Trước Chiến tranh Độc lập, các phạm nhân đã bị kết án, các tù nhân, chủ yếu đã được gửi sang các thuộc địa Mỹ. Sau 1783, Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ độc lập đã không còn hoan nghênh các tù nhân Anh, và các nhà chức trách Anh đã phải tìm xứ sở khác cho họ. Đầu tiên họ đã nghĩ đến Tây Phi. Nhưng khí hậu, với các bệnh địa phương như sốt rét và sốt vàng, mà những người Âu châu đã không có sự miễn dịch nào chống lại chúng, đã gây chết người đến mức các nhà chức trách đã quyết định rằng là không thể chấp nhận được để gửi ngay cả các tù nhân đến “nghĩa địa của người da trắng.” Sự lựa chọn tiếp theo của họ đã là Australia. Vùng bờ biển phía đông của nó đã được khám phá bởi nhà đi biển vĩ đại Thuyền trưởng James Cook. Ngày 29 tháng Tư năm 1770, Cook đã cập bến ở một vịnh nhỏ tuyệt vời, mà ông đã gọi là Vịnh Botany (Thực vật học) để tỏ lòng tôn vinh các loài phong phú được tìm thấy ở đó bởi các nhà tự nhiên học đi cùng với ông. Đấy đã có vẻ là một địa điểm lý tưởng cho các quan chức chính phủ Anh. Khí hậu ôn hòa, và chỗ này đã xa con mắt và xa tâm trí (xa mặt cách lòng) ở mức có thể tưởng tượng được.
Một đội gồm mười một chiếc tàu nhồi đầy các tù nhân đã trên đường đến Vịnh Botany trong tháng Giêng năm 1788 dưới sự chỉ huy của Thuyền trưởng Arthur Phillip. Vào ngày 26 tháng Giêng, bây giờ được kỷ niệm như Ngày Australia, họ đã dựng trại ở Vũng Sydney, trái tim của thành phố Sydney hiện đại. Họ đã gọi thuộc địa mới là New South Wales. Trên boong một trong những chiếc tàu, chiếc Alexander, do Duncan Sinclair làm thuyền trưởng, đã có một cặp vợ chồng tù nhân, Henry và Susannah Cable. Susannah đã được xác minh và tuyên bố có tội ăn trộm và ban đầu đã bị tuyên án tử hình. Bản án này muộn hơn được giảm xuống mười bốn năm và đày đi các thuộc địa Mỹ. Kế hoạch đó đã thất bại với sự độc lập của Hoa Kỳ. Trong lúc ấy, ở Nhà tù Norwich Castle, Susannah đã gặp và phải lòng Henry, một bạn tù. Trong năm 1787 cô bị chọn để đày sang thuộc địa tù mới ở Australia với đội tàu đầu tiên hướng về phía đó. Nhưng Henry đã không. Vào thời gian này Susannah và Henry đã có một con trai nhỏ, cũng được gọi là Henry. Quyết định này đã có nghĩa là gia đình bị ly tán. Susannah đã được chuyển đến một chiếc tàu tù thả neo trên sông Thames, nhưng tin tức đã lộ ra về sự kiện gây đau đớn khổ sở này và đã đến tai một người nhân đức, Lady Cadogan. Lady Cadogan đã tổ chức một chiến dịch thành công để đoàn tụ gia đình nhà Cable. Bây giờ cả hai được chở cùng với Henry nhỏ sang Australia. Lady Cadogan cũng đã thu được £20 để mua hàng hóa cho họ, mà họ sẽ nhận ở Australia. Họ đã đi trên chiếc Alexander, nhưng khi họ đến Vịnh Botany, kiện hàng đã biến mất, hay chí ít đó là cái Thuyền trưởng Sinclair đã xác nhận.
Nhà Cable đã có thể làm gì? Không nhiều, theo luật Anh. Cho dù trong năm 1787, Anh đã có các thể chế chính trị và kinh tế bao gồm, tính bao gồm này đã không mở rộng ra cho các tù nhân, những người hầu như đã chẳng có quyền gì. Họ đã không thể sở hữu tài sản. Họ chắc chắn đã không thể kiện bất kỳ ai ở tòa án. Thực ra, họ thậm chí đã không thể cung cấp bằng chứng ở tòa án. Sinclair đã biết điều này và có lẽ đã lấy cắp kiện hàng. Mặc dù ông đã chẳng bao giờ thừa nhận việc đó, ông đã có khoác lác rằng ông không thể bị nhà Cable kiện. Ông đã đúng theo luật Anh. Và ở Anh toàn bộ vụ việc đã kết thúc ở đó. Nhưng không phải ở Australia. Một trát đã được phát ra cho David Collins, luật sư công tố (judge advocate) ở đó, như sau:
Xét rằng Henry Cable và vợ ông ta, những người định cư mới của nơi này, trước khi họ rời nước Anh đã có một kiện hàng nào đó được chuyển bằng tàu Alexander chở Thuyền trưởng Duncan Sinclair, gồm có quần áo và nhiều đồ khác thích hợp cho tình hình hiện tại của họ, mà đã được gom góp và mua với phí tổn của nhiều cá nhân có lòng từ thiện cho việc sử dụng của Henry Cable được nhắc tới ở trên, vợ và con ông. Nhiều đơn đã được làm ra cho mục đích rõ ràng để nhận được kiện hàng được nói tới ở trên từ Thuyền trưởng tàu Alexander bây giờ đang nằm tại cảng này, và rằng không có kết quả (ngoại trừ) một phần nhỏ của kiện hàng được nói tới đó chứa vài cuốn sách, phần còn lại và phần dư, mà có giá trị đáng kể hơn vẫn còn ở trên tàu Alexander được nhắc tới ở trên, Thuyền trưởng của nó, có vẻ rất cẩu thả trong việc không khiến cho cùng thứ đó được giao cho các chủ tương ứng của nó như đã nói ở trên.
Henry và Susannah, vì cả hai đều không biết đọc biết viết, đã không thể ký trát và chỉ đánh “dấu chéo” của họ ở dưới cùng. Các từ “những người định cư mới của nơi này” muộn hơn đã bị gạch đi, nhưng đã hết sức quan trọng. Một người nào đó đã lường trước rằng nếu Henry Cable và vợ ông được mô tả như các tù nhân, thì vụ việc sẽ không có hy vọng gì được tiến hành. Thay vào đó người nào đó đã tìm ra ý tưởng gọi họ là những người định cư mới. Đấy có lẽ đã là hơi quá nhiều đối với Quan tòa Collins để chấp nhận, và rất có thể ông đã gạch các từ này đi. Nhưng trát đã có kết quả. Collins đã không bác vụ việc, và đã triệu tập phiên tòa, với một bội thẩm đoàn hoàn toàn gồm những người lính. Sinclair được triệu ra trước tòa. Mặc dù Collins đã ít nhiệt tình về vụ việc, và bội thẩm đoàn đã gồm những người được cử đến Australia để canh giữ các tù nhân như vợ chồng Cable, nhà Cable đã thắng. Sinclair đã tranh cãi không thừa nhận toàn bộ vụ việc với lý do rằng vợ chồng Cable đã là các tội phạm. Nhưng lời tuyên án đã có giá trị, và ông ta đã phải trả mười lăm bảng.
Để đi đến phán quyết này Quan tòa Collins đã không áp dụng luật Anh; ông đã bỏ qua nó. Đây là vụ kiện dân sự đầu tiên được xét xử ở Australia. Vụ hình sự đầu tiên có thể đã tỏ ra kỳ quái ngang thế đối với các vụ ở Anh. Một tù nhân đã được xác minh và tuyên là có tội ăn cắp bánh mỳ của một tù nhân khác, mà đã đáng giá hai xu (pence). Vào thời đó, một vụ như vậy không phải đến tòa án, vì các tù nhân đã không được phép sở hữu bất cứ thứ gì. Australia đã không phải là Anh, và luật của nó sẽ không hệt như luật Anh. Và chẳng bao lâu Australia khác với Anh về luật hình sự và dân sự cũng như về một loạt các thể chế kinh tế và chính trị.
Thuộc địa tù New South Wales ban đầu gồm các tù nhân và những người canh giữ họ, phần lớn là lính. Đã có ít “người định cư tự do” ở Australia cho đến các năm 1820, và việc đày tù nhân, dù đã ngừng ở New South Wales trong năm 1840, đã tiếp tục cho đến 1868 ở Tây Australia. Các tù nhân đã phải thực hiện “công việc ép buộc,” về bản chất chỉ là một cái tên khác cho lao động cưỡng bức, và những người canh giữ đã có ý định kiếm tiền từ việc đó. Ban đầu các tù nhân đã không có tiền công. Họ chỉ được nhận thức ăn đổi lại lao động họ đã thực hiện. Những người canh đã giữ sản phẩm họ sản xuất ra. Nhưng hệ thống này, giống các hệ thống mà Công ty Virginia đã thử nghiệm ở Jamestown, đã không hoạt động rất tốt, bởi vì các tù nhân đã không có những khuyến khích để làm việc siêng năng hay làm công việc tốt. Họ đã bị quất bằng roi hay bị đày đi Đảo Norfolk, lãnh thổ chỉ có mười ba dặm vuông nằm cách Australia hơn một ngàn dặm về phía phía đông trong Thái Bình Dương. Nhưng vì cả việc đày đi lẫn việc đánh bằng roi đã không có kết quả, lựa chọn khả dĩ khác đã là tạo cho họ các khuyến khích. Đấy đã không phải là một ý tưởng tự nhiên đối với những người lính và những người canh giữ. Tù nhân là tù nhân, và họ đã không được cho là để bán lao động của họ hay sở hữu tài sản. Nhưng ở Australia đã không có ai khác để làm việc. Tất nhiên đã có những người Aboriginal, có lẽ đông đến một triệu vào thời thành lập New South Wales. Nhưng họ đã ở rải rác khắp một lục địa mênh mông, và mật độ của họ ở New South Wales đã không đủ cho việc tạo ra một nền kinh tế dựa trên sự bóc lột họ. Đã không có lựa chọn Mỹ Latin nào ở Australia. Những người canh giữ như thế đã lao vào một con đường mà cuối cùng dẫn đến các thể chế mà thậm chí còn bao gồm hơn các thể chế ở bên Anh. Các tù nhân được giao một số nhiệm vụ để làm, và nếu họ có thời gian thêm, họ đã có thể làm cho chính mình và bán cái họ sản xuất ra.
