Nhìn ra thế giới

Giáo trình lịch sử Nhật Bản (Kỳ 11)

Tiết 5: Chế độ ruộng đất và thuế má của nhà nước luật lệnh.

5.1 Chế độ cấp phát ruộng (Handen):

Trong một thời gian dài, các hào tộc đã được quyền có đất riêng và nông dân phục vụ riêng cho mình. Đến khi nhà nước luật lệnh thành lập, chính phủ ngăn cấm họ không có quyền ở hữu đất đai và dân chúng nữa.

Ngược lại, nhà nước đổi nguyên tắc, xem những thứ đó là công địa công lãnh, đặt tất cả dưới sự kiểm soát của mình để dễ bề thu thuế. Như thế, cả đất đai và con người đều trở thành của công, cấm buôn đi bán lại. Đây là một hệ thống tài vật mới dưới quyền quản lý của nhà nước. Nói cách khác, đó là chế độ  “công điền công lãnh” xử lý công điền công thổ mà bộ luật cấp phát ruộng đất cho dân làm ăn gọi là Handen shuujuuhô (Ban Điền Thu Thụ Pháp[1]) đã dựa lên trên.    

Để có thể thực hiện một cách triệt để phương sách này, trước tiên chính phủ phải soạn sẳn một bộ hộ tịch (koseki) và sổ sách để ghi chép những con tính (keichô) trong đó mỗi người dân đều được đăng ký. Chính phủ tổ chức những đơn vị làng xã (gọi là ri hay lý, mỗi ri gồm 50 hộ nóc gia), như vậy chính trị luật lệnh sẽ được áp dụng đến hang cùng ngõ hẻm vì họ biết cả nơi cư trú của từng mỗi một người dân. Hộ tịch thì cứ 6 năm được làm lại một lần. Nam nữ khi đã trên 6 tuổi đều phải được mỗi chủ hộ (koshu) khai báo để được hưởng một phần ruộng gọi là “ruộng khẩu phần” (kubunden = khẩu phần điền). Người nào chết nhà nước sẽ thu lại phần ruộng khẩu phần của người ấy.

Ruộng khẩu khần là ruộng được cấp phát cho, chia cho , nên mới có tên là handen (ban điền). Như vậy hộ tịch được lập thành là để ghi chép cách chia ruộng đất cho dân.

Tuy rằng mỗi một người “lương dân” bất luận nam nữ, cứ trên 6 tuổi sẽ được cấp ruộng khẩu phần nhưng việc ấy đã xảy ra cụ thể như sau: con trai thường dân mỗi người được 2 “dan”, con gái được 2/3 “dan”. “Dan” được tính ra là 360 bộ tương đương với 11,7 sào tây (are). Như thế, đàn ông con trai mỗi người được 720 bộ và đàn bà con gái 480 bộ vậy.

Hai chữ lương dân (ryômin) ám chỉ người thường dân nói chung. Theo nhà nước luật lệnh thì đó là những dân thường, không thuộc vào hạng người có một kỹ năng gì đặc biệt để có thể trực thuộc vào một shinabe (phẩm bộ) hay zakko (tạp hộ) tức người giúp việc cho nha sở nào đó triều đình và cũng không thuộc vào hạng tiện dân (senmin), đối tượng của sự kỳ thị .Tuy bị đặt bên dưới những người thường dân khác, tiện dân cũng được cấp đất canh tác kiếm sống nhưng chỉ là 1/3 đất dành cho lương dân mà thôi. Như vậy, ruộng khẩu phần của một nam tiện dân là 720 bộ /3 hay 240 bộ. Người nữ chỉ vỏn vẹn có 160 bộ.

Tiện dân lại chia ra làm 5 hạng, gọi là năm loại tiện dân (goshiki no sen). Không phải tất cả bọn họ đều được cấp 1/3 số ruộng so với lương dân. Cùng là tiện dân với nhau nhưng lại phân chia theo thứ hạng. Ba hạng đầu gồm những kẻ lo canh gác, trông coi lăng mộ cho hoàng tộc (ryôko =lăng hộ), những kẻ phục dịch cho nhà quan và gia đình có đủ số người để thành một hộ (quan hộ = kanko), nô tì nhà quan nhưng không đủ số người để thành hộ ( kunihi =công nô tì). Vì là nô bộc ở cửa công nên ba hạng này tuy là tiện dân nhưng được đối xử không khác lương dân. Chỉ riêng 3 hạng sau gọi là kenin (gia nhân) và shinuhi (tư nô tỳ) làm việc cho tư nhân thì mới bị giảm số ruộng khẩu phần chỉ còn 1/3 của lương dân. Với cách phân phối chặt chẽ như thế, nhà nước thời đó có thể nắm được con số thống kê về các hộ, số ruộng đất chia và nguồn thuế của từng địa phương một. Nó cũng giúp người nghiên cứu ngày nay tạo lập lại hình ảnh của xã hội lúc ấy và tìm thấy những dữ kiện khá chính xác để hiểu cuộc sống của nông dân Nhật Bản thời cổ.

