Trật tự thế giới Mỹ được đặc trưng bởi một số lượng chưa từng có các quốc gia dân chủ; một sự thịnh vượng toàn cầu lớn hơn bao giờ hết, mặc dù có cuộc khủng hoảng đang diễn ra; và một nền hòa bình dài giữa các cường quốc lớn phản ánh những nguyên tắc và kỳ vọng của Mỹ, được xây dựng và duy trì bởi sức mạnh Mỹ trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế và quân sự.
Với sự trỗi dậy của Trung Quốc, với khủng hoảng tài chính và khủng hoảng kinh tế hiện nay, với sự trì trệ của nền kinh tế Mỹ và Châu Âu. Nhiều câu hỏi được đặt ra. Chẳng hạn như, có phải Mỹ đang trong tình trạng suy tàn, như nhiều người hiện đang tin như thế? Hay liệu có phải người Mỹ đang theo đuổi cú tự sát liều lĩnh của một siêu cường do sợ hãi không đúng chỗ về sự suy giảm quyền lực của chính bản thân họ? Liệu Trung Quốc có thể trở thành siêu cường thay thế Mỹ trong tương lai gần?
Cuốn sách này phân tích trật tự thế giới hiện hành và tìm cách trả lời cho các câu hỏi nêu trên, những câu hỏi và việc trả lời chúng một cách có cơ sở, có tầm quan trọng không chỉ với những người Mỹ mà cả với toàn thế giới.
Thông điệp quan trọng của cuốn sách cho người dân Mỹ, và có lẽ cho cả thế giới, là, sự suy tàn của Mỹ, nếu có, sẽ là một sự lựa chọn của người Mỹ chứ không phải là một định mệnh đối với họ. Cũng thế với các thể chế kinh tế. Trật tự kinh tế tự do là một sự lựa chọn, không phải là sản phẩm không thể tránh khỏi của sự tiến hóa. Để duy trì một trật tự thế giới cần đến sức mạnh quân sự.
Cuốn sách được viết một cách giản dị, dễ hiểu và hầu như không đòi hỏi bạn đọc phải có bất cứ kiến thức chuyên sâu nào để có thể hiểu được những thông điệp của tác giả.
Với các bạn đọc Việt Nam cuốn sách này có thể là một tài liệu tham khảo quý để giúp chúng ta hiểu hơn về thời đại, về thế giới, về khu vực, để tìm ra chỗ thích hợp của mình trong một thế giới đầy biến động và bị tác động mạnh bởi những tính toán của các cường quốc lớn.
Tôi nghĩ cuốn sách rất bổ ích cho các nhà chính trị, các nhà chiến lược, các nhà ngoại giao, các nhà chiến lược quân sự, các nhà hoạch định chính sách, các nhà báo, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội, các sinh viên học các ngành xã hội, và tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề nóng bỏng của thế giới ngày nay.
Bản dịch chắc còn nhiều thiếu sót mong bạn đọc thông cảm, lượng thứ, và chỉ bảo.
21-3-2012
Nguyễn Quang A
DẪN NHẬP
TRONG CUỐN SÁCH kinh điển của Frank Capra, cuốn It’s a Wonderful Life – Một Cuộc sống Tuyệt vời, nhân vật George Bailey có cơ hội để quan sát xem thế giới của ông giống cái gì giả như ông đã chẳng bao giờ sinh ra. Thật thú vị nếu chúng ta có thể làm cùng thứ đối với Hoa Kỳ, để quan sát xem thế giới trông ra sao giả như Hoa Kỳ đã không là cường quốc vượt trội, định hình nó trong sáu thập kỷ qua, và để tưởng tượng xem thế giới có thể trông thế nào giả như nếu Mỹ suy tàn, như rất nhiều người ngày nay tiên đoán.
Chúng ta coi nhiều dáng vẻ của thế giới ngày nay – quyền tự do phổ biến, sự thịnh vượng toàn cầu chưa từng có (bất chấp ngay cả cuộc khủng hoảng kinh tế hiện thời), và sự không có chiến tranh giữa các cường quốc – là dĩ nhiên. Năm 1941 đã chỉ có khoảng chục nền dân chủ trên thế giới. Ngày nay có hơn một trăm. Suốt thời kỳ bốn thế kỷ trước năm 1950, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu đã tăng ít hơn 1 phần trăm một năm. Từ 1950, nó đã tăng trung bình 4 phần trăm một năm, và hàng tỷ người đã thoát khỏi nghèo nàn. Nửa đầu thế kỷ hai mươi đã chứng kiến hai cuộc chiến tranh tàn phá nhất trong lịch sử loài người, còn trong các thế kỷ trước chiến tranh đã hầu như liên tục giữa các cường quốc. Nhưng trong sáu mươi năm qua đã không có cường quốc nào tiến hành chiến tranh với nhau. Thời đại của chúng ta được biết đến nhiều nhất vì một cuộc chiến tranh đã chẳng bao giờ xảy ra, giữa Hoa Kỳ và Liên Xô2.
