Nhìn ra thế giới

Sự kiện Bạc Hy Lai và vấn đề nhân sự đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc (2)

II.      BẠC HY LAI VỚI “MÔ HÌNH TRÙNG KHÁNH

Khi “mô hình Trùng Khánh” đi vào lịch sử

(Tạp chí Inside Scoop của Hồng Công số tháng 4/2012)

Không ai rõ từ khi nào “mô hình” trở thành một từ được lưu hành nhiều nhất trên chính trường Trung Quốc, và mỗi khi cộng thêm tên của một địa phương nào đó vào sau từ “mô hình” đó thì nó có thể tạo ra một ảnh hưởng đáng kể trong phạm vi toàn quốc, và đây thường là bước đệm để người đưa ra mô hình có thêm bước tiến trên quan lộ. Ví dụ “mô hình Chiết Giang” do Tập Cận Bình đưa ra đã trở thành bệ phóng để nhân vật này nổi lên trong Đại hội 17.

Sau Đại hội 17, Bạc Hy Lai đẩy mạnh “mô hình Trùng Khánh”. Nhưng sau khi Bạc Hy Lai rớt đài, "mô hình Trùng Khánh" về cơ bản đã bị phá sản hoàn toàn, thậm chí từ khi xảy ra sự kiện Vương Lập Quân, đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy "mô hình Trùng Khánh" sẽ sớm chết yểu. Ngày 20/2/2012, Giáo sư Đại học Chính Pháp Trung Quốc Dương Phàm, một trong những nhân vật chủ yếu thúc đẩy "mô hình  Trùng Khánh" và cũng là một trong những tác giả chính của cuốn sách "Mô hình Trùng Khánh", đã công khai phát biểu rằng phải tiến hành đánh giá lại "mô hình Trùng Khánh" một cách công bằng.Phát biểu trên blog của mình, Dương Phàm nói: “(Tôi) phải  chịu trách nhiệm với cuốn sách "Mô hình Trùng Khánh", tuy có nhiều phần tôi không tham gia viết, nhưng tôi đã ký tên mình lên sách. Xảy ra chuyện lớn như thế này, tôi cảm thấy rất đau lòng. Vấn đề lớn như vậy, không ai có thể trốn tránh được. Tôi kiến nghị thông qua cộng đồng tổ chức đoàn khảo sát dân gian gồm vài chục hoặc vài trăm nhân vật nổi  tiếng hoặc phần tử trí thức được tín nhiệm, tiến hành đánh giá lại một  cách công bằng "mô hình Trùng Khánh", chỗ nào sai sẽ sửa, chỗ nào đúng sẽ ủng hộ việc tiếp tục phát triển.”

Dương Phàm còn chỉ trích rằng Bạc Hy Lai sau khi sự kiện Vương Lập Quân xảy ra mới nhấn mạnh tới cải cách mở cửa thì đã có phần muộn màng. Dương Phàm nói: “(Vương Lập Quân) xảy ra chuyện  rồi, ngày 15/2, Bạc Hy Lai mới nói tới cải cách mở cửa, đáng tiếc là đã muộn mất nửa năm. Công tác của Trùng Khánh làm tốt, tôi mới viết  cuốn  "Mô hình Trùng Khánh", nhưng năm ngoái Trùng Khánh đã sai lầm về định vị lý luận, phạm phải sai lầm tả khuynh, gia tăng sự đối lập, tự thân đã bị vai trò hóa”.

Trước đó, trong năm 2011, trong lễ công bố xuất bản cuốn "Mô hình Trùng Khánh", Dương Phàm và Tô Vĩ Tường, chủ biên tạp chí Tìm kiếm của trường đảng thuộc Thị ủy Trùng Khánh đã giải thích một cách tường tận về "mô hình Trùng Khánh". Họ cho rằng "mô hình Trùng Khánh" là một mô hình cụ thể rất hữu hiệu đối với việc xã hội chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, là một mô hình cụ thể về khả năng kết hợp hữu hiệu giữa chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường, là một mô hình cụ thể rất hữu hiệu của phát triển khoa học, đồng thời là sự biểu đạt rõ ràng kỳ vọng của việc chuyển đổi chiến lược của Trung Quốc đối với Trùng Khánh.

