Nhờ các nhà buôn xứ Genoa, chuột đã mau chóng làm cho bọ chét và dịch hạch lan từ Tana ra toàn bộ vùng Địa Trung Hải. Vào đầu 1347, dịch hạch đã đến Constantinople. Vào mùa xuân 1348, nó đã lan xuyên qua Pháp và Bắc Phi và lên vùng đất hình chiếc ủng của Italia. Bệnh dịch hạch đã triệt hạ khoảng nửa dân số của bất cứ vùng nào mà nó đã quét qua. Nhà văn Ilalia Giovanni Boccaccio đã chứng kiến trực tiếp dịch hạch đến thành phố Florence của Italia. Muộn hơn ông nhớ lại:
Đối mặt với sự ào tới của nó, tất cả sự sáng suốt và khéo léo của con người đã đều vô hiệu … bệnh dịch hạch đã bắt đầu làm cho các tác động tai họa của nó trở nên rõ ràng theo một cách lạ thường và gây khiếp sợ. Nó đã không có dạng được cho là đã có ở phương Đông, nơi nếu bất cứ ai hộc máu mũi thì đó là một điềm hiển nhiên của cái chết chắc chắn. Ngược lại, triệu chứng sớm nhất của nó là sự xuất hiện các hạch ở bẹn hay ở nách, một số hạch có hình thù quả trứng trong khi các hạnh khác có kích thước khoảng chừng một quả táo bình thường … Muộn hơn các triệu chứng của căn bệnh thay đổi, và nhiều người bắt đầu thấy các vết đen và các vết thâm tím trên tay, đùi và các bộ phận khác trên thân thể họ … Chống lại các chứng bệnh này … Tất cả lời khuyên của các thầy thuốc và tất cả sức mạnh của y học đều vô ích và vô hiệu … Và trong hầu hết các trường hợp cái chết xảy ra trong vòng ba ngày kể từ khi xuất hiện các triệu chứng mà chúng ta mô tả.
Người dân ở nước Anh đã biết dịch hạch đang đến và đã biết rõ về sự diệt vong sắp đến. Vào giữa tháng Tám năm 1348, Vua Edward III đã yêu cầu Đức Tổng Giám Mục Cantenbury để tổ chức các lễ cầu nguyện, và nhiều giám mục đã viết thư cho các linh mục để đọc trong nhà thờ nhằm giúp người dân đối phó với cái sắp giáng xuống họ. Ralph ở thị trấn Shrewsbury, Đức Giám mục giáo xứ Bath, đã viết cho các linh mục:
Chúa toàn năng dùng sấm, sét [sic], và các cơn gió mạnh khác mà ngài phóng từ ngai vàng của ngài để gây đau khổ cho những đứa con mà ngài muốn cứu rỗi. Do đó, từ khi bệnh dịch hạch tai họa từ phương Đông đã đến một vương quốc láng giềng, rất đáng lo ngại rằng, trừ phi chúng ta câu nguyện một cách chân thành và không ngừng, một bệnh dịch tương tự sẽ trải các nhánh độc hại của nó vào vương quốc này, và giáng xuống và tiêu hủy sạch cư dân. Vì thế tất cả chúng ta phải đến trước sự hiện diện của Chúa trong lúc thú tội, đọc bài thánh vịnh.
Việc đó đã chẳng có ích lợi gì. Dịch hạch tấn công và mau chóng tiêu diệt khoảng một nửa dân số Anh. Các thảm họa như vậy có thể có những ảnh hưởng to lớn đến các thể chế của xã hội. Có lẽ dễ hiểu, rất nhiều người đã hóa điên. Boccaccio đã nhận xét rằng, “một số đã xác nhận rằng một cách không thể sai để tránh xa tai họa kinh khủng này là uống túy lúy, thỏa sức tận hưởng cuộc sống, đi vòng quanh ca hát và vui chơi hội hè, chiều theo mọi ham muốn của mình bất cứ khi nào có cơ hội, nhún vai coi khinh cái quan trọng nhất như một trò đùa lớn … và điều này giải thích vì sao các bà, những người đã hồi phục, có lẽ ít trong sạch hơn trong thời kỳ tiếp sau.” Thế nhưng dịch hạch cũng đã có một tác động biến đổi về mặt xã hội, kinh tế, và chính trị lên các xã hội Âu châu trung cổ.
Vào lúc chuyển giao thế kỷ thứ mười bốn, châu Âu đã có một trật tự phong kiến, một cách tổ chức xã hội lần đầu tiên nổi lên ở Tây Âu sau sự sụp đổ của Đế chế La Mã. Nó đã dựa trên một mối quan hệ thứ bậc giữa nhà vua và các chúa (lord) bên dưới ông, với các nông dân ở dưới cùng. Nhà vua sở hữu đất đai và cấp đất cho các chúa đổi lấy các dịch vụ quân sự. Sau đó các chúa phân đất cho các nông dân, đổi lại các nông dân đã phải lao động nhiều mà không được trả công và bị nhiều loại tiền phạt và thuế. Các nông dân, bởi vì địa vị “nô lệ” của họ, đã được gọi là các nông nô, bị gắn liền với đất, không có khả năng di chuyển đi nơi khác nếu không có sự cho phép của chúa của họ, người không chỉ là chúa đất mà cũng là thẩm phán, bội thẩm đoàn, và lực lượng cảnh sát. Đó đã là một hệ thống mang tính khai thác hết sức cao, với của cải chảy từ nhiều nông dân lên phía trên cho ít chúa đất.
Sự khan hiếm lao động nghiêm trọng do dịch hạch gây ra đã làm rung chuyển nền tảng của trật tự phong kiến. Nó đã khuyến khích các nông dân đòi thay đổi. Tại Eynsham Abbey, chẳng hạn, các nông dân đã đòi giảm nhiều loại tiền phạt và việc làm không được trả công. Họ đã nhận được cái họ muốn, và hợp đồng mới của họ đã bắt đầu với khẳng định, “Vào thời chết chóc hay bệnh dịch hạch, xảy ra năm 1349, chỉ đúng hai người thuê còn lại trong thái ấp, và họ đã bày tỏ ý định bỏ đi trừ phi Thầy Nicolas xứ Upton, cha trưởng tu viện và chúa của trang ấp khi đó, làm một thỏa thuận mới với họ”. Ông đã làm.
Việc xảy ra tại Eynsham đã xảy ra ở mọi nơi. Các nông dân đã bắt đầu giải phóng mình khỏi lao dịch bắt buộc và nhiều nghĩa vụ với các chúa đất của họ. Lương bắt đầu tăng lên. Chính phủ đã thử chấm dứt việc này và, vào năm 1351, đã thông qua Đạo luật [về Những người] Lao động (Statute of Laborers), mà mở đầu bằng:
Bởi vì phần lớn nhân dân và đặc biệt các thợ và đầy tớ bây giờ đã chết trong dịch hạch đó, một số, thấy sự thẳng thắn của các ông chủ và sự khan hiếm đầy tớ, không sẵn sàng phục vụ trừ phi họ nhận được tiền công thái quá … Chúng ta, xem xét những sự bất tiện nghiêm trọng mà có thể do sự thiếu lao động, đặc biệt thiếu thợ cày và những lao động chân tay như vậy, gây ra, đã … thấy phù hợp để quy định: rằng mọi đàn ông và đàn bà của vương quốc Anh chúng ta … sẽ buộc phải phục vụ những người mà thấy phù hợp để tìm kiếm anh ta; và anh ta sẽ chỉ lấy [tiền] công bằng quần áo đồng phục, sự đền bù phù hợp hay lương mà, ở những nơi anh ta được tìm kiếm để phục vụ, đã quen để được trả trong năm thứ hai mươi của triều đại chúng ta ở nước Anh [Vua Edward III lên ngôi vào ngày 25-1-1327, cho nên sự dẫn chiếu ở đây là đến năm 1347] hoặc năm hay sáu năm bình thường ngay trước đó.
Đạo luật thực ra đã thử cố định tiền công ở mức trước Cái Chết Đen. Đặc biệt làm cho elite Anh lo lắng đã là “sự dụ dỗ”, một nỗ lực của một chúa đất để hấp dẫn các nông dân khan hiếm của những người khác. Lời giải đã là làm cho việc bắt giam trở thành sự trừng phạt cho việc bỏ đi mà không được phép của chủ:
Và nếu một thợ gặt hay thợ cắt, hoặc thợ khác hay đầy tớ, dù địa vị hay điều kiện của người đó thế nào, người được giữ để phục vụ bất cứ ai, mà rời khỏi sự phục vụ được nói đến ấy trước thời hạn được thỏa thuận, mà không có sự cho phép hay lý do hợp lý, sẽ phải chịu sự trừng phạt tống giam, và ngoài ra … không để người nào … trả hoặc cho phép để được trả bất cứ ai khoản tiền công, quần áo đồng phục, sự đền bù hay lương nhiều hơn mức theo lệ thường như đã được nói đến.
Nỗ lực của nhà nước Anh để ngăn những sự thay đổi của các thể chế và tiền công sau Cái Chết Đen đã không có hiệu lực. Trong năm 1381, Khởi nghĩa Nông dân nổ ra, và những người nổi dậy, dưới sự lãnh đạo của Wat Tyler, thậm chí đã chiếm phần lớn London. Mặc dù cuối cùng họ đã bị đánh bại, và Tyler bị xử tử, đã không còn các các nỗ lực để thi hành Đạo luật Lao động nữa. Dịch vụ lao động phong kiến teo dần đi, một thị trường lao động bao gồm đã bắt đầu nổi lên ở nước Anh, và tiền công tăng lên.
