Nhìn ra thế giới

Giáo trình lịch sử Nhật Bản (Kỳ 8)

Tiết 2: Chế độ trung ương tập quyền thành hình. Cải cách năm Taika.
 
2.1 Công cuộc phát triển của nhà Đường:

 
Năm 618, khi nhà Tùy đã bị diệt vong sau hai đời vua và khoảng non 40 năm chấp chính, nhà Đường lên thay là một triều đại mới mẻ, thống nhất được toàn quốc. Nhà Đường qui định luật lệ, hoàn thành một thể chế trung ương tập quyền chặt chẽ có tính pháp trị. Nhờ đó, thời gian trong niên hiệu Trinh Quán, xã hội thịnh trị và sức mạnh của quốc gia đạt đến chỗ sung mãn.
 
Sự phát triển của nhà Đường là liều thuốc kích thích mạnh mẽ đến các quốc gia trên bán đảo Triều Tiên. Ba nước Kôkuri, Kudara và Shiragi đều trở thành sân khấu của nhiều cuộc chính biến. Cả ba đều rắp tâm tập trung quyền lực vào trung ương và tranh giành ảnh hưởng với nhau, mong trở nên chủ nhân duy nhất của vùng đất này.
 
Giữa lúc đó, vào năm 645, Đường xua quân qua đánh Kôkuri vì họ không chịu phục tùng mình, gây căng thẳng cho khắp vùng Đông Á. Thành ra lúc ấy, ở nước Nhật cũng có nhiều biến đổi về mặt chính trị mà biến chuyển to lớn nhất chính là cuộc cải cách năm Taika.
 
2.2 Vụ đảo chánh đưa đến cuộc cải cách năm Taika:
 
Sau khi Thái tử Shôtoku và đại thần Soga Umako chết rồi, con của Umako là Emishi lên cầm quyền ở Nhật. Đến đời Thiên hoàng Kôgyoku (Hoàng Cực), Emishi và con là Iruka cùng nhau nấm giữ trọn quyền lực trong triều. Họ tha hồ lộng hành theo ý muốn.Để quyền lực đó mãi mãi nằm trong tay mình một cách không suy suyển, hai cha con đã cho người tấn công một kẻ có hy vọng nối ngôi là hoàng tử Yamashiro no Ôe, con trai của chính Thái tử Shôtoku, buộc hoàng tử phải tự sát. (Trong cách hiểu của người Nhật dưới chế độ luật lệnh thì hoàng tử nào mang tên Ôe (đại huynh) là kẻ có khả năng được nối ngôi). 
 
Lý do hai cha con Soga Emishi và Iruka mưu trừ Hoàng tử Yamashiro no Ôe là bởi vì ông là một trong hai người có nhiều xác suất lên làm vua. Người thứ hai có thể dính vào cuộc tranh chấp địa vị đó không ai khác hơn là Hoàng tử Furuhito no Ôe, vốn có dòng máu của họ Soga gần hơn nữa vì là con sinh ra giữa Thiên hoàng Jomei và một công nương con gái của Soga Umako. Trước đó, họ Soga đã kết tội mưu phản cho hoàng tử Yamashiro no Ôe, đuổi ông ra khỏi triều đình để cho người có liên hệ huyết thống gần gủi là Furuhito có thể tức vị.
 
Với tình trạng chính trị ở quốc nội như thế, các du học sinh và du học tăng từ bên nhà Đường đã đưa về rất nhiều thông tin. Một thế lực phản-Soga đã được thành hình qui tụ cả những người mang kiến thức mới mẻ từ ngoại quốc về nước ấy. Thế lực này mưu đồ một cuộc đảo chánh để lật đổ họ Soga và sau đó đã đi đến hành động. Người đóng vai trò trung tâm của nhóm chống đối họ Soga chẳng ai khác hơn là Nakatomi no Kamatari.
 
Cho đến lúc ấy, trong triều đình, vai trò của dòng họ Nakatomi hãy còn kém thua họ Soga những một bậc. Họ chỉ là những muraji giữ chức năng tế lễ cho nhà nước. Nhờ đảo chánh thành công mà một trăm năm sau, những người này đã kết hợp thành đại gia tộc Fujiwara đầy thế lực, nắm toàn quyền chỉ đạo vũ đài chính trị Nhật Bản.
 
