Nhìn ra thế giới
Giáo trình lịch sử Nhật Bản (Kỳ 7)
Chương II: Nhà nước luật lệnh thành hình và phát triển.
Tiết 1: Chính trị triều Suiko và văn hóa Asuka:
.jpg)
1.1 Tiến dần về thể chế trung ương tập quyền:
Giai đoạn từ thế kỷ thứ 5 cho đến giữa thế kỷ thứ 6 là lúc chính quyền Yamato bước những bước dài về mặt chính trị. Từ khóa (key words) của thời kỳ này là chính sách “trung ương tập quyền”. Ta hãy thử xem sự tập quyền hóa vào trung ương đã xảy ra như thế nào vào thời điểm đó? Khái niệm trung ương tập quyền cần được giải thích rõ ràng để hiểu lịch sử Nhật Bản bởi vì ta sẽ gặp nó một lần khác nữa vào Thời kỳ Meiji.
Trước hết, có một tổ chức, cụ thể trong trường hợp này là tổ chức chính trị của triều đình Yamato. Ở trung tâm của chính quyền đó và nơi cao hơn cả, có một đại vương (sau là thiên hoàng) đứng đầu và mọi quyền lực sẽ phải tập trung vào người đó. Cả một hệ thống quan liêu chủ yếu thuộc thành phần hào tộc sẽ được tổ chức thành cơ cấu nhất trí ở bên dưới và xoay chung quanh quyền lực trung ương này.
Cho đến lúc đó, chính trị ở vùng Đông Á, từ bán đảo Triều Tiên cho đến quần đảo Nhật Bản đều ở trong một tình trạng dao động kéo dài. Trên bán đảo Triều Tiên, ta đã biết thế lực Kôkuri (Cao Cú Li) đang từ miền bắc lan dần xuống phía nam (Bình Nhưỡng và Hán Thành đều thuộc vào lãnh thổ Kôkuri). Miền đông của bán đảo –tay mặt- là vị trí của quốc gia Shiragi (Tân La). Bên phía tay trái chúng ta (nhìn vào sách) tức miền tây bán đảo, đó là Kudara (Bách Tàn hay Bách Tế). Ở giữa và nằm ở cực nam bán đảo là một tập hợp gọi là các nước Kaya.Như thế, trên bán đảo Triều Tiên lúc ấy đang ở trong một tình trạng chia cắt với tất cả 4 thế lực chính trị.
Vào giữa thế kỷ thứ 5, thế lực Kôkuri bám chắc rễ và càng ngày càng trở nên mạnh mẽ, bức bách Kudara và Shiragi. Thế nhưng qua đến thế kỷ thứ 6 thì hai nước bị áp bức dần dần chỉnh đốn thể chế hòng quật ngược lại Kôkuri và cùng lúc, tiến xuống vùng cực nam. Đến năm 562 thì hai nước Kudara và Shiragi đã chi phối được tập hợp các nước Kaya, giải đất mà Nihon shoki mệnh danh là Mimana (Nhiệm Na).
Cho đến lúc đó Nhật Bản cũng đã từng nới rộng ảnh hưởng của mình đến phía nam bán đảo nhưng mắc phải sai lầm là đem cắt nhường 4 huyện trong đất Mimana cho Kudara và vì lý do ấy mà buộc lòng phải rút khỏi bán đảo Triều Tiên sau đó.
Liên quan đến việc mất 4 quận Mimana này, người ta cho rằng đó là trách nhiệm của Ôtomo no Kanamaru bởi vì đại thần này đã nhận của đút từ tay người Kudara. Có lẽ đó là đầu mối cho sự mất hết thế lực trên chốn quan trường của ông ta.
Sau đó, ở Nhật bắt đầu thời cai trị của Thiên Hoàng Keitai (Kế Thể). Vào thời chính quyền Yamato, khoảng đầu thế kỷ thứ 6, chức Yakko của vùng Chikushi no Kuni (đảo Kyuushuu) là Iwai đã cấu kết với những thế lực trên bán đảo Triều Tiên để mưu toan phản loạn. Mặt khác, chính quyền Yamato cũng đã thiết lập các vùng cai quản trực tiếp gọi là miyake (đồn thương) và củng cố việc phối trí các nông nô trực tiếp chịu lệnh của mình (những nashiro no be) ra khắp nơi gây ra những cuộc xung đột mãnh liệt giữa những tay hào tộc địa phương với nhau.
Như đã nói, họ Ôtomo từ sau hành động thất sách của Otomo no Kanamura trên bán đảo Triều Tiên đã mất thế đứng. Dưới thời Thiên hoàng Kinmei (Khâm Minh), thì họ Otomo bị họ Mononobe thay trong chức vụ Ômuraji vốn có thế lực to lớn trong hệ thống chính quyền Yamato. Họ Mononobe lại phải đương đầu với một thế lực mới lúc đó đang lớn lên rất mạnh: đó là họ Soga vậy.