Sau khi Bạc Hy Lai bị mất chức có một điều đáng chú ý là cả người ủng hộ Bạc Hy Lai lẫn đối thủ chính trị của Bạc Hy Lai đều không  hề nói tới "mô hình Trùng Khánh". Có vẻ bốn từ "mô hình Trùng Khánh" vốn hot nhất trong mấy năm qua đã tan thành mây khói sau khi Bạc Hy Lai rớt đài.

Điều này cho thấy "mô hình Trùng Khánh" về cơ bản đã không còn tồn tại và cùng với nó là hi vọng vào Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 của Bạc Hy Lai đã chấm dứt. Trong khi đó, Uông Dương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, nhân vật luôn “so găng” với Bạc Hy Lai mấy năm gần đây, lại được dư luận đánh giá sẽ giành ưu thế trong cuộc chiến nhân sự tại Đại hội 18.

Một người là thành viên Đảng Thái tử, một người thuộc phái Đoàn Thanh niên, con đường chính trị của Bạc Hy Lai và Uông Dương  đều trải qua một giai đoạn ở Trùng Khánh. Năm 2005, Uông Dương  được bổ nhiệm làm Bí thư Thị ủy Trùng Khánh, năm 2007, Bạc Hy Lai kế nhiệm Uông Dương. Hai người đều vào Bộ Chính trị tại Đại hội 17, sau đó được coi là ứng cử viên sáng giá vào Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18. Chính vì bối cảnh chính trị như vậy, nên sau Đại hội 17, Uông Dương và Bạc Hy Lai bề  ngoài là cạnh tranh, nhưng bên trong là giao đấu với nhau. Tại Quảng Đông, Uông Dương thúc đẩy chính sách tự do hóa, về kinh tế chủ trương nâng cấp ngành nghề, tiếp tục “làm chiếc bánh to lên”, về chính trị thực hiện “rộng đường dư luận, cho phép trách mắng”, về dân sinh xây dựng “Quảng Đông hạnh phúc”…

So  sánh  “mô  hình Trùng  Khánh”  và  “mô  hình Quảng Đông”,  nhà nghiên cứu Tiêu Tân thuộc Đại học Trung Sơn cho rằng sự khác biệt nằm ở sự điều phối khác nhau của hai cơ chế quản lý điều hành, hướng  đi của người đứng đầu khác nhau. Cả hai đều nhằm vào việc tìm cách phá bỏ tình trạng bùng nhùng hiện nay, nhưng “mô hình Trùng Khánh”  hướng  đến việc tăng cường cơ chế quản lý của “đại chính phủ”.

Những năm qua, các chính sách mà Trùng Khánh thực hiện như “hát nhạc đỏ và trấn áp tội phạm”, chính quyền nỗ lực thúc đẩy việc nông dân lên thành phố, nỗ lực xây dựng nhà an sinh xã hội... là  đi theo phương hướng này.

Ngược lại, “mô hình Quảng Đông” lại hướng tới thị trường và xã hội tự quản lý. Mấy năm qua, các nơi ở Quảng Đông đều tiến hành cải cách rộng rãi ở các mức độ khác nhau, bao gồm công khai hóa ngân sách của chính quyền Quảng Đông, hỏi đáp chính quyền trực tuyến ở Hà Nguyên và Huệ Đức, thí điểm dân chủ trong đảng ở Thâm Quyến và vấn đề “đa nguyên cùng trị” trong quản lý xã hội mà Quảng Đông mới đưa ra gần đây nhất. Những điều này đã tạo nên “mô hình Quảng Đông”.

Nói cách khác, “mô hình Trùng Khánh” và “mô hình Quảng Đông” đều  nhằm đưa ra câu trả lời để giải quyết căng thẳng bên trong cơ chế hỗn hợp hiện nay. Điều khác biệt ở chỗ, “mô hình Trùng Khánh” chuẩn bị thông qua việc quay lại phần nào cơ chế trước đây để hóa giải xung đột xã hội hiện nay; trong khi “mô hình Quảng Đông” lại thúc đẩy sự biến đổi chế độ nhằm đáp ứng thị trường và sự phát triển của xã hội thị dân.

