Nhìn ra thế giới

Giáo trình lịch sử Nhật Bản(Kỳ 3 - Phần I)

Tiết 3: Văn hóa Yayoi và bối cảnh xã hội:
 
3.1 Thời nông canh bắt đầu:
 
Tiếp sau văn hóa Jômon là văn hóa Yayoi. Nền văn hóa Yayoi đã có mặt trên đất Nhật từ thế kỷ thứ 4 trước công nguyên cho đến thế kỷ thứ 3.Đặc điểm của nền văn hóa mới này là sự bắt đầu của hoạt động nông canh tuy rằng, nếu nói cho nghiêm chỉnh thì vào khoảng thế kỷ thứ 5 – thứ 4 trước công nguyên tức là giai đoạn cuối của văn hóa Jômon, đã thấy dấu tích việc canh tác lúa nước. 

 

 
Hôm qua mới còn là Jômon, hôm nay ngủ dậy đã thành Yayoi rồi sao? Thật ra sự biến đổi không phải chỉ đơn thuần ngày một ngày hai. Phải nói là trước tiên đã có một nền văn hóa mới du nhập từ vùng Giang Nam Trung Quốc và từ bán đảo Triều Tiên vào phía bắc đảo Kyuushuu.Nó bắt rễ nơi đây trước khi lan ra một cách mạnh mẽ và vững chắc trên khắp các phần đất khác của quần đảo.
 
Để văn hóa Yayoi phát triển trong một phạm vi rộng lớn như thế, người Jômon cũng cần có một thời gian chuẩn bị tiếp nhận nền văn hóa mới. Quá trình thẩm thấu văn hóa trong dòng lịch sử giống như dạng vân đá cẩm thạch. Trong hội họa, khi người ta pha màu trắng với màu đỏ thì trước tiên màu sắc phải qua một trạng thái chuyển đổi giống như vân đá trắng đỏ rồi mới tạo ra màu hồng. Thời kỳ có sự biến thiên ấy gọi là thời kỳ chuyển tiếp hay quá độ. Đối với người nghiên cứu lịch sử, đây là một thời kỳ vô cùng quan trọng.
 
Như đã nói, cuối thời Jômon đã có dấu tích của việc canh tác lúa nước. Chứng cớ về lúa nước nằm ở di chỉ Nabatake nằm ở tỉnh Saga và di chỉ Itazuke tỉnh Fukuoka, hai nơi khá nổi tiếng. Ở đó, người ta đã tìm thấy những suiden-ato (dấu tích ruộng nước). Nếu việc nhận diện thời đại Jômon đến từ việc họ dùng đồ gốm như dụng cụ thì đối với thời Yayoi, đặc sắc của nó là việc bắt đầu canh tác ruộng nước. Nhưng chẳng lẽ dựa vào đó để bảo chỗ này đang ở vào thời đại Jômon, chỗ kia thuộc thời đại Yayoi hay sao. Giới nghiên cứu cũng chưa đi đến chỗ đồng ý hoàn toàn nên phải chấp nhận có một thời kỳ quá độ thay vì chia cắt Jômon và Yayoi thành hai thời kỳ riêng biệt.
 
Điểm chuyển tiếp giữa hai thời kỳ ấy có thể nhận ra ở di chỉ Nabatake và Itazuke. Chúng ta biết văn hóa Yayoi với hoạt động nông canh đã bắt đầu xuất hiện ở miền Tây Nhật Bản trước khi lan rộng ra khắp quần đảo ngoại trừ đảo Hokkaidô và các đảo Nam Tây.[1] Lúc này, người trên quần đảo bước từ kinh tế sản xuất lương thực bằng hái nhặt qua kinh tế sản xuất bằng lúa nước. Chúng ta chưa có thể hình dung quần đảo lúc đó như nước Nhật hiện tại bao gồm Hokkaidô với Okinawa, bởi vì trên hai phần đất này, từ thời Jômon trở đi, đã thấy có sự phát triển của những nền văn hóa độc lập. Nếu như văn hóa Jômon là văn hóa chung cho cả phần đất có tên là Nhật Bản ngày nay, văn hóa Yayoi chưa đặt chân lên Hokkaido và các đảo Nam Tây. Tại sao lại có chuyện như thế và thử hỏi từ thời Jômon trở đi, Hokkkaidô và các đảo Nam Tây đã có chuyện gì xảy ra? 
 