Những người canh giữ cũng được hưởng lợi từ quyền tự do kinh tế mới của các tù nhân. Sản xuất đã tăng lên, và những người canh giữ đã dựng lên các độc quyền để bán hàng hóa cho các tù nhân. Món hàng béo bở nhất trong số này đã là rượu rum. New South Wales vào lúc đó, giống hệt các thuộc địa Anh khác, đã được vận hành bởi một thống đốc, do chính phủ Anh chỉ định. Năm 1806 Vương quốc Anh đã chỉ định William Bligh, người mà mười bảy năm trước, năm 1789, đã là thuyền trưởng của tàu H.M.S. Bounty, trong cuộc “Nổi loạn trên tàu Bounty” nổi tiếng. Bligh đã là một người giữ kỷ luật nghiêm ngặt, một nét có lẽ đã chịu trách nhiệm phần lớn về cuộc nổi loạn. Cung cách của ông đã không thay đổi, và ngay lập tức ông đã thách thức các nhà độc quyền rum. Việc này đã dẫn đến một cuộc nổi loạn khác, lần này của các nhà độc quyền, đứng đầu bởi một cựu quân nhân, John Macarthur. Các sự kiện, mà được biết đến như cuộc Phiến loạn Rum, lần nữa lại đã dẫn Bligh bị những kẻ phiến loạn chế ngự, lần này trên mặt đất chứ không phải trên tàu Bounty. Macarthur đã sai nhốt Bligh lại. Các nhà chức trách Anh sau đó đã cử nhiều lính đến để giải quyết vụ nổi loạn. Macarthur đã bị bắt và bị đày về Anh. Nhưng không bao lâu sau ông được thả, và ông đã quay lại Australia để đóng một vai trò lớn trong cả chính trị lẫn kinh tế của thuộc địa.
Gốc rễ của cuộc Phiến loạn Rum đã là kinh tế. Chiến lược trao cho các tù nhân các khuyến khích đã làm ra rất nhiều tiền cho những người như Macarthur, người đã đến Australia như một người lính trong nhóm tàu thứ hai cập bến năm 1790. Năm 1796 ông giải ngũ rời quân đội để tập trung vào kinh doanh. Vào thời đó ông đã có con cừu đầu tiên của mình, và đã nhận ra rằng có thể kiếm được rất nhiều tiền trong chăn nuôi cừu và xuất khẩu len. Bên trong nội địa từ Sydney là dãy núi Blue Mountains, mà cuối cùng đã được băng qua trong năm 1813, để lộ ra những dải mênh mông đồng cỏ thoáng rộng ở sườn bên kia. Đã là thiên đường của cừu. Macarthur chẳng bao lâu đã là người giàu nhất Australia, và ông và các ông trùm cừu bạn ông đã được biết đến như những Kẻ Chiếm Đất (Squatter), vì đất mà trên đó họ cho cừu ăn cỏ đã không phải là đất của họ. Nó là đất do chính phủ Anh sở hữu. Nhưng lúc đầu đấy đã là một chi tiết nhỏ. Những Kẻ Chiếm Đất đã là giới elite của Australia, hay, thỏa đáng hơn, Chế độ Chiếm đất (Squattocracy).
Ngay cả với một Chế độ Chiếm đất, New South Wales đã không giống chút nào với các chế độ chuyên chế của Đông Âu hay của các thuộc địa Nam Mỹ. Đã không có các nông nô như ở Áo-Hungary và Nga, và không có đông dân bản địa để bóc lột như ở Mexico và Peru. Thay vào đó, New South Wales đã giống Jamestown, Virginia, theo nhiều cách: giới elite cuối cùng đã thấy hợp với lợi ích của họ để tạo ra các thể chế kinh tế mang tính bao gồm hơn đáng kể so với các thể chế ở Áo-Hungary, Nga, Mexico, và Peru.
Các tù nhân đã là lực lượng lao động duy nhất, và cách duy nhất đến khuyến khích họ đã là trả lương cho họ đối với công việc họ làm. Không bao lâu sau các tù nhân đã được phép trở thành các doanh nhân khởi nghiệp và thuê các tù nhân khác. Đáng chú ý hơn, thậm chí họ đã được trao đất sau khi mãn hạn tù, và tất cả các quyền của họ đã được phục hồi. Một vài trong số họ đã trở nên giàu có, ngay cả Henry Cable mù chữ nữa. Vào năm 1798 ông đã sở hữu một khách sạn được gọi là Ramping Horse, và ông cũng đã có một cửa hàng. Ông đã mua một chiếc tàu và lao vào buôn da chó biển. Vào năm 1809 ông đã sở hữu ít nhất chín trang trại rộng khoảng 470 mẫu và cả nhiều cửa hàng và nhà ở Sydney.
Xung đột tiếp theo ở New South Wales đã là giữa elite và phần còn lại của xã hội, gồm có các tù nhân, các cựu tù nhân, và gia đình họ. Elite, dẫn đầu bởi những người canh giữ trước kia và các binh lính như Macarthur, kể cả một số người định cư tự do những người đã bị hấp dẫn đến thuộc địa bởi vì sự hưng thịnh bột phát trong ngành len. Hầu hết tài sản đã vẫn ở trong tay elite, và các cựu tù nhân và các hậu duệ của họ đã muốn chấm dứt sự lưu đày, muốn cơ hội được xử bởi một bội thẩm đoàn của những người cùng địa vị như họ, và sự tiếp cận đến đất miễn phí. Elite đã chẳng muốn thứ nào trong các thứ này. Mối quan tâm chính của họ là xác lập chứng thư pháp lý về quyền sở hữu đối với đất mà họ đã chiếm. Tình hình lại đã giống với các sự kiện mà đã diễn ra ở Bắc Mỹ hơn hai thế kỷ trước. Như chúng ta đã thấy ở chương 1, thắng lợi của những người hầu được mang từ nước ngoài vào chống lại Công ty Virginia đã được kế tiếp bởi các cuộc đấu tranh ở Maryland và Carolina. Ở New South Wales, các vai của Lord Baltimore và Sir Anthony Ashley-Cooper đã được đóng bởi Macarthur và những Kẻ Chiếm Đất. Chính phủ Anh lần nữa đã lại ở bên elite, mặc dù họ cũng đã sợ rằng một ngày nào đó Macarthur và những Kẻ Chiếm Đất có thể bị cám dỗ để tuyên bố độc lập.
Chính phủ Anh đã cử John Bigge đến thuộc địa vào năm 1819 để đứng đầu một ủy ban điều tra về những sự phát triển ở đó. Bigge đã bị sốc bởi các quyền mà các tù nhân được hưởng và đã ngạc nhiên bởi bản chất bao gồm căn bản của các thể chế kinh tế của thuộc địa tù này. Ông đã kiến nghị một sự xem xét lại triệt để: các tù nhân không thể sở hữu đất, không ai được phép trả lương cho các tù nhân nữa, sự xá tội đã phải hạn chế, không được cấp đất cho các cựu tù nhân, và sự trừng phạt phải khắc nghiệt hơn nhiều. Bigge đã coi những Kẻ Chiếm Đất như tầng lớp quý tộc tự nhiên của Australia và đã hình dung một xã hội chuyên quyền do họ thống trị. Điều này đã không xảy ra.
Trong lúc Bigge đã thử vặn lại đồng hồ, các cựu tù nhân và con trai và con gái họ đã đòi hỏi nhiều quyền hơn. Quan trọng nhất, họ đã nhận ra, lại hệt như ở Hoa Kỳ, rằng để củng cố các quyền kinh tế và chính trị của họ một cách đầy đủ họ cần đến các thể chế chính trị mà sẽ bao hàm họ trong quá trình ra quyết định. Họ đã đòi hỏi các cuộc bầu cử mà trong đó họ có thể tham gia như những người ngang hàng và các thể chế đại diện và các hội đồng mà trong đó họ có thể giữ các chức vụ.
Các cựu tù nhân và các con trai và con gái của họ đã được lãnh đạo bởi nhà văn sôi nổi, nhà thám hiểm, và nhà báo William Wentworth. Wentworth đã là một trong các nhà lãnh đạo của đoàn thám hiểm vượt qua núi Blue Mountains, mà đã mở ra các đồng cỏ mênh mông cho những Kẻ Chiếm Đất; một thị trấn trên các núi này vẫn được đặt tên ông. Sự thương cảm của ông đã dành cho các tù nhân, có lẽ bởi vì cha ông, người đã bị tố cáo cướp đường và đã chấp nhận sự lưu đày sang Australia để tránh sự xét xử và sự kết án có thể xảy ra. Vào lúc này, Wentworth đã là một người ủng hộ mạnh mẽ các thể chế chính trị bao gồm hơn, một quốc hội được bầu, sự xét xử bởi bội thẩm đoàn đối với các cựu tù nhân và gia đình của họ, và một sự chấm dứt lưu đày sang New South Wales. Ông đã bắt đầu một tờ báo, tờ Australian, mà từ đó trở đi hướng dẫn cuộc tấn công lên các thể chế chính trị hiện tồn. Macarthur đã không thích Wentworth và chắc chắn đã không thích cái ông đòi. Ông đã xem xét kỹ một danh sách những người ủng hộ Wentworth, mô tả đặc điểm họ như sau:
đã bị kết án treo cổ từ khi hắn đến đây
bị đánh đòn lặp đi lặp lại ở đằng sau xe bò
một người Do Thái London
chủ quán Do Thái mới bị tước giấy phép gần đây
người bán đấu giá bị đày vì buôn bán nô lệ
thường bị đánh đòn ở đây
con trai của hai tù nhân
một kẻ lừa đảo – bị nợ nần chồng chất
một người Mỹ phiêu lưu
một luật sư với tính cách không ra gì
một kẻ lạ vừa thất bại ở đây trong một tiệm âm nhạc
người lấy con gái của hai tù nhân
người lấy một tù nhân mà trước đây là một cô gái đánh trống tambourine.