Họ Soga từ lâu đã biết liên kết với người nhập cư (độ lai nhân = toraijin). Hơn nữa, dòng họ này đảm nhiệm việc trông coi kho báu của hoàng gia. Ba kho ấy một là Imikura (Trai tàng) gồm các món đồ quí, hai là Uchitsukuru (Nội tàng) gồm tài vật của hoàng thất, và ba là Ôkura, (Đại tàng), tài sản của chính phủ. Ngoài việc trông coi Tam tàng (Mítu no kura), còn khiến cho họ dính líu cả đến việc kinh doanh các miyake.
Nhận lãnh phần việc về tài vụ, họ Soga phải là những người có tài năng , tầm cỡ tương xứng. Ngoài ra, phải kể đến họ Mononobe là những người phụ trách quân sự cho triều đình Yamato.
Hai gia đình quí tộc nói trên đã đối chọi với nhau chung quanh một vấn đề tưởng chừng khá đơn giản. Nó xoay chung quanh cuộc tranh luận về sự tiếp nhận Phật giáo hay không. Họ Soga, qua người trưởng tộc Soga no Iname, muốn đón tiếp Phật giáo. Trong khi đó họ Mononobe –với Mononobe no Okoshi – thì lại phản đối. Phái này cho rằng nếu thờ một ông thần đến từ nước ngoài như thế thì các vị thần sở tại sẽ nổi giận và gieo tai ách cho cả nước.
Tại sao họ Soga lại đề nghị tiếp thu đạo Phật? Người ta cho rằng chung quanh căn cứ Asuka nơi họ Soga sống, vốn có rất nhiều cứ điểm sinh hoạt của người nhập cư. Nhân sự giao lưu giữa cánh nhà Soga và các nhóm người nhập cư vốn rất gần gủi thân mật nên họ ủng hộ lập trường của người nhập cư. Họ Soga được cái lợi là lợi dụng vốn liếng kiến thức kỹ thuật của người nhập cư, rất quan trọng cho đời sống kinh tế của nhà nước. Mặt khác, tinh thần của tập đoàn Soga phóng khoáng hơn, nhìn xa thấy rộng hơn, hiếu kỳ trước những điều mới mẻ chứ không bảo thủ, co cụm như cánh Mononobe.
Diễn tiến của cuộc tranh phong giữa hai nhóm hào tộc này hãy còn được nhắc tới trong những trang sau nhưng kết luận cho thấy ngay là họ Soga đã chiến thắng. Tộc Soga trở thành hào tộc đầu bảng và một người trong Hoàng tộc có mang dòng máu của họ, Shôtoku Taishi (Thái tử Thánh Đức, tên hiệu sau khi mất của Hoàng tử Umayado) sẽ dẫn đầu nền chính trị của triều đình Nữ thiên hoàng Suiko (Thôi Cổ).
Năm thiên hoàng không rõ hành tung phỏng định đã trị vì vào thế kỷ thứ 6
Tên
|
Thời kỳ trị vì
|
Tên
|
Thời kỳ trị vì
|
Ankan (An Nhàn 27)
|
531-36
|
Bidatsu (Mẫn Đạt, 30)
|
572-85
|
Senka (Tuyên Hóa, 28)
|
536-39
|
Yômei (Dụng Minh, 31)
|
585-87
|
Kinmei (Khâm Minh, 29)
|
570-71
|
|
|
Điểm chung của các thiên hoàng này là họ không để lại sự tích gì. Tuy nhiên vì đều trị vì trong một thời gian ngắn ngủi, họ có vẻ là người thật, khác với người của thế giới thần thoại như các thiên hoàng từ Keitai (26) trở về trước.Thái thử Shôtoku là con trai của Thiên hoàng Yômei.
1.2 Văn hóa và chính trị chịu ảnh hưởng Phật giáo:
Vào thế kỷ thứ 6, đại lục Trung Quốc được thống nhất trở lại vào năm 589 sau 400 năm chia cắt, nhờ vào công sức của nhà Tùy (kiến quốc năm 581). Cũng trong khoảng thời gian đó, vị nữ hoàng đế của Nhật Bản đã ra đời. Đó là nữ thiên hoàng Suiko. Thời bà trị vì, giao lưu chính trị giữa Nhật và nhà Tùy rất khởi sắc, nhất là kể từ năm 607, khi Nhật Bản gửi chính sứ Ôn no Imoko (Tiểu Dã, Muội Tử) làm chuyến kenzuishi (khiển Tùy sứ).
Lúc đó, bên trong chính quyền Yamato, họ Soga âm thầm chuẩn bị cho cuộc tranh đoạt quyền hành. Thế rồi, cao điểm của âm mưu này là việc loại trừ thành công sự đối lập của Mononobe Moriya (Thủ Ốc) bởi bàn tay của Soga no Umako (Mã Tử) vào năm 587.