Tất nhiên, có rất nhiều điều sai trái với thế giới của chúng ta, nhưng từ góc nhìn hàng ngàn năm của lịch sử thành văn, trong đó chiến tranh, chế độ chuyên quyền, và nghèo khổ đã là chuẩn, còn hòa bình, chế độ dân chủ, và thịnh vượng là những ngoại lệ hiếm hoi, thì thời đại chúng ta là thời hoàng kim.
Một số người tin rằng đấy là kết quả không thể tránh được của tiến bộ con người, một sự kết hợp của sự tiến bộ khoa học và công nghệ, một nền kinh tế toàn cầu gia tăng, sự củng cố các định chế quốc tế, các “chuẩn mực” tiến hóa của ứng xử quốc tế, và sự thắng lợi từ từ nhưng chắc chắn của nền dân chủ khai phóng đối với các hình thức cai trị khác – các lực lượng thay đổi vượt quá các hành động của con người và các quốc gia.
Nhưng cũng có khả năng khác. Có lẽ sự tiến bộ mà chúng ta hưởng đã không phải là một sự tiến hóa không thể tránh khỏi của loài người, mà đúng hơn là sản phẩm của một tập duy nhất và có lẽ thoáng qua của những hoàn cảnh: một sự sắp xếp cá biệt của quyền lực trong hệ thống quốc tế mà sắp xếp đó ủng hộ một thế giới quan hơn các thế giới quan khác. Có thể, nếu giả như các điều kiện đó thay đổi, nếu giả như quyền lực đã chuyển dịch, thì các đặc trưng của thế giới cũng thay đổi. Có lẽ nền dân chủ đã lan ra hơn một trăm quốc gia từ năm 1950 đã không đơn giản là bởi vì nhân dân đã khao khát dân chủ, mà bởi vì quốc gia hùng mạnh nhất thế giới từ năm 1950 đã là một nền dân chủ. Có lẽ sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu tuyệt vời của sáu thập kỷ vừa qua phản ánh một trật tự kinh tế được định hình bởi nền kinh tế thị trường tự do dẫn đầu của thế giới. Có lẽ thời đại hòa bình mà chúng ta biết có liên quan gì đó với quyền lực khổng lồ do một quốc gia nắm giữ.
Lịch sử chứng tỏ rằng các trật tự thế giới, kể cả trật tự của chúng ta, là tạm thời. Chúng nổi lên và sụp đổ. Và các định chế mà chúng dựng lên, các niềm tin hướng dẫn chúng, và “các chuẩn mực” định hình các mối quan hệ giữa các quốc gia bên trong chúng – những thứ đó cũng sụp đổ. Mọi trật tự quốc tế trong lịch sử đều phản ánh các niềm tin và lợi ích của các cường quốc mạnh nhất của nó, và mọi trật tự quốc tế đều thay đổi khi quyền lực chuyển sang cho các quốc gia khác với các niềm tin và lợi ích khác. Trong vài trường hợp, trật tự thế giới thịnh hành đã đơn giản suy sụp thành vô trật tự. Khi Đế chế La Mã sụp đổ, trật tự do nó nâng đỡ cũng sụp đổ theo. Không chỉ chính quyền và luật La Mã, mà toàn bộ hệ thống kinh tế trải từ Bắc Âu đến Bắc Phi đã bị phá vỡ và cần hàng thế kỷ để xây dựng lại. Văn hóa, nghệ thuật, thậm chí tiến bộ khoa học và công nghệ, đã bị đẩy lùi hàng thế kỷ. Người ta đã đánh mất công thức làm xi măng.
Chúng ta đã thấy sự sụp đổ tương tự của trật tự thế giới trong thời đại của chính chúng ta. Thế giới mà chúng ta biết ngày nay đã được dựng lên giữa sự hỗn độn và sự tàn phá theo sau Chiến tranh Thế giới II và sự sụp đổ của trật tự do Châu Âu chế ngự mà đã tiến hóa trong bốn thế kỷ. Trật tự đó đã còn xa mới hoàn hảo: nó đã gây ra nhiều cuộc chiến tranh, một chủ nghĩa đế quốc hung hăng, và sự áp bức rộng rãi các chủng tộc da màu, nhưng nó cũng đã tạo ra một kỷ nguyên của những tiến bộ con người vĩ đại. Vào cuối thế kỷ thứ mười chín người Anh kiểm soát các đại dương và sự cân bằng của các cường quốc trên lục địa Châu Âu cùng nhau đã tạo ra sự an ninh và ổn định tương đối để cho phép sự gia tăng về thịnh vượng, sự mở rộng khiêm tốn dẫu mong manh của các quyền tự do cá nhân, và một thế giới liên kết chặt chẽ hơn bởi các cuộc cách mạng về thương mại và truyền tin mà ngày nay chúng ta gọi là toàn cầu hóa. Nó đã giữ hòa bình giữa các cường quốc trong gần bốn thập kỷ sau các cuộc Chiến tranh Napoleonic, và một thời kỳ bốn thập kỷ khác sau các cuộc chiến tranh Thống nhất Đức. Nó đã thành công đến mức nhiều người đã kết luận vào buổi bình minh của thế kỷ hai mươi rằng nhân loại đã đạt đỉnh điểm của sự tiến hóa và rằng chiến tranh lớn và chính thể chuyên chế đã trở nên lỗi thời.