Dịch hạch có vẻ đã tấn công phần lớn thế giới, và ở mọi nơi một phần tương tự của dân số đã chết. Như thế tác động nhân khẩu học ở Đông Âu đã cũng như ở nước Anh và Tây Âu. Các lực lượng xã hội và kinh tế đang vận hành đã cũng như nhau. Lao động khan hiếm và người dân đã đòi các quyền tự do lớn hơn. Nhưng ở phía Đông, một logic trái ngược mạnh hơn đã tác động. Ít người hơn đã có nghĩa là tiền công cao hơn trong một thị trường lao động bao gồm. Nhưng điều này đã cho phép các chúa đất một khuyến khích lớn hơn để giữ thị trường lao động là thị trường lao động khai thác và các nông dân làm nô lệ. Ở nước Anh động lực thúc đẩy này cũng đã có tác động, như được phản ánh trong Đạo Luật Lao động. Nhưng bất chấp việc đó những người lao động đã có đủ sức mạnh để đạt được cái họ muốn. Đã không thế ở Đông Âu. Sau dịch hạch, các chúa đất Đông Âu đã bắt đầu tiếp quản các vùng đất lớn và mở rộng ruộng đất của họ, mà đã lớn hơn ruộng đất của các chúa đất Tây Âu rồi. Các thị trấn đã yếu hơn và thưa dân hơn, và thay vì trở nên tự do hơn, những người lao động bắt đầu thấy quyền tự do hiện hành của họ bị xâm phạm.
Các tác động trở nên đặc biệt rõ sau năm 1500, khi Tây Âu bắt đầu cần đến những hàng hóa nông nghiệp được sản xuất ở Đông Âu như lúa mỳ, lúa mạch và gia súc. Tám mươi phần trăm nhập khẩu lúa mạch vào Amsterdam đã đến từ lưu vực của các sông Elbe, Vistula, và Order. Chẳng bao lâu, năm mươi phần trăm thương mại hưng thịnh bột phát của Hà Lan đã là với Đông Âu. Khi cầu Tây Âu tăng, các chúa đất Đông Âu đã siết chặt thêm sự kiểm soát của họ đối với lực lượng lao động để mở rộng cung. Nó đã được gọi là Chế độ Nông nô Thứ hai, khác biệt và hà khắc hơn dạng gốc của nó ở đầu Thời Trung Cổ. Các chúa đất đã tăng thuế mà họ thu trên các mảnh đất riêng của những người thuê của họ và lấy một nửa tổng sản lượng. Tại Korczyn, Ba Lan, mọi việc làm cho chúa đất đã đều được trả công trong năm 1533. Nhưng vào năm 1600 gần một nửa đã là lao động cưỡng bức không được trả công. Trong năm 1500, những người lao động ở Macklenberg, ở miền đông nước Đức, đã chỉ có nghĩa vụ lao động không được trả công vài ngày trong một năm. Vào năm 1550 đã là một ngày trong một tuần, và vào năm 1600 ba ngày trong một tuần. Con của những người lao động đã phải làm không công cho chúa đất trong nhiều năm. Tại Hungary, các địa chủ đã kiểm soát toàn bộ đất năm 1514, quy định một ngày làm việc không công trong một tuần đối với mọi người lao động. Vào năm 1550, mức này đã được nâng lên hai ngày một tuần. Vào cuối thế kỷ, đã là ba ngày. Các nông nô phải chịu các quy định này đã chiếm 90 phần trăm dân số nông thôn thời đó.
Mặc dù trong năm 1346 đã có ít sự khác biệt giữa Tây và Đông Âu về mặt các thể chế chính trị và kinh tế, vào năm 1600 chúng đã khác nhau hoàn toàn. Ở Tây Âu, những người lao động đã thoát khỏi các khoản phí, phạt, và các quy định phong kiến, và trở thành một phần then chốt của một nền kinh tế thị trường đang hưng thịnh. Tại Đông Âu, họ cũng đã dính líu đến một nền kinh tế như vậy, nhưng với tư cách các nông nô bị cưỡng bức nuôi trồng thực phẩm và các hàng hóa nông nghiệp được đòi hỏi ở Tây Âu. Nó đã là một nền kinh tế thị trường nhưng không phải là một nền kinh tế thị trường bao gồm. Sự phân kỳ [sự rẽ theo các hướng khác nhau] thể chế này đã là kết quả của một tình thế nơi những sự khác biệt giữa hai vùng này ban đầu có vẻ đã rất nhỏ: ở Đông Âu các chúa đất đã được tổ chức tốt hơn một chút; họ đã có nhiều quyền hơn một chút và đã có ruộng đất được gộp lại hơn. Các thị trấn yếu hơn và nhỏ hơn, các nông dân ít được tổ chức hơn. Trong sơ đồ lớn của lịch sử, đấy đã là những khác biệt nhỏ. Thế nhưng những sự khác biệt nhỏ này giữa Tây Âu và Đông Âu đã trở nên hết sức quan trọng đối với cuộc sống của dân cư của chúng và đối với con đường tương lai của sự phát triển thể chế khi trật tự phong kiến bị Cái Chết Đen làm lung lay.
Cái Chết Đen là một thí dụ sinh động về bước ngoặt [critical juncture], một sự kiện lớn hay sự hợp lưu của những yếu tố phá vỡ sự cân bằng kinh tế hay chính trị hiện tồn trong xã hội. Một bước ngoặt là một con dao hai lưỡi mà có thể gây ra một sự rẽ đột ngột trong quỹ đạo của một quốc gia. Một mặt nó có thể mở đường cho sự phá vỡ chu trình của những thể chế khai thác và cho phép những thể chế bao gồm hơn nổi lên, như ở nước Anh. Hoặc nó có thể tăng cường sự nổi lên của những thể chế khai thác, như trường hợp của Chế độ Nông nô Thứ hai ở Đông Âu.
Việc hiểu lịch sử và các bước ngoặt định hình thế nào con đường của các thể chế kinh tế và chính trị cho phép chúng ta có một lý thuyết đầy đủ hơn về nguồn gốc của những sự khác biệt về sự nghèo khó và thịnh vượng. Ngoài ra, nó cho phép chúng ta giải thích tình hình hiện nay và vì sao một số quốc gia chuyển đổi sang các thể chế kinh tế và chính trị bao gồm trong khi các quốc gia khác lại không.
TẠO RA CÁC THỂ CHẾ BAO GỒM
Nước Anh đã là độc nhất giữa các quốc gia khi nó có sự đột phá sang tăng trưởng kinh tế bền vững trong thế kỷ mười bảy. Những thay đổi kinh tế lớn đã theo sau một cuộc cách mạng chính trị mà đã mang lại một tập khác biệt của các thể chế kinh tế và chính trị, mang tính bao gồm hơn rất nhiều so với các thể chế của xã hội trước.
Các thể chế này có các hệ lụy sâu sắc không chỉ đối với các khuyến khích kinh tế và sự thịnh vượng, mà cũng đối với những người gặt hái được các lợi ích của sự thịnh vượng. Chúng đã dựa không phải vào sự đồng thuận mà, đúng hơn, đã là kết quả của sự xung đột dữ dội khi các nhóm khác nhau cạnh tranh vì quyền lực, tranh giành quyền lực của các nhóm khác và cố thử tổ chức các thể chế theo sự ưa thích riêng của họ. Đỉnh cao của các cuộc đấu tranh thể chế của các thế kỷ mười sáu và mười bảy đã là hai sự kiện quan trọng quyết định: Nội chiến Anh giữa 1642 và 1651, và đặc biệt là Cách mạng Vinh quang 1688.
Cách mạng Vinh quang đã hạn chế quyền lực của nhà vua và hành pháp, và đã chuyển quyền lực cho Quốc hội để quyết định về các thể chế kinh tế. Đồng thời nó đã mở hệ thống chính trị cho phần bao quát tiêu biểu của xã hội, những người đã có thể ảnh hưởng đáng kể đến cách nhà nước hoạt động. Cách mạng Vinh quang đã là nền tảng cho việc tạo ra một xã hội đa nguyên, và nó đã được xây dựng trên và làm tăng tốc một quá trình tập trung hóa chính trị. Nó đã tạo ra tập hợp đầu tiên của các thể chế chính trị bao gồm của thế giới.
Như một hệ quả, các thể chế kinh tế cũng đã bắt đầu trở nên bao gồm hơn. Cả chế độ nô lệ và những hạn chế kinh tế nghiêm ngặt của thời kỳ phong kiến trung cổ đã không tồn tại ở Anh vào đầu thế kỷ thứ mười bảy. Tuy nhiên, đã có nhiều hạn chế về các hoạt động kinh tế mà người dân có thể tiến hành. Cả hoạt động kinh tế trong nước và quốc tế đã bị các độc quyền bóp nghẹt. Nhà nước đã đánh thuế tùy tiện và đã thao túng hệ thống pháp luật. Phần lớn đất đai bị kẹt vào các hình thức cổ xưa của các quyền tài sản mà làm cho việc bán là không thể và rủi ro để đầu tư vào.
Tình hình này đã thay đổi sau Cách mạng Vinh quang. Chính phủ đã chấp nhận một tập các thể chế kinh tế tạo các khuyến khích cho đầu tư, thương mại và đổi mới. Nó đã kiên định thực thi các quyền tài sản, kể cả các bằng sáng chế cấp quyền tài sản cho các ý tưởng, do đó đưa ra kích thích lớn cho sự đổi mới. Nó bảo vệ luật pháp và trật tự. Chưa từng có về mặt lịch sử đã là việc áp dụng luật Anh đối với tất cả công dân. Việc đánh thuế tùy tiện đã chấm dứt, và các độc quyền đã bị bãi bỏ hầu như hoàn toàn. Nhà nước Anh đã năng nổ thúc đẩy các hoạt động buôn bán và đã làm việc để thúc đẩy công nghiệp nội địa, không chỉ bằng cách dỡ bỏ các rào cản đối với sự mở rộng hoạt động công nghiệp mà cũng bằng cách cho phép sử dụng toàn bộ sức mạnh của hải quân Anh để bảo vệ các lợi ích thương mại. Bằng cách hợp lý hóa các quyền sở hữu, nó tạo thuận lợi cho việc xây dựng hạ tầng, đặc biệt đường sá, kênh rạch và muộn hơn đường sắt, mà đã hóa ra là cốt yếu đối với tăng trưởng công nghiệp.