Như đã nói, hai họ Soga và Mononobe vốn tranh cãi với nhau về việc có tiếp thu Phật giáo từ nước ngoài vào hay không? Từ lâu, họ Soga đã lập được mối quan hệ mật thiết với nhóm người nhập cư, tín đồ của tôn giáo này. Sau khi đã loại trừ được thế lực chống đối là Mononobe, cánh Soga cùng với Thái tử Shôtoku đã bắt đầu xây đắp trên mảnh đất Asuka (Phi Điểu) một nền văn hóa Phật giáo đầu tiên của Nhật Bản. Đó là sự khai hoa của văn hóa Asuka.
.jpg)
Tượng bồ tát chùa Kôryuuji (Quảng Long Tự) nét mềm mại chịu ảnh hưởng điêu khắc Triều Tiên
Do đó, ngôi chùa được xem như biểu tượng cho thời kỳ này có tên là chùa Asuka (Phi Điểu Tự), còn có tên khác nữa là Hôkôji (Pháp Hưng Tự).Ngôi chùa này được xây lên sau khi có sự phát nguyện (tin theo đạo) của nhà Soga. Ngoài ra còn có chùa Shitennoji (Tứ Thiên Vương Tự) và chùa Ikarugadera (Ban Câu Tự, cũng có tên khác là Hỏryuuji (Pháp Long Tự), xây thêm sau khi Thái tử Shôtoku phát nguyện. Nó bắt đầu cho một trào lưu bởi vì từ đó về sau, lớp hào tộc sẽ đua nhau xây cất chùa riêng cho dòng họ mình (tục gọi là ujidera hay chùa họ).
.jpg)
Mùa xuân ở Hôryuuji (Pháp Long Tự)
Nhân nói về Hôryuuji thì theo lời ghi chép trong cuốn cổ sử Nihon shoki, nó đã bị thần hỏa thiêu rụi vào khoảng năm 670. Từ thời Meiji trở đi, một cuộc bàn cãi kịch liệt đã mở màn giữa các sử gia và các nhà kiến trúc xem Hôryuuji cũ vẫn còn y nguyên hay chỉ được xây lại sau này. Mãi đến năm 1939, người ta mới tìm được trong khu vực gọi là Saien dấu tích một già lam (samghârâma) gọi là dấu tích già lam Wakakusa (Wakakusagaran.ato), nơi các tăng lữ cư trú. Cuộc điều tra cho thấy thực sự đã có một trận hỏa tai rất lớn xảy ra vào hậu bán thế kỷ thứ 7 và những tòa kim đường (kondô) hay tháp năm tầng (gojuutô) hiện hữu là những gì đã được xây lại sau đó.
Thế nhưng cách phối trí các già lam (gồm kim đường, tháp, giảng đường, trung môn, bộ lang, nam đại môn) dưới thời văn hóa Hyakuhô cũng có khác thời Nara đến sau.. Điều đáng chú ý hơn cả là ở chùa Asuka (văn hóa Hyakuhô) người ta xem tháp chứa xá lợi ( di cốt của Phật Thích Ca) như là trung tâm của tập thể kiến trúc bao quanh bằng 3 kim đường trong khi ở (chùa) Tôdaiji hay Daianji thì nơi hành lễ tức kim đường mới được xem như là trung tâm và tháp lại bị đặt ra ngoài khuôn viên chính. Trung tâm dĩ nhiên là nơi quan trọng nhất, như vậy ta biết mỗi thời, nhà chùa xem cái gì là quan trọng nhất đối với họ.
Tượng Phật đặt trong chùa thường là tác phẩm điêu khắc của nghệ nhân. Họ là những “Phật sư” (busshi) như Kuratsukurinotori (còn gọi là Tori-busshi). Ông ta rất nổi tiếng và tác phẩm Shaka Sanzonzoô (Thích Ca tam tôn tượng) đặt ở kim đường chùa Hôryuuji với cách diễn tả trên khuôn mặt có nhiều điểm tương đồng với các tượng Phật tạc theo phong cách thời Bắc Ngụy, được xem như là kiệt tác. Trong khi ấy, tượng gỗ các vị Phật hay bồ tát Hanka shuizô ngồi trầm tư (Bán già tư duy tượng) ở các chùa Chuuguuji (Trung Cung Tự) và Kô ryuuji (Quảng Long Tự) và Kudara Kannonzô (Bách Tế Quan Âm tượng) thì tròn trịa mềm mại hơn, theo một cung cách khác hẳn với Bắc Ngụy. Về mặt hội họa hay mỹ nghệ thì còn phải nói đến một đặc sắc của mỹ nghệ thời ấy: cái khám thờ (zushi) có tên là tamamushi no zushi, chuyên môn chứa đựng các tượng Phật cỡ nhỏ, đặt ở Hôryuuji. Từ mái che cho đến điện thờ nơi tượng Phật ngự tất cả chỉ có 230 cm.