Giờ đây "mô hình Trùng Khánh" đang lùi dần vào lịch sử và Bạc Hy Lai về cơ bản đã mất tương lai chính trị. Nhưng ở phía ngược lại, “mô hình Quảng Đông” và Uông Dương lại nổi lên. Trong  các ngày 3 và 4/2/2012 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bất ngờ tới thăm Quảng Đông. Quan sát những gì mà truyền thông chính thức của  Trung Quốc đã đưa, người ta thấy rằng chuyến đi này của Ôn Gia Bảo  nhằm ba mục đích: hối thúc Quảng Đông đẩy mạnh mức độ cải cách,  ủng hộ Uông Dương, ủng hộ bầu cử trực tiếp ở Ô Khảm. Trong bối cảnh vụ  Trùng Khánh vừa nổi lên, việc Ôn Gia Bảo tới Quảng Đông được dư luận đánh giá chủ yếu nhằm bày tỏ sự ủng hộ  đối với Uông Dương. Kể từ tháng 7/2008 tới nay, Ôn Gia Bảo đã tới thăm Quảng Đông 7 lần, đây là điều rất hiếm khi xảy ra trước đó. Không cần nói cũng biết là qua đó Ôn Gia Bảo muốn thể hiện sự ủng hộ đối với Uông Dương. Cùng với kinh nghiệm xử lý vấn đề Ô Khảm, tiền đồ chính trị của Uông Dương sẽ càng ổn định và có hi vọng vào Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18, gia nhập đội ngũ hạt nhân lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.

 

 

*****

Mặt  tích  cực  và  tiêu  cực  của  “Mô  hình Trùng Khánh

Đài RFA (Đêm 21/3)

Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi giữa đài RFA và chuyên  gia  kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về những khía  cạnh  tích  cực  và  tiêu  cực  của  “Mô  hình  Trùng Khánh” hay  chính sách kinh tế được áp dụng tại thành phố đông dân nhất thế giới này:

+ Dường như ông đã sớm nói về sự thất bại của “Mô hình Trùng Khánh” giữa hai biến cố cũng gay go về kinh tế-chính trị tại Trung Quốc là khủng hoảng Ôn Châu và biến động Ô Khảm. Sau khi người được coi là tác giả của “Mô hình Trùng Khánh” là Bí thư Bạc Hy Lai vừa mất chức tuần qua, đề nghị ông trình bày cho thính giả của chúng ta một số đặc điểm của mô hình này. Như mọi khi, xin ông nói về bối cảnh của vấn đề?

- Về bối cảnh, có lẽ ta cần nhớ ra vài đặc tính của Trung Quốc.

Thứ nhất, do địa dư hình thể, lãnh thổ Trung Quốc gồm ba vùng khác biệt từ đại dương vào bên trong. Miền Đông trù phú, miền Tây nghèo khổ và biên vực hoang vu vây quanh ba góc từ Tây Nam qua hướng Tây lên tới hướng Bắc và Đông Bắc. Đó là khái niệm tôi cứ gọi là “nhất quốc tam kinh”, một quốc gia có ba nền kinh tế với bài toán nan giải là bất công xã hội giữa các địa phương, an ninh quốc gia tại vùng phiên trấn và chính sách phát triển ở cấp trung ương.

Thứ hai, do chế độ độc đảng và chưa có thể chế dân chủ liên  bang, tranh luận về chính sách phát triển thích hợp không được công khai hóa trong khi chiến lược kinh tế theo đuổi từ hơn 30 năm nay chẳng những không giải quyết nổi mâu thuẫn bên trong mà còn đào sâu dị biệt địa dư và xã hội và nhất là tạo ra vấn đề giữa chủ trương của trung ương với đường hướng riêng của các đảng bộ địa phương.

Trong hoàn cảnh đó, sáng kiến của ông Bạc Hy Lai về mô thức áp dụng cho Trùng Khánh có một số ưu điểm nhất định đến độ nhiều người cho là mẫu mực khả dĩ áp dụng ở nơi khác. Thực tế lại không đơn giản như vậy, vì cá tính cùng phương pháp của ông ta lại gây vấn đề cho nhiều địa phương hay lãnh tụ khác. Khi họ chuẩn bị việc chuyển giao quyền lực tại Đại hội 18 vào mùa Thu này, mâu thuẫn đó trở thành công khai. Tôi còn nghĩ rằng vụ Phó Thị trưởng kiêm Giám đốc Công an Trùng Khánh là Vương Lập Quân bị quản thúc tháng trước chỉ là mặt nổi của các mâu thuẫn căn bản và gay gắt hơn về tương

lai của Trung Quốc. + Bây giờ quay sang mô hình Trùng Khánh mà ông cho là có một số ưu điểm nhất định đã được nhiều người cho là mẫu mực. Đặc tính của mô hình đó là gì?