Câu trả lời là đảo Hokkaidô chỉ bước qua thời Tục-Jômon nghĩa là nối tiếp văn hóa Jômon trong khi các đảo Nam Tây vẫn sống theo lối hái nhặt lương thực của văn hóa kaizuka tức thời gò vỏ sò.Có thể hiểu là khí hậu Hokkaidô quá lạnh để trồng lúa nước còn ở các đảo Nam Tây thì những dụng cụ khai quật và cách phân bố các di chỉ cho ta biết họ không dựa văn hóa lúa nước nhưng lại xây dựng cho mình một văn hóa đặc biệt. Dù cả hai không thu nhận văn hóa lúa nước, cuộc sống của cư dân hai vùng đó không vì thế mà ngưng trệ mà lại có cơ hội phát triển văn hóa của mình theo cách thức riêng. Kể từ thế lỷ thứ 9, ở Hokkaido đã có loại đồ gốm (doki) với hoa văn gọi là satsumon có hình răng lược. Do đó, người ta đặt tên cho văn hóa ấy là văn hóa satsumon (hoa văn răng lược), theo tên kiểu đồ gốm. Trong giai đoạn văn hóa ấy, đã thấy dấu hiệu của hoạt động nông canh nhưng săn bắn và chài lưới vẫn đóng vai trò chủ yếu. Nói cách khác, cho dù không đưa nông canh lúa nước vào nhưng cư dân trên những hòn đảo ấy cũng biết chuẩn bị đầy đủ cho hoàn cảnh cuộc sống của mình được thuận lợi.     
 
Tại sao có cái tên là văn hóa Yayoi? Sở dĩ người ta mệnh danh nó như thế là vì vào khoảng giữa thời Meiji (1884), họ đã phát hiện trong một gò xác vỏ sò (kaizuka) ở phường Hongô Yayoi thuộc nội thành Tôkyô một hủ gốm (tsubo) có những đặc trưng khác hẳn với đồ gốm Jômon tìm thấy cho đến nay. Đồ gốm này được gọi là đồ gốm Yayoi (Yayoi doki), rồi từ đó, thời đại nó xuất hiện mang tên thời đại Yayoi. Thời đại này lại được chia làm 3 giai đoạn gọi là tiền kỳ, trung kỳ và hậu kỳ. Có nghĩa là cho đến lúc phát hiện hủ gốm ở Yayoi, sự phân biệt thời giữa đại Jômon và Yayoi chưa hề có trong sách vở.
          
               Hũ gốm Yayoi
       
 
Kỹ thuật Yayoi khác kỹ thuật Jômon như thế nào?    
 
Gốm Yayoi thật ra về kỹ thuật, không khác xa gốm Jômon bao nhiêu. Tuy vậy, về mặt mỹ thuật, có thể nói là nó đẹp hơn. Cái đẹp của nó không nằm ở chỗ rườm rà về mặt trang trí như gốm Jômon nhưng ở chỗ hài hòa và cân đối trong sự đơn giản. F.Macé và G.B.Sansom đều chia sẻ cùng một ý kiến về điểm này. Sansom[2] chỉ lưu ý việc người Jômon của miền Đông và Bắc tỏ ra tự do, phóng túng hơn trong cách chọn hình thể và mẫu trang trí hơn người Yayoi đến sau. Cái khác nhau rõ ràng giữa hai thời kỳ Jômon và Yayoi có lẽ là kỹ thuật luyện kim. Người Yayoi của miền tây và nam Nhật Bản khi tiến lên phía đông và phía bắc để gặp gỡ văn hoá Jômon[3] đã bỏ lại sau lưng họ thời đại thạch khí và họ đã biết sử dụng kim loại. Các dụng cụ bằng đồng có nguồn gốc đại lục đã thấy xuất hiện bên cạnh gốm Yayoi ở các di chỉ. Trong khi mũi tên thời Jômon chỉ đủ bén nhọn để làm con thú săn bị thương thì mũi tên của người Yayoi nặng hơn và xuyên thấu hơn, có thể làm chết nó ngay.
 