Dĩ nhiên, khi một người chết đi thì đến lần lập hộ tịch sau (cứ 6 năm là đến hannen hay “ban niên” hay năm ban phát), đất sẽ bị nhà nước sung công (thu hồi mà Nhật gọi ngược là kaishuu hay hồi thu) và đưa cho người khác. Đó là nguyên tắc cơ bản của luật handen (ban điền) cung cấp và thu hồi ruộng đất này Bên cạnh khẩu phần điền dành cho mọi người còn có các qui chế iden (vị điền) và shikiden (chức điền) ban phát cho quan lại theo địa vị và chức tước của họ.

5.2  Qui chế xử lý:

Khi thực hiện luật handen, nhà nước còn cần phải có một qui chế giúp họ xử ( và điều hành) luật ấy một cách tốt đẹp. Qui chế nói ở đây là jôrisei (điều lý chế), dùng vào việc qui hoạch đất đai và được tổ chức với hình thức như sau: 

Trước hết, đất đai được chia thành nhiều khu vực hình vuông mỗi bề dài là 6 chô (đinh). Vì 1 chô là 60 bu (bộ) tương đương với 108m, cho nên bề dài 6 chô có nghĩa là 468m . Một bề của miếng đất được gọi là jô (điều), bề kia được gọi là ri (lý). Miếng đóng khung giữa hai được vây bọc bởi jô và ri cũng được gọi là ri. Diện tích của ri (lý) khi phân chia thành từng ô một với chiều dài mỗi bên 1 chô được gọi là tsubo (quốc tự viết với chữ thổ+bình). Mỗi tsubo còn được chia thành 10 phần bằng nhau gọi là dan (đoạn). Như thế, đơn vị cơ sở của đất đai là dan. Cách chia tsubo thành dan có thể thực hiện theo 2 phương pháp: Hoặc chia theo hình thù một vạt đất dài (chôchigata): 60 bu x 6 bu = 360 bu ( = 1 dan); hoặc chia theo hình thù một vạt đất ngắn (han.origata): 30 bu x 12 bu = 360 bu (= 1 dan). Như thế, người ta sẽ biết một cách rõ ràng diện tích miếng đất  rộng bao nhiêu jô, bao nhiêu ri, bao nhiêu tsubo.

Cách tính toán, phân chia như thế hãy còn ảnh hưởng đến ngày nay. Người Nhật bây giờ khi hỏi chuyện về nhà cửa đất cát với nhau vẫn tính toán diện tích theo tsubo.

5.3 Các thứ tô thuế phụ đảm bởi nông dân:

Nhờ có chế độ handen (ban điền) cấp ruộng để làm ăn như thế mà người nông dân Nhật Bản thời xưa được bảo đảm mức sống tối thiểu. Ít nhất đó là chủ ý của nhà làm luật buổi đầu. Trên nguyên tắc, đã có ruộng nhà nước cấp không bồi hoàn như thế thì chỉ cần chịu khó đổ mồ hôi ra lao động thì khả dĩ sẽ có miếng ăn.

Thế nhưng xã hội luật lệnh không chỉ nhắm mỗi mục đích vô vụ lợi đó. Nó cho tay này nhưng cũng lấy lại tay kia (give and take). Chúng ta nên hiểu rằng nhà nước có thu thuế cũng là chuyện đương nhiên.

Trước tiên, kẻ được hưởng ruộng khẩu phần phải trả tô (so).Theo qui định thì cứ một dan (đoạn) hay công đất, nông dân phải nộp 2 (soku) và 2 nắm (wa) lúa. Tính ra thì cứ 10 wa thì thành một soku.Nó tương đương với 3% số lúa thu hoạch được.

Do đó, một người đàn ông thuộc tầng lớp lương dân (ryômin) và được cấp 2 dan ruộng khẩu phần thì sẽ phải đóng cho nhà nước 4 soku 4 wa. Số địa tô này nhà nước giao phó cho địa phương giữ lại để mai sau chi dùng cho những kinh phí của nhà nước.

Một tài nguyên khác của chính quyền trung ương là hai thứ thuế điệu (chô) và dung (yô). Để có thể thu thuế điệu và dung, nhà nước mỗi năm phải lập đinh bạ để kiểm kê dân số (keichô) rồi cứ theo đầu người mà đánh thuế. Thuế điệu thu bằng vải, tơ hay lụa...tùy theo sản vật của địa phương còn thuế dung là thuế sưu dịch (gọi là tuế dịch hay saieki), người dân phải lên làm việc ở kinh đô 10 ngày một năm.

Tuy nhiên thời đó, giao thông còn khó khăn, không phải cứ muốn đi đàu thì đi. Từ địa phương ra đến kinh đô, hành trình đã dài lại cực khổ. Do đó có lệnh cứ nạp 2 jô 6 shaku (8m) vải là coi như đóng đủ thuế dung ( yô).Chỉ còn đặt ra vấn đề là làm thế nào chuyển vận sản phẩm lấy từ thuế điệu và thuế dung lên đến kinh đô.Người ta phải cậy vào tay nông dân và loại lao động phụ trách chuyên chở này gọi là unkyaku (vận cước). Ngoài ra, còn phải nhắc đến một hình thức lao động khác gọi tạp dao (zôyô) là một loại lao động cưỡng bách theo mệnh lệnh của quan cai trị (như các gunji) trong một khoảng thời gian có giới hạn để đi làm các việc liên quan đến thủy lợi và kiến thiết hoặc lao dịch tạp nhạp ở các nha sở.   

