Chứng cứ nếu có chỉ là những di tích hay di vật và dựa trên đó mà phỏng định. Đó là lối tiếp cận theo phương pháp khảo cổ học. Thế nhưng kể từ khoảng thời gian trước sau công nguyên thì việc sử dụng tài liệu bằng chữ viết để nghiên cứu là một phương pháp không thể nào thiếu được.
Dù vậy, chúng không phải là những tài liệu do chính người Nhật ghi chép.Nó đến từ Trung Quốc, một quốc gia đã có truyền thống văn hóa văn tự lâu dài hơn Nhật Bản nhiều. Chúng ta hãy thử qua những tư liệu đó ghé mắt thử tìm hiểu về nước Nhật thời ấy.
Bước vào thời đại Yayoi, xã hội Nhật Bản bắt đầu lộ ra khoảng cách giữa người giàu người nghèo, một điều trước đây chưa hề có. Ở những di tích thời Yayoi phát quật được, người ta thấy có những ngôi mộ trong đó, ngoài kẻ được mai táng còn có chôn theo một số lượng lớn đồ phó táng, hay là những ngôi mộ một mình chiếm trọn một gò đất lớn. Thời đó, về mặt chính trị thì trên đất Nhật đã thấy hình thành những tập đoàn lớn gọi là “kuni” hay tiểu quốc và người nghĩ hai loại mộ nói trên là của các người cầm đầu hoặc tù trưởng. Việc các “kuni” đã được thành lập như thế nào, sử sách Trung Quốc có hé lộ ra được một vài chi tiết giúp chúng ta hình dung ra hoàn cảnh lúc bấy giờ
Vào thế kỷ thứ 1 sau công nguyên, người thời Hậu Hán là Ban Cố đã soạn ra cuốn sử nói về thời Tiền Hán, nhan đề Hán Thư. Trong sách có một bộ phận gọi là Địa Lý Chí. Có thể xem phần nói về Nhật Bản trong bộ phận đó là văn kiện lịch sử tối cổ nhắc đến Nhật Bản. Nội dung chỉ vỏn vẹn ít câu như sau:
“Phía đối diện bên kia biển của quận Lạc Lãng đất Triều Tiên có người tộc Nụy (Oải, Oa) sinh sống. Họ phân tán thành hơn trăm nước. Theo định kỳ vài năm một lần, bọn họ gửi sứ giả đến Lạc Lãng, mang theo cống vật gọi là để thăm hỏi”
Tuy sử liệu chỉ có chừng đó nhưng ta cũng có thể dựa vào đấy mà suy luận thêm ra. Trước hết, lúc ấy Nhật Bản đang ở vào thời Yayoi trung kỳ, tính theo Tây lịch là thế kỷ thứ nhất sau công nguyên. Vì Vũ Đế nhà Tiền Hán đã thiết lập quận Lạc Lãng (suy định là chung quanh vùng Bình Nhưỡng bây giờ) trên bán đảo Triều Tiên vào năm 108 trước công nguyên nên ta có thể xem như Ban Cố đã viết về chuyện xảy ra sau đó. Người Nhật thời ấy được gọi là người Nụy (Nụy nhân, Wajin)[1] vã xã hội của họ phân tán ra làm một trăm nước vô cùng nhỏ. Sử liệu lại nói “vài năm lại đến” (tuế thì dĩ lai) về việc sứ giả Nụy (hạng người thấp kém) đến Lạc Lãng định kỳ, mang theo sản vật để chào hỏi (bề trên), nói một cách giản dị là đi triều cống. .
Về chữ Nụy, ta hiểu rằng đây là một trong những cách xưng hô với sự miệt thị của người Trung Quốc đối với các dân tộc lân cận phương đông.Ngày nay không còn ai ưa nổi lối gọi như thế này nhưng vào cuối thế kỷ thứ 7 sang đầu thế kỷ thứ 8, Nhật còn lấy cả tên Nụy làm quốc hiệu. Mãi đến đời Đường, trong sách sử Trung Quốc (Tân Đường Thư) mới thấy hai chữ Nhật Bản hiện ra lần đầu tiên.Hình ảnh “hơn một trăm nước” (bách dư quốc) có lẽ để ám chỉ những vùng đất cỡ như di chỉ Yoshinogasato (ở tỉnh Saga với diện tích 40km2 và hai vòng hào) đã nói đến bên trên.