- Trùng Khánh nằm trong số 5 thành phố do Trung ương quản lý, đông dân nhất với hơn 30 triệu người. Đây là thành phố biệt lập nằm trong một tỉnh bị khóa trong đất liền, chứ không tiếp cận hải dương như bốn  thành phố kia. Thời mở cửa 30 năm trước thì vì chế độ bao cấp phá sản, doanh nghiệp nhà nước bị cải tổ, thành phố tụt hậu so với các tỉnh thành duyên hải. Bên trong còn bị thất nghiệp cao và nạn tham ô, cùng cường hào ác bá cấu kết với tổ chức tội ác khiến xã hội bất ổn, cư dân lũ lượt  tiến về Đông kiếm việc. Khi được đưa từ Bộ Thương mại về làm Bí thư  cuối năm 2007, Bạc Hy Lai tung sáng kiến giải quyết vấn đề kinh tế xã hội của Trùng Khánh. Ông ta tách khỏi xu hướng đẩy mạnh xuất khẩu của  các tỉnh thành duyên hải mà phát triển đầu tư và tiêu thụ trong nội địa, đa dạng hóa kinh tế, tập trung xây dựng các dự án hạ tầng và tái phân lợi tức cho dân nghèo. Trong tiến trình đô thị hóa khá mạnh, ông không để xảy ra nạn cướp đất của dân và có chú trọng đến công bằng xã hội. Trùng Khánh trở thành trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài, xây dựng được hệ thống công nghiệp nhẹ và hướng về tiêu dùng. Khi thế giới bị tổng suy trầm 2008-2009 và kinh tế Trung Quốc nói chung giảm đà tăng trưởng dưới tốc độ 10% của các năm trước, Trùng Khánh vẫn tiến mạnh với tốc độ trên 16% vào năm qua. Đó là thành tích kinh tế không nhỏ nên người ta mới nói đến một mô hình hấp dẫn.

+ Về mặt xã hội và chính trị  mô hình này có gì là đặc biệt?

- Về mặt xã hội, Bạc Hy Lai được coi là có công phá vỡ hệ thống cấu kết chính trị và diệt trừ tổ chức tội ác mà ta vẫn gọi là các hội kín hay “Tam Hợp”, xưa nay tung hoành rất mạnh. Ông cũng mở rộng các dịch vụ xã hội và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Năm 2011, lợi tức các hộ gia đình thị dân, là những đơn vị hành chính có hơn hai vạn dân, tăng được hơn 15%, mà của thôn dân tại các làng xã thì tăng đến 22%. Cùng với việc đô thị hóa, hơn ba triệu người đã vào thành thị mà Trùng Khánh không bị động loạn hay khiếu kiện về đất đai. Cho nên, so với nhiều nơi khác thì công bằng xã hội là ưu điểm của Trùng Khánh.

Về mặt chính trị, Bạc Hy Lai đề cao yếu tố công bằng trong  tư  tưởng Mao Trạch Đông. Với khẩu hiệu “thanh hồng, đả hắc”, hát nhạc đỏ và diệt xã hội đen, ông khôi phục thủ thuật vận động quần chúng kiểu Mao, như “chiến dịch đỏ” và các ca khúc ái quốc. Ông quyến rũ phái “Tân Tả”, các phần tử cực tả đang lo sợ là vì kinh tế thị trường mà xứ sở mất đi bản sắc cộng sản và chạy theo phương Tây. Nhưng nghịch lý là bản thân ông Bạc Hy Lai lại hành xử như một chính khách phương Tây với áo khăn dịu dàng và cách ăn nói lôi cuốn đầy chất mị dân của

người đi tranh cử.

 

+ Trung ương có thấy ra những ưu điểm của mô hình Trung Khánh không?

- Khi kinh tế sa sút, khu vực duyên hải sống nhờ xuất khẩu gặp trở lực từ quốc tế, nhiều nơi bị động loạn, và tư doanh loại vừa hay nhỏ  bị phá sản hàng loạt thì Trùng Khánh vẫn tự cung cấp và đạt mức sung túc cao hơn. Vì vậy, lãnh đạo Bắc Kinh chú ý đến Trùng Khánh như giải pháp áp dụng được cho nơi khác. Nhưng sự thật không hoàn hảo như vậy, chưa kể các mâu thuẫn nội tại trong cơ chế chính trị xứ này.

+ Ông muốn nói đến mặt trái của mô hình Trùng Khánh. Vậy đâu là những giới hạn hay mặt tiêu cực của phương thức phát triển theo kiểu Bạc Hy Lai?

