Trước tiên, hãy thử phân tích xem chính trị sekkan đã bắt đầu như thế nào qua sự hưng thịnh của dòng họ Fujiwara cánh nhà bắc, cũng như quá trình loại bỏ địch thủ trong cuộc tranh giành thế lực của họ.
Vào đầu thế kỷ thứ 9, hai thiên hoàng Kanmu và Saga có đủ sức trong tay để khống chế giới quí tộc, tự tay mình nắm quốc chính.Trong khoảng thời gian ấy, dòng họ Fujiwara lại phân ra làm bốn chi nhánh: Nanke (nhánh Nam), Hokke (nhánh Bắc), Shikike (nhánh Bộ Lễ) và Kyôke (nhánh ở khu Sakyô trong thành Kyôto).Hokke liên kết với hoàng tộc, dựa vào thế lực đó mà phát triển mạnh mẽ. Dịp may của họ là vụ nổi loạn xảy ra vào năm 810 của Kusuko (Kusuko no hen).
Fujiwara Kusuko (Đằng Nguyên Dược Tử) thuộc Shikike là người ở bên cạnh và được Thái thượng hoàng Heizei (Bình Thành, tại vị 806-809) [2]tin dùng. Bà ta cùng với người anh là Nakanari (Trọng Thành) lợi dụng sự bất hòa giữa Thái thượng hoàng Heizei và người kế vị ông là Thiên hoàng Saga (lên ngôi sau khi Heizei lâm bệnh) mà cử binh đảo chánh mưu việc trùng tộ (chôso = lên ngôi lằn thứ hai) cho Heizei. Họ cũng nhắm việc phục hồi thế lực của chi Shikike và mưu tính thiên đô về lại Heijôkyô.
Kết cục, âm mưu của họ sớm bị phát giác, Kusuko tự sát, Nakanari bị tên chết, Thái thượng hoàng Heizei cũng phải qui y cửa Phật.Thế nhưng, việc này làm cho trong nội bộ nhà Fujiwara có sự thay đổi cán cân lực lượng. Chi nhánh Shikike suy vi nhanh chóng còn Hokke thì lên như diều gặp gió.
Nhìn vụ việc một cách cụ thể, ta thấy rằng trước vụ biến loạn của Kusuko, cánh Hokke đã được sự tín nhiệm của Thiên hoàng Saga qua thủ lĩnh của họ là Fujiwara no Fuyutsugu (Đằng Nguyên Đông Tự, 775-826). Ông đã làm trưởng quan trông coi mọi việc cơ mật ở cơ quan nội vụ bên cạnh vua (tàng nhân sở = kurôdodokoro). Thiên hoàng và Fuyutsugu của chi Hokke rất gắn bó vói nhau và trở thành thế lực đối trọng với nhóm Kusuko, Nakanari của Thái thượng hoàng Heizei.
Hokke hưng thịnh kể từ đời Fuyutsugu và tiếp tục đi lên với thế hệ của Yoshifusa (Lương Phòng) và Mototsune (Cơ Kinh). Các người này lần lượt loại trừ các chi đối lập trong vòng họ hàng để nắm thực quyền ở giữa triều đình. Để đạt được tham vọng đó, họ áp dụng các phương pháp như sau:
-
Lập quan hệ ngoại thích đối với thiên hoàng.
-
Độc chiếm những vị trí đại thần trong triều.
-
Bài xích các thế lực khác.
-
Mở rộng khu vực trang viên.
Sau khi hội đủ điều kiện, họ đã hành động theo cách thức trên. Mọi sự đã diễn biến theo trình tự, sau Fuyutsugu đến lượt Yoshifusa đã triệt để thực thi việc bài xích các nhóm ảnh hưởng khác để trở thành một mình một chợ giữa triều đình. Năm 842, sau cuộc biến loạn gọi là Jôwa no hen (biến loạn năm Thừa Hòa), họ thành công trong việc đày Tomo no Kowamine ra đảo Oki, Tachibana no Hayanari ra bán đảo Izu. Hayanari là nhân vật còn để lại tên tuổi trong văn hóa sử Nhật Bản. Ông tiêu biểu cho văn hoá thời Kônin- Jôgan (Hoằng Nhân -Trinh Quán, 810-824 và 859-877) [3]vì là một nhà thư đạo lỗi lạc viết chữ theo phong cách đời Đường. Ông đứng ngang hàng với Thiên hoàng Saga và tăng Kuukai (Không Hải), được thiên hạ xưng tụng cùng với hai vị kia là Sanpitsu (Tam bút).Dẹp xong đối lập, Yoshifusa quay sang tìm cách và đưa được cháu ngoại hãy còn thơ ấu (do con gái của mình là Akirakeiko sinh ra) lên ngôi. Đó là Thiên hoàng Seiwa (Thanh Hòa, trị vì 858-876). Yoshifusa trở thành ngoại tổ của thiên hoàng và lợi dụng tuổi trẻ của ấu chúa để, trên thực tế, đóng vai trò nhiếp chính. Chức nhiếp chính (sesshô) thay mặt thiên hoàng lúc hãy còn nhỏ hay trong khi đau ốm để trị nước. Cho đến thời đó, chức sesshô phải do người trong hoàng tộc đảm nhiệm (như trường hợp Thái tử Shôtoku trước đây).
