2/ Buổi giảng đầu tiên của thầy đã lưu lại cho cả lớp chúng tôi và nhất là cho riêng tôi một kỉ niệm khó quên .Thầy mở đầu bằng việc phân tích bố cục của toàn bài.
Thầy lần lượt giảng 6 điểm cho cả lớp ghi :
---Đây là một bài hiện chỉ còn 26 câu / 1 /.
---Trong mỗi câu ,phần chính văn bao giờ cũng gồm hai vế đối nhau.Phần chính văn là phần cốt lõi tạo nên cái giá trị văn chương cho bài văn tế. Ngoài phần chính văn đó thường còn có thêm vào những lời để tán thán ,như THAN RẰNG, ÔI ...; những lời để xưng hô , khuyên mời , như BẢN TƯỚC NAY, THƯỢNG HƯỞNG ..., hoặc những lời đưa đẩy , như ĐÃ HAY .....NHƯNG .......v.v. Những lời phụ thêm này cũng rất cần thiết về mặt tình cảm nhưng không thuộc chính văn nên thường phải in nghiêng ra để tiện phân biệt .
---Bài VĂN TẾ này có thể chia thành 3 đoạn . Đọan A mở đầu bằng 2 chữ THAN RẰNG rồi bằng 2 câu :
--câu số 1 : 32 chữ (gồm hai vế 16 + 16 chữ )
--rồi câu số 2 : 14 chữ (gồm hai vế 7 + 7 chữ )
---Tiếp đó là đoạn B mở đầu bằng 2 chữ AI ÔI và 16 câu :
--câu số 3 : 8 chữ (gồm 2 vế 4+ 4 chữ )
--câu số 4 : 28 chữ (gồm 2 vế 14+14 chữ )
--câu số 5 : 16 chữ (gồm 2 vế 8+ 8 chữ )
--câu số 6 : 48 chữ (gồm 2 vế 24+24 chữ )
--câu số 7 : 16 chữ (gồm 2 vế 8+ 8 chữ )
--câu số 8 : 60 chữ (gồm 2 vế 30+30 chữ )
--câu số 9 : 16 chữ (gồm 2 vế 8+ 8 chữ )
--câu số 10 : 50 chữ (gồm 2 vế 25+25 chữ )
--câu số 11 : 32 chữ (gồm 2 vế 16+16 chữ )
--câu số 12 : 16 chữ (gồm 2 vế 8+ 8 chữ )
--câu số 13 : 46 chữ (gồm 2 vế 23+23 chữ )
--câu số 14 : 14 chữ (gồm 2 vế 7+ 7 chữ )
--câu số 15 : 44 chữ (gồm 2 vế 22+22 chữ )
--câu số 16 : 52 chữ (gồm 2 vế 26+26 chữ )
--câu số 17 : 16 chữ (gồm 2 vế 8+ 8 chữ )
--câu số 18 : 44 chữ (gồm 2 vế 22+22 chữ )
--- Rồi đến đọan C mở đầu bằng 3 chữ BẢN TƯỚC NAY và 8 câu :
--câu số 19 : 8 chữ (gồm 2 vế 4+ 4 chữ )
--câu số 20 : 28 chữ (gồm 2 vế 14+14 chữ )
--câu số 21 : 14 chữ (gồm 2 vế 7+ 7 chữ )
--câu số 22 : 32 chữ (gồm 2 vế 16+16 chữ )
--câu số 23 : 16 chữ (gồm 2 vế 8+ 8 chữ )
--câu số 24 : 54 chữ (gồm 2 vế 27+27 chữ)
--câu số 25 : 16 chữ (gồm 2 vế 8+ 8 chữ )
--câu số 26 : 52 chữ (gồm 2 vế 26+26 chữ)
---Cuối cùng , kết thúc toàn bài là 2 chữ THƯỢNG HƯỞNG.
3/ Kế đến Thầy nhận xét :
---Phần B và phần C đều kết cấu như nhau : đều mở đầu bằng một câu ngắn, chỉ 8 chữ gồm hai vế 4 + 4 chữ . ---Rồi sau đó cứ luân phiên , một câu dài lại đến một câu ngắn .Các anh xem phần C thấy có đúng thế không ? Thầy dừng lại một tí như có ý chờ chúng tôi kiểm tra cho xong ,rồi bỗng nhiên Thầy hỏi: ---Còn phần B thì sao ? Tôi có sẵn cuốn sách VIỆT VĂN HỢP TUYỂN GIẢNG NGHĨA trong tay nên đứng dậy thưa : Thưa Thầy , theo trong sách thì phần B còn sót 2 câu ngắn nữa ạ !