Nguồn gốc cách xưng hô Nụy, (hay Oải, Oa)
Cách gọi người Nhật bằng cái tên Nụy (hay Oải, Oa) dĩ nhiên phản ánh tinh thần hoa di, cười cợt người khác, không thể nào chấp nhận, nhất là khi ở cửa miệng vua chúa là những người lãnh đạo một nước. Thế nhưng bình tâm nghĩ lại, có dân tộc nào – dù là vì tự tôn hay tự ti – mà không một lần mắc phải lỗi lầm này.Trên thực tế lịch sử, nguyên lai cách gọi người Nhật như thế có thể giải thích bằng một số dữ kiện. Trước tiên người Nhật vùng Kyuushuu vào thời đại đó về mặt tầm vóc khó thể cao bằng những người Hoa Bắc đến gặp họ đầu[2]. (GB Sansom cho biết người Trung Quốc nhắc tới Nhật Bản trước tiên trong một đoạn của Sơn Hải Kinh[3] và cho rằng Wa là một bộ phận của nước Yên thuộc Hoa Bắc. Nước Yên đã mất vào năm 265 TCN. Đời Tần còn có thêm chuyện Tần Thỉ Hoàng sai Từ Phúc đem đồng nam đồng nữ ra biển đông tìm thuốc trường sinh ở một nơi có các đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu).Thứ hai là dù chưa lập được mối tương quan giữa từ Wa (tên nước) và từ wa (tự xưng), người ta không thể hoàn toàn bỏ qua việc người Nhật xưa nay vẫn tự xưng hoặc là a hoặc là wa, ware, waga, washi, watashi (tôi hay chúng tôi). Về sau, ngay cả khi họ không còn xưng là người Wa, cách gọi đó vẫn còn được Trung Quốc và Triều Tiên dùng, đặc biệt ở Triều Tiên trong giai đoạn kháng chiến chống lại quân viễn chinh của của Hideyoshi vào thế kỷ 16. Ở Việt Nam, trong một quá khứ gần đây, người Việt Nam cũng có thiên kiến “Nhật lùn” như thế nhưng sự thực đã trả lời rằng chúng ta hiểu lầm hay chỉ gọi theo người khác mà không có cơ hội kiểm chứng.
Trên đây là tất cả những gì gọi được là sử liệu về nước Nhật cổ. Duy có một điều cần chú ý là giữa xã hội Nhật Bản thời đó và vương triều Trung Quốc, đã có một sự giao thiệp, đi lại. Ta hãy thử tìm hiểu lý do của mối quan hệ ấy.
Lý do có thể chỉ rất đơn giản. Ví dụ lúc ấy Trung Quốc đã là một xã hội văn minh và văn tự đã được phổ cập. Người Nụy muốn đem văn hóa và văn minh ấy vào xứ mình cũng như đang cần có một hậu thuẫn bên ngoài để củng cố và thống nhất quyền lực ở quốc nội.
Để muốn hiểu rõ thêm về xã hội Nụy, phải đợi thêm một chút nữa đến khi có một quyển sử nói về thời Hậu Hán. Sách có tên Hậu Hán Thư, ra đời có hơi chậm (vào thế kỷ thứ 5) và do một người thời Nam Tống (Lưu Tống) là Phạm Hoa viết. Phần Đông di truyện, Nụy nhân điều (nói gọn là Hậu Hán Thư, Đông di truyện) có chép những dòng như sau:
“Năm Kiến Vũ Trung Nguyên thứ 2 (Tây lịch 57), nước Nô (Nakoku) của tộc Nụy có gửi sứ đến kinh đô, mang theo cống vật để chào hỏi.Sứ giả khi nói về mình tự xưng là đại phu. Nước Nô là phần đất nằm ở cực nam nước Nụy. Quang Vũ Đế đã ban ấn thụ cho nước Nô.
Năm Vĩnh Sơ nguyên niên (Tây lịch 107) đời An Đế, bọn vua nước Nô là Súy Thăng (Suishô) đem 160 nô lệ đến tiến cống và xin được bệ kiến hoàng đế”.