Thế rồi, sau cuộc biến loạn mang tên Ôtenmon (vụ cáo buộc phóng hỏa cửa Ứng Thiên Môn, 866), hai ông Tomo no Yoshio và Ki no Toyoki bị tội lưu, Yoshifusa mới chính thức nhậm chức sesshô và là một nhân thần (thần hạ ngoài hoàng tộc, jinshin) đầu tiên nắm chức vụ đó. Nhân đây cũng nên nhắc rằng cuộc biến loạn đã trở thành đề tài cho một tập tranh cuộn (emaki) nhan đề Bandainagon emaki (Tranh cuộn về quan Dainagon Tomo) miêu tả quá trình đưa đến việc ông bị lưu đày.
Đến năm 884, nhằm lúc Thiên hoàng Kôkô (Quang Hiếu, tại vị 884-887), ưu đãi con nuôi của Yoshifusa là Fujiwara no Tomotsune (Đằng Nguyên Cơ Kinh) và đưa ông này lên địa vị Kanpaku (Quan bạch).
Như thế, thế lực của chi Hokke nhà Fujiwara ngày càng mạnh cực kỳ. Đến nỗi, năm 888 khi Thiên hoàng Uda (Vũ Đa, trị vì 887-897) vừa mới tức vị đã phải rút lại một sắc chiếu chỉ vì gặp sự phản đối của Mototsune. Năm trước (887), thiên hoàng đã cho thảo sắc chiếu bổ nhiệm Mototsune vào địa vị Kanpaku, trong đó có mấy chữ Akô no nin ( trao cho khanh nhiệm vụ của Akô) mà không nói thẳng là trao chức Kanpaku cho rõ ràng. Akô no nin chính ra là cách nói bóng bẩy trong cổ văn về chức tể tướng của Y Doãn (Akô) đời nhà Ân bên Trung Quốc. So với Nhật Bản thì chức này tương xứng với Nhiếp chính - Quan bạch chứ đâu có thua kém. Thế mà sự kiện đã bùng nổ, nghe đâu chỉ vì lời sàm báng của Fujiwara Sukeyo. Cá nhân ông này vốn có hiềm khích với Tachibana no Hiromi, người thảo sắc chiếu đó.
Tachibana no Hiromi nhân thế bị quở trách và chính thiên hoàng cũng phải nhìn nhận mình có sai lầm. Điều đó cho ta thấy quyền thế của Mototsune lớn như thế nào.Cuộc “nghị luận về hai chữ Akô” (Akô no fungi) chỉ là dịp để Mototsune thị uy mọi người và qua đó, định nghĩa vai trò chính trị có tính quyết định của chức Kanpaku.
Thế nhưng về sau, khi Mototsune chết đi rồi, Thiên hoàng Uda - vốn không có ngoại thích thuộc nhà Fujiwara – đã không đặt ai vào chức Sesshô-Kanpaku nữa. Ông dùng một quí tộc bậc trung là Sugawara no Michizane (Quản Nguyên Đạo Chân) để áp chế cánh Fujiwara. Riêng về Michizane, ông là người được hậu thế xem như vị thần của học vấn. Chính ông là người vào năm 894 (Kanpyô 6) đã dâng sớ xin triều đình đừng gửi sứ tiết sang nhà Đường nữa. Hành động này rất có ý nghĩa và gây được tiếng vang lớn.