- Thật ra,  Trùng Khánh chỉ là mô hình tập trung nhuốm màu hồng của cách mạng kiểu Mao, không thể áp dụng được ở mọi nơi và  cũng không thể bền vững để được coi là mẫu mực cho toàn quốc.  Trước  hết, Trùng Khánh đã nâng được mức tiêu thụ nội địa là nhờ chính quyền tập trung mọi quyết định về ngân sách, đầu tư và phân phối tài nguyên từ trên xuống. Giống biện pháp tăng chi để kích thích kinh tế của trung ương, chính sách ấy dẫn đến thâm hụt ngân sách nên thành  phố phải đi vay hơn trăm tỷ đô la. Hệ quả là vì tập quyền về đầu tư của thành phố hay trung ương, chính trường dễ cấu kết với doanh trường và gây ra tệ tham nhũng, nạn tư bản thân tộc và còn khiến tư doanh thấp cổ bé miệng ở dưới bị triệt tiêu là chuyện đã xảy ra tại Trùng Khánh.

Hơn nữa, khác với các tỉnh duyên hải là nơi chính quyền địa  phương và doanh nghiệp còn tự do xoay trở linh hoạt trong quyết định  kinh tế, mô thức của Trùng Khánh  chỉ  là  chủ  nghĩa  tư  bản  nhà  nước  ở  cấp  địa phương. Nó dễ dẫn tới việc lạm dụng tài nguyên mà không ai có quyền sửa hoặc ít ra lên tiếng phê bình. Về kinh tế, nếu áp  dụng trên quy mô cả nước thì phải bảo đảm sự yểm trợ của trung ương về tài chính lẫn kỹ thuật phối hợp, là điều chưa thể có tại Trung Quốc. Ngược lại, tỉnh thành nào cũng lấy Trùng Khánh làm mẫu mực thì ngân sách quốc gia sẽ bị thiếu hụt nặng.

+ Nếu như vậy thì mô thức Trùng Khánh không thể áp dụng trên toàn quốc và cho mọi nơi được thứ nhất là vì rất tốn kém cho công quỹ và thứ hai vì nó cần một hệ thống công quyền liêm chính và hữu hiệu cho một quốc gia có đến 2.000 quận huyện. Bây giờ ta chuyển sang khía cạnh chính trị của vụ này vì yếu tố đặc biệt của cá nhân ông Bạc Hy Lai.

- Tôi nghĩ rằng nếu cứ để nguyên thì với một số  thành  tích  đạt  được  từ  2009  đến  nay,  mô  thức Trùng Khánh có thể là giải pháp trắc nghiệm áp dụng tại một số thí điểm cho một quốc gia có  quá nhiều khác biệt địa phương.

Nhưng có hai vấn đề phải đề cập tới. Thứ nhất là tiến trình chuyển giao quyền lực vào cuối năm cho thế hệ thứ năm. Theo thông lệ thì bảy trong chín ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị sẽ ra về và 7 trong số 25  Ủy viên Bộ

Chính trị hiện nay đang nhắm vào vị trí đó, với ảnh hưởng chìm và nổi của các lãnh tụ khác để tạo vây cánh cho mình, kể cả người đã hoặc sắp ra đi, như Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào. Nhưng vì Trung Quốc không có dân chủ và mọi quyết định đều là kết quả đồng thuận ngấm ngầm nên mỗi phe lại tác động một cách. Nhìn từ bên ngoài thì có vẻ ổn định và êm thắm hơn là lối tranh cử ồn ào của các nước dân chủ trước sự chứng kiến và chọn lựa có khi bất ngờ của người dân. Thực tế lại có nhiều thủ đoạn chính trị khá hiểm độc, với ảnh hưởng rất nặng của tiền tài và thế lực.

Thứ hai là cá tính của Bạc Hy Lai. Trong môi trường kín  đáo  của đồng thuận, với các lãnh tụ đều ra dáng mẫn cán và tẻ nhạt thì ông ta là người trình diễn ồn ào như tận dụng phương pháp tranh cử tại các nước dân chủ vậy! Đây là nghịch lý vì nếu ai cũng công khai nói ra chủ trương của mình như Bạc Hy Lai thì sự thể có khi đơn giản và hấp dẫn hơn. Huống hồ bản thân ông lại có nhiều khuyết điểm và kết tụ ngần ấy mâu thuẫn của hệ thống kinh tế chính trị Trung Quốc.