Dưới thời Hoàn Đế và Linh Đế, nước Nụy có nội loạn liên tiếp, không bình định được trong một thời gian dài”.
Điểm thứ nhất cần bàn đến là việc trong cuốn sử này, có ghi rõ cụ thể niên hiệu Kiến Vũ Trung Nguyên năm thứ 2, tương ứng với năm 57 của Tây lịch. Theo sử ấy chép, năm đó có sứ giả của vua nước Nô –người tự xưng là đại phu – được gửi đến kinh đô Hậu Hán là Lạc Dương và được vua Quang Vũ ban cho ấn thụ mang về.
Ấn thụ
Ấn thụ nhắc đến ở đây là một cái ấn vàng (kim ấn) trên có khắc 5 chữ “Hán ủy Nô Quốc Vương” và cái giải bằng tơ sợi để đeo nó lên cổ. Trên thực tế, người ta đã phát hiện ra một quả ấn như thế trên đảo Shikanoshima tỉnh Fukuoka (thuộc Kyuushuu) vào năm 1784 đời Edo. Năm ấy, có một người nhà quê tên Shinpê trong khi đào mương trên ruộng đã tình cờ tìm ra được nó dưới lớp đá. Quả ấn đó sau khi qua tay bao nhiêu người, cuối cùng lọt vào tay gia đình lãnh chúa Kuroda.
Ấn thụ
Các vua Trung Quốc thường ban ấn cho hoàng hậu, vua chư hầu và thần hạ bằng quí kim và hình thù tay nắm (tsumami) như long, hổ, qui, xà, lạc đà tùy theo chức vị của họ. Những quả ấn được khai quật đến nay có “xà nữu kim ấn” của quốc vương nước Na (Nhật), “đà nữu đồng ấn” của Hung Nô, “qui nữu kim ấn” cho Quảng Lăng Vương (Giang Tô, Trung Quốc), “xà nữu kim ấn” (Trấn Giang, Vân Nam, Trung Quốc), “qui nữu kim ấn” (Nam Việt Vương mộ, Quảng Đông, Trung Quốc) và “long nữu kim ấn” (Văn Đế hành tỉ) (Nam Việt vương mộ, Quảng Đông, Trung Quốc).
Từ khi mới phát hiện được cho đến nay, vẫn không ai biết chắc có phải là chiếc ấn thực sự ban cho bởi vua Hán Quang Vũ hay không. Nhiều cuộc tranh luận đã bùng nổ ra chung quanh đề tài này. Tuy nhiên, kích thước của quả ấn phù hợp với kích thước một quả ấn đương thời và theo thông lệ, hoàng đế nhà Hán vẫn ban kim ấn cho vua các nước đến triều cống. Lại nữa, chỗ tay nắm của chiếc ấn có tạc hình con rắn (gọi là xà nữu) thì đúng là nó có đặc điểm của loại ấn mà hoàng đế Trung Quốc vẫn ban cho các vua “man tộc” phương Nam. Ngày nay, người ta hầu như đều tin rằng quả ấn ngẫu nhiên nhặt được ấy là hiện vật có thật.
Điểm thứ hai cần nêu ra là vào niên hiệu Vĩnh Sơ nguyên niên - tương ứng với năm 107 Tây lịch - lại có một ông vua Nụy khác là Suishô (chữ Hán viết là Súy Thăng) đem tiến cống cho An Đế 160 nô lệ (gọi là seikô hay sinh khẩu). Điều này quan trọng vì nó cho thấy trong xã hội Nụy lúc đó đã có sự phân chia giai cấp: vua, đại phu (hay đại thần) và nô lệ (sinh khẩu). Xã hội Nụy như vậy là một xã hội như người thời nay vẫn nói, theo mibunsei (chế độ mibun hay “thân phận”).
Trước đây đã nói, lúc này quần đảo Nhật Bản hãy còn ở trong thời kỳ Yayoi và đặc tính của giai đoạn cuối thời Yayoi là có sự phân chia giàu nghèo, có quyền lực hay không. Thư tịch Trung Quốc giúp chúng ta xác nhận được điều đó. Điều thú vị là chúng ta đã nối kết được hai nguồn thông tin (từ khoa khảo cổ ở Nhật và khoa lịch sử ở Trung Quốc) để dần dần tạo dựng nên hình ảnh của xã hội và con người Yayoi.