Cánh nhà Fujiwara nào có chịu thôi. Đến thời Thiên hoàng Daigo, họ dùng mưu lược để loại bỏ Michizane khỏi chính trường. Năm 901 (Engi nguyên niên), chức Tả đại thần là Fujiwara no Tokihira (Đằng Nguyên Thì Bình) vu cho Michizane muốn phế thiên hoàng và lập con rể mình – hoàng thân Tokiyo (Tề Thế) lên ngôi. Do đó mà Michizane bị tá thiên xuống Kyuushuu, làm thủ hiến ở phủ Dazai. Ông đã qua đời ở đấy trong uất hận.
Đền Kitano ở Kyôto có Tenmanguu (Thiên Mãn Cung) xưa kia là nơi cúng tế vong hồn của Michizane vì sợ ông trả thù nay là chỗ thờ ông như một vị thần về học vấn. Về sau, trên toàn quốc đều có lập các Tenmanguu tương tự để thờ ông.
2.2 Thời thịnh trị năm Engi và Tenryaku:
Vào tiền bán thế kỷ thứ 10, có 3 vị thiên hoàng là Daigo (Đề Hồ, 897-930), Suzaku (Chu Tước, 930-946) và Murakami (Thôn Thượng, 946-967) thay nhau nối ngôi. Trong khoảng thời gian đó, có lúc các thiên hoàng thân chính trở lại. Đời Thiên hoàng Daigo được gọi là Engi no chi (thời thịnh trị năm Engi, 901-923), những năm của Thiên hoàng Murakami có tên là Tenryaku no chi (thời thịnh trị năm Tenryaku, 947-957). Xen vào hai thời kỳ đó là những năm Thiên hoàng Suzaku cai trị. Thế nhưng mấy năm này thì người nắm thực quyền là một Kanpaku thuộc cánh Fujiwara, Fujiwara no Tadahira (Đằng Nguyên Trung Bình). Hai triều Daigo và Murakami thân chính được đánh giá cao cho nên đến đời Nam Bắc Triều (1336-1392) lúc 2 triều Nam Bắc đối lập, các thiên hoàng Go Daigo ( Nam triều, tại vị 1318-1339) và Go-Murakami (Nam triều, tại vị 1339-1368) đều xem Daigo và Murakami như một lý tưởng cho sự độc lập chính trị của hoàng gia để noi theo. Nhân dó, hai ông mới mang danh hiệu (Go =Hậu) như thế.
Lý tưởng thiên hoàng thân chính còn có thêm một lý do khác. Đó là sự biểu dương thực lực của thiên hoàng vốn tượng trưng bằng chính trị của nhà nước luật lệnh trung ương tập quyền. Dưới đời Thiên hoàng Daigo, ông đã cho thực hành triệt để chế độ handen, vốn là cột sống của chính trị vương triều qua bộ luật lệnh Engi no shôen seirirei (Diên Hỷ trang viên chỉnh lý lệnh). Không những thế, về mặt văn hóa sử, việc biên soạn Engi Kyakushiki (Diên Hỷ cách thức, 869-907) và Kokin Wakashuu (Cổ kim Hòa ca tập, 905 ?, 914?) cũng là những thành quả có tầm vóc lớn.
Thế nhưng lúc ấy đã có dấu hiện rõ ràng là thời đại đang thực sự biến đổi. Tình hình trị an ở kinh đô cũng như địa phương bắt đầu xấu đi. Chế độ luật lệnh không còn được ai tuân theo. Kết cuộc là vào năm 969 (Anna 2), xảy ra Anna no hen (cuộc biến loạn năm An Hòa) làm cho Tả đại thần Minamoto no Takaakira (Nguyên, Cao Minh) bị tá thiên.Từ dó, quyền hành nhà Fujiwara trở nên vững chắc. Chức sesshô được đặt ra thường trực, Fujiwara no Tadahira và con cháu ông thay nhau nắm nó như một tập quán.
[1] Sesshô (Nhiếp chính) là chức đại thần giúp nhà vua trẻ cho đến lúc trưởng thành. Ở Nhật, thường thay vua điều khiển triều đình.Kanpaku (Quan bạch) cũng thế nhưng vào thời điểm vua đã lớn lên, nhận mọi tâu bẩm và truyền lệnh thay vua.Nhiều khi hai chức do một người nắm..
[2] Xin đừng lầm với Thiên hoàng Heisei hiện tại (2012) cũng là Bình Thành nhưng khác tự dạng.
[3] Jôgan (Trinh Quán) là niên hiệu Nhật Bản, không liên quan đến Trinh Quán (627-649) của Đường Thái Tông.