Trở lại chuyện kaizuka đang nói dở dang. Bên lề thôi nhưng phải nói là giống trường hợp gò kaizuka ở Omori, địa điểm nơi tìm ra đồ gốm Yayoi cũng không được nhớ cho thật đúng. Tuy bảo rằng hủ gốm ấy đã được phát hiện vào năm 1884 ở kaizuka mang tên Mukôgaoka thuộc khóm số 2 phường Yayoi khu Bunkyô thủ đô Tôkyô vv... nhưng lời kể lại của người phát hiện ra nó vẫn còn có điểm thiếu chính xác, chẳng khác nào những gì đã xảy ra cho kaizuka ở Ômori. Do đó, ta chỉ có thể ước định địa điểm phát hiện ngày nay nằm trong khuôn viên của Phân khoa canh nông Đại học Tôkyô mà thôi.
 
Thời điểm xuất phát của văn hóa nông canh ở đại lục Trung Quốc là khoảng từ năm 6.000 đến 5.000 năm trước công nguyên. Lúc đó, trên quần đảo Nhật Bản, thời Jômon vẫn còn đang kéo dài gần 10.000 năm. Vào khi ấy, ở vùng phía bắc Trung Quốc, ở lưu vực khoảng giữa sông Hoàng Hà, cư dân đã biết trồng ngũ cốc như awa (foxtail millet) và kibi (millet). Phía hạ lưu lưu vực sông Trường giang (Dương Tử) ở miền Nam, người Trung Quốc đã bắt đầu trồng lúa.Như vậy, Trung Quốc đã bước trước Nhật Bản một bước trên quá trình thành hình xã hội nông canh.
 
Vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, người Trung Quốc đã bắt đầu dùng vật dụng bằng sắt, mức sản xuất nông nghiệp cũng phát triển nhiều. Điều này xảy ra có lẽ vì đó lại là lúc Trung Quốc bước vào thời Chiến Quốc. Khi ấy, các cuộc xung đột, tranh phong bùng nổ ra thường xuyên ở các địa phương.
 
Trong khi thời Chiến Quốc đang tiếp diễn trên đất Trung Quốc, vào thế kỷ thứ 3 TCN, có hai quốc gia mạnh đủ sức thống nhất khu vực là Tần và Hán (Tiền Hán) xuất hiện.Các cuộc phân tranh trên đại lục Trung Quốc đang tiến dần về hướng thống nhất và điều đó gây ảnh hưởng đến các dân tộc sống chung quanh. Chẳng những bán đảo Triều Tiên mà cả quần đảo Nhật Bản cũng tiếp nhận ảnh hưởng.
 
Văn hóa Yayoi với hình thức mới từ đại lục đã truyền đến Nhật và theo những đường sau đây:
 
1)     Đường qua ngỏ bán đảo Triều Tiên:
a - Đường nội địa đằng sau bán đảo Liêu Đông rồi xuyên bán đảo Triều Tiên..
b – Đường từ bán đảo Sơn Đông qua bán đảo Liêu Đông rồi vào bán đảo Triều Tiên.
c- Đường bán đảo Sơn Đông rồi qua biển mà vào bán đảo Triều Tiên.
2)     Đường từ hạ lưu vực Trường Giang trực tiếp đến Kyuushuu
3)     Đường từ Giang Nam qua các đảo Nam Tây..
 
Nói chung, nó có hai đặc điểm như sau:
 
1-     Canh nông lúa nước.
2-     Sử dụng đồ kim thuộc (đồ sắt, đồ thanh đồng tức hợp kim của đồng và thiếc).
 
Ngoài ra, vào thời kỳ văn hóa này, người ta đã thấy có dấu vết kỹ thuật dệt cữi và sự xuất hiện các dụng cụ thuộc hệ đại lục làm bằng đá mài như loại dao đá to bản (ishibôchô) làm ra để dùng vào việc cắt nhành lúa, cũng như các thứ rìu đá dùng để phạt cây.
 