Một thông tin khác đến từ Hậu Hán Thư là vào đời Hoàn Linh, đất Nụy có loạn lớn, mãi vẫn không bình định được. Thời Hoàn Linh tướng ứng với giai đoạn trị vì của Hoàn Đế (tại vị 147-167) và Linh Đế (tại vị 168-189), hai hoàng đế thứ 11 và 12 của nhà Hán. Như vậy là cuộc nội loạn trên đất Nụy đã xảy ra vào hậu bán thế kỷ thứ 2. Ký sự này có thể muốn nói đến việc trong khoảng thời gian nói trên, các tiểu quốc (kuni) có thế lực đang ở trong quá trình lấn áp các tiểu quốc lân cận với ý đồ bành trướng nên xảy ra nhiều cuộc đấu tranh giữa họ với nhau. Khoa khảo cổ học lại cho ta biết về sự tồn tại của các khu vực cư trú có hào sâu hoàn toàn ngăn cách với bên ngoài (zengô shuuraku) thêm chứng cớ cho những gì xảy ra trong giai đoạn lịch sử này. Dần dần , nhà viết sử không cho biết vào năm nào, nhà nước Yamatai đã được thành lập, kết thúc thời kỳ loạn lạc đó.
Hình ảnh Nhật Bản thế kỷ 1 TCN đến thế kỷ thứ 2 trong sử thư Trung Quốc
Niên đại
|
Triều đại
|
Sử thư và nội dung nói về Nhật Bản
|
Năm 202 TCN Cho đến 8 sau công nguyên
|
Tiền Hán
|
Hán Thư, Địa Lý Chí (do Ban Cố, ? – 92):
Đất Nụy (Wa) có trên 100 nước, trong đó có nước triều cống nhà Hán (nói về Nhật Bản thế kỷ thứ 1 TCN)
|
Từ 8 đến 25
|
Tân
(Vương Mãng)
|
|
Từ 25 đến 220
|
Hậu Hán
|
Hậu Hán Thư, Đông Di Truyện (do Phạm Hoa, ? – 445):
Nước Nô (Na) đất Nụy (Wa) vào triều cống, Quang Vũ ban kim ấn Hán Ủy Nô Quốc Vương (năm 57)
Vua nước Nô (Na) là Suy Thăng đem dâng An Đế 160 nô lệ ( năm 107)
Thời Hoàn Đế Linh Đế, nước Nụy (Wa) nội loạn liên miên, người nước không lập được vua (năm 147-189).
|
Từ 220 đến 280
|
Tam Quốc
Ngụy (220)
Ngô (221)
Thục (222)
|
Ngụy Chí, Nụy Nhân Truyện (Tam Quốc Chi) (do Trần Thọ, “ ?- 297):
Nước Yamatai xưa có đàn ông làm vua, trị vì khoảng 70-80 năm. Sau trong nước loạn lạc, rốt cuộc đàn bà lên ngôi. Đó là Himiko.
|
4.2 Nước Yamatai ra đời:
Xin nói về hoàn cảnh xã hội của nước Yamatai, quốc gia đã thành hình sau khi thời kỳ hỗn loạn nói trên kết thúc. Sự tồn tại của nước Yamatai quả là một huyền thoại, pha nhiều tình tiết ly kỳ, đến nay vẫn chưa được lịch sử soi sáng.
Có thể nói cuộc tranh luận về nước Yamatai là một cuộc tranh luận lớn nhất của giới sử học Nhật Bản về lịch sử cổ đại. Điểm chính của cuộc tranh luận là định vị trí địa lý nước ấy ngày xưa ở vùng nào, và từ đó, xem nó có mối liên hệ ra sao đối với chính quyền Yamato đến sau (cái tên Yamato có phát âm tương tự Yamatai và là nguồn gốc của nhà nước Nhật Bản ngày nay).
