Nhìn ra thế giới
Giáo trình lịch sử Nhật Bản (Kỳ 6- phần 1)
Tiết 6: Chính trị vương triều Yamato. Ngoại giao và văn hóa.
6.1 Tình hình ở đại lục chuyển biến

Khi bàn về lịch sử chính trị của Nhật Bản thời cổ, ai nấy đều hiểu rằng mối quan hệ ngoại giao của quốc gia này đối với vùng Đông Á là một đề tài then chốt.Điều đó có nghĩa là không ai có thể phủ nhận ảnh hưởng của Trung Quốc và Triều Tiên đối với sự phát triển của xã hội Nhật Bản.
Ở chương này, chúng ta hãy thử tìm hiểu tình hình quóc tế ở vùng Đông Á vào thời điểm thế kỷ thứ 4 bước qua thế kỷ thứ 5, điều mà chúng ta chưa đề cập trong chương trước. Trước khi bắt đầu câu chuyện, xin đề cập đến tiền đề quan trọng như sau.
Theo Ngụy Chí Nụy Nhân Truyện, vào hậu bán thế kỷ thứ 3 hay nói rõ hơn là năm 266, người kế nghiệp Himiko là nữ vương Iyo có gửi sứ giả sang Tây Tấn.Từ đó cho đến năm 413, khi Nhật Bản gửi sứ giả sang Triều Tây Tấn ngót 147 năm trời, không lấy một sử liệu nào nhắc đến sự đi lại giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Hai bên hầu như đoạn tuyệt ngoại giao. Cho đến lúc đó, hai bên vẫn gửi sứ giả một cách định kỳ và có nhiều cuộc tiếp xúc. Cớ sao lại có sự im lặng suốt một quãng thời gian dài như thế. Thế rồi nhân dịp nào mà họ lại liên lạc với nhau kể từ thế kỷ thứ 5?
Có thể lý do không nằm trong nội tình Nhật Bản mà chỉ vì những biến chuyển ở đại lục mà thôi. Chúng ta hãy thử làm sang tỏ vấn đề.
Trên đại lục Trung Quốc, sau thời Tam Quốc, nhà Tấn thống nhất lãnh thổ. Thế nhưng vào đầu thế kỷ thứ 4, trên suốt một vùng cao nguyên Mông Cổ, các dân tộc kỵ mã như Hung Nô, Khuyết, Tiên Ty, Khương, Đê…nói cách khác là năm giống người Hồ (Ngũ Hồ) dần dần trở nên hùng mạnh. Các dân tộc phương bắc hùng cường này bắt đầu xâm nhập đất đai Trung quốc và liên tục đe dọa sự tồn vong của nhà Tấn.Dần dà, bọn họ, hết giống dân này đến giống dân khác, đều thành lập vương triều và mưu đồ thống nhất nhưng không có vương triều nào được bền lâu. Vùng Hoa Bắc rơi vào thời loạn lạc gọi là Ngũ Hồ Thập Lục Quốc. Mặt khác nhà Tấn bị Hung Nô công hãm phải tháo chạy khỏi kinh đô Lạc Dương, trốn xuống miền Giang Nam. Kết quả là đại lục Trung Quốc bị chia cắt thành hai miền Nam Bắc và bước vào thời đại mà người viết sử gọi là thời Nam Bắc Triều.
Cho đến lúc ấy, như một khối đá khổng lồ không một vết rạn, Trung Quốc đã chi phối các dân tộc lân bang.Thế nhưng giờ đây, trước sự tình như thế thì sức chi phối của họ đối với các dân tộc chung quanh cũng bị yếu đi, đó là điều không tránh khỏi.Các dân tộc vùng Đông Á cũng nhân đó mà cắt đứt những liên hệ cũ với Trung Quốc và bắt đầu có ý thức tiến tới việc hình thành một quốc gia cho riêng dân tộc mình. Việc Nhật Bản không gửi sứ giả sang Trung Quốc nữa có lẽ nằm trong bối cảnh ấy.Gửi sứ thần đến một nước Trung Quốc đang bị chia cắt như thế, theo họ, có lẽ không mang ý nghĩa gì.
Trong điều kiện chính trị như vậy, ở miền Đông Bắc Trung Quốc, dân tộc Kôkuri (Cao Cú Li) [1]dần dần bành trướng thế lực về hướng bán đảo Triều Tiên. Đối với Nhật Bản thì việc đối phó với tình thế này còn quan trọng đối với họ hơn là việc gửi sứ giả sang Trung Quốc.
Kôkuri sau khi mở rộng lãnh thổ ra phía bắc bán đảo Triều Tiên, đã chiếm đóng quận Rakurô (Lạc Lãng) tức cơ quan hành chánh mà chính quyền Tiền Hán của Vũ Đế đã đặt ra như mũi nhọn để kiểm soát bán đảo Triều Tiên. Thế rồi Kôkuri lại tiến chiếm xuống miền nam.