Những nền tảng này đã làm thay đổi một cách quyết định các khuyến khích cho người dân và đã thúc đẩy các động cơ của sự thịnh vượng, mở đường cho Cách mạng Công nghiệp. Đầu tiên và trước hết, Cách mạng Công nghiệp đã phụ thuộc vào những tiến bộ công nghệ chính khai thác cơ sở tri thức đã được tích tụ ở châu Âu trong các thế kỷ trước. Nó đã là một sự thay đổi căn bản khỏi quá khứ, do việc nghiên cứu khoa học và tài năng của nhiều cá nhân độc nhất vô nhị đã làm cho nó là có thể. Sức mạnh đầy đủ của cuộc cách mạng này đến từ thị trường, mà đã tạo ra các cơ hội sinh lời cho các công nghệ được phát triển và được áp dụng. Chính bản chất bao gồm của các thị trường là cái đã cho phép người dân phân bổ đúng tài năng của họ cho các ngành kinh doanh. Nó cũng đã dựa vào giáo dục và các kỹ năng, vì đã có các trình độ giáo dục tương đối cao, chí ít theo các tiêu chuẩn của thời đó, mà đã cho phép sự nổi lên của các doanh nhân khởi nghiệp với tầm nhìn để sử dụng những công nghệ mới cho các doanh nghiệp của mình và để tìm những người lao động có kỹ năng để sử dụng chúng.
Không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên rằng Cách mạng Công nghiệp đã bắt đầu ở nước Anh vài thập kỷ tiếp sau Cách mạng Vinh quang. Các nhà sáng chế vĩ đại, thí dụ như James Watt (người hoàn thiện động cơ hơi nước), Richard Trevithick (người xây dựng đầu máy xe lửa đầu tiên), Richard Arkwright (nhà sáng chế ra máy xe sợi), và Insambard Kingdom Brunel (nhà sáng tạo ra nhiều tàu hơi nước mang tính cách mạng) đã có khả năng nhận các cơ hội kinh tế do các ý tưởng của họ tạo ra, đã tự tin rằng các quyền sở hữu trí tuệ của họ được tôn trọng, và đã có tiếp cận đến các thị trường nơi các đổi mới sáng tạo của họ có thể được bán và được dùng một cách có lời. Năm 1775, ngay sau khi ông gia hạn bằng sáng chế của mình về động cơ hơi nước, mà ông đã gọi là “động cơ Lửa”, James Watt đã viết cho cha mình:
Cha kính mến,
Sau một chuỗi những sự Chống đối khác nhau và mãnh liệt, cuối cùng con đã có được một điều Luật do Quốc hội ban hành trao quyền về các động cơ Lửa mới của con cho con và những người được Ủy quyền của con, trên khắp Vương quốc Anh & các đồn điền trong hai mươi lăm năm tới, mà con hy vọng sẽ rất ích lợi cho con, vì đã có cầu đáng kể rồi đối với chúng.
Lá thư này tiết lộ hai thứ. Thứ nhất, Watt đã được thúc đẩy bởi các cơ hội thị trường mà ông đã dự tính, bởi “cầu đáng kể” ở Vương quốc Anh và các đồn điền của nó, tức là các thuộc địa hải ngoại của Anh. Thứ hai, nó cho thấy ông đã có khả năng ảnh hưởng đến Quốc hội ra sao để có được cái ông muốn bởi vì nó đã là sự đáp lại các lời thỉnh cầu của các cá nhân và các nhà đổi mới.
Những tiến bộ công nghệ, khát vọng của các doanh nghiệp để mở rộng và đầu tư, và việc sử dụng hữu hiệu các kỹ năng và tài năng tất cả đã trở nên có thể bởi các thể chế kinh tế bao gồm mà nước Anh đã phát triển. Những cái này, đến lượt chúng, lại dựa trên nền tảng của các thể chế chính trị bao gồm của nước Anh.
Nước Anh đã phát triển các thể chế chính trị bao gồm này bởi vì hai yếu tố. Thứ nhất đã là các thể chế chính trị, kể cả một nhà nước được tập trung hóa, mà đã cho phép nó tiến hành bước triệt để tiếp theo – quả thực chưa từng có – theo hướng các thể chế bao gồm với sự ập tới của Cách mạng Vinh quang. Trong khi yếu tố này đã phân biệt nước Anh với phần lớn thế giới, nó đã không phân biệt đáng kể nước Anh với các nước Tây Âu như Pháp và Tây Ban Nha. Quan trọng hơn đã là yếu tố thứ hai. Các sự kiện dẫn tới Cách mạng Vinh quang đã rèn đúc một liên minh rộng và hùng mạnh có khả năng đặt các ràng buộc lâu bền lên quyền lực của chế độ quân chủ và hành pháp, mà đã buộc phải mở cho các đòi hỏi của liên minh này. Việc này đặt nền móng cho các thể chế chính trị đa nguyên, mà rồi đã cho phép phát triển các thể chế kinh tế mà sẽ làm nòng cốt cho Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất.
NHỮNG KHÁC BIỆT NHỎ MÀ LÀ QUAN TRỌNG
Bất bình đẳng thế giới đã tăng đột ngột đầy kịch tính với Cách mạng Công nghiệp Anh bởi vì chỉ một số phần của thế giới đã chọn làm theo các đổi mới và các công nghệ mà những người như Arkwright và Watt, và nhiều người làm theo, đã phát triển. Sự đáp lại của các quốc gia khác nhau đối với làn sóng công nghệ này, mà quyết định liệu họ sẽ sống khổ cực dưới sự nghèo khó hay sẽ đạt tăng trưởng kinh tế bền vững, đã chủ yếu được định hình bởi các con đường lịch sử khác nhau của các thể chế của họ. Vào nửa thế kỷ thứ mười tám đã có những khác biệt nổi bật rồi về các thể chế chính trị và kinh tế xung quanh thế giới. Nhưng những khác biệt này đến từ đâu?
Các thể chế chính trị Anh đã trên con đường của chúng đến chủ nghĩa đa nguyên lớn hơn rất nhiều vào năm 1688, so với các thể chế ở Pháp và Tây Ban Nha, nhưng nếu chúng ta quay lại theo thời gian một trăm năm, đến 1588, thì những sự khác biệt co lại gần như chẳng có gì. Cả ba nước đều đã bị cai trị bởi các chế độ quân chủ tương đối chuyên quyền: Elizabeth I ở Anh, Philip II ở Tây Ban Nha, và Henry II ở Pháp. Tất cả đều đã dang chiến đấu với các đại hội đồng của các công dân – như Quốc hội ở Anh, Cortes ở Tây Ban Nha, và Estates-General ở Pháp – mà đã đều đòi nhiều quyền hơn và sự kiểm soát chế độ quân chủ. Tất cả các đại hội đồng này đã có những quyền lực và phạm vi quyền hạn hơi khác nhau. Thí dụ, Quốc hội Anh và Cortes của Tây Ban Nha đã có thẩm quyền về thuế, còn Estates-General thì không. Ở Tây Ban Nha việc này đã ít quan trọng, bởi vì sau 1492 Quốc vương Tây Ban Nha đã có một đế chế Mỹ [châu] mênh mông và đã được hưởng lợi rất lớn từ vàng và bạc được tìm thấy ở đó. Tại nước Anh tình hình đã khác. Elizabeth I đã ít độc lập hơn rất nhiều về mặt tài chính, cho nên bà đã phải cầu xin Quốc hội để được nhiều thuế hơn. Đổi lại, Quốc hội đã đòi những nhượng bộ, đặc biệt những hạn chế đến quyền của Elizabeth để tạo ra các độc quyền. Nó đã là một xung đột mà Quốc hội thắng từ từ. Ở Tây Ban Nha, Cortes lại đã thua trong một xung đột tương tự. Thương mại đã không chỉ bị độc quyền, nó đã là độc quyền của chế độ quân chủ Tây Ban Nha.
Những sự khác biệt này, mà ban đầu dường như là nhỏ, đã bắt đầu trở nên rất quan trọng trong thế kỷ mười bảy. Mặc dù châu Mỹ đã được phát hiện ra năm 1492 và Vasco da Gama đã đến được Ấn Độ bằng cách đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng, ở đầu tận cùng niềm nam châu Phi, năm 1498, đã chỉ đến sau 1600 thì một sự bành trướng to lớn của thương mại thế giới, đặc biệt ở Đại Tây Dương, mới bắt đầu xảy ra. Năm 1585 việc thuộc địa hóa đầu tiên của Anh ở Bắc Mỹ đã bắt đầu tại Roanoke, trong chỗ nơi bây giờ là Bắc Carolina. Năm 1600, Công ty Đông Ấn Anh được thành lập. Năm 1602 Công ty Đông Ấn Hà Lan ra đời. Năm 1607 Công ty Virginia thành lập thuộc địa Jamestown. Vào các năm 1620 vùng Caribe bị thuộc địa hóa, với Barbados bị chiếm năm 1627. Pháp cũng đã bành trướng qua Đại Tây Dương, lập ra thành phố Quebec năm 1608 như thủ đô của nước Pháp mới, mà bây giờ là Canada. Những hệ quả của sự bành trướng kinh tế này đối với các thể chế đã là rất khác nhau đối với Anh so với Tây Ban Nha và Pháp bởi vì những khác biệt nhỏ ban đầu ấy.
Elizabeth và những người kế vị bà đã không thể độc quyền thương mại với châu Mỹ. Các nền quân chủ Âu châu khác đã có thể. Vì thế trong khi ở nước Anh, thương mại xuyên Đại Tây Dương và thuộc địa hóa đã bắt đầu tạo ra một nhóm lớn các thương gia giàu có với ít mối liên kết với Quốc vương, điều này đã không như thế ở Tây Ban Nha hay ở Pháp. Các nhà buôn Anh đã bực bội về sự kiểm soát của hoàng gia và đòi những thay đổi về thể chế chính trị và hạn chế các đặc quyền của hoàng gia. Họ đã đóng một vai trò thiết yếu trong Nội Chiến và Cách mạng Vinh quang. Những xung đột tương tự xảy ra ở mọi nơi. Các vua Pháp, chẳng hạn đã đối mặt với Fronde [Nổi loạn] giữa 1648 và 1652. Sự khác biệt đã là ở nước Anh đã có khả năng hơn nhiều là các đối thủ của chính thể chuyên chế sẽ thắng bởi vì họ tương đối giàu hơn và đông hơn các đối thủ của chính thể chuyên chế ở Tây Ban Nha và Pháp.