Sau khi Soga đã dẹp được Mononobe rồi, vào năm 592, họ còn cả gan tổ chức thành công việc đâm chết Thiên hoàng Sujun (Sùng Thần, tại vị 588-592) ở Yamato no Aya no ataikoma, một thiên hoàng có thái độ phản đối việc làm của họ. Nhân đó mà Nữ thiên hoàng Suiko mới có dịp tức vị. Thành ra vị nữ hoàng đế đầu tiên của Nhật là người được thủ lĩnh họ Soga là Umako, đưa lên. Giúp Suiko trị nước là người cháu gọi bằng cô của bà, Shôtoku Taishi (Thánh Đức thái tử), một hoàng thân mà cha mẹ đều có dòng máu Soga và đã được Soga Umako nuôi dạy. Ông vừa có khả năng lên ngôi vua (vì là hoàng thái tử), vừa đóng vai phát ngôn viên của cô mình vừa giữ nhiệm vụ nhiếp chính. Cả 3 người nói trên đều mang chung tên bắt đầu bằng chữ S (Suiko, Soga, Shôtoku). Họ biết hiệp lực để gây dựng một trục 3 S hùng mạnh để ủng hộ thể chế trung ương tập quyền.
Kinmei (540-71)
| | | | |
Bibatsu(572--85) Yômei (585-87) Sujun (588-92) Suiko (593-628) 21 người con khác
| | (mẹ là họ Soga)
17 người con Thái tử Shôtoku (572-622)
1.3 Chính trị nội bộ thời Thiên hoàng Suiko:
Xin bàn tiếp nơi đây về nội chính Nhật Bản dưới thời Nữ thiên hoàng Suiko, đặc biệt là quan chế đầu tiên được lập ra trên đất nước này vào năm 603. Hệ thống quan lại đó mang tên Kan.i juunikai (Chế độ quan lại mười hai cấp bậc).
Trong chế độ này quan lại trước tiên được chia theo 6 bậc dựa vào 6 đức tính: đức, nhân, lễ, tín, nghĩa, trí trong phạm trù luân lý Trung Quốc, sau đó 6 bậc này lại chia thành hai loại đại và tiểu để có tất cả 12 trật.Cùng lúc, mũ của các quan chia theo 6 sắc là tím, xanh, đỏ, vàng, trắng và đen. Tùy theo công trạng và tài đức cá nhân, các quan được cử vào những chức vụ ấy. Điều này ngược lại khuynh hướng trước đây là phong chức theo tập ấm, thế tập (chế độ thị tính). Từ đây, vì chỉ dựa vào năng lực cá nhân để tuyển dụng nên điều đó đã kích thích họ cho nên năng lực cá nhân cũng được phát triển mạnh mẽ.
Chính sách dùng người theo năng lực đã mở ra được cánh cửa mà chế độ thế tập đã khép lại cho đến lúc đó.
.jpg)
Nữ thiên hoàng Suiko
Những người phụ nữ đáng kể trong lịch sử cổ đại
Đầu tiên đã đem ánh mặt trời chiếu sáng nước Nhật là một người đàn bà: Thiên Chiếu đại thần (Amaterasu) trong thần thoại. Tiếp sau đó là nữ vương Himiko và Iyo, hai nhà lãnh đạo đầu tiên của nhà nước Nhật Bản. Họ mang tính chất cô đồng của một xã hội còn ở trong vòng ảnh hưởng của thần linh bùa chú. Người đàn bà cầm quyền vì được xem như một “linh môi” (môi thể linh thiêng tiếp xúc được với các thần).Những ngẫu tượng (doguu) bằng đất nung thời Jômon với cặp vú lớn và cái bụng nở cũng cho ta thấy rằng người thượng cổ bị ấn tượng mạnh trước khả năng sinh thực của phụ nữ, mà cuộc sống thái cổ chỉ có thể tồn tại nhờ ở khả năng sinh thực của đất đai hoa màu. Bước qua thời Yayoi , khi đàn ông vắng nhà đi săn bắn và cuộc sống còn dựa trên hái nhặt, phụ nữ vì có đóng góp lao động nên hãy còn có tiếng nói. Đến khi kinh tế nông canh phát triển, đàn ông hầu như nắm vai trò chủ đạo. Họ đã dồn phụ nữ váo một vai trò thấp hơn. Tương quan lực lượng giữa hai bên không còn như trước và thời đại mẫu hệ dần dần khép lại.
Chế độ mẫu hệ khác với chế độ mẫu quyền, các con được nuôi ở nhà mẹ và vai trò quan trọng trong gia đình không ở trong tay của chính người mẹ mà là nơi các anh em trai của mẹ. Nhửng nữ thiên hoàng đầu tiên thường thường có sự trợ giúp của một người nam. Ví dụ các cặp sau đây:
-Thiên hoàng Chuuai và Hoàng hậu Jinguu
-Nữ thiên hoàng Suiko và Thái tử Shôtoku
- Nữ thiên hoàng Saimei và Hoàng tử Naka no Ôe
Ngay Nữ vương Himiko có một người em trai theo giúp đỡ. Nữ thiên hoàng Kôken (Shôtoku) cũng phải dựa vào tăng Dôkyô. Tuy vậy cũng có những nữ thiên hoàng không lấy chồng mà vẫn trị được nước một mình.