Sở dĩ có cuộc tranh luận về vị trí của đất Yamato là vì trong Ngụy Chí Nụy Nhân Truyện, hành trình đi đến nước Yamatai được trình bày rất chi tiết. Nếu tin theo lời giải thích của tác giả thì Yamatai phải nằm đâu một nơi ở giữa biển khơi, khó lòng lần mò đến nơi. Đoạn văn mở đầu bằng câu: “Người Nụy dựng nước trên hòn đảo nhiều núi giữa biển lớn phía đông nam quận Đới Phương”. Quận Đới Phương này là nửa phần đất bên dưới của Lạc Lãng, thời Hậu Hán được cắt ra thành một quận riêng. Thế nhưng theo quan điểm địa lý hiện tại thì sự giải thích ấy có gì không ổn. Dù có đi đến tranh luận vẫn không phải là chuyện lạ.
Trước khi trình bày nội dung cuộc tranh luận, chúng ta hãy dựa vào Ngụy Chí Nụy Nhân Truyện để tìm hiểu đặc sắc của xã hội Yamatai, kiến thức cần thiết cho việc đặt vấn đề.
Trên đại lục Trung Quốc, từ khi có cuộc loạn Hoàng Cân (Khăn Vàng), tổ chức hành chính càng ngày càng suy yếu. Nhà Hậu Hán tiêu vong vào năm 220, thay vào bằng thời đại Tam Quốc với cuộc tranh hùng của 3 nước Ngụy, Ngô, Thục. Trong quyển sử nhan đề Tam Quốc Chí của thời này, phần Ngụy Thư , quyển thứ 30 (Đông Di Truyện) có ghi chép một ít chi tiết về Nhật Bản và thường được người đời gọi là Ngụy Chí, Nụy Nhân Truyện.
Tam Quốc Chí là sách của Trần Thọ, một người sống vào cuối thế kỷ thứ 3 dưới thời Tây Tấn viết ra[4]. Xin mạn phép trình bày những điểm quan trọng trích từ thiên Ngụy Chí Nụy Nhân Truyện trong đó. Trước tiên văn bản cho biết có một cuộc tranh chấp rất lớn đã xảy ra trên đất Nụy vào khoảng cuối thế kỷ thứ 2 như chúng ta đã có dịp nói đến.Vì cuộc loạn này không có cơ giải quyết cho ngã ngũ nên các nước mới họp nhau lại và bầu một người đàn bà làm nữ vương. Đó là nữ vương Himiko (Ti Di Hô). Rốt cuộc, nội loạn dần dần ổn định lại và có khoảng 30 tiểu quốc họp nhau lại thành một nhóm mà Yamatai đóng vai trò trung tâm.
Tai sao các tiểu quốc lại chọn một người đàn bà. Có phải chăng vì các vua nam giới không ổn định được tình hình? Chính ra lý do nằm nơi cá nhân con người Himiko. Trong xã hội đương thời, bà đã tỏ ra là người có năng lực đặc biệt để trấn an tình hình ở quốc nội.Ngụy Chí Nụy nhân truyện chép về bà; “Himiko theo đạo của quỷ, có tài mê hoặc dân chúng (Sự quỷ đạo, năng hoặc chúng). Quỷ đạo nói đến ở đây có nghĩa là thuật bùa chú, phù phép. Himiko là người thiện nghệ trong lãnh vực nầy thì phải là cô đồng (miko) trong tín ngưỡng đồng cốt (shamanism)[5] . Bà đã biết lợi dụng quyền uy của tôn giáo để thu lượm được thành công trong chính trị. Thời đại này hãy còn là giai đoạn “tế chính nhất trí”, nói khác đi, quyền tế lễ, kỳ đão và quyền chính trị chỉ là một[6]. Với cương vị cô đồng, bà có thể hỏi và truyền đạt ý kiến của các thần, nhờ đó đã được bầu để lãnh đạo nhà nước và được mọi người tin theo.
Năm 239, Himiko gửi sứ giả sang triều đình nước Ngụy. Việc xây dựng mối liên hệ mật thiết với Ngụy, lúc đó đã lên thay Hậu Hán và đang ở trong giai đoạn hưng thịnh, là một hành động chính trị cần thiết đối với Himiko. Bằng chứng của sự thân thiện mới tạo lập giữa hai bên là những tấm kính bằng đồng (đồng kính) cũng như xưng hiệu “Thân Ngụy Nụy Vương” mà bà đã nhận lãnh từ hoàng đế Trung Quốc.