Thầy tỏ ra rất phấn khởi , đứng dậy khỏi bục giảng ngay ,và hỏi tôi dồn dập : ---Sách đã in rồi à ? Cuốn sách gì ? ---Có phải họ đã thêm câu RUỔI RONG TRĂM TRẬN... và câu TÌNH XƯA LAI LÁNG...không ?
Tôi thưa với Thầy là đúng 2 câu đó , nhưng đó là 2 câu do anh tôi chép thêm vào trong cuốn sách của Lê Thành Ý và Nguyễn Hữu Tiến biên sọan.
Nghe vậy, thầy lại ngôi xuống ,giọng nói có vẻ hơi buồn buồn :. ---Vậy vẫn chưa đâu in ra cả ! Anh là em của anh Nguyễn Tài Chất có phải không ? Anh Nguyễn Tài Chất trước cũng đã học bài này với tôi. Tôi đã giảng và anh ta đã ghi chép cẩn thận, lưu lại cho anh..
Rồi Thầy đứng dậy , đi lại bảng ,vừa cầm phấn viết , vừa giảng : ----Câu ngắn 2 vế
RUỔI RONG TRĂM TRẬN ÁNG CƯƠNG TRƯỜNG
RẢI RÁC MẤY NGƯỜI NƠI ĐẠO LỘ
phải thêm vào , chen vào giữa hai câu dài số 10 ,11.
---Còn câu ngắn 2 vế
TÌNH XƯA LAI LÁNG BUỔI TÀ Ô
DẤU CŨ NGẬM NGÙI NƠI DẠ THỎ
lại phải thêm vào , chen vào giữa hai câu dài số 15 , 16
---Và toàn bài tổng số sẽ có 28 câu cả thảy .
Thầy trở lại ngồi vào bục giảng , vừa trầm ngâm vừa nói : bài văn hay như thế , bố cục chặt chẽ như thế mà sách nào cũng in sai , thực đáng tiếc . Nếu tôi không đặt nghi vấn , chịu khó đi hỏi các chuyên gia , và nếu không có hai vị danh nho chí tình giúp đỡ thì sao tôi có thể giảng cho các anh được như thế này ! / 2 /
****
4/ Sau ngày mồng 9 tháng 3 năm 1945 , Nhật đảo chính Pháp., tôi không còn gặp lại Thầy. Tôi làm liên lạc viên bí mật cho Mặt trận Việt Minh cho đến tháng 8 rồi sau cướp chính quyền, về địa phương tham gia công tác kháng chiến , rồi vào Ngành giáo dục ,rồi đi Liên Xô ,rồi về dạy Đại học Tổng hợp Hà Nội. Mãi đến giai đọan chống Mỹ cứu nước ,tình cờ tôi mới được gặp lại Thầy trong một cuộc hội nghị . Hình như đó là một buổi Hội đồng hương Thanh Hóa tổ chức gặp mặt nhân Ngày Quốc tế các nhà giáo, thì phải . Thầy được mời lên ghế chủ tịch đoàn , ngồi bên cạnh nhà thơTố Hữu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy .Bắt đầu hội nghị , nhà thơ ghé tai nói nhỏ gì đó với Thầy rồi đứng lên khai mạc.
Hội trường im lặng . Giọng nhà thơTố Hữu sôi nổi :
Thầy Lê Xuân Phương chúng ta đều biết cả rồi.Tôi là học trò của Thầy .Nhiều anh em ở đây cũng đã học với Thầy. Thầy là một Nhà giáo cách mang lão thành công lao cống hiến cho ngành Giáo dục rất to lớn.Nhưng hôm nay tôi xin kể thêm một bí mật chỉ tôi và Thầy biết để chúng ta hiểu rõ thầy hơn nữa.
Rồi nhà thơ kể lại chuyện , thời Pháp thuộc ,một buổi chạng vạng tối Anh bị mật thám, cảnh sát bao vây truy lùng .Anh tìm cách trốn vào nhà Thầy.Nhận ra.tình thế nguy hiểm của Anh ,Thầy không tỏ ra sợ hãi mà chỉ hết sức cẩn thận, lo dấu cho không ai biết ,và lo tìm chỗ kín đáo cho Anh ẩn nấp.Rồi Thầy còn hỏi Anh cần trốn bao lâu để Thầy liệu. Khi biết đêm ấy Anh cần phải ra đi vi một việc gấp ,Thầy đã bí mật tổ chức cho Anh ăn tối, tổ chức cho Anh cải trang ,đưa Anh một số tiền đủ để chi tiêu hơn nửa tháng, rồi đến khuya Thầy khéo léo giúp Anh thoát đi được.một cách rất êm đẹp . / 3 /
Cả hội trường như nín thở khi nghe nhà thơ kể . Và ai cũng hướng nhìn về phía thầy , vô cùng xúc động.
