Nhìn ra thế giới

Gặp Nguyễn Trãi bên pháo đài Quebec

ĐƯỢC tin Quebéc kỷ niệm ngày sinh lần thứ 400, chúng tôi từ Montreal chạy lên hưởng ké. Đường rộng phải nói là thênh thang. Từng dòng xe nối đuôi nhau hối hả ngược xuôi không dứt. Sông Saint-Laurent bàng bạc trắng nhiều đoạn a vào sát chân dải cỏ lưu không. Cỏ. Những cánh đồng cỏ. Những cánh đồng ngô. Mút mắt như liền với chân trời. Buồm trắng kéo du thuyền trên mặt nước. Dù đỏ, dù vàng bung ra từ những máy bay thể thao chao lượn trên không trung. Bầy hải âu sải cánh so theo trông xa như những cánh hoa lê cuốn gió. Từng đàn bò, ngựa nhởn nhơ giữa màn xanh miên man. Đất nước thanh bình muôn thuở là vậy. Xanh của cây cỏ cánh đồng và xanh của bao la trời đất đọng hiền hòa trong những ánh mắt xanh. Một cánh dù đỏ dấp xuống bãi cỏ bên đường. Dù nhân lồm cồm đứng dậy dẫu bận cuộn dù vẫn giơ một tay vẫy vẫy. 400 tuổi mà ai cũng vui vẻ trẻ trung. Con người và đất nước không ưa/không quen nói về bom đạn có khác.

Qua cầu Pierre-Laporte, xe vào sát dưới chân cổ thành Quebec vẫn không thấy cổng chào, không có băng cờ khẩu hiệu, không nghe tiếng loa ồm ồm trên cột điện. Tôi thoáng thất vọng. “Trâu chậm uống nước đục” rồi. Xe rướn thêm một khúc. Qua cổng pháo đài cổ nằm chắn ngang giữa đường Saint-Louis mới thấy người đông ơi là đông. Lễ hội là ngày vui. 400 năm nên vui trọn tháng. Người nô nức với người. Hồn nhiên với người. Những con ngựa kéo người gõ vó lóc cóc trên mặt đường lát đá. Những quán hàng mang phong cách Paris thế kỷ XVII vừa mới nhảy ra lề đường, mép cỏ công viên lên mặt bởi bốn trăm năm. Những ông bà và những anh chị xúng xính trong y phục cổ truyền thời trước dắt chó, ôm mèo sẵn sàng đóng vai chủ nhân cho du khách đứng ghé chụp hình lưu niệm miễn phí. Vài tốp lính mang quân phục vương quốc Anh bốn trăm năm trước. Vài tốp lính mang quân phục đế chế Pháp thời vua Louis xưa. Trẻ trung, sôi nổi với gươm súng tề chỉnh chỉ để đóng vai quá khứ cho du khách nhìn. Người của Quebec. Người của Canada. Người của tứ xứ trái đất tụ lại dưới chân tượng Samuel Champlain trên quảng trường trước lâu đài Frontenac. Hàng nghìn con mắt đời thường đăm đăm trìu mến ngước nhìn người khai sinh Quebec với tấm lòng tri ân ngưỡng mộ. Múa. Hát. Gãy đàn. Xiếc... Mỗi loại hình vui chơi hút khách vào từng cụm. Quảng trường Samuel Champlain rộng là thế mà người đông là thế. Chen mà đứng. Chen mà đi. Frontenac như một góc Paris thế kỷ XIX đứng nhìn mãn nguyện. Thế kỷ XIX với công trình kiến trúc cao to đường bệ dường kia như quá so le với khẩu súng trường bên nách anh lính trẻ làm người mẫu.

Đi tiếp. Dòng người lên cầu vượt như lướt trên ngọn cây dọc sông Saint-Laurent để vọng cảnh trời mây sóng nước. Phía xa kia là Port-Cartier. Xa nữa là Gaspe. Gaspe là điểm hẹn gặp gỡ giữa sông Saint-Laurent với Đại Tây Dương. Người Canada nói rằng vào năm 1535 Jacques Catier, nhà thám hiểm từ nước Pháp dong buồm sang Ấn Độ đã lạc vào cửa sông này. Hải cảng Port-Cartier xưa là bến thuyền, nơi giao tiếp đầu tiên giữa một người xa lạ với thổ dân Bắc Mỹ.

Đây là đâu? Người khách rụt rè hỏi thăm.

Chúng tôi từ làng Hochelaga ra. Người dân sở tại trả lời.

Vậy là trên bản sơ đồ hành trình thám hiểm của Jacques Cartier địa danh đổ bộ đầu tiên mà ông vừa nghe được ghi là Canaga. Canaga bến. Canaga làng thành Canada nước ra đời từ đó. Ấy là truyền thuyết xuất hiện sau ngày Jacques Cartier lạc đường bước lên mảnh đất Tây bán này. Đúng hay sai chứng nhân hai phía đều đang bận đi xa. Xin chờ hạ hồi phân giải.

Rời cầu vượt bước lên “Ngũ giác đài” ngắm những cánh buồm trắng đuổi gió trên mặt nước với bầy hải âu so cánh giữa trời mây. Quebec đẹp hồn nhiên nên tinh anh như trời đất xứ này vốn vậy. “Ngũ giác đài” đứng bên mép thảm cỏ xanh nối với chân pháo đài cổ mang dáng dấp Vauban. Một điều gì đó gợi nên trong tôi vài nét về kinh thành Huế. Những nhãn pháo hình chữ V cụt. Những đoạn tường gạch dích dắc. Những khẩu súng thần công bằng gang lầm lì. “Ôi Huế của ta!”. Tôi buột miệng kêu. Cũng thế.

