Nhìn ra thế giới

Báo “Dầu khí nước Nga” nói về xung đột ở biển Đông: Trung Quốc gây hấn để quên mâu thuẫn nội bộ

Vào cuối tháng 6, tập đoàn dầu khí CNOOC thông báo chào thầu quốc tế 9 lô dầu khí tại biển Nam – Trung Hoa (Biển Đông -ND). Vấn đề là ở chỗ, tại các lô này, hãng Gazprom của Nga và Exxon của Mĩ đang hoạt động thăm dò, mà thăm dò rất có hiệu quả. Các tập đoàn này đã nhận giấy phép thăm dò của Chính phủ Việt Nam, nhà nước đang kiểm soát toàn bộ khu vực ấy trên thềm lục địa của biển Nam – Trung Hoa (Biển Đông).

 Chính phủ Việt Nam và người đứng đầu tập đoàn dầu khí quốc gia PetroVietnam Đỗ Văn Hậu yêú cầu phải huỷ bỏ lập tức việc đấu thầu vì điều đó vi phạm chủ quyền của Việt nam. Ông Đỗ Văn Hậu nhấn mạnh: Các lô dầu khí mà Trung Quốc chào thầu “nằm sâu trong thềm lục địa Việt Nam” và việc chào thầu như thế “vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền” của Việt Nam. Sau đó thấy xuất hiện thông báo tàu chiến của Trung Quốc và Việt Nam đã tập trung ở khu vực lãnh thổ có tranh chấp.

Hồi đầu Năm, Mĩ đã ra tuyên bố thay đổi trong các ưu tiên về chính sách đối ngoại của họ. Giờ đây khu vực lợi ích cốt lõi của Mĩ không còn là khu vực Cận Đông, mà là vùng châu Á – Thái Bình dương. Thế là hiện nay, Trung Quốc thì có ý đồ chiếm đoạt các khu vực khoáng sản mà Exxon đang khai thác, còn tàu chiến của Mĩ thì sẽ bảo vệ chúng, điều đó chắc chắn sẽ gây ra những xung đột quân sự.

Điều quan trọng là nước Nga sẽ đứng ở đâu trong cuộc xung đột ấy?. Một mặt, nước Nga của chúng ta và Trung Quốc là đối tác của SCO (Tổ chức hợp tác Thượng Hải), mùa xuân năm ngoái hai quốc gia đã tiến hành tập trận chung. Nhưng mặt khác, Trung Quốc lại có ý đồ nhòm ngó khu vực khoáng sản mà Gazprom đang khai thác. Điều thú vị là hiện nay các tàu thuộc hạm đội Thái Bình dương của Nga đang tập trận chung với Mĩ, mà phía Trung Quốc thì không được mời. Ngoài ra, trong những năm gần đây, Việt Nam ngày càng mua vũ khí của Nga nhiều hơn để tăng cường sức mạnh vũ trang. Nước ta đã bán cho Việt Nam nhiều chiến đấu cơ Su-30MK2, chiến hạm Gepard, tàu ngầm hay các hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion và hỏa tiễn chống hạm Yakhont. Rốt cuộc là Việt Nam đang giữ vị trí thứ hai trong số khách hàng mua vũ khí của Nga, sau Ấn Độ. Trung Quốc trước kia giữ vị trí này. Nếu xem xét các loại vũ khí này, có thề thấy dường như chủ yếu chúng dùng để chống lại xâm lược từ phía biển, trong đó có cả bảo vệ thềm lục địa.

Nguyên nhân dẫn tới xung đột với Việt Nam có thể là tình huống nội bộ của Trung Quốc. Mùa thu năm nay, ở Trung Quốc sẽ diễn ra sự chuyển giao quyền lực, và điều đó dẫn tới cuộc đấu tranh cực kì quyết liệt trong nội bộ đảng cộng sản nước này. Đặc biệt là sau vụ Bạc Hy Lai, Uỷ viên bộ Chính trị Trung Ương Đảng cộng sản Trung Quốc bị bắt. Một thời gian sau, trên các phương tiện truyền thông thấy xuất hiện cáo giác, rằng gia đình, họ hàng Tập Cận Bình, người sắp tới sẽ đứng đầu Trung Quốc, đang nắm giữ tài sản trong các công ty, ước tính lên tới 376 triệu đô la. Ngoài ra, bản thân ông Tập cũng nắm công ty khai thác khoáng sản đất hiếm trị giá 1,73 tỷ đôla.     

Lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách đánh lạc hướng dư luận khỏi các thông tin không mấy dễ chịu này, và vì thế họ tính tới một cuộc chiến tranh giành thắng lợi chớp nhoáng. Có điều, cần nhớ rằng, lần cuối cùng Trung Quốc tấn công Việt Nam xẩy ra chưa lâu, vào năm 1979 và trong cuộc chiến đó, nước Trung Quốc khổng lồ đã chịu thua trước nước Việt Nam nhỏ bé. Tại Trung Quốc, tới nay điều này vẫn bị coi như vết nhơ của dân tộc. Và nếu Trung Quốc muốn trả thù, thì chắc chắn họ sẽ gặp phải sự phản ứng của Mĩ và Nga là hai quốc gia đang có nhiều tập đoàn làm việc tại thềm lục địa của việt Nam.

Người dịch: Lã Nguyên

Nguồn: http://nazenergy.ru/?p=1947

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570273

Hôm nay

222

Hôm qua

2287

Tuần này

222

Tháng này

228797

Tháng qua

129483

Tất cả

114570273