Mặt khác, trên phần đất phía nam bán đảo Triều Tiên lúc bấy giờ có 3 tiểu quốc gọi là Bakan (Mã Hàn), Benkan (Biện Hàn) và Shinkan (Thìn Hàn). Đến thế kỷ thứ 4 thì từ Bakan xuất hiện Kudara (Bách Tế), từ Shinkan có Shiragi (Tân La) dấy lên, lập thành quốc gia riêng và làm việc xác định vị trí của các tiểu quốc trên bán đảo Triều Tiên càng phức tạp thêm ra.
Thế rồi đến hậu bán thế kỷ thứ 4, Kôkuri lại tiến thêm xuống phía nam làm cho Kudara lẫn Shiragi phải hoảng sợ. Nhật Bản nhân đó cũng quan tâm đến những biến chuyển trên bán đảo Triều Tiên và đó là một điểm trọng yếu trong quan hệ ngoại giao của Nhật Bản vào thời gian từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 5. Hẳn là cũng vì lý do ấy mà trong sử liệu về lúc đó, ít thấy nói đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và nước họ.
6.2 Chiến tranh với Kôkuri. Gửi sứ giả sang Nam Triều Trung Quốc;
Vấn đề đặt ra ở đây là trong khi có sự thay đổi lớn lao như thế ở đại lục thì trên quần đảo đang xảy ra những gì? Thực ra, lúc đó nước Nụy (chính quyền Yamato) vì muốn chiếm lĩnh tài nguyên (quặng sẳt) của miền Nam bán đảo Triều Tiên, đã thiết lập một mối liên hệ với hai tiểu quốc ở cực nam bán đảo là Kaya (Gia Da) và Kara (Gia La) rồi. Do đó, cuộc một xung đột giữa Yamato với Kôkuri đang bành trướng từ bắc xuống nam là điều không tránh khỏi.
Ngày nay Nhật Bản là một nước sống nhờ kỹ thuật nhưng đương thời, Nhật Bản không có chút kiến thức nào về công nghệ chế sắt. Sắt làm ra từ cát sắt (satetsu, iron sand) được biết là vào khoảng thế kỷ thứ 6. Do đó, những vật dụng bằng sắt được đào ra từ các kofun của thời kỳ này cùng lúc cũng được bắt gặp một cách tương tự ở phía nam bán đảo Triều Tiên.
Tóm lại, lúc đó đối với người Nhật thì kỹ thuật Triều Tiên là một đỉnh cao họ rất thèm muốn, vì thế họ đã tìm cách tiếp cận với Kaya để có cơ hội học hỏi.
Đương thời, kinh đô nước Kôkuri gọi là Hoàn đô (thuộc thành phố Tập An tỉnh Cát Lâm của Trung Quốc bây giờ) nơi có tấm bia gọi là bia của Hảo Thái Vương (Kôtaiô) nước Kôkuri. Tấm bia ấy cùng với thời gian mưa gió nay đã mờ nét chữ nhưng vẫn ghi lại được một số điều quan trọng về nước Nhật thời đó. Bia chép như vầy:
“Hai nước Kudara (Bách Tàn thay vì Bách Tế) và Shiragi (Tân La) xưa nay vẫn là thuộc quốc của Kôkuri (Cao Cú Li) ta, vì vậy, cho đến bây giờ vẫn chịu triều cống.Thế nhưng người Nụy năm Tân Mão đã vượt biển sang đây, (mất hai chữ) Kudara và đánh thắng Shiragi và bắt hai nước phải phục tùng”.
Năm Tân Mão tức là năm 391, thế nhưng người Nụy vượt biển sang làm gì nước “Bách Tàn” thì do nguyên văn thiếu mất hai chữ nên các học giả, mỗi người tự hiểu một cách khác nhau nhưng chắc là giao chiến và đánh bại. Bia đá còn khắc thêm rằng sau đó Nụy cũng giao chiến với Kôkuri và bị thua, chấp nhận phận thần tử.
Thời kỳ này, người Kôkuri đã là những chiến sĩ kỵ mã lành nghề trong khi đó nước Nụy vì không có tập quán nên chưa biết gì về cưỡi ngựa bắn cung và họ bắt buộc học mã thuật từ người Kôkuri. Có lẽ vì lý do đó mà trong các kofun của Nhật Bản từ thế kỷ thứ 5 trở đi, người ta đã tìm thấy các dụng cụ để đi ngựa (mã cụ) như vật được tùy táng (chôn theo).Và cũng thấy rằng vì để tránh cơn binh lửa, nhiều người torai (nhập cư) đã vượt biển tìm sang đất Nhật, đem theo kỹ thuật và văn hóa đóng góp cho xã hội nơi họ chọn làm quê hương thứ hai. Chúng ta sẽ có dịp trở lại đề tài này trong những trang sau.
Điều cần nói ngay là để có thể thuận lợi cho lập trường của mình đối với bán đảo Triều Tiên về cả hai mặt quân sự lẫn ngoại giao, nước Nụy bắt đầu gởi sứ giả sang Trung Quốc trở lại sau khi đã tuyệt vô âm tín từ năm 266.Trong vòng 1 thế kỷ kể từ đầu thế kỷ thứ 5, các vua chúa Nhật Bản liên tục gửi sứ thần sang tiến cống các hoàng đế Nam triều của Trung Quốc. Lý do rất dễ hiểu: tiến cống như thế, họ mong rằng các vương triều Trung Quốc sẽ đứng về phía họ khi có sự tranh chấp.