Văn hóa nông canh là nền văn hóa đầu tiên được truyền từ xa tới và dĩ nhiên nó đã thay đổi rất nhiều cách ăn uống thường ngày của cư dân trên quần đảo. Một trong những sự đổi mới đó là sự ra đời của những đồ dùng bằng gốm làm theo kiểu mới. Trong các loại đồ gốm màu đỏ đun của thời Yayoi, có các loại nồi niêu (kame, jar) dùng để ninh nấu, các loại hủ vò (tsubo, pot) để chứa, các loại bình bát (hachi, bowl) và cốc chân cao (takatsuki) để đựng thức ăn thức uống, nghĩa là rất nhiều hình thức tùy theo công dụng.
 
Tuy rằng kỹ thuật của văn hóa Yayoi phần lớn đến từ Trung Quốc hay bán đảo Triều Tiên, kỹ thuật cơ bản chế tạo đồ gốm, đồ đá đẽo đá mài, xây cất nhà hố có cột và mái rõ ràng đã có sẳn từ xưa cho nên cũng không nên đánh giá thấp những cống hiến của truyền thống văn hóa Jômon trước đó đới với văn hóa Yayoi. Mặt khác, trong khi xem xét các mẩu xương cốt của người Yayoi khai quật được ở các vùng bắc Kyuushuu, vùng trung bộ (Nagoya) hay vùng Kinki (Kyôto-Kobe-Osaka) thì ta thấy vóc dáng họ cao lớn hơn người Jômon, mặt dài hơn và đường nét ít lồi lõm hơn. Những yếu tố này sẽ giúp ta hiểu được phần nào sự thành hình của văn hóa Yayoi. Bởi vì nhóm người đã có kinh nghiệm sử dụng dụng cụ kim loại trong việc đồng áng khi từ bán đảo Triều Tiên đến Nhật đã gặp gỡ những người Jômon đang sống tại chỗ sẽ tạo ra một sự lai giống, đồng thời là một sự pha trộn giữa kỹ thuật và văn hóa mới mà họ vừa mang tới với kỹ thuật và văn hóa cũ sẳn có ở bản địa. Khi ta biết rằng một trong những cơ sở của văn hóa Nhật Bản là văn hóa nông nghiệp thì việc đi tìm nguồn gốc văn hóa Nhật Bản ở đại lục và bán đảo Triều Tiên là một việc làm hoàn toàn có căn cứ. 
 
3.2 Sinh hoạt của người Yayoi:
 
Nói rằng trong giai đoạn chuyển tiếp giữa văn hóa Jômon và Yayoi đã có một cuộc cách mạng về lương thực thì chưa chắc đã phi lý. Với phương pháp sản xuất lương thực mới, cuộc sống của người Yayoi cũng có một sự thay đổi lớn. Bảo đảm được nhu cầu lương thực là một mệnh đề then chốt của nhân loại và vào thời điểm đó, người Yayoi qua sản xuất đã thực hiện được từ chính bàn tay mình.
 
Để sản xuất lúa gạo, ruộng thời Yayoi nói chung qui mô tương đối nhỏ, phần lớn có chu vi mỗi cạnh chừng khoảng 1m. Thế nhưng, ta thấy ở nhiều nơi, họ đã biết cách thức sử dụng ruộng nước, khơi đường nước dẫn thủy thoát thủy đàng hoàng và lập được kế hoạch sản xuất. Không bảo là cách mệnh thì cũng khó dùng một kiểu nói khác.
 
Người Yayoi có biết chăn nuôi không?
 