Nhật Bản có 10 đời nữ thiên hoàng ( 8 người theo thứ tự thời gian) là 33 Suiko , 35 Kôgyoku ( cũng là 37 Saimei), 41 Jitô, 43 Genmei, 44 Genshô, 46 Kôken (cũng là 48 Shôtoku), 109 Meishô và 117 Go-Sakuramachi. Ngoài Meisho thuộc thế kỷ 17 và Go-Sakuramachi thế kỷ 18, các nữ thiên hoàng đều là người cổ đại tức trước thế kỷ thứ 9.
Các nữ thiên hoàng từ thế kỷ thứ 6 trở đi không phải là những nữ đế cô đồng của thế kỷ thứ 5 về trước. Họ đều có kinh nghiệm làm hoàng hậu, chỉ lên ngôi tạm thời sau khi chồng chết để tránh một cuộc nội loạn có thể xảy ra do khả năng tranh chấp ngai vàng giữa các hoàng tử được những nhóm quí tộc ủng hộ. Tuy nhiên, Suiko và Kyôgoku là hai nữ đế vẫn còn mang chút tính cách đồng cốt của thời đại Yamatai. Suiko được mệnh danh là người dọn đồ cúng cho các thần, còn Kyôgoku đã có lần lập đàn cầu mưa thành công. Đến thế kỷ thứ 8, lại xuất hiện thêm một loại hình nữ đế mới, đó là trường hợp Genshô. Bà chưa bao giờ đóng vai hoàng hậu và chỉ là một công chúa chưa chồng. Tuy nhiên điểm chung của các nữ thiên hoàng nói trên là đều lên ngôi tạm thời để giữ hoà bình trong khi chờ đợi một thiên hoàng nam giới.Chính trị thỏa hiệp kiểu này hãy còn dấu vết trong xã hội Nhật Bản hiện đại.
Ngoài các nữ thiên hoàng, phụ nữ thời cổ đại còn có những người đóng vai trò quan trọng trong hậu cung như bà Tachibana no Michiyo, vợ sau của quyền thần Fujiwara Fuhito. Lợi dụng vai trò nữ quan tín cẩn suốt ba đời nữ thiên hoàng, bà đã giúp chồng gài con gái (sau là Hoàng hậu Kômyô) vào cung để thành lập một chính quyền ngoại thích đầu tiên.Cũng cần nhắc thêm hai người phụ nữ quan trọng khác: Ôtomo no Sakanoue no Iratsume, nữ thi nhân số một thời Vạn Diệp, rất đa tình, có 3 đời chồng, và Fujiwara Kusuko, người cầm đầu một cuộc đảo chính, thất bại, phải tự sát.
Quan trọng thứ hai sau quan chế là bản Hiến pháp 17 điều (Kempô Juushichijô) ra đời vào năm 604. Nó là một loạt những chỉ thị để người được cử ra làm việc nước phải ghi nhớ trong lòng. Gọi là “hiến pháp” nhưng đối với người ngày nay nó chỉ là bộ luật qui tắc đạo đức luân lý mà tầng lớp công chức phải làm điểm tựa noi theo khi làm việc đó thôi. Nó không thể xem như các bản hiến pháp mà chúng ta nói đến bây giờ.
Đến đây, chúng ta hãy từ trong các sử liệu xem hiến pháp (hay một loạt chỉ thị) này có những điều gì người công chức ngày xưa cần phải ghi nhớ:
Trước hết, như trong điều 1 đã ghi: “Thực hiện chữ dĩ hòa vi quí” (Wa wo motte tattoshi to nashi), mọi người phải ăn ở với nhau một cách hòa thuận, không ai nghịch lại ai cả.Ngoài chữ Hòa, còn phải giữ được Lễ và Tín Nghĩa nữa.Trong 17 điều của hiến pháp, ta thấy đòi hỏi tôn trọng đạo đức được xem như một việc ưu tiên. Phần lớn đây là ảnh hưởng của Nho giáo.
Điều thứ 2 là “Hãy đốc kính tam bảo!” (Atsuku sanpô wo uyamae). Điều này có nghĩa phải tưởng lệ Phật giáo. Tam bảo là Phật, pháp và tăng vậy. Ngoài ra, phải vâng phục chiếu chỉ của Thiên Hoàng cũng như không được phép lược đoạt tài sản của nhân dân.
Việc tưởng lệ Phật giáo ở Nhật khá dễ hiểu vì Nhật là một quốc gia đã từng ra chiếu chỉ “hưng long Phật pháp” vào năm 594. Trên thực tế, Shôtoku Taishi còn viết sách chú thích 3 kinh quan trọng như Hokekyô (kinh Pháp Hoa), Yuimakyô (kinh Duy Ma), Shômankyô (kinh Thắng Mạn) trong bộ sách có nhan đề là Tam Kinh Nghĩa Sớ (Sangyogisho). Điều ấy cũng chứng tỏ vào thời gian này, việc nghiên cứu đạo Phật ở Nhật rất phổ biến.