Chuyện đó đã được ghi lại khá rõ ràng trong Tống Thư, Nụy Nhân Truyện. Người Trung Quốc xác nhận rằng năm vua nước Nụy (Nụy ngũ vương) tên là (đọc theo cách Trung Quốc) là San (Tán), Chin (Trân), Sei (Tế), Kô (Hưng) và Bu (Vũ) đã gửi sứ giả đi cống các hoàng đế Nam triều. .Năm ông vua này tương ứng với các vua Nhật nào trong hai tập cổ sử Nhật Bản Kojiki và Nhon Shoki là một điều quan trọng.Đặc biệt Sei và hai con của ông là Kô và Bu thì người ta đoán ra và sự ức đoán này đã được học giới công nhận.
Người có tên là Sei thì trong Ký Kỷ (tức Kojiki và Nihon shoki) tương ứng với Thiên Hoàng Ingyô (Duẫn Cung), Kô chắc phải là con của ông tức Thiên Hoàng Ankô (An Khang), còn người tên Bu có lẽ là Thiên hoàng Yuuraku (Hùng Lược).Tóm tắt là Nụy Vương Bu = Thiên hoàng Yuuryaku = Đại vương Wakatakeru. Dĩ nhiên Đại vương Takeru là chủ nhân thanh kiếm có khắc lời minh (tekkenmei) đã đào được từ ngội mộ nằm cổ ở di chỉ Inariyama thuộc tỉnh Saitama.
Ngoài ra danh hiệu của đại vương (Daiô) kể từ thế kỷ thứ 7 trở đi đã được thay thế bằng danh hiệu thiên hoàng (Tennô) và ta có thể hiểu Daiô đây là Ôkimi, người đứng trên tước vương (Kimi), thủ lãnh của một địa phương .
Vị vua tên San được xem như là hình ảnh của một trong 3 thiên hoàng Ôjin (Ứng Thần), Nintoku (Nhân Đức) hay Richuu (Lý Trung). Chin có thể là Nintoku hay Hanzei (Phản Chính). Hiện nay chưa có thuyết nào đáng được tin cậy hoàn toàn.
Ta có thể đi đến kết luận là vào thế kỷ thứ 5, nhằm Thời đại Ngũ vương nước Nụy cũng như từ đó về sau, chính quyền Yamato đã gửi sứ đi tiến cống nhà Tống của Nam triều để có được tiếng nói trong việc kinh dinh bán đảo Triều Tiên.
Các thiên hoàng phỏng định đã cai trị Nhật Bản vào thế kỷ thứ 4 và thứ 5
Tên
|
Thời kỳ trị vì
|
Tên
|
Thời kỳ trị vỉ
|
Ôjin (Ứng Thần, 15)
|
(270-310?)
|
Yuuryaku (Hùng Lược, 21)
|
456-479
|
Nintoku (Nhân Đức, 16)
|
313-399
|
Seinei (Thanh Ninh, 22)
|
480-484
|
Richuu (Lý Trung, 17)
|
400-405
|
Kensô (Hiển Tông, 23)
|
485-487
|
Hanzei (Phản Chính, 18)
|
406-410
|
Ninken (Nhân Hiền, 24)
|
488-498
|
Ingyô (Duẫn Cung, 19)
|
41-453
|
Buretsu (Vũ Liệt, 25)
|
498-506
|
Ankô (An Khang, 20)
|
453-456
|
Keitai (Kế Thể, 26)
|
507-531)
|
Thiên hoàng Nintoku (Nhân Đức) đứng vào hàng thứ 16 trong hệ phổ 125 đời Thiên hoàng (tính đến đương kim Thiên hoàng Heisei). Tuy nhiên 14 vị đầu tiên tính từ đời Jinmu (Thần Vũ, 1) cho đến Chuuai (Trọng Ai, 14) chỉ là những nhân vật có tính thần thoại, trung bình sống đến cả trăm tuổi cũng như các vua Hùng của ta. Thiên hoàng Ôjin (Ứng Thần, 15) được phỏng định ở ngôi vào cuối thế kỷ thứ 4 đầu thế kỷ thứ 5 cũng chưa chắc đã có thực. Phải đợi đến Thiên hoàng Kinmei (Khâm Minh, 29) thì mới định được niên đại là ông sinh và mất giữa khoảng 509-571 và trị vì từ 531 hay 539 đến lúc mất.
Triều Tiên và Nhật Bản: ai đã chinh phục ai?
Chúng ta sắp bàn đến một vấn đề tế nhị vì đụng chạm đến tự ái dân tộc mà cho đến nay vẫn chưa có một kết thúc thỏa đáng. Dù sao, so với thời trước (khoảng năm 1910-45), nó cũng đã bớt gây căng thẳng cho hai bên tranh luận.
