômon trung kỳ trở đi, phong tục nhổ răng (basshi)[6], đã trở nên rất phổ biến. Phong tục này là một nghi thức đánh dấu sự biến chuyển của người ta từ một giai đoạn này sang một giai đoạn khác trong cuộc sống, ví dụ vào dịp thành nhân. Phong tục này như muốn nhắc nhỡ mọi người rằng đã là người lớn, bắt buộc giỏi chịu đau và muốn được nhìn nhận là người lớn, phải chấp nhận thử thách khó khăn đó.
                  
                          
 
                                              Phong tục chôn gập xác (khuất táng)
 
Một phong tục cũng đánh dấu cuộc sống tinh thần của người Jômon là một phương pháp mai táng khá đặc biệt. Phương pháp ấy gọi là kussô (khuất táng) nghĩa là bẻ gãy gập tay chân người chết, sắp xếp chồng chất cẩn thận cho thật gọn rồi mới đem chôn. Hình như có hai thuyết chính giải thích lý do của hành động đó. Thuyết thứ nhất cho rằng bẻ tay chân và sắp xếp gọn gàng như thế, người chết sẽ trở về với hình thái ban đầu trong bào thai và trở về với “mẹ đất”. Thuyết thứ hai cho rằng vì sợ những hoạt động của người chết gây tai ách cho người sống nên phải trừ khử khả năng đó. Ngoài ra còn có ý kiến làm cho gọn như vậy thì đỡ tốn công tốn sức đào một cái huyệt rộng. Thế nhưng tóm lại, thuyết thứ hai có vẻ được nhiều chấp nhận hơn hết.
 
Thời Jômon dài đến vậy cho nên kiến thức về thời ấy nếu chỉ có được như trên thì thật quá sơ thiển. Nhất là ở vị thế người học sử, nếu biết rõ một thời kỳ trước thì mới hiểu được thời kỳ sau. Trước khi chấm dứt chương này thiết tưởng cũng nên nhắc qua phương pháp định tuổi trong sử học bằng phương pháp Carbon 14 có tính phóng xạ. Nguyên tắc chính là trong mỗi sinh vật đều có hàm chứa chất than C14 có tính phóng xạ và sau khi sinh vật đó chết đi, mức phóng xạ đó sẽ suy giảm với thời gian theo một nhịp độ nhất định Sau 5.730 năm thì vừa vặn mức phóng xạ ấy hạ xuống phân nữa. Theo nguyên tắc ấy, người ta dựa vào lượng phóng xạ còn tồn tại trong vật chất ấy để tính (ngược) được số tuổi của nó. Nhân vì thời gian lượng Carbon 14 giảm xuống phân nửa tương đối ngắn cho nên người ta có thể dùng nó tính toán niên đại của những di vật hoặc đồ gốm của thời Jômon và của giai đoạn sau (hậu kỳ) thời kỳ đồ đá cũ nghĩa là vài nghìn cho đến 1 hay 2 vạn năm về trước. Nhờ nó, chúng ta xác định được niên đại của đồ gốm Jômon lúc mới được làm ra (nghĩa là vào thời kỳ khởi thủy) nên biết rõ ràng rằng văn hóa Jômon đã bắt đầu cách đây 12.000 năm. Ngoài ra, còn có các phương tiện khác như phương pháp “nhiệt phát quang” (heat-luminesense) có thể dùng để kiểm tra niên đại bằng phóng xạ có hiệu lực từ vài nghìn năm lên đến vài chục vạn năm. Hay hơn nữa, phương pháp Uran keiretsu (Uranium series) sử dụng các nấc của độ thoái hóa trong Uranium 238 có phạm vi kiểm tra rất rộng, bao trùm đến từ vài vạn đến 50 vạn năm về trước.
 
Đến đây, xin tạm ngưng câu chuyện thời Jômon.   


[1] Đồ gốm Jômon cũng tìm thấy trên cả lục địa Phi Châu. Ở Nhật, di tích phân bố từ quần đảo Chishima (gần bán đảo Kamchatka thuộc Nga) đến Okinawa.                                                         
[2] Edward Sylvester Morse (1838-19259), nhà động vật học người Mỹ, nguyên giáo sư giảng dạy môn Tiến hóa luận ở Đại học Tôkyô.
[3] Dầu egoma (ugoma) dùng để ăn hay thắp đèn.
[4] L’Histoire du Japon, p.22
[5] Khái niệm đề xướng bởi Edward Burnett Tylor (1832-1917), nhà văn hóa nhân loại học (social anthropologist) người Anh, xem animism như một dạng tôn giáo nguyên thủy của nhân loại.
[6] Không phải nhổ tất cả răng nhưng nhổ một cái răng nào đã được chỉ định như răng chó ( cuspid, canine tooth). Tục nhổ răng đánh dấu sự trưởng thành của một con người có ở nhiều nơi trên thế giới, không riêng gì Nhật Bản. Phép cắt bì trong xã hội Do Thái Ả Rập nơi nam giới, ngoài mục đích vệ sinh, trong một chừng mực nào cũng bao hàm ý nghĩa ấy.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114569151

Hôm nay

2367

Hôm qua

2405

Tuần này

21534

Tháng này

227675

Tháng qua

129483

Tất cả

114569151