Sự phản đối mãnh liệt của Macarthur và những Kẻ Chiếm Đất, tuy vậy, đã không thể chặn trào lưu ở Australia. Việc đòi các thể chế đại diện đã mạnh mẽ và đã không thể bị dập tắt. Cho đến 1823 thống đốc đã ít nhiều tự mình cai trị New South Wales. Trong năm đó các quyền hạn của ông ta đã bị hạn chế bởi việc tạo ra một hội đồng do chính phủ Anh chỉ định. Ban đầu những người được chỉ định đã từ những Kẻ Chiếm Đất và elite không-tù nhân, Macarthur là giữa trong số họ, nhưng điều này đã không thể kéo dài. Năm 1831 thống đốc Richard Bourke đã chịu khuất phục trước áp lực và lần đầu tiên đã cho phép các cựu tù nhân ngồi trong bội thẩm đoàn. Các cựu tù nhân và thực ra nhiều người định cư tự do cũng đã muốn ngừng việc đày các tù nhân từ Anh, bởi vì nó đã tạo ra sự cạnh tranh trong thị trường lao động và đã đẩy lương xuống. Những Kẻ Chiếm Đất đã thích lương thấp, nhưng họ đã thua. Trong năm 1840 việc đày sang New South Wales đã ngừng, và trong năm 1842 một hội đồng lập pháp đã được tạo ra với hai-phần-ba các thành viên của nó được bầu (số còn lại được chỉ định). Các cựu tù nhân đã có thể tranh cử vào chức vụ và bỏ phiếu nếu họ có đủ tài sản, và nhiều người đã có.
Vào các năm 1850, Australia đã đưa ra quyền đi bầu cho người da trắng trưởng thành. Các đòi hỏi của các công dân, các cựu tù nhân và gia đình của họ, bây giờ đã vượt xa mức mà William Wentworth đầu tiên đã hình dung. Thực ra, vào lúc này đông đã ở phía của những người bảo thủ khăng khăng về một Hội đồng Lập pháp không được bầu. Nhưng hoàn toàn giống Macarthur trước đó, Wentworth đã không có khả năng để ngừng trào lưu tiến đến các thể chế chính trị bao gồm hơn. Trong năm 1856 bang Victoria, mà đã được cắt ra từ New South Wales năm 1851, và bang Tasmania đã trở thành các nơi đầu tiên trên thế giới để đưa việc bỏ phiếu kín bí mật hiệu quả trong các đợt bầu cử, mà đã chặn việc mua phiếu và ép buộc. Ngày nay chúng ta vẫn gọi phương pháp chuẩn để đạt sự bí mật trong bỏ phiếu ở các cuộc bầu cử là bỏ phiếu Australian.
Hoàn cảnh ban đầu ở Sydney, New South Wales, đã rất giống hoàn cảnh ở Jamestown, Virginia, 181 năm trước, mặc dù những người định cư ở Jamestown phần lớn đã là những người lao động được đưa từ nước ngoài đến, hơn là các tù nhân. Trong cả hai trường hợp hoàn cảnh ban đầu đã không cho phép việc tạo ra các thể chế thuộc địa khai thác. Cả hai đều đã không có dân cư bản xứ đông đúc để bóc lột, đã không có sự tiếp cận dễ dàng đến các kim loại quý như vàng hay bạc, hay đất và cây trồng mà đã có thể làm cho các đồn điền nô lệ có thể tồn tại về mặt kinh tế. Việc buôn bán nô lệ vẫn còn sống động trong các năm 1780, và New South Wales đã có thể tràn đầy nô lệ giả như nó đã sinh lời. Nó đã không. Cả Công ty Virginia và những người lính và các nhà định cư tự do những người chạy đến New South Wales đã chịu khuất phục trước những áp lực, từ từ tạo ra các thể chế kinh tế bao gồm mà đã phát triển cùng với các thể chế chính trị bao gồm. Việc này đã xảy ra thậm chí với ít đấu tranh hơn ở New South Wales so với ở Virginia, và các mưu toan tiếp sau để đảo ngược xu hướng này đã thất bại.
AUSTRALIA, GIỐNG HOA KỲ, đã trải qua một con đường khác đến các thể chế bao gồm so với con đường Anh đã đi. Cùng các cuộc cách mạng mà đã làm rung chuyển nước Anh trong Nội Chiến và sau đó Cách mạng Vinh quang đã không cần đến ở Hoa Kỳ hay Australia bởi vì chính các hoàn cảnh rất khác mà trong đó các nước này dựa vào – mặc dù điều này tất nhiên không có nghĩa rằng các thể chế bao gồm đã được thiết lập mà không có xung đột nào, và, trong quá trình, Hoa Kỳ đã phải lật đổ chủ nghĩa thuộc địa Anh. Ở nước Anh đã có một lịch sử dài về sự cai trị chuyên chế mà đã bám sâu và đã cần đến một cuộc cách mạng để xóa bỏ nó. Ở Hoa Kỳ và Australia, đã không có thứ như vậy. Mặc dù Lord Baltimore ở Maryland và John Macarthur ở New South Wales đã có thể mong mỏi một vai trò như vậy, họ đã không thể thiết lập một sự kìm kẹp đủ mạnh lên xã hội để cho các kế hoạch của họ ra quả. Các thể chế bao gồm được thiết lập ở Hoa Kỳ và Australia đã có nghĩa rằng Cách mạng Công nghiệp lan nhanh chóng đến các miền đất này và chúng bắt đầu trở nên giàu. Con đường mà các nước này đi đã được các thuộc địa như Canada và New Zealand noi theo.
Đã vẫn có những con đường khác đến các thể chế bao gồm. Các phần lớn của Tây Âu đã đi một con đường thứ ba đến các thể chế bao gồm dưới sự thúc đẩy của Cách mạng Pháp, mà đã lật đổ chính thể chuyên chế ở Pháp và rồi đã gây ra một chuỗi các xung đột giữa các quốc gia mà đã truyền bá cải cách thể chế ngang qua phần lớn Tây Âu. Hệ quả kinh tế của những cải cách này đã là sự nổi lên của các thể chế kinh tế bao gồm ở hầu hết Tây Âu, Cách mạng Công nghiệp, và tăng trưởng kinh tế.
PHÁ VỠ CÁC RÀO CẢN:
CÁCH MẠNG PHÁP
Trong ba thế kỷ trước năm 1789, Pháp đã được cai trị bởi một nền quân chủ chuyên chế. Xã hội Pháp đã được chia thành ba mảng, thành cái được gọi là các đẳng cấp (estate). Các nhà quý tộc (giới quý tộc) tạo thành Đẳng Cấp Thứ Nhất, giới tăng lữ Đẳng Cấp Thứ Hai, và tất cả những người khác Đẳng Cấp Thứ Ba. Các đẳng cấp khác nhau đã phải chịu các luật khác nhau, và hai đẳng cấp đầu tiên đã có các quyền mà phần còn lại của dân cư đã không có. Giới quý tộc và tăng lữ đã không đóng thuế, trong khi các công dân đã phải đóng nhiều loại thuế khác nhau, như chúng ta có thể kỳ vọng từ một chế độ mang tính khai thác trên quy mô lớn. Thực ra, đã không chỉ Giáo hội được miễn thuế, mà nó cũng đã sở hữu các dải lớn đất đai và đã có thể áp đặt các loại thuế riêng của nó lên các nông dân. Quốc vương, giới quý tộc, và giới tăng lữ đã hưởng thụ lối sống xa hoa, trong khi phần lớn Đẳng Cấp Thứ Ba sống trong sự nghèo nàn kinh khủng. Các luật khác nhau không chỉ đã đảm bảo một vị thế kinh tế hết sức thuận lợi cho giới quý tộc và tăng lữ, mà nó cũng trao cho họ quyền lực chính trị.
Đời sống trong các thành phố Pháp thế kỷ thứ mười tám đã khắc nghiệt và có hại cho sức khỏe. Sự sản xuất đã bị điều tiết bởi các phường hội hùng mạnh, mà đã tạo ra thu nhập tốt cho các thành viên của chúng nhưng đã ngăn cản những người khác tham gia vào các nghề này hay khởi động các doanh nghiệp mới. Cái gọi là ancien régime (chế độ cũ) đã tự kiêu hãnh về tính liên tục và ổn định của nó. Sự tham gia của các doanh nhân khởi nghiệp và các cá nhân tài giỏi vào các nghề mới sẽ tạo ra sự bất ổn định và đã không được dung thứ. Nếu cuộc sống trong các thành phố đã là khắc nghiệt, cuộc sống ở các làng có lẽ đã còn tồi hơn. Như chúng ta đã thấy, vào thời gian này hình thức cực đoan nhất của chế độ nông nô, mà gắn chặt người dân vào đất và buộc họ phải làm việc và trả thuế cho các chúa phong kiến, đã suy tàn lâu ở nước Pháp. Tuy nhiên, đã có những hạn chế về tính di động và trạng thái quá nhiều thuế mà các nông dân Pháp đã phải trả cho quốc vương, giới quý tộc, và Giáo hội.
Tương phản với bối cảnh này, Cách mạng Pháp đã là một việc cấp tiến. Ngày 4 tháng Tám năm 1789, Quốc hội Lập hiến đã thay đổi hoàn toàn các luật của Pháp bằng kiến nghị một hiến pháp mới. Điều thứ nhất nói rõ:
Quốc hội bằng cách này xóa bỏ hoàn toàn hệ thống phong kiến. Nó ra sắc lệnh rằng, giữa các quyền và thuế hiện tồn, cả phong kiến và địa tô, tất cả những thứ hình thành trong hay tượng trưng cho thân phận nông nô thực hay cá nhân sẽ bị xóa bỏ mà không có sự bồi thường nào.
Rồi điều thứ chín của nó tiếp tục:
Các đặc quyền về tiền tài, cá nhân hay thực tế, trong nộp thuế bị xóa bỏ vĩnh viễn. Thuế sẽ được thu từ tất cả các công dân, và từ mọi tài sản, theo cùng cách và trong cùng hình thức. Các kế hoạch sẽ được xem xét mà theo đó các loại thuế sẽ được trả một cách tỷ lệ bởi tất cả mọi người, ngay cả cho sáu tháng cuối cùng của năm này.
Như thế, trong một cú đột kích, Cách mạng Pháp đã xóa bỏ hệ thống phong kiến và mọi giao ước và thuế mà nó đã đòi hỏi, và nó đã bãi bỏ toàn bộ những sự miễn thuế của giới quý tộc và tăng lữ. Nhưng có lẽ cái đã là cấp tiến nhất, thậm chí không thể tưởng tượng nổi vào thời ấy, đã là điều thứ mười một, mà nói rõ:
Tất cả mọi công dân, không phân biệt dòng dõi, đều có quyền đối với bất cứ chức vụ hay chức tước cao nào, bất luận tu sĩ, dân sự, hay quân sự; và không nghề nào sẽ ngụ ý bất cứ sự xúc phạm nào.