Các con đường phân kỳ của các xã hội Anh, Pháp, và Tây Ban Nha trong thế kỷ mười bảy minh họa tầm quan trọng của sự tác động qua lại của những sự khác biệt nhỏ về thể chế và các bước ngoặt [critical junctures]. Trong thời gian bước ngoặt, một sự kiện lớn hay sự hợp lưu của các yếu tố phá vỡ sự cân bằng hiện tồn của quyền lực chính trị hay kinh tế trong một quốc gia. Những cái này có thể ảnh hưởng đến chỉ một quốc gia duy nhất, thí dụ như cái chết của Chủ tịch Mao Trạch Đông năm 1976, mà đầu tiên đã tạo ra một bước ngoặt chỉ cho Trung Hoa Cộng Sản. Tuy vậy, thường các bước ngoặt ảnh hưởng đến toàn bộ một tập các xã hội, theo cách mà, thí dụ, sự thuộc địa hóa và sau đó là sự phi thuộc địa hóa đã ảnh hưởng đến phần lớn địa cầu.
Những bước ngoặt như vậy là quan trọng bởi vì có những rào cản kinh khủng chống lại những sự cải thiện từ từ, do kết quả từ sự đồng vận giữa các thể chế chính trị và kinh tế khai thác và sự ủng hộ mà chúng trao cho nhau. Sự dai dẳng của vòng phản hồi này tạo ra một vòng luẩn quẩn, Những kẻ hưởng lợi từ hiện trạng là những người giàu và được tổ chức tốt, và có thể chiến đấu một cách hữu hiệu chống lại những thay đổi lớn mà sẽ lấy đi các đặc quyền kinh tế hay quyền lực chính trị của họ.
Một khi một bước ngoặt xảy ra, những thay đổi nhỏ mà quan trọng là những khác biệt thể chế ban đầu mà chúng khởi động những sự đáp lại rất khác nhau. Đấy là lý do vì sao những khác biệt thể chế tương đối nhỏ ở Anh, Pháp, và Tây Ban Nha đã dẫn đến những con đường phát triển khác nhau một cách cơ bản. Các con đường nảy sinh do kết quả từ một bước ngoặt được tạo ra bởi các cơ hội kinh tế được thương mại xuyên Đại Tây Dương mở ra cho những người Âu châu.
Cho dù những khác biệt thể chế nhỏ là hết sức quan trọng trong các bước ngoặt, và tất nhiên, những khác biệt thể chế lớn hơn dẫn đến những hình mẫu còn khác nhau hơn nữa vào những lúc như vậy. Trong khi những khác biệt thể chế giữa Anh và Pháp đã là nhỏ trong năm 1588, những sự khác biệt thể chế giữa Tây và Đông Âu đã lớn hơn nhiều. Ở Tây Âu, các nhà nước mạnh được tập trung hóa như Anh, Pháp, và Tây Ban Nha đã có các thể chế lập hiến (Quốc hội, Estates-General, và Cortes). Cũng đã có những sự tương tự cơ bản trong các thể chế kinh tế, như sự vắng mặt của chế độ nông nô.
Đông Âu khi đó lại là câu chuyện khác. Vương quốc Ba Lan-Lithuania, chẳng hạn, đã bị cai trị bởi một giai cấp elite được gọi là Szlachta, những người đã hùng mạnh đến mức họ thậm chí đưa ra các cuộc bầu chọn vua. Đấy đã không là một sự cai trị chuyên chế như ở Pháp dưới thời Vua Mặt trời, Louis XIV, mà là chính thể chuyên chế của một elite, các thể chế chính trị khai thác hoàn toàn cũng vậy. Szlachta đã cai trị một xã hội chủ yếu là nông thôn với đa số áp đảo dân cư là các nông nô không có quyền tự do di chuyển và các cơ hội kinh tế. Xa hơn sang phía đông, Peter Đại Đế của Nga đã cũng đang củng cố một chính thể chuyên chế hà khắc và khai thác hơn rất nhiều so với Louis XIV đã có thể làm được. Bản đồ 8 cung cấp một cách đơn giản để thấy mức khác nhau giữa Tây và Đông Âu vào đầu thế kỷ mười chín. Nó đánh dấu xem liệu một nước vẫn còn chế độ nông nô hay không trong năm 1800. Các nước được tô màu sẫm vẫn còn, các nước màu sáng thì không. Đông Âu sẫm, Tây Âu sáng.

Thế mà các thể chế của Tây Âu đã không luôn khác biệt đến vậy so với các thể chế của Đông Âu. Chúng đã bắt đầu, như chúng ta đã thấy ở trước, trở nên khác biệt trong thế kỷ thứ mười bốn khi Cái Chết Đen tấn công vào năm 1346. Đã [chỉ] có những khác biệt nhỏ giữa các thể chế chính trị và kinh tế ở Tây  và Đông Âu. Nước Anh và Hungary thậm chí đã được cai trị bởi cùng một gia tộc, nhà Angevin. Các khác biệt quan trọng hơn nổi lên sau Cái Chết Đen, sau đó đã tạo ra bối cảnh mà trong đó những sự khác nhau quan trọng hơn giữa Tây và Đông Âu đã diễn ra trong các thế kỷ mười bảy, mười tám, và mười chín.
Nhưng đâu là nơi đầu tiên mà những khác biệt nhỏ về thể chế này xuất hiện và khởi động quá trình phân kỳ? Vì sao Đông Âu đã có các thể chế chính trị và kinh tế khác với Tây Âu trong thế kỷ mười bốn? Vì sao sự cân bằng quyền lực giữa Quốc vương và Quốc hội ở Anh lại khác Pháp và Tây Ban Nha? Như chúng ta sẽ thấy trong chương tiếp theo, ngay cả các xã hội ít phức tạp hơn xã hội hiện đại của chúng ta rất nhiều cũng tạo ra các thể chế chính trị và kinh tế mà có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của các thành viên của nó. Điều này đúng ngay cả cho những người săn bắt-hái lượm, như chúng ta thấy từ các xã hội sống sót như dân tộc San của Botswana hiện đại, những người không canh tác chăn nuôi hay thậm chí không sống trong các vùng định cư lâu dài.
Không hai xã hội nào tạo ra cùng các thể chế; chúng có những phong tục riêng biệt, các hệ thống quyền sở hữu khác nhau, và những cách khác nhau để chia một con thú bị giết hay của cải cướp được từ các nhóm khác. Một số công nhận uy quyền của những người già, số khác thì không; một số đạt được mức độ tập trung hóa chính trị nào đó ngay từ sớm, nhưng số khác thì không. Các xã hội liên tục phải chịu xung đột kinh tế và chính trị mà được giải quyết theo những cách khác nhau bởi vì những sự khác biệt lịch sử cụ thể, vai trò của các cá nhân, hay các yếu tố ngẫu nhiên đơn thuần.
Những sự khác biệt này bắt đầu thường nhỏ, nhưng chúng tích tụ, tạo ra một quá trình trôi thể chế (institutional drift). Hệt như hai quần thể sinh vật được cô lập sẽ từ từ trôi xa nhau trong quá trình trôi dạt di truyền, bởi vì những đột biến gen ngẫu nhiên tích tụ, hai xã hội mặt khác giống nhau cũng sẽ chầm chậm trôi xa nhau về mặt thể chế. Mặc dù, giống như trôi dạt di truyền, trôi dạt thể chế không có con đường được xác định trước và thậm chí không cần tích tụ; qua hàng thế kỷ nó có thể dẫn đến những khác biệt có thể nhận thấy, đôi khi quan trọng. Những sự khác biệt do trôi dạt thể chế gây ra trở nên đặc biệt quan trọng, bởi vì chúng ảnh hưởng đến cách xã hội phản ứng với những thay đổi về hoàn cảnh kinh tế hoặc chính trị trong các bước ngoặt.
Các hình mẫu phân kỳ phong phú về phát triển kinh tế xung quanh thế giới phụ thuộc vào sự tác động qua lại của các bước ngoặt và sự trôi dạt thể chế. Các thể chế chính trị và kinh tế hiện hành – đôi khi được định hình bởi một quá trình dài của sự trôi dạt thể chế và đôi khi như kết quả nảy sinh từ các phản ứng khác nhau đối với các bước ngoặt trước – tạo ra một cái đe mà trên đó sự thay đổi tương lai sẽ được rèn. Cái Chết Đen và sự mở rộng thương mại thế giới sau 1600 đã là hai bước ngoặt lớn cho các cường quốc Âu châu và đã tương tác với các thể chế ban đầu khác nhau để tạo ra một sự phân kỳ lớn. Bởi vì trong năm 1346 ở Tây Âu các nông dân đã có nhiều quyền lực và sự tự trị hơn những người nông dân ở Đông Âu, Cái Chết Đen đã dẫn đến sự tan rã của chủ nghĩa phong kiến ở phía Tây và dẫn đến Chế độ Nông Nô Thứ hai ở phía Đông. Bởi vì Đông và Tây Âu đã bắt đầu phân kỳ trong thế kỷ mười bốn, các cơ hội kinh tế mới của các thế kỷ mười bảy, mười tám, và mười chín cũng đã có các hệ lụy khác nhau cơ bản đối với các phần khác nhau này của châu Âu. Bởi vì trong năm 1600 sự kìm kẹp của Quốc vương ở nước Anh đã yếu hơn ở Pháp và Tây Ban Nha, thương mại Đại Tây Dương đã mở đường cho việc tạo ra các thể chế mới với chủ nghĩa đa nguyên lớn hơn ở nước Anh, trong khi lại tăng cường các quốc vương Pháp và Tây Ban Nha.
CON ĐƯỜNG TÙY THUỘC CỦA LỊCH SỬ
Những kết quả của các sự kiện trong các bước ngoặt được định hình bởi sức nặng của lịch sử, như các thể chế kinh tế và chính trị hiện hành định hình sự cân bằng quyền lực và phác họa cái gì là khả thi về mặt chính trị. Kết quả, tuy vậy, không phải là được định trước về mặt lịch sử, mà là tùy thuộc. Con đường chính xác của sự phát triển thể chế trong các giai đoạn này phụ thuộc vào lực nào trong các lực đối địch nhau sẽ thành công, các nhóm nào sẽ có khả năng thành lập các liên minh hữu hiệu, và các lãnh đạo nào sẽ có khả năng xếp đặt các sự kiện có lợi cho họ.
Vai trò của sự tùy thuộc ngẫu nhiên có thể được minh họa bởi những nguồn gốc của các thể chế chính trị bao gồm ở nước Anh. Không chỉ đã không có gì được quyết định trước trong chiến thắng của các nhóm tranh nhau để hạn chế quyền lực của Quốc vương và để cho các thể chế đa nguyên hơn trong Cách mạng Vinh quang năm 1688, mà toàn bộ con đường dẫn đến cuộc cách mạng chính trị này đã bị phó mặc cho các sự kiện ngẫu nhiên. Chiến thắng của các nhóm thắng đã liên kết một cách không lay chuyển được với bước ngoặt được tạo ra bởi sự tăng lên của thương mại Đại Tây Dương mà đã làm cho các thương gia giàu lên và mạnh bạo lên chống lại Quốc vương. Nhưng một thế kỷ trước đã còn xa mới hiển nhiên rằng nước Anh sẽ có bất cứ khả năng nào để thống trị các biển, để thuộc địa hóa nhiều phần của vùng Caribe và Bắc Mỹ, hay để chiếm phần nhiều đến vậy của thương mại béo bở với châu Mỹ và phương Đông. Elizabeth I đã không và các quốc vương Tudor trước bà cũng đã chẳng xây dựng được một hải quân hùng mạnh và thống nhất. Hải quân Anh đã dựa vào các tàu cướp biển và các tàu thương mại độc lập và đã yếu hơn đội tàu Tây Ban Nha rất nhiều. Tuy nhiên lợi nhuận của thương mại Đại Tây Dương đã thu hút các tàu cướp biển này, thách thức độc quyền của Tây Ban Nha trên đại dương. Năm 1588 những người Tây Ban Nha đã quyết định để chấm dứt những thách thức này đối với độc quyền của họ, cũng như việc nước Anh can thiệp vào Hà Lan thuộc Tây Ban Nha, mà lúc đó đang chiến đấu chống lại Tây Ban Nha vì độc lập.
Quốc vương Tây Ban Nha Philip I đã cử một đội tàu hùng mạnh, đội Armada, được Công tước Medina Sidonia chỉ huy. Đã dường như là một kết luận bị từ bỏ đối với nhiều người rằng người Tây Ban Nha sẽ chắc chắn đánh bại nước Anh, củng cố độc quyền của họ ở Đại Tây Dương, và có lẽ lật đổ Elizabeth I, cuối cùng có lẽ có được sự kiểm soát các đảo Anh. Thế nhưng cái gì đó hoàn toàn khác đã xảy ra. Thời tiết xấu và các sai lầm chiến lược về phía Sidonia, người được đặt vào vị trí phụ trách vào phút chót sau khi một chỉ huy có kinh nghiệm hơn bị chết, đã làm cho Armada Tây Ban Nha mất lợi thế của họ. Bất chấp mọi sự chênh lệch, những người Anh đã phá hủy phần lớn đội tàu của các đối thủ mạnh hơn của họ. Bây giờ Đại Tây Dương đã mở ra cho những người Anh theo các điều kiện ngang bằng hơn. Không có chiến thắng ít có khả năng xảy ra này cho những người Anh, thì các sự kiện mà sẽ tạo ra bước ngoặt biến đổi và đẻ ra các thể chế chính trị đa nguyên một cách đặc biệt của nước Anh sau-1688 đã chẳng bao giờ bắt đầu. Bản đồ 9 cho thấy dấu vết của các vụ đắm tàu Tây Ban Nha khi Armada bị rượt đuổi ngay quanh các đảo Anh.
Tất nhiên, trong năm 1588 chẳng ai đã có thể thấy trước các hệ quả của chiến thắng may mắn của Anh. Ít người lúc đó có lẽ đã hiểu được rằng việc này sẽ gây ra một bước ngoặt dẫn đến một cách mạng chính trị lớn một thế kỷ sau.
Không có giả định nào rằng bất cứ bước ngoặt nào sẽ dẫn đến một cách mạng chính trị thành công hay đến một sự thay đổi tốt hơn. Lịch sử đầy rẫy các thí dụ về các cuộc cách mạng, các phong trào cấp tiến thay thế một chính thể chuyên chế bằng một chính thể bạo chúa khác, theo một hình mẫu mà nhà xã hội học Đức Robert Michels đã gán cho cái tên quy luật sắt của chính thể đầu sỏ, một dạng đặc biệt độc hại của vòng luẩn quẩn. Sự chấm dứt của chủ nghĩa thuộc địa trong các thập niên sau Chiến tranh Thế giới Lần thứ Hai đã tạo ra các bước ngoặt cho nhiều thuộc địa trước kia. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp ở châu Phi hạ-Sahara và nhiều trường hợp ở châu Á, các chính phủ sau độc lập đã đơn giản lấy ra một trang từ cuốn sách của Robert Michels và đã lặp lại và tăng cường những sự lạm dụng của các chính phủ tiền nhiệm của họ, thường đã thu hẹp một cách nghiêm ngặt sự phân bổ quyền lực chính trị, dỡ bỏ các hạn chế, và đã làm xói mòn các khuyến khích ít ỏi mà các thể chế kinh tế đã tạo ra cho đầu tư và tiến bộ kinh tế. Đã chỉ có vài trường hợp, vài xã hội như Botswana (xem trang 404-414), mà các bước ngoặt đã được dùng để mở ra một quá trình thay đổi chính trị và kinh tế mà mở đường cho tăng trưởng kinh tế.

Các bước ngoặt cũng có thể dẫn đến sự thay đổi lớn theo hướng các thể chế khai thác hơn là theo hướng xa khỏi chúng. Các thể chế bao gồm, dẫu cho có vòng phản hồi riêng của chúng, vòng thiện, cũng có thể đảo ngược tiến trình và trở nên khai thác hơn một cách từ từ bởi vì các thách thức trong các bước ngoặt – và liệu điều này có xảy ra hay không, lần nữa, lại tùy thuộc. Cộng hòa Venice, như chúng ta sẽ thấy ở chương 6, đã tiến hành những bước dài quan trọng theo hướng các thể chế chính trị và kinh tế bao gồm trong thời trung cổ. Nhưng trong khi các thể chế như vậy dần dần trở nên mạnh hơn ở nước Anh sau Cách mạng Vinh quang năm 1688, thì ở Venice cuối cùng chúng đã biến mình thành các thể chế khai thác dưới sự kiểm soát của một elite hẹp mà đã độc quyền hóa cả các cơ hội kinh tế lẫn quyền lực chính trị.
HIỂU ĐỊA HÌNH ĐỊA THẾ
Sự nổi lên của một nền kinh tế thị trường dựa trên các thể chế bao gồm và sự tăng trưởng kinh tế bền vững ở nước Anh thế kỷ mười tám đã truyền đi các gợn sóng lăn tăn quanh thế giới, nhất là bởi vì nó đã cho phép nước Anh thuộc địa hóa một phần lớn của thế giới. Nhưng nếu ảnh hưởng của sự tăng trưởng kinh tế của Anh chắc chắn đã lan ra khắp thế giới, thì các thể chế kinh tế và chính trị tạo ra sự tăng trưởng đó đã không làm vậy một cách tự động. Sự truyền bá của Cách mạng Công nghiệp đã có những tác động khác nhau lên thế giới theo cùng cách mà Cái Chết Đen đã có những ảnh hưởng khác nhau đến Tây và Đông Âu, và theo cùng cách mà sự mở rộng thương mại Đại Tây Dương đã có những tác động khác nhau ở Anh và Tây Ban Nha. Chính là các thể chế tại chỗ ở các phần khác nhau của thế giới là cái đã xác định sự tác động, và các thể chế này quả thực đã khác nhau – những sự khác biệt nhỏ đã được khuếch đại theo thời gian bởi các bước ngoặt trước. Những sự khác biệt thể chế này và các hệ lụy của chúng đã có xu hướng tồn tại dai dẳng cho đến hiện nay tại vì các vòng thiện và các vòng luẩn quẩn, mặc dù một cách không hoàn hảo, và là chìa khóa để hiểu bằng cách nào bất bình đẳng thế giới nảy sinh và bản chất của tình hình [địa hình địa thế] xung quanh chúng ta.
Một số phần của thế giới đã phát triển các thể chế rất gần các thể chế ở nước Anh, mặc dù bằng một con đường rất khác. Điều này đã đặc biệt đúng đối với một số “thuộc địa định cư” Âu châu như Australia, Canada, và Hoa Kỳ, dẫu cho các thể chế của họ đã vừa hình thành khi Cách mạng Công nghiệp bắt đầu tiến triển. Như chúng ta đã thấy trong chương 1, một quá trình bắt đầu với việc thành lập thuộc địa Jamestown năm 1607 và lên đỉnh điểm trong Chiến tranh Độc Lập và ban hành Hiến pháp Hoa Kỳ, chia sẻ nhiều của cùng các đặc trưng như cuộc đấu tranh dài của Quốc hội ở Anh chống lại chế độ quân chủ, vì nó cũng đã dẫn đến một nhà nước tập trung với các thể chế chính trị đa nguyên. Cách mạng Công nghiệp sau đó đã lan nhanh sang các nước như vậy.
Tây Âu, trải qua nhiều quá trình lịch sử như nhau, đã có các thể chế giống của Anh vào thời Cách mạng Công nghiệp. Đã có những khác biệt nhỏ nhưng có hậu quả lớn giữa nước Anh và phần còn lại [của Tây Âu], mà là lý do vì sao Cách mạng Công nghiệp đã xảy ra ở Anh chứ không phải ở Pháp. Cuộc cách mạng này sau đó đã tạo ra một tình thế hoàn toàn mới và các tập khác nhau đáng kể của những thách thức đối với các chế độ Âu châu, mà đến lượt lại đẻ ra một tập mới của những xung đột lên đỉnh điểm trong Cách mạng Pháp. Cách mạng Pháp đã là một bước ngoặt khác mà đã dẫn đến việc các thể chế của Tây Âu hội tụ với các thể chế của Anh, trong khi Đông Âu đã phân kỳ thêm.
Phần còn lại của thế giới đã đi theo các quỹ đạo thể chế khác nhau. Thuộc địa hóa Âu châu chuẩn bị cho sự phân kỳ thể chế ở châu Mỹ, nơi ngược lại với các thể chế bao gồm được phát triển ở Hoa Kỳ và Canada các thể chế khai thác đã nổi lên ở Mỹ Latin, mà giải thích cho các hình mẫu bất bình đẳng mà chúng ta thấy ở châu Mỹ. Các thể chế chính trị và kinh tế khai thác của những người Tây Ban Nha chinh phục ở Mỹ Latin đã kéo dài, buộc phần lớn vùng này phải chịu nghèo. Argentina và Chile, tuy vậy, đã sống khấm khá hơn hầu hết các nước khác trong vùng. Chúng đã có ít người bản địa hay sự phong phú khoáng sản và đã “bị lãng quên” trong lúc những người Tây Ban Nha đã tập trung vào các vùng đất của các nền văn minh Aztec, Mya, và Inca. Không ngẫu nhiên vùng nghèo nhất của Argentina là vùng tây bắc, phần duy nhất của Argentina đã hội nhập vào nền kinh tế thuộc địa Tây Ban Nha. Sự nghèo dai dẳng của nó, các di sản của các thể chế khai thác, là giống cái được tạo ra bởi mita Potosí ở Bolivia và Peru (trang 16-18).
Châu Phi đã là phần của thế giới với các thể chế ít có khả năng nhất để tận dụng các cơ hội do Cách mạng Công nghiệp tạo ra. Suốt chí ít một ngàn năm qua, ngoài các ổ nhỏ và trong các giai đoạn hạn chế, châu Phi đã tụt hậu sau phần còn lại của thế giới về mặt công nghiệp, sự phát triển chính trị, và thịnh vượng. Nó là phần của thế giới nơi các nhà nước tập trung đã hình thành rất muộn và rất mỏng manh. Nơi chúng đã hình thành, chúng chắc đã là chính thể hết sức chuyên chế như Kongo và thường tồn tại không lâu, và thường sụp đổ. Châu Phi chia sẻ quỹ đạo thiếu nhà nước tập trung này với các nước như Afghanistan, Haiti, và Nepal, mà cũng đã không áp đặt được trật tự trên lãnh thổ của chúng và không tạo ra được bất cứ gì giống với sự ổn định để đạt được ngay cả một sự tiến bộ nhỏ về kinh tế. Mặc dù nằm ở các phần rất khác nhau của thế giới, Afghanistan, Haiti, và Nepal có nhiều nét chung về mặt thể chế với hầu hết các quốc gia ở châu Phi hạ-Sahara, và như thế là một số trong các nước nghèo nhất thế giới hiện nay.
Các thể chế Phi châu đã tiến hóa ra sao thành hình thức hiện tại hết sức khai thác của chúng lại minh họa quá trình trôi dạt thể chế bị ngắt quãng bởi các bước ngoặt, nhưng thời gian này thường với những kết quả hết sức tai ác, đặc biệt trong thời kỳ mở rộng buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương. Đã có những cơ hội kinh tế mới cho Vương quốc Kongo khi các nhà buôn Âu châu đến. Thương mại đường dài mà đã biến đổi châu Âu cũng đã biến đổi Vương quốc Kongo, nhưng lần nữa, những khác biệt thể chế ban đầu là quan trọng. Chính thể chuyên chế Kongo đã hóa phép thần thông từ một xã hội hoàn toàn thống trị, với các thể chế kinh tế chiếm đoạt toàn bộ sản lượng nông nghiệp của các công dân của nó, thành một xã hội bắt hàng loạt người dân làm nô lệ và bán họ cho những người Bồ Đào Nha để đổi lấy súng đạn và các hàng hóa xa xỉ cho elite Kongo.
Những sự khác biệt ban đầu giữa nước Anh và Kongo đã có nghĩa rằng trong khi các cơ hội thương mại đường dài mới đã tạo ra một bước ngoặt hướng tới các thể chế đa nguyên chính trị ở nước Anh, chúng cũng đã dập tắt bất cứ hy vọng nào về chính thể chuyên chế bị đánh bại ở Kongo. Ở phần lớn châu Phi các khoản lợi nhuận đáng kể đã phải là từ bán nô lệ, đã dẫn không chỉ đến sự tăng cường của nó và thậm chí các quyền sở hữu không an toàn nhiều hơn, mà còn dẫn đến chiến tranh khốc liệt và sự hủy hoại nhiều thể chế hiện tồn; trong vòng vài thế kỷ, bất cứ quá trình nào về tập trung hóa nhà nước đã đều bị đảo ngược hoàn toàn, và nhiều nhà nước Phi châu phần lớn đã sụp đổ. Mặc dù một số nhà nước mới, và đôi khi hùng mạnh, đã hình thành để lợi dụng việc buôn bán nô lệ, chúng đã dựa trên chiến tranh và cướp bóc. Bước ngoặt của việc tìm ra châu Mỹ đã có thể giúp nước Anh phát triển các thể chế bao gồm, nhưng nó đã làm cho các thể chế ở châu Phi còn khai thác hơn.
Mặc dù buôn bán nô lệ đã hầu như chấm dứt vào năm 1807, chủ nghĩa thực dân Âu châu tiếp sau không chỉ đã đảo ngược việc hiện đại hóa kinh tế mới nảy sinh ở các phần của miền nam và tây châu Phi, mà cũng cản trở bất cứ khả năng nào của cải cách thể chế bản địa. Điều này đã có nghĩa rằng ngay cả bên ngoài các vùng như Congo, Madagascar, Namibia, và Tanzania, các vùng nơi sự cướp bóc, xâu xé hàng loạt, và thậm chí giết người quy mô lớn đã là lệ thường, đã có ít cơ hội cho châu Phi để thay đổi con đường thể chế của nó.
Còn tệ hơn, cấu trúc của sự thống trị thuộc địa đã để lại trong các năm 1960 cho châu Phi một di sản thể chế phức tạp hơn và độc hại hơn đầu thời kỳ thuộc địa hóa. Sự phát triển các thể chế chính trị và kinh tế ở nhiều thuộc địa Phi châu đã có nghĩa rằng thay vì việc tạo ra một bước ngoặt cho những sự cải thiện trong các thể chế của chúng, sự độc lập đã tạo ra một sự mở cửa cho các nhà lãnh đạo vô lương tâm để tiếp quản và tăng cường sự khai thác mà các nhà thực dân Âu châu đã nắm quyền điều khiển. Những khuyến khích chính trị mà các cấu trúc này tạo ra đã dẫn đến một kiểu chính trị mà nó đã tái tạo các hình mẫu lịch sử của các quyền sở hữu không an toàn và không hiệu quả dưới các nhà nước với các xu hướng chuyên chế mạnh nhưng tuy nhiên lại thiếu bất cứ nhà chức trách tập trung nào trên các lãnh thổ của họ.
Cách mạng Công nghiệp vẫn chưa lan đến châu Phi bởi vì lục địa đó đã trải qua một vòng luẩn quẩn dài của sự tồn tại dai dẳng và sự tái tạo của các thể chế chính trị và kinh tế khai thác. Botswana là ngoại lệ. Như chúng ta sẽ thấy (trang 404-416), trong thế kỷ thứ mười chín, Vua Khama, ông nội của thủ tướng đầu tiên của Botswana khi độc lập, Seretse Khama, đã khởi xướng những thay đổi thể chế để hiện đại hóa các thể chế chính trị và kinh tế của bộ lạc ông. Hết sức độc đáo, những thay đổi này đã không bị phá hủy trong thời kỳ thuộc địa, một phần như hệ quả của các thách thức thông minh của Khama và các thủ lĩnh khác đối với nhà cầm quyền thuộc địa. Sự tác động qua lại của chúng với bước ngoặt, mà sự độc lập khỏi ách thống trị thuộc địa đã tạo ra, đã đặt nền móng cho thành công kinh tế và chính trị của Botswana. Nó đã là một trường hợp khác về những khác biệt lịch sử nhỏ mà quan trọng.
Có một xu hướng để xem các sự kiện lịch sử như các hệ quả không thể tránh được của các lực đã bén rễ sâu. Trong khi chúng ta đặt sự nhấn mạnh nhiều đến lịch sử của các thể chế kinh tế và chính trị tạo ra các vòng thiện và vòng luẩn quẩn, sự tùy thuộc ngẫu nhiên như thế nào, như chúng ta đã nhấn mạnh trong bối cảnh của sự phát triển các thể chế ở Anh, có thể luôn luôn là một yếu tố. Seretse Khama, theo học ở Anh trong các năm 1940, đã phải lòng Ruth Williams, một phụ nữ da trắng. Như một hậu quả, chế độ phân biệt chủng tộc apartheid ở Nam Phi đã thuyết phục chính phủ Anh cấm ông khỏi xứ bảo hộ, lúc đó được gọi là Bechuanaland (mà bộ máy hành chính của nó đã nằm dưới Cao Ủy Nam Phi), và ông đã từ bỏ vương vị của mình. Khi ông trở về để lãnh đạo cuộc chiến đấu chống thực dân, ông đã làm vậy với sự chủ ý không bám lấy các thể chế truyền thống mà cải biên chúng cho phù hợp với thế giới hiện đại. Khama đã là một người phi thường, đã không quan tâm đến sự giàu có cá nhân và đã tận tâm xây dựng tổ quốc ông. Hầu hết các nước Phi châu khác đã không được may mắn như vậy. Cả hai thứ đều quan trọng, sự phát triển lịch sử của các thể chế ở Botswana và các yếu tố tùy thuộc ngẫu nhiên mà đã dẫn đến việc các thể chế này được kiến tạo hơn là bị đạp đổ hay bị làm cho méo mó như tại các nơi khác ở châu Phi.
TRONG THẾ KỶ THỨ MƯỜI CHÍN, chính thể chuyên chế, không khác mấy chính thể chuyên chế ở châu Phi hay Đông Âu, đã chặn con đường công nghiệp hóa ở phần lớn châu Á. Ở Trung Quốc, nhà nước đã là chính thể chuyên chế mạnh, và các thành phố, các thương gia, và các nhà công nghiệp độc lập đã hoặc không tồn tại hay đã yếu hơn nhiều về mặt chính trị. Trung Quốc đã là một cường quốc hàng hải lớn và đã dính líu sâu vào thương mại đường dài hàng thế kỷ, trước những người Âu châu. Nhưng nó đã ngoảnh mặt khỏi các đại dương đúng vào lúc nhầm thời, khi các hoàng đế nhà Minh đã quyết định vào cuối thế kỷ mười bốn và đầu thế kỷ mười lăm rằng thương mại đường dài tăng lên và sự phá hủy sáng tạo mà nó có thể mang lại chắc sẽ đe dọa sự cai trị của họ.
Ở Ấn Độ, sự trôi dạt thể chế đã hoạt động theo cách khác và đã dẫn đến sự phát triển của hệ thống caste (đẳng cấp) kế truyền cứng nhắc độc đáo mà đã hạn chế sự vận hành của các thị trường và sự phân bổ lao động giữa các nghề một cách nghiêm trọng hơn rất nhiều so với trật tự phong kiến ở châu Âu trung cổ. Nó cũng đã làm nòng cốt cho một hình thức mạnh khác của chính thể chuyên chế dưới thời các nhà cai trị Mughal. Hầu hết các nước Âu châu đã có các hệ thống giống nhau trong Thời Trung Cổ. Các họ Anglo-Saxon hiện đại như Baker, Cooper, và Smith là các hậu duệ trực tiếp của các loại nghề kế truyền. Các baker làm bánh mỳ, cooper đóng thùng, smith rèn kim loại. Nhưng các loại nghề này đã chẳng bao giở cứng nhắc như những sự phân biệt đẳng cấp Ấn Độ và đã dần dần trở nên vô nghĩa như tên tiên đoán nghề của một cá nhân. Mặc dù các thương gia Ấn Độ đã buôn bán khắp Ấn Độ Dương, hệ thống đẳng cấp và chính thể chuyên chế Mughal đã là những cản trở nghiêm trọng đối với sự phát triển các thể chế bao gồm ở Ấn Độ. Vào thế kỷ thứ mười chín, tình hình thậm chí còn ít thân thiện hơn cho công nghiệp hóa vì Ấn Độ đã trở thành một thuộc địa khai thác của người Anh. Trung Quốc đã chẳng bao giờ chính thức bị thuộc địa hóa bởi những người Âu châu, nhưng sau khi những người Anh đã thành công đánh bại người Trung Quốc trong các cuộc Chiến tranh Thuốc Phiện giữa 1839 và 1842, và rồi lần nữa giữa 1856 và 1860, Trung Quốc đã phải ký một loạt các thỏa ước nhục nhã và cho phép các hàng hóa xuất khẩu Âu châu xâm nhập. Vì Trung Quốc, Ấn Độ, và các nước khác đã không tận dụng được các cơ hội thương mại và công nghiệp, châu Á, trừ Nhật Bản, đã tụt lại sau khi Tây Âu tiến lên dẫn đầu.
TIẾN TRÌNH phát triển thể chế mà Nhật Bản đã vạch ra trong thế kỷ thứ mười chín lần nữa lại minh họa sự tương tác giữa các bước ngoặt và những khác biệt nhỏ do trôi dạt thể chế gây ra. Nhật Bản, giống Trung Quốc, đã dưới sự cai trị chuyên chế. Nhà Tokugawa đã tiếp quản năm 1600 và đã cai trị một hệ thống phong kiến mà cũng đã cấm thương mại quốc tế. Nhật Bản cũng đã đối mặt với một bước ngoặt được tạo ra bởi sự can thiệp phương Tây khi bốn tàu chiến Hoa Kỳ, do Matthew C. Perry chỉ huy, đã vào Vịnh Edo vào tháng Sáu 1853, đòi những nhượng bộ thương mại giống như các nhượng bộ mà Anh nhận được từ Trung Quốc trong các cuộc Chiến tranh Thuốc phiện. Nhưng bước ngoặt này đã diễn ra một cách rất khác ở Nhật Bản. Bất chấp sự gần nhau và những tương tác thường xuyên của chúng, vào thế kỷ mười chín, về mặt thể chế Trung Quốc và Nhật Bản đã trôi dạt xa nhau rồi. Trong khi sự cai trị của nhà Tokugawa ở Nhật Bản là chuyên chế và mang tính khai thác, nó đã chỉ có một ảnh hưởng mong manh đến các nhà lãnh đạo của các lãnh địa phong kiến lớn khác và đã dễ bị thách thức. Cho dù đã có các cuộc nổi dậy nông dân và bất hòa dân sự, chính thể chuyên chế ở Trung Quốc đã mạnh hơn, và phe đối lập đã ít được tổ chức và tự trị hơn. Đã không có thế lực tương đương nào của các lãnh đạo các lãnh địa phong kiến khác ở Trung Quốc những người đã có thể thách thức sự cai trị chuyên chế của hoàng đế và vạch ra một con đường thể chế khả dĩ khác. Sự khác biệt thể chế này, về nhiều phương diện là nhỏ so với những khác biệt tách Trung Quốc và Nhật Bản khỏi Tây Âu, đã có những hệ quả quyết định trong bước ngoặt được tạo ra bởi sự đến mạnh mẽ của những người Anh và Mỹ. Trung Quốc đã tiếp tục con đường chuyên chế của mình sau các cuộc Chiến tranh Thuốc Phiện, trong khi sự đe dọa Mỹ đã củng cố phe đối lập với sự cai trị Tokugawa ở Nhật Bản và đã dẫn đến một cuộc cách mạng chính trị, Minh trị Duy tân, như chúng ta sẽ thấy trong chương 10. Cuộc cách mạng chính trị Nhật này đã cho phép hình thành các thể chế chính trị bao gồm hơn và các thể chế kinh tế bao gồm hơn rất nhiều, và đã đặt nền móng cho sự tăng trưởng nhanh sau đó của Nhật Bản, trong khi Trung Quốc sống khổ cực dưới ách chính thể chuyên chế.
Nhật Bản đã phản ứng ra sao đối với thách thức do các tàu chiến Hoa Kỳ áp đặt, bằng cách bắt đầu một quá trình biến đổi thể chế cơ bản, giúp chúng ta hiểu một khía cạnh khác của địa hình địa thế xung quanh chúng ta: những sự chuyển đổi từ trì trệ sang tăng trưởng nhanh. Nam Hàn, Đài Loan, và cuối cùng Trung Quốc đã đạt các tốc độ tăng trưởng kinh tế cao dễ gây tai nạn sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai thông qua một con đường tương tự như con đường Nhật Bản đã đi. Ở mỗi trong các trường hợp này, tăng trưởng đã đến sau những thay đổi lịch sử về thể chế kinh tế của các nước đó – mặc dù không luôn luôn về thể chế chính trị của họ, như trường hợp của Trung Quốc làm nổi bật.
Logic của các đoạn tăng trưởng nhanh đi đến một kết thúc đột ngột và sau đó bị đảo ngược như thế nào cũng được thuật lại. Theo cùng cách mà các bước quyết định hướng đến các thể chế kinh tế bao gồm có thể châm ngòi cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh, một sự quay ngoắt đột ngột khỏi các thể chế bao gồm có thể dẫn đến trì trệ kinh tế. Nhưng thường xuyên hơn, những sự sụp đổ của tăng trưởng nhanh, như ở Argentina hay Liên Xô, là một hậu quả của sự tăng trưởng dưới các thể chế khai thác sắp đến hồi kết liễu. Như chúng ta đã thấy, điều này có thể xảy ra hoặc bởi vì sự tranh giành nội bộ về các đồ ăn cướp được của sự khai thác, dẫn đến sự sụp đổ của chế độ, hay bởi vì sự thiếu vắng cố hữu của đổi mới và sự phá hủy sáng tạo dưới các thể chế khai thác đặt một giới hạn lên sự tăng trưởng bền vững. Những người Soviet đã gặp phải khó khăn với các giới hạn này thế nào sẽ được thảo luận chi tiết hơn trong chương tiếp theo.
NẾU CÁC THỂ CHẾ chính trị và kinh tế của Mỹ Latin hơn năm trăm năm vừa qua đã được định hình bởi chủ nghĩa thuộc địa Tây Ban Nha, thì các thể chế của Trung Đông đã được định hình bởi chủ nghĩa thuộc địa Ottoman. Năm 1453 những người Ottoman dưới thời Sultan Mehmet II đã chiếm Constatinople, biến nó thành thủ đô của họ. Trong phần còn lại của thế kỷ, những người Ottoman đã chinh phục các phần lớn của vùng Balkan và hầu hết phần còn lại của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong nửa đầu của thế kỷ mười sáu, sự cai trị Ottoman đã lan ra khắp Trung Đông và Bắc Phi. Vào năm 1566, khi Sultan Süleyman I, được biết đến như Ngài Tráng Lệ, chết, đế chế của họ đã trải từ Tunesia ở phía Đông, sang Ai Cập, suốt lộ trình đến Mecca ở Bán Đảo Arab, và lên đến chỗ bây giờ là Iraq hiện đại. Nhà nước Ottoman đã là chính thể chuyên chế, với sultan có trách nhiệm giải trình với vài người và chẳng chia quyền lực với ai. Các thể chế kinh tế mà những người Ottoman áp đặt đã mang tính khai thác cao. Đã không có quyền sở hữu về đất đai, mà về mặt hình thức tất cả thuộc về nhà nước. Đánh thuế đất và sản lượng nông nghiệp, cùng với của cướp được từ chiến tranh, đã là nguồn thu chính của chính phủ. Tuy nhiên, nhà nước Ottoman đã không thống trị Trung Đông theo cùng cách mà nó đã có thể thống trị vùng trung tâm của nó ở Anatolia [phần lớn của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại] hay thậm chí ở mức độ mà nhà nước Tây Ban Nha đã thống trị xã hội Mỹ Latin. Nhà nước Ottoman đã liên tục bị thách thức bởi những người Bedouin và các cường quốc bộ lạc khác trong Bán Đảo Arab. Nó đã thiếu không chỉ năng lực để áp đặt một trật tự ổn định ở phần lớn Trung Đông mà cũng thiếu năng lực hành chính để thu thuế. Cho nên nó đã “giao” cho các cá nhân, bán quyền cho những người khác để thu thuế theo bất cứ cách nào họ có thể. Các nông dân được giao quyền thu thuế này, nông dân thuế, đã trở nên tự trị và hùng mạnh. Thuế suất trong các lãnh thổ Trung Đông đã rất cao, thay đổi từ một nửa đến hai phần ba sản lượng mà các nông dân làm ra. Phần nhiều của các khoản thuế này được nông dân thuế giữ lại cho mình. Bởi vì nhà nước Ottoman đã không thiết lập được một trật tự ổn định trong các vùng này, các quyền sở hữu còn xa mới an toàn, và đã có rất nhiều sự vô pháp luật và nghề ăn cướp khi các nhóm có vũ trang tranh nhau kiểm soát địa phương. Ở Palestin, chẳng hạn, tình hình đã kinh khủng đến mức bắt đầu vào cuối thế kỷ mười sáu, các nông dân đã bỏ phần lớn đất đai màu mỡ và chuyển lên các vùng núi cao, mà đã cho họ sự bảo vệ lớn hơn chống bọn cướp.
Các thể chế kinh tế khai thác trong các vùng đô thị của Đế chế Ottoman cũng đã không ít ngột ngạt hơn. Thương mại đã dưới sự kiểm soát của nhà nước, và các nghề đã bị điều tiết một cách nghiêm ngặt bởi các phường hội hay các độc quyền. Hậu quả đã là, trong thời của Cách mạng Công nghiệp các thể chế kinh tế của Trung Đông đã là các thể chế khai thác. Vùng này đã trì trệ về mặt kinh tế.
Vào các năm 1840, những người Ottoman đã thử cải cách các thể chế – thí dụ, bằng đảo ngược việc giao cho nông dân thu thuế và đưa các nhóm tự trị địa phương vào dưới sự kiểm soát. Nhưng chính thể chuyên chế đã kéo dài đến Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất, và các nỗ lực cải cách đã bị ngăn trở bởi nỗi sợ thông thường về sự phá hủy sáng tạo và sự lo ngại giữa các nhóm elite rằng họ sẽ thua về mặt kinh tế và chính trị. Trong khi các nhà cải cách Ottoman đã nói về việc đưa vào quyền sở hữu tư nhân về đất nhằm làm tăng năng suất nông nghiệp, hiện trạng vẫn tồn tại dai dẳng bởi vì mong muốn kiểm soát chính trị và đánh thuế. Tiếp sau sự thuộc địa hóa Ottoman là thuộc địa hóa Âu châu sau 1918. Khi sự kiểm soát Âu châu chấm dứt, cùng động học mà chúng ta đã thấy ở châu Phi hạ-Sahara được giữ vững, với các thể chế thuộc địa khai thác được tiếp quản bởi các elite độc lập. Trong một số trường hợp, như chế độ quân chủ Jordan, các elite này đã là các tác phẩm trực tiếp của các cường quốc thuộc địa, nhưng việc này cũng xảy ra thường xuyên ở châu Phi, như chúng ta sẽ thấy. Các nước Trung Đông không có dầu ngày nay có mức thu nhập tương tự như các quốc gia nghèo ở Mỹ Latin. Họ đã không phải chịu các lực lượng gây bần cùng (immiserizing forces) như buôn bán nô lệ, và trong một giai đoạn dài họ đã hưởng lợi từ các dòng chảy công nghệ từ châu Âu. Trong thời Trung Cổ, bản thân Trung Đông về mặt kinh tế đã cũng là một phần tương đối tiên tiến của thế giới. Vì thế ngày nay nó không nghèo như châu Phi, nhưng đa số nhân dân vẫn sống trong nghèo khó.
⃰⃰ ⃰⃰ ⃰⃰
CHÚNG TA ĐÃ THẤY rằng các lý thuyết đựa vào địa lý, văn hóa, và sự dốt nát đều không hữu ích cho việc giải thích địa hình địa thế [tình hình] xung quanh chúng ta. Chúng không cung cấp một sự giải thích thỏa đáng cho các hình mẫu nổi bật của sự bất bình đẳng thế giới: sự thực rằng quá trình phân kỳ kinh tế đã bắt đầu với Cách mạng Công nghiệp ở nước Anh trong các thế kỷ thứ mười tám và mười chín, rồi sau đó lan ra Tây Âu và các thuộc địa định cư Âu châu; sự phân kỳ dai dẳng giữa các phần khác nhau của châu Mỹ; sự nghèo khó của châu Phi và Trung Đông; sự phân kỳ giữa Đông và Tây Âu; và những sự chuyển đổi từ đình trệ sang tăng trưởng và đôi khi sự chấm dứt đột ngột của những cú thúc tăng trưởng. Lý thuyết của chúng ta giải thích được.
Trong các chương còn lại, chúng ta sẽ thảo luận rất chi tiết lý thuyết thể chế này hoạt động ra sao và minh họa phạm vi rộng rãi của các hiện tượng mà nó có thể giải thích. Các hiện tượng này trải từ nguồn gốc của Cách mạng Đồ Đá Mới đến sự sụp đổ của nhiều nền văn minh, hoặc bởi vì các giới hạn nội tại của sự tăng trưởng dưới các thể chế khai thác, hay bởi vì các bước hạn chế theo hướng bao gồm bị đảo ngược.
Chúng ta sẽ thấy bằng cách nào và vì sao các bước quyết định theo hướng các thể chế chính trị bao gồm đã được đưa ra trong Cách mạng Vinh quang ở nước Anh. Chúng ta sẽ xem cụ thể hơn các vấn đề sau đây:
-
Các thể chế bao gồm nổi lên thế nào từ sự tác động qua lại của bước ngoặt được tạo ra bởi thương mại Đại Tây Dương và bản chất của các thể chế Anh tồn tại trước đó.
-
Bằng cách nào các thể chế này tồn tại dai dẳng và trở nên được củng cố để đặt nền móng cho Cách mạng Công nghiệp, một phần nhờ vòng thiện, và một phần nhờ những diễn biến may mắn của sự tùy thuộc ngẫu nhiên.
-
Có bao nhiêu chế độ ngự trị trên các thể chế chuyên chế và khai thác đã chống lại một cách kiên định sự truyền bá các công nghệ mới được Cách mạng Công nghiệp mở ra.
-
Bản thân những người Âu châu đã dập tắt khả năng tăng trưởng kinh tế như thế nào ở nhiều phần của thế giới mà họ đã chinh phục.
-
Bằng cách nào vòng luẩn quẩn và quy luật sắt của chính thể đầu sỏ đã tạo ra một xu hướng mạnh mẽ cho các thể chế khai thác tồn tại dai dẳng, và như thế các vùng đất nơi Cách mạng Công nghiệp ban đầu đã không lan tới vẫn tương đối nghèo.
-
Vì sao Cách mạng Công nghiệp và các công nghệ mới khác đã không lan ra hay không chắc sẽ lan đến các nơi xung quanh thế giới ngày nay những nơi mà một mức độ tối thiểu của sự tập trung của nhà nước đã không đạt được.
Việc thảo luận của chúng ta sẽ cũng chứng tỏ rằng các vùng nhất định mà đã tìm được cách để biến đổi các thể chế theo hướng bao gồm hơn, như Pháp, Nhật Bản, hay đã cản việc thiết lập các thể chế khai thác, như Hoa Kỳ hoặc Autralia, đã dễ tiếp thu hơn sự lan tỏa của Cách mạng Công nghiệp và đã đi trước các nước còn lại. Như ở nước Anh, đấy đã không luôn luôn là một quá trình suôn sẻ, và dọc đường, nhiều thách thức đối với các thể chế bao gồm đã được khắc phục, đôi khi bởi vì động học của vòng thiện, đôi khi nhờ con đường tùy thuộc ngẫu nhiên của lịch sử.
Cuối cùng, chúng ta cũng sẽ thảo luận về sự thất bại của các quốc gia ngày nay bị ảnh hưởng nặng nề ra sao bởi lịch sử thể chế của họ, và bao nhiêu lời khuyên chính sách được thông báo bởi các giả thuyết không đúng và có thể làm cho lạc lối, và bằng cách nào các quốc gia vẫn có khả năng túm lấy các bước ngoặt và phá vỡ các khuôn đúc, các vòng kim cô để cải cách các thể chế của họ và bắt đầu bước lên con đường đến sự thịnh vượng lớn hơn.
Nguyễn Quang A dịch
Nguồn:
Why Nations Fail
THE ORIGINS OF POWER, PROSPERITY, AND POVERTY
Daron Acemoglu and Jemes A. Robinson
Crown Publishers ● New York