Trong tác phẩm của ông viết năm 1998, W.W.Farris[2] đã tóm tắt lịch sử cuộc tranh cãi như sau:
1) Phía Nhật Bản dựa trên văn bản Nihon Shoki để chủ trương việc Hoàng hậu kiêm nhiếp chính Jinguu (Thần Công) - vợ góa của Thiên hoàng thứ 14 là Chuuai (Trọng Ai) - đã kéo quân chinh phục được ba nước Kudara, Shiragi và Kaya trên bán đảo Hàn vào khoảng năm 246-252 TCN. Kudara (Bách Tế) được xem như một quốc gia bạn, chịu triều cống, trong khi Shiragi (Tân La) hay trở mặt, rất khó lường. Ngoài ra, Kaya là căn cứ của Nhật ở phía nam bán đảo được họ cai quản trực tiếp.Thế rồi trong suốt 300 năm trải qua 15 đời thiên hoàng, Nhật Bản đã cai quản Kaya (còn gọi là Mimana) và nhận tuế cống từ Kudara và Shiragi. Cho đến năm 1920, những chi tiết trên trong Nihon shoki được xem như là sự thực, không thể phản bác. Chỉ có một vài tiếng nói đơn lẻ ở Nhật như Naka Michio (1888) tỏ ra nghi ngờ nhưng không thể đi ngược nổi khuynh hướng chung lúc ấy. Lập luận chính thống duy trì suốt Thế chiến thứ hai đã bị chính các học giả như Tsuda Sôkichi và Egami Namio xét lại vào cuối thập niên 1940, sau khi Nhật bại trận. Egami đưa ra thuyết một dân tộc thứ ba, dân tộc kỵ mã vùng Bắc Á, đã tràn xuống miền nam và thành lập cả hai nước Triều Tiên và Nhật Bản. Nước Nhật đó trước tiên ở Kyuushuu, sau đó đã dựng triều đình Yamato ở thung lũng Nara[3]. Tuy rằng hầu hết các học giả Nhật Bản khước từ giả thuyết táo bạo này, Egami đã được học giới Triều Tiên, Âu Mỹ ca tụng vì thuyết của ông là một liều thuốc giải độc đối với những lập luận có tính cách duy dân tộc và cô lập đã được duy trì lâu năm ở Nhật.Vào khoảng năm 1960, các học giả Nhật Bản đã tiến đến một giả thuyết trung hòa hơn, cho rằng Nhật Bản đã tiến quân qua bán đảo vào giữa thế kỷ thứ 3 và có chiếm Mimana-Kaya nhưng gặp phải thế lực đối kháng của Koguryô (Kokuri, Cao Cú Li) nên mới thu phục Kudara và Shilla, dùng hai nước này như một vùng ảnh hưởng bên ngoài nhằm phòng thủ thế lực Koguryô đến từ miền bắc.Thuyết thuyền thống về việc người Nhật thời đó đã xâm lấn Triều Tiên được củng cố bằng sự kiện lịch sử về sau cho thấy Nhật Bản đã nhiều lần tiến đánh bán đảo Triều Tiên như dưới đời Hideyoshi hay thời Meiji.Việc muốn mở mang bờ cõi sang đại lục là một giấc mộng lâu đời của một dân tộc bất an vì sống trên một vùng động đất và thiếu nguyên liệu.Lý thuyết gọi là Chinh Hàn Luận đã gây tranh cãi trong nhiều năm trong chính giới Nhật Bản.
2) Phía Triều Tiên, sau khi im lặng trong nhiều năm (vì bị đô hộ từ 1910-45 và bận bịu với nội chiến Nam Bắc 1950-53) đã phản biện lại vào năm 1963, với học giả Bắc Triều Tiên Kim Sok-hyong. Ông này cho rằng vào kẻ từ khoảng năm 300 TCN, đầu thời Yayoi, cho đến thế kỷ thứ 5, người nhập cư đã ào ạt đến Nhật Bản. Với kiến thức về nghề nghiệp đáng kể, họ đã thành lập những tiểu quốc của mình: người Kudara và Kaya ở vùng Kyuushuu, người Shiragi vùng Izumo và Kibi, mặc dầu trong khi ấy, ở vùng Kinai, người Nhật bản địa vẫn còn mạnh. Đến thế kỷ thứ 5 và đầu thế kỷ thứ 6, người Kudara và Kaya lại tăng thêm dân số ở vùng Izumo và Kibi và tạo nên những phân quốc (bunkoku), “tiểu quốc vệ tinh sắc tộc Triều Tiên”. Đến khoảng năm 500, năm vị vua của nước Wa (Nụy ngũ vương) mới thống nhất các phân quốc ấy làm thành nhà nước Nhật Bản đầu tiên. Những đoạn văn trong Nihon Shoki nói về việc Hoàng hậu Jinguu chinh phục 3 nước trên bán đảo chỉ là những giả dụ về cuộc thống nhất tại chỗ này.
Thuyết của Kim Sok-hyong dù không được các học giả Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc hoàn toàn chấp nhận nhưng đã gây được một phong trào phê phán lập luận truyền thống của Nhật Bản chủ trương Hoàng hậu Jinguu đã đem quân vượt biển và chiếm đóng 3 nước trên bán đảo. Có học giả người Hàn còn cho rằng nếu câu chuyện trên là có thực thì cũng đáng là cái cớ để Koguryô (Kokuri) phục thù bằng cách đem quân tiến chiếm quần đảo Nhật Bản về sau.