Bên trên Quebec là Bắc Băng dương. Bên ngoài Quebec là Đại Tây dương có ai dòm ngó thường trực đâu mà phải thành cao súng nặng vậy. Thì ra lãnh thổ với bảo vệ lãnh thổ thời nào cũng phải xem chừng nếu không muốn trở thành nô lệ, nếu không muốn ngoại bang “chu di tam tộc”.

Cổ thành Quebec băng qua công viên L’ Esplanade. Nói cho khỏi trật là công viên L’ E splanade trải về hai phía cổ thành Quebec. Đường D’ Auteuil nằm về mạn bắc song song với một đoạn thành cổ. Hoa lá, cây cỏ, tượng đài làm nên nghiêm trang, rộn rã giữa thế giới dạo chơi của loài người vô tư sung sướng.

Nguyễn Trãi. Ô! Nguyễn Trãi vênh lên với cặp cánh chuồn trên mũ như một tảng nam châm khổng lồ hút tôi đến dưới chân người.

Người Việt đến Quebec từ bao giờ. Thế là nổi đóa tò mò, tôi dạo xem giữa thế giới Bắc Mỹ này Á Đông có những ai! Công viên L’E splanade rộng là thế. Tượng danh nhân nhiều là thế! Việt Nam ta có một và toàn châu Á chỉ có hai. Nguyễn Trãi và Mohatma Gandhi, Ấn Độ.

 “Nguyễn Trãi. Việt Nam. Danh nhân văn hóa Thế giới. UNESCO, 1980”.

Tác giả: Điêu khắc gia Trương Chánh Trung.

Chỉ vài thông tin ngắn ngủi đó đủ cho ta bồi hồi. Vâng! Danh nhân văn hóa thế giới đâu phải ai muốn cũng được.

Nhiều người ghé lại trước tượng Nguyễn Trãi, đọc xong thông tin trên trụ đá hoa cương hồng thắm rồi nắm chặt bàn tay phải với ngón cái ló cao huơ huơ vẫy vẫy.

Tháng 7 năm 2008, Quebec 400 năm

Tháng 7 năm 2008, Nguyễn Trãi 628 tuổi.

Tôi đứng lặng dưới chân người thầm náo nức tự hào nhận những ánh mắt ngưỡng mộ của du khách đến với 400 năm Quebec.

Việt Nam!

Vâng! Việt Nam!

Tự nhiên tôi thấy mình như cao lớn hơn.

 “Phượng những tiếc cao diều hãy lượn.

 Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi”.

Tôi thầm đọc thơ ông và chia sẻ với ông những điều đau đáu khôn nguôi. Ức Trai tiên sinh. Linh hồn của khởi nghĩa Lam Sơn. Có ông anh hùng hào kiệt đất nước mới tụ vào Lam Sơn dấy nghĩa. Có ông Lê Lợi mới biết cách đánh, cách đàm. Mới thắng quân cường bạo. Mười năm cơm khe nước suối, lắm lúc “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần, Khi Khôi Huyện quân không một đội...” mới đuổi được quân cường Minh ra ngoài cõi. Giá mà vua Lê Thái Tông không ỷ cường quyền, biết tri ân đại công thần khai quốc thì đâu đến nỗi. Vua trẻ chết sướng tại Lệ Chi viên đã xa nơi Ức Trai đứng. Thì ra có kẻ giấu mặt nhân đó mà đổ vấy tội lớn lên đầu ông. Quần thần nhà Hậu Lê đâu! Danh tướng nhà Hậu Lê đâu! Những người chung lưng đấu cật cùng nếm mật nằm gai làm nên đại nghĩa Lam Sơn đâu! Sao lại để một lũ vong bản đổ lên đầu đại ân nhân đất nước án chu di tam tộc. Nghìn năm chơi với láng giềng ta lạ gì chuyện đó. Hễ mỗi lần thua trước mặt là y như có sự cố hèn hạ sau lưng. Điều đáng sợ là thời nào tay sai Thiên triều cũng lắm.

Đứng dưới chân Nguyễn Trãi tại địa đầu Tây bán cầu này tôi lại nghĩ về Ải Nam Quan cũ được thay bởi mỹ từ Hữu Nghị Quan mới và thân phận biên giới, biển đảo quê nhà.

       “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân.

       Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.”

Yên dân để giữ nước. Giữ nước để yên dân. Hai cặp phạm trù này từ xưa vốn vậy. Vị thế và lịch sử đấu tranh để trường tồn hơn ai hết dân tộc ta đã trải. Đau thương và vinh quang. Nước mắt và nụ cười quánh lên trên khuôn mặt sắt se sương gió mà trầm tư bất khuất của Nguyễn Trãi giữa trời Bắc Mỹ.

Nước Đại Việt ta từ trước,

Vốn xưng văn hiến đã lâu,

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác.

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập,

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương.

Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau.

Song hào kiệt đời nào cũng có.

...

Vừa rồi,

Nhân họ Hồ chính sự phiền hà

Để trong nước lòng dân oán hận

Quân cuồng Minh đã thừa cơ gây họa,

Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh.

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.

Dối trời lừa dân đủ muôn nghìn kế,

Gây binh kết oán trải hai mươi năm.

Bại nhân nghĩa nát cả đất trời,

Nặng thuế khóa sạch không đầm núi...”

Trọn hay:

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,

Lấy chí nhân để thay cường bạo.

...

Chào Quebec bốn trăm năm. Chào thế giới danh nhân hội tụ giữa công viên L’Esplanade, Quebec. Từ biệt người, tôi trở về Montreal với cõi lòng chênh vênh thao thức như cặp cánh chuồn trên mũ Ức Trai.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570077

Hôm nay

2113

Hôm qua

2367

Tuần này

22460

Tháng này

228601

Tháng qua

129483

Tất cả

114570077