+ Hình như là qua hiện tượng cá biệt của Bạc Hy Lai người ta nhìn ra những vấn đề thuộc về bản chất của chế độ Trung Quốc. Những vấn đề đó là gì?

- Trung Quốc đang ở vào một khúc quanh vì phải tìm ra một mô hình phát triển mới sau khi mô hình cũ đã đi hết thời gian vận hành tương đối tốt đẹp của 30 năm qua. Nếu không làm điều này, Trung  Quốc sẽ bị khủng hoảng như chính các lãnh tụ của thế hệ thứ tư sắp ra đi đã báo động. Khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói đến nguy cơ tái diễn thảm kịch Cách mạng  văn  hóa, là vụ Mao Trạch Đông vận động quần chúng đánh ngược  vào  đảng để tranh giành quyền bính, thì ta biết rằng có cái gì đó rất nghiêm trọng đã xảy ra bên trong. Đi tìm mô thức mới là tranh luận về tư tưởng và sự hữu hiệu của các giải pháp lẫn nhân sự sẽ thực hiện. Xin tạm nói gọn theo hai hướng, thủ cựu mà cứ gọi là “tả” là cái hướng bảo vệ chế độ, đổi mới mà cứ gọi là “hữu” là cái hướng phát triển xứ sở. Sau thời đại loạn với cao điểm của 10 năm Cách mạng Văn hóa thì từ năm 1981, các lãnh tụ đều thống nhất ý chí là dù theo hướng nào thì tập thể vẫn lãnh đạo chứ không trở lại tệ nạn sùng bái cá nhân hoặc độc diễn kiểu Mao.

Trong bối cảnh đó, Bạc Hy Lai khoác áo cải cách với thành tích Trùng Khánh nhưng đề cao tư tưởng Mao để nhấn mạnh tới yêu cầu bảo vệ chế độ. Mục đích là tìm kiếm sự hậu thuẫn của nhiều phe phái khác nhau, chưa nói đến bản thân ông là thuộc “Thái tử đảng”, là con cháu các nguyên lão đồng chí, một tập thể có nhiều ảnh hưởng mà lại thiếu thống nhất về chủ trương.

Ông Bạc Hy Lai đã đánh bạc ở hai cửa, nhưng là đánh bạc giả. Vì thực chất thì đã phá vỡ hệ thống cường hào ác bá cũ để xây dựng một thế cấu kết mới, cũng với các tổ chức tội ác mà ông khoe là đã tiêu diệt. Người thi hành kế hoạch “đả hắc”, tiễu trừ xã hội đen chính là Giám đốc  Công an Vương Lập Quân, nhưng ông này có thể thấy ra mặt trái của thượng cấp và gia đình nên sợ bị thanh trừng rồi  tìm cách tỵ nạn trong toà Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại thủ phủ Thành Đô của Tứ Xuyên. Chưa kể là thủ thuật của Bạc Hy Lai cũng làm nhiều lãnh  tụ khác phật ý khi mà mọi người đều tích cực và âm thầm vận động ở bên trong.

+ Có phải từ đó nội vụ mới bung ra                     khi dư luận lại có phương tiện truyền thông mới, như các mạng lưới xã hội, và hậu quả là một chuỗi chấn động dội lên trung ương khiến ông Bạc Hy Lai bị mất chức Bí thư Trùng Khánh ?

- Việc ông Bạc Hy Lai mất chức chỉ là phần nổi của một thực tế chính trị và xã hội khác tại Trung Quốc. Đó là một hệ thống đen khoác áo đỏ! Dưới cái vẻ ổn định của sự đồng thuận trên thượng tầng là âm mưu quỷ kế để tranh giành đặc quyền đặc lợi bên dưới, y như trong các xã hội đen, các tổ chức tội ác. Nhưng phe phái nào trong các đại gia ấy cũng khoác áo đỏ của cách mạng để duy trì chế độ độc đảng. Ngày nay, khi  lãnh đạo phải chuyển hướng, thật ra phải nhìn vào vấn đề thật là cải cách cả hệ thống chính trị thì mới phát triển bền vững thì chuyện tranh giành ảnh hưởng và thế lực rất dễ bung ra ngoài.