Kamatari lắng nghe những điều các người đã xuất ngoại trở về thuật lại và cảm thấy cần thiết phải thành lập một chế độ chính trị pháp trị chủ nghĩa với thiên hoàng là trung tâm trong một quốc gia theo thể chế trung ương tập quyền. Năm 645, sau khi bàn luận cùng với người vốn chia sẻ quan điểm với mình là Hoàng tử Naka no Ôe, cả hai thực hiện cuộc đảo chính lật đổ và tiêu diệt cha con Soga Emishi và Iruka. Cần nhắc thêm rằng Hoàng tử Naka no Ôe là em cùng cha khác mẹ với Hoàng tử Furuhito no Ôe, người mang dòng máu Soga. Furuhito đối với Naka thì như thấy được qua cái tên, Furuhito đứng vào hàng anh.
 
Hôm đảo chính, Nakatomi no Kamatari vờ báo cáo rằng sẽ tổ chức nghi thức triều cống cho sứ giả 3 nước Triều Tiên đến yết kiến Thiên Hoàng ở Thái Cực Điện và mời Iruka tham dự. Ở đó, cánh đảo chính trước hết ám sát Iruka. Theo sách sử, chính Hoàng tử Naka đã chủ động cầm thương đâm chết ông này khi thấy các kẻ cộng mưu với mình quá khiếp sợ không dám ra tay. Nghe được tin con chết, Emishi thấy mình có sống cũng bằng thừa nên ngày hôm sau đã cho phóng hỏa phủ đệ và tự sát.
 
Cuộc đảo chính là một điểm chuyển hướng quan trọng trong lịch sử Nhật Bản vì nó sẽ được tiếp nối bằng những cuộc cải cách chính trị lớn.
 
2.3 Những tiến triển của cuộc cải cách chính trị:
 
Hai hôm sau khi đảo chính thành công, người em trai của nữ Thiên hoàng Kôgyoku (Hoàng Cực) là Thiên hoàng Kôtoku (Hiếu Đức) lên kế vị bà vì và lâm vào cảnh khó xử trước biến cố vừa xảy ra nếu tiếp tục giữ chính quyền. Chắc là hãy còn quá sớm để đưa  con trai làHoàng tử Naka no Ôe lên ngôi vì ông vừa mới nhúng tay vào máu, không thể tránh khỏi tiếng đời dị nghị. Dù sao Naka cũng được tấn phong Hoàng thái tử và nắm vai trò lãnh đạo nhà nước.
 
Chính phủ mới của Naka trước tiên họp tất cả quần thần dưới một cây tsuki (zelkova)[1] ở chùa Asuka (Asukadera), bắt họ phải thề trung thành tuyệt đói với người lãnh đạo.Các chức daijin (đại thần) và ômuraji (đại liên) trong chế độ trước bị bải bỏ, thay vào đó bằng sadaijin (tả đại thần) và udaijin (hữu đại thần), hai chức quan đứng đầu triều.Các người có thế lực trong nhóm hào tộc trung ương muốn tham dự vào chính quyền mới được bổ nhiệm vào chức này. Lúc đầu, người được chọn làm sadaijin là Abe no Uchimaro và udaijin là Soga no Kurayama no Ishikawamaro. Người thứ hai tuy con cháu nhà Soga nhưng là địch thủ của cánh Soga no Emishi và Iruka. Thực vậy, Soga no Ishikawamaro cũng gọi Soga no Umako bằng ông nội và vai anh em họ với Iruka. Vì một số mâu thuẫn, ông tách ra khỏi dòng chính của Soga và thành lập một chi nhánh riêng, hợp tác đắc lực với Hoàng tử Naka trong cuộc đảo chính. Một người con gái ông cũng là vợ của Naka[2]. Nhờ mối quan hệ này mà ông trở thành một người duy nhất thuộc họ Soga có tên trong danh sách chính phủ mới.
 
Nakatomi no Kamatari được cử vào chức uchitsuomi (nội thần) đóng vai phụ tá cho thiên hoàng, còn hai người du học sinh từ bên nhà Đường trở về, nhà sư Min và Takamuko no Genji thì được phong kuni no hakase (quốc bác sĩ). Hai ông trở thành “bộ não” cố vấn cho chính quyền trong việc soạn thảo chính sách. Các yếu nhân cần thiết để làm cuộc cải cách chính trị như vậy đã tụ họp được đông đủ.
 
Cũng vào năm đó, Nhật Bản bắt đầu đặt niên hiệu là Taika (Đại Hóa, 645-650) theo cách thức Trung Quốc, thiên đô về Naniwa (Ôsaka bây giờ) và như thế, cắt đứt mối liên lạc với vùng đất Asuka, kinh đô cũ từ nhiều đời.
 
