
Việc tố cáo Bạc Hy Lai và bà vợ ông ta dường như đã tạo ra cái cớ tốt nhất chưa từng có cho nhóm nhà lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã muốn hạ bệ ông ta. Nhóm nhà lãnh đạo này không vừa lòng với dã tâm của Bạc Hy Lai và đường lối dân túy của ông ta.
Hôm 10/4, chính phủ Trung Quốc tuyên bố ông Bạc Hy Lai do vi phạm nghiêm trọng kỷ luật nên đã bị lập hồ sơ chuyên án điều tra. Bài báo trên tờ Nhà kinh tế nhận xét kể từ vụ Thiên An Môn năm 1989 tới nay, Đảng CSTQ từng bắt giam hai Ủy viên Bộ Chính trị là các ông Trần Hy Đồng và Trần Lương Vũ ; cả hai đều bị tố cáo phạm tội tham nhũng. Thế nhưng so với hai người đó thì Bạc Hy Lai có vị trí quan trọng hơn nhiều trên chính trường Trung Quốc ; ông ta có sức thu hút hơn và được mọi người hoan nghênh. Đồng thời Bạc Hy Lai còn có lý lịch gia đình « trong sạch » và có những đồng minh mạnh mẽ trong Đảng. Đây là lý do vì sao cuộc đấu tranh chống Bạc Hy Lai lần này trở nên đặc biệt không bình thường.
Theo sự quan sát của Nhà kinh tế, cho dù sau ngày Bạc Hy Lai bị miễn chức Bí thư Đảng thành phố Trùng Khánh (15 tháng 3), nhiều người tin rằng ông ta vẫn có thể giữ được vị trí Ủy viên Bộ Chính trị ít nhất cho tới Đại hội Đảng CSTQ lần thứ XVIII họp vào mùa thu năm nay. Sau 4 tuần lễ im lặng, ban lãnh đạo Đảng CSTQ mới tìm ra được cách nói nào đó về sự hạ bệ Bạc Hy Lai. Sự thật này tự nó nói lên ban lãnh đạo cấp cao Đảng CSTQ đã có chia rẽ nghiêm trọng trong việc xử lý Bạc Hy Lai.
Bài báo trên tờ Nhà kinh tế cho rằng các đối thủ trong Đảng của Bạc Hy Lai đã thể hiện một sức mạnh bất thường, họ đã thanh trừng Bạc Hy Lai triệt để đến như vậy. Nhưng cuộc đấu tranh họ gây ra còn lâu mới có hồi kết.
Trên chính trường Trung Quốc, Bạc Hy Lai nhận được sự ủng hộ của thế lực « Phái Tả Mới ». Họ tán thành cách làm của Bạc Hy Lai là chi nhiều kinh phí cho phúc lợi công cộng và bênh vực các doanh nghiệp quốc doanh.
Bài báo viết : hiện nay các đề xuất cải cách chính trị của Thủ tướng Ôn Gia Bảo ngày càng khó có khả năng thực hiện. Ban lãnh đạo Đảng lo ngại bất cứ biến động nào xảy ra trước ngày chuyển giao quyền lực tại Đại hội XVIII đều sẽ có thể ảnh hưởng tới sự ổn định chính trị.
Nhưng ít nhất các địch thủ của Bạc Hy Lai cũng có thể thở phào nhẹ nhõm khi thấy việc hạ bệ Bạc Hy Lai chưa gây ra sự phản đối của công chúng. Hồi tháng trước, có hai ông già ở Trùng Khánh từng trương biểu ngữ ủng hộ Bạc Hy Lai ; kết quả lập tức bị cảnh sát bắt đi, sau đó phóng thích. Ngày 6/4, chính quyền Bắc Kinh đóng cửa mấy trang mạng của phái tả ủng hộ Bạc Hy Lai.
Một bài đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo yêu cầu nhân dân « giữ gìn sự nhất trí cao » với Trung ương Đảng.
Cuối cùng bài báo trên tạp chí Nhà kinh tế viết : những người phê bình Bạc Hy Lai đều lên án Bạc Hy Lai muốn đàn áp những người phản đối ông ta. Giờ đây những người chiếm thế thượng phong trong cuộc đấu tranh này dường như cũng không cho phép bất cứ ý kiến trái ngược nào./.
* Ghi chú : Trong vụ này đã có sự chia rẽ sâu sắc (về cách xử lý cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn) giữa Tổng Bí thư Đảng CSTQ Triệu Tử Dương với lãnh tụ Đặng Tiểu Bình và những người ủng hộ ông Đặng chủ trương dùng vũ lực đàn áp cuộc biểu tình. Kết quả Triệu Tử Dương bị mất chức Tổng Bí thư.
HAH(Theo BBC)