3) Trong hai thập niên 1970 cho đến 1980, giả thuyết truyền thống Nhật Bản đã bị tấn công tứ phía. Các học giả thấy cần phải nghiền ngẫm lại Nihon shoki và đối chiếu với các tư liệu khác của Nhật Bản, Trung Quốc và Triều Tiên.Song song, họ nghĩ rằng cũng phải dựa vào các thành quả của khảo cổ học như những phát quật mới và còn phải nới rộng sự nghiên cứu ra cả lãnh vực văn hóa phi vật chất chứ không chỉ dựa vào văn bản và dụng cụ. Thêm vào đó, họ thấy cần tăng cường mối quan hệ như khuyến khích việc giao lưu, hội thảo giữa các học giả hai bờ biển. Tất cả những điều đó sẽ tạo nên một cơ sở giúp hai bên tiếp cận sự thực lịch sử, hơn là trì trệ với 3 giả thuyết đã có và vẫn còn tồn tại cho tới nay (thuyết truyền thống dựa trên Nihon shoki, thuyết dân tộc kỵ mã của Egami và thuyết tiểu quốc vệ tinh của Kim).
Năm 2001, nhân một cuộc họp báo, khi được hỏi ông nghĩ gì về việc Nhật Hàn cùng đăng cai tổ chức Giải Vô Địch Bóng Đá Thế Giới năm 2002, Thiên hoàng Heisei đã xác nhận rằng ông cảm thấy rất gần gủi với dân tộc Đại Hàn vì “trong Shoku Nihongi, có chép rằng người mẹ của Thiên Hoàng Kanmu là dòng dõi Muryongwang nước Paekche”[4]. Thật vậy, Shoku Nihongi (Tục Nhật Bản Kỷ) là một sử thư Nhật Bản thuật lại giai đoạn từ năm 697 đến 791. Thiên hoàng Kanmu (Hoàn Vũ) sống từ 737 đến 806 và vua Muryong (Vũ Ninh Vương, vua đời thứ 25, 462-523) đã cai trị Paekche (Bách Tế, Kudara) tù năm 501 đến khi ông mất. Việc Thiên hoàng Heisei phát biểu như thế là một hành động dũng cảm ở một người đứng ở cương vị ông, rất tích cực trong ngoại giao vì có tác dụng phá băng.
6.3 Văn hóa đại lục truyền đến
Chúng ta thử tóm tắt sau đây để xem thử từ mối quan hệ như thế, văn hóa đại lục đã ảnh hưởng như thế nào đối với Nhật Bản.
Lịch sử cổ đại cho thấy nhờ có sự giao lưu rộng rãi của chính quyền Yamato với đại lục Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên. Thông qua những người từ đại lục đã vượt biển đến Nhật và những người Nhật Bản đến đại lục, đã có rất nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được mang tới Nhật.Họ đã đem về Nhật như kiểu ngày nay, khi du lịch, chúng ta nghĩ đến việc mua quà mang về nhà.
Người ta còn kể những giai thoại như thế này về những người torai (di trú, nhập cư). Trong hai sử thư viết vào thế kỷ thứ 8 là Kojiki và Nihon Shoki thì hai quyển Luận Ngữ và Thiên Tự Văn của Trung Quốc đã được truyền qua ngõ Kudara (Bách Tế). Nghề văn chương là do Wani (Vương Nhân), tổ tiên của họ Kawachi no Fumi, và một người nữa là Achinoomi, tổ tiên của họ Yamato no Aya. Nghê nuôi tằm dệt cửi có nhờ tổ của họ Hata vốn tên là Yuzumi no kimi.
Được truyền vào đất Nhật trong thời kỳ này và đáng nói nhất là các kỹ thuật chế biến vật dụng bằng sắt, đồ gốm gốc Hàn tức gốm sueki, khung cửi và đồ thủ công bằng kim thuộc cũng như kỹ thuật xây cất.
Ảnh hưởng văn hóa đại lục đã đến Nhật qua trung gian các nhóm ngành nghề của các người nhập cư (toraijin) có phần nào Hán hóa mà chính quyền Yamato đã phân chia thành nhóm (be = bộ) kỹ thuật như karakanuchibe (nhóm thợ rèn), suetsukuribe (nhóm thợ gốm), nishikoribe (nhóm thợ dệt), kuratsukuribe (nhóm thợ đóng yên ngựa) Từ be sau đổi thành bemin (hay be no tami) nhưng nói chung để trỏ một đoàn thể có cùng một nghiệp vụ. Họ định cư ở khắp nơi trong đất Yamato.
Tổ chức ngành nghề (trích từ Momoyaso no Tomo hay Một trăm tám mươi ngành nghề).