Tháng giêng năm Taika thứ 2 (646), tờ chiếu mang tên Kaishin no Mikotonori (Chiếu chỉ đổi mới) gồm 4 điều được công bố. Đây là một văn kiện nổi tiếng và có tầm quan trọng rất lớn về mặt sử liệu. Nội dung viết như sau:
 
Điều 1: Bãi bỏ chế độ chia tư hữu dân (nông nô) và tư hữu địa (nông địa) của hoàng tộc và hào tộc. Nếu trước đây, hoàng tộc làm chủ các tầng lớp dân chúng gọi là nashiro và koshiro, các kho đụn gọi là miyake; hào tộc làm chủ các tầng lớp dân chúng gọi là kakibe và các điền trang gọi là tadokoro, thì bây giờ tất cả chỉ còn là những vật sở hữu của nhà nước theo chế độ gọi là kôchi (công địa) và kômin (công dân). Thay vào đó, hào tộc cấp cao sẽ được cấp thực phong (jikifu hay hehito tức một khoản lương tính theo số nóc gia) và các hào tộc cấp dưới sẽ được cấp fuhaku (bố bạch = vải lụa).   
 
Điều 2: Qui hoạch lại các khu vực hành chánh để thực thi trung ương tập quyền.
 
Điều 3: Lập sổ bộ hộ tịch và kế toán, tổ chức việc thu hồi và phân phát ruộng ban (hanten)[3].
 
Điều 4: Áp dụng một chế độ tô thuế thống nhất.
 
Bốn điều nói trên phản ánh việc thực thi chế độ trung ương tập quyền vào nhà nước.
 
Tuy vậy, cần nhắc đến ở đây một nghi vấn quan trọng: Sự hiện hữu của tờ chiếu nói đến việc đổi mới kia tuy về sau được khẳng định trong Nihon shoki thế nhưng, không nhất thiết là vào thời đó phép ban điền (handen) đã thực sự được áp dụng. Lại nữa, tuy việc qui hoạch khu vực hành chính và các chức tước như kokushi, gunshi cũng thấy trong sử sách nhưng “gun “ (quận) lúc đó không được viết bằng chữ Hán “quận” mà lại được viết là “bình” (bộ ngôn+bình) , đọc là Hyô hay Kôri [4] nếu ta dựa vào những chứng cứ hiện vật như thẻ gỗ đào lên được từ di tích cung Fujiwara.
 
Dù thế nào đi nữa, sau đó chính phủ cũng đã bãi bỏ chế độ shinabe (còn đọc là tomobe) vốn có tính cách thế tập và xúc tiến việc cải cách bằng cách lập ra một chế độ quan vị với chức danh. Việc tập quyền vào trung ương này đã được thực thi dưới thời Thiên Hoàng Kôtoku (Hiếu Đức, tại vị 645-654) bằng một loạt sắc lệnh. Như thế, cải cách không thông qua bằng những cuộc binh biến nữa mà là một loạt cải cách được gọi với cái tên chung là Taika no kaishin (Đại Hóa cải tân). Dần dần đến cuối thế kỷ thứ 7 thì ở Nhật, thể chế trung ương tập quyền mô phỏng theo khuôn mẫu của nhà Đường đã hình thành.
 
Từ khi thời Taika bắt đầu cho đến 5 năm sau đó (Taika 5, 649), cuộc cải cách Taika đã tiến những bước dài.Sở dĩ được như vậy là vì những người như Soga no Kurayama no Ishikawamaro, dù có công trong vụ đảo chính diệt họ Soga và từng nắm chức Hữu đại thần nhưng ở trong nội bộ mà hay phê phán chính quyền nên bị thanh trừng thẳng tay.
 
Đến khi đổi niên hiệu thành Hakuchi (650, Bạch Trĩ nguyên niên) khí thế của cuộc cải cách bỗng bị nhụt đi. Trong những năm cuối cùng đời trị vì của Thiên Hoàng Kôtoku, Hoàng tử Naka no Ôe cũng như vây cánh của ông là mẹ và anh chị em[5] dẫn dắt quần thần bỏ kinh đô Naniwa mà sang ở vùng Asuka. Có thể hiểu là giữa ông và cậu mình, Thiên Hoàng đương nhiệm Kôtoku, có một mối bất hòa sâu sắc.
 