Vẫn theo F.Macé, khác với Âu Châu hay vùng Cận Đông và ngay cả với Trung Quốc, cách mạng tân thạch khí ở Nhật Bản không cho ta thấy chăn nuôi đi kèm với canh nông. Người ta không tìm ra dấu tích việc nuôi ngựa, heo, bò ở Nhật vào thời đại Yayoi. Những xương cốt bò, ngựa khai quật được ở các kaizuka thuộc thời đại Yayoi đều thuộc niên đại đến sau.Tuy rồi Nhật Bản cũng biết chăn nuôi đấy nhưng chưa bao giờ có thể mệnh danh nước Nhật là một quốc gia có truyền thống chăn nuôi. Việc thiến bò hoạn lợn để bảo đảm con giống tốt, chỉ bắt đầu ở Nhật vào thế kỷ 18. Riêng Okinawa có truyền thống nuôi lợn nhưng chuyện này chỉ xảy ra từ thế kỷ 14. Cả gà vịt và trứng cũng vậy, họ chỉ biết tới chúng vào thời hiện đại.. Cho đến mãi sau này, người Nhật chỉ ăn toàn thịt săn được.
 
Trong khi xem xét một di chỉ như Tareyanagi, một di chỉ nổi tiếng ở tỉnh Aomori (bắc Nhật Bản) liên quan đến những nghiên cứu về cách làm ruộng nước thời Yayoi trung kỳ.
Người ta tìm ra được ở đây 650 khoảnh ruộng vuông cỡ nhỏ, mỗi khoảnh có chiều ngang từ 3 đến 4 m. Cho đến nay, phần đông tin rằng vào thời Yayoi , người ta thường trồng lúa bằng cách gieo trực tiếp (jikimaki, gieo liền) hạt giống vào ruộng. Thế nhưng theo những gì phát hiện được ở di chỉ Hyakkengawa thuộc tỉnh Okayama, hay ở di chỉ Nagahara thuộc Ôsaka và Uchizato Hyakuchô thuộc Kyôto thì khả năng cấy mạ trồng lúa (rice planting) không phải là không có.  
 
Nói về dụng cụ nông nghiệp thời ấy, để vỡ đất, đã có cày (suki, plow) và cuốc (kuwa, hoe), làm bằng gỗ tận mũi nhọn.Đến mùa thu hoạch, dao đá to bản (ishibôchô) được sử dụng để cắt gié lúa (từng cây một nên chưa có thể nói là gặt). Để tuốt vỏ, họ dùng cối gỗ (kiusu) và chày giã (tategine). Gạo thu thập được thì giữ trong kho đụn dựng trên sàn cao (takayuka-sôko) hay cất giấu trong kho đặt dưới hố (chôzôketsu) và che phủ bên trên.
 
                                                                              
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Kho đụn trên sàn cao (takayuka sôko)
 
Một câu hỏi có thể được đặt ra: Với các dụng cụ nào, người thời Yayoi chế được đồ đạc làm bằng cây như thế? Thực ra, trước tiên họ đã dùng những dụng cụ đá mài rồi sau nới đi đến giai đoạn dùng các dụng cụ bằng sắt như rìu (ono), bào (yariganna), dao găm (tôsu)... Đến cuối thời đại Yayoi thì những dụng cụ bằng đá lần lượt biến đi đâu mất cả.
 
Khi đồ sắt đã phổ cập thì các nông cụ có đầu nhọn bằng sắt cũng được lan truyền rộng rãi làm cho ruộng nước cũng biến dạng. Khi nông cụ mới bắt đầu được sử dụng, ruộng được canh tác chỉ là loại ruộng ruộng úng nước hay ruộng thấp (shitsuden) nằm ở các vùng đất thấp cạnh bãi sông. Ở vùng ruộng úng nước bởi vì mực nước dưới đáy quá cao đòi hỏi phương tiện tháo nước. Nếu không có sẽ không cung cấp đủ dưỡng khí nuôi cây lúa và khó thể đạt đến mức sinh sản cao được.
 
Thế nhưng ở các vùng đặc biệt miền Tây Nhật Bản, vào thời Yayoi, hệ thống tưới tiêu đã được xây dựng hoàn chỉnh. Nhờ việc dẫn nước và tháo nước được diễn ra thường xuyên, đất sẽ trở thành ruộng cao hay ruộng khô (kanden) màu mỡ hơn, sản xuất tốt hơn. Nói thì nói vậy chứ vào thời Yayoi sơ kỳ, sức sản xuất cũng chưa có thể gọi là vượt trội hẳn. Cư dân phần lớn vẫn còn dựa vào việc hái nhặt quả hạt như họ vẫn làm cho đến bây giờ. Song song với nông nghiệp, họ tiếp tục săn bắn và đánh cá, nhờ đó cuộc sống dần dần cải thiện.   
 