Họ
|
Ngành nghề
|
Họ
|
Ngành nghề
|
Imibe (Imbe)
|
Cúng tế
|
Fubitobe
|
Ghi chép
|
Momonobe
|
Giáp trụ
|
Osabe
|
Thông dịch
|
Kumebe
|
Chiến binh
|
Urabe
|
Bói toán
|
Tanabe (Tabe)
|
Làm ruộng
|
Kataribe
|
Tụng đọc
|
Amabe
|
Chài lưới
|
Umakaibe
|
Chăn ngựa
|
Oribe
|
Dệt cửi
|
Sakabe
|
Nấu rượu
|
Ayabe
|
Thêu thùa
|
Yugebe
|
Làm cung tên
|
Hasabe
|
Đồ gốm
|
Kajibe
|
Nghề rèn
|
Kibe
|
Đốn củi
|
....
|
....
|
Trong những sản vật ngoại quốc được du nhập vào nước Nhật thời đó có một vật vẫn còn được dùng cho đến ngày nay. Đó là chữ Hán. Kể từ thời này trở đi chữ Hán được dùng để ghi tên tuổi, đất đai, núi sông và được bằng lối đọc trực tiếp tức onyomi hay cách đọc thẳng theo âm.
Để hiểu lúc đó chữ Hán đã được người Nhật dùng như thế nào, ta có thể xét theo minh văn ghi chép trên một lưỡi kiếm đào được ở kofun núi Inari thuộc tỉnh Saitama (gần Tôkyô). Trên lưỡi kiếm hay đúng hơn là lưỡi đao (tachi) này có khắc tất cả 115 chữ Hán. Nội dung của nó gồm mấy chữ “Đại vương Wakatakeru”, tên một nhân vật là Shiki no Miya (Tư Kỳ Cung) và niên hiệu là “Tân Hợi niên”. Nếu hoán đổi năm này ra Tây Lịch thì có lẽ nhằm vào năm 471. Điều ấy cho ta thấy vào cuối thế kỷ thứ 5, sự cai trị của chính quyền Yamato đã lan ra tới miền Đông. Đó là một thông tin vô cùng quan trọng.

Mũ đội cho ngựa (mã trụ, bachuu) thấy cả ở Hàn lẫn Nhật
Một sự kiện quan trọng không kém là chữ khắc tìm thấy trên một cây đao sắt phát quật được từ kofun núi Etafuna thuộc tỉnh Kumamoto (cực Nam đảo Kyuushuu). Lại nữa, tấm kính có vẽ hình nhân vật tìm thấy ở đền Suda Hachiman tỉnh Wakayama (vùng Nara). Cả hai đều sử dụng Hán tự. Chữ Hán khắc trên các di vật này không những cho ta thấy một cách cụ thể thời ấy người Nhật đã biết đến chữ Hán mà còn cho biết về khuynh hướng chính trị lúc đó. Mà thật thế, chính quyền Yamato khi ấy đã biết dùng nhóm người nhập cư (toraijin) gọi là fuhitobe (nhóm người ghi chép) soạn thảo các văn kiện hành chánh, ngoại giao và quản lý kho tàng vv...
Ngoài ra, vào thế kỷ thứ 6, những người tinh thông kinh điển, “ngũ kinh bác sĩ”, nhập cư từ Kudara (Bách Tế) đã đem Nho giáo vào Nhật. Những kỹ thuật như y, lịch, số cũng được một bộ phận người cai trị chấp nhận. Phật giáo cũng theo vào bằng ngỏ Triều Tiên. Phật giáo được đưa đến Nhật thuộc hệ Phật giáo phương Bắc, sau khi đã truyền qua Tây Vực, Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên. Vua Kudara là Seimeiô (Thánh Minh Vương) đã tặng tượng Phật và kinh luận cho Thiên hoàng Kinmei (Khâm Minh). Về vấn đề niên đại, có hai thuyết. Một là thuyết dựa vào Nihon Shoki cho là Phật giáo đến Nhật khoảng năm 552, Một thuyết khác dựa theo sách gọi là Jôguu Shôtoku Hôôtei (Thượng cung Thánh Đức Pháp vương đế thuyết) và căn cứ trên việc xây dựng chùa Gangôji (Nguyên Hưng Tự) chủ trương phải là năm 538. Trong hai thuyết, thuyết thứ nhì có vẻ vững vàng hơn. Thế nhưng dù nói thế nào, đây chỉ là niên đại Phật giáo được truyền vào đất Nhật một cách chính thức (kôden = công truyền) chứ có thể rằng trước đó, trong đám người nhập cư, đã có những kẻ tin theo tín ngưỡng này rồi. Trong bộ sử mang tên Fusô Ryakki (Phù Tang Lược Ký), vào năm 522, có truyện người tên Shiba Tatsuto, tổ tiên của Kuratsukuri no Tori (thuộc nhóm người làm yên ngựa) đã đặt tượng Phật an vị tại một nơi tên Sakatahara thuộc quận Takashi nước Yamato và bắt đầu lấy chỗ đó làm nơi lễ bái. Còn như nguồn tin về niên đại mà Kojiki và Nihon shoki đã nêu ra trước đây chắc đã dựa vào thông tin các Teiki (Đế kỷ hay phổ hệ các đại vương / Ôkimi) và Kyuuji (Cựu từ, truyền thuyết được kể lại trong triều đình) thu lượm được trong khoảng thời gian ấy.
