Những góc nhìn Văn hoá

Chiếc lá thu lạc về lối cũ

(Đọc Chiều rơi trên sóng, thơ Lâm Quang Mỹ, NXB Hội Nhà văn, 2012)

                                 
Chiều rơi trên sóng, tập thơ song ngữ Việt - Anh mới nhất của Lâm Quang Mỹ đầu năm 2012, ngay ở cái tên, đã gợi thế cảnh của một tâm hồn đa cảm, mong manh, và cả cái vẻ đẹp đến nao lòng, da diết và trống vắng của tâm hồn ấy trước những con sóng thế tục, đời người.
Ta sẽ gặp ngay những tín ngữ, nói lên hồn thơ ấy, tâm thế nhập cuộc hoặc đối mặt ấy ở ngay bài thơ đầu, Tôi và thơ tôi, như một lời tự bộc bạch cả về cảm thức thơ, vận khí thơ và cái tôi của người thơ, trong một tập thơ gồm 64 bài, chủ yếu là những bài thơ ngắn, như một sự thảng thốt bật thức của tâm cảm, những góc chiêm nghiệm, với một hành trình thơ trải dài đến hơn năm thập kỷ, tận cuối những năm sáu mươi của thế kỷ trước, bắt đầu số phận của nó như thế này: “Đôi khi thơ tôi/như những sợi gió mỏng manh/còn sót lại sau từng cơn bão…Đôi khi thơ tôi/như đứa trẻ thơ/hồn nhiên vừa đi vừa hát/thấy của rơi bên đường không dám nhặt”. Có cả cái mong manh, dễ vỡ và đã từng bị quăng quật của bão gió hoang tàn; nhưng tâm hồn ấy vẫn ngu ngơ, và ngân điệu thức của nó một cách hồn nhiên như đứa trẻ. Còn với người thơ ấy thì sao? “Còn tôi như chiếc lá khô cuối thu/gió đưa lạc về lối cũ/không biết buồn hay vui…”.
Tôi rất ngạc nhiên, Lâm Quang Mỹ là Tiến sĩ Vật lý của Viện hàn lâm khoa học Ba Lan; đã và hiện sống và làm việc ở đất nước châu Âu này đã mấy chục năm, một đất nước với một nền văn học có không ít giải Nobel, nhưng bản ngã ông, điệu thức tâm hồn thơ ông không bị pha trộn, không bị đồng hóa, nó vẫn bền bỉ trên những nẻo đường quê Việt, trên đất đai của văn minh nông nghiệp, trên những đau đáu của bão gió miền Trung quê Mẹ. Mà ở đó ta gặp không ít ý thơ, điệu thơ vẫn dùng dằng khẩu khí, đâu đó thời Thơ mới. Nó như một định mệnh, mà ông tự thốt ra, rằng ông như chiếc lá khô cuối thu, gió đưa lạc về lối cũ. Dù ở đâu, chân trời và thời gian nào, ông quả như chiếc lá thu vẫn trở về lối cũ, ngân lên điệu hát day trở, đau đáu cuộc đời của mình.
Có thể gặp ông ở những khúc cảm, những góc đời sống và ký ức khác nhau, nhưng nổi lên hơn cả, tập trung hơn cả ở Chiều rơi trên sóng là những tỏ bày về tình yêu, hay mượn mối quan hệ Anh - Em này để gửi vào đó niềm tâm sự về thời thế, nỗi người; và những thổn thức, đau đáu niềm thương nhớ về mẹ, về quê ngoại, về miền Trung. Ở những khoảnh khắc của Sân ga tình yêu, sân ga của sự mong ngóng và chờ đợi ấy, ông bảo, “lòng anh đang trống rỗng một sân ga/em vụt đến như con tàu xé gió/ trong phút chốc, cả sân ga rạng rỡ/tàu đi rồi ga càng thấy cô đơn”. Tình yêu ấy được ông ví “Em - quả bom nổ/Anh tan thành trăm mảnh…”. Những mảnh bắn lên trời cao thì hóa thành đôi cánh, mải miết bay trong gió thét mưa gào. Mảnh rơi xuống biển thì thành muối để âm thầm lấp lánh trong đêm, “còn những mảnh tim rỉ máu/bơ vơ rơi lên từng trang giấy/thành những vần thơ cho em” (Những vần thơ cho em). Nơi trú ngụ của tình yêu là nơi trái tim rỉ máu, sau cái tiếng bom ái tình ấy, nhưng nó lại trở thành những giọt của tâm hồn lãng mạn, dâng hiến cho một lý tưởng đẹp, mà người thơ lay thức suốt cuộc đời sáng tạo thi ca, đó là những mảnh tim rỉ máu thành vần thơ cho nàng. Rồi lại lúc bâng quơ: “Ô kìa, trăng đó hay em đó/Để mặc lòng tôi hóa giọt sương!” (Vườn trăng). Hứng cảm tình yêu, khát vọng yêu thương, nó được nhắc đi nhắc lại trong một tâm niệm về cuộc đời luôn gắn với thi ca, không ngừng chảy: “Nếu anh là tờ giấy trắng/Mong em là những vần thơ…/Để ta cháy lên nỗi nhớ/Để ta khao khát chờ mong” (Em và anh).