Thứ đến, chốn cư trú của họ hầu như vẫn là kiểu nhà hố (tateana) của thời Jômon. Riêng thời Yayoi, người ta đã thấy nơi họ sống tụ tập (quần cư) lại có thêm loại nhà kho sàn cao (takayuka sôko) có trụ chống cắm xuống đất (hottatebashira) cũng như các đơn vị cư trú cất trên mặt đất bằng. Con số đơn vị cư trú của mỗi nhóm ngày càng nhiều ra, không thiếu gì những nhóm có từ 20 đến 30 đơn vị.
 
Di chỉ Yoshinogari ở tỉnh Saga đã trở thành một nơi khá nổi tiếng từ khi người ta khám phá ra nó. Đây là một nhóm quần cư hoàn toàn có hào nước bao quanh. Đó là một tập hợp cư trú với diện tích 40 km2 được bao bọc bởi hai vòng hào trong và ngoài. Lại nữa, di tích Karako-Kagi ở thành phố Nara cũng là một vùng có đường kính khoảng 400-500m với hào bao quanh. Di tích Shiudeyama ở Kagawa vùng biển nội địa Nhật Bản (Seto naikai) ở một độ cao 352 m là đại diện cho những nhóm quần cư được thành lập trên vùng đất cao, khá phổ biến trong giai đoạn này. Hào nước bao trọn chung quanh (kangô) là một thiết bị để đáp ứng đòi hỏi phòng thủ. Các nhóm quần cư ở vùng cao có thể dùng nó như một cái “thành để ẩn náu” (nigejiro) chứng tỏ xã hội thời Yayoi cũng bắt đầu có những cuộc tranh chấp.
 
                   
Khung nhà hố kiểu tateana
 
Tiếp theo đây, thử nhìn qua cách mai táng người chết của xã hội Yayoi. Nếu đem so với người Jômon thì phải nói họ có nhiều chế biến. Ở vùng bắc đảo Kyuushuu, có loại phần mộ với bia đá đặt trên mặt đất (gọi là shisekibo)[4]. Người chết được chôn trong những cái quách hình chum vò (kamekan) Ở những vùng khác thì người ta đem chôn kẻ chết trong những mộ huyệt đất (dokôbo), mộ quách gỗ (mokkanbo), mộ quách đá hình hộp ( hakoshiki sekikanbo). Họ để thân thể người chết được duỗi thẳng ra (shinkensô) chứ không giống kiểu chôn bẻ xương xếp xác chết co quắp (kussô) của người Jômon.   
 
Trong khi đó ở miền Đông Nhật Bản, vào thời Yayoi sơ kỳ, người ta thường thấy có những ngôi mộ gọi là saisôbo (tái táng mộ), trong đó có những chum vò đựng cốt người chết.Hình thức “chôn lại” (cải táng) này và sự xuất hiện của loại mộ hình gò (phần khâu mộ) ở một phạm vi khá rộng rãi là hai đặc trưng của cách mai táng thời Yayoi. Thêm vào đó, chúng ta còn thấy loại mộ gò đất khá thấp, hình tứ giác, chung quanh có mương rãnh bao bọc. Nó được gọi là mộ hình vuông có rảnh nước bọc (hôkei shuukôbo).
 
                    
                        
Mộ hình vuông có rãnh nước bọc
 
Khi bước vào giai đoạn giữa và cuối của thời Yayoi, đã thấy xuất hiện những gò đất cao (phần khâu) rõ ràng là vùng được khoanh ra đặc biệt dùng cho chôn cất. Đó là loại mộ hình gò (funkyuubo), thoạt đầu là mộ tập đoàn, chôn chung được nhiều người. Dần dần nó trở thành nơi chôn cất một cá nhân đặc biệt trong tập đoàn ấy.Vào hậu bán thế kỷ thứu 3 sang tới đầu thế kỷ thứ 4, suốt các vùng thuộc miền Tây Nhật Bản, loại mộ hình gò đã có qui mô lớn giống như những ngôi mộ tìm thấy được ở di chỉ Yoshinogasato. Di chỉ mộ gò Tatezuki thuộc thành phố Kurashiki tỉnh Okayama nổi tiếng là nơi có mộ gò thuộc hạng cao cấp của thời Yayoi. Đó là một ngôi mộ hình tròn (viên hình) với đường kính 40m, hai đầu có một bộ phận vượt cao hẳn.
 