Bạc Hi Lai và bóng ma Mao Trạch Đông

(Đài BBC 22/3)

Sau khi Mao chết, Đặng Tiểu Bình trở lại cầm quyền, tình hình Trung Quốc ổn định, kinh tế phát triển, giới cầm quyền và nhân dân Trung Quốc tạm xếp bóng Mao sang một bên, để đi theo con đường cải cách kinh tế. Tuy nhiên, trong đảng và quần chúng vẫn còn tồn tại khuynh hướng Mao.

Theo Thời báo Hoàn cầu ngày 25/5/2011, Đặng Tiểu Bình đã  phê phán hiện tượng này như sau: “Cách mạng Văn hóa là một sai lầm. Chúng ta phải mạnh dạn chối bỏ sai lầm này của Mao trong những năm tháng cuối đời của ông. Nhưng cũng cần nhìn vào sự thật. Sự thật là không  phải mọi sai lầm và quá đáng trong cuộc Cách mạng Văn hóa đều do Mao”.

Từ nhận định đó có thể thấy  chính sách của đảng Cộng sản Trung Quốc đối với khuynh hướng theo Mao là để cho khuynh hướng  này chung sống trong bối cảnh cuộc cải cách kinh tế và cởi mở chính trị đang thay da đổi thịt Trung quốc. Đối sách của Đặng Tiểu Bình thật sự có hiệu quả. Trong mấy thập niên gần đây Trung Quốc là một quốc gia có một sức sống tiềm ẩn và hai hình ảnh của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình là hai hình ảnh đối

nghịch nhau nhưng quyện lấy nhau.

 

Người dân Trung Quốc không hạ bệ Mao nhưng không tôn sùng Mao. Bà Đặng Dung con gái Đặng Tiểu Bình khi viết cuốn “Đặng Tiểu Bình và cuộc Cách mạng Văn hóa” đã nhắc đến Mao một cách  trống rỗng. Cách xưng hô trong cuốn sách cho thấy cái nhìn của chính quyền hay của đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Mao. Mao không còn là thần tượng. Tuy vậy, người ta không thể chối bỏ Mao, vì công khai chối bỏ Mao là chối bỏ tính chính thống của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chính sách của Đặng Tiểu Bình đã giúp cho đời sống chính trị của Trung Quốc ổn định để theo đuổi mục tiêu trở thành siêu cường.  Nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc không để cho nhóm thân Mao trở  thành một lực lượng chính trị, có khả năng tranh chấp quyền lãnh đạo với tập thể lãnh đạo hậu Mao.

Đặng Tiểu Bình đoán biết việc tranh chấp quyền lãnh đạo thường xẩy ra khi Bắc Kinh thay đổi lãnh đạo, nên ông đã căn dặn  Giang Trạch Dân, người kế nghiệp ông sắp xếp chuẩn bị cho Hồ Cẩm Đào kế thừa. Và công thức kế thừa có bài bản đó đã được Hồ Cẩm Đào sử dụng để chuẩn bị cho Tập Cận Bình thay thế ông. Nhóm lãnh đạo Hồ  Cẩm Đào cũng đã bố trí Lý Khắc Cường có khuynh hướng dân sinh của Mao, bên cạnh Tập Cận Bình để làm yên lòng khuynh hướng thân Mao. Sự đồng thuận nội bộ đảng là vậy. Nhưng vẫn có những người lợi dụng bóng ma của Mao Trạch Đông để tạo quyền hành. Một trong những người đó là Bạc Hy Lai.

Bạc Hy Lai có kế hoạch biến Trùng Khánh thành một căn cứ địa của nhóm thân Mao. Ông tìm cách thanh lọc thành phần chống Mao qua chính sách diệt trừ băng đảng trong thành phố và làm sống dậy các bài ca “Đỏ” thịnh hành trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Bạc Hy Lai muốn dùng Trùng Khánh làm bàn đạp để vận động vào chức Ủy viên Thường Trực Bộ Chính trị tại Đại hội 18 ĐCSTQ vào tháng 10/2012.

Thời báo Hoàn cầu cho biết trong năm 2011, lực lượng thân  Mao đã tích cực xây dựng thế lực và trở nên hung hăng hơn. Tháng 5/2011 giáo sư Mao Yushi Viện trưởng Viện Kinh tế Unirule tại Bắc  Kinh viết một bài điểm cuốn sách “Sự sụp đổ của Mặt trời đỏ” đăng trên mạng của Xin Ziling-một cán bộ đã nghỉ hưu của Đại học Quốc  Phòng Trung Quốc, tán đồng quan điểm phê bình Mao Trạch Đông  của Xin Ziling. Ông đã bị phong trào Maoit cho là đã phỉ báng Mao Trạch Đông và chính thức gởi thư lên Bộ Nội vụ, yêu cầu đưa giáo sư Mao Yushi ra tòa.