Ngoài ra, nhân nói về tình hình xã hội Yamatai thời bấy giờ, Ngụy Chí Nụy Nhân Truyện cũng cho biết có sự phân biệt giai cấp giữa các taijin (đại nhân) và geko (hạ hộ)[7], sự tồn tại của tổ chức thống trị, chế độ tô thuế và hình phạt. Theo sách ấy, thời ấy người ta đã biết cả họp chợ nữa.
Về sau, lúc cuối đời, Himiko tranh chiến cùng nước Cẩu Nô (Kuna no kuni) và bà chết vào năm 248, ngôi vua truyền lại được một lần cho người thuộc phái nam. Thế nhưng vì làm như thế mà Yamatai lại bị loạn lạc thêm nữa. Tương truyền rằng đến khi một người đàn bà thuộc tông tộc của Himiko là Iyo (Nhất Dữ) lên ngôi thì trong nước mới yên ổn trở lại.
Chuyện nước Yamatai còn được nhắc đến thêm một lần nữa khi họ gửi sứ sang nhà Tấn vào năm 266. Lúc đó Tấn vừa lên thay Ngụy và thống nhất thiên hạ. Chỉ một lần đó thôi vì sau không còn biết tin tức gì về quốc gia Yamatai nữa. Từ ấy đến ước độ 150 năm về sau, cái tên Nụy lẫn Yamatai không thấy chép trong một quyển sử nào ở Trung Quốc cả.
4-3 Cuộc tranh luận về nước Yamatai:
Có thể nói về việc thẩm định xem nước Yamatai khi xưa nằm ở đâu thì có thể nói, có bao nhiêu người thì có chừng ấy ý kiến khác nhau.Kể cả những thuyết làm ta phải bật ngữa như cho rằng Yamatai là Java hay Sumatra, ngay cả Hawaii.
Trong phần trên có nói sơ rằng Nụy Chí Nụy Nhân Truyện viết rất cụ thể về hành trình đi đến nước Yamatai. Họ cho biết cách đi từ quận (Đới Phương) cho đến Nụy (Yamatai), nào đường đất ra sao (mấy dặm mấy dặm), theo thứ tự nào, chỗ nào hiểm trở khó đi, phải dùng những phương tiện di chuyển gì (đường bộ hay đường thủy) vv... Sau đây là thứ tự của cuộc hành trình:
Quận Đới Phương (phía Nam Bình Nhưỡng, nay được suy định là vùng Hoàng Hải Bắc Đạo và Hoàng Hải Nam Đạo của Hàn Quốc) à Nước Kuna Hàn (Cẩu Na Hàn Quốc) àNước Tsushima (Đối Mã Quốc) à Nước Iki (Nhất Chi Quốc) àNước Matsuro (Mạt Lô Quốc) àNước Ito (Y Đô Quốc) à Nước Na (Nô Quốc) à Nước Fumi (Bất Di Quốc) à Nước Tsuma (Đầu Mã Quốc) à Nước Yamatai (Da Mã Đài Quốc).
Xem trong đó thì chỉ có nước Đối Mã ăn khớp với vị trí đảo Tsushima (Đối Mã) bây giờ chứ từ chỗ đó trở đi thì không biết hiện nay là những vùng đất nào. Có lắm thuyết được đề ra nhưng nếu theo đúng hành trình giảng giải trong sách thì đúng là Yamatai phải nằm ở giữa Thái Bình Dương.
Như vậy, muốn biết Yamatai xưa kia nằm ở đi thì không những phải cộng cái hải lý trên tuyến đường, điều chỉnh góc độ và phương hướng, sử dụng những hiện vật khảo cổ khai quật được và tổng hợp chúng lại thì mới họa hoằn. Tuy nhiên trong các thuyết được đưa ra thì những thuyết cho rằng Yamatai phải nằm trong nội địa Nhật Bản mới có tiếng nói hơn, dù là có 2 nhóm thuyết khác nhau: một nhóm chủ trương Yamatai là vùng đất Yamato thuộc địa phương Kinki (tam giác Kyôto-Ôsaka-Kobe)[8], thuyết thứ hai cho rằng nó phải nằm ở phía bắc đảo Kyuushuu.