Như thế bây giờ đã có sự bình đẳng trước pháp luật cho tất cả mọi người, không chỉ trong đời sống hàng ngày và trong kinh doanh, mà cả trong chính trị. Những cải cách của cách mạng đã tiếp tục sau ngày 4 tháng Tám. Rồi sau đó nó đã bãi bỏ quyền của Giáo hội để thu các loại thuế đặc biệt và biến giới tăng lữ thành các viên chức nhà nước. Cùng với việc xóa bỏ các vai trò chính trị và xã hội cứng nhắc, các rào cản cơ bản chống lại các hoạt động kinh tế đã bị nghiền nát. Các phường hội và mọi hạn chế nghề nghiệp đã bị hủy bỏ, tạo ra một sân chơi bằng phẳng hơn trong các thành phố.
Những cải cách này đã là bước đầu tiên theo hướng chấm dứt thế lực của các quốc vương Pháp chuyên chế. Nhiều thập niên bất ổn định và chiến tranh đã tiếp theo các tuyên bố ngày 4 tháng Tám. Nhưng một bước không thể đảo ngược đã được lấy đi khỏi chính thể chuyên chế và các thể chế khai thác và hướng tới các thể chế chính trị và kinh tế bao gồm. Những thay đổi này được tiếp theo bởi những cải cách khác trong nền kinh tế và trong chính trị, cuối cùng lên đến đỉnh điểm trong nền Cộng hòa Thứ ba vào năm 1870, mà đã mang đến cho nước Pháp loại hệ thống nghị viện mà Cách mạng Vinh quang đã khởi động ở nước Anh. Cách mạng Pháp đã tạo ra nhiều bạo lực, sự đau khổ, sự bất ổn định, và chiến tranh. Tuy nhiên, nhờ nó, mà nước Pháp đã không bị sập bẫy với các thể chế khai thác ngăn cản tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng, như các chế độ chuyên chế của Đông Âu như Áo-Hungary và Nga.
Làm thế nào mà nền quân chủ Pháp chuyên chế đã đến bờ vực của cách mạng 1789? Rốt cuộc, chúng ta đã thấy nhiều chế độ chuyên chế đã có khả năng sống sót trong các thời kỳ dài, ngay cả giữa sự trì trệ kinh tế và chấn động xã hội. Như với hầu hết các trường hợp của các cuộc cách mạng và những thay đổi triệt để, nó đã là một sự hợp lưu của các nhân tố mở đường đến Cách mạng Pháp, và các nhân tố này đã quan hệ mật thiết với sự thực rằng Anh đang công nghiệp hóa nhanh chóng. Và tất nhiên con đường đã là, như thường lệ, tùy thuộc ngẫu nhiên, vì nhiều mưu toan của nền quân chủ để ổn định hóa chế độ đã thất bại và cách mạng đã hóa ra thành công hơn trong thay đổi các thể chế ở Pháp và ở các nơi khác ở châu Âu so với mức nhiều người đã có thể hình dung trong năm 1789.
Nhiều luật và đặc quyền ở Pháp đã là các tàn dư của thời trung cổ. Chúng không chỉ đã ưu ái cho các Đẳng Cấp Thứ nhất và Thứ hai tương đối so với đa số dân cư mà cũng đã trao cho họ các đặc quyền vis-à-vis (so với) Quốc vương. Louis XIV, Vua Mặt trời, đã cai trị Pháp trong năm mươi tư năm, giữa 1661 đến lúc ông chết năm 1715, mặc dù ông thực sự đã lên ngôi trong năm 1643, vào lúc năm tuổi. Ông đã củng cố quyền lực của nền quân chủ, đẩy mạnh quá trình hướng tới chính thể chuyên chế lớn hơn mà đã bắt đầu hàng thế kỷ trước. Nhiều quốc vương thường đã tham vấn cái gọi là Hội Đồng Nhân Sĩ, gồm các quý tộc chủ chốt do Quốc vương chọn lọc. Mặc dù phần lớn mang tính tham vấn, Hội Đồng đã vẫn hoạt động như một ràng buộc nhẹ lên quyền lực của quốc vương. Vì lý do này, Louis XIV đã cai trị mà không triệu tập Hội Đồng. Dưới triều ông, Pháp đã đạt sự tăng trưởng kinh tế nào đó – thí dụ, qua tham gia vào thương mại Đại Tây Dương và thuộc địa. Bộ trưởng tài chính có tài của Louis, Jean-Baptiste Colbert, cũng đã trông coi việc phát triển công nghiệp do chính phủ tài trợ và do chính phủ kiểm soát, một loại của sự tăng trưởng khai thác. Lượng hạn chế này của sự tăng trưởng đã làm lợi hầu như chỉ riêng cho các Đẳng Cấp Thứ Nhất và Thứ Hai. Louis XIV cũng đã muốn hợp lý hóa hệ thống thuế của Pháp, bởi vì nhà nước thường đã có các vấn đề về cấp tài chính cho các cuộc chiến tranh thường xuyên của nó, quân đội thường trực lớn của nó, và đoàn tùy tùng, sự tiêu thụ, và các lâu đài xa hoa của riêng nhà Vua. Sự bất lực để đánh thuế ngay cả giới quý tộc nhỏ đặt các giới hạn nghiêm ngặt lên các khoản thu của nó.
Mặc dù đã có một chút tăng trưởng kinh tế, vào thời Louis XVI lên nắm quyền trong năm 1774, tuy nhiên đã có những thay đổi lớn trong xã hội. Hơn nữa, các vấn đề tài khóa trước đây đã biến thành một khủng hoảng tài khóa, và Chiến tranh Bảy Năm với Anh giữa 1756 và 1763, trong đó Pháp đã mất Canada, đã đặc biệt tốn kém. Nhiều nhân vật quan trọng đã thử cân bằng ngân sách hoàng gia bằng cách tái cấu trúc nợ và tăng các loại thuế; giữa họ đã có Anne-Robert-Jacques Turgot, một trong những nhà kinh tế học nổi tiếng nhất thời đó; Jacques Necker, người cũng đóng một vai trò quan trọng sau cách mạng; và Charles Alexandre de Calonne. Nhưng đã chẳng ai thành công. Calonne, như phần của chiến lược của ông, đã thuyết phục Louis XVI để triệu tập Hội Đồng Nhân Sĩ. Nhà vua và các cố vấn của ông đã kỳ vọng Hội Đồng ủng hộ các cải cách của ông hầu như theo cùng cách như Charles I đã kỳ vọng Quốc hội Anh để đơn giản đồng ý chi trả cho một quân đội để đánh những người Scottish khi ông triệu tập nó năm 1640. Hội đồng đã đi một bước bất ngờ và đã ra sắc lệnh rằng chỉ có một cơ quan đại diện, Estates-General, đã có thể ủng hộ các cải cách như vậy.
Estates-General đã là một cơ quan rất khác với Hội Đồng Nhân Sĩ. Trong khi tổ chức sau bao gồm giới quý tộc và phần lớn được chọn bởi Quốc vương từ các quý tộc lớn, thì tổ chức trước đã bao gồm các đại diện của cả ba đẳng cấp. Nó đã được triệu tập lần cuối cùng trong năm 1614. Khi Estates-General tụ tập năm 1789 ở Versailles, đã trở nên rõ ràng là, không thể đạt được thỏa thuận nào cả. Đã có những sự khác biệt không thể hòa giải được, vì Estate (Đẳng Cấp) Thứ Ba đã coi đây như cơ hội của nó để tăng quyền lực chính trị của mình và đã muốn có nhiều phiếu bầu hơn trong Estates-General, mà giới quý tộc và tăng lữ đã kiên quyết phản đối. Cuộc họp kết thúc ngày 5 tháng Năm, 1789, mà không có nghị quyết nào, trừ quyết định để triệu tập một cơ quan hùng mạnh hơn, Quốc hội, làm sâu sắc cuộc khủng hoảng chính trị. Estate Thứ Ba, nhất là các nhà buôn, các nhà kinh doanh, các nhà chuyên môn, và các thợ thủ công, những người đều đã có những đòi hỏi để có quyền lực lớn hơn, đã thấy những diễn tiến này như là bằng chứng của quyền lực ngày càng tăng của họ. Trong Quốc hội, vì thế họ đã đòi thậm chí nhiều tiếng nói hơn trong những cách tiến hành và nhiều quyền hơn nói chung. Sự ủng hộ của họ trên đường phố khắp đất nước bởi các công dân được làm cho bạo dạn bởi những diễn biến này đã dẫn đến việc tổ chức lại Quốc hội như Quốc hội Lập hiến ngày 9 tháng Bảy.
Trong thời gian đó, tâm trạng trong nước, và đặc biệt ở Paris, đã trở nên cấp tiến hơn. Đáp lại, các giới bảo thủ xung quanh Louis XVI đã thuyết phục ông sa thải Necker, bộ trưởng tài chính theo đường lối cải cách. Việc này đã dẫn đến sự cấp tiến hóa hơn trên đường phố. Kết quả đã là sự kiện nổi tiếng đột chiếm Bastille ngày 14 tháng Bảy, 1789. Từ thời điểm này trở đi, cách mạng đã bắt đầu dữ dội. Necker đã được phục hồi chức, và nhà cách mạng Marquis de Lafayette được cử phụ trách Vệ binh Quốc gia Paris.
Thậm chí đáng chú ý hơn việc đột chiếm Bastille đã là sự năng động của Quốc hội Lập hiến, mà ngày 4 tháng Tám, 1789, với sự tự tin mới được tìn thấy của nó, đã thông qua hiến pháp mới, xóa bỏ chủ nghĩa phong kiến và các đặc quyền đặc biệt của các Estate thứ Nhất và thứ Hai. Nhưng sự cấp tiến hóa này đã dẫn đến sự bè phái hóa ở bên trong Quốc hội, vì đã có nhiều quan điểm xung đột nhau về hình thù mà xã hội nên có. Bước đầu tiên đã là sự hình thành của các hội (club) địa phương, đáng chú ý nhất là Hội Jacobin [Club] cấp tiến, mà muộn hơn nắm quyền kiểm soát cuộc cách mạng. Đồng thời, các quý tộc chạy trốn khỏi đất nước với số lượng lớn – cái gọi là émigrés (những người di tản). Nhiều người đã cũng cổ vũ nhà vua để tuyệt giao với Quốc hội và hành động, hoặc tự mình hay với sự giúp đỡ của các cường quốc nước ngoài, như Áo, đất nước quê hương của Hoàng hậu Marie Antoinette và nơi hầu hết émigrés đã trốn sang. Vì nhiều người trên đường phố đã bắt đầu thấy một mối đe dọa sắp xảy ra chống lại các thành quả cách mạng trong hai năm qua, sự cấp tiến hóa đã lấy được nhịp độ. Quốc hội Lập Hiến đã thông qua phiên bản cuối cùng của hiến pháp ngày 29 tháng Chín, 1791, biến Pháp thành một nền quân chủ lập hiến, với sự bình đẳng về các quyền cho tất cả những người đàn ông, không có các nghĩa vụ hay thuế phong kiến, và chấm dứt mọi hạn chế buôn bán được áp đặt bởi các phường hội. Pháp đã vẫn là một nền quân chủ, nhưng nhà vua bây giờ đã có ít vai trò và, thực ra, không có ngay cả quyền tự do của mình.