Bốn hình thức phụ đảm thuế của công dân (dựa trên Luật Yôrô)

 

Phân loại

Chính đinh

(Nam 21-60 tuổi)

Thứ đinh (lão đinh)

(Nam 61-65 tuổi)

Trung nam (thiếu đinh)

(Nam 17-20)

Bị khảo

Tô (So)

Một dan nộp 2 soku 2 wa

Cũng vậy

Cũng vậy

Thuế điền, 3% số thu hoạch

Điệu (Chô)

Một lượng nhất định sản vật của địa phương đương sự: tơ, lụa, vải vóc, thừng vv...

Cũng vậy nhưng 1/2 chính đinh

Cũng vậy nhưng 1/4 chính đinh

Chính đinh còn phải nộp thêm màu để nhuộm

Dung (Yô)

Lao dịch 10 ngày 1 năm ở kinh đô hay nộp 2 jô 6 shaku ( 2 trượng 6 thước = 8m ) vải

Cũng vập nhưng 1/2 chính đinh

Chưa phải là đối tượng

Người kinh đô và lân cận được miễn

Tạp dao (Zôyô)

Tạp dịch ở địa phương 60 ngày cho mục đích công ích

Cũng vậy nhưng 1/2 chính đinh

Cũng vậy nhưng 1/4 chính đinh

Sau giảm còn một phân nửa

 

Có một loại thu nạp tuy không gọi là thuế nhưng trên thực tế không khác gì mấy, đó là hình thức suiko (xuất cử). Theo định nghĩa, mùa xuân nhà nước đem thóc lúa cho nông dân vay, mùa thu nhà nước lấy lại cả vốn lẫn lời (thu nhập của nhà nước gọi là ritô = lợi đạo hay gạo thóc sinh lãi). Thực ra đây là một chế độ giúp nhà nông có thóc lúa ăn trước vụ mùa và do các tư nhân như hào tộc địa phương đảm nhận (gọi là shisuiko (tư xuất cử). Nhưng khi chính nhà nước đảm nhận thì việc này có tên là kusuiko (công xuất cử). Lợi tức này là một nguồn thu nhập thật không nhỏ chút nào đối với công khố. Nó đáng được coi như là một thứ thuế phụ thu. Nhà nước ấn định khi nhà nước cho vay thì lãi suất phải dưới 5% và nếu tư nhân cho vay thì lãi suất phải dưới 10%. Thêm vào đó, nông dân còn phải có nghĩa vụ đóng góp cho các kho liên đới (gisô = nghĩa thương) dự trữ kê (awa) dùng vào việc phát chẩn những khi mất mùa. Nhìn chung mới thấy trong xã hội luật lệnh, cuộc sống của người nông dân không dễ chịu chút nào.

Về binh dịch thì cứ 3 đến 4 người đàn ông thành nhân thì 1 người bị trưng binh.Các lãnh đạo địa phương tổ chức lính thành gundan (quân đoàn) và chịu trách nhiệm huấn luyện họ.Một bộ phận được đưa lên kinh đô để bảo vệ cung điện và kinh thành. Họ được gọi là các eshi (vệ sĩ). Ngoài ra, người bị trưng binh cũng có thể gửi đi làm lính thú tức sakimori (phòng nhân) để giữ các đảo Iki, Tsushima và vùng duyên hải phía bắc Kyuushuu.

Lính thú sakimori thường xuất thân ở miền Đông vì vùng đất này vốn sinh ra những chiến sĩ dũng cảm.Tuyển tập thơ Man.yôshuu (Vạn Diệp Tập) còn chép lại trên 100 bài thơ liên quan đến cuộc sống của họ.Đó là những vần thơ ai oán nói lên tình cảm gắn bó với gia tộc và làng nước và tả lại cuộc sống gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng nên nhớ rằng những gia đình phải gửi con ra lính cũng phải nhận một phần phụ đảm quan trọng. Tuy người lính được miễn những hình thức sưu dịch nhưng vũ khí, trang phục và lương thực thì họ phải tự túc lo. Nhà có người đi lính dĩ nhiên mất đi một nguồn lao động quan trọng. Còn có những thảm cảnh như người cha đi lính bỏ lại lũ con thơ không người chăm sóc vì mẹ chúng vừa mới chết:

Lũ con nắm chặt áo cha,

Ta bỏ chúng lại để ra cõi ngoài,

Mẹ đâu còn nữa, bay ơi!

                   (bài Karagoromo, Suso ni toritsuki...)

 


[1] Thụ tức là cấp phát (ban cho) để được thụ hưởng. Thu là rút lại nếu đối tượng của sự cấp phát không còn nữa.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114569319

Hôm nay

2103

Hôm qua

2432

Tuần này

21702

Tháng này

227843

Tháng qua

129483

Tất cả

114569319