Thế nhưng, với sự nổ ra của Chiến tranh Thế giới I, thời đại hòa bình ổn định và thăng tiến chủ nghĩa khai phóng – của nền văn minh Âu châu đang đạt đỉnh điểm của nó – đã sụp đổ thành một thời kỳ của siêu–chủ nghĩa dân tộc, chế độ chuyên quyền, và tai họa kinh tế. Sự mở rộng hứa hẹn một thời của dân chủ và chủ nghĩa khai phóng đã ngừng lại, và rồi đảo chiều, để lại vài nền dân chủ bị áp đảo về số lượng và bị bao vây, sống bồn chồn lo lắng dưới cái bóng của các láng giềng phát xít và toàn trị mới của họ. Đột ngột, đó đã là một thế giới đầy các lãnh tụ ăn cướp ngồi trên đỉnh các chính quyền cướp bóc. Sự sụp đổ của các trật tự Anh và Âu châu đã không tạo ra một thời đại đen tối mới – tuy, nếu nước Đức Nazi và nước Nhật đế quốc giả như đã thắng, thì đã có thể – nhưng tai biến mà nó tạo ra, theo cách riêng của nó, đã không ít tàn phá khủng khiếp hơn.
Sự chấm dứt của trật tự Mỹ hiện thời sẽ có những hậu quả ít thảm khốc hơn? Đó là câu hỏi đáng hỏi bây giờ, khi rất nhiều người tính đến triển vọng Mỹ suy tàn. Một con số đáng ngạc nhiên của các trí thức, chính trị gia, và nhà quyết định chính sách Mỹ đón chào triển vọng đó với sự thanh thản. Có một cảm giác chung rằng sự kết thúc của thời đại của sự ưu việt Mỹ không nhất thiết có nghĩa là sự kết thúc của trật tự quốc tế khai phóng hiện thời. Sự kỳ vọng, nếu không phải giả thiết, là, các tính chất tốt của trật tự đó – nền dân chủ, sự thịnh vượng, hòa bình giữa các cường quốc – có thể vượt quá sự suy tàn của quyền lực và ảnh hưởng Mỹ. Ngay cả với sức mạnh Mỹ bị giảm đi, nhà khoa học chính trị G. John Ikenberry viết, “các nền tảng cơ sở của trật tự quốc tế khai phóng sẽ tồn tại và phát triển mạnh”3. Và có một quan điểm đi cùng rằng sự suy tàn của Mỹ trong mọi trường hợp đã là một sự thực của cuộc sống rồi, cho nên bất luận nó là điều tốt hay xấu, chúng ta chẳng có thể làm gì về chuyện đó.
Tương phản với cái phông này, đáng khảo sát tỉ mỉ xem trật tự thế giới hiện hành phụ thuộc ở mức độ nào vào quyền lực Mỹ và các tính chất đơn nhất của nó. Nó có nghĩa là gì đối với tương lai nếu giả như trật tự quốc tế không còn được định hình chủ yếu bởi Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh có ý thức giống nhau? Ai hay cái gì sẽ thế chỗ Mỹ? Và có một tập hợp khác của các câu hỏi quan trọng ngang thế: Có thật Mỹ đang suy tàn? Hay những người Mỹ ở trong mối nguy hiểm về việc tự sát trước của một siêu cường vì sự sợ hãi đặt không đúng chỗ về quyền lực đang suy tàn của nó?
Người dịch: Nguyễn Quang A
Nguồn: The Wold America Make - Robert Kagan- Alfred A.Knoff - New York
1. Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đánh nhau trong Chiến tranh Triều Tiên, nhưng liệu Trung Quốc bị nghèo khổ, một năm sau khi nổi lên từ nội chiến, có đủ tư cách như một cường quốc lớn khi đó còn là điều đáng ngờ. Năm 1950, khi GDP trên đầu người của Hoa Kỳ là hơn $9.000, của Trung Quốc là $614, dưới mức của Congo thuộc Bỉ. http://www.nationmaster.com/graph/eco_gdp_per_cap_in_195-economy-gdp-per-capita- 1950.
2. G. John Ikenberry, “The Future of the Liberal World Order,” Foreign Affairs, May/June 2011, p. 58.
3. Xem, chẳng hạn, G. John Ikenberry, Liberal Leviathan: The Origins, Crisis, and Transformation of the American World Order (Princeton, N.J., 2011), chap. 1.