Nhưng sự năng động của cách mạng sau đó đã bị thay đổi một cách không thể đảo ngược bởi cuộc chiến tranh nổ ra năm 1792 giữa Pháp và “liên minh đầu tiên,” do Áo dẫn đầu. Chiến tranh đã làm tăng quyết tâm và chủ nghĩa cấp tiến của các nhà cách mạng và của quần chúng (cái gọi là sans-culottes, mà được dịch ra như “không có quần ống túm ở đầu gối,” bởi vì họ đã không thể có đủ khả năng mặc kiểu quần đang mốt khi đó). Kết quả của quá trình này đã là giai đoạn được biết đến như Khủng bố, dưới sự chỉ huy của phe Jacobin do Robespierre và Saint-Just lãnh đạo, được tháo tung ra sau việc hành quyết Louis XVI và Marie Antoinette. Nó đã dẫn đến các vụ hành quyết không chỉ nhiều nhà quý tộc và phản cách mạng mà cả nhiều nhân vật chủ chốt của cách mạng, kể cả các cựu lãnh tụ được lòng dân Brissot, Danton, và Desmoulins.
Nhưng Khủng bố đã chẳng mấy chốc vượt khỏi vòng kiểm soát và cuối cùng đã đi đến kết thúc vào tháng Bảy năm 1794 với việc tử hình các lãnh tụ của chính nó, kể cả Robespierre và Saint-Just. Tiếp theo đã là một thời kỳ ổn định tương đối, đầu tiên dưới thời của Hội đồng Đốc chính (Directory) hơi kém hiệu quả, giữa 1795 và 1799, và sau đó với quyền lực được tập trung hơn dưới dạng một Chế độ tổng tài (Consulate) ba người, gồm có Ducos, Sieyès, và Napoleon Bonaparte. Ngay dưới thời Hội đồng Đốc chính, vị tướng trẻ Napoleon Bonaparte đã trở nên nổi tiếng rồi vì các thành công quân sự của ông, và ảnh hưởng của ông đã chỉ tăng lên sau 1799. Chế độ tổng tài chẳng bao lâu sau đã biến thành sự cai trị cá nhân của Napoleon.
Các năm giữa 1799 và sự kết thúc của triều đại Napoleon, 1815, đã chứng kiến một chuỗi chiến thắng quân sự vĩ đại cho nước Pháp, kể cả chiến thắng tại Austerlitz, Jena-Auerstadt, và Wagram, bắt châu Âu lục địa quỳ gối. Chúng cũng đã cho phép Napoleon áp đặt ý chí của mình, các cuộc cải cách của mình, và bộ luật của mình ngang một vùng lãnh thổ rộng lớn. Sự sụp đổ của Napoleon sau thất bại cuối cùng của ông năm 1815 cũng mang lại một thời kỳ cắt giảm, các quyền chính trị bị hạn chế hơn, và sự khôi phục của nền quân chủ Pháp dưới thời Louis XVII. Nhưng tất cả những thứ này đã đơn thuần chỉ làm chậm sự nổi lên cuối cùng của các thể chế chính trị bao gồm.
Các lực được tháo ra bởi cách mạng 1789 đã chấm dứt chính thể chuyên chế Pháp và một cách không thể tránh khỏi, cho dù chậm chạp, đã dẫn đến sự nổi lên của các thể chế bao gồm. Pháp, và các phần của châu Âu nơi các cuộc cải cách cách mạng đã được xuất khẩu sang, sẽ tham gia vào quá trình công nghiệp hóa đang tiến triển trong thế kỷ thứ mười chín.
XUẤT KHẨU CÁCH MẠNG
Trước Cách mạng Pháp năm 1789, đã có những hạn chế nghiêm ngặt đối với những người Do thái khắp châu Âu. Ở thành phố Đức Frankfurt, chẳng hạn, cuộc sống của họ đã bị điều tiết bởi các lệnh được trình bày trong một quy chế từ thời Trung Cổ. Đã không thể có nhiều hơn năm trăm gia đình Do Thái ở Frankfurt, và tất cả họ đã phải sống trong một khu nhỏ được xây tường bao quanh của thành phố, Judengasse, ghetto (khu riêng cho người) Do Thái. Họ đã không thể rời ghetto vào ban đêm, vào các ngày Chủ nhật, hay trong bất cứ ngày hội Christian nào. Judengasse đã bị cản trở một cách không thể tin được. Nó dài một phần tư dặm nhưng không rộng hơn mười hai bộ (3,66 m) và ở một số nơi rộng ít hơn mười bộ. Những người Do Thái sống dưới sự đàn áp và quy định liên miên. Mỗi năm, nhiều nhất hai gia đình được nhận vào ghetto, và nhiều nhất mười hai cặp Do Thái có thể được kết hôn, và chỉ nếu cả hai đã trên tuổi hai mươi lăm. Những người Do Thái đã không thể canh tác chăn nuôi; họ cũng đã không thể buôn bán về vũ khí, gia vị, rượu, hay ngũ cốc. Cho đến 1726 họ đã phải mang các dấu hiệu đặc biệt, hai vòng tròn vàng đồng tâm cho những người đàn ông và một mạng che mặt có sọc cho phụ nữ. Tất cả những người Do Thái đã phải đóng thuế thân đặc biệt.
Khi Cách mạng Pháp nổ ra, một nhà kinh doanh trẻ thành công, Mayer Amschel Rothschild, đã sống tại Judengasse ở Frankfurt. Vào đầu các năm 1780, Rothschild đã xác lập mình như một thương nhân hàng đầu về tiền đúc, kim loại, và đồ cổ ở Frankfurt. Nhưng giống tất cả những người Do Thái trong thành phố, ông đã không thể mở một doanh nghiệp bên ngoài ghetto hay thậm chí sống ở ngoài ghetto.
Tất cả điều này sắp thay đổi chẳng bao lâu nữa. Năm 1791 Quốc hội Pháp đã giải phóng dân Do Thái Pháp. Các đội quân Pháp chiếm đóng Rhineland (vùng sông Rhine) và đã giải phóng những người Do Thái ở miền Tây nước Đức. Ở Frankfurt tác động của chúng đột ngột hơn và có lẽ hơi không chủ tâm. Năm 1796 những người Pháp đã oanh tạc Frankfurt, phá hủy một nửa Judengasse trong quá trình đó. Khoảng hai ngàn người Do Thái đã bị bỏ vô gia cư và đã phải chuyển ra ngoài ghetto. Nhà Rothschild đã ở trong số những người này. Một khi đã ở bên ngoài ghetto, và bây giờ được giải thoát khỏi vô số các quy chế ngăn cản họ khỏi tinh thần kinh doanh khởi nghiệp, họ đã có thể chớp lấy những cơ hội kinh doanh mới. Điều này bao gồm cả một hợp đồng cung ứng ngũ cốc cho quân đội Áo, việc mà trước đây họ đã không thể được phép làm.
Vào cuối thập kỷ, Rothschild đã là một trong những người Do Thái giàu nhất Frankfurt và đã là một nhà kinh doanh có uy tín lâu rồi. Sự giải phóng toàn bộ đã còn phải đợi đến 1811; nó cuối cùng đã được thực hiện bởi Karl von Dalberg, người đã được phong là Đại Công tước Frankfurt trong việc tổ chức lại nước Đức năm 1806 của Napoleon. Mayer Amschel đã bảo con trai mình, “Con bây giờ là một công dân.”
Những sự kiện như vậy đã không chấm dứt cuộc chiến đấu vì sự giải phóng người Do Thái, vì đã có những sự đảo ngược sau đó, đặc biệt tại Hội nghị Vienna năm 1815, mà đã thành hình sự dàn xếp chính trị hậu-Napoleonic. Nhưng đã không có chuyện quay lại ghetto đối với nhà Rothschild. Mayer Amschel và con trai ông chẳng bao lâu sau đã có ngân hàng lớn nhất châu Âu thế kỷ thứ mười chín, với các chi nhánh ở Frankfurt, London, Paris, Naples, và Vienna.
Đây đã không là một sự kiện cô lập. Đầu tiên các Đội quân Cách mạng Pháp và rồi Napoleon đã xâm chiếm các phần lớn của châu Âu lục địa, và trong hầu như tất cả các vùng mà họ xâm chiếm, các thể chế hiện tồn đã là các tàn dư của thời trung cổ, trao quyền cho các vua, các hoàng tử, và giới quý tộc và hạn chế thương mại cả ở các thành phố và ở vùng nông thôn. Chế độ nông nô và chủ nghĩa phong kiến đã quan trọng ở nhiều vùng này hơn ở bản thân nước Pháp rất nhiều. Ở Đông Âu, kể cả Phổ và phần Hungary của Áo-Hungary, các nông nô đã bị gắn với đất. Ở phương Tây hình thái nghiêm ngặt này của chế độ nông nô đã biến mất rồi, nhưng các nông dân đã nợ các chúa phong kiến nhiều loại phí lãnh chúa, thuế, và các nghĩa vụ lao động. Thí dụ, ở chính thể Nassau-Usingen, các nông dân đã phải chịu 230 loại đóng góp, thuế, và dịch vụ khác nhau. Thuế đã bao gồm cả một loại mà phải trả sau khi một súc vật bị giết thịt, được gọi là thuế sát sinh (blood tithe); đã cũng có thuế ong và thuế sáp ong. Nếu một tài sản được mua hay bán, phải đóng phí cho chúa. Các phường hội điều tiết mọi loại hoạt động kinh tế ở các thành phố đã cũng mạnh hơn một cách điển hình ở các nơi này hơn là ở Pháp. Ở các thành phố Cologne và Aachen miền tây nước Đức, việc chấp nhận các máy kéo sợi và dệt đã bị các phường hội ngăn chặn. Nhiều thành phố, từ Berne ở Thụy Sĩ đến Florence ở Italy, đã bị vài gia đình kiểm soát.