Lúc đó, trên bán đảo Triều Tiên, Tân La (Shiragi) mưu đồ thống nhất bán đảo. Năm 660, Tân La liên quân với nhà Đường, tiêu diệt Bách Tế (Kudara, đồng minh truyền thống  của Nhật Bản). Hào tộc Bách Tế chỉnh đốn hàng ngũ để chống cự lại. Bọn họ gửi di thần Kishitsu Fukushin làm sứ giả sang Nhật cầu cứu và đón hoàng tử Hôshô (Phong Chương) của họ đang lưu vong bên đó về lãnh đạo. Người phải giải quyết vấn đề ngoại giao trọng yếu này là Nữ Thiên Hoàng Saimei, vừa mới lên ngôi thêm một lần nữa. Trước đó bà là Nữ Thiên Hoàng Kôgyoku, đã nhường ngôi cho em (Kôtoku) để tránh tiếng trong vụ sát hại nhà Soga của con mình (Naka no Ôe). 
 
Nữ Thiên Hoàng Saimei chấp thuận lời yêu cầu của Bách Tế, năm 661, tự mình dẫn quân đi tiếp ứng. Đoàn chiến thuyền trước tiên ghé lại cung Asakura trên đảo Kyuushuu.Thế nhưng Nữ Thiên Hoàng vì đã mang bệnh nên băng ở đây. Suốt từ đó về sau trong bảy năm trời, Hoàng Tử Naka no Ôe tuy xưng chế[6] chứ chưa tức vị vội nhưng trên thực tế là người điều khiển guồng máy chính trị.
 
Thế rồi, quân đội Nhật gồm khoảng 27.000 người dưới sự chỉ huy của Abe no Hirafu đã đổ bộ lên bán đảo Triều Tiên và giao tranh với liên quân Đường – Tân La. Trong trận đánh nổi tiếng năm 663 ở cửa sông Hakusonkô (Bạch Thôn Giang, Nhật gọi là Hakusuki no E). Abe no Hirafu, thực là là một tên tuổi lớn vì đã từng được cử đi dẹp giặc Emishi (Hà Di) trên miền Bắc.
 
Kết quả là quân Nhật bị liên quân Đường-Tân La đánh thua liểng xiểng đến nổi họ phải rút binh về nước. Từ đó, Nhật Bản hoàn toàn triệt thoái khỏi bán đảo, không lo việc cai trị bên Triều Tiên nữa mà phải co cụm lại để giải quyết vấn đề quốc nội. Còn như Tân La thì sau khi liên kết với Đường, cũng đã đánh bại láng giềng của mình là Kokuryô (Cao Cú Li). Năm 676, họ thành công trong việc đẩy được quân nhà Đường về nước và thực hiện công cuộc thống nhất bán đảo.
 
Việc xuất quân sang Triều Tiên là một thất bại ngoại giao nhưng nói cho cùng, không phải là hoàn toàn không đem đến những hậu quả tốt đẹp.
 
Sau trận bại chiến ở Hakusonkô, Nhật Bản đã có dịp đón nhận vào nước mình nhiều nhân tài lưu vong trong đám vương hầu, quí tộc có văn hóa Trung Quốc xuất thân từ Bách Tế. Nhờ đó mà kể từ triều Thiên Hoàng Tenji (Hoàng tử Naka no Ôe) trở đi, việc sáng tác thi ca bằng chữ Hán trong cung đình trở thành một hiện tượng đáng chú ý. Những người như Hoàng Tử Ôtsu (một trong những con trai của Tenji) đã để lại nhiều vần thơ có giá trị. Không những thế, thơ quốc âm Waka (Hòa ca), phát xuất từ ca dao cổ đại, cũng nhờ nhận ảnh hưởng của Hán thi mà định hình được thể năm bảy chữ (ngũ âm thất âm) qua hai hình thức cơ sở của nó là chôka (trường ca) và tanka (đoản ca).Đó là thời kỳ hoạt động của các nhà thơ nam nữ tên tuổi như Kakinomoto no Hitomaro và Nakata no Ôkimi. Hai tác phẩm được đời truyền tụng của giai đoạn này là Kaifuusô (Hoài Phong Tảo, Hán thi) và Man.yôshuu (Vạn Diệp Tập, thơ Waka).
 
Lấy kinh nghiệm Hakusonkô, Hoàng tử Naka no Ôe lên thay mẹ là Nữ Thiên Hoàng Saimei lo củng cố việc quốc phòng để đối đầu được với Đường và Tân La.Đồng thời ông cũng dồn tâm lực vào nội chính.Ông đặt lính thú sakimori (phòng nhân), lập hệ thống đài phong hỏa (tobuhi) ở Kyuushuu, tổ chức phủ Dazai (Thái tể phủ) trên đảo ấy, xây thành bên bờ biển (mizuki = thủy thành) vào năm 664 ở phía bắc đảo để phòng thủ nó. Ông lại lợi dụng kỹ thuật của người Bách Tế để xây một loạt thành quách trên núi (yamajiro = sơn thành) từ đảo Tsushima ngoài khơi cho đến vùng Yamato trong nội địa.Hai thành trì nổi tiếng trong loại này là thành Ônojô ở phía bắc phủ Dazai và thành Kiijô phía nam phủ, đều được xây trên núi để ngăn giặc đến tấn công.
 