Căn cứ của thuyết Kinki trước tiên dựa trên lập luận là có sự sai lầm về cách định hướng Nam-Bắc của người Trung Quốc. Đối vối người Trung Quốc lúc bấy giờ, phía bắc đảo Kyuushuu là mỏm phía bắc của quần đảo nên khi họ nói đi về nam, ta phải hiểu là đi về hướng đông.Thứ đến, trong vùng Kinki, các nhà khảo cổ đã phát quật được nhiều kính bằng đồng của thời Tam Quốc. Như vậy, địa vực này phải là nơi tập trung những hoạt động kinh tế và chính trị của Nhật Bản vào thế kỷ thứ 3.
Căn cứ của thuyết Kyuushuu trước hết là không có chuyện sai lầm về phương hướng gì cả. Còn nói cách ghi chép về cự ly hơi thiếu thực tế thì cũng không đúng nốt. Theo Enoki Kazuo, có thể người Trung Quốc đã tính theo đường thẳng lộ trình từ quận Đới Phương đến nước Ito (Y Đô Quốc) và theo hình tia phóng xạ (road radiating in all diẻctions) từ chỗ này trở đi nên có hai cách để ấn định cự ly.
Tùy theo cách hiểu và tin theo một trong hai thuyết, lịch sử của nước Nhật có đại có cách diễn tiến khác nhau. Nếu ta theo thuyết thứ nhất (thuyết Kinki) thì vào thế kỷ thứ 3 từ vùng Kinki cho đến miền Bắc Kyuushuu đã có một khu vực đồng minh chính trị khá rộng lớn. Sự hiện diện ấy sẽ đưa đến việc xây dựng chính quyền Yamato (Đại Hòa). Ngược lại, nếu ta tin theo thuyết thứ hai (thuyết Kyuushuu) thì sự liên kết các tiểu quốc để trở thành nhà nước Yamatai chỉ được thực hiện trong khuôn khổ Bắc Kyuushuu nghĩa là trên một địa bàn hẹp hơn. Chính quyền Yamato nằm ở phía đông trên thực tế không dính dáng gì tới nó. Có khả năng là Yamatai đã di chuyển về miền đông, hoặc giả Yamatai đã thống nhất với Yamato.
Kể từ nay, mọi nghị luận sẽ tùy thuộc vào kết quả những cuộc điều tra, phát quật của các nhà khảo cổ. Tuy nhiên, tùy theo lối giải thích, thời kỳ nhà nước Nhật Bản được thành lập rốt cục có thể lệch nhau đến trên dưới 1 thế kỷ. Vì lý do đó, ta mới hiểu cuộc tranh luận về vị trí của quốc gia Yamatai có tầm quan trọng đến mức nào.
[1] Có thể đọc Nụy, Oải hay Oa ý nói khổ người bé nhỏ.
[2] Thực ra xưa ở Hokkaidô, có một giống người nguyên thủy vóc dáng thấp bé có thể đến Nhật từ vùng duyên hải biển Okhotsk thuộc Siberia nhưng họ đã tuyệt chủng và khả năng họ gặp một người Trung Quốc để được miêu tả lại thì rất ít.
[3] GB Sansom, Japan, a cultural history, tr.15.
[4] Nhiều học giả Nhật Bản còn nghi ngờ sự đứng đắn của Trần Thọ và xem việc ông mô tả sự hiện hữu của một nước Yamato ở Kyuushuu chẳng qua để đề cao tài ngoại giao của gia đình họ Tư Mã mà ông chịu ơn (xin xem Okada, sđd).
[5] Shamanism: tôn giáo nguyên thủy của người vùng Bắc Sibêria hay dân tiên trú ở Bắc Mỹ.
[6] Trong tiếng Nhật, từ matsurigoto vừa có ý nghĩa là việc tế lễ, vừa có ý nghĩa là sự cai trị (NNT).
[7] Đây là chuyện ở nước Yamatai chứ vào thời luật lệnh thì geko là một trong 4 giai cấp và là giai cấp thấp nhất trong “tứ đẳng hộ” gồm taiko (đại hộ), jôko (thượng hộ), chuuko (trung hộ) và geko (hạ hộ).Cần phân biệt với geko (người không biết uống rượu) và jôgo (người hào rượu)
[8] Chính ra Kinki là gần chỗ vua ở theo cách nhìn cũ trước thời Duy Tân nên phải là vùng chung quanh Kyôto.