Các lãnh tụ của Cách mạng Pháp và, sau đó, Napoleon đã xuất khẩu cách mạng sang các vùng đất này, tiêu diệt chính thể chuyên chế, chấm dứt các quan hệ đất đai phong kiến, xóa bỏ các phường hội, và áp đặt sự bình đẳng trước luật – quan niệm quan trọng nhất về pháp trị, mà chúng ta sẽ thảo luận kỹ hơn nhiều ở chương tiếp theo. Cách mạng Pháp như thế đã chuẩn bị không chỉ nước Pháp mà phần lớn của phần còn lại của châu Âu cho các thể chế bao gồm và sự tăng trưởng kinh tế mà những thể chế này khích lệ.

Như chúng ta đã thấy, hoảng sợ bởi những diễn biến ở Pháp, nhiều cường quốc Âu châu đã tổ chức xung quanh Áo năm 1792 để tấn công Pháp, bề ngoài là để giải thoát Vua Louis XVI, nhưng trên thực tế là để nghiền nát Cách mạng Pháp. Sự kỳ vọng đã là, các đội quân thay thế tạm thời được cách mạng đưa ra chiến trường sẽ mau chóng tan rã. Nhưng sau vài thất bại ban đầu, các đội quân của Cộng hòa Pháp mới đã chiến thắng trong một cuộc chiến tranh tự vệ lúc ban đầu. Đã có những vấn đề tổ chức quan trọng phải khắc phục. Nhưng Pháp đã đi trước các nước khác về một đổi mới chủ yếu: chế độ cưỡng bách tòng quân hàng loạt. Được đưa ra trong tháng Tám 1793, chế độ cưỡng bách tòng quân hàng loạt đã cho phép những người Pháp đưa ra chiến trường các đội quân lớn và tạo một lợi thế quân sự sắp đạt ưu thế tối cao ngay cả trước khi tài năng quân sự nổi tiếng của Napoleon xuất hiện.
Thành công quân sự ban đầu đã khuyến khích ban lãnh đạo của nền Cộng hòa để mở rộng biên giới của Pháp, với một con mắt hướng tới việc tạo ra một vùng đệm hữu hiệu giữa nền cộng hòa mới và các quốc vương thù địch của Phổ và Áo. Những người Pháp nhanh chóng chiếm Hà lan thuộc Áo và các Tỉnh Hợp nhất, về cơ bản là Bỉ và Hà Lan ngày nay. Những người Pháp cũng đã tiếp quản phần lớn của Thụy Sĩ hiện đại ngày nay. Ở cả ba nơi, những người Pháp đã có sự kiểm soát mạnh mẽ suốt các năm 1790.
Đức ban đầu đã bị tranh giành một cách nóng bỏng. Nhưng vào 1795, những người Pháp đã có sự kiểm soát vững vàng trên vùng Rhineland, phần phía tây của nước Đức nằm bên bờ trái của Sông Rhine. Những người Phổ đã buộc phải thừa nhận sự thực này dưới Hiệp ước Basel. Giữa 1795 và 1802, những người Pháp đã giữ Rhineland, nhưng không giữ bất cứ phần nào khác của Đức. Trong năm 1802 Rhineland đã chính thức hợp nhất vào Pháp.
Italy đã vẫn là trung tâm chính của chiến tranh trong nửa thứ hai của các năm 1790, với những người Áo như các địch thủ. Savoy bị sáp nhập vào Pháp năm 1792, và đã dẫn đến một sự bế tắc cho đến cuộc xâm lấn của Napoleon vào tháng Tư 1796. Trong chiến dịch lớn trên đại lục đầu tiên của mình, vào đầu năm 1797, Napoleon đã chinh phục hầu như toàn bộ Bắc Italy, trừ Venice, mà đã bị những người Áo chiếm. Hiệp ước Campo Formio, được ký với những người Áo trong tháng Mười 1797, đã chấm dứt Chiến tranh của Liên Minh Thứ nhất và đã công nhận nhiều nền cộng hòa do Pháp kiểm soát ở Bắc Italy. Tuy vậy, những người Pháp đã tiếp tục để mở rộng sự kiểm soát của họ trên Italy ngay cả sau hiệp ước này, xâm chiếm Các Lãnh địa Giáo hoàng (Papal State) và thiết lập Cộng hòa Roman tháng Ba 1798. Tháng Giêng 1799, Naples bị chinh phục và Cộng hòa Parthenopean được tạo ra. Với sự ngoại lệ của Venice, mà vẫn thuộc Áo, những người Pháp bây giờ đã kiểm soát toàn bộ bán đảo Italy hoặc một cách trực tiếp, như trong trường hợp của Savoy, hay thông qua các quốc gia chư hầu, như các nền cộng hòa Cisalpine, Ligurian, Roman, và Parthenopean.
Đã có thêm sự tới lui trong Chiến tranh Liên Minh Thứ Hai, giữa 1798 và 1801, nhưng cuộc này đã chấm dứt với người Pháp về cơ bản vẫn giữ sự kiểm soát. Các đội quân Cách mạng Pháp mau chóng đã bắt đầu thực hiện một quá trình cải cách triệt để trong các vùng mà họ đã chinh phục, xóa bỏ các vết tích còn lại của chế độ nông nô và các quan hệ đất đai phong kiến và áp đặt sự bình đẳng trước luật. Giới tăng lữ bị tước mất địa vị đặc biệt và quyền lực, và các phường hội ở các vùng đô thị bị tiệt trừ hay nói nhẹ đi là bị làm yếu đi rất nhiều. Việc này đã xảy ra ở Hà Lan thuộc Áo ngay sau cuộc xâm lấn của Pháp năm 1795 và ở các Tỉnh Hợp nhất, nơi người Pháp đã lập ra Cộng hòa Batavia, với các thể chế chính trị rất giống các thể chế ở Pháp. Ở Thụy Sỹ tình hình đã tương tự, và các phường hội cũng như các chúa phong kiến và Giáo Hội đã bị đánh bại, các đặc quyền phong kiến bị xóa bỏ, và các phường hội bị bãi bỏ và sung công.
Cái đã được bắt đầu bởi các Đội quân Cách mạng Pháp đã được tiếp tục, dưới hình thức này hay hình thức khác, bởi Napoleon. Napoleon đầu tiên và trên hết đã quan tâm đến việc xác lập sự kiểm soát chặt chẽ trên các lãnh thổ ông đã chinh phục. Việc này đôi khi đã dính líu đến việc dàn xếp một thỏa thuận với các elite địa phương hay đặt gia đình và các đồng minh của ông phụ trách, như trong thời gian kiểm soát ngắn Tây Ban Nha và Ba Lan. Nhưng Napoleon cũng đã có một mong muốn chân thật để tiếp tục và làm sâu sắc các cuộc cải cách của cách mạng. Quan trọng nhất, ông đã hệ thống hóa luật La Mã và các tư tưởng về bình đẳng trước luật vào một hệ thống pháp luật mà được biết đến như Bộ Luật [Code] Napoleon. Napoleon đã coi bộ luật này như di sản lớn nhất của ông và đã muốn áp đặt nó ở mọi lãnh thổ ông kiểm soát.
Tất nhiên, những cải cách được áp đặt bởi Cách mạng Pháp và Napoleon đã không phải là không thể bị đảo ngược. Ở một số nơi, như ở Hanover, Đức, các elite cũ đã được phục hồi không lâu sau sự sụp đổ của Napoleon và phần lớn cái những người Pháp đạt được đã bị mất vĩnh viễn. Nhưng ở nhiều nơi khác, chủ nghĩa phong kiến, các phường hội, và giới quý tộc đã bị triệt phá vĩnh viễn hay đã bị làm yếu đi. Thí dụ, ngay cả sau khi người Pháp bỏ đi, trong nhiều trường hợp Code Napoleon vẫn còn hiệu lực.
Xét cho cùng, các đội quân Pháp đã gây ra nhiều đau khổ ở châu Âu, nhưng chúng cũng đã làm thay đổi triệt để tình hình (địa hình địa thế). Trong phần lớn châu Âu đã biến mất các quan hệ phong kiến; quyền lực của các phường hội; sự kiểm soát chuyên chế của các quốc vương và các hoàng thân; sự kìm kẹp của giới tăng lữ đối với quyền lực kinh tế, xã hội, và chính trị; và nền tảng của ancien régime (chế độ cũ), mà đối xử với những người khác nhau theo cách không ngang bằng dựa trên địa vị dòng dõi của họ. Những thay đổi này đã tạo ra loại của các thể chế kinh tế bao gồm mà sau đó cho phép công nghiệp hóa bén rễ ở những nơi này. Vào giữa thế kỷ thứ mười chín, công nghiệp hóa đã tiến triển nhanh trong hầu hết các nơi mà người Pháp kiểm soát, trong khi những nơi như Áo-Hungary và Nga, mà người Pháp đã không chinh phục, hay Ba Lan và Tây Ban Nha, nơi ảnh hưởng Pháp đã là tạm thời và hạn chế, nhìn chung đã vẫn trì trệ.
TÌM KIẾM TÍNH HIỆN ĐẠI
Vào mùa thu 1867, Ōkubo Toshimichi, một cận thần hàng đầu của lãnh địa phong kiến Satsuma, Nhật bản, đã đi từ thủ đô Edo, Tokyo bây giờ, đến thành phố khu vực Yamaguchi. Ngày 14 tháng Mười ông đã gặp các lãnh đạo của lãnh địa Chōshū. Ông đã có một kiến nghị đơn giản: họ phải kết hợp lực lượng, hành quân về Edo, và lật đổ shogun, nhà cai trị Nhật Bản. Vào lúc này Ōkubo Toshimichi đã thuyết phục được các lãnh đạo của các lãnh địa Tosa và Aki rồi. Một khi các lãnh đạo của Chōshū hùng mạnh đồng ý, một Liên minh Satcho bí mật hình thành.
Trong năm 1868 Nhật Bản đã là một nước chậm phát triển về mặt kinh tế mà đã bị kiểm soát từ 1600 bởi gia đình Tokugawa, mà kẻ cai trị của nó đã lấy tước hiệu shogun (người chỉ huy) trong năm 1603. Hoàng đế Nhật Bản đã bị cho ra ngoài lề và chỉ đảm đương vai trò nghi thức thuần túy. Các sogun Tokugawa đã là các thành viên vượt trội của một tầng lớp chúa phong kiến những người đã cai trị và thu thuế các lãnh địa riêng của họ, giữa chúng là Satsuma, được cai trị bởi gia đình Shimazu. Các lãnh chúa này, cùng với các tùy tùng quân sự của họ, các samurai nổi tiếng, đã vận hành một xã hội mà tương tự như xã hội Âu châu trung cổ, với các loại nghề nghiêm ngặt, những hạn chế thương mại, và các suất thuế cao đối với nông dân. Shogun đã cai trì từ Edo, nơi ông ta độc quyền và kiểm soát ngoại thương và đã cấm những người nước ngoài khỏi đất nước. Các thể chế chính trị và kinh tế đã là khai thác, và Nhật Bản đã nghèo.
