Nhìn ra thế giới

Văn bia của Hồ Tông Thốc - thêm một văn bia thời Trần

Hồ Tông Thốc người làng Thổ Thành phủ Diễn Châu, ngụ tại xã Vô Ngại huyện Đường Hào, hiện chưa rõ ông sinh và mất năm nào.

Theo một vài tài liệu thì khoảng những năm Triệu Khánh đời Trần Nghệ Tông (1370-1372), Hồ Tông Thốc thi đậu Trạng nguyên, từng làm An phủ sứ và đã có lần đi sứ Trung Quốc. Vào những năm cuối niên hiệu Xương Phù đời Trần Phế Đế (1377-1388) Hồ Tông Thốc được thăng đến chức Hàn lâm học sĩ phụng chỉ kiêm Thẩm hình viện sứ, rồi Trung thư lệnh. Khi Hồ Quý Ly nắm quyền (1400-1407) biết thời thế không làm gì được, ông lui về giữ chữ nhàn, gửi mình vào thơ và rượu, ngoài 80 tuổi thì mất.

Về con người Hồ Tông Thốc, sách Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng cho biết như sau: Hồ Tông Thốc thi đỗ từ hồi còn trẻ, rất có tài danh. Mới đầu chưa nổi tiếng lắm. Nhân tiết Nguyên tiêu có đạo nhân Pháp quan họ Lê mở tiệc hoa đăng để đón khách văn chương, Hồ Tông Thốc nhận giấy mời đề thơ, trong một đêm ngay trên tiệc làm trăm bài thơ, uống trăm chén rượu. Mọi người đều xúm nhìn thán phục, không ai địch nổi. Từ đó danh lừng kinh đô. Về sau dùng tài văn học làm thầy thợ cho người.

Theo Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn và Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú thì Hồ Tông Thốc có các tác phẩm: Việt sử cương mục, Thảo nhàn hiệu tần tập, Việt Nam thế chí, Phú học chỉ nam. Nhưng đáng tiếc đến nay đều không còn. Hiện các tác phẩm của ông được biết đến chỉ gồm hai bài thơ, bài tựa sách Việt Nam thế chí và bài văn bia Từ Ân tự bi minh tịnh tự ông viết cho chùa Từ Ân ở xã Đồng Hải phủ Thái Ninh tỉnh Thái Bình, do các tác giả sách Thơ văn Lý - Trần công bố.

Trong quá trình nghiên cứu tìm hiểu tư liệu địa chí, chúng tôi thấy một văn bia của ông được chép lại trong sách Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biện. Sách Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biện là một tác phẩm địa phương chí khá xuất sắc do Vân Bồng Nguyễn Tử Mân biên soạn vào niên hiệu Tự Đức năm thứ 15 (1862). Hiện văn bản lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.922. Về văn bia này Nguyễn Tử Mân cho biết: Bài minh Yên Đăng Lưu quân Thủy Sơn Báo Ân viện minh ở chùa Động Sơn do Thái học sĩ Hồ Tông Thốc đời Trần soạn. Chùa Động Sơn nguyên ở chân núi phía tây núi Động Sơn trong tỉnh thành [Ninh Bình], dựa vào vách núi làm chùa, trên vách đá khắc tượng phật Tam thế. Bài minh này được khắc bên cạnh núi. Theo tác giả thì bài văn khắc đá của họ Hồ bấy giờ ở chân núi phía tây của núi Động Sơn (còn gọi là núi Hồi Hạc) mà trong bài ký lại cho là núi Non Nước (tức núi Dục Thúy). Và ông cho rằng: “Ý chừng Lưu quân là quan võ, lúc xin văn không nói kỹ càng, để đến nỗi ông Hồ nhầm núi Hồi Hạc thành núi Dục Thúy”. Sự nhầm lẫn không rõ thế nào nhưng nay đáng tiếc núi Động Sơn từ lâu đã không còn, mà núi Non Nước thì không có văn bia này.

Dưới đây xin được dẫn nguyên văn văn bia cùng bản dịch của chúng tôi.