Thế rồi năm 667, Hoàng tử Naka no Ôe thiên đô về cung Ôtsu vùng Ômi bên hồ Biwa. Năm sau (668), ông chính thức lên ngôi thiên hoàng lấy hiệu là Tenji. Đó là điểm kết thúc của một cuộc hành trình khá dài (23 năm) kể từ khi ông nhúng tay vào chính trị (diệt Soga no Iruka vào năm 645). Chính trị của triều ông bắt đầu bằng cái lệnh (ryô) gọi là lệnh Ômi (Ômiryô), qua nó, ông tuyên bố việc thiên đô về Ômi. Năm 670, ông lại cho lập sổ hộ tịch đầu tiên trên toàn quốc. Đó là Bộ hộ tịch năm Canh Ngọ (Kôgonennjaku = Canh Ngọ niên tịch) mà ông xem như cơ sở cho cuộc cải cách chính trị của mình. Trong bộ hộ tịch này, ông đặt trọng tâm vào việc xác nhận tên họ (shisei = thị tính) của mỗi người. Theo luật lệnh của nhà nước, những gì thuộc về đơn vị “hộ” (ko) đều được qui định rõ ràng. Lệnh ấy gọi là hộ lệnh (koryô) Các bộ hộ tịch thường thường đều có thể vứt bỏ sau thời gian là 30 năm nhưng lần này, nhà nước qui định là bộ hộ tịch toàn quốc sẽ được gìn giữ lâu dài. 
 
2.4 Cuộc biến loạn năm Nhâm Thân:
 
Khi Thiên Hoàng Tenji băng, triều đình Ômi trở thành sân khấu một cuộc huynh đệ tương tàn vì vấn đề thừa kế ngôi báu. Đó là nguồn gốc của chính biến gọi là Jinshin no ran (Cuộc biến loạn năm Nhâm Thân). Năm 672, em Thiên Hoàng Tenji là hoàng đệ Ôama từ Yoshino đã khởi binh để tranh đoạt quyền bính với con của Tenji (cũng là cháu trai và rễ mình), Hoàng tử Ôtomo. Căn cứ Yoshino của Ôama là một nơi có địa thế rất quan trọng. Ở đây có một trong 3 cửa quan quan trọng là Suzukanoseki (hai cửa ải kia là Fuwa và Arachi). Ôama đã vượt được ải đó để vào vùng Mino và Owari, chiêu mộ binh sĩ cũng như thành lập giao ước đồng minh với các tay hào tộc đất Yamato. Từ đó ông mới vượt ải Fuwa đến Ômi tranh chiến và tiêu diệt cánh Hoàng tử Ôtomo. Theo bộ sử Nihon shoki, Hoàng tử Ôtomo sau khi thất bại đã treo cổ tự sát ở Yamazaki (nay thuộc Kyôto)
 


[1] Một loại cây cao đến 20m, tán rộng cỡ 3m, mọc trong núi, thuộc họ sồi, còn gọi là keyaki.
[2] Có tác giả cho rằng đây là một kế của Nakatomi no Kamatari để bảo đảm quan hệ đồng minh giữa hai người (xem Monogatari: Umi no Nihonshi, Lịch sử biển của người Nhật)
[3] Ban điền (hanten) hay ruộng khẩu phần (khâ3u phần điền = kubunden) là ruộng được đem chia cho người dân các hộ tùy theo số miệng ăn và số người lao động để họ canh tác để sinh sống và nộp thuế cho nhà nước.
[4] Thành phố Kôriyama nằm trong tỉnh Fukushima ngày nay co tên Hán là Quận Sơn.
[5] Mẹ ông là Nữ Thiên Hoàng Kôgyoku, trùng tộ (lên ngôi thêm lần nữa) để thành Nữ Thiên Hoàng Saimei sau cái chết của Thiên Hoàng Kôtoku.Còn Naka no Ôe sẽ trở thành Thiên Hoàng Tenji khi mẹ mất.
[6] Xưng chế là việc đảm nhận chức vụ trong buổi giao thời sau cái chết của hoàng đế, thường thấy ở Trung Quốc cũng như Nhật Bản.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114569291

Hôm nay

275

Hôm qua

2432

Tuần này

21674

Tháng này

227815

Tháng qua

129483

Tất cả

114569291