Nhưng sự thống trị của shogun đã không hoàn toàn. Ngay cả khi nhà Tokugawa đã tiếp quản đất nước năm 1600, họ đã không thể kiểm soát mọi người. Ở miền nam, lãnh địa Satsuma đã vẫn khá tự trị và thậm chí đã được phép buôn bán với thế giới bên ngoài một cách độc lập qua các Đảo Ryūkyū. Chính là ở thủ đô Satsuma, Kagoshima, nơi Ōkubo Toshimichi đã sinh ra năm 1830. Với tư cách là con trai một samurai, ông cũng đã trở thành một samurai. Tài năng của ông đã được phát hiện ra từ sớm bởi Shimazu Nariakira, lãnh chúa của Satsuma, người đã nhanh chóng cất nhắc ông trong bộ máy quan liêu. Vào lúc đó, Shimazu Nariakira đã đề ra rồi một kế hoạch dùng quân lính Satsuma để lật đổ shogun. Ông đã muốn mở rộng buôn bán với châu Á và châu Âu, xóa bỏ các thể chế kinh tế phong kiến cũ kỹ, và xây dựng một nhà nước hiện đại ở Nhật Bản. Kế hoạch mới sinh của ông đã bị kết liễu sớm bởi cái chết của ông năm 1858. Người kế vị ông, Shimazu Hisamitsu, đã thận trọng hơn, chí ít lúc ban đầu.
Ōkubo Toshimichi bây giờ đã ngày càng được thuyết phục rằng Nhật Bản cần lật đổ chế độ shogun phong kiến, và cuối cùng ông đã thuyết phục được Shimazu Hisamitsu. Để tập hợp sự ủng hộ cho sự nghiệp của họ, họ đã gói ghém nó trong sự phẫn uất cao độ vì việc đẩy hoàng đế ra ngoài lề. Thỏa ước Ōkubo Toshimichi đã ký rồi với lãnh địa Tosa khẳng định rằng “một nước không có hai quốc vương, một nhà không có hai chủ; chính phủ ủy thác cho một nhà cai trị.” Nhưng ý định thực sự đã không đơn giản để khôi phục lại quyền lực cho hoàng đế mà để thay đổi hoàn toàn các thể chế kinh tế và chính trị. Về phía Tosa, một trong những người ký thỏa ước đã là Sakamoto Ryūma. Khi Satsuma và Chōshū đã huy động quân đội của họ, Sakamoto Ryūma đã trình shogun một kế hoạch tám điểm, thúc giục ông từ chức để tránh nội chiến. Kế hoạch đã là cấp tiến, và mặc dù điều 1 tuyên bố rằng “quyền lực chính trị của đất nước phải được trả lại cho Triều Đình Hoàng đế, và mọi sắc lệnh được ban hành bởi Triều Đình,” nó đã bao gồm nhiều hơn chỉ sự khôi phục hoàng đế rất nhiều. Các điều 2, 3, 4, và 5 tuyên bố:
2. Hai cơ quan lập pháp, Thượng viện và Hạ viện, phải được thiết lập, và mọi biện pháp của chính phủ phải được quyết định trên cơ sở ý kiến chung.
3. Những người có năng lực giữa các lãnh chúa, các quý tộc và nhân dân nói chung phải được dùng như các ủy viên hội đồng, và các chức vụ truyền thống của quá khứ mà đã mất mục đích của chúng phải bị bãi bỏ.
4. Công việc đối ngoại phải được thực hiện theo các quy chế thích hợp được soạn ra trên cơ sở ý kiến chung.
5. Luật pháp và các quy định của các thời trước phải được xếp sang một bên và một bộ luật mới và phù hợp phải được chọn.
Shogun Yoshinobu đã đồng ý từ chức, và vào ngày 3 tháng Giêng, 1868, Minh Trị Duy Tân (Meiji Restoration) đã được tuyên bố; Hoàng đế Kōmei và, một tháng sau, sau khi Kōmei chết, con trai ông Meiji đã được phục hồi quyền lực. Mặc dù các lực lượng Satsuma và Chōshū bây giờ đã chiếm Edo và thủ đô đế chế Kyōto, họ đã sợ nhà Tokugawas sẽ thử lấy lại quyền lực và tái lập chế độ shogun. Ōkubo Toshimichi đã muốn nhà Tokugawas bị nghiền nát vĩnh viễn. Ông đã thuyết phục hoàng đế bãi bỏ lãnh địa Tokugawa và sung công đất của họ. Ngày 27 tháng Giêng cựu shogun Yoshinobu đã tấn công các lực lượng Satsuma và Chōshū, và nội chiến đã nổ ra; nó đã diễn ra ác liệt cho đến mùa hè, khi cuối cùng nhà Tokugawa bị đánh bại.
Tiếp sau Minh Trị Duy Tân đã có một quá trình cải cách biến đổi ở Nhật Bản. Năm 1869 chế độ phong kiến bị bãi bỏ, và ba trăm thái ấp đã đầu hàng chính phủ và biến thành các quận, dưới sự kiểm soát của một thủ hiến được chỉ định. Thu thuế được tập trung hóa, và một nhà nước quan liêu hiện đại đã thay thế nhà nước phong kiến cũ. Năm 1869 sự bình đẳng trước luật của mọi tầng lớp xã hội được đưa ra, và các hạn chế về di cư nội địa và thương mại bị bãi bỏ. Tầng lớp samurai được bãi bỏ, mặc dù đã phải đàn áp một số cuộc nổi loạn. Các quyền sở hữu tư nhân về đất đai được đưa ra, và người dân đã được quyền tự do để tham gia và thực hành bất cứ nghề gì. Nhà nước đã trở nên dính líu sâu vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Trái ngược với thái độ của các chế độ chuyên chế đối với đường sắt, trong năm 1869 chế độ Nhật Bản đã thiết lập tuyến tàu thủy hơi nước giữa Tokyo và Osaka và đã xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên giữa Tokyo và Yokohama. Nó cũng đã bắt đầu phát triển công nghiệp chế tác, và Ōkubo Toshimichi, với tư cách bộ trưởng tài chính, đã trông coi phần đầu của một nỗ lực được phối hợp của công nghiệp hóa. Lãnh chúa của lãnh địa Satsuma đã là một nhà lãnh đạo trong việc này, xây dựng các nhà máy cho gốm, súng đại bác, và sợi bông và nhập khẩu máy móc của Anh để tạo ra xưởng kéo sợi bông hiện đại đầu tiên ở Nhật Bản trong năm 1861. Ông cũng đã xây dựng hai xưởng đóng tàu hiện đại. Vào năm 1890 Nhật Bản đã là nước Á châu đầu tiên chấp nhận một hiến pháp thành văn, và nó đã tạo ra một nền quân chủ lập hiến với một quốc hội, Diet, được bầu và một ngành tư pháp độc lập. Những thay đổi này đã là các nhân tố quyết định cho phép Nhật Bản trở thành người hưởng lợi đầu tiên từ Cách mạng Công nghiệp ở châu Á.
GIỮA THẾ KỶ THỨ MƯỜI CHÍN cả Trung Quốc và Nhật Bản đã là các quốc gia nghèo, tiều tụy dưới các chế độ chuyên chế. Chế độ chuyên chế ở Trung Quốc đã tỏ vẻ nghi ngờ sự thay đổi trong hàng thế kỷ. Mặc dù đã có nhiều sự giống nhau giữa Trung Quốc và Nhật Bản – chế độ shogun Tokugawa cũng đã cấm ngoại thương trong thế kỷ thứ mười bảy, như các hoàng đế Trung Quốc đã cấm trước đó, và đã chống đối sự thay đổi kinh tế và chính trị – cũng đã có những khác biệt chính trị đáng chú ý. Trung Quốc đã là một đế chế quan liêu tập trung được cai trị bởi một hoàng đế chuyên chế. Hoàng đế chắc chắn đã đối mặt với các ràng buộc lên quyền lực của ông ta, mà ràng buộc quan trọng nhất trong số đó đã là sự đe dọa nổi loạn. Trong thời kỳ từ 1850 đến 1864, toàn bộ miền nam Trung Quốc đã bị tàn phá bởi Nổi loạn Thái Bình, trong đó hàng triệu người đã chết hoặc trong xung đột hay qua chết đói hàng loạt. Nhưng sự đối lập với hoàng đế đã không được thể chế hóa.
Cấu trúc của các thể chế chính trị Nhật Bản đã là khác. Chế độ shogun đã dẹp hoàng đế sang bên lề, nhưng như chúng ta đã thấy, quyền lực của nhà Tokugawa đã không phải là tuyệt đối, và các lãnh địa như lãnh địa Satsumas đã duy trì sự độc lập, thậm chí cả khả năng để tiến hành buôn bán với nước ngoài nhân danh chính họ.
Như với Pháp, một hệ quả quan trọng của Cách mạng Công nghiệp Anh đối với Trung Quốc và Nhật Bản đã là tính dễ bị tổn thương quân sự. Trung Quốc đã bị sỉ nhục bởi sức mạnh hải quân Anh trong Chiến tranh Thuốc Phiện Đầu tiên, giữa 1839 và 1842, và cùng mối đe dọa đã trở nên đáng tiếc quá thực tế đối với người Nhật khi các tàu chiến Hoa Kỳ, do Commodore Matthew Perry chỉ huy, đã vào Vịnh Edo trong năm 1853. Thực tế rằng sự lạc hậu kinh tế đã tạo ra sự lạc hậu quân sự đã là một phần của sự thúc đẩy ở đằng sau kế hoạch của Shimazu Nariakira để lật đổ chế độ shogun và khởi động những thay đổi mà cuối cùng đã dẫn đến Minh Trị Duy Tân. Các lãnh đạo của lãnh địa Satsuma đã nhận ra rằng sự tăng trưởng kinh tế – có lẽ thậm chí sự sống sót Nhật Bản – đã có thể đạt được chỉ bằng những cải cách thể chế, nhưng shogun đã chống đối việc này bởi vì quyền lực của ông ta đã gắn với tập hiện tồn của các thể chế. Để đòi hỏi các cuộc cải cách, shogun đã phải bị đánh đổ, và ông đã bị. Tình hình đã tương tự ở Trung Quốc, nhưng các thể chế chính trị ban đầu khác biệt đã làm cho việc lật đổ hoàng đế khó hơn nhiều, việc này đã xảy ra chỉ trong năm 1911. Thay cho cải cách các thể chế, người Trung Quốc đã thử cân sức với người Anh về mặt quân sự bằng cách nhập khẩu vũ khí hiện đại. Những người Nhật đã xây dựng công nghiệp vũ khí của riêng họ.