Sự có mặt của những ngôi mộ với kích thước to lớn này cùng với các vật dụng chôn theo (phó táng phẩm) như kính, vũ khí chế bằng thanh đồng (bronze) mà người ta tìm thấy nơi đó, hẳn phải có ý nghĩa nào đó. Dĩ nhiên là như vậy bởi vì chúng chứng tỏ rằng trong tập đoàn ở các vùng đã có sự cách biệt về giai cấp (mibunsa) giữa kẻ mạnh nắm được quyền cai trị và những thành viên khác của tập đoàn. 
                    
                      
Dôtaku (chuông đồng) thời Yayoi
 
Tiện đây, xin giải thích thêm về phong tục tập quán của người Yayoi. Để cầu xin mùa màng được tốt đẹp và cảm tạ thần linh khi thu hoạch dồi dào, họ đã chế ra những dụng cụ bằng thanh đồng dùng vào lễ nghi tế thần như kiếm đồng, mâu đồng, chuông đồng, kích đồng. Trong số đó có loại chuông đồng với hình dáng đặc biệt Nhật Bản. Loại hiện vật này được phân bố rộng rãi khắp vùng Kinki (Kyôto-Ôsaka-Kobe). Kiếm đồng hình bèn bẹt thường thấy ở vùng biển nội địa Seto, còn như mâu và kích đồng thì có nhiều ở miền bắc đảo Kyuushuu. Như thế một số địa phương đã có chung một loại đồ dùng để cúng tế. Nhân vì những tế khí này không tìm ra từ những ngôi mộ cá nhân nên người ta xem chúng như đồ tế tự chung cho cả tập đoàn, thường ngày khi không dùng tới được cất dấu ở một nơi nào trong lòng đất. Chỉ khi nào có lễ lạc chúng mới được đào lên sử dụng[5]. Ở di chỉ Kôshindani thuộc tỉnh Shimane phía biển Nhật Bản, người ta đã đào được chúng từ một hố đất bên triền núi. Tổng cộng tất cả 358 kiếm đồng. Ở một hố khác, lại phát hiện 6 chuông đồng và 16 mâu đồng. Trên toàn quốc Nhật Bản chưa thấy nơi nào có nhiều hiện vật như vậy. Cho nên chúng là những di vật có thể giúp ta tìm hiểu được vai trò của thời đại Yayoi tại địa phương Shimane[6].
 
 
Đời sống tín ngưỡng sơ khai của người Nhật thời cổ
 
Người Nhật thời cổ tin rằng thần thánh có mặt trong thiên nhiên. Núi Fuji, núi Miwa tự chúng đã là những vị thần. Thác nước cao, ghềnh đá lớn, những hòn đá âm dương (inyôseki, có hình thù giống sinh thực khí nam nữ) đều bược lễ bái vì tượng trưng cho sự phồn thực, sinh sôi. Quốc ca Nhật Bản Kimi ga yo còn có lời cầu chúc nước nhà lớn mạnh và trường cửu như những hòn đá nhỏ (sazareishi) mỗi ngày mỗi to ra cho đến khi thành những hòn đá tảng (iwao) xanh rêu. Người thái cổ cũng có tín ngưỡng ngôn linh (kotodama). Theo đó, nói lên một lời tốt đẹp sẽ mang đến cho mình sự may mắn, nói một lời xấu xa ắt sẽ rước lấy tai vạ. Do đó, họ rất thận trọng trong lời ăn tiếng nói. Cũng như ngày nay, khi đi thi thì họ cũng như ta, kiêng cử không nói “rớt”, ngày đám cưới thì tránh dùng chữ “cắt” vậy.
 