Tiến trình tiếp thu văn hóa đại lục từ người nhập cư (từ thế kỷ 5 đến 6)
Thế kỷ
|
Người nhập cư
|
Thời đại
|
Nước gốc gác
|
Sự kiện
|
Chú thích
|
5
|
Yuzuki no kimi
|
Thiên hoàng Ôjin
|
Bách Tế (Kudara)
|
Truyền nghề nuôi tằm và dệt
|
Tổ của họ Hata
|
5
|
Wani
|
Thiên hoàng Ôjin
|
Bách Tế (Kudara)
|
Đem sách Luận Ngữ và Thiên Tự Văn
|
Tổ của họ Kawachi no Fumiuji
|
5
|
Awa no Omi
|
Thiên hoàng Ôjin
|
không rõ
|
Quản lý nhóm người ký lục văn thư (fuhitobe)
|
Tổ của họ Yamato no Ayauji
|
6
|
Các quan Ngũ kinh bác sĩ (khởi đầu là Danyôni)
|
từ 513 về sau
|
Bách Tế (Kudara)
|
Truyền bá Nho Giáo (Ngũ kinh: Thư, Dịch, Xuân Thu, Lễ )
|
|
6
|
Shiba Tatsuto
|
522
|
Lương?
|
Lập thảo đường ở vùng Yamato thờ Phật. Con cháu có phật sư (nhà tác tượng) Tori.
|
Tổ của họ Tori (Kuratsukuri no tori)
|
6
|
Các bác sĩ dịch số, lịch số và y học
|
554
|
Bách Tế (Kudara)
|
Truyền bá Âm Dương đạo = Onmyôdô), Y và Lịch học.
|
|
6
|
Thánh Minh Vương
(Seimeiô, ? - 554)
|
Thiên hoàng Kinmei ( ?- 571)
538? (Mậu Ngọ) hay 552? (Nhâm Thân)
|
Bách Tế
(Kudara)
|
Truyền bá Phật giáo theo đường chính thức giữa hai triều đình (kôden = công truyền)
|
552 là thuyết của Nihon shoki.
|
6.4 Chính trị của đại vương và hào tộc dựa trên chế độ thị tộc
Từ khi thời Yayoi bắt đầu, xã hội Nhật Bản trở thành xã hội có phân chia giai cấp. Thế rồi từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 6, tổ chức chính quyền lấy vùng Kinki làm trung tâm đã dần dần được hoàn thiện, đưa đến việc thống nhất toàn cõi Nhật Bản.
Tổ chức chính trị thời này được gọi là chính quyền Yamato và cơ cấu của nó dựa trên chế độ thị tộc (shisei seido). Chế độ này là trụ cột của chính quyền và được sắp đặt trên toàn lãnh thổ.
Hào tộc thời ấy là những người như thế nào? Trước tiên tên tuổi thị tộc (Shi =Uji ) của họ có khi đặt theo tên đất như trường hợp họ Katsuragi, họ Heguri, họ Soga hay đặt theo nội dung công việc hay chức vụ họ nắm họ làm trong chính quyền Yamato như họ Ôtomo, họ Mononobe, họ Haji. Những hào tộc này được ban thêm danh tánh (Sei) như Omi, Muraji, Kimi, Atae, Miyakko, Obito...Họ Katsuragi hay họ Kibi là những tay hào tộc có thế lực cát cứ ở một vùng thì được gọi là Omi. Hai họ Ôtomo và Mononobe nắm quyền quân sự trong triều đình Yamato thì được gọi là Muraji. Hào tộc có thế lực nhưng ở xa như Chikushi (tỉnh Fukuoka bây giờ) và Kamitsukenu (tỉnh Gunma) thì được gọi là Kimi, còn các hào tộc bình thường khác thì chỉ có tên là Atae.
F.Macé[5] cho biết người được danh hiệu Omi là kẻ có liên hệ huyết thống gần xa với một trong tám vị thiên hoàng đầu tiên. Muraji thuộc những gia đình thần hạ đã theo phò các vị tổ tiên nhà nước từ thời còn ở trên động đá nhà trời (!?). Tuy nhiên chỉ có những gia đình Omi mới có khả năng gả con gái cho gia đình thiên hoàng.
Đại vương / Ôkimi lại chọn trong số những Omi, Muraji những kẻ có thế lực nhất làm Ôomi hay Ômuraji để phụ tá cho mình trong việc trị nước. Ô có nghĩa là “lớn”. Ví dụ họ Soga được cử làm Ôomi, còn hai họ Ôtomo và Mononobe được cử làm Ômuraji.