Các dấu hiệu cho thấy Bạc Hy Lai đứng phía sau phong trào tố cáo này và ban lãnh đạo tại Bắc Kinh thấy rằng Bạc Hy Lai đã đi quá giới hạn đồng thuận và cần phải có biện pháp ngăn ngừa.

Trong khi đó tại Trùng Khánh, Giám đốc Công an Vương Lập Quân cánh tay phải của Bạc Hy Lai rơi vào một trường hợp khó xử. Trong khi điều tra chống tham nhũng và hoạt động của các băng đảng,  ông này nắm trong tay hồ sơ tham nhũng và lợi dụng quyền lực của thân nhân ông Bạc Hy Lai. Sau khi báo cáo cho Bạc Hy Lai, Vương Lập Quân mất chức Giám đốc công an,  bị điều xuống làm Phó Thị trưởng và bị điều tra ngược lại. Biết rõ tính cách thô bạo của Bạc Hy Lai, ông Vương Lập Quân cảm thấy tính mạng bị đe dọa. Ngày 6/2, ông chạy về Thành Đô cách Trùng Khánh 336 km, nơi có một tòa lãnh sự Hoa Kỳ để (theo tin  đồn) xin tị nạn. Hoa Kỳ không chấp nhận, thông báo cho giới chức Bắc Kinh đến đón ông đưa về Bắc Kinh. Ông Vương Lập Quân đã ở trong tòa lãnh sự Mỹ 34 giờ đồng hồ. Cơ hội tốt đã đến, Bắc Kinh ra tay hành động.

Tại cuộc họp báo bế mạc phiên họp Quốc hội ngày 14/3, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói úp mở rằng, đảng cần cải tổ nếu  không nạn “Cách mạng văn hóa” có thể tái diễn, và đây cần được hiểu là ông Ôn Gia Bảo muốn nói rằng “nếu không ra tay trấn dẹp khuynh hướng thân Mao một cách dứt khoát thì khi thành phần này nắm quyền, chúng sẽ phát động một phong trào tương tự như Cách mạng Văn hóa, để tiêu diệt người khác chính kiến như ý đồ của Mao Trạch Đông trong cuộc Cách mạng văn hóa 1966-1976”.

Dư luận cũng tập trung vào ý nghĩa của bài nói chuyện của  ông Tập Cận Bình, tại trường Đảng tháng trước đó được phổ biến ngày 16/3. Nhân gián tiếp cảnh báo với cán bộ cao cấp về biện pháp đảng sẽ  dùng để chấn chỉnh tác phong và hành động của ông Bạc Hy Lai, ông Tập Cận Bình đã nói về sự băng hoại đạo đức của đảng viên và suy thoái tinh thần của đảng. Sự kêu gọi sự chấn chỉnh tác phong đảng viên chỉ là cách nói công thức. Tuy nhiên, thời điểm công bố bài diễn văn  làm cho dư luận suy diễn như một dấu hiệu đấu đá nội bộ.

Thật ra toàn bộ vụ Bạc Hy Lai chỉ là “vấn đề vị trí” của bóng ma Mao Trạch Đông. Bóng ma của Mao đã được đồng thuận có một vị trí nhất định trong đời sống chính trị Trung Quốc. Nay có người muốn xê dịch bóng ma về hướng có lợi cho mình thì nó cần được đưa trở về vị trí cũ.

Việc cách chức ông Bạc Hy Lai chỉ là một điều chỉnh nhân sự như một cơn gió nhẹ thổi qua mặt hồ đang phẳng lặng. Nó không phải là một trận bão, hay nói cách khác không phải là dấu hiệu của một cuộc  tranh chấp quyền hành giống như cuộc tranh chấp giữa Bè lũ Bốn tên và nhóm Đặng Tiểu Bình, sau khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976.

Cơn gió thoảng qua, mặt hồ lại phẳng lặng. Việc chuyển quyền từ tay Hồ Cẩm Đào qua Tập Cận Bình sẽ diễn tiến đúng như kịch bản được dự kiến.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570214

Hôm nay

2250

Hôm qua

2367

Tuần này

22597

Tháng này

228738

Tháng qua

129483

Tất cả

114570214