Nguyên văn:
安登劉君水山報恩院銘
安登劉水山截然屹立於長江之上氣勢形勝壯觀東南勉寮少傳張公尤愛斯境景致家於其旁名之曰浴翠峰公自作記鑱于山石至今騷人墨客過之未嘗不登覽焉.
!佛法自入中國以來天下江山名勝之地如斯山者一歸之佛然設法以度人乃佛之心也創寺以奉佛非佛之心也安登鄉劉君以將業傳家王事勒勞不遑寧處因君而念親因忠而思孝乃於其鄉先盧之地谷浴翠山之側捐先人之所遺及其自奉之餘以創院焉起工於壬戌春樂成於季亥冬於院之後構祠堂以供歲時伏臘薦饗之奉置祭田五十畝舍奴婢十人疏邇等寔托之住僧蓋以君年逾五十娶縣君阮氏未有子恩後或有之即田奴所與住僧同看不獲私以轉賣此君與縣君之志也.
嗚呼君寓事君之敬於佛寄為子之孝於僧期於遠久世事不絕如詩所雲永言孝思孝思維則其君之謂款歟報恩之名不虛也.
先君諱某仕明宗朝管文戰隊秩至中品年纔五十三卒於邊事母陳氏.
君早蒙裕皇眷賜名子車循司至下品今太上皇屢嘉其能邊居於此焉.
銘曰:
節彼水山
寺維其旁
長江其下
壯觀東南
斯香斯火
皇越昌符七年季亥臘月初七日
翰林院大學士胡宗鷟撰.
 
Dịch nghĩa:
Bài minh về chùa Báo Ân núi Non Nước
của Lưu Quân ở Yên Đăng
Núi Non Nước ở Yên Đăng đứng sừng sững bên sông, khí thế hình thắng đáng là một tráng quan ở phía đông nam. Khi miễn nhiệm về quê, quan Thiếu phó Trương công (tức Trương Hán Siêu) do rất yêu cảnh trí nơi này nên đã làm nhà cạnh đó và đặt tên là núi Dục Thúy. Ngài tự tay khắc vào vách núi, đến nay tao nhân mặc khách qua đây, không ai không lên núi xem ngắm.
Ôi! Phật pháp từ khi nhập vào Trung Quốc đến nay, khắp núi sông trong thiên hạ, những vùng đất danh thắng như nơi đây đều quy về nhà Phật. Nhưng Phật đặt ra Phật pháp để độ người, đó là cái tâm của Phật, còn người xây dựng chùa để thờ Phật thì đó lại không phải là ý muốn của Phật vậy.
Lưu quân ở hương Yên Đăng truyền đời làm tướng, vất vả vì việc nước, không chăm lo được cho cha mẹ, vì vậy thấy vua mà nghĩ đến song thân, vì trung mà nhớ đến chữ hiếu, bèn đem sản nghiệp của tiền nhân để lại cùng của cải của mình lập ngôi tự viện trên mảnh đất nhà cũ ở hướng ấy, bên cạnh núi Dục Thúy. Khởi công vào mùa xuân năm Nhâm Tuất, hoàn thành vào mùa đông năm Quý Hợi. Ở phía sau viện, ngài cho làm một ngôi từ đường để quanh năm thờ phụng giỗ chạp tiến hưởng, lại đặt 50 mẫu ruộng tế, tha mười người nô tỳ rồi gửi cả cho sư trụ trì. Có lẽ bởi ngài đã ngoài 50, lấy Huyện quân họ Nguyễn mà chưa có con nối dõi. Sau này nếu như có con thì số ruộng và nô tỳ ấy, [người con] phải cho sư trụ trì cùng trông coi, không được chuyển bán riêng. Đó là cái chí của ngài và Huyện quân vậy.
Ôi! Ngài gửi việc kính thờ vua nơi đức Phật, gửi đạo hiếu của phận làm con cho sư chùa, hẹn ước dài lâu muôn đời hưởng mãi. Như Kinh Thi có nói: “Vĩnh ngôn hiếu tư, hiếu tư duy tắc” [Nói mãi về đạo hiếu, đạo hiếu là khuôn phép] là nói về ngài chăng? Cái tên “Báo Ân” chẳng phải là hư hão vậy!
Tiên quân của ngài húy là... làm quan triều Minh Tông, quản đội Văn Chiến. Trật đến trung phẩm, mất ở biên cương khi mới 53 tuổi. Mẹ họ Trần.
Ngài sớm được Dụ hoàng biết đến, ban cho tên là Tử Xa, dần nắm đến Hạ phẩm. Thái thượng hoàng nay nhiều lần khen năng lực của ngài. Ngài thiên cư đến ở đây.
Minh rằng: (Bài minh thiếu một số câu nên chúng tôi không dịch).
Hoàng Việt niên hiệu Xương Phù năm thứ 7 (1383) ngày mùng 7 tháng Chạp năm Quý Hợi.
Quan Đại học sĩ ở Hàn lâm viện là Hồ Tông Thốc soạn.
(Thông báo Hán Nôm học 2009, tr.21-25)

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114569242

Hôm nay

226

Hôm qua

2432

Tuần này

21625

Tháng này

227766

Tháng qua

129483

Tất cả

114569242