Nhưng dù có bát ngát vườn trăng, hay sân ga chờ đợi, hay trái tim tình yêu rỉ máu nào cho một quan niệm thẩm mỹ tình yêu đôi lứa, thì bước chân cô đơn, phiêu sương, hay dào dạt sóng yêu thương thi sĩ ấy lại trở về với nhớ thương, bao dung, trĩu nặng, và giăng níu của tình mẹ và quê hương. Một hình ảnh người mẹ đói lả, bất lực, cô thế trong bão lũ mà đau xót. Một bóng mẹ gợi sâu chân cảm: “Mẹ đi, bạc ánh sao Mai trên tóc/Mẹ về, gánh trĩu nặng sương khuya/Con đã đi quá nửa vòng trái đất/Vẫn chưa bằng bước chân Mẹ đi về!” (Bước chân mẹ). Một tình mẹ chịu thương, chịu khắc nghiệt, cạn kiệt hy sinh vì con: “Cái - chảo - quê rang bằng lửa gió lào/Tấm phản gỗ nóng quăn vỏ đỗ/Đòn gánh bỏng vai tan buổi chợ/Mồ hôi lưng Mẹ áo khô dòn/Giếng làng chắt một nửa gầu là cát/Phần đục mẹ uống rồi phần trong để cho con!” (Mẹ và Quê). Và ở đó cũng miền quê dào lên niềm thương nhớ, đằm sâu mà đắng đót biết nhường nào:“Qua chuyến đò ngang là Quê Ngoại/đường sống trâu, bùn lấm, bấm chân về/gió bấc, ngọn tre cào mái rạ/sóng nghèo ì oạp vỗ chân đê…” (Quê Ngoại).
Tất cả những thức trở tâm trạng ấy, được khắc vào ý niệm của nhà thơ, trở thành một Nỗi niềm thường trực mỗi khi:“Ngõ chật chân dừng ngại bước/đường xa mượn cánh trăng bay/nhặt cánh hoa khô mùa trước/lấp đầy nỗi nhớ hôm nay!”. Không thể khác, đó là một thái độ bao dung, một quan niệm sống thủy chung, nhân hậu, dù là cánh hoa khô mùa cũ, vẫn có thể xoa dịu, lấp đầy những trống vắng của tâm hồn. Dẫu biết rằng, cuộc đời như một lẽ tự nhiên, vẫn thường diễn ra theo một hành trình như đã cô lại trong trải nghiệm của nhà thơ: “Sáng đi có trăm đường/chiều về chỉ một lối” (Sáng, chiều và tối). Và nhịp sống, một thức ngộ sửng sốt trong phân lập của không gian và thời gian, không khỏi làm ta giật mình, bất ngờ như sự biến đổi kỳ lạ trước gương soi quy luật:“Ngày như đứa trẻ nhỏ/Đêm đã ngoài sáu mươi” (Già). Hai trạng huống tình cảm, ngày của con người xã hội, cuốn theo nhịp sống, cái nhịp sống mà nhà thơ vẫn hồn nhiên hát, nhưng đêm về trong không gian tĩnh lặng của riêng mình thì hóa ra, đứa trẻ thi sĩ ngu ngơ đã “lên lão” rồi đấy. Và lúc ấy, người thơ không thể không xem lại những mảnh vỡ rỉ máu của con tim mình còn bao nhiêu năng lượng của tình yêu, tình người, để tiếp tục kinh lý trong cuộc đời không ít ngịch lý, “ cũng có khi niềm vui dàn giụa trên khóe mắt/và nỗi buồn chua chát nở trên môi”.
Tôi tự đọc vị cái bóng đêm “ngoài sáu mươi” Lâm Quang Mỹ kia, bởi tôi thấy ông vẫn còn chưa thôi giăng níu: “Trên Bờ-hy-vọng ấy/Con thuyền đầy ắp Thơ/Nhổ neo bình minh dậy/Bao giờ về Bến Mơ?!” (Bến Mơ). Mở đầu là tuyên ngôn Tôi và thơ tôi, khép lại Chiều rơi rơi trên sóngBến Mơ. Bến mơ là bến gì đây, bến gì mà con thuyền đầy ắp thơ của Lâm Quang Mỹ vẫn háo hức nhổ neo bình minh để vươn tới. Phải chăng là cái bến của tình yêu, của cái đẹp, bến của tâm hồn lãng mạn và nhân bản, mà ông như chiếc lá thu vẫn trở về lối cũ, chứ không phải lạc về như ông nói. Có lẽ chỉ ông mới trả lời rành mạch niềm tin yêu đằm thắm, là lạ ấy, trong sự tỏa của thơ mình.
 
Hà Nội, 17/2/2012
TQQ
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114569234

Hôm nay

218

Hôm qua

2432

Tuần này

21617

Tháng này

227758

Tháng qua

129483

Tất cả

114569234