5/ Tôi cũng xúc động ,hiểu thêm về tinh thần yêu nước của Thầy và tự nhiên bỗng nghĩ đến hai cụ nhà Nho đã giúp Thầy đính chính bài VĂN TẾ TRẬN VONG TƯỚNG SĨ. Đến giờ nghỉ giải lao tôi lại chào Thầy và hỏi ngay về chuyện ấy. .Hóa ra Thầy vẫn rất say sưa về bài VĂN TẾ .Thầy nói : ---Thì tôi đánh liều ,tìm cách qua mặt bọn mật thám ,. mạo hiểm đến hỏi Cụ Phan Bội Châu chớ ai ? Vừa may có Cụ Huỳnh Thúc Kháng ghé thăm nên tôi hỏi luôn cả Hai Cụ .Hai Cụ thuộc lòng bài VĂN TẾ từ nhỏ, hỏi câu nào cũng đọc lên vanh vách .Có thế Các Cu mới giúp chúng ta đính chính được sai lầm này trong lịch sử văn học chứ !
===========================================
CHÚ THÍCH
/1/ Khái niệm CÂU trong CÂU ĐỐI không giống với CÂU trong cú pháp .Đó là một đơn vị gồm 2 vế đối nhau, ngay trong một vế có khi còn có thể chia thành nhiều câu nhỏ.
/2/ Trong bài VĂN TẾ đang nhiều chỗ có dị bản khác nhau như ĐÈO NGANG đối với LÁ SỔ (chứ không phải LÁ SỐ), LẬP LÒE LỬA TRƠI (chứ không phải LỬA CHƠI ) v.v. và rất nhiều từ ngữ khó, nhưng những điều ấy Thầy giảng ở những buổi sau .
/3/ Muốn rõ chi tiết , Xin xem thêm MỘT THỜI ĐỂ NHỚ ĐỂ THƯƠNG --Hồi kí của . Tâm Hương , NXB Phụ nữ ,năm 2005.
===========================
VĂN TẾ TRẬN VONG TƯỚNG SĨ
(Nguyễn Văn Thành ?)
Than rằng
---Trời Đông phố vận ra Sóc cảnh , trải bao phen gian hiểm mới có ngày nay !
Nước Lô hà chảy xuống Lương giang , nghĩ mấy kẻ điêu linh những từ thuở nọ .
--- Đã hay Sinh là kí mà tử là qui ;
nhưng Mệnh ấy yểu mà danh ấy thọ .
Ai ôi !
---Tình dưới viên mao ,
Phận trong giới trụ .
---Ba nghìn họp con em đất Bái , cung tên ngang dọc chí nam nhi ;
Trăm hai vầy bờ cõi non Kì , cơm áo nặng dày ơn cố chủ .
---Giấn thân cho nước, son sắt một lòng ;
Nối nghĩa cùng thầy , tuyết sương mấy độ !
---Kẻ thời theo cơ đích chạy sang miền khách địa , hăm hở mài nanh giũa vuốt , chỉ
non Tây thề chẳng đội trời chung ;
Kẻ thời đón việt mao trở lại chốn sơ cơ , dập dìu vén cánh giương vây , trông
cõi Bắc quyết thu về đất cũ .
---Nằm gai nếm mật , chung nỗi ân ưu ;
Mở suối bắc cầu , riêng phần lao khổ .
---Trước từng trải Xiêm la , Cao miên về Gia định mới dần ra Khánh , Thuận , đã
mấy buổi sơn phong hải lễ , trời Cao Quang soi khắp tấm kiên trinh ;
Rồi lại từ Đồ bàn , Nam Ngãi , lấy Phú xuân mà thẳng tới Thăng long , biết
bao phen vũ pháo vân thê , đất Lũng Thục lăn vào nơi hiểm cố .
---Phận truy tùy gẫm lại cũng cơ duyên ;
Trường chiến đấu biết đâu là mệnh số ?
---Kẻ thời chen chân ngựa quyết giật cờ trong trận, xót lẽ gan vàng mà
mệnh bạc , nắm lông hồng theo đạn lạc tên bay ;
Kẻ thì bắt mũi thuyền toan cướp giáo giữa dòng ,thương thay phép trọng để
thân khinh , phong da ngựa mặc bèo trôi sóng vỗ .