Thế rồi, những chức vụ liên quan đến cai trị và tế tự thì được trao cho các hào tộc có danh hiệu là Tomo no miyakko phối hợp với các phụ tá cho họ, những Tomo. Các Tomo no Miyakko và những Tomo cũng như những thuộc hạ gọi là Shinabe (hay Tomobe) giúp đỡ họ trong công việc được đời đời nối tiếp giữ chức vụ. Do đó những người gọi là Shinabe (nhân viên các bộ phận công việc ) chỉ thuộc giai cấp bị trị và tùy theo công việc các Tomo no miyakko lãnh đạo họ phụ trách mà họ được gọi là người của Inbe (bộ phận lo tế lễ), Tamatsukuribe (bộ phận lo làm đồ châu báu để dâng lên), Nishigoribe (bộ phận lo dệt gấm). Những người nhập cư có tài văn học hay kỹ thuật cao đến từ đại lục thường được sung vào đẳng cấp Tomo no miyakko hay Tomo.
Sau đây chúng ta hãy thử tìm hiểu về hệ thống gọi là Beminsei (chế độ chia dân theo các bộ), một trong những trụ cột của xã hội chính quyền Yamato.
Thời ấy, các nhà hào tộc có thế lực thường có ruộng đất và người làm riêng. Đất tư hữu được gọi là Tadokoro (điền trang), dân tư hữu gọi là Kakibe (bộ khúc). Các hào tộc chiếm lĩnh họ và dùng họ làm cơ sở kinh tế cho mình.Trong những gia đình (Ke) kết hợp từ những thị tộc (Uji) có nuôi những nô lệ (nô bộc = yakko hay nô tì = nui).
Chính quyền Yamato trong thời kỳ này trên nguyên tắc dựa trên ruộng tư hữu và lao động tư hữu. Thế nhưng chế độ này không được cho là tốt đẹp nên từ đó về sau, nó sẽ là đối tượng của những cuộc cải cách.
Từ cuối thế kỷ thứ 5 trở đi, chính quyền Yamato bắt đầu mở rộng phạm vi cai trị về các địa phương. Đại vương cũng bắt đầu tư hữu hóa đám nông dân sống dưới sự chi phối của các hào tộc địa phương. Những nông dân này gọi là Nashiro no Be hay Koshiro no Be[6]. Chính quyền trung ương lại thiết lập chế độ cai quản trực tiếp ở các địa phương và chế độ này trở thành cơ sở kinh tế cho họ. Những địa điểm chính quyền trung ương trực tiếp quản lý gọi là Miyake (đồn thương) và những người nông dân cày cấy trên những mảnh đất ấy được gọi là Tabe (điền bộ).
Chính quyền Yamato còn chọn từ một số hào tộc phục tùng mình và phong cho họ các chức tước như Kuni no miyakko và Agatanushi. Cùng lúc, trung ương nhìn nhận quyền cai trị của những người này và giao phó cho họ việc quản lý các Miyake, Nashiro no be và Koshiro no be.
Như vậy chế độ Bemin (bộ dân) chẳng qua là chế độ nhằm giúp cho giai cấp thống trị (gồm đại vương và hào tộc) đặt những kẻ bị trị (dân chúng hay bemin) dưới sự thống trị của mình và bắt họ phải lao động cho cả hai mặt: công và tư. Có thể nói chính quyền Yamato sở dĩ duy trì được cũng là nhờ ở chế độ thị tộc và cách thức quản lý lớp bình dân bemin.
Sau khi điểm qua các khía cạnh chính trị, ngoại giao và văn hóa của triều đình Yamato, ta hãy thử nhìn xem có gì đã xảy ra vào thời đại Suiko, nữ thiên hoàng đầu tiên của người Nhật.
[1] Mặt chữ Hán có thể vừa đọc là Lệ vừa đọc là Li.
[2] W.W.Farris, Sacred Texts and Burried Treasures, Ch.2, Ancient Japan’s Korean Connection, tr. 55-122.
[3] Để hiểu rõ hơn, xin xem thêm Kiba Minzoku Kokka (Quốc gia của dân tộc kỵ mã, 1967, Choko Shinsho xuất bản) của Egami Namio, cũng như Kiba Minzoku wa konakăta (Dân tộc kỵ mã chưa hề đặt chân đến) của Sahara Makoto (NHK Books, 1993), người phản biện ông.
[4] The Asahi Shinbum, English Edition, August 26th, 2010, p. 19: Emperor mentioned blood ties with Korea in 1990. (Thiên hoàng đã nói về việc này với Tổng thống Roh Tae-woo ngày 24/5/1990 trong một buổi tiếp tân ở Hoàng cung Tôkyô).
[5] F. Macé, sđd, tr.52.
[6] Tư hữu dân của hoàng gia trước thời Taika (645-50), vốn được các hào tộc địa phương cắt bớt ra từ phần của mình và nhường cho họ. Những người này phải đóng các thứ tô thuế cho hoàng gia.
tin tức liên quan
Videos
Thử định vị Tự lực văn đoàn
Hội thảo khoa học: “Dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần với sự nghiệp bang giao, xây dựng và bảo vệ đất nước”
Hãy đọc lời ai điếu cho khoa học minh họa
Nhật bản và cải cách Minh trị (1866) trong nhận thức của nguyễn Trường Tộ
“Tết trồng cây” nét đẹp văn hóa mới ở Thanh Chương
Thống kê truy cập
114569220

24

2432

21603

227744

129483

114569220