Như một hệ quả của những khác biệt ban đầu này, mỗi nước đã đáp lại một cách khác nhau đối với những thách thức của thế kỷ thứ mười chín, và Nhật Bản và Trung Quốc đã phân kỳ một cách đầy kịch tính khi đối mặt với bước ngoặt do Cách mạng Công nghiệp tạo ra. Trong khi các thể chế Nhật Bản đã được biến đổi và nền kinh tế đã bước lên con đường tăng trưởng nhanh, thì ở Trung Quốc các lực thúc đẩy sự thay đổi thể chế đã không đủ mạnh, và các thể chế khai thác đã tồn tại dai dẳng phần lớn không giảm sút cho đến khi chúng đổi sang hướng tồi tệ với cách mạng cộng sản của Mao trong năm 1949.
GỐC RỄ CỦA SỰ BẤT BÌNH ĐẲNG THẾ GIỚI
Chương này và ba chương trước đã kể câu chuyện về các thể chế kinh tế và chính trị bao gồm đã nổi lên như thế nào ở nước Anh để làm cho Cách mạng Công nghiệp là có thể, và vì sao một số nước nào đó đã được lợi từ Cách mạng Công nghiệp và đã bước lên con đường tăng trưởng, trong khi các nước khác đã không hay, thực ra, đã kiên quyết từ chối việc cho phép thậm chí sự bắt đầu công nghiệp hóa. Liệu một nước đã có bắt đầu công nghiệp hóa hay không phần lớn đã là một chức năng của các thể chế của nó. Hoa Kỳ, mà đã trải qua một sự biến đổi giống như Cách mạng Vinh quang Anh, đã phát triển rồi kiểu riêng của mình về các thể chế chính trị và kinh tế bao gồm vào cuối thế kỷ thứ mười tám. Nó như thế trở thành quốc gia đầu tiên để lợi dụng các công nghệ mới đến từ các Đảo Anh, và chẳng bao lâu sau vượt qua Anh và trở thành người mở đường của công nghiệp hóa và thay đổi công nghệ. Australia đã đi theo một con đường tương tự đến các thể chế bao gồm, cho dù hơi muộn hơn và hơi ít được chú ý. Các công dân của nó, hệt như các công dân ở Anh và Hoa Kỳ, đã phải chiến đấu để có được các thể chế bao gồm. Một khi các thể chế này ở đúng vị trí, Australia đã có thể khởi đầu quá trình riêng của mình về tăng trưởng kinh tế. Australia và Hoa Kỳ đã có thể công nghiệp hóa và phát triển nhanh bởi vì các thể chế tương đối bao gồm của họ đã không ngăn chặn các công nghệ mới, sự đổi mới, hay sự phá hủy sáng tạo.
Không phải vậy ở hầu hết các thuộc địa Âu châu khác. Sự năng động của họ là hoàn toàn ngược với sự năng động ở Australia và Hoa Kỳ. Thiếu cư dân bản địa hay tài nguyên để khai thác đã làm cho chủ nghĩa thuộc địa ở Australia và Hoa Kỳ là một loại vấn đề rất khác, cho dù các công dân của chúng đã phải chiến đấu gian khổ cho các quyền chính trị của họ và các thể chế bao gồm. Ở Molucca như ở nhiều nơi khác những người Âu châu đã thuộc địa hóa ở châu Á, ở vùng Caribe, và Nam Mỹ, các công dân đã có ít cơ hội thắng trong một cuộc chiến đấu như vậy. Ở những nơi này, các nhà thuộc địa Âu châu đã áp đặt một kiểu hoàn toàn mới của các thể chế khai thác, hay đã tiếp quản bất cứ các thể chế khai thác nào mà họ tìm thấy, nhằm có khả năng để khai thác các tài nguyên có giá trị, trải từ gia vị, mía đường đến bạc và vàng. Trong nhiều nơi này, họ đã khởi động một tập những thay đổi thể chế mà đã làm cho việc nổi lên của các thể chế bao gồm là rất ít có khả năng. Tại một số trong các nơi này họ đã tiệt trừ một cách tường minh bất cứ ngành công nghiệp đang đâm chồi nào hay các thể chế kinh tế bao gồm nào đã tồn tại. Hầu hết các nơi này không ở trong trạng thái để được lợi từ sự công nghiệp hóa trong thế kỷ thứ mười chín hay thậm chí trong thế kỷ thứ hai mươi.
Sự năng động trong phần còn lại của châu Âu đã cũng hoàn toàn khác với sự năng động ở Australia và Hoa Kỳ. Khi Cách mạng Công nghiệp ở Anh lấy tốc độ vào cuối thế kỷ thứ mười tám, thì hầu hết các nước Âu châu đã bị cai trị bởi các chế độ chuyên chế, được kiểm soát bởi các quốc vương và bởi các giới quý tộc mà nguồn thu nhập chính của họ đã là từ sự chiếm hữu đất đai hay từ các đặc quyền mà họ được hưởng nhờ các rào cản tham gia hết sức cao. Sự phá hủy sáng tạo mà được gây ra bởi quá trình công nghiệp hóa làm xói mòn các khoản lợi nhuận thương mại của các nhà lãnh đạo và lấy đi nguồn lực và lao động khỏi đất đai của họ. Các giới quý tộc cũng là những kẻ thua từ công nghiệp hóa. Quan trọng hơn, họ cũng là những kẻ thua chính trị, vì quá trình công nghiệp hóa không nghi ngờ gì sẽ tạo ra bất ổn định và các thách thức chính trị đối với sự độc quyền của họ về quyền lực chính trị.
Nhưng những sự chuyển đổi thể chế ở Anh và Cách mạng Công nghiệp đã tạo ra các cơ hội và những thách thức mới cho các nhà nước Âu châu. Mặc dù đã có chính thể chuyên chế ở Tây Âu, khu vực này cũng đã chia sẻ nhiều sự trôi dạt thể chế mà đã tác động đến Anh trong thiên niên kỷ trước. Nhưng tình hình đã rất khác ở Đông Âu, Đế chế Ottoman, và Trung Quốc. Những sự khác biệt này đã là quan trọng cho việc phổ biến công nghiệp hóa. Hệt như Cái Chết Đen hay sự nổi lên của thương mại Đại Tây Dương, bước ngoặt do công nghiệp hóa tạo ra đã làm sâu sắc thêm sự xung đột từng luôn hiện diện về các thể chế ở nhiều quốc gia Âu châu. Một nhân tố chủ yếu đã là Cách mạng Pháp năm 1789. Sự chấm dứt chính thể chuyên chế ở Pháp đã mở đường cho các thể chế bao gồm, và những người Pháp cuối cùng đã bước lên con đường công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế nhanh. Cách mạng Pháp thực ra đã làm nhiều hơn thế. Nó đã xuất khẩu các thể chế của mình bằng cách xâm chiếm và cải cách bằng vũ lực các thể chế khai thác của nhiều nước láng giềng. Nó như thế đã mở đường cho công nghiệp hóa không chỉ ở Pháp, mà ở Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ, và các phần của Đức và Italy. Xa hơn sang phía đông sự phản ứng đã giống với phản ứng sau Cái Chết Đen, khi, thay cho sụp đổ, chế độ phong kiến đã được tăng cường. Áo-Hungary, Nga, và Đế chế Ottoman đã tụt hậu thậm chí thêm về kinh tế, nhưng các nền quân chủ chuyên chế của họ đã tìm được cách để tồn tại cho đến Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất.
Ở nơi khác trên thế giới, chính thể chuyên chế đã có sức bật như ở Đông Âu. Điều này đã đặc biệt đúng ở Trung Quốc, nơi sự chuyển tiếp Minh-Thanh đã dẫn đến một nhà nước cam kết xây dựng một xã hội nông nghiệp ổn định và thù địch với thương mại quốc tế. Nhưng cũng đã có những sự khác biệt thể chế mà đã là quan trọng ở châu Á. Nếu Trung Quốc đã phản ứng lại với Cách mạng Công nghiệp như Đông Âu đã phản ứng, thì Nhật Bản đã phả ứng theo cùng cách như Tây Âu. Hệt như ở Pháp, nó đã cần đến một cuộc cách mạng để thay đổi hệ thống, lần này là cuộc cách mạng được lãnh đạo bởi các lãnh chúa phản đạo của các lãnh địa Satsuma, Chōshū, Tosa, và Aki. Các lãnh chúa này đã lật đổ shogun, tạo ra Minh Trị Duy Tân, và đã chuyển Nhật Bản lên con đường cải cách thể chế và tăng trưởng kinh tế.
Chúng ta cũng đã thấy rằng chính thể chuyên chế đã có sức bật ở Ethiopia cô lập. Ở nơi khác trên lục địa, chính cùng lực của thương mại quốc tế mà đã giúp biến đổi các thể chế Anh trong thế kỷ thứ mười bảy, lại đã siết chặt các phần lớn của miền tây và trung châu Phi vào các thể chế hết sức khai thác thông qua buôn bán nô lệ. Việc này đã phá hủy các xã hội ở một số nơi và đã dẫn đến việc tạo ra các nhà nước nô dịch khai thác ở một số nơi khác. Động học thể chế mà chúng ta mô tả cuối cùng đã xác định những nước nào tận dụng được lợi thế của các cơ hội hiện diện trong thế kỷ thứ mười chín trở đi và những nước nào đã không làm như vậy. Gốc rễ của sự bất bình đẳng thế giới mà chúng ta quan sát thấy ngày nay có thể thấy trong sự phân kỳ này. Với vài ngoại lệ, các nước giàu ngày nay là các nước đã bước chân vào quá trình công nghiệp hóa và thay đổi công nghiệp bắt đầu trong thế kỷ thứ mười chín, và các nước nghèo là các nước đã không làm vậy.
Người dịch: Nguyễn Quang A
Nguồn: Why Nations Fail
THE ORIGINS OF POWER,
PROSPERITY, AND POVERTY
Daron Acemoglu and Jemes A. Robinson
Crown Publishers ● New York