---RUỔI RONG TRĂM TRẬN ÁNG CƯƠNG TRƯỜNG ,
RẢI RÁC MẤY NGƯỜI NỚI ĐẠO LỘ .
---Hồn tráng sĩ biết đâu miền minh mạc, mịt mù gió lốc thổi dấu tha hương ;
Mặt chinh phu khôn vẽ nét gian nan , lập lòe lửa trơi soi chừng cổ độ .
Ôi !
---Cùng lòng trung nghĩa , khác số đoản tu ;
Nửa cuộc công danh , chia phần kim cổ .
---Đoái là tiếc xương đồng da sắt , thanh bảo kiếm đã trăm rèn mới có,
nợ áo cơm phải trả đến hình hài ;
Những là khen dạ đá gan vàng , bóng bạch câu xem nửa phút như không,
ơn dày đội cũng cam trong phế phủ .
---Phận dầu không gác khói , đài mây ;
Danh đã dậy ngàn cây , nội cỏ .
---Thiết vì thuở theo cờ trước gió , thân chẳng quản màn sương đệm giá ,
những chờ xem cao thấp bức cân thường ;
Tiếc cho khi lỡ bước giữa dòng , kiếp đã về cõi suối làng mây .
nào kịp thấy ít nhiều ơn vũ lộ .
---TÌNH XƯA LAI LÁNG BUỔI TÀ Ô ;
DẤU CŨ NGẬM NGÙI NƠI DẠ THỎ .
---Vâng Thượng đức mới hồi loan tháng trước ,đoàn ứng nghĩa dẫu Quảng ,Thuận ,
Nghệ ,Thanh cũng vậy , giội ân quang gieo khắp xuống đèo Ngang ; . Mà những người từng thượng trận ngày xưa, rắp tấu công từ NGỌ ,VI
THÂN ,DẬU tới nay , treo tính tự để nằm trong lá Sổ
---Ngọn còi rúc nguyệt , nơi tẻ nơi vui ;
Dịp trống dồn hoa , chốn tươi chốn ủ .
---Đã biết rằng anh hùng thì chẳng quản ,trăm trận một trường oanh liệt ,
cái sinh không , cái tử cũng là không ;
Nhưng tiếc cho tạo hóa khéo vô tình , nghìn năm một hội tao phùng ,
phận thủy có , phận chung sao chẳng có ?
Bản tước nay :
---Vâng việc biên phòng ;
Chạnh niềm viễn thú.
---Dưới trướng nức mùi chung đỉnh , sẽ nhớ khi chén rượu rót đầu ghềnh;
Trong nhà rỡ vẻ áo xiêm , chạnh nghĩ buổi tấm cừu vung trước gió .
---Bâng khuâng kẻ khuất với người còn ;
Tưởng tượng thầy đâu thờì tớ đó .
---Nền phủ định tới đây còn xốc nổi , vụ lòng một lễ , chén rượu thoi vàng ;
Chữ tương đồng ngẫm lại vốn đinh ninh,đông mặt ba quân, cờ đào nón đỏ .
---Có cảm thông thời tới đó khuyên mời ;
Dầu linh thính hãy nghe lời dặn dỗ .
---Buổi chinh chiến hoặc là oan hay chẳng , cũng chớ nề kẻ trước người sau ,
hàng trên lớp dưới , khao thưởng rồi sẽ tấu biểu chương cho ;
Hội thanh bình đừng có nghĩ rằng không ,dù ai còn cha già mẹ yếu,
vợ góa con thơ , an tập hết cũng ban tồn tuất đủ .
---Hồn phách đâu cũng ngày tháng Thuấn Nghiêu;
Hài cốt đó cũng nước non Thang Vũ .
---Cơ huyền diệu hoặc thăng trầm chưa rõ , thiêng thời về Cố quận, để hương
thơm lửa sáng , kiếp tái sinh lại nhận cửa tiền quân ;
Niềm tôn thân dù sinh tử chớ nề ,linh thời hộ Hoàng triều , cho bể
lặng sông trong, duy vạn kỉ chẳng dời ngôi bảo tộ .
Thượng hưởng !
======================
CHÚ THÍCH : Hiện có một số bản in hơi khác nhau .Chúng tôi chọn theo bản đã công bố trong cuốn VIỆT VĂN HỢP TUYỂN GIẢNG NGHĨA do Lê Thành Ý và Nguyễn Hữu Tiến biên soạn để giảng dạy trong nhà trường. Cuốn sách giáo khoa này xuất bản năm 1925 , vậy cũng thuộc vào lọai đã khá cổ.
: