Chẳng hạn như có những lúc thôn làng gặp khó khăn, thiếu tiền để theo một vụ kiện, hoặc để xây dựng một công trình công cộng thì người ta sẵn lòng cúng tiền, góp ruộng vì lợi ích chung của cộng đồng. Cũng có người cúng hậu để nâng cao uy tín, địa vị của bản thân, của dòng họ, hay chỉ đơn giản là để được nương bóng Thần Phật cho linh hồn được siêu thoát khi qua đời. Cũng không loại trừ trường hợp vì hối hận với những việc làm thất đức đã qua của bản thân hoặc của những người trong gia tộc mà người ta cúng ruộng, tiền, của cải cho những nơi thờ cúng để chuộc lại lỗi lầm, mong được Thần, Phật, Trời, Đất xá tội...
Ngoài hình thức cúng hậu, mua hậu nêu trên còn có hình thức bầu hậu. Những người có công với dân với nước hoặc hay làm những việc phúc, điều thiện, mặc dù không yêu cầu được thờ cúng nhưng dân làng nhớ tới công đức và lòng hảo tâm của họ nên đã bầu hậu cho họ, thường là Hậu Thần. Còn những người chỉ góp tiền của, không có phẩm tước thì thường được bầu làm Hậu Phật. Theo lệ ở đình, đền, miếu, từ đường, lăng mộ thì được bầu làm Hậu Thần; còn ở chùa thì bầu làm Hậu Phật.
Cho đến nay vẫn chưa có cứ liệu để biết chắc chắn về thời điểm ra đời của tục cúng hậu. Theo chúng tôi việc ra đời của tục cúng hậu có liên quan đến chế độ tư hữu ruộng đất, sự phát triển của kinh tế hàng hoá, tiền tệ và sự thay đổi vai trò, vị thế của các tôn giáo. Ngược dòng lịch sử chúng ta thấy rằng, ngay từ thời Lý - Trần ngoài việc ban cấp ruộng đất cho công thần, quan lại, Nhà nước còn ban cấp ruộng đất cho nhà chùa. Điều này được ghi lại trong một số văn bia, thí dụ như trong bia Vạn phúc đại thiền tự dựng năm Chính Hoà thứ 7 (1686) ở huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh ghi lại việc “Năm Long Thuỵ Thái Bình thứ 4 (1057) nhà vua cho xây trên 100 ngôi chùa ở đây và cúng hơn trăm thửa ruộng”[1]. Việc Nhà nước ban ruộng cho các chùa có lẽ đã tương đối phổ biến nên “năm 1088, để giúp các sư quản lý ruộng đất, nhà Lý đã đặt chức “Đề cử”[2] dùng quan văn sung giữ”[3]. Ngoài hình thức ban cấp ruộng đất, Nhà nước còn có chế độ miễn mọi tô thuế, nghĩa vụ cho một số thôn, xã để họ lo phụng sự hương khói đèn nhang (tạo lệ) cho một ngôi đền hoặc chùa nào đó. Thần tích các đền thờ lớn ở trong nước còn nhắc nhiều đến hiện tượng này. Bia Đại Càn điện tạo lệ cổ tích dựng năm 1665 ở xã Hương Cần, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An còn ghi lại một lệnh chỉ của Trần Anh Tông vào năm Hưng Long thứ 20 (1312). Theo lệnh chỉ, thôn dân sở tại được đặt làm dân tạo lệ, “phàm binh phần, hộ phần và sưu sai, cầu máng, đường sá đều được miễn để phụng sự. Quan phụng sai và các nha môn phải tôn trọng, nếu vi phạm thì phép nước ở lệnh chỉ này” [4].
Sang thế kỷ XV, sau một thời gian ngắn ngủi dưới triều Hồ đất nước lâm vào cảnh chiến tranh, nền sản xuất bị suy yếu, ruộng đất bỏ hoang, chùa chiền cũng bị tàn phá “mười phần không được một, và số còn lại ấy cũng mưa bay, gió chuyển, đổ ngả xiêu nghiêng”[5]. Đến đầu thời Lê, sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi Nhà nước ban thưởng rất hậu cho các tướng sĩ, chế độ ban cấp ruộng đất cũng được mở rộng với các đối tượng như quan lại, công thần, các làng, địa phương có công với kháng chiến... Chế độ ban cấp ruộng đất đã củng cố và tạo điều kiện để chế độ tư hữu ruộng đất phát triển, hoạt động mua bán, trao đổi ruộng đất trở nên phổ biến[6]. Ngược lại, về phía nhà chùa vì Phật giáo không còn được tôn sùng như trước nên Nhà nước không ban cấp ruộng cho các chùa nữa và hạn chế việc xây dựng các chùa lớn. Chính sách này đã tạo nên một sự hẫng hụt, các đền chùa thiếu những cơ sở về vật chất để duy trì hoạt động và tu bổ lại sau chiến tranh. Do vậy, đình làng cũng như nhà chùa có lẽ đã phải vận động các chủ sở hữu tư nhân cúng tiến ruộng đất, của cải. Để bù lại, những người này sẽ được hưởng quyền lợi về giá trị tinh thần là được nương bóng nơi cửa Thần, cửa Phật. Bằng chứng về việc các đình, chùa đã nhận tiền của của tư nhân để xây dựng được thể hiện qua lời nhận xét của vua Lê Thánh Tông vào năm 1496: “Ta thấy trong nước nhiều người không đủ vốn để dựng đình, không đủ tiền trả tô thuế, bèn đứng ra nhận tiền của người khác làm của riêng, nhận đề nghị của người khác bằng thề ước nhưng rồi lần lữa giảm bớt cúng tế và thôi không cúng tế nữa. Từ nay về sau, xã phải trông coi việc thờ cúng trong đình hay trong chùa, trước sau không được thay đổi”[7]. Qua sự kiện này, cho phép chúng ta nghĩ rằng việc cúng hậu vào các đình chùa ở nửa cuối thế kỷ XV đã khá phổ biến. Đến thời Mạc, Nhà nước sùng Nho nhưng không độc tôn Nho giáo, chùa chiền không những chỉ được trùng tu, sửa chữa mà còn được xây mới ở khắp nơi. Việc đúc chuông, tô tượng, dựng bia, cúng ruộng khá nhộn nhịp, tục cúng hậu lại có điều kiện để tiếp tục phát triển. "Kể từ 1527 đến năm 1592, hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ được nhân dân, quan lại, quý tộc dựng mới hoặc trùng tu lập bia, đúc chuông, tô tượng bề thế, khang trang"[8].
Thế kỷ XVII và XVIII cùng với sự phát triển đáng kể của kinh tế hàng hoá, nhiều đô thị lớn hình thành thì ở nơi thôn dã các làng xã cũng đua tranh nhau để nâng cao uy thế chính trị và xây dựng nâng cấp các công trình văn hoá trong đó có các cơ sở thờ cúng. Thông qua việc cúng hậu, mua hậu mà những nhà giàu có, hoặc có địa vị xã hội đã đóng góp thêm phần của cải vật chất tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đua tranh nói trên. Việc cúng hậu trở nên rất phát triển và việc khắc bia ghi lại tên tuổi, công đức của những người cúng hậu, gọi là bia ký hậu hay bia hậu, cũng được tiến hành rộng rãi với số lượng lớn. Theo đó số ruộng đất thông qua việc cúng hậu đã tăng lên một cách đáng kể nên nhà nước phải buộc đánh thuế vào năm 1728: “ruộng Hậu Thần, Hậu Phật, ruộng tế tự, ruộng giỗ đều theo mức mỗi mẫu nộp 2 tiền”[9].
Trong thế kỷ XIX, mặc dù nhà Nguyễn thực hiện chính sách công điền nhưng ruộng đất tư hữu vẫn duy trì và thậm chí phát triển. Theo nhận định của tác giả Vũ Huy Phúc thì "Không kể con đường mở rộng diện tích một cách phi pháp đối với Nhà nước phong kiến chuyên chế, tức quá trình "biến công vi tư" hoặc chấp chiếm của người khác..., nhà Nguyễn vẫn phải mở một con đường hợp pháp cho ruộng đất tư hữu, hay nói đúng hơn cho địa chủ lớn nhỏ được phát triển"[10]. Nhờ vậy, việc cúng hậu và lập bia ký hậu giai đoạn này vẫn tiếp tục nhưng vì nhiều lý do về chính trị, quân sự nên số lượng không còn được nhiều như các thế kỷ trước.
2. Dựa vào những văn bia hậu hiện còn chúng tôi cho rằng việc khắc bia ký hậu được xuất hiện muộn nhất là vào đầu thế kỷ XVI[11]. Trong số 1.919 đơn vị văn bia được giới thiệu trong “Văn khắc Hán Nôm Việt Nam”[12], có 394 bia hậu được dựng trong những năm từ 1557 đến 1939. Trong số những bia hậu này, chúng tôi thấy ở nửa cuối thế kỷ XVI mới có 9 bia; thế kỷ XVII lên tới 227 bia; thế kỷ XVIII có 128 bia; thế kỷ XIX tụt xuống 24 bia, nửa đầu thế kỷ XX chỉ còn
6 bia.
Những số liệu trên cho thấy đỉnh điểm cao nhất của việc lập bia hậu tập trung vào hai thế kỷ XVII và XVIII. Do vậy chúng tôi chỉ đi sâu phân tích nội dung các văn bia ở hai thế kỷ này.
Trong số 355 bia hậu của thế kỷ XVII và XVIII[13] (Xem các bảng thống kê ở cuối bài), có 323 bia khắc riêng tên cho một người hoặc một gia đình; 32 bia khắc chung cho nhiều người cùng cúng hậu; tổng số là 416 người[14]. Trong số đó, thành phần xã hội được phân bố như sau: quan lại: 166 người; cung phi: 37 người; Thái giám: 27 người[15]; không quan trước: 162 người và 26 người không rõ thành phần xuất thân. Về số tiền cúng hậu: trên 200 quan: 68 người; dưới 200 quan: 202 người. Về ruộng đất cúng hậu, trên 5 mẫu: 64 người, dưới 5 mẫu: 222 người. Số người cúng hậu bằng cả tiền và ruộng đất: 202 người.
Theo nội dung các văn bia và những số liệu từ các bảng thống kê, chúng tôi nhận thấy phần lớn những người được khắc tên trong các bia hậu ở đình thì được bầu làm Hậu Thần: 118 người (chiếm 69,5%), còn lại là được bầu làm Hậu Thần- Hậu Phật và các chức danh khác như: Phúc thần, Á phúc thần, Đại phụ mẫu, Phật sống.... Về thành phần xã hội của những người cúng hậu ở đình, chúng tôi thống kê được: quan lại: 82 người (chiếm 48%); cung, phi tần: 8 người (chiếm 4,7%), thái giám: 11 người (chiếm 6,5%), không quan tước: 56 người (chiếm 33%) và 13 người (chiếm 7,8%) không rõ thành phần xuất thân.
Còn trong các bia hậu ở chùa thì số người được bầu làm Hậu Phật có 95 người (chiếm 73%), 4 người được bầu làm Hậu Thần (chiếm 3,1%), còn lại là các chức danh khác. Về thành phần xã hội thì có: 14 người là quan lại và những người trong hoàng tộc (chiếm 11%); cung, phi tần: 22 người (chiếm 17%), thái giám: 4 người (chiếm 3,1%), không quan tước: 88 người (chiếm 68%), còn lại 2 người (chiếm 0,9%) không rõ thân phận.
Các số liệu trên cho thấy những người có địa vị chức tước cúng hậu vào đình chiếm tỷ lệ lớn hơn, ngược lại những người cúng hậu vào chùa đa phần là thuộc tầng lớp bình dân không quan tước. Ngoài ra, chúng ta còn thấy: số người cúng ruộng đất trên 5 mẫu ở đình là 21 người còn ở chùa là 15 người; số người cúng tiền trên 200 quan ở đình là 30 người còn ở chùa là 8 người; số người cúng cả ruộng lẫn tiền ở đình là 92 người và ở chùa chỉ là 52 người.
Tương tự như ở đình, phần lớn những người cúng hậu ở đền, miếu thì được bầu làm Hậu Thần: 29 người (chiếm 63%). Trong thành phần của những người này, không quan tước chỉ có 14 người (chiếm 30%), còn lại đều là quan lại, cung phi, thái giám. Cá biệt bia hậu ở miếu còn cho biết hiện tượng thờ sống người có công lớn với nước, với làng xã, có chức tước ở triều đình. Trong 2 người được lập miếu thờ sống thì 1 người có tước bá, có công xây dựng cầu cống, đền miếu cho làng; 1 người là quận công cúng một số ruộng và lập miếu thờ thần cho làng.
Số người cúng ruộng đất vào đền miếu từ 5 mẫu trở lên chiếm tỷ lệ cao: 11 người trên tổng số 50 người (trong khi đó ở chùa tỷ lệ này là: 15/130). Số người cúng trên 200 quan cũng chiếm số lượng tương tự: 11 người (trong khi đó ở chùa tỷ lệ này là: 8/130). Điều đó cho thấy những người cúng hậu vào đền, miếu là những người có chức tước, giàu có, sở hữu nhiều ruộng đất.
Tuyệt đại đa số những người cúng hậu ở từ đường, lăng mộ là quan lại, cung phi và Thái giám (48/51 người, chiếm 94,1%). Số người cúng ruộng đất, tiền bạc với số lượng lớn cũng chiếm tỷ lệ khá cao. Số người cúng tiền trên 200 quan là 18 người, chiếm 35,2%; số người cúng ruộng trên 5 mẫu là 16 người, chiếm 39%.
Ở các Văn chỉ, Từ chỉ việc cúng hậu được thực hiện dưới hình thức cúng tiền, ruộng thông qua Hội tư văn. Người cúng hậu được thờ phụng hay được bầu làm Hậu Hiền. Số lượng bia hậu ở hai nơi này không nhiều, chỉ có 9 bia. Những người cúng hậu chủ yếu đã qua khoa bảng và quan chức (9 trong tổng số 11 người). Không có người nào cúng tiền và ruộng đất với số lượng lớn (tiền trên 200 quan hoặc ruộng trên 5 mẫu).
3. Việc cúng hậu, bán hậu, bầu hậu và lập bia ký hậu diễn ra rất đa dạng, được thực hiện ở nhiều cơ sở thờ cúng với nhiều hình thức phong phú. Nhưng chủ yếu vẫn là ở đình và chùa nhằm tạo thêm nguồn kinh phí để các cơ sở này hoạt động. Chẳn hạn như bia Hậu Thần bi ký ở đình xã An Lão, Kiến An, Hải Phòng tạo năm 1690; nói về việc xã này bị xã Phương Lang dâng khải vu cáo là gian lận ruộng đất, bản xã thiếu tiền theo kiện nên đã họp ở đình bàn việc bán hậu. Số tiền, ruộng cúng hậu sẽ do tự nguyện hoặc do chức dịch làng xã định mức. Văn bia Quai lập Hậu Thần bi ký ở đình xã Yên Sơn, huyện Phượng Nhãn, tỉnh Bắc Giang tạo năm 1693, nói về việc do làng bị kiện nên các hương lão và nhiều người khác thuộc hai giáp Đông, Tây của thôn Khê Khẩu, xã Lan Sơn, huyện Phượng Nhãn họp nhau tại đình làng bàn việc tổ chức bán hậu, mức bán hậu là 100 quan tiền sử và 4 sào ruộng. Văn bia Côi Trì bi ký, ở đình Xã Côi Trì, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình tạo năm 1767 ghi lại quy định của xã: không được bầu hậu bằng cách bỏ tiền mua hậu. Ngoài ra là ghi tên họ những người có công mở làng và việc sử dụng số ruộng hậu dành riêng để thờ cúng cho mỗi người. Lại có nơi ghi rõ số tiền, số ruộng, tên tuổi, danh phận của người cúng hậu vào khế ước, rồi sau đó sẽ được khắc lên bia đá để lưu danh mãi mãi... Việc dựng bia được tiến hành đồng thời hoặc sau khi được bầu hậu. Văn bia Chiêu Nghi tự sự bi ký ở đình xã Phương Xá, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, tạo năm 1675 nói về việc bà Chiêu Nghi Đặng Thị Cúc, cung tần của Trịnh Tạc cúng cho làng xã 12 mẫu ruộng và hơn 1.000 quan tiền. Bà được địa phương thờ cúng và lập bia ghi công, việc lập bia tiến hành sau khi cúng hậu 7 năm. Cũng có nơi, ngoài việc khắc tên vào bia đá, người được bầu hậu còn được tạc tượng như văn bia Thiên vũ tự thạch bi ở xã Phù Lưu Nội, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng tạo năm 1606 mô tả việc chùa Thiên Phúc ở chân núi Mỹ Lưu rất linh ứng, khiến dân trong vùng được an khang. Nay dân xã đứng ra xây dựng lại nhà thượng điện 1 gian 2 chái, nhà tiền đường 2 gian, tạc 2 pho tượng Phật, 7 pho tượng Hậu Phật.
Số tiền cúng hậu (hoặc mua hậu) sẽ được dùng vào việc công như xây dựng, tu bổ đình, chùa, cầu cống. Ruộng đất thì đem phát canh cho một số người hoặc phe giáp để thu hoa lợi dùng vào các việc khánh tiết, giỗ chạp, cúng tế thường niên. Đối với loại ruộng hậu, dân đinh được phát canh theo chế độ tô tiền từ 1 quan 5 tiền (cổ tiền) cho đến 3 quan hoặc theo chế độ tô thóc với mức 100 thăng hay đấu một mẫu[16]. Theo quy ước trên bia, người được hậu thì sẽ được thờ cúng vĩnh viễn ở những nơi mà họ mua hậu hoặc cúng hậu. Nhưng trên thực tế lại không phải như vậy mà thường chỉ được thờ cúng trong một thời gian, dài ngắn tuỳ theo thời cuộc. Còn đối với ruộng hậu thì do nhiều nguyên nhân như chiến tranh, cầm cố, chấp chiếm nên đa phần bị thất tán. Văn bia Kiều Trì thôn Đức Mục tự bi, ở xã Hà Trì, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây, tạo năm 1544 đã cho chúng ta biết điều đó. Bia này ghi lại việc ruộng đất của chùa do trải qua chiến tranh nên bị tản mát, chấp chiếm nên các ông Trưởng giáp cùng nhau vận động mọi người góp tiền để chuộc lại số ruộng đất đã bị bán trước kia, trả lại cho nhà chùa làm ruộng hương hoả như cũ. Hoặc văn bia đình xã Thượng Đáp, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, tạo năm 1757 ghi lại việc do loạn lạc, miếu đình bị đổ nát, xã phải làm một đình mới hết 180 quan, làm đền Tiết Nghĩa hết 50 quan, sửa lại đình cũ hết 696 quan, sửa lại đền Hiển Linh hết 50 quan. Xã thiếu tiền nên phải bán 4 mẫu 9 sào ruộng hậu cũ, giá mỗi sào là 3 quan, 5 mạch tiền cổ.
Về chức danh được bầu hậu, ngoài việc được bầu làm Hậu Thần (ở đình, đền) hoặc Hậu Phật (ở chùa) như đã nêu ở trên, có nhiều trường hợp một người vừa được bầu làm Hậu Thần, vừa được bầu làm Hậu Phật. Văn bia Hữu thần tự phật bi ký ở đình xã Mỹ Đức, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, tạo năm 1699 ghi việc cung tần Đặng Thị Nhuận là con gái trưởng của Thiêm Trạch hầu và là con nuôi của Tài quận công đã cúng cho dân 500 quan tiền và 4 mẫu ruộng để tu tạo đình chùa. Hơn nữa, nhờ ân uy của bà mà dân xã còn được miễn giảm thuế khoá, cho nên dân xã hàm ơn đã tôn bà làm cả Hậu Thần lẫn Hậu Phật và cùng nhau lập khế ước để thờ cúng bà hàng năm khi bà trăm tuổi.
*
* *
Trên đây, chúng tôi đã điểm qua những nét chính của tục cúng hậu và lập bia hậu ở nước ta thời xưa. Tục lệ này ngày nay vẫn còn tồn tại, nhưng nội dung và hình thức đã hoàn toàn khác trước. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này vào một dịp khác. Để khép lại bài viết này chúng tôi xin nêu lên một vài nhận xét nhỏ sau đây:
Mục đích chính của việc cúng hậu là nhằm hướng về điều thiện, làm những việc công đức những mong Trời Đất, Thần Phật chở che, để cho tâm hồn được thanh thản nơi Trần thế, linh hồn được siêu thoát chốn cõi Âm.
Lễ vật cúng tiến ngoài chủ yếu là ruộng đất, tiền bạc còn có các vật dụng khác như đồ tế khí, chuông khánh, hoành phí câu đối.v.v. Lễ vật cúng tiến loại gì, nhiều hay ít, cho nơi này hoặc nơi khác đều tùy tâm tuỳ ý của người mua hậu và nhu cầu của nơi bán hậu.
Về đại thể, việc hậu là cởi mở, thoáng đạt, không bị gò ép theo khuôn mẫu, qui tắc nào cả, mà dường như chỉ do qui ước thoả thuận với nhau. Hãn hữu lắm mới phải nhờ đến “phép nước” can thiệp, còn hầu hết là do “lệ làng” đảm đương.
Những tài sản của việc hậu về nguyên tắc là của chung, nhưng trên thực tế không ít trường hợp “dĩ công vi tư”, nhất là ruộng đất. Và cũng không loại trừ một phần tài sản đó sử dụng sai mục đích như biếu xén, hội hè, cỗ bàn chè chén.
Tục lệ hậu bao gồm các việc mua, bán, bầu, lập bia có lúc tăng, lúc giảm, nơi nhiều nơi ít là do chế độ sở hữu và điều kiện kinh tế, chính trị xã hội quy định.
Tục lệ này vốn dĩ là tốt đẹp, thanh tao, nhưng đôi khi vì cái danh, cái lợi mà làm giảm ý nghĩa căn nguyên của nó. Do vậy việc hậu chỉ thích ứng với những người có tiền của, ruộng đất và địa vị xã hội, còn những người dân nghèo, chiếm đa số trong xã hội phong kiến, nếu có nhu cầu cũng không có điều kiện tham dự việc mua bán hậu.
Tóm lại, tục cúng hậu xưa mang nhiều nét đẹp nhưng ngay trong nó cũng có đôi điều bất cập. Vấn đề ở chỗ là các giá trị truyền thống cần được đặt đúng chỗ, khắc phục và bổ sung, tạo nên nội lực để có thể phát huy sức mạnh trong đời sống xã hội hôm nay.
Bảng 1: Thống kê bia hậu thế kỷ XVII-XVIII ở một số địa phương[17]:
Số TT
|
Di tích
Địa phương
|
Đình
|
Chùa
|
Đền-Miếu
|
Từ đường- Lăng mộ
|
Văn chỉ -Vũ chỉ
|
Cầu,
Chợ...
|
Cộng
|
1
|
Lạng Sơn
|
1
|
0
|
0
|
0
|
0
|
0
|
1
|
2
|
QuảngYên
|
0
|
1
|
0
|
0
|
0
|
0
|
1
|
3
|
Thái Nguyên
|
1
|
0
|
1
|
0
|
0
|
0
|
2
|
4
|
Phú Thọ
|
1
|
1
|
0
|
0
|
0
|
0
|
2
|
5
|
Hải Hưng
|
0
|
2
|
0
|
0
|
0
|
0
|
2
|
6
|
Nam Hà
|
0
|
1
|
1
|
0
|
0
|
0
|
2
|
7
|
Ninh Bình
|
1
|
0
|
2
|
0
|
0
|
0
|
3
|
8
|
Nam Định
|
0
|
1
|
2
|
1
|
0
|
0
|
4
|
9
|
Hà Bắc
|
2
|
3
|
0
|
1
|
0
|
0
|
6
|
10
|
Vĩnh Yên
|
1
|
4
|
0
|
2
|
0
|
0
|
7
|
11
|
Thanh Hoá
|
1
|
3
|
1
|
1
|
0
|
1
|
7
|
12
|
Nghệ An
|
3
|
2
|
1
|
1
|
0
|
0
|
7
|
13
|
Phúc Yên
|
1
|
4
|
0
|
3
|
0
|
0
|
8
|
14
|
Hải Phòng
|
6
|
4
|
1
|
0
|
0
|
0
|
11
|
15
|
Sơn Tây
|
3
|
2
|
3
|
4
|
0
|
0
|
12
|
16
|
Thái Bình
|
5
|
8
|
1
|
1
|
0
|
0
|
15
|
17
|
Kiến An
|
14
|
9
|
1
|
0
|
0
|
0
|
24
|
18
|
Hưng Yên
|
14
|
5
|
9
|
1
|
1
|
0
|
30
|
19
|
Bắc Giang
|
19
|
2
|
3
|
10
|
0
|
1
|
35
|
20
|
Hà Đông
|
11
|
21
|
8
|
2
|
3
|
1
|
46
|
21
|
Hải Dương
|
27
|
10
|
7
|
2
|
3
|
1
|
50
|
22
|
Bắc Ninh
|
26
|
29
|
5
|
18
|
2
|
0
|
80
|
|
Cộng:
|
137
|
112
|
46
|
47
|
9
|
4
|
355
|
Bảng 2: Thành phần xã hội và tài sản chính được cúng hậu [18]:
|
Đơn vị
|
Số
|
Số
|
Thành phần xã hội
|
Mức tài sản
|
tt
|
phân bố
|
bia
|
người
|
Quan
|
Cung
|
Thái
|
Không
|
Tiền
|
Ruộng đất
|
Tiền và
|
|
|
|
|
lại
|
phi
|
giám
|
quan tước
|
>200 quan
|
<200 quan
|
>5 mẫu
|
<5 mẫu
|
ruộng đất
|
1
|
Đình
|
137
|
170
|
82
|
8
|
11
|
56
|
30
|
95
|
21
|
92
|
92
|
2
|
Chùa
|
112
|
130
|
14
|
22
|
4
|
88
|
8
|
70
|
15
|
74
|
55
|
3
|
Đền-Miếu
|
46
|
50
|
22
|
5
|
5
|
14
|
11
|
15
|
11
|
23
|
20
|
4
|
Từ đường- Lăng mộ
|
47
|
51
|
35
|
2
|
7
|
3
|
18
|
16
|
16
|
25
|
31
|
5
|
Văn chỉ- Từ chỉ
|
9
|
11
|
9
|
0
|
0
|
1
|
0
|
4
|
0
|
7
|
2
|
6
|
Cầu, chợ...
|
4
|
4
|
4
|
0
|
0
|
0
|
1
|
2
|
1
|
1
|
2
|
|
Cộng
|
355
|
416
|
166
|
37
|
27
|
162
|
68
|
202
|
64
|
222
|
202
|
Bảng 3: Số lượng các loại bia và chức danh được bầu[19]:
|
Đơn vị
|
Số lượng bia
|
Chức danh
|
tt
|
phân bố
|
Tổng số bia
|
Bia khắc riêng
|
Bia khắc chung
|
Tổng số người
|
Hậu thần
|
Hậu
phật
|
Hậu thần-
Hậu phật
|
Chức danh khác
|
Gửi giỗ
|
Thờ
cúng
|
1
|
Đình
|
137
|
125
|
12
|
170
|
118
|
0
|
2
|
9
|
8
|
17
|
2
|
Chùa
|
112
|
101
|
11
|
130
|
4
|
95
|
3
|
1
|
14
|
32
|
3
|
Đền-Miếu
|
46
|
42
|
4
|
50
|
29
|
2
|
1
|
1
|
4
|
9
|
4
|
Từ đường- Lăng mộ
|
47
|
46
|
1
|
51
|
22
|
0
|
1
|
7
|
0
|
16
|
5
|
Văn chỉ- Từ chỉ
|
9
|
6
|
3
|
11
|
0
|
0
|
0
|
2
|
0
|
9
|
6
|
Cầu, chợ...
|
4
|
3
|
1
|
4
|
2
|
0
|
0
|
0
|
0
|
2
|
|
Tổng số
|
355
|
323
|
32
|
416
|
175
|
97
|
7
|
20
|
26
|
85
|
Bài do tác giả gửi cho VHNA; Đã đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 5 năm 2003.
[1] Trương Hữu Quýnh, Chế độ ruộng đất ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, 1982, tập 1, tr.120.
[2] Đề cử: tên một chức quan. “Năm Mậu Thìn (1088) nhà Lý định ra ba hạng chùa là tiểu, trung, đại. Quan văn chức cao kiêm làm Đề cử vì chùa có điền nô và khố vật” (Theo Đỗ Văn Ninh. Từ điển chức quan Việt Nam, Nxb Thanh Niên, H. 2002, tr.197).
[3], 4 Trương Hữu Quýnh, Chế độ ruộng đất ở Việt Nam, sđd, tr.121, 104.
[5] Nguyễn Dữ, Truyền kỳ mạn lục, Hà Nội, 1971, tr.157.
[6] Điều này được thể hiện cụ thể qua các điều luật về mua bán, tranh kiện về ruộng đất trong Lê triều hình luật. Xem các điều luật 350, 359, 360, 361,362, 372, 373... Lê triều hình luật, Nxb Pháp lý, Hà Nội 1991.
[7] Trương Hữu Quýnh, Chế độ ruộng đất ở Việt Nam, Sđd, tr.242.
[8] Huỳnh Công Bá Tam giáo thời Mạc qua tư liệu văn bia, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 1 năm 2002, tr.57-58.
[9] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập III, Nxb Sử học, 1961, tr.59.
[10] Vũ Huy Phúc, "Tìm hiểu chế độ ruộng đất ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX", Nxb Khoa học Xã hội, 1979.
[11] Theo “Thư mục văn bia - sách dẫn niên đại” của Ban Hán Nôm xuất bản năm 1975 thì một trong những bia hậu sớm nhất còn giữ lại là vào năm 1511: “Bàn khê mộ hậu chí”, ký hiệu 13545.
[12] Viện Nghiên cứu Hán -Nôm, Văn khắc Hán Nôm Việt Nam- Tuyển chọn và lược thuật, Nxb Khoa học Xã hội 1992.
[13] Chỉ giới hạn trong cuốn Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, sđd.
[14] Số liệu về những người cúng hậu chỉ mang tính tương đối vì trong nhiều bia cúng hậu cho gia đình không thấy liệt kê đầy đủ số người, cho nên chúng tôi chỉ thống kê những người có tên khắc trên bia.
[15] Thái giám cũng giữ một vị trí quan trọng trong triều đình, nhưng chúng tôi tách riêng khỏi nhóm quan lại vì đây là một thành phần cúng hậu khá đặc biệt.
[16] Xem thêm Trương Hữu Quýnh, Chế độ ruộng đất...Sđd, Tập 2, tr.123-124.
[17] Chỉ giới hạn trong Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Sđd.
[18] Số người cúng hậu ở đây chỉ mang tính tương đối vì trong nhiều bia cúng hậu cho gia đình không thấy liệt kê đầy đủ về số người cúng hậu.
[19] Trong bảng thống kê này bao gồm cả những người được gửi giỗ, thờ cúng và bầu chức danh khác vì những người này cũng được khắc tên vào bia hậu