Ta cần phải nhắc đến việc Thái tử Shôtoku và đại thần Soga Umako đã ra chỉ thị soạn cho những cuốn sử như Tennoki (Thiên hoàng kỷ) và Kokki (Quốc ký). Điều đó cho thấy đã có một ý thức về quốc gia thành hình trong quá trình xây dựng một đất nước mà trung tâm là thiên hoàng và ước vọng muốn lưu truyền ý thức đó lại cho hậu thế.
.jpg)
Thái tử nhiếp chính Shôtoku
Sở dĩ người Nhật có thể làm công việc ghi chép những sự kiện đã xảy ra trong dòng thời gian theo năm tháng là vì từ năm 602 đã có nhà sư người Kudara (Bách Tế) tên Kanroku (Kwalleuk, Quán Lặc) đã đem sách nói về thiên văn, lịch pháp và địa lý truyền vào, cũng như đã có tăng người Kokuri (Cao Cú Li) tên Danchô (Đàm Trưng) du nhập giấy mực. Ngày nay chúng ta coi những chuyện ghi chép các sự kiện và biên soạn sách sử thế như một điều dễ dàng và hiển nhiên nhưng đới với người xưa, đó là một sự việc có tầm quan trọng lớn lao và không thể nào bỏ qua cho được.
Những nhà truyền bá thời Phật giáo vừa đến Nhật
Nói về đời sống tinh thần của giai đoạn lịch sử các đại vương nước Yamato mà không nói đến Phật giáo là một điều thiếu sót. Tuy lúc đó có nhiều vị cao đức nhưng bốn nhân vật sau đây được người đời sau nhớ đến nhiều nhất vì họ là những nhà truyền bá đã đem đến cho Phật giáo Nhật Bản những nét đặc trưng.
Người thứ nhất phải nói đến là Thái tử nhiếp chính Shôtoku (574-622). Về hành trạng của ông như một nhà chính trị thì rất nhiều và đã nhắc đến bên trên. Những điều khác đáng nhớ nơi ông là việc ông đã xây dựng hai ngôi chùa quan trọng là Shitennôji (Tứ thiên vương tự) và Hôryuuji (Pháp long tự), ngoài ra, lúc vãn niên, sống trong cô độc và hầu như bị loại khỏi chính trường, ông lại dành thời giờ chú thích ba bộ kinh văn. Trong khi Phật giáo Trung Quốc đặt trọng tâm vào Niết Bàn Kinh thì ông lại sớm nhìn thấy một chiều hướng mới, xem (như Thiên Thai đệ tam tổ Trí Khải đời Tùy) Pháp Hoa Kinh (Diệu pháp liên hoa kinh) mới xứng đáng là kinh điển hàng đầu. Lối khai triển đặc sắc này sẽ được Nichiren (Nhật Liên), Shinran (Thân Loan), những cây đại thụ của Phật giáo Nhật Bản tiếp thu. Shinran đã gọi ông là Wakoku no Kyôshu (Giáo chủ của nước Wa). Tên gọi Shôtoku (Thánh Đức) có màu sắc đạo Lão này chỉ có từ năm 751, sau khi ông mất đã lâu.
Người thứ hai là một tăng nhân quan trọng của thời Asuka-Nara và sống sau Thái tử Shôtoku: En no Ozunu (En no Gyôja, cuối thế kỷ thứ 7, đầu thứ 8). Ông tu trên núi Kasuragi no yama (Cát thành sơn), sau khai sơn ở Kinbusen (Kim phong sơn) trong xứ Yamato. Ông là tổ của những nhà sư vân du (gyôja = hành giả) có cái tên đặc biệt là shugenja (tu nghiệm giả), đội nón như bát úp, để tóc dài, cầm tích trượng, đeo ốc loa, mang gùi trên lưng, du hành trong núi (sơn nhạc tăng). Bị sàm báng, ông mang tội lưu đày đến xứ Izu. Đời thường ca tụng ông là người biết chữa bệnh, cầu mưa, có pháp thuật thần thông đi mây về gió. Giai thoại linh dị về ông đếm không xiết. Tuy nhiên điểm đặc sắc của ông là việc kết hợp Phật giáo với Thần đạo. Nước Nhật vốn nhiều núi, người Nhật lại tin rằng trong núi có thần, cho nên một khi Phật vào trong núi thì sẽ gặp thần và cuộc gặp gỡ đó phải nẩy sinh ra một sự kết hợp nào đó. Ảnh hưởng của ông (tư tưởng sơn nhạc và du hành) đã được truyền bá rộng rãi đến những người đi sau như Taichuu (Thái Trừng), Ryôben (Lương Biện),Gyôki (Hành Cơ) cũng như người hoàn thành việc kết hợp thần Phật là Kuukai (Không Hải).