Người Jômon khi dựng bàn thờ, đợi lễ lạc xong lại phá vì nghĩ rằng hàng năm, các thần chỉ đến viếng rồi  ra đi. Chỉ đến khi hoàn toàn có cuộc sống định trú, họ mới cất những yashiro (thần xã) để làm chỗ ở thường xuyên cho các thần. Chẳng thế mà chữ xã (mori) còn được viết bằng chữ sâm (sum) có nghĩa lùm bụi, nơi thần linh có mặt. Người Nhật cổ đại vì muốn không xúc phạm đến các thần nên lúc nào cũng giữ mình sạch sẽ. Họ hay tắm rửa, dùng nước sông, suối, thác để tẩy uế (nghi thức misogi) hay phất nhánh cây thiêng sakaki và rải muối để đuổi tà (nghi thức harae). Giáo sư E.O.Reischauer đặt câu hỏi có phải vì vậy mà người Nhật trở nên thích tắm rửa hơn ai hết.
 
Man.yôshuu chép lại một số mê tín của họ. Hắt hơi là ai đang nhắc đấy (giống ở Việt Nam), thắt lưng quần tự nhiên lơi ra hay thấy ngứa lông mày là có người yêu đang nghĩ về mình. Họ cũng thích bói toán bằng đủ mọi cách. Khi có người chết thì quét nhà và vứt lược họ dùng đi. Kojiki còn ghi về tính chất trừ tà đuổi ma của quả đào. Không những quả đào mà vật dụng làm bằng gỗ cây đào cũng có tác dụng ấy. Trong cổ tích, cậu bé quả đào (Momotarô) sinh ra từ quả đào, là người có phép trị quỷ. Thế nhưng Man.yôshuu và Kojiki, những tác phẩm của thế kỷ thứ 8, là chuyện về sau.
 


[1] Cách nói Nam Tây có nghĩa là chúng nằm gần phía Nam hơn là phía Tây.
[2] GB Sansom,Japan, a short cultural history, tr. 2.
[3] Điều nay không có nghĩa là văn hóa Jômon chỉ có ở miền bắc nước Nhật. Thực ra văn hóa Jômon cũng để lại dấu vết trên quần đảo Lưu Cầu và đảo Đài Loan. Nó vốn đến từ nhóm văn hóa tân thạch khí gốc vùng Hoa Nam và bán đảo Đông Dương.
[4] Chi thạch mộ. Đã có từ 1000 năm trước công nguyên ở vùng đông bắc Trung Quốc (bán đảo Liêu Đông) và bán đảo Triều Tiên.Cách mai táng dưới huyệt mộ có một tảng đá thật lớn chắn lên trên. Ở Liêu Đông, người ta gọi nó là “đại thạch cái mộ” (mộ nắp đá lớn). Ở Nhật có di chỉ về loại mộ này ở hai tỉnh Nagasaki và Saga.
[5] D. Elisseeff (sđd, tr. 25) còn cho rằng người Nhật cổ chon dôtaku dưới đất là để chống động đất. Họ vốn mê tín, cho rằng Nhật Bản sở dĩ bị động đất vì nước Nhật nằm trên lưng một con cá tràu, cá chốt (namazu, cat fish) lớn nên phải chôn chuông đồng để dọa nó mỗi khi bị nó quậy phá. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Nhật như Nakazawa Nobuhiro (sđd, tr.19) dựa lên nhận xét những hình chạm trên dôtka thường là chuồn chuồn, liềm, nhện, rùa, cảnh săn thú…để nói rằng tuy có tính bùa chú, nó dính líu đến nông nghiệp nhiều hơn.
[6] Ở Shimane có đến 250 di chỉ liên quan đến thời Yayoi. Shimane còn là một cửa ngỏ của Nhật Bản về hướng bán đảo Triều Tiên và đóng một vai trò rất quan trọng trong thần thoại dựng nước của người Nhật.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114569150

Hôm nay

2366

Hôm qua

2405

Tuần này

21533

Tháng này

227674

Tháng qua

129483

Tất cả

114569150