Người thứ ba là tăng Gyôki (Hành Cơ, 668-749). Ông sinh trong một gia đình dân nhập cư xứ Kawachi. Tuy cha mẹ còn để lại tên tuổi nhưng ông là con tư sinh, cảnh nhà nghèo túng, thuở nhỏ phải theo mẹ đi cấy thuê. Năm 15tuổi (682) đã xuất gia, 24 tuổi vào chùa Takamiyashi (Cao Cung Tự) thụ giới tăng Tokukô (Đức Quang).Sau đó lại theo học tăng Dôshô (Đạo Chiêu) chùa Yakushiji (Dược Sư Tự). Ông có tài hùng biện, mỗi lần thuyết pháp, dân chúng đến nghe rất đông nên bị triều đình xem như là kẻ rao giảng tà thuyết, mê hoặc lòng người. Thế nhưng người ta nhắc đến ông nhiều vì tinh thần phụng sự xã hội: làm đường, xây cầu, đào mương ao, mở cơ sở gọi là fuseya (bố thí ốc) cho người vô gia cư hay lữ khách trú ngụ qua đêm mà không lấy tiền.Vì đã từng sống cuộc đời một tăng lữ vân du nên ông có thể huy động một lực lượng nhân công lớn cho những công tác thổ mộc ấy. Ông cũng cho tu tạo nhiều tượng Phật, thường bằng gỗ, rất đơn sơ và có dị tướng như thể vừa là dùng như tượng Phật lại có thể dùng như tượng thần. Việc làm tượng bằng gỗ rất có ý nghĩa vì người Nhật cho rằng thần linh có mặt trong cây cối.
Sau đó, đứng trước uy tín của ông, nhà nước vì muốn đoàn kết dân tộc sau khi chịu một chuỗi tai họa, đã đổi giận làm lành, ca ngợi công đức “giáo hóa chúng sinh” và phong cho ông cả chức Daisôjô (Đại tăng chính) là địa vị tối cao trong hàng giáo phẩm. Có người trách Gyôki để bị mua chuộc nhưng học giả Umehara Takeshi[1] lại cho rằng Gyôki không hề thay đổi, chỉ có nhà nước thay đổi mà thôi.
Người thứ tư là tăng Ganjin (Giám Chân, 688-763). Nói về ông, người ta nghĩ ngay đến giới luật và hình ảnh một nhà tu hành nghiêm cẩn, khắc khổ. Ngoài ra cũng biết về ông như một người ý chí sắt đá và có lòng cứu nhân độ thế. Lúc đã lớn tuổi mới từ bỏ quê hương Trung Quốc để đến Nhật. Năm lần lên thuyền, năm lần thất bại, chịu bao nhiêu khổ cảnh từ bị mật báo, bắt giam, bỏ ngục, truyền trôi dạt, thuyền đắm đến mù lòa. Cuối cùng ông đã vượt qua tất cả, khi đến Nara thì đã 66 tuổi. Ông được Thiên hoàng Shômu và hoàng thất trọng vọng, phong hiệu Truyền Đăng đại sư và đã cất cả ngôi chùa riêng là Tôshôdaiji (Đường chiêu đề tự) với kiến trúc mô phỏng Trung Quốc cho ông tu hành.
Khi Phật giáo tiểu thừa với tư tưởng cấm dục của nó đã nhường bước cho tư tưởng khẳng định sinh mệnh của Phật giáo đại thừa thì cái nguy cơ buông thả và trụy lạc của người tu hành hiện ra rõ rệt. Để tránh sự tục hoá của tăng ni, giới luật rất cần thiết. Nhà nước Nhật Bản hiểu rõ điều đó nên đã mời Ganjin sang dạy họ. Truyện ký của ông cho biết ông người Dương châu, trước khi đi tu là họ Thuần vu (con cháu nhà hùng biện Thuần vu Khôn nước Tề). Sau khi xuất gia đã thụ giáo giới luật với sư Kôkei (Hoằng Cảnh) và trở thành nhà chuyên môn trong địa hạt này. Nghe lời mời khẩn thiết của các sứ giả, ông đã đến Nhật, lập ra chế độ “tam sư thất chứng” buộc người đi tu phải được tha nhân kiểm chứng kỹ lưỡng về mặt đạo đức. Trên từ thiên hoàng, hoàng hậu, dưới đến chúng tăng đều phải chấp hành chế độ đó.Làm như thế là để tránh cái cảnh “trốn việc quan đi ở chùa” của người nước đã dẫn đến việc triều đình thất thu về thuế khoá và việc đạo đức sư sải xuống cấp. Tuy nhiên, Ganjin đã từ chức sau hai năm giữ chức Daisôzu (Đại tăng đô). Ông chỉ thành công có một phần vì trong giáo hội thời đó đã xảy ra những vụ hủ bại đạo đức ngay từ bên trên. Trước khi ông đến đã có vụ Genbô (Huyền Phưởng), sau khi ông đến lại có vụ Dôkyô (Đạo Kính) cả hai đều là những tăng lữ cao cấp vì được thái hậu, hoàng hậu, nữ thiên hoàng sủng ái làm thương luân bại lý, tạo nên sự cố suýt xiêu đổ chính quyền.
Nhân đây cũng nên nhắc đến hai tăng lữ ngoại quốc từng đặt chân lên đất Nhật vào thời Nara. Đó là Bodai Senna (Bồ Đề Tiên Na, 704-760), một cao tăng Ấn Độ đã dự lễ khai nhãn Đại Phật năm 751 cùng với tăng người Lâm Ấp (nay là miền Trung Việt Nam) là Buttetsu (Phật Triết, năm sinh và mất không rõ). Hai ông được mời từ nhà Đường sang. Gyôki đã đón hai ông về chùa Daianji năm 736. Bodai Senna được phong đến chức tăng chính, còn Buttetsu đã truyền bá ca vũ và âm nhạc Lâm Ấp. Ông cũng mang sang Nhật nhiều kinh điển Mật tông.
1.4 Gửi sứ giả sang nhà Tùy:
Chúng ta đã bàn đến văn hóa (văn hóa Asuka) và chính trị đối nội của Nhật Bản, cũng thấy rằng trong hai lãnh vực nói trên, ảnh hưởng của đại lục thật lớn lao. Bây giờ hãy trở lại để kết thúc câu chuyện Nhật Bản đã gửi sứ giả sang nhà Tùy như thế nào.
Ta đã biết thế kỷ thứ 6 là thời điểm Nhật Bản có những biến chuyển đáng lưu ý về mặt đối ngoại. Chính sách đối ngoại ấy, vì những thất sách của đại thần Ôtomo no Kanemura mà Nhật đã mất đi ảnh hưởng ở vùng nam Triều Tiên (trên các tiểu quốc Kaya) mà họ đã giữ được cho đến năm 562 và bắt buộc phải triệt thoái khỏi bán đảo.
Đến khi triều đại Suiko bắt đầu, chính sách đối ngoại của Nhật Bản đã có một sự thay đổi rõ rệt. Chủ trương lớn của nhà nước là quốc giao với Tùy. Mục đích không gì khác hơn là hấp thu văn hóa xán lạn của Trung Quốc hòng tăng thêm uy thế cho triều đình của mình.
Do đó, Nhật Bản phái sứ giả Ono no Imoko sang bên đó và sự kiện này được ghi trong sử Nhật Bản là kenzuishi (khiển Tùy sứ). Thế nhưng nội dung cái quốc thư mà Ono no Imoko trình lên hoàng đế nhà Tùy đã tạo nên một sự cố ngoại giao.
Sách Tùy Thư phần Nụy Nhân Truyện có chép về lời chào hỏi mào đầu trong quốc thư đó như sau: “Thiên tử nước mặt trời mọc gửi cho thiên tử nước mặt trời lặn để thăm hỏi ngài có mạnh khỏe không?”. Chỗ mặt trời mọc (nhật xuất xứ) dĩ nhiên dùng để chỉ Nhật Bản và thiên tử có nghĩa là thiên hoàng. Trong khi đó, nước mặt trời lặn (nhật một xứ) ám chỉ nhà Tùy và thiên tử của họ không ai khác hơn là Dượng Đế.
Đọc thư xong, Dượng Đế nổi giận phán “Bọn man di thật vô lễ!”. Dĩ nhiên là như thế bởi vì trong quan hệ quốc tế với các nước ở Á Châu, Trung Quốc lúc nào cũng coi mình là thượng đỉnh, là trung tâm. Nhật Bản qua lá thư đó, muốn tạo cho mình một quan hệ bình đẳng thì việc hoàng đế Trung Quốc có giận dữ cũng là chuyện dễ hiểu.
Thế nhưng Tùy Dượng Đế không phải là ông vua tầm thường. Tuy khó chịu về lời lẽ trong quốc thư, chỉ một năm sau khi Ono no Imoko về nước, ông đã gửi viên sứ thần Bùi Thế Thanh sang đáp lễ. Lại nữa khi Ono no Imoko đến Tùy lần thứ hai, ông đã cho phép Takamuko no Genri (còn đọc là Kuromaro), Minabuchi no Shôan và tăng Min được giao lưu với người nước. Cuộc gửi sứ sang nhà Tùy về sau vẫn còn được tiếp diễn cho đến lúc Tùy bị diệt vong. Những điều các du học sinh Nhật Bản thu lượm lúc đó tại Trung Quốc sẽ là những tư tưởng chỉ nam cho cuộc cải cách xảy ra vào năm Taika (Taika no kaishin, 645).
[1] Umehara Takeshi, Nihon Bukkyô wo yuku, tr.41.
tin tức liên quan
Videos
Thử định vị Tự lực văn đoàn
Hội thảo khoa học: “Dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần với sự nghiệp bang giao, xây dựng và bảo vệ đất nước”
Hãy đọc lời ai điếu cho khoa học minh họa
Nhật bản và cải cách Minh trị (1866) trong nhận thức của nguyễn Trường Tộ
“Tết trồng cây” nét đẹp văn hóa mới ở Thanh Chương
Thống kê truy cập
114569291

